Saturday, March 31, 2012

Bond index



Chỉ số chứng khoán là một chuỗi số tổng hợp tình hình tăng giảm giá trị của thị trường hàng ngày(*). Trên thế giới có một số chỉ số rất nổi tiếng cho thị trường cổ phiếu như Dow Jones của Mỹ, FTSE của Anh, Nikkei của Nhật, được giới truyền thông đưa tin liên tục. Tuy nhiên hầu như không có một chỉ số trái phiếu nào được biết đến rộng rãi như các chỉ số cổ phiếu. Lý do chủ yếu của sự thiếu vắng này là tính phức tạp của thị trường trái phiếu, các chỉ số trái phiếu thường được chia nhỏ cho các phân nhánh đặc thù của thị trường nên số lượng chỉ số trái phiếu đông đảo và phức tạp hơn chỉ số cổ phiếu rất nhiều.

Hiện tại các chỉ số trái phiếu quốc tế được biết đến nhiều nhất trong giới tài chính đều do các ngân hàng đầu tư tính toán và công bố như các chỉ số trái phiếu của UBS, Barclay (Lehman Brothers), Bank of America (Merrill Lynch), Citigroup (Solomon Smith Barney). Điều này có nguyên nhân từ cấu trúc OTC của thị trường trái phiếu nên thông tin về giá đa số bắt nguồn từ các ngân hàng đầu tư lớn là các nhà tạo lập thị trường cho trái phiếu. Dạng chỉ số này gọi là chỉ số giá giao dịch (transaction price index).

Chỉ số giá giao dịch có một nhược điểm lớn là nhiều loại trái phiếu có thanh khoản rất thấp nên một vài giao dịch lớn có thể làm giá thay đổi rất mạnh. Ngoài ra có những trái phiếu không được giao dịch thường xuyên nên có những ngày không có giá giao dịch để tính chỉ số. Để giải quyết vấn đề này người ta đưa ra hai loại chỉ số khác là chỉ số giá ma trận (matrix price index) và chỉ số giá chào (dealer price index). Loại đầu sử dụng một vài mô hình định giá trái phiếu để ước lượng giá cho những trái phiếu có thanh khoản thấp. Loại thứ hai tính trung bình giá chào mua và chào bán của các nhà tạo lập thị trường (dealer) để xây dựng chỉ số.

Bên cạnh việc phân loại chỉ số trái phiếu theo nguồn số liệu, người ta thường chia theo loại hình trái phiếu, ví dụ trái phiếu chính phủ và doanh nghiệp, trái phiếu không trả lãi suất định kỳ, trái phiếu hiệu chỉnh lạm phát, trái phiếu với thời gian đáo hạn nằm trong một khoảng nhất định. Một cách phân loại phổ biến khác là theo rủi ro tín dụng, ví dụ trái phiếu hạng đầu tư (invesment grade) cho những trái phiếu có rủi ro tín dụng cao hơn mức BBB(#) và trái phiếu lợi suất cao (high yield hay junk) cho những loại được đánh giá thấp hơn. Thông thường với bất kỳ chuỗi chỉ số trái phiếu nào cũng được tính với giá sạch (clean price index) và với giá toàn phần (total return index). Các chỉ số giá toàn phần khác nhau sẽ có các giả thiết tái đầu tư tiền lãi định kỳ khác nhau.


(Ghi chú:
(*) Hiện tại nhiều chỉ số chứng khoán được tính theo thời gian thực (real time).
(#) Ranh giới giữa trái phiếu hạng đầu tư và trái phiếu lợi tức cao không cố định, phụ thuộc vào cách phân loại của từng công ty tính toán chỉ số.)





Friday, March 30, 2012

Indenture and covenant



Giao kèo (indenture) của trái phiếu là một văn bản gắn liền với mỗi loại trái phiếu được phát hành. Văn bản này đưa ra những cam kết, ràng buộc, nghĩa vụ và quyền lợi của nhà phát hành và nhà đầu tư. Về mặt pháp lý nó tương đương như một hợp đồng thương mại giữa nhà phát hành và nhà đầu tư, thường được giao cho một bên thứ ba (trustee) đứng ra giám sát. Giao kèo trái phiếu qui định những thông tin chính yếu liên quan đến trái phiếu được phát hành như tổng khối lượng, lãi suất định kỳ (coupon rate), thời hạn (maturity), kế hoạch trả lãi/vốn, mức độ rủi ro tín dụng (credit rating), tài sản thế chấp nếu có, thứ tự ưu tiên thanh toán nếu doanh nghiệp phát hành phá sản (seniority), khả năng thu hồi (callable) hay khả năng hoàn trả (putable). Trong vụ Hi lạp vỡ nợ vừa rồi, một điều khoản được báo chí nhắc rất nhiều là ứng xử tương đồng (collective action clause), trong đó qui định nếu 90%(*) nhà đầu tư đồng ý với một phương án giải quyết nợ nào đó thì những nhà đầu tư còn lại bắt buộc phải tuân theo.

Một phần rất quan trọng trong mỗi bản giao kèo trái phiếu là các giao ước (covenant) của nhà phát hành. Giao ước trái phiếu thường được phân làm hai nhóm, giao ước buộc phải làm (positive covenant) và giao ước không được phép làm (negative covenant). Ví dụ của nhóm giao ước thứ nhất là giao ước trả lãi suất định kỳ đúng hạn, giao ước thực hiện đúng kế hoạch kinh doanh, đầu tư đề ra trong bản cáo bạch (prospectus). Nhóm giao ước không được làm thường quan trọng hơn và chi tiết hơn. Ví dụ giao ước không được bán hoặc thanh lý một số tài sản cố định, không được để tỷ lệ tài sản có thanh khoản cao (liquid asset) thấp hơn một mức cho trước, giao ước không được vay hoặc phát hành thêm trái phiếu vượt quá giới hạn nhất định, giao ước không vi phạm các giao kèo trái phiếu khác (cross default clause - pari passu clause).

Văn bản giao kèo và giao ước trái phiếu thường được giới luật sư chuyên nghiệp và ngân hàng đầu tư soạn thảo. Trong thời gian gần đây một số tổ chức phi chính phủ như Bond Covenanant Group của Anh hay The Credit Roundtable của Mỹ đang cố gẳng chuẩn hóa một số điều khoản quan trọng trong các bản giao kèo/giao ước trái phiếu để giúp nhà đầu tư đánh giá rủi ro và định giá trái phiếu dễ dàng hơn.


(Ghi chú: (*) Tỷ lệ này có thể thay đổi tùy theo từng loại trái phiếu.)



Wednesday, March 28, 2012

Benchmark yield curve



Trên thực tế thị trường trái phiếu quốc tế có hai khái niệm đường cong lợi suất chuẩn. Khái niệm thứ nhất là đường cong lợi suất tham chiếu (benchmark yield curve) của trái phiếu chính phủ mới phát hành (on-the-run). Đây là đường cong lợi suất mà giới truyền thông và các dịch vụ thông tin tài chính thường nhắc đến nhưng chỉ nó có giá trị giao dịch cho một số ít trái phiếu chính phủ cấu thành đường cong đó và làm tham chiếu cho các loại bond khác. Khái niệm thứ hai ít được báo chí biết đến, thường được giới học thuật gọi là đường cong lợi suất của trái phiếu không có lãi suất định kỳ (zero-coupon yield curve hay ngắn gọn hơn là zero-curve) còn giới tài chính thường gọi là đường cong lợi suất giao ngay (spot curve). Đây mới chính là đường cong lợi suất chuẩn mà giới chuyên gia tài chính dùng để định giá tất cả các loại trái phiếu giao dịch trên thị trường.

Khái niệm đường cong lợi suất thứ nhất chỉ đơn giản là tập hợp lợi suất của các loại trái phiếu chính phủ vừa được phát hành (on-the-run) có thời hạn khác nhau. Khái niệm thứ hai phải được ước lượng từ một số lượng lớn trái phiếu chính phủ đang được giao dịch trên thị trường. Với các phương pháp ước lượng khác nhau người ta có thể có các đường cong lợi suất chuẩn (spot curve) khác nhau. Trên thị trường phổ biến nhất là ước lượng của các ngân hàng trung ương, các hãng cung cấp thông tin tài chính lớn như Bloomberg và Reuters, và một số ngân hàng đầu tư quốc tế như Barclays, UBS, ICAP.

Về mặt lý thuyết có hai phương án ước lượng cơ bản là phương pháp có thông số (parametric) và ước lượng không thông số (non-parametric). Cách thứ nhất, điển hình là phương pháp Nelson-Siegel sử dụng một mô hình lý thuyết tối giản toàn bộ đường cong lợi suất thành một công thức với vài thông số cơ bản. Số liệu giá giao dịch của các loại trái phiếu được sử dụng để ước lượng các thông số đó. Cách thứ hai sử dụng một vài kỹ thuật làm trơn (smoothing) để ước lượng giá trị trung bình cho từng điểm trên đường cong lợi suất, ví dụ kỹ thuật spline fitting. Nhìn chung các kỹ thuật ước lượng không quá phức tạp, cái khó nằm ở chỗ phải có một lượng đủ lớn dữ liệu giá giao dịch trái phiếu. Điều này đòi hỏi phải có một thị trường thứ cấp có thanh khoản tốt.

Sunday, March 25, 2012

Interest rate vs yield



Với các công cụ nợ ngắn hạn, người cho vay thường được hưởng lãi (interest) một lần. Tiền lãi có thể được trừ (chiết khấu) khỏi tổng số tiền cho vay tại thời điểm bắt đầu hoặc cộng thêm vào thời điểm kết thúc. Dù hình thức thanh toán thế nào đi nữa, tỷ lệ lãi suất (interest rate) trên tổng số tiền cho vay phải được thỏa thuận và cố định ở thời điểm công cụ nợ bắt đầu có hiệu lực.

Với trái phiếu, thường có thời hạn dài hơn hai năm, tiền lãi được trả định kỳ theo một tỷ lệ cố định thỏa thuận ở thời điểm phát hành(*). Số lãi này có thể trả hàng năm (như trái phiếu chính phủ Đức) hay hai lần một năm (trái phiếu chính phủ Mỹ, Anh, Nhật, Úc). Trong quá khứ trái phiếu thường được phát hành dưới dạng một tờ chứng chỉ đính kèm một số tem đúng bằng số lần trả lãi định kỳ. Mỗi lần chủ của tờ trái phiếu đến lĩnh tiền lãi, nhà phát hành sẽ cắt một tờ tem khỏi cuống trái phiếu để xác nhận đã thanh toán lần trả lãi đó. Trong tiếng Anh tờ tem này gọi là coupon nên mặc dù hiện giờ trái phiếu đã được điện tử hóa hoàn toàn người ta vẫn dùng thuật ngữ này để chỉ lãi (suất) định kỳ của một loại trái phiếu.

Vì trái phiếu có thể mua bán trên thị trường nên giá của nó thay đổi theo cung cầu hàng ngày chứ không nhất thiết bằng đúng với mệnh giá. Bởi vậy tỷ lệ sinh lợi của một loại trái phiếu cũng thay đổi chứ không cố định như lãi suất định kỳ (coupon) được ấn định ở thời điểm phát hành. Thực tế trong các giao dịch trên thị trường quốc tế người ta chỉ quan tâm đến giá chứ ít ai quan tâm đến lãi suất định kỳ. Tuy nhiên để tiện so sánh mức độ sinh lời của các loại trái phiếu có lãi suất định kỳ và thời gian đáo hạn khác nhau, người ta sử dụng một con số qui ước gọi là lợi suất (yield) cho mỗi loại trái phiếu.

Về mặt kỹ thuật lợi suất được tính bằng cách xác định tỷ lệ hoàn vốn nội tại (internal rate of return) của dòng tiền (cashflow) do trái phiếu đem lại. Lợi suất càng cao thì giá giao dịch trái phiếu càng rẻ, nghĩa là càng có lợi cho người mua trái phiếu hay người cho vay tiền. Nhưng việc lời lỗ trong kinh doanh trái phiếu trên thị trường thứ cấp không ảnh hưởng gì đến nhà phát hành trái phiếu. Dù lợi suất trái phiếu có tăng hay giảm thì người phát hành vẫn phải trả một khoản tiền lãi định kỳ cố định (coupon) vào một thời điểm nhất định trong năm cho đến khi đáo hạn.

Mặc dù báo chí và giới học thuật nhắc nhiều đến khái niệm lợi suất, cần lưu ý đây chỉ là một qui ước thị trường để tiện so sánh, khi mua bán trái phiếu người ta phải qui đổi ra giá giao dịch chứ không dùng lợi suất. Tuy nhiên giá mà các công ty chứng khoán chào hoặc được niêm yết trên các sàn giao dịch chưa phải là giá cuối cùng bên mua phải thanh toán. Giá niêm yết thường được gọi là giá sạch (clean price) nghĩa là giá chưa tính đến phần tiền lãi định kỳ tích lũy kể từ lần thanh toán gần nhất. Thị trường trái phiếu niêm yết giá sạch để tránh tình trạng giá bị giảm đột biến sau khi lãi suất định kỳ được chi trả cho chủ sở hữu trái phiếu hiện tại. Sau khi đã thỏa thuận mua bán, người mua sẽ phải thanh toán theo giá toàn phần (full price/dirty price) bằng giá sạch cộng với phần lãi suất tích lũy.


(Ghi chú: (*) có một số loại trái phiếu không cố định lãi suất định kỳ mà cho phép thay đổi tùy theo tình hình thị trường.)




Friday, March 23, 2012

Fixed income market


Tôi sẽ post một số entry về các khái niệm cơ bản liên quan đến thị trường trái phiếu, sẽ không có gì "cao siêu" cả mà chỉ là một góc nhìn thực tế từ thị trường để các bạn bổ sung cho những kiến thức đọc trong sách vở.


Trên thị trường tài chính quốc tế công cụ nợ (debt instrument) là giao kèo giữa một bên (người vay nợ) đồng ý trả gốc và lãi cho một khoản tiền trong tương lai, đổi lại được bên kia (người cho vay) giao cho một khoản tiền ở thời điểm hiện tại. Công cụ nợ có phạm vi rất rộng, bao gồm từ một khoản tiền gửi tiết kiệm của người dân ở ngân hàng (deposit), một kênh hạn mức tín dụng (line of credit) cho doanh nghiệp, đến những sản phẩm nghĩa vụ nợ có bảo đảm (collateralized debt obligation - CDO) rất thông dụng trước cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi ở Mỹ.

Thông lệ quốc tế phân loại những công cụ nợ có thể mua bán được trên thị trường với lãi suất định trước (nhưng có thể không cố định) vào một nhánh gọi là công cụ nợ có thu nhập cố định (fixed income - FI). Hầu hết các ngân hàng đầu tư quốc tế đều có một bộ phân chuyên trách cho giao dịch FI, trái phiếu là một phần trong phân khúc này. Ngoài trái phiếu (bond), thường có thời hạn dài hơn hai năm, thị trường tài chính quốc tế còn gộp các loại công cụ nợ ngắn hạn hơn như thương phiếu (commercial paper), kỳ phiếu (note, bill), công cụ nợ trung hạn (MTN), và các loại công cụ nợ phát sinh từ chứng khoán hóa như CDO vào phân khúc FI. Giới tài chính quốc tê thường nói về thị trường FI chứ ít khi tách riêng thị trường trái phiếu mặc dù đây là thành phần lớn nhất của phân khúc FI.

Một số tổ chức quốc tế như BIS, IMF, ADB khi đề cập đến thị trường trái phiếu thường gộp một số sản phẩm phái sinh (derivatives) liên quan đến trái phiếu như hợp đồng kỳ hạn (forward/futures), hợp đồng mua bán lại (repo), bảo hiểm hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (credit default swap - CDS). Những công cụ này là một bộ phận rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường trái phiếu nói riêng và FI nói chung. Khi một người được giới thiệu là FI trader, anh ta có thể giao dịch hầu hết các công cụ nợ và thường bao gồm luôn cả CDS và bond futures. Bond trader, chỉ trade trên thị trường trái phiếu giao ngay (cash bond), càng ngày càng ít.



Wednesday, March 21, 2012

Bond terminology


Tôi đang viết một bài về bond nên phải "vắt óc" ra nghĩ cách dịch cho một số thuật ngữ của công cụ/thị trường này. Có bạn sẽ nói dịch để làm gì, cứ sử dụng luôn từ tiếng Anh cho chính xác, tôi đồng ý như vậy nhưng đôi lúc vẫn phải dịch. Tôi ghi lại đây cách dịch của tôi cho một số từ thông dụng để các bạn tham khảo và góp ý.

- Fixed income securities: đây là một thuật ngữ khó dịch, tôi tạm thời dịch word-by-word thành chứng khoán có thu nhập cố định. Chữ cố định (fixed) không chính xác lắm vì rất nhiều loại bond có floating coupon, nghĩa là lãi suất định kỳ có thể thay đổi. Nếu dịch chữ fixed thành định kỳ thì lại gặp khó khăn với các loại trái phiếu không có coupon (bill, notes ngắn hạn hoặc zero-coupon bonds), thậm chí có những loại synthetic instrument (CDO) có thể có coupon không định kỳ (lúc trả lúc không).

- Bill, notes: kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu ngắn hạn?

- Yield: tôi dịch là lợi suất, một số tài liệu của VN vẫn dịch là lãi suất theo tôi không chính xác.

- Yield curve: đường cong lợi suất, đa số tài liệu của VN đều dịch thành đường cong lãi suất. Hi vọng các chuyên gia và phóng viên trong nước sẽ sửa lại cách dịch thuật ngữ này trước khi quá muộn.

- Coupon: tạm thời dịch là lãi suất định kỳ.

- Maturity/Tenor: thời gian đáo hạn. Lưu ý, mặc dù hai thuật ngữ này thường được dùng tương đương nhau, người ta hay sử dụng maturity khi nói về môt thời điểm cụ thể (vd 1/1/2020) còn tenor về khoảng thời gian còn lại (vd 5.5 năm).

- Duration: chữ này cực kỳ khó dịch vì bản thân từ tiếng Anh cũng rất khó hiểu và không phản ánh đúng ý nghĩa (trong lý thuyết tài chính hiện đại) của khái niệm duration, tạm thời dịch là thời hạn hiệu chỉnh.

- Convexity: độ lõm lồi trái phiếu. Lưu ý cần phân biệt với curvature của yield curve.

- Zero-Coupon bond: trái phiếu không có lãi suất định kỳ.

- Zero-Coupon yield curve/zero curve/spot curve: đây thực sự là một thuật ngữ khó dịch, tôi tạm thời dịch word-by-word từ spot curve thành đường cong giao ngay, dù rằng như vậy hoàn toàn không phản ánh được ý nghĩa mà lại có thể gây nhầm lẫn.

- Clean price: giá sạch. Có tài liệu dịch là giá chưa tính lãi suất tích lũy, chính xác nhưng dài quá.

- Dirty price/full price: giá toàn phần.

- Accrued interest: lãi suất tích lũy.

- Clearing/Settlement: tôi đã từng giải nghĩa thuật ngữ này trên blog, đúng ra phải tách làm 2 thuật ngữ nhưng dịch chữ clearing khó quá, hơn nữa bây giờ nhiều người cũng gôp chung lại thành settlement, nên tôi gộp lại thành nghiệp vụ hoàn tất giao dịch. Trên webstie của VSD dịch thành nghiệp vụ xử lý các hoạt động sau giao dịch, nghe cũng được nhưng hơi dài dòng.

- Depository/Custodian: lưu ký, chữ này có vẻ đã khá phổ biến ở VN.

- Indenture: giao kèo. Lúc đầu tôi định dịch là hợp đồng (trái phiếu) nhưng thấy không ổn vì đây không phải văn bản do hai bên đàm phán và đạt được thỏa thuận (rồi cùng ký vào để xác nhận điều đó) mà là những cam kết và điều kiện do nhà phát hành đưa ra (từ một phía).

Covenant: giao ước. Positive covenant: giao ước phải thực hiện, negative covenant: giao ước không được thực hiện.

- Portfolio: danh mục đầu tư. Cách dịch này rất phổ biến ở VN và tôi phải chấp nhận sử dụng dù không thích. Nếu quay ngược được thời gian tôi sẽ đề nghị dịch thuật ngữ này là rổ đầu tư hoặc tập hợp đầu tư. Nhưng muộn mất rồi.


Wednesday, March 14, 2012

Rate cut II


Mấy tháng trước tôi có comment trên một bài viết của blogger Cavenui về vấn đề lạm phát và lãi suất (tôi không biết cá nhân blogger này nhưng nhiều bài trên blog Cavenui rất hay). Cavenui cho rằng giữ lãi suất cao quá lâu sẽ làm nhiều doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc và như vậy còn đáng sợ hơn lạm phát. Lập luận của tôi như sau:

"Phần hai quan điểm của bác cho rằng đối với người nghèo suy thoái (dẫn đến thất nghiệp) đáng sợ hơn lạm phát cũng có thể đúng ở VN vì hệ thống bảo hiểm xã hội rất yếu. Nhưng suy thoái sau vài năm sẽ chấm dứt chứ lạm phát nếu không kiên quyết chống có thể sẽ kéo dài và càng ngày càng tệ hơn. Bởi vậy xét trên tổng thể xã hội về lâu dài thì chấp nhận suy thoái vài năm chưa chắc đã là phương án tệ, thậm chí nếu cứ dùng dằng để lạm phát kéo dài nền kinh tế sẽ rơi vào stagflation như thời 1980. Tất nhiên nếu hàng nghìn tỷ đồng chi tiêu công (tượng đài, bảo tàng, lễ hội...) được chuyển sang trợ cấp cho người nghèo thì tốt hơn."

Tôi nhắc lại comment này vì muốn nói đến vấn đề "collateral damage" của một chính sách kinh tế. Không chỉ những người lao động mất việc chịu thiệt mà nhiều doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng cũng bị ảnh hưởng bởi chính sách thắt chặt tiền tệ chống lạm phát. Tôi rất thông cảm và cảm thấy áy náy với những "nạn nhân vô tội" này khi mình chỉ ngồi bàn giấy hô hào giữ lãi suất cao chống lạm phát chứ không phải vật lộn trong cuộc sống và kinh doanh như họ. Bởi vậy tôi vẫn luôn thừa nhận rằng giữ lãi suất cao chống lạm phát là "liều thuốc đắng" và là "cái giá phải trả cho những sai lầm trước đây chạy theo tăng trưởng nóng".

Tất nhiên tôi mong muốn hệ thống chính trị của VN có cơ chế buộc những policy makers mắc sai lầm phải chịu trách nhiệm trước người dân, có như vậy họ mới có incentive giảm thiểu sai lầm trong tương lai. Nhưng trước mắt VN cần phải có chinh sách đúng đắn để thoát ra khỏi vòng xoáy lạm phát đã kéo dài dai dẳng trong hơn 5 năm qua. Mà không chỉ lạm phát, nền kinh tế VN có rất nhiều lệch lạc và imbalance cần phải cải tổ, một lần đau để có tương lai bền vững và công bằng hơn theo tôi là điều nên chấp nhận.

Trong số 50 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động năm 2011, tôi tin có rất nhiều doanh nghiệp đàng hoàng chỉ vì không may đơn hàng chậm lại trong khi lãi suất tăng cao nên phá sản. Nhưng tôi cũng tin có không ít những doanh nghiệp dạng như Vinashin, EVN Telecom, Indochina Airlines, Bianfishco đã hoặc sẽ phải chấm dứt hoạt động vì business model sai lầm, vì leverage quá cao để kiếm tiền thật nhanh, hay vì lợi dụng quan hệ ưu đãi của nhà nước để kinh doanh chứ không thực sự có entrepreneurship giỏi. Rồi hàng loạt những ngân hàng, công ty chứng khoán, bất động sản mọc lên như nấm trong giai đoạn 2003-2007 cũng cần một cuộc thanh lọc/consolidate mạnh mẽ, và điều này chỉ có thể làm được trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, suy thoái.

Quay lại vấn đề người nghèo phải đánh đổi giữa thất nghiệp và lạm phát Cavenui nêu ra. Hẳn nhiên nếu hàng chục nghìn tỷ đồng thất thoát vì lãng phí và tham nhũng được chi cho người nghèo thì gánh nặng họ đang phải chia sẻ với những đại gia miệng than lãi suất cao nhưng vẫn bỏ hàng chục tỷ làm đám cưới cho con sẽ giảm đi nhiều. Quan trọng hơn, cái mô hình tăng trưởng của VN đã theo đuổi trong giai đoạn 2000-2007 và đang có cơ hội quay lại không thể bền vững và công bằng. Khoảng cách giầu nghèo gia tăng nhanh chóng không chỉ vì một số nhỏ trúng đậm chứng khoán, bất động sản mà còn vì lạm phát, chủ yếu tập trung ở lương thực và các khoản chi tiêu căn bản, đã và đang bào mòn thu nhập thực của người lao động. Một xã hội, dù tính từ XHCN chỉ là cái danh, cũng không nên và không thể đi theo con đường đó mãi.


Monday, March 12, 2012

Rate cut


Mỗi lần Fed hay một ngân hàng trung ương nào đó thay đổi lãi suất, giới tài chính không chỉ quan tâm đến những con số phần trăm tăng giảm mà phần quan trọng không kém là những lời tuyên bố (statement) kèm theo quyết định lãi suất. Nhiều khi ngôn ngữ trong lời tuyên bố còn quan trọng hơn bản thân những con số cụ thể. Trong cuộc họp báo về quyết định thay đổi chính sách tiền tệ ngày 5/3 vừa rồi một số chi tiết trong phát biểu của ông Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm VPCP, và ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc NHNN, có ẩn chứa một số điều đáng suy ngẫm.

Ông Đam nói "Chính phủ yêu cầu NHNN phải giảm lãi suất ngay sau phiên họp này". Vẫn biết NHNN là một thành viên của Chính phủ chứ chưa độc lập như những ngân hàng trung ương khác, ngôn ngữ rất quyết liệt như vậy từ phía Chính phủ chưa có tiền lệ. Sau đó ông Bình cho biết "Vài ngày tới chúng tôi sẽ chính thức công bố quyết định hạ lãi suất", nghĩa là nhiều khả năng NHNN đến cuộc họp này với tâm thế chưa sẵn sàng giảm lãi suất. Việc Thống đốc Bình tuyên bố sẽ cắt giảm một điểm phần trăm cho tất cả các lãi suất chính sách có lẽ chỉ là nhượng bộ của NHNN trước mệnh lệnh của Chính phủ. Sau đó một ngày, các chuyên gia của ANZ và JP Morgan Chase tỏ vẻ nghiêng về phía NHNN, cho rằng cắt giảm lãi suất vào thời điểm này hơi sớm. Trước đó các tổ chức quốc tế như IMF, ADB và một số ngân hàng nước ngoài như HSBC, Barclay đã khuyến nghị VN nên kiên trì giữ chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát một cách triệt để, đặt mục tiêu ổn định vĩ mô lên trên mục tiêu tăng trưởng.

Vậy Chính phủ đúng khi yêu cầu NHNN giảm lãi suất hay phe diều hâu (thuật ngữ chỉ những người muốn thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát) đúng? Rất tiếc vị thế hiện tại của ông Bình không cho phép ông bảo vệ quan điểm của mình còn ông Đam đưa ra hai lập luận chính sau. Thứ nhất tổng lạm phát hai tháng đầu năm chỉ là 2.38%, thấp nhất trong nhiều năm qua, nhất là so với 2 tháng đầu năm 2011 (3.74%). Thứ hai một số chỉ số vĩ mô như thanh khoản hệ thống, tỷ giá, cán cân thanh toán đang dần ổn định. Ông Đam cho biết mặc dù lãi suất tín dụng bắt đầu giảm doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận với nguồn vốn rẻ, do đó "việc giảm lãi suất đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, tăng trưởng cũng phải được đặt lên hàng đầu". Sau một năm kiên quyết thắt chặt tiền tệ/tài khóa để chống lạm phát và ổn định vĩ mô, lần đầu tiên một thành viên chính phủ đặt lại mục tiêu tăng trưởng lên ưu tiên số một.

Trước hết cần nhận định chính xác tình hình lạm phát trong hai tháng đầu năm. Đúng là nếu so sánh chỉ số CPI ở thời điểm cuối tháng Hai so với cuối năm 2011 thì lạm phát hai tháng đầu năm không quá cao. Tuy nhiên nếu sử dụng phương pháp so sánh CPI cùng kỳ năm trước (year-over-year) thì lạm phát 12 tháng tính đến thời điểm cuối tháng 2 là 16.44%, cao nhất trong số các tháng 2 của 15 năm trở lại đây, kể cả tháng 2 của năm 2008 và năm 2011 là hai năm lạm phát bùng phát. Mặc dù lạm phát cùng kỳ 12 tháng lúc này đã thấp hơn so với đỉnh vào tháng 8/2011, chỉ số này vẫn cao hơn nhiều so với con số lạm phát trung bình trong giai đoạn 2000-2007 (hơn 16% so với dưới 10%). Như vậy bức tranh lạm phát chưa thực sự rõ ràng như ông Đam khẳng định. Lạm phát có thể đang trên đà suy giảm nhưng kỳ vọng lạm phát vẫn còn cao và những diễn tiến tăng giá xăng dầu, ga đốt gần đây sẽ làm tình hình giá cả biến động khó lường trong thời gian tới.

Thực ra việc lạm phát cùng kỳ 12 tháng đã vượt qua đỉnh có thể nói là hệ quả trực tiếp của chính sách thắt chặt tiền tệ trong năm 2011. Khác với các ngân hàng trung ương khác, NHNN thắt chặt tiền tệ thông qua ba kênh: tăng lãi suất chính sách, bóp nghẹt thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, và áp đặt hành chính trần tín dụng. Đây là liều thuốc đắng VN cần phải uống sau nhiều năm quá say sưa với tăng trưởng nóng. Chính sách thắt chặt tiền tệ hà khắc đã đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng khó khăn, nhất là những doanh nghiệp phụ thuộc quá nhiều vào vốn vay. Con số hơn 50 ngàn doanh nghiệp đóng cửa hoặc ngừng hoạt động trong năm 2011 là bằng chứng chính sách tiền tệ đã phát huy tác dụng, dù không ai mong muốn như vậy. Khi doanh nghiệp khó khăn và chậm trả nợ trong lúc thanh khoản của hệ thống bị NHNN siết chặt, nợ xấu trong khối ngân hàng gia tăng nhanh chóng, nhất là những ngân hàng không có tiềm lực mạnh. Nhu cầu cải tổ hệ thống ngân hàng vốn đã yếu kém là điều tất yếu và NHNN đang ráo riết triển khai một kế hoạch cải tổ như vậy. Việc thanh lọc những doanh nghiệp và ngân hàng yếu kém trong năm qua và sắp tới, xét trên khía cạnh hiệu quả kinh tế, là điều cần thiết cho mục tiêu phát triển dài hạn và bền vững của VN. Nới lỏng tiền tệ quá sớm có thể làm công cuộc tái cấu trúc này không đi đến đích.

Nhận định thứ hai của ông Đam về tình hình vĩ mô đang ổn định dần thực ra cũng là hệ quả của chính sách thắt chặt tiền tệ (và tài khóa) trong thời gian qua. Bên cạnh lạm phát cao, việc VN có thâm hụt thương mại lớn và tỷ giá USDVND luôn bị sức ép lên giá trong nhiều năm qua là biểu hiện của đầu tư nội địa vượt quá tổng tiết kiệm của nền kinh tế. VN có tỷ lệ đầu tư trên GDP cao hơn đa số các nước khác trong khu vực nhưng tỷ lệ tiết kiệm lại thấp hơn họ. Một khi mặt bằng lãi suất bị đẩy lên cao và tín dụng bị NHNN hạn chế, cán cân đầu tư - tiết kiệm sẽ được cần bằng lại phần nào, dẫn đến cán cân thương mại và tình hình tỷ giá sẽ dần được cải thiện. Đây là xu hướng tích cực cho nền kinh tế, tuy nhiên Chính phủ cần thận trọng khi cho rằng điều kiện vĩ mô đã đủ ổn định để có thể chấm dứt giai đoạn thắt lưng buộc bụng. Chừng nào tỷ lệ tiết kiệm chưa được nâng lên đáng kể thì lãi suất thấp sẽ lại đẩy đầu tư lên cao dẫn tới mất câng bằng vốn và cán cân thương mại lại có nguy cơ doãng ra.

Chưa đầy hai tháng trước dư luận còn rất bức xúc khi nhiều ngân hàng công bố những con số lợi nhuận rất lớn trong khi nhiều doanh nghiệp phải oằn mình chịu lãi suất cao. Nghịch lý này cho thấy giới ngân hàng, nhất là những ông lớn, vẫn giữ được chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay rất cao. Họ làm được điều này một phần vì trần lãi suất huy động 14% mà NHNN áp đặt, một phần vì còn nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận vay với mức lãi suất có lúc vượt 20%/năm. Một khi quá trình thanh lọc doanh nghiệp yếu kém phát huy hiệu quả, nhu cầu vay vốn từ khối doanh nghiệp sẽ giảm và lãi suất cho vay sẽ tự động hạ thấp, kéo theo lợi nhuận của giới ngân hàng sẽ thu hẹp lại. Đây là qui luật chung ở hầu hêt các nền kinh tế thị trường, cổ phiếu của giới ngân hàng luôn mất giá khi ngân hàng trung ương thắt chặt chính sách tiền tệ. Với VN, việc lãi suất cho vay giảm dần ngay cả khi NHNN chưa nới lỏng chính sách tiền tệ cũng cùng chung qui luật, nhất là khi tình hình thanh khoản đang được cải thiện. Chính phủ cần kiên nhẫn để NHNN cho nền kinh tế uống đủ liều kháng sinh. Nên nhớ lạm phát chỉ là biểu hiện lâm sàng, căn nguyên sâu xa mà đợt tái cấu trúc kinh tế này cần chữa trị là năng suất (productivity) thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém của nền kinh tế.

Rất tiếc Chính phủ đã quyết và NHNN phải chấp hành hạ lãi suất, điều mà người viết bài này đồng ý với ANZ và JP Morgan Chase là còn quá sớm. Dẫu sao NHNN vẫn còn một vũ khí nữa là trần tín dụng. Trong thời gian tới NHNN cần quản lý thật chặt không để tín dụng bung ra tài trợ cho những dự án đầu tư kém hiệu quả và cho vay phi sản xuất. Bên cạnh đó việc giải tỏa căng thẳng thanh khoản sẽ tạo điều kiện cho những ngân hàng còn room tăng trưởng tín dụng tiếp tục cho các doanh nghiệp lành mạnh vay. NHNN cũng nên đẩy nhanh tiến độ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, kiểm soát chặt nợ xấu và kiên quyết giải thể hay sáp nhập những ngân hàng không còn đủ vốn chủ sở hữu đảm bảo mức an toàn tối thiểu. Tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại vài năm, nhưng đó là cái giá phải trả và cũng là cơ hội để tái cấu trúc lại nền kinh tế.


[Note: Một version của bài viết này đã được đăng trên SGTT]



Saturday, March 10, 2012

DSGE


Mặc dù bạn có thể search được rất nhiều tài liệu về các mô hình DSGE (Dynamic Stochastic General Equilibrium), công cụ "thời thượng" hiện nay của hầu hết các central bank lớn, Chương 7 trong quyển Advanced Macroeconomics của David Romer là reading không thể thiếu cho tất cả những ai muốn học về thể loại mô hình này. Đây cũng là một chương sách giới thiệu rất cơ bản về New Keynesian school, là lý thuyết đằng sau DSGE. Cũng như Mankiw, tôi rất thích quyển textbook này, tiếc là thời tôi đi học Romer chưa viết về DSGE. Các bạn cũng nên đọc bài này của Menzie Chinn để biết các khiếm khuyết của DGSE.


Friday, March 9, 2012

Output gap II


Sau khi tôi viết entry Economic data rất nhiều bạn hỏi xin số liệu REER và output gap, quả thực tôi hơi ngạc nhiên về điều này vì chứng tỏ các bạn không đọc kỹ entry nói trên. Xin nói lại cho rõ, REER và output gap là những ước lượng/tính toán từ số liệu thô dựa trên một số giả định/mô hình/kỹ thuật tính toán. Những con số đó không phải là thống kê kinh tế và giá trị của chúng khác nhau tùy thuộc vào cách tính. Bạn không thể chạy một mô hình với biến explanatory là REER hay output gap mà không biết nó được tính toán như thế nào, bởi vậy nếu làm nghiên cứu nghiêm túc bạn phải tự tính những con số đó. Nói thật nếu tôi là giáo viên tôi sẽ đánh trượt những bài nghiên cứu bê nguyên xi chuỗi REER hay output gap từ đâu đó vào mô hình của mình mà không hiểu cách tính.

Xin nhắc lại một lần nữa, số liệu thô và cách tính REER và output gap tôi đã để trên blog này khá lâu rồi. Nếu bạn lười search thì đây là link:
- REER (đọc kỹ phần comment để xem cách lấy link số liệu). Ngoài ra có thể tham khảo thêm entry này.
- Output gap: lưu ý thuật ngữ output gap và potential GDP chỉ là một vì output gap = actual GDP - potential GDP. Một cách tính khác trong entry này.


Monday, March 5, 2012

Economic data



Update: Rất nhiều bạn hỏi xin số liệu, điều mà tôi không thể đáp ứng như đã giải thích trong bài bên dưới. Tôi hiểu khó khăn của các bạn vì tôi cũng đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự, bởi vậy tôi đã cố gắng giải thích các giải pháp tìm số liệu trong bài viết dưới đây. Vì thời gian có hạn tôi sẽ không trả các câu hỏi liên quan đến xin dữ liệu nữa, mong các bạn thông cảm.


Thời gian gần đây tôi nhận được rất nhiều comment trên blog và email của các bạn sinh viên hỏi xin số liệu kinh tế. Mặc dù có một số request không thực sự nghiêm túc, đa số các bạn đều hiểu mình làm gì và cần dữ liệu gì. Đây là dấu hiệu tốt vì nó chứng tỏ chất lượng đào tạo kinh tế đang được cải thiện và các bạn sinh viên đang dần dần tiếp cận với những lý thuyết và mô hình định lượng rất tiên tiến chứ không chỉ viết "essay" như trước. Đáng tiếc là tôi không thể đáp ứng được hầu hết request của các bạn vì hai lý do sau.

Thứ nhất nguồn số liệu mà tôi sử dụng (từ Datastream của Thomson Reuters) có bản quyền nên tôi không thể công bố rộng rãi. Trước đây tôi đã để link cho các bạn download số liệu GDP và REER của VN, mặc dù không hoàn toàn legal nhưng có thể justify được phần nào vì thực ra những số liệu đó được TCTK công bố công khai trên website và các ấn phẩm của họ. Hơn nữa đó là những số liệu liên quan trực tiếp đến những bài viết mà tôi công bố (về potential GDP và REER) nên theo truyền thống của giới academic quốc tế những số liệu đó cần phải được công khai để người đọc có thể kiểm tra lại kết quả tính toán của tôi nếu họ muốn. Thứ hai là ngay cả Datastream và các dịch vụ số liệu chuyên nghiệp cũng có nhiều hạn chế về số liệu kinh tế VN, cả về số lượng lẫn chất lượng. Tôi đã từng chỉ ra số liệu về lãi suất qua đêm liên ngân hàng của Datastream khác xa số liệu của NHNN. Một số sai lệch khác về số liệu lạm phát của Datastream so với TCTK cũng đã từng làm tôi đau đầu. Bởi vậy ngoại trừ những chuối số liệu phổ biến và có chất lượng tương đối tốt, tôi sẽ phải mất rất nhiều thời gian browse/search Datastream và các nguồn khác để tìm các chuỗi số liệu đặc thù mà một số bạn request, điều này ngoài khả năng của tôi.

Nói như vậy không có nghĩa tôi sẽ không giúp các bạn tìm số liệu cho những nghiên cứu định lượng của mình, thực ra tôi rất khuyến khích các bạn đi theo hướng nghiên cứu này vì đó là cách học kinh tế rất thực dụng và hữu ích. Tôi cũng rất thấu hiểu những khó khăn về số liệu mà các bạn đang phải đối đầu, tôi đã từng là sinh viên như các bạn. Trong entry này tôi muốn truyền lại một số kinh nghiệm của bản thân thời còn đi học để các bạn có thể tự tìm kiếm số liệu trước khi phải nhờ một ai đó, tôi luôn cho rằng kỹ năng và kiến thức về nguồn số liệu là những điều rất căn bản mà sinh viên kinh tế cần học.

Điều đầu tiên trước khi bạn bắt tay tìm kiếm số liệu là phải hiểu thật rõ mô hình lý thuyết mà mình định ước lượng. Cần hiểu kỹ các lý thuyết đằng sau nó và các mối quan hệ giữa các biến số. Điều này quan trọng vì hầu hết các số liệu thống kê thực tế không bao giờ trùng với khái niệm lý thuyết nên hiểu kỹ lý thuyết vừa giúp các bạn tránh chọn sai số liệu vừa giúp mở rộng tập hợp các số liệu có khả năng thay thế chuỗi số liệu mình không thể tìm được. Lấy ví dụ bạn có một mô hình cần sử dụng M3, tuy nhiên VN không có thống kê M3 nên bạn cần cân nhắc mô hình lý thuyết để xem thay M2 hay total credit vào mô hình đó liệu có được không. Hiểu mô hình lý thuyết còn giúp các bạn chọn instrument variables cho một số phương pháp econometric đặc thù.

Vấn đề thứ hai cần quan tâm là phải/nên hiểu bản chất và cách thức dữ liệu được thu thập/compile. Thực ra theo tôi đãy là thiếu sót của hầu hết các chương trình đào tạo kinh tế (cả ở các trường đại học nước ngoài) khi không dạy cho sinh viên về các thống kê kinh tế chủ yếu (cách thức thu thập, tính toán, hiệu chỉnh mùa vụ...). Hiểu được bản chất của chuỗi dữ liệu giúp bạn định hình được nó có thực sự phù hợp với mô hình định lượng của mình hay không. Nếu chạy mô hình xong kết quả không như mong đợi hoặc khác với kết quả của những nghiên cứu (ở các nước khác) thì đó là do dữ liệu hay do phương pháp tính toán của mình có sai sót. Có những bạn hỏi xin tôi số liệu về output gap, inflation expectation hay equity risk premium, cho thấy sự mơ hồ về chuỗi số liệu trong mô hình của mình. Hoặc những câu hỏi về đơn vị của REER, làm thế nào để chuyển năm gốc cho một chuối số liệu thực, có bao nhiêu loại hàng hóa trong rổ tính CPI, có thể tìm số liệu GDP theo tháng hay không, cũng cho thấy các bạn chưa thực sự quan tâm tìm hiểu về chuỗi số liệu của mình. Cần nhớ một nửa của kinh tế học là số liệu thống kê.


Với các bạn đang học undergraduate thì nguồn số liệu đầu tiên bạn phải nghĩ đến là thư viện trường mình (và các trường khác nếu bạn có thể tiếp cận được). Thời buổi mọi thứ được số hóa như hiện nay, có lẽ khó có thể nghĩ đến việc mất vài ngày thậm chí vài tuần vào lục thư viện và gõ lại số liệu vào máy tính, nhưng đó là những gì tôi đã làm khi còn đi học. Rất may là ngày nay thư viện đã và đang chuyển dần sang hình thức điện tử. Tôi biết các thư viện ở VN có rất ít resource nhưng các bạn vẫn nên tìm hiểu, hỏi các thủ thư xem họ có giúp được gì không. Một số database quốc tế về dữ liệu và tạp chí chuyên ngành cho phép thư viện của các trường đại học truy cập miễn phí, nhất là từ các nước đang phát triển. Các bạn (sinh viên và giáo viên) nên góp ý với thư viện trường mình lập danh sách những database nào họ có access để giúp sinh viên dễ dàng tìm kiếm số liệu.

Nguồn số liệu kinh tế tiếp theo là website của các cơ quan quản lý và thống kê quốc gia như TCTK, NHNN, BTC của VN. Những năm gần đây các cơ quan này đã có rất nhiều tiến bộ trong việc công bố thông tin, tôi rất mong họ sẽ tiếp tục xây dựng website tốt hơn nữa (có thể học tập template trên website của WB và IMF) và cung cấp thêm nhiều thông tin hơn nữa. [Một điểm tôi mong muốn các website này cải thiện là họ nên có một section về education cho đại chúng như các website của Fed, ECB, OECD]. Các bạn sinh viên nên bỏ một chút thời gian tìm hiểu cấu trúc và các ngóc ngách trên các trang web nói trên, nhất là website của TCTK. Nếu các bạn thực sự quan tâm đến số liệu và có ý định làm nghiên cứu định lượng, nên download số liệu về máy tính của mình và thỉnh thoảng cập nhận những database cá nhân này. Một skill quan trọng của các analyst trong lĩnh vực finance là phải nhớ được khi nào các cơ quan thống kê (cả nhà nước và tư nhân) release những thông số quan trọng (GDP, CPI, PMI, unemployment rate...).

Nguồn dữ liệu thứ ba là các website của các tổ chức quốc tế, vd WB, IMF, ADB, BIS, ILO, OECD. Trong số các tổ chức này, IMF có nhiều thông tin nhất và là tổ chức duy nhất có số liệu quí và tháng cho một số chỉ số quan trọng. IMF có một số database mà sinh viên từ các nước đang phát triển có thể truy cập miễn phí như IFS, DOTS, COFER, các bạn cần tìm hiểu và đang ký tài khoản để lấy số liệu. Rất tiếc vì tôi không thuộc diện được access miễn phí nên tôi không thử và hướng dẫn các bạn được, tuy nhiên đã có nhiều bạn confirm đã access thành công từ VN. Nếu có khó khăn gì các bạn thử liên hệ với văn phòng của IMF ở VN xin giúp đỡ, tôi tin họ sẽ rất nhiệt tình. Các bạn ở HN có thể đến thẳng văn phòng IMF và xin truy cập số liệu từ đó. UNDP và ADB cũng có văn phòng ở HN, nguồn số liệu trên website của ADB cũng rất tốt tuy chỉ có annual data.

Đối với số liệu nước ngoài, nhất là các nước phát triển, ngoài các nguồn quốc tế như IMF, OECD, các bạn có thể vào website của central bank của họ để tìm thông tin. Ví dụ website của FED, ECB, RBA, BOE, BOJ, ngay cả Bank of Thailand hay People Bank of China cũng có rất nhiều số liệu kinh tế. Một số nguồn không chuyên khác có số liệu tốt dù không nhiều/dài như CIA Factbook, The Economist Indicators (không phải EIU cần có tài khoản). Cuối cùng tất nhiên là Dr. Google và Google Scholar, người bạn không thể thiếu cho những người làm nghiên cứu.


Một số links số liệu quan trọng

Tổng cục Thống kê: Đây là nguồn quan trọng nhất cho các bạn sinh viên, ngoài các thông số kinh tế hàng tháng (chọn tháng trên dropdown menu có thể lấy được rất nhiều số liệu từ năm 2004) các bạn có thể xem số liệu năm trong mục "Số liệu thống kê" và số liệu của các cuộc điều tra kinh tế xã hội lớn (mục "Các cuộc điều tra").

Ngân hàng Nhà nước: Ngoài những chỉ số chính sách tiền tệ căn bản như các loại lãi suất chính sách và tỷ giá bình quân liên ngân hàng (reference rate), mục "Thị trường tiền tệ" có các thống kê về VNBOR, hoạt động thị trường mở và đấu thầu trái phiếu chính phủ. Một địa chỉ nữa cho các bạn quan tâm đến tài chính, tiền tệ là Bảo hiểm Tiền gửi Việt nam, mặc dù hiện tại chưa có nhiều số liệu.

Bộ Tài chính: Mục "Ngân sách nhà nước" có thống kê về ngân sách, chi thu của VN, ngoài ra còn có thông tin về các dự án ODA và đặc biệt là Bản tin nợ nước ngoài rất hữu ích. Số liệu về ngân sách nhà nước cũng có thể tra cứu trên website của Chinh phủ.

Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: Mục Dữ liệu của bộ này có rất nhiều thông tin, chủ yếu kết quả của các cuộc khảo sát xã hội, rất có ích cho những bạn quan tâm đến labor market và các vấn đề xã hội. Đa số dữ liệu được cung câp dưới dạng bảng Excel khá tiện dụng.

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn: Mặc dù một số trang trên website của bộ này bị lỗi và còn nhiều tài liệu không dùng Unicode, mục Thống kê - Dự báo có rất nhiều thông tin quan trọng. Tôi tìm thấy thống kê về khí tượng thủy văn của VN ở đây chứ không phải trên website của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Bộ Công Thương: Mục Thống kê của bộ này rất tốt, số liệu xuất nhập khẩu khá chi tiết (các bạn có thể update bảng số liệu REER/NEER mà tôi cung cấp trước đây bằng số liệu xuất nhập khẩu từ trang web này). Phần thông tin về vốn đầu tư cũng khá chi tiết.

[Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ là những bộ tôi rất thất vọng vì không có các cơ sở dữ liệu/thống kê chuyên ngành đáng ra phải có.]

IMF: Như đã nói bên trên, IMF có một số database rất quan trọng về kinh tế vĩ mô, theo tôi được biết họ cung cấp miễn phí cho các nước đang phát triển nên các bạn ở VN có thể truy cập được. Những database quan trọng là WEO, IFS, DOTS, BOPS, GFS. Ngoài ra trong chuyên mục Vietnam and the IMF cũng có rất nhiều thông tin. Khi còn là sinh viên và không có truy cập vào IFS tôi thường xuyên vào chuyên mục này lấy số liệu của VN từ các Staff Report và Statistical Appendixes do văn phòng IMF Vietnam công bố hàng năm. Trong chuyên mục này cũng có rất nhiều bài nghiên cứu quan trọng về VN của các chuyên gia IMF. Năm ngoái có một bài về Output gap của VN sử dụng Bayesian estimation những bạn quan tam về vấn đề này nên tham khảo. IMF website là nguồn số liệu tất cả sinh viên kinh tế bắt buộc phải biết.

WB: Cách đây mấy năm WB đã cho access miễn phí vào tất cả các database của họ (thời tôi đi học chỉ được access vào World Development Indicators). Số liệu của WB rất rộng và họ bắt đầu có các chuỗi số liệu theo quí (trước đây chỉ có số liệu theo năm). Đây cũng là nguồn số liệu bắt buộc cho sinh viên kinh tế.

ADB: Số liệu của tổ chức này rất tốt, tiếc là cũng chỉ có annual data như WB. Chuyên mục Key Indicators có rất nhiều bảng Excel số liệu được update hàng năm (và có lẽ là data source duy nhất lưu trữ theo vintage, nghĩa là các version khác nhau hàng năm).

UNDP: Tổ chức này có một database quan trọng liên quan đến chỉ số Human Development Indicator được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu kinh tế.

UNCTADSTAT: Database của Unctad, một tổ chức thuộc UN tương tự như UNDP, chuyên về trade data. Số liệu ngoại thương ở database này (cho VN) tương đương như của Bộ Công thương và DOTS của IMF tôi trích dẫn bên trên.

BIS: Mặc dù không có nhiều số liệu về VN, đây là địa chỉ quan trọng cho những bạn quan tâm đến số liệu banking and finance quốc tế.

OECD: database này chủ yếu phục vụ cho các thành viên của OECD nhưng có rất nhiều chỉ số quốc tế (một số phải trả tiền).

FRED (của Fed St Louis): Trong số các website của các ngân hàng trung ương, đây là database lớn nhất và uy tín nhất với gần như toàn bộ số liệu macro của Mỹ, có những chuỗi dài gần 100 năm. Database này cũng có số liệu của một số nước phát triển khác. Ngoài ra Fed còn có một số data tại địa chỉ này và hầu hết các chi nhánh Fed khác cũng cung cấp dữ liệu (NY, Kansas, San Francisco, Chicago, Cleveland).

Các central banks lớn khác như ECB, BoE, BoJ, RBA, tuy nhiên số liệu chủ yếu cho các nước của họ.

Pen World Table: một nguồn số liệu về national account tính theo PPP cho gần như tất cả các nước. Đây là một database lâu đời và rất uy tín trong giới học thuật tuy nhiên số liệu update chậm hơn so với nguồn WB và IMF.

The World Top Income Database: số liệu về VN đang được thu thập, hi vọng sẽ có sớm.

Economagic.com: số liệu của Mỹ và một số của Úc, ECB, BoJ

Knoema.com: số liệu kinh tế xã hội quốc tế, có khá nhiều số liệu thú vị về VN.

UN Trade data: số liệu thương mại của các nước, đặc biệt là Comtrade databasedatabase cho từng mặt hàng

UN Economic Statistics: số liệu kinh tế tổng hợp của các nước




Một số nguồn dữ liệu tài chính

Damodaran: GS Aswarth Damodaran (NYU) cung cấp một database rất lớn về số liệu của các công ty đại chúng (US and non-US, trong đó có một số công ty VN). Website này còn cung cấp một số spreadsheet tính toán liên quan đến valuation rất hữu ích cho các bạn sinh viên tài chính.

Quandl: Một website cung cấp số liệu miễn phí tương đối mới nhưng rất có triển vọng. Bạn có thể download rất nhiều số liệu kinh tế và tài chính của các nước.


(Danh sách này sẽ tiếp tục được bổ sung trong tương lai, nếu bạn nào biết link nào hữu ích muốn chia sẻ thì báo cho tôi qua email hoặc để lại link dưới phần comment).







Thursday, March 1, 2012

Headline vs core



Một bạn hỏi tôi cách dịch thuật ngữ headline và core CPI, tôi không biết dịch thế nào cho ngắn gọn và đủ ý. Bởi vậy tôi quyết định "outsource" câu hỏi này cho các commenters, hi vọng các bạn có phương án dịch hay. Dưới đây là giải thích (dài dòng) về 2 thuật ngữ này:

Headline CPI: là chỉ số giá (CPI) được các cơ quan thống kê quốc gia điều tra và công bố dựa trên một rổ hàng hóa trung bình mà người dân mua sắm. Sở dĩ có chữ "headline" vì tốc độ tăng giảm của chỉ số này (ie lạm phát) thường được báo chí đưa vào dòng tiêu đề của những bài về kinh tế, vd "Lạm phát tháng 1 là 0.7%". Headline ở đây nghĩa là tiêu để, nghĩa bóng là bề nổi.

Core CPI: là chỉ số giá tính theo rổ hàng hóa tương tự như rổ tính headline CPI nhưng loại bỏ lương thực/thực phẩm và năng lượng. Lý do loại bỏ 2 loại hàng hóa rất quan trọng này ra khỏi rổ tính core CPI vì giá của chúng thường thay đổi rất mạnh so với các mặt hàng khác, bởi vậy làm headline CPI bị nhiễu vì dao động quá nhiều. Core ở đây là cốt lõi, nhưng dịch như vậy có một điểm không hay là ngầm định food/energy không phải là những hàng hóa tiêu dùng cốt lõi, hoàn toàn không chính xác với đa số người dân.


Update: Cám ơn các bạn đã góp ý dịch. Chốt lại tôi thấy phương án dịch 2 thuật ngữ này như sau là hợp lý nhất:

- Headline CPI/inflation = chỉ số lạm phát toàn phần. Chữ "toàn phần" không dịch đúng chữ "headline" nhưng phản ánh khá chính xác ý nghĩa của thuật ngữ này và đủ ngắn (2 âm tương đương với headline). Khiếm khuyết duy nhất của cách dịch này là nó không phản ánh được nghĩa bóng của từ headline, nghĩa là đây là chỉ số lạm phát có tính bề nổi, giật gân mà báo chí đưa tin chứ không phải là chỉ số mà giới hoạch định chính sách hay giới professional quan tâm.

- Core CPI/inflation = chỉ số lạm phát lõi. Chữ "lõi" nghe hơi "vật lý" nhưng tốt hơn các chữ cốt lõi/cơ bản/cơ cấu vì nó ít có hàm ý food/energy không quan trọng. Lõi còn có nghĩa là nằm bên trong/chính giữa cũng phản ánh được hình ảnh volatility của food/energy price rất lớn nên sẽ nằm ngoài (bao phủ) phần volatility của các thành phần còn lại.