Sunday, February 26, 2012

Banking reform



Chỉ sau 5 năm hệ thống ngân hàng được tự do hóa, tổng dư nợ tín dụng tăng từ 85 lên 135% GDP. Sự tăng trưởng vượt bực tín dụng nội địa đã đẩy giá bất động sản và chứng khoán tăng vọt. Tiêu dùng và đầu tư tăng mạnh dẫn đến tăng trưởng nóng, đồng nội tệ bị định giá quá cao (overvalued), thâm hụt cán cân vãn lai, đồng thời lạm phát và lãi suất danh nghĩa tăng cao. Ngay khi nền kinh tế bị tác động bởi một vài cú sốc bên ngoài, một loạt doanh nghiệp đổ vỡ, bong bóng bất động sản và chứng khoán xì hơi. Hậu quả là tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng tăng rất nhanh đẩy một số ngân hàng đến bờ vực phá sản, nền kinh tế đối mặt với nguy cơ khủng hoảng và suy thoái.

Đó là những gì đã xảy ra với Thụy điển trong giai đoạn cuối 1980 đầu 1990, đã hơn 20 năm nhưng có lẽ hoàn cảnh kinh tế tài chính của Việt nam trong vài năm quá có nhiều điểm tương đồng như vậy. Đối mặt với nguy cơ khủng hoảng, trong hai năm 1992-1993 Thụy điển đã thực hiện một cuộc cải cách hệ thống ngân hàng ngoạn mục, sau này được nhiều nhà kinh tế đánh giá là một cuộc cải cách thành công nhất trong lịch sử ngân hàng hiện đại. Không những tránh được đổ vỡ tài chính liên hoàn, kinh tế Thụy điển tăng trưởng rất ấn tượng những năm sau đó và chính phủ nước này đã thu hồi lại được gần như toàn bộ số tiền bỏ ra cứu trợ. Bài học của Thụy điển được nhiều nước học tập trong cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua ở những mức độ khác nhau. Việt nam, với kế hoạch cải tổ hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, rất có thể cũng sẽ học được nhiều điều từ kinh nghiệm của Thụy điển. Dưới đây là những gì Thụy điển đã làm và những bài học quan trọng được rút ra từ kinh nghiệm của họ.


Thụy điển 1992-1993

Cho đến năm 1992, Thụy điển thi hành chính sách tỷ giá cố định với hi vọng sẽ kiềm chế được lạm phát. Tuy nhiên mục tiêu lạm phát không đạt được khi lạm phát tăng quá 2 con số vào cuối những năm 1980, đồng thời đồng Krona bị định giá quá cao làm giảm sức cạnh tranh của các doanh nghiệp nội địa dẫn đến thâm hụt cán cân thanh toán ngày càng tăng. Tháng 11/1992 ngân hàng trung ương Thụy điển, Riksbank, phải chấp nhận thả nổi tỷ giá và chuyển sang sử dụng mục tiêu lạm phát (inflation targeting). Trong vòng 6 tháng đồng Krona mất giá hơn 40% và chỉ trong 2 năm cán cân vãn lai (current account balance) chuyển từ thâm hụt sang thặng dư. Lãi suất cho vay danh nghĩa cũng giảm từ 16% năm 1992 xuống dưới 10% năm 1996. Mặc dù GDP bị sụt giảm 6% trong 3 năm từ 1990 đến 1993, những năm sau đó Thụy điển có tăng trưởng trung bình gần 4%/năm bỏ xa các nước châu Âu khác trong cùng thời kỳ.

Tuy vai trò của chính sách thả nổi tỷ giá, đồng nghĩa với gián tiếp phá giá mạnh đồng nội tệ, rất quan trọng trong những năm đó, cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng là chìa khóa dẫn đến thành công của Thụy điển. Đối mặt với sự đổ vỡ ngân hàng hàng loạt, đầu năm 1992 chính phủ Thụy điển tuyên bố bảo đảm toàn bộ số vốn của người dân và doanh nghiệp gửi hoặc đầu tư trong hệ thống ngân hàng ngoại trừ vốn của giới chủ ngân hàng. Mặc dù biện pháp bảo đảm toàn bộ (blanket guarantee) này gây nhiều tranh cãi, có lẽ đó là giải pháp duy nhất Thụy điển có thể lựa chọn ở thời điểm đó để ngăn ngừa sụp đổ dây chuyền. Sau này nhiều nước châu Âu như Đức, Ireland, Iceland, Đan mạch và Úc, New Zealand đã áp dụng biện pháp này ở thời điểm cao trào của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một nghiên cứu của IMF cũng ủng hộ bảo đảm toàn bộ khi thị trường tài chính có nguy cơ rơi vào khủng hoảng tuy vẫn cảnh báo chi phí cho biện pháp này không nhỏ.

Sau khi trấn an thị trường bằng bảo đảm toàn bộ, Thụy điển quốc hữu hóa và hợp nhất hai ngân hàng Gotabanken và Nordbanken, ở thời điểm đó không còn đủ vốn chủ sở hữu theo luật định. Thụy điển đã rất kiên quyết loại bỏ các cổ đông hiện hữu của hai ngân hàng này, giữ vững nguyên tắc các chủ ngân hàng phải chịu lỗ và mất vốn trước khi chính phủ rót tiền cứu trợ. Biện pháp mạnh tay này đã thúc đẩy các ngân hàng thương mại khác nhanh chóng tăng vốn chủ sở hữu (recapitalize), giảm bớt rủi ro cho toàn bộ hệ thống. Riêng với hai ngân hàng bị quốc hữu hóa, Thụy điển tách số tài sản xấu ra khỏi bảng cân đối tài sản và giao cho hai công ty quản lý tài sản (AMC - asset management company) quản lý riêng. Hai AMC này hoạt động như một dạng quĩ đầu tư vốn (private equity fund), cấp vốn và quản lý những doanh nghiệp còn khả năng sinh lợi đồng thời lựa chọn thời điểm và khách hàng thích hợp để thanh lý những phần tài sản còn lại. Đến năm 1997 các AMC đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ của mình và được giải thể. Ngân hàng Nordbanken cũng dần dần được tư hữu hóa và đổi tên thành Nordea. Toàn bộ chi phí cho vụ giải cứu/cải tổ hệ thống ngân hàng này của Thụy điển khoảng 4% GDP nhưng sau khi tư hữu hóa Nordbanken và thanh lý AMC ngân sách Thụy điển đã thu lại được gần như toàn bộ số tiền nói trên.


Bài học Thụy điển

Ngay từ năm 1997 đích thân thống đốc Urban Bäckström của Riksbank đã có một bài phát biểu tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Kansas City) tổng kết kinh nghiệm của mình. Đến năm 2007, Emre Ergungor, một nhà kinh tế thuộc Fed Cleveland, viết một bài tổng kết khá chi tiết kinh nghiệm giải cứu hệ thống ngân hàng của Thụy điển giai đoạn 1992-1993. Bài nghiên cứu này được báo Wall Street Journal tóm tắt lại vào tháng 2/2009 khi giới hoạch định chính sách Mỹ đang loay hoay giải cứu hệ thống tài chính của mình. Cũng vào thời điểm đó, Lars Jonung - giáo sư kinh tế của Lund University - có một tổng kết tương tự viết cho ECFIN của European Commission. Tựu trung có ba bài học quan trọng từ kinh nghiệm của Thụy điển.

Bài học thứ nhất là tính minh bạch. Chính thống đốc Bäckström cho biết ở thời điểm đáy của cuộc khủng hoảng Thụy điển có thể giấu thông tin về các khoản lỗ của các ngân hàng và để cho các AMC thanh lý dần dần nhằm tránh gây sốc cho thị trường. Tuy nhiên Riksbank đã quyết định công bố toàn bộ thông tin về tài sản và nợ xấu, điều này vừa giúp giảm bớt bất ổn (uncertainty) của hệ thống vừa giúp chính phủ nhìn rõ các rủi ro và chuẩn bị nguồn lực đủ lớn đủ để hoàn thành kế hoạch giải cứu. Việc yêu cầu các ngân hàng thua lỗ mở sổ sách cũng giúp Thụy điển dễ dàng bắt các chủ ngân hàng hiện hữu chấp nhận lỗ và mất quyền kiểm soát ngân hàng (bị quốc hữu hóa). Đảng cầm quyền và phe đối lập đạt được đồng thuận về phương án giải quyết phần nào cũng nhờ sự minh bạch này.

Bài học thứ hai là nguồn lực cho công cuộc giải cứu/cải tổ phải đủ mạnh. Nguồn lực ở đây không chỉ dừng ở nguồn tài chính để tái cấp vốn và bảo đảm toàn bộ (blanker guarantee) mà còn là cơ chế và thẩm quyển của những cá nhân và đơn vị trực tiếp tham gia vào quá trình giải cứu. Cụ thể các AMC của Thụy điển đã được chính phủ cam kết cung cấp mức vốn lên đến 24 tỷ Krona, tương đương với ngân sách quốc phòng trong một năm. Các AMC được giao rất nhiều quyền liên quan đến việc quản lý và định đoạt số tài sản mà họ được giao, ví dụ thuê mướn hay sa thải lãnh đạo các doanh nghiệp mà họ năm cổ phần hay thay đổi chiến lược kinh doanh của các công ty đó. Quyền lực của các AMC còn được gia tăng nhờ một số qui chế đặc cách liên quan đến các qui định và luật pháp quản lý ngân hàng hiện hữu. Tuy vậy AMC và các ngân hàng bị quốc hữu hóa vẫn phải đảm bảo tuân thủ theo các nguyên tắc thị trường.

Bài học thứ ba là giải quyết các vấn đề của hệ thống ngân hàng phải nằm trong tổng thể một gói chính sách vĩ mô đúng đắn có tầm nhìn. Thụy điển đã không thể thoát ra khỏi khủng hoảng nếu không có chính sách tỷ giá hợp lý đưa đồng Krona về đúng giá trị của nó và sự trợ giúp thanh khoản đầy đủ của Riksbank cho hệ thống ngân hàng ở những thời điểm khó khăn. Một cơ chế bình ổn tài khóa tự động cũng giúp kinh tế Thụy điển không rơi vào suy thoái quá sâu và giảm nhẹ gánh nặng kinh tế cho những người bị thất nghiệp. Hệ thống ngân hàng sau khi được tái cơ cấu cần phải được giám sát và quản lý rủi ro chặt chẽ nhằm tránh tăng trưởng tín dụng quá nóng và tích tụ quá nhiều nợ xấu là tiền đề của một cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Tất nhiên rút ra bài học thì dễ, thực hiện được và thành công như Thụy điển không đơn giản chút nào. Mỹ đã không dám dũng cảm quốc hữu hóa Bear Stearns, Citigroup. Ireland, Iceland đã rơi vào vũng lầy nợ nần vì bảo đảm toàn bộ hệ thống ngân hàng. Châu Âu không thể vực dậy nền kinh tế vì ECB không linh hoạt trong chính sách tiền tệ. Anh vẫn loay hoay với chính sách tài khóa thắt lưng buộc bụng. Nhưng nói vậy không có nghĩa Việt nam không cần tham khảo và học hỏi những gì Thụy điển đã thành công. Một kế hoạch tái cơ cấu hệ thống ngân hàng có sự tham gia của đồng vốn nhà nước cần tuân thủ theo nguyên tắc các chủ ngân hàng phải là người chịu lỗ đầu tiên dù người dân gửi tiền có thể sẽ được nhà nước đứng ra bảo đảm. Kế hoạch và phương án tái cơ cấu cần phải minh bạch, nợ xấu của các ngân hàng cần công khai. Nếu Việt nam cũng thành lập các AMC để tách biệt tài sản xấu tính minh bạch càng cần trú trọng. Cuối cùng là NHNN càn có một quyết sách dũng cảm về chính sách tỷ giá, giải quyết triệt để vấn đề thâm hụt thương mại.

[Note: Một version của bài viết này đã được đăng trên TBKTSG]


Tài liệu tham khảo

Anders Aslund, 2009, Lessons for the US from the Swedish Bank Crisis, http://www.petersoninstitute.org/realtime/?p=504

Emre Ergungor, 2007, On the Resolution of Financial Crises: The Swedish Experience, http://www.clevelandfed.org/research/PolicyDis/pdp21.pdf

Lars Jonung, 2007, The Swedish model for resolving the banking crisis of 1991-93. Seven reasons why it was successful, http://ec.europa.eu/economy_finance/publications/publication14098_en.pdf

Wall Street Journal, 20/02/2009, Lessons from Sweden’s Bank Nationalization,  http://blogs.wsj.com/economics/2009/02/20/lessons-from-swedens-bank-nationalization/

Urban Bäckström, 1997, The Swedish experience, http://www.riksbank.se/en/Press-and-published/Speeches/1997/The-Swedish-experience/



Update (12/3): Bài học về kỷ luật tài khóa của Thụy điển thời gian đó.


Tuesday, February 21, 2012

Output gap


Tôi có viết vài entry về output gap/potential GDP trước đây và đã giới thiệu một số phương pháp tính (tham khảo thêm bài này của Mark Thoma). Tuần vừa rồi giới blogger lại rộ lên về vấn đề này sau một bài phát biểu của James Bullard, giám đốc Fed St Louis. Bullard hiện là thành viên của FOMC, hội đồng quyết định lãi suất của Fed, và vẫn được cho là hawkish so với các thành viên khác (muốn tăng lãi suất).

Để quyết định lãi suất các nhà kinh tế của Fed sử dụng Taylor's rule, một hàm số liên hệ giữa lãi suất với lạm phát và output gap. Đa số các nhà kinh tế đều cho rằng hiện tại output gap của Mỹ đang âm rất lớn, không dưới 5%. Do đó theo Taylor's rule lãi suất danh nghĩa đúng ra phải âm nên FOMC giữ lãi suất gần zero là có cơ sở. Phản bác lại lập luận này, Bullard cho rằng output gap hiện tại không (âm) lớn như nhiều người ước tính mà có lẽ đã gần zero, do đó có cơ sở để FOMC tăng lãi suất. Theo Bullard, các ước tính khác sai vì potential GDP sau khi khủng hoảng đã thấp hơn so với các tính toán trước đây (output gap = actual GDP - potential GDP).

Sở dĩ potential GDP của Mỹ sau khủng hoảng giảm vì khi giá nhà đất giảm và không phục hồi lại được, một lượng của cải lớn đã biến mất, do đó năng lực sản xuất của nền kinh tế bị ảnh hưởng. Lập luận này ngay lập tức bị "ném đá" tơi bời bởi phe "salt water" (Krugman, Matt Yglesias, Karl SmithTim Duy, Scott Sumner) trong khi phe "fresh water" (David Andolfatto, Stephen Williamson, Tyler Cowen) lên tiếng bảo vệ nhưng khá yếu. Bullard, từng theo học kinh tế tại Minnesota và Indiana University, hiện đang là adjunct faculty của Washington University at St Louis, vẫn được cho là thành viên của phe fresh water.

Trong những phản biện của phe salt water, bài của Tim Duy rõ ràng nhất (nên đọc này, bài của Krugman khá nasty, có ý chê bai bằng PhD của Bullard). Trong đó Tim Duy cho rằng Bullard sai lầm vì wealth effect chỉ ảnh hưởng đến demand side chứ không có tác động trực tiếp lên supply side, nghĩa là potential GDP không bị ảnh hưởng gì. Demand side là lãnh địa của trường phái Keynesian (một bộ phận của salt water), bởi vậy khá ngạc nhiên Bullard đi lạc vào đây trong khi từ trước tới giờ phe fresh water vẫn chê bai các chính sách demand management của giới Keynesian. Quan trọng hơn Tim Duy chỉ ra rằng mặc dù Bullard chỉ trích ước lượng potential output của Congressional Budget Office (CBO) nhưng dường như Bullard không hiểu mô hình và cách tính của CBO. Trên thực tế CBO dựa vào mô hình Solow's growth model để ước lượng potential GDP, một mô hình thuộc lại neo-classical.

Để chữa cháy, Bullard gửi một bức thư trả lời Tim Duy (đến bao giờ mới có một quan chức VN viết thư trả lời blogger hay nhà báo nhỉ?) trích dẫn nghiên cứu của Susanto Basu và John Fernald, trong đó 2 tác giả này chỉ trích các mô hình "one-sector" như Solow's growth model nói riêng và các ước lượng potential output nói chung. Nếu dùng mô hình để ước lượng output gap, họ cho rằng cần sử dụng một mô hình general equilibrium vd một DSGE dựa trên New Keynesian models. Trong bài trả lời này Bullard dường như nhận ra sai lầm của mình trong bài phát biểu trước nên đã chuyển sang một lập luận khác cho rằng nền kinh tế Mỹ trước khủng hoảng vận hành above trend, nghĩa là có output gap dương (Andolfatto bảo vệ Bullard theo hướng này). Do đó những ước lượng potential output dựa vào số liệu lịch sử sẽ bị upward bias.

Tim Duy không buông tha, cho rằng lập luận này vẫn ẩn chứa demand side và như vậy không thuyết phục. Krugman cũng vậy, căn vặn nếu housing bubble làm nền kinh tế overheated thì tại sao lạm phát vẫn thấp. Đến nước này Bullard phải chơi bài "im lặng là thượng sách" :-)


[Bonus: Không biết tình cờ hay cố ý, Barclay cũng cáo buộc ước lượng của CBO bị inflated với lập luận giống hệt như Bullard. Karl Smith viện dẫn Barro bác bỏ lập luận này.]


Monday, February 13, 2012

Deposit insurance


Một bạn gửi cho tôi link này về vấn đề bảo hiểm tiền gửi và muốn tôi giải thích thêm về một comment trước đây của tôi trên Google+:

"Các nhà kinh tế VN làm ơn giải thích cho các ông bà nghị này hiểu rằng bảo hiểm tiền gửi thực ra là một chính sách bảo vệ payment system chứ không phải bảo hiểm theo nghĩa thông thường. Các ngân hàng nếu muốn hoàn tòan có thể mua bảo hiểm cho vàng, ngoại tệ hay bất kỳ thứ gì người dân gửi họ trên thị trường bảo hiểm thương mại. Có điều phí bảo hiểm sẽ rất cao so với phí bảo hiểm tiền gửi cho đồng tiền quốc gia. Nếu nhà nước phải cung cấp dịch vụ bảo hiểm với giá rẻ hơn thì có nghĩa là nhà nước trợ giá cho những thứ được bảo hiểm. Liệu nhà nước có định trợ giá cho người dân tích trữ vàng và ngoại tệ hay không?"

Bảo hiểm tiền gửi (deposit insurance) ra đời năm 1933 ở Mỹ trong cuộc Đại suy thoái khi người dân đổ xô đi rút tiền từ các ngân hàng vì sợ rằng ngân hàng của mình sẽ phá sản. Thực ra chức năng ngăn chặn "bank run" đã được giao cho các ngân hàng trung ương trước đó khá lâu (lender of last resort) nhưng vì nhiều lý do Fed đã không thể ngăn được làn sóng các ngân hàng thương mại Mỹ phá sản trong giai đoạn 1929-1933. Sự ra đời của FDIC (cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ) là một trong những chính sách quan trọng của TT Roosevelt đưa ra nhằm chống lại cuộc khủng hoảng. Sau Mỹ, nhiều nước đã copy mô hình deposit insurance này nhưng một số nước khác cho đến nay vẫn không có bảo hiểm tiền gửi (ngoại trừ một giai đoạn ngắn đích thân chính phủ đứng ra bảo đảm cho toàn bộ deposit trong khủng hoảng tài chính 2007-2009 vừa qua). Giới kinh tế cũng có nhiều tranh cãi về vai trò "bảo hiểm" của cơ chế này, đến nay vẫn chưa ngã ngũ.

Theo cách hiểu thông thường "bảo hiểm" là một hình thức phân tán và chia sẻ rủi ro qua một đầu mối là nhà cung cấp (bán) dịch vụ bảo hiểm. Phí bảo hiểm được tính dựa theo xác suất và tổng thiệt hại nếu sự kiện được bảo hiểm xảy ra (cộng với lợi nhuận cho công ty bảo hiểm). Hiển nhiên nếu xác suất và/hoặc tổng thiệt hại càng cao thì phí bảo hiểm càng đắt. Ngoài ra phí bảo hiểm còn phụ thuộc vào khả năng phân tán rủi ro của sự kiện được bảo hiểm. Nếu sự kiện được bảo hiểm có xác suất xảy ra thấp nhưng khi nó xảy ra nhiều người cùng lúc bị thiệt hại thì khả năng phân tán rủi ro thấp, do vậy phí bảo hiểm sẽ cao hơn. Nhu cầu phân tán rủi ro ra càng rộng càng tốt là lý do xuất hiện các doanh nghiệp tái bảo hiểm.

Quay lại vấn đề bảo hiểm tiền gửi, mặc dù nhiều hình thức bảo hiểm liên quan đến tài chính cá nhân đã tồn tại rất lâu như life insurance, income protection, mortgage insurance, nhưng chưa bao giờ bảo hiểm tiền gửi tồn tại trên thị trường bảo hiểm tự do. Có thể có 2 lý do: không ai muốn bảo hiểm hoặc không ai chịu bán bảo hiểm cho loại rủi ro này, nói theo ngôn ngữ kinh tế học là không có demand hoặc không có supply. Nhưng cũng trên quan điểm kinh tế học, demand và supply luôn tồn tại chẳng qua không tồn tại một mức giá để 2 đường demand/supply cắt nhau ở một điểm hợp lý (>0). Nói cách khác nếu để thị trường tự do quyết định giá, phí bảo hiểm tiền gửi chấp nhận được cho một nhà bảo hiểm sẽ rất cao nên không ngân hàng nào chịu được. Hay ngược lại phí mà các ngân hàng chấp nhận đóng để được bảo hiểm tiền gửi quá thấp để một công ty bảo hiểm tư nhân dám đứng ra nhận bán loại hình bảo hiểm này.

Tại sao lại có sự chênh lệch giá quá lớn như vậy? Với "willingness to pay" của các ngân hàng, nghĩa là giá từ phía người mua bảo hiểm, có thể thấy nó thấp các ngân hàng không mấy mặn mà gì mua bảo hiểm rủi ro này. Thứ nhất rủi ro bank run với ngân hàng khá nhỏ, nếu ngân hàng trung ương làm tốt chức năng lender of last resort thì họ không lo gì trong trường hợp balance sheet của họ healthy (ít/không có bad debt và có equity đủ lớn). Hơn nữa nếu rủi ro này xả ra và ngân hàng đằng nào cũng phá sản thì thiệt hại không phải của chủ ngân hàng mà là của người gửi tiền. Ngân hàng chỉ lo cho người gửi tiền nếu điều này giúp thu hút khách hàng (depositor) và giảm chi phí huy động vốn. Chưa rõ việc bảo hiểm trên thị trường tự do có làm depositor có thiện cảm hơn không, một điều chắc chắn là chi phí bảo hiểm sẽ làm giảm lợi nhuận của ngân hàng và do vậy họ sẽ kém cạnh tranh hơn với các ngân hàng đối thủ. Bởi vậy các ngân hàng chỉ mua bảo hiểm (trên thị trường tự do) nếu phí bảo hiểm thực sự không đáng kể.

Về phía các nhà bảo hiểm, mặc dù rủi ro bank run nhỏ nhưng một điều dễ thấy là khả năng lây lan của bank run rất lớn. Nói cách khác rủi ro bank run thuộc loại systemic risk, nghĩa là khi nó xảy ra có khả năng nó sẽ xảy ra trên diện rộng. Chưa kể nếu khủng hoảng tài chính xảy ra nền kinh tế sẽ rất dễ rơi vào suy thoái và các khoản đầu tư của các công ty bảo hiểm sẽ mất giá. Điều này hạn chế nhiều khả năng phân tán rủi ro của nhà bảo hiểm nếu họ không re-insure được rủi ro này cho ai đó. Nhưng khả năng re-insure không cao vì tổng deposit trong hệ thống ngân hàng của một quốc gia rất lớn, có thể gấp vài lần GDP (vd Iceland vừa rồi). Re-insurance trên thị trường nội địa không khả thi, ngay cả trên thị trường quốc tế cũng sẽ có nhiều khó khăn liên quan đến tỷ giá và dòng vốn vào ra rất lớn. Tóm lại nếu có một nhà bảo hiểm tư nhân nào dám dũng cảm đứng ra nhận bảo hiểm tiền gửi, chắc chắn phí bảo hiểm sẽ rất cao vì rủi ro lớn và khó phân tán.

Câu hỏi tiếp theo cần đặt ra là nếu thị trường tự do không cung cấp được dịch vụ này, liệu nhà nước có nên/cần đứng ra làm thay chức năng của thị trường hay không? Nói cách khác liệu bảo hiểm tiền gửi có đem lại lợi ích cho toàn xã hội cao hơn tổng chi phí bảo hiểm thực sự (bao gồm trợ giá) hay không? Phe ủng hộ cho rằng giảm thiểu rủi ro bank run là điều cần thiết cho nền kinh tế dù nhà nước có phải trợ giá. Một hệ thống tài chính không chỉ có vai trò luân chuyển vốn mà còn là một payment system giúp nền kinh tế vận hành trơn chu. Nếu coi vốn là máu của một nền kinh tế thì payment system là hệ thống mạch máu của nền kinh tế đó. Không chỉ khi bank run xảy ra payment system mới bị thiệt hại mà chỉ cần nỗi lo về bank run cũng khiến người dân và doanh nghiệp tích trữ cash nhiều hơn, bypass hệ thống ngân hàng dù họ tốn nhiều chi phí và chịu nhiều loại rủi ro khác hơn. Một lập luận quan trọng khác của phe này là vai trò giám sát nhà nước đối với hệ thống ngân hàng thông qua cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Họ cho rằng một khi các ngân hàng đã nhận được trợ giá phí bảo hiểm tiền gửi thì họ sẽ dễ chấp nhận sự giám sát và quản lý của nhà nước, tương tự như đối với ngân hàng trung ương. Chấp nhận mở sổ sách cho một cơ quan nhà nước kiểm tra dễ hơn so với phải mở sổ sách cho một nhà bảo hiểm tư nhân giám định. Trên thực tế FDIC có vai trò giám sát rất lớn trong hệ thống ngân hàng Mỹ.

Ngược lại phe chống đối bảo hiểm tiền gửi cho rằng chức năng chống bank run và giám sát hệ thống tài chính đã được giao cho ngân hàng trung ương, tại sao còn cần thêm một cơ quan nhà nước nữa? Ngoài lần duy nhất FDIC của Mỹ tỏ ra có vai trò ổn định lại hệ thống ngân hàng Mỹ trong thập kỷ 1930, chưa có bằng chứng nào cho thấy bảo hiểm tiền gửi là một cơ chế hữu hiệu chống lại bank run. Đến cuộc khủng hoảng vừa rồi khi hệ thống tài chính đứng trên bờ vực phá sản thì bản thân chính phủ phải đứng ra bailout chứ cơ quan bảo hiểm tiền gửi cũng bó tay vì qui mô cứu trợ quá lớn. Vai trò giám sát và thanh lý một ngân hàng sau khi nó phá sản của FDIC cũng tỏ ra kém hiệu quả, bằng chứng là Fed có trọng lượng hơn nhiều trong vụ Bear Stearns và Lehman Brothers. Một điểm quan trọng nữa, giống như những loại bảo hiểm khác, bảo hiểm tiền gửi sẽ tạo ra moral hazard trong giới ngân hàng làm gia tăng rủi ro hệ thống. Khác với chức năng lender of last resort của ngân hàng trung ương, bảo hiểm tiền gửi không hề phân biệt những ngân hàng cẩn trọng với các ngân hàng liều lĩnh, phí bảo hiểm như nhau. Vấn đề moral hazard còn xảy ra với người dân đi gửi tiền, thay vì phải "chọn mặt gửi vàng" thì họ cứ chạy theo ngân hàng nào có lãi suất cao vì đằng nào tiền của họ cũng đã được nhà nước bảo hiểm. Tóm lại không phải không có lý mà Úc và một số nước khác không có bảo hiểm tiền gửi.


Không rõ khi Bảo hiểm Tiền gửi VN được thành lập cách đây hơn 10 năm những vấn đề trên có được đem ra cân nhắc không. Tuy nhiên hiện tại trọng tâm thảo luận đã xoay qua vấn đề liệu có nên bảo hiểm cho vàng và đô la của người dân gửi ở ngân hàng hay không chứ bảo hiểm tiền gửi cho VND đã trở thành điều hiển nhiên. Dường như những ông bà nghị đang yêu cầu phải bảo hiểm cả vàng và đô la gửi ở ngân hàng đều nghĩ rằng đó là một "nhiệm vụ" mà nhà nước phải đứng ra thực hiện cho người gửi, hay nói cách khác bảo đảm tài sản cho người dân trong trường hợp ngân hàng phá sản là trách nhiệm của nhà nước. Nếu vậy nhà nước có trách nhiệm bảo đảm các loại tài sản khác cho người dân hay không? Chẳng hạn nhà nước có phải cung cấp dịch vụ bảo hiểm chứng khoán để nếu một công ty phá sản thì người dân được đền bù hay không? Cái khác nhau giữa tiền gửi ngân hàng và chứng khoán là gì? Hay nói rộng hơn nhà nước có phải thay thị trường bán tất cả các loại bảo hiểm liên quan đến rủi ro mất tài sản của người dân hay không? Theo tôi trách nhiệm bảo đảm tài sản cá nhân duy nhất của nhà nước là bảo vệ property right bằng hệ thống pháp luật. Khi người dân đem tiền đi đầu tư (gửi vào ngân hàng cũng là một hình thức đầu tư) thì họ phải chấp nhận rủi ro sẽ mất vốn. Bảo hiểm tiền gửi đã và đang tồn tại ở nhiều nước không phải là cam kết bảo vệ tài sản cho công dân mà là một biện pháp bảo vệ payment system của các quốc gia, bảo hiểm tiền gửi của VN cũng vậy.

Nếu đặt vất đề trên quan điểm như vậy, câu hỏi tiếp theo sẽ là liệu vàng và đô la có phải là một cấu thành quan trọng trong payment system của VN hay không để nhà nước phải cung cấp dịch vụ bảo hiểm. Hiển nhiên không quốc gia nào muốn vàng và ngoại tệ cạnh tranh với đồng nội tệ trong hệ thống thanh toán của mình, trừ những quốc gia điều hành tiền tệ quá kém gây ra siêu lạm phát. VN đã và đang tìm mọi cách nâng vị thế của đồng nội tệ và chống đô la hóa, ra sức ngăn cấm việc giao dịch, thậm chí niêm yết giá bằng ngoại tệ. NHNN cũng đã có những chính sách ngăn bớt giao dịch và tiết kiệm bằng vàng, đang nghiên cứu kế hoạch huy động hết số vàng người dân tiết kiệm để vàng không còn trôi nổi trong dân. Như vậy có thể thấy VN không muốn vàng và đô la cạnh tranh với VND trong vai trò phương tiện thanh toán, nghĩa là nếu NHNN thành công thì trong tương lai VND sẽ lên ngôi phương tiện thanh toán độc tôn như đồng RMB ở TQ hay đồng SGD của Singapore. Điều này sẽ giúp chính sách tiền tệ hiệu quả hơn và hệ thống tài chính ổn định hơn khi giá vàng hay tỷ giá USD thay đổi mạnh. Nếu đó là mục tiêu dài hạn của VN thì rõ ràng không cần và không nên bảo hiểm cho vàng và đô la, chẳng lẽ lại trợ giúp cho những đối thủ cạnh tranh với đồng nội tệ trong khi mình muốn loại bỏ chúng trong tương lai.

Tất nhiên không ai cấm các ngân hàng tìm cách bảo hiểm vàng và đô la do người dân gửi nếu họ có thể tìm được một nhà bảo hiểm thương mại nào chấp nhận đứng ra bảo hiểm. Tương tự như vậy với những tài khoản VND vượt quá hạn mức bảo hiểm theo luật định hay những tài khoản không nằm trong diện được bảo hiểm, ngân hàng hoàn toàn có quyền đi tìm mua bảo hiểm trên thị trường. Nếu không tồn tại một thị trường bảo hiểm cho nhu cầu này vì những lý do tôi đã nêu bên trên, tôi ủng hộ một phương án Bộ Tài chính đứng ra mở một công ty bảo hiểm thương mại 100% vốn nhà nước, khác với cơ quan bảo hiểm tiền gửi, nhận bảo hiểm cho vàng và đô la của người dân gửi ở ngân hàng. Tất nhiên mức phí bảo hiểm phải được tính đủ để cover cho những rủi ro của loại hình bảo hiểm này chứ không thấp như bảo hiểm cho VND. Như vậy sẽ tách biệt việc bảo hiểm rủi ro có tính thương mại với việc bảo vệ payment system thông qua trợ giá của nhà nước. Nói vậy chứ tôi không tin người dân và ngân hàng sẽ mua sản phẩm bảo hiểm này vì phí bảo hiểm sẽ rất cao.

Điểm cuối cùng liên quan đến dự luật bảo hiểm tiền gửi là dường như các đại biểu QH chỉ quan tâm đến bảo hiểm cái gì, cho ai, và bao nhiêu chứ không ai biết đến vai trò giám sát hệ thống ngân hàng và chức năng thanh lý/phát mãi các ngân hàng phá sản của cơ quan bảo hiểm tiền gửi. Đây là chức năng quan trọng không kém chức năng "bảo hiểm" của cơ quan này. Cần phải xây dựng phần luật này thật đầy đủ và chặt chẽ để tránh bị chồng chéo nhưng đồng thời bổ sung cho các chức năng giám sát của NHNN. Cũng cần giao cho cơ quan bảo hiểm tiền gửi một số chế tài nhất định.



Friday, February 10, 2012

New econblog



Trân trọng giới thiệu với các bạn một blog mới toanh về kinh tế tài chính VN của anh Vũ Quang Đông. Anh Đông tốt nghiệp PhD kinh tế tại Georgetown University cách đây vài năm và là một ngôi sao trẻ đang lên của Vietcombank (cái này là tôi nghe một sếp của VCB nói). Hiện tại bloc mới chỉ có 2 bài nhưng chắc chắn trong tương lai anh Đông sẽ cung cấp cho các bạn nhiều thông tin bổ ích và cái nhìn của một người trong cuộc. Chúc mừng Đông đã gia nhập hàng ngũ blogger :-)



Wednesday, February 8, 2012

Greed II



Nhân bạn Duy Linh giới thiệu một bài viết về đầu cơ của bác Đinh Tuấn Minh, tôi trích dẫn lại dưới đây một số trao đổi cá nhân với một người bạn về vấn đề này. Quan điểm của tôi trên blog từ trước đến giờ vẫn là đầu cơ không xấu nhưng cần phải có kiểm soát, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng, hỗn loạn. Cả hai quan điểm phải cấm hoàn toàn đầu cơ hoặc đầu cơ vô tội đều quá extreme sẽ đẩy thị trường vào sub-optimum outcome.




Hoạt động đầu cơ hiểu theo nghĩa thông thường là mua rẻ bán đắt, người đầu cơ không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất mà chỉ mua đi bán lại kiếm lời. Ở nhiều nền văn hóa từ cổ chí kim hoạt động đầu cơ thường bị cho là xấu, nếu không phạm pháp thì cũng không tốt về mặt đạo đức. Tuy nhiên cũng có những quan điểm ngược lại, điển hình là của Milton Friedman khi ông cho rằng hoạt động đầu cơ luôn có tác dụng bình ổn thị trường vì nó làm gia tăng cầu khi giá sụt giảm và ngược lại làm tăng cung khi giá tăng cao, chưa kể nó còn giúp làm tăng liquidity của thị trường. Tuy nhiên về mặt lý thuyết nhiều mô hình về speculation attack đã chứng minh khả năng self fulfilling collapse của giá cả các mặt hàng bị đầu cơ, hay khả năng có price bubble khi có quá nhiều speculators sử dụng momentum strategy. Một nhóm mô hình khác về cornering market cũng cho thấy khả năng destabilize giá cả nếu speculator kiểm soát được một số lớn cung hoặc cầu.

Về mặt thực tiễn, năm 2008, Michael Masters, một hedge fund manager chuyên đầu cơ dầu thô, điều trần trước Quốc hội Mỹ cho rằng giới đầu cơ là nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng vọt trong nửa đầu năm đó mặc dù thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng và suy thoái nặng nề nên nhu cầu không cao. Nhiều nhà kinh tế, điển hình là Paul Krugman, không đồng ý với lập luận của Masters, nhưng CFTC - cơ quan quản lý các giao dịch hàng hóa của Mỹ - vẫn đưa ra một số biện pháp để hạn chế đầu cơ. Cơ quan này còn điều tra và buộc tội một số cá nhân và hedge fund đã cố tình manipulate giá dầu trên thị trường futures để trục lợi bất hợp pháp. Trong cuộc khủng hoảng vừa rồi các cơ quan chức năng của nhiều nước cũng đưa ra một số biện pháp ngăn cản hoạt động đầu cơ như cấm shortsell, cấm naked CDS, tăng margin. Sau vụ mini crash tháng 5/2010, một số nước cũng bắt đầu xem xét hạn chế các hoạt động HFT, một hình thức đầu cơ kỹ thuật cao gần đây. Các regulators bức xúc vì mặc dù các HFT nói rằng hoạt động đầu cơ của họ làm tăng liquidity cho thị trường nhưng khi khủng hoảng xảy ra thì họ là những người rút liquidity ra khỏi thị trường nhanh nhất.

Trong một thị trường hoạt động orderly có lẽ Milton Friedman không sai, các nhà đầu cơ quả thực giúp thị trường cân bằng cung cầu và tìm ra mức giá hợp lý cho các loại hàng hóa. Tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng, nhất là khi các sản phẩm tài chính đã quá phức tạp và thị trường đã quá interconnected, hoạt động đầu cơ có khả năng làm thị trường sụp đổ nhanh chóng. Bởi vậy tìm ra điểm tối ưu cho hoạt động đầu cơ không đơn giản, quá ít đầu cơ sẽ làm thị trường hoạt động không hiệu quả, quá nhiều có thể destabilize thị trường. Triệt tiêu hoạt động đầu cơ là điều không nên, nhưng cho rằng các nhà đầu cơ vô tội và thả nổi hoàn toàn những hoạt động này sẽ có lúc có hậu quả vô cùng nghiêm trọng.


Sunday, February 5, 2012

Greed



Trong một hội thảo về lịch sử kinh tế của Viện Nghiên cứu Kinh tế Mỹ (American Institute for Economic Research) tại Massachusetts năm 2000 một diễn giả đã làm một cuộc khảo sát nhỏ hỏi các nhà kinh tế tham dự khái niệm kinh tế nào có ý nghĩa quan trọng nhất cho sự phát triển của kinh tế học kể từ "bàn tay vô hình" của Adam Smith. Những đề cử từ hội trường khá đa dạng, từ khái niệm "cận biên" của Walras đến "cân bằng tổng thể" của Arrow, từ "animal spirit" của Keynes đến "spontaneous order" của Hayek, thậm chí cả "giá trị thặng dư" của Marx và "creative destruction" của Schumpeter cũng được nhắc đến. Nhưng kết quả bình chọn khá bất ngờ, "Pareto efficiency" được đa số cho là khái niệm kinh tế quan trọng nhất, nó được đặt theo tên của Vilfredo Pareto - một nhà kinh tế người Ý cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Vậy Pareto efficiency là gì và tại sao nó lại quan trọng như vậy? Nói ngắn gọn khái niệm này được dùng để chỉ tình trạng một hệ thống kinh tế không thể cải thiện thêm được nữa nếu không làm một số thành viên bị thiệt hại. Lấy ví dụ khi một doanh nghiệp giảm giá sản phẩm thì người tiêu dùng được lợi nhưng doanh nghiệp đó có thể sẽ có lợi nhuận tăng lên hay giảm đi tùy thuộc vào doanh số có tăng lên sau khi giảm giá hay không. Nếu lợi nhuận vẫn tăng thì mức giá cũ chưa phải là Pareto efficient và tất cả các bên sẽ cùng có lợi khi doanh nghiệp giảm giá. Mức giá đạt đến Pareto efficient nếu giảm thêm nữa thì lợi nhuận bắt đầu giảm, nghĩa là người mua được lợi nhưng người bán sẽ bị thiệt. Một đặc điểm quan trọng của khái niệm này là nó tách biệt tính hiệu quả về mặt kinh tế với tính công bằng trong việc phân chia sản phẩm và của cải trong xã hội cho mọi thành viên. Một hệ thống kinh tế có thể rất hiệu quả nhưng không nhất thiết công bằng.

Đây là một bước ngoạt trong kinh tế học vì kể từ khi khái niệm Pareto efficiency ra đời ngành khoa học này đã chính thức tách biệt chính trị với kinh tế, trước đó người ta vẫn biết nó với tên gọi political economy. Kể từ đây các nhà kinh tế phủi tay nói nhiệm vụ của chúng tôi chỉ là làm sao cho nền kinh tế phát triển tốt còn những vấn đề như chênh lệch thu nhập hay an sinh xã hội là việc của các nhà chính trị. Cũng kể từ đây giới kinh tế học tin rằng công bằng xã hội, hiểu theo nghĩa công bằng về phân chia sản phẩm, phải được đánh đổi bằng hiệu quả kinh tế - muốn một nền kinh tế công bằng hơn phải giảm hiệu quả kinh tế xuống. Một nền kinh tế thị trường sẽ đạt Pareto efficiency nếu từng cá thể chỉ cần biết đến seft interest của mình, nghĩa là người tiêu dùng cứ "tham" mua rẻ, nhà sản xuất cứ "tham" bán đắt miền là "bàn tay vô hình" phát huy tác dụng. Tính tham lam trong kinh tế là biểu hiện của rationality, bản chất tự nhiên của con người và không có gì đáng trách. Bởi vậy nếu một bộ phận xã hội nào đó bị thua thiệt quá nhiều trong hệ thống kinh tế này, giải pháp thích hợp nhất không phải là những người khác phải bớt tham mà là nhà nước với bàn tay hữu hình của mình can thiệp vào thị trường để phân chia lại của cải trong xã hội qua một hệ thống thuế có tính progressive.

Nhưng thực tế không đơn giản như các mô hình kinh tế. Ngay từ những năm 1930, nghĩa là chỉ vài chục năm sau khi khái niệm Pareto efficiency ra đời, John Maynard Keynes đã nhận ra rằng bàn tay vô hình có thể có lúc bất lực: seft interest của từng cá nhân có thể sẽ không đồng nhất với interest của toàn xã hội. Bởi vậy vai trò của nhà nước không chỉ đơn thuần là phân phối lại của cải cho công bằng hơn mà còn phải thực thi những chính sách kinh tế và chức năng quản lý, giám sát để giảm bớt sự lệch pha giữa seft interest và social interest. Nói cách khác Keynes đã hoài nghi quan điểm cho rằng lòng tham của mỗi cá nhân không có hại cho toàn xã hội, dù xét trên khía cạnh Pareto efficiency. Một loạt những vấn đề kinh tế được nghiên cứu trong thế kỷ 20 (externality, information asymmetry, public goods, imperfect competition) cũng có dẫn đến kết luận giống Keynes: can thiệp của nhà nước là cần thiết bên cạnh việc phân bổ lại của cải giữa các cá nhân trong xã hội vì thị trường có những lúc thất bại. Ngoài việc trực tiếp tác động vào nền kinh tế thông qua chính sách tài khóa và tiền tệ, nhà nước cần phải có một hệ thống quản lý và điều tiết hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, cách nói khác của việc phải quản lý lòng tham, để đạt Pareto efficiency cho toàn xã hội.

Sang đầu thế kỷ 21, cuộc khủng hoảng vay địa ốc dưới chuẩn 2007-2009 một lần nữa lại khơi dậy lập luận của Keynes, nhưng lần này trực diện vào lòng tham của giới tài chính. Trong những cuộc biểu tình của phong trào Chiếm phố Wall có một khẩu hiệu khá phổ biến là "Chấm dứt cứu trợ các ngân hàng". Những người biểu tình cho rằng giới đầu cơ tham lam là một phần nguyên nhân của cuộc khủng hoảng dẫn đến tình trạng thất nghiệp cao mà họ là những nạn nhân trực tiếp trong khi chính những kẻ tội đồ này lại được chính phủ Mỹ trợ giúp, gián tiếp chuyển ngược tiền thuế từ người nghèo vào túi người giầu. Lòng tham của giới phố Wall là nguyên nhân dẫn đến việc cho vay tràn lan rồi dấu nhẹm rủi ro bằng hàng loạt những công cụ tài chính phức tạp. Cũng chính vì lòng tham mà họ đã vận động QH Mỹ bãi bỏ nhiều qui định và quản lý hoạt động tài chính để gia tăng lợi nhuận và tất nhiên là lương và thưởng cho chính họ. Nhờ những nới lỏng quản lý trong thập kỷ 1980-1990 mà phố Wall đã trở nên quá lớn đến mức họ có thể bắt cả nền kinh tế làm con tin khi khủng hoảng nổ ra. Một cuộc khủng hoảng và suy thoái nặng nhất kể từ năm 1933 là cái giá nước Mỹ phải trả để có thể đưa ra một bộ luật nhằm siết lại lòng tham của giới bankers (luật Dodd-Frank 2010).

Bên cạnh những cuộc biểu tình Chiếm phố Wall đã trở nên quen thuộc vào cuối năm 2011, một cuộc biểu tình khác rất kỳ lạ đã diễn ra ở thủ đô Washington tháng 11/2011. Cùng với "lãnh tụ" Warren Buffett, hơn một trăm triệu phú Mỹ đã đưa ra yêu cầu chính phủ nước này phải đánh thuế thêm vào thu nhập của họ và những người giàu có khác. Chẳng phải họ không tham lam muốn đóng thêm tiền cho chính phủ mà vì họ biết hệ thống thuế trên thực tế có rất nhiều lỗ hổng, Warren Buffett cho biết ông đóng thuế ít hơn nhân viên của mình nếu tính theo tỷ lệ thu nhập. Đòi hỏi của nhóm triệu phú này là xóa bỏ những lỗ hổng trong luật thuế để ngăn ngừa bớt lòng tham của những người đã vận động hành lang nhằm lái luật lệ có lợi cho mình. Đây là vấn nạn "regulatory capture" mà George Stigler đã chỉ ra trong lý thuyết public choice của mình từ giữa thế kỷ 20. Trong một hệ thống chính trị không hoàn hảo, lòng tham của những nhóm lợi ích sẽ dẫn đến tình trạng quản lý nhà nước bị lợi dụng cho mục đích cá nhân mà toàn xã hội sẽ phải trả giá. Vấn đề là không phải thời nào, xã hội nào cũng có những người như Warren Buffett và không phải lúc nào họ cũng thắng những kẻ tham lam luôn muốn lái luật lệ theo hướng có lợi cho mình.

Năm 1992 nhà chính trị học Francis Fukuyama trở nên nổi tiếng khi ông cho rằng lịch sử tiến hóa các hình thái xã hội của nhân loại đã đến đích sau khi bức tường Berlin sụp đổ. Hệ thống kinh tế thị trường tự do với một nhà nước dân chủ là điểm đến cuối cùng của lịch sử loài người. Nhưng chính học giả này trong những năm gần đây đã nhận ra giới hạn của mô hình kinh tế thị trường tự do tuyệt đối (laissez-faire) khi lòng tham của từng cá nhân được phép phát huy không hạn định. Chưa một hệ thống quyền lực, kinh tế, tôn giáo nào có giải pháp triệt để kiểm soát bản tính tham lam của con người. Tuy nhiên với những gì loài người đã trải qua trong mấy nghìn năm lịch sử, một nền kinh tế thị trường với một số can thiệp nhất định của nhà nước vẫn là thỏa hiệp hiện thực nhất. Không như Fukuyama dự báo, xã hội loài người vẫn không ngừng tiến hóa để tìm đến một điểm Pareto efficiency hợp lý. Trên con đường này chắc chắn sẽ cần có không ít những cuộc biểu tình như phong trào Chiếm phố Wall hiện tại, những cuộc cách mạng như Mùa xuân Ả rập vừa qua, và có thể cả những cuộc khủng hoảng, suy thoái như chúng ta đã chứng kiến.


[Note: Một version của bài viết này đã được đăng trên SGTT.]


Friday, February 3, 2012

Supply chain III


Cũng trong năm ngoái báo chí và giới blogger có một dạo rộ lên về một nghiên cứu của một nhóm researchers ở ADB/GRIPS về value added của TQ trong chi phí sản xuất iPhone (bản rút gọn trên VoxEU). Theo tính toán của nhóm tác giả, chi phí của một chiếc iPhone 3G là $178, trong đó $172 cho các phụ kiện và chỉ có $6.5 cho công lắp ráp. Một tính toán khác của The Atlantic cũng cho kết quả tương tự, Foxconn chỉ thu được khoảng $7 tiền "gia công" một chiếc iPhone ở TQ. Nghiên cứu của ADB/GRIPS được đưa ra trong giai đoạn báo chí, giới politician và economist đang tranh luận về vấn đề tỷ giá đồng RMB quá thấp và Mỹ cần phải có biện pháp trừng phạt TQ. Với lập luận phần value added trong một chiếc iPhone chỉ chiếm chưa đến 4%, các tác giả của nghiên cứu và những người chống lại chính sách ép TQ phải tăng tỷ giá RMB cho rằng ảnh hưởng của tỷ giá RMB vào giá thành iPhone sẽ không đáng kể.

[Ngoài lề: liên quan đến vụ ép TQ tăng tỷ giá RMB một điểm rất thú vị là trong khi giới hardliner/conservative politician của Mỹ ủng hộ trừng phạt hay chí ít là công bố TQ là currency manipulator, phía media và academic cánh hữu lại có quan điểm ngược lại. Tờ WSJ và những một số right-wing economist như Mark Perry, Michael Spence chống lại chính sách ép TQ tăng tỷ giá, trong khi NYT và Paul Krugman lại rất aggressive trong việc trừng phạt TQ. Riêng tờ The Economist (thiên về left-wing) chống lại chính sách này.]

Trong nghiên cứu của ADB/GRIPS có một section mà bài báo vừa rồi của NYT có nhắc đến là ước lượng của các tác giả về phần chi phí nhân công mà Apple "tiết kiệm" được khi iPhone được lắp ráp ở TQ thay vì ở Mỹ. Với giả định giá nhân công Mỹ (cùng skill) cao hơn TQ 10 lần, một chiếc iPhone sẽ đắt hơn khoảng $65 nếu được lắp ráp hoàn toàn ở Mỹ. Các tác giả kết luận rằng với gross margin của Apple khoảng 64%, phần chi phí tăng lên này hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu Apple có tinh thần "corporate socially responsible", nghĩa là chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để bảo vệ "American jobs". Bài báo của NYT đã đánh đổ nhận định này, Apple phải lắp ráp iPhone ở TQ không phải vì để tiết kiệm $65 chi phí nhân công mà vì toàn bộ supply chain cần thiết cho quá trình sản xuất một thiết bị như iPhone đã không còn tồn tại ở Mỹ. Một ví dụ rõ ràng là để tuyển 8700 kỹ sư cho toàn bộ supply chain của iPhone, Apple sẽ phải mất 9 tháng ở Mỹ trong khi ở TQ chỉ cần 15 ngày.

Rõ ràng trị giá của supply chain đó không chỉ là $6.5 hay $7 vào tay Foxconn, nó phải lớn hơn nhiều lần dù chưa ai đinh lượng chính xác được. Nó không chỉ giúp TQ lấy được hợp đồng "gia công" iPhone cho Apple mà còn giúp nước này trở thành công xưởng của toàn thế giới cho hầu hết các loại consumer good khác. Tuy nhiên nếu phần giá trị của supply chain đó lớn, giả sử chiếm khoảng 50% giá trị của một chiếc iPhone hay một loại hàng hóa "made in China" nào đó, rõ ràng lúc này vấn đề tỷ giá đồng RMB sẽ trở nên quan trọng không như các tác giả của ADB/GRIPS và nhiều right wing economist khác lập luận. Tất nhiên tỷ giá chỉ là một yếu tố, những "thế mạnh" khác của TQ như lực lượng lao động lớn, flexible, chấp nhận làm việc trong những điều kiện tồi tệ, chấp nhận những qui định quản lý môi trường lỏng lẻo... cũng có ảnh hưởng đến sự hình thành của các supply chain. Nhưng nói tỷ giá không có ảnh hưởng gì vì TQ chủ yếu xuất khẩu processing goods là đã bỏ qua vai trò quan trọng của supply chain mà TQ đã dày công xây dựng.

Tương tự như vậy, nói VN sẽ không có lợi gì khi phá giá VND vì chủ yếu hàng xuất khẩu phải nhập nguyên liệu từ bên ngoài cũng bỏ qua vai trò của supply chain ở VN. Ảnh hưởng của tỷ giá không chỉ tác động vào phần value added trực tiếp mà doanh nghiệp nhận gia công được hưởng, nó còn giúp các thành phần khác trong supply chain ăn theo. Ngay cả khi supply chain nội địa của VN còn rất yếu và thiếu điều kiện phát triển (nhân công, cơ sở hạ tầng yếu kém), signal đầu tiên và quan trọng nhất cho các entrepreneur manh nha một supply chain là giá chứ không phải những lời hô hào kêu gọi "xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ". Chừng nào giá nguyên phụ liệu nhập từ TQ còn rẻ hơn hàng do VN sản xuất thì không hi vọng gì supply chain của VN sẽ cất cánh. Nhiều chính sách cần thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của supply chain, chính sách tỷ giá - nói trắng ra là một đồng nội tệ định giá thấp - sẽ là một chính sách không thể thiếu.


Wednesday, February 1, 2012

Supply chain II



Năm ngoái The Economist có một special report (chưa tìm lại được link) về vấn đề manufacturing sector của Mỹ đang dần dần biến mất. Loạt bài đó khơi mào cho một cuộc tranh luận rất lớn trên bloggosphere về chủ đề liệu sự chuyển dịch manufacturing sector và các supply chain liên quan có là dấu hiệu cho thấy sự suy tàn hay chí ít là Mỹ đang mất dần vai trò cường quốc số một hay không. Sau đó không lâu một bài báo khác của Forbes đặt ra câu hỏi gần giống hệt câu hỏi của NYT tại sao iPhone lại sản xuất ở TQ: "Why Amazon Can't Make A Kindle In the USA" (bác Nguyễn Vạn Phú có một blog post về bài báo này). Cũng trong thời gian đó NPR có một số podcast rất thú vị về manufacturing sector, vd podcast này. Cũng liên quan đến chủ đề này, Joseph Stiglitz đưa ra một giả thiết đầy tranh cãi rằng chính sự dịch chuyển từ manufacturing sang service là căn nguyên của cuộc khủng hoảng và suy thoái vừa rồi của Mỹ, hệt như sự dịch chuyển từ agriculture sang manufacturing đầu thế kỷ 20 gây ra Great Depression.

Bài báo của NYT và bài của Forbes đều nhấn mạnh vào supply chain, iPhone hay Kindle chỉ là mắt xích cuối cùng. Nước Mỹ mất manufacturing jobs vào tay TQ không chỉ vì TQ chấp nhận hi sinh môi trường, điều kiện làm việc của công nhân, trợ giá cho người tiêu dùng Mỹ và chính phủ Mỹ (thông qua direct subsidy và RMB undervaluation). Để xây dựng được một supply chain đủ mạnh, TQ phải có một đội ngũ lao động từ công nhân tới kỹ sư có chất lượng và flexible. Bản thân nền kinh tế phải có economies of scale để "nuôi" từng mắt xích trong supply chain đó cho đến khi toàn bộ cỗ máy được vận hành. Chính phủ TQ phải có những chính sách phù hợp xây dựng những khu chế xuất, đặc khu kinh tế đủ hiệu quả để trở thành những manufacturing hub, thu hút và nuôi dưỡng những doanh nghiệp sau này tham gia vào supply chain. Tất nhiên không thể không nhắc đến đội ngũ doanh nhân thực sự có trình độ có thể để lèo lái từ những xí nghiệp nhỏ chỉ sản xuất vài con ốc đến những doanh nghiệp lớn hàng trăm nghìn nhân công như Foxconn. Bất chấp hậu quả của cuộc Cách mạng văn hóa tàn khốc của Mao, human capital trong xã hội TQ vẫn rất đáng ngưỡng mộ. Trong khi giáo dục và y tế là mối lo hàng đầu của VN hiện nay, ít khi thấy báo chí quốc tế chê bai 2 lĩnh vực này của TQ.

Hội đủ rất nhiều yếu tố "địa lợi" như vậy, TQ cũng gặp "thiên thời" khi globalization bùng nổ sau khi bức tường Berlin sụp đổ và cuộc chiến tranh lạnh ra đi. TQ trở thành điểm đến của tất cả các doanh nghiệp có tham vọng toàn cầu, vừa là thị trường vừa là công xưởng. Như bạn Anonymous (Jan 30, 1:36AM) viết, các nước tư bản và TQ dường như ngầm định một "khế ước", một bên hồ hởi gia nhập vào global supply chain và dần dần nội địa hóa một đoạn dài của sợi xích đó, bên kia hoan hỉ với những khoản lợi nhuận ngày càng tăng vì cắt giảm được một phần đáng kể chi phí cho đoạn xích nhân công vốn rất đắt đỏ. Cái "khế ước" đó chỉ bị đe dọa khi cuộc khủng hoảng nổ ra và nước Mỹ loay hoay hơn 3 năm qua không thể khôi phục lại tăng trưởng cũng như lao động như trước, hậu quả của việc đánh mất manufacturing sector, một sector có khả năng scaling up/down rất dễ giúp labor market phục hồi nhanh hơn sau recession. Từ những bài báo của NYT hay Forbes đến những lời kêu gọi diều hâu liệt TQ vào dạng currency manipulator để dễ bề đánh tariff vào hàng nhập khẩu từ TQ, nước Mỹ đang khóc than và loay hoay giành lại một phần miếng bánh manufacturing đã mất, mà cụ thể là cái supply chain nay đã yên vị ở xứ người. Thế giới đang bớt phẳng một phần.


Update: Hôm nay Viet-studies của GS Trần Hữu Dũng có link đến một bài viết rất thú vị của Hernado de Soto, một tên tuổi lớn trong development economics. Tác giả này đưa ra một ý tưởng rất đặc biệt, dù không hẳn là mới, rằng một nền kinh tế tư bản vận hành dựa vào một knowledge system. Knowledge của de Soto không phải là "tri thức" như trong những khẩu hiệu VN hay ra rả vài năm trước mà đó là một network tất cả những records về ownership (assets, liabilities) của tài sản hữu hình và vô hình một nền kinh tế làm ra. Theo de Soto, lý do của cuộc khủng hoảng vừa rồi là những "phát minh" tài chính của Wall Street đã làm đứt đoạn hệ thống knowledge đó làm đình trệ dòng chảy của vốn và các hoạt động kinh tế khác. Mấy tháng trước Ricardo Hausmann và César Hidalgo có một nghiên cứu về complexity của một nền kinh tế dựa trên network theory. Giống như de Soto, hai tác giả này cho rằng mức độ connectivity nội tại của một nền kinh tế có quyết định lớn đến capacity của nó. Trên tiêu chí này, TQ xếp thứ 29, tiệm cận với nhóm các nước OECD và đứng đầu 4 nước BRIC (VN đứng thứ 67 trên tổng số 128 nước). Ngoài human capital có chất lượng khá tốt, một nền văn hóa có truyền thống lâu đời, một thị trường rộng lớn đủ để có economies of scale, có lẽ mức độ connectivity/complexity của TQ còn được trợ giúp bởi những industrial policies gần đây của chính phủ. Sự thành công xây dựng một supply chain ở TQ không khó hiểu nhưng sẽ khó bắt chước.