Friday, November 22, 2013

Janet Yellen


Giới kinh tế học nổi tiếng thường xuyên bất đồng quan điểm. Ví dụ mới nhất là hai khôi nguyên Nobel Kinh tế năm nay, Eugene Fama và Robert Shiller, không thể đồng ý với nhau về vấn đề bong bóng giá trên thị trường chứng khoán. Vậy nhưng hồi đầu tháng 7 vừa rồi một số lớn các nhà kinh tế đoàn kết một cách bất ngờ. Hiếm khi nào Joseph Stigltiz, Paul Krugman, Greg Mankiw hay John Taylor có cùng quan điểm về một vấn đề kinh tế hay chính sách, vậy mà họ cùng lúc viết báo, blog, ký thỉnh nguyện thư và trả lời phỏng vấn các hãng truyền thông nhất quán ủng hộ Janet Yellen trở thành chủ tịch Fed thay thế cho Ben Bernanke. Vậy Janet Yellen có gì đặc biệt mà được giới kinh tế ủng hộ đến vậy?

Trước hết cần phải nói một trong những lý do quan trọng Yellen được nhiều người ủng hộ vì ứng cử viên thứ hai mà TT Obama muốn tiến cử lúc đó là Larry Summers. Tuy Summers là một nhà kinh tế xuất sắc, từng là bộ trưởng Tài chính dưới thời Clinton và giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Obama, ông bị cho là quá thân thiện với giới Wall Streat (bản thân Summers đã từng làm việc cho một quĩ đầu tư lớn). Ngoài ra Summers có tiếng là người bộc trực, từng gặp rắc rối vì những lời phát biểu gây sốc của mình. Ở điểm này Yellen là thái cực ngược lại, luôn luôn nhẹ nhàng, cẩn trọng trong từng lời phát biểu. Để đăng một bài nghiên cứu kinh tế trên một tạp chí uy tín có thể Summers sẽ hơn Yellen, để vận hành một cơ quan với vô số mối quan hệ kinh tế lẫn chính trị phức tạp như Fed đa số đặt cược vào người phụ nữ có mái tóc bạc trắng này.

Nói vậy không có nghĩa là Yellen kém hiểu biết về kinh tế so với Summers. Trên thực tế tờ Wall Streat Journal đã làm một thống kê cho thấy hơn 10 năm qua Yellen là quan chức Fed có số lần đưa ra các dự báo kinh tế chính xác nhiều nhất. Bà là một trong số rất ít kinh tế gia dự báo được bong bóng bất động sản trong thập kỷ 2000 ở Mỹ. Trong khi Summers và Christina Romer đưa ra một dự báo phục hồi kinh tế đầy lạc quan năm 2009, Yellen đã nhìn thấy một tương lai ảm đạm sau cuộc khủng hoảng tài chính nên đã ủng hộ tích cực cho chính sách nới lỏng số lượng (QE) của Bernanke. Cho đến thời điểm này bà vẫn được coi là người có tư tưởng "bồ câu" nhất trong số các thành viên của Hội đồng Chính sách Tiền tệ (FOMC) của Fed.

Mặc dù có quan điểm vẫn tiếp tục giữ QE thêm một thời gian nữa Janet Yellen đã rất khéo léo khi trả lời câu hỏi của các nghị sĩ Cộng hòa trong buổi điều trần trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, trấn an những nghị sĩ này rằng QE sẽ không kéo dài vĩnh viễn. Yellen cũng ghi một điểm quan trọng trong buổi điều trần khi tuyên bố sẽ gia tăng các hoạt động giám sát hệ thống ngân hàng để phòng ngừa từ xa rủi ro khủng hoảng tài chính. Đa số các nhà bình luận cho rằng Yellen sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu của Ủy ban này vào thứ Năm tới và sau đó dễ dàng được toàn thể Thượng viện Mỹ thông qua. Bà sẽ trở thành nữ chủ tịch đầu tiên trong lịch sử hơn 100 năm của Fed.

Có bằng tiến sĩ kinh tế tại đại học Yale, từng giảng dạy tại Harvard, LSE và Berkeley, Janet Yellen hiện đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Thống đốc (Board of Governors) của Fed. Được đề cử vào vị trí này năm 2010 khi đang là giám đốc chi nhánh Fed tại San Francisco, Janet Yellen đã từng trải qua những vòng điều trần gắt gao của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện mặc dù trước đó đã là thành viên của FOMC. Cùng thời điểm đó Ủy ban này đã thẳng thừng gạt Peter Diamond, giáo sư kinh tế Harvard vừa được giải Nobel, vào Board of Governors. Mặc dù Fed được cho là một cơ quan có tính chuyên môn kinh tế cao, kinh nghiệm chính trường và khả năng vận động hành lang đã giúp Yellen đi xa hơn Diamond.

Nhiều người hi vọng rằng sau khi Yellen lên thay Berannke cuối tháng 1/2014, chính sách của Fed sẽ uyển chuyển hơn để vừa tiếp tục kích thích kinh tế vừa tránh được búa rừu của các nghị sĩ "diều hâu" Cộng hòa. Nhiều khả năng QE sẽ được giữ lâu hơn, cho đến khi nào tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống dưới 6% chứ không phải 6.5% như Bernanke đã hứa. Yellen cũng có thể nghe theo khuyến nghị của Oliver Blanchard, kinh tế gia trưởng của IMF, chấp nhận mức lạm phát mục tiêu cao hơn, khoảng 3% thay vì 2% như hiện tại. Điều này có thể sẽ giúp kinh tế Mỹ phục hồi mạnh hơn, nhưng một làm sóng thanh khoản mới có thể sẽ lại tràn vào các nước đang phát triển gây ra sức ép lạm phát như giai đoạn 2010-2012. Kinh tế Mỹ và thế giới phục hồi là một cơ hội, nhưng những nhà làm chính sách tiền tệ phải cảnh giác.


[Note: Một version của bài này đã được đăng trên Người Đô thị.]


Update: Phân loại dove-hawk trong FOMC hiện tại (Nguồn: The Big Picture):


Monday, November 18, 2013

Letter to The Economist


Tôi vừa gửi bức thư dưới đây cho The Economist nhân đọc một bài về bão Haiyan trong đó tác giả cho rằng VN bị thiệt hại nhẹ hơn vì đã chuẩn bị đối phó với bão tốt hơn.


Sir,

Your article on typhoon Haiyan (Worse than hell, Nov 16) had a factual error. There were 18 people died in Vietnam as the result of that typhoon and only five of them died during the preparation, not 14 as you reported. It was largely true that Vietnam was better prepared to head off Haiyan, but the lesser damage was mostly due to the fact that the typhoon changed its course and didn't hit straight to central provinces, the poorest region of the country.

Your praise to the Vietnam's Communist government was also ill founded. Just over a week after Haiyan, 31 people were killed in the central Vietnam when another much weaker monsoon hit. This time, and many times in the past, the calamity was mostly manmade as 15 hydrodams in the region simultaneously released water downstream. The same top-heavy bureaucracies you praised had approved waves of dam building in the last 10 years despite warnings and protests from experts and environmental groups alike. They also failed to restraint dam barons to accumulate water prior to the monsoon season, let alone required them to pay any compensation to the poor victims.

After Haiyan the world had seen the incompetence of the Philippine government. People in Vietnam have been suffering from the same incompetence, but without The Economist's notice.

Yours sincerely,

Giang Le, Brisbane, Australia


Update (19/11): Dưới đây là comment của tôi trên CFR cho một bài tương tự:

According to The Economist (Worse than hell, Nov 16), the Philippines evacuated about 1 million people. Given the geography of the archipelago and the 2 day shorter notice, the Philippine evacuation effort was no less impressive as of the Vietnamese. The aftermath response was a different story, but there was no comparable situation in Vietnam to assess which government was more effective in its relief effort.

Both The Economist's article and this one wrongly attributed the lesser damage in Vietnam to the preparation effort by the government. It might be true that Vietnam was better prepared to head off the typhoon, but the lower dead toll and lesser destruction were mostly due to the fact that the typhoon changed its course and didn't hit straight to central provinces, the poorest region of the country.

Had the typhoon kept its original course, the disaster could have been much worse in Vietnam than what happened in the Philippines. The reason is that more than a dozen of hydrodams in the central region would have to release water downstream at the worse time when a large number of the poor population were hiding in underground trenches. The flooding during the typhoon hightime would have kill a lot more people.

The flooding scenario was not a hypothesis. Just over a week after Haiyan, 31 people were killed in the central Vietnam when a much weaker monsoon hit. This time 15 hydrodams in the region simultaneously released water causing a severe flood in a number of provinces. This was not the first time and definitely not the last.

In the last 10 years the government failed to rein in the number of hydrodam constructions, the central provinces despite warnings and protests from experts and environmental groups alike. Then it failed to restrict water accumulation prior to the storm season and impose a coordinated water release protocol. And then it failed to require compensation from dam owners to the poor victims. In fact, more often than not, it dismisses any link from the hydrodam water release to downstream flooding despite ample evidences.

Those facts greatly contradict your speculation that the centralized and authoritarian government in Vietnam is more capable to overcome corruption and the country has a relative qualified group of civil servants and diplomats. Please wake up!



Saturday, November 16, 2013

Repost


Nhìn cảnh miền Trung lại chìm trong lũ chắc không ai có thể cầm lòng. Tôi repost lại một entry viết tháng 11/2009, đúng 4 năm trước về qui trình xả lũ của các nhà máy thuỷ điện và trách nhiệm của những người quản lý. Bốn năm đã qua không biết có thêm bao nhiêu thuỷ điện mọc thêm, không biết đã có ai rà soát và thiết kế lại qui trình xả lũ cho các nhà máy thuỷ điện chưa? Nhìn những gì đang xảy ra câu trả lời đã rõ.


TUESDAY, NOVEMBER 10, 2009


Black swan II


PTT Hoàng Trung Hải nói rằng vụ lũ lụt vừa qua sau hai cơn bão số 9 và 11 ở miền Trung là do biến đổi khí hậu. Ông cho biết đã cho thanh tra quá trình xả lũ của hai nhà máy thủy điện A Vương và Ba Hạ và kết luận những nhà máy này đã "xả lũ đúng qui trình".

Chắc chắn những qui trình này không do các nhà máy thủy điện tự đề ra mà phải do một cơ quan chính phủ qui định, nhiều khả năng phải được ông Hải ký duyệt. Có lẽ vì vậy ông kết luận rằng họ làm "đúng qui trình" nhưng không đả động gì tới việc qui trình có đúng hay không. Như đã nói trong entry trước, qui trình xả lũ phải được tính toán với số liệu thời tiết trong lịch sử. Số liệu này có thể đã thay đổi vì biến đổi khí hậu như ông Hải tuyên bố, tuy nhiên liệu nó có biến đổi nhanh đến như vậy hay không? Chẳng lẽ vấn đề 70% lưu vực của sông ngòi miền Trung nằm bên Lào không được phản ánh trong số liệu lịch sử? Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, tại sao chỉ có VN và chỉ có miền Trung bị tác động đến độ qui trình xả lũ không còn phù hợp dẫn đến chết dân? Tôi nghi ngờ khả năng số liệu đã biến đổi và cho rằng qui trình bị thiết kế sai.

Ngay cả nếu thực sự qui trình đã lạc hậu vì biến đổi khí hậu làm sai số liệu, tại sao ông Hải không chỉ đạo xây dựng lại một qui trình mới an toàn hơn? Nếu tuần tới thêm một cơn bão nữa đổ vào miền Trung liệu ông Hải sẽ tiếp tục cử cán bộ đi giám sát các nhà máy thủy điện bắt họ xả lũ đúng qui trình hay ông sẽ xem lại qui trình xả lũ? Trong entry trước tôi cho rằng các qui trình không nên và không cần phải đối phó với black swan events, đấy là việc của bảo hiểm. Nhưng nếu đã nghi ngờ hay có bằng chứng qui trình không còn phù hợp nữa (vì biến đổi khí hậu) thì phải nhanh chóng điều chỉnh lại qui trình, trừ khi những người quản lý có black swan về mặt nhận thức.

Update (12/11): Một bài viết về phát biểu của PTT Hoàng Trung Hải của PPL, đăng trên blog Nguyễn Văn Tuấn.

Update (20/11): Không chỉ có PTT Hoàng Trung Hải, TT Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần gây ra những thiệt hại trong hai cơn bão vừa qua ở miền Trung. Tuy nhiên khác với PTT, TT Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ra soát lại qui hoạch và các công trình thủy điện, trong đó có các qui trình vận hành (xả lũ). Mặc dù tôi hoan nghênh việc rà soát lại này, tôi cho rằng không nên đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Cần phải xem xét các nguyên nhân chủ quan như một số comment bên dưới đã nêu ra (các tỉnh quản lý rừng kém, số liệu dòng chảy ở các vùng sâu vùng xa không đầy đủ). Đặc biệt phải đánh giá lại thật cẩn thận tác động của việc xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào môi trường.

Update (17/5/10): Theo tác giả Tấn Đức, các công trình thủy điện không những không giúp chống lũ (nhiều khả năng còn làm lũ nặng thêm) mà còn không giúp gì cho việc điều tiết tưới tiêu trong mùa khô. Tôi càng ngày càng tin rằng thiết kế/qui hoạch các nhà máy thủy điện của miền Trung có vấn đề.



Thursday, November 14, 2013

Banking sector data


Mấy hôm trước tôi có một comment trên G+ về vấn đề vốn tự có vs vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần của VN. Một bài báo của VNEconomy cho biết theo số liệu thống kê của NHNN thì có vẻ các ngân hàng TMCP đang phục hồi vì vốn tự có đã gần như xóa hoàn toàn khoảng cách với vốn điều lệ. Vào website của NHNN tìm số liệu gốc tôi thấy bảng số liệu sau cho tháng 9/2013 (có thể chọn các bảng số liệu tương tự cho từng tháng ngược về đến tháng 4/2012):

(Nguồn: NHNN)


Trước hết cần phải nói việc công khai số liệu lên website như vậy là một điều rất đáng hoan nghênh, hi vọng NHNN sẽ tiếp tục đăng tải thêm thông tin để mọi người có thể đánh giá tình trạng sức khỏe và an toàn của hệ thống. Ở đây tôi xin nêu ra một số thắc mắc/nhận xét liên quan đến bảng số liệu này.

- Nếu bạn để ý số liệu cột 11 (Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn) bạn sẽ thấy có 2 số âm ở mục NH Liên doanh, nước ngoài và Ngân hàng HTX Việt nam. Đây là một điều khó hiểu, NHNN cần giải thích tại sao tỷ lệ này lại có thể âm? Xem các bảng số liệu của các tháng trước cột này của Ngân hàng liên doanh, nước ngoài luôn luôn âm còn của Ngân hàng HTX có lúc âm lúc dương.

- Giá trị của cột số liệu này cho toàn hệ thống (hang cuối cùng) là 17.54%, một con số khá nhỏ và cực kỳ an toàn. Nếu con số này đúng có lẽ nào hơn 80% các khoản cho vay là ngắn hạn (giả sử ngân hàng chủ yếu huy động ngắn hạn) hoặc các ngân hàng có một tỷ lệ vốn huy động dài hạn rất lớn. Giá như NHNN công bố tỷ lệ cho vay ngắn hạn/trung, dài hạn thì sẽ rõ ràng hơn.

- Số liệu ROA của toàn hệ thống là 0.2 không rõ được tính như thế nào? Nếu tính theo asset-weighted thì phải là 0.38. Tương tự như vậy equity-weighted ROE của toàn hệ thống sẽ là 3.74 (dùng vốn tự có). Còn equity-weighted CAR sẽ là 16.19%, asset-weighted CAR là 14.15% thay vì 13.76% như trong bảng. Việc ROA hay CAR của từng phân khúc ngân hàng cao trong khi của toàn hệ thống thấp cũng giống như thống kê GDP các tỉnh cao nhưng của cả nước lại thấp.

- CAR, theo qui định của Thông tư 13/2010/TT-NHNN, được tính bằng equity/risk-adjusted assets. Trong đó equity là vốn tự có còn risk weight thay đổi từ 0% đến 250% tùy loại assets. Con số này của các ngân hàng TMCP vào tháng 9/2013 là 12.81%. Nghịch đảo của nó là risk-adjusted leverage, bằng 7.8, nhỏ hơn nhiều so với simple leverage (assets/equity) bằng 12.21 hay earning leverage (ROE/ROA) 10.89. Điều này bình thường nhưng khi so với tháng 9/2012 thì risk-adjusted leverage tăng trong khi earning leverage lại giảm, cho thấy mức độ rủi ro (tính theo CAR) tăng không tương xứng với lợi nhuận tăng.

- Cả 3 loại leverage này của khối ngân hàng nước ngoài đều rất thấp, chỉ bằng nửa của nhóm ngân hàng nhà nước hoặc cổ phần. Tuy nhiên ROA của nhóm này lại cao nhất, chứng tỏ họ làm ăn rất hiệu quả nên không cần sử dụng nhiều leverage. Một lý do khác giải thích ROA cao có thể là họ chiếm được nhiều thị phần trong phân khúc các dịch vụ ngân hàng có high margin mà không cần cạnh tranh giành giật deposit với các ngân hàng nội địa. Dù lý do gì đi nữa rõ ràng các ngân hàng nội địa phải học tập và gia tăng cạnh tranh với các ngân hàng nước ngoài.

- Quay lại vấn đề vốn tự có vs vốn điều lệ, tôi vẽ lại đồ thị 2 loại vốn này dưới đây cho khối TMCP:



Có thể thấy hệ thống ngân hàng TMCP bị 2 cú shock rất lớn trong quí 2 2012 và quí 1 2013, mất một lượng lớn vốn tự có (khoảng 12%). Tôi ngờ rằng đây là những giai đoạn các ngân hàng TMCP phải phân loại và chấp nhận NPL cao đột biến và phải trích lập dự phòng (trừ vào vốn tự có). Tuy nhiên trong những giai đoạn này ROA/ROE của các ngân hàng vẫn dương nên trừ khi các qui tắc kế toán của VN "không giống ai" tôi không thể giải thích được tại sao vốn tự có lại bị mất như vậy (các bạn có thể viện dẫn những vụ như ACB lỗ 500 tỷ vì buôn vàng nhưng nên nhớ ROA/ROE của toàn hệ thống vẫn dương). Như vậy không kể số liệu thống kê có vấn đề, báo chí và giới chuyên gia đã "mù tịt" về nhiều khoản lỗ cực lớn trong giai đoạn này.

Nhưng chưa hết, sau khi bị rớt xuống đáy trong Q1 2013, vốn tự có của khối ngân hàng này tăng rất mạnh trong Q2 và Q3 trong khi vốn điều lệ không tăng đáng kể. Trong bối cảnh vốn điều lệ cao hơn vốn tự có, ngay cả nếu các ngân hàng này phát hành thành công cổ phiếu ra công chúng (mà rất ít bằng chứng) thì cũng khó có thể có thặng dư vốn trừ khi price/book ratio rất cao - một điều không tưởng trong bối cảnh kinh doanh ngân hàng hiện nay. Bạn có bỏ tiền mua cổ phiếu một ngân hàng với giá cao hơn mệnh giá trong khi giá trị sổ sách đã xuống thấp hơn mệnh giá? Vậy chỉ còn khả năng trong giai đoạn này các ngân hàng TMCP có lợi nhuận lớn và họ giữ lại lợi nhuận để tăng vốn tự có hoặc họ re-classify lại nợ xấu để thu lại một phần trích lập dự phòng trước đây đã trừ vào equity. [Update 19/11: Theo bản tin này thì ngành ngân hàng đã "cơ cấu" lại 300 nghìn tỷ đồng, không rõ NPL có được "cơ cấu" theo không.]

Liệu lợi nhuận của khối ngân hàng TMCP trong Q2/Q3 2013 có cao không? Số liệu ROA/ROE của Q2 dương nhưng không quá lớn, Q3 chưa có báo cáo nên không rõ thế nào. Để ước lượng lợi nhuận của các ngân hàng trong Q3, tôi vào website của TCTK xem số liệu GDP của Q3 cho ngành "Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm". Chín tháng đầu năm 2013 ngành này có GDP bằng 124 nghìn tỷ, một bước nhảy vọt so với 6 tháng đầu năm mới chỉ có hơn 61 nghìn tỷ (3 tháng đầu năm là 27 nghìn tỷ). Không rõ TCTK có phân chia lại nhóm ngành không nhưng cả năm 2012 ngành "Tài chính, tín dụng" chỉ có GDP bằng 56 nghìn tỷ, còn năm 2011 là 48 nghìn tỷ. Như vậy trong Q3 GDP của nhóm này tăng 85% so với Q2 (chưa annualized), còn 3 quí đầu năm tăng 120% so với toàn bộ năm 2012. Tất nhiên nhóm các ngân hàng TMCP chỉ chiếm một phần trong tổng số GDP ngành đó và lợi nhuận chỉ là một phần của GDP, nhưng tốc độ tăng trưởng "khủng" như vậy phù hợp với sự phục hồi "thần kỳ" của vốn tự có theo số liệu của NHNN.

Có điều chẳng biết số liệu của cả NHNN lẫn TCTK có phản ánh đúng thực trạng ảm đạm của nền kinh tế và hệ thống ngân hàng hay không. Theo các bạn analyst của VDSC thì khu vực dịch vụ tài chính trong Q3 2013 có ROA và ROE đều dưới 1%, thấp hơn nhiều số liệu của NHNN và TCTK. Nếu bạn (như tôi) tin số liệu của VDSC hơn, bạn sẽ có nhiều câu hỏi cho NHNN và TCTK về độ chính xác của số liệu cũng như sức khoẻ thật sự của hệ thống ngân hàng TMCP.



Tuesday, November 12, 2013

GICS


Đọc bài báo này thấy các bạn analyst của Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã tính tỷ lệ lợi nhuận cho hơn chục ngành công nghiệp của VN có các công ty đã niêm yết.

Việc này rất tốt nhưng tôi khuyên các bạn Rồng Việt cũng như các công ty chứng khoán khác nên phân loại các ngành công nghiệp theo hệ thống GICS của MSCI. Hệ thống phân loại ngành này hiện nay cực kỳ phổ biến trên thế giới, một số thị trường trước đây phân loại theo các hệ thống khác nay đang chuyển sang GICS (khá mất công). Sở dĩ GICS phổ biến vì MSCI và S&P xây dựng các industry index dựa theo hệ thống phân loại này được các quĩ đầu tư lớn sử dụng. Số liệu và phân tích cho thị trường VN của các bạn nếu sử dụng GICS sẽ dễ được các nhà đầu tư quốc tế chấp nhận hơn.


Wednesday, November 6, 2013

Accounting identity


Có một lỗi trong kinh tế học mà khá nhiều người mắc phải, không chỉ những bạn sinh viên "chưa thuộc bài" hay một số nhà kinh tế "không chuyên" mà cả những giáo sư rất uy tín. Cá nhân tôi cũng từng mắc phải lỗi này và không loại trừ khả năng sẽ bị lại trong tương lai. Lỗi đó là nhầm lẫn giữa accounting identity và behavioral relationship/equation khi phân tích các vấn đề kinh tế. Vậy identity và relationship khác nhau thế nào?

Trong toán học biểu thức (a+b)^2=a^2+2ab+b^2 là một identity, nó luôn đúng chí ít trong một hệ qui chiếu hay với một nhóm tiên đề nào đó. Một biểu thức trong kinh tế học nếu luôn đúng thì đó cũng là một identity. Loại identity phổ biến nhất trong kinh tế học là accounting identity, trong đó có thể hiểu các nguyên tắc và định nghĩa accounting là một hệ tiên đề đảm bảo cho những biểu thức đó luôn đúng. Lấy ví dụ Assets = Liabilities + Equity luôn luôn đúng nếu được áp dụng trong một hệ accounting chuẩn tắc.

Một biểu thức mô tả relationship có thể đúng, có thể sai tuỳ thuộc vào lý thuyết và những giả định mà từ đó nó được xây dựng. Thông thường một biểu thức relationship mô tả sự phụ thuộc của một/vài biến số vào một/vài biến số khác. Ví dụ định luật vạn vật hấp dẫn của Newton F=g*m1*m2/r^2 là một relationship mô tả sự phụ thuộc của lực hấp dẫn F vào khối lượng của 2 vật thể m1, m2 và khoảng cách r giữa chúng. Relationship này "đúng" ở một mức độ và một số hoàn cảnh nhất định, nhưng "không đúng" trong những hoàn cảnh khác. Một ví dụ về behavioral relationship trong kinh tế học là Permanent Income Hypothesis của Milton Friedman C=c*I, trong đó C là consumption, I là permanent income và c là một hằng số (propensity to consume).

Thông thường các identity được dùng để mô tả những định nghĩa/đại lượng/hiện tượng/hoàn cảnh xảy ra còn relationship dùng để giải thích những hiện tượng đó. Identity rất cần thiết nhưng relationship mới là những phát minh khoa học và là động lực để một ngành khoa học phát triển. Để phân tích một quan hệ nhân quả người ta cần sử dụng relationship chứ không phải identity. Tuy nhiên trong kinh tế học nhầm lẫn giữa identity và relationship không hiếm. Sau đây là một số ví dụ điển hình.


PY = vM

Đây là một accounting identity rất nổi tiếng và thường xuyên bị "sử dụng nhầm" như là một behavrioral relationship để phân tích về mối quan hệ giữa cung tiền và lạm phát. Người ta thường chuyển Y sang vế phải để identity này thành P=vM/Y và lập luận rằng nếu tăng M gấp đôi thì hiển nhiên P sẽ tăng gấp đôi. Một số người cho rằng đây là nguyên tắc căn bản của trường phái monetarism, nghĩa là đánh đồng identity này với một lý thuyết (relationship) về tiền tệ. Trên thực tế cả 4 biến số trong identity này có quan hệ mật thiết với nhau, bởi vậy khi M thay đổi cả 4 có thể thay đổi để đảm bảo identity ban đầu vẫn đúng. Giả sử M tăng gấp đôi thành M', chúng ta sẽ có một identity mới là P'=v'M'/Y' và không thể biết liệu P' có bằng 2 lần P hay không nếu không có thêm một vài giả định hoặc lý thuyết bên ngoài.

Về mặt toán bạn có thể biểu diễn mối quan hệ này như sau: dP/dM = v/Y + M/Y*dv/dM + v/Y^2*dY/dM. Trường phái monetarism cho rằng dv/dM=0 và dY/dM=0, do đó có thể biểu diễn relationship giữa P và M thành P=c*M, trong đó c là một hằng số. Chỉ khi có một relationship như vậy, đại diện cho một lý thuyết cụ thể, bạn mới có thể phân tích về quan hệ giữa cung tiền và lạm phát chứ identity ban đầu không cho phép làm như vậy. Tất nhiên bạn có thể/có quyền nghi ngờ tính đúng đắn của một relationship/lý thuyết cụ thể nhưng identity thì luôn đúng.


S = I

Đây cũng là một identity khá nổi tiếng và nhiều người trong đó có Eugene Fama, người vừa được giải Nobel kinh tế năm nay, đã vận dụng sai. Lập luận thường thấy trong trường hợp này là saving S theo định nghĩa bao gồm private saving cộng government saving (S = S_p + S_g). Bởi vậy nếu government tăng chi tiêu, nghĩa là giảm government saving, thì tổng S sẽ giảm làm cho I giảm theo (ở đây giả định nền kinh tế đóng). Có thể biểu diễn lập luận này một cách formal như sau:

I = S = S_p + S_g(G), trong đó S_g(G) là một hàm số của government spending (G). Lấy đạo hàm 2 vế dI/dG = dS_p/dG + dS_g/dG. Như vậy quan điểm chi tiêu chính phủ sẽ crowd out đầu tư tư nhân cần thêm 2 giả định: dS_p/dG=0 và dS_g/dG<0. Lúc đó chúng ta sẽ có relationship dI/dG<0 khác với identity ban đầu. Lưu ý rằng relationship/lý thuyết government spending luôn crowd out đầu tư tư nhân (dI/dG<0) có thể đúng, có thể sai chứ không phải luôn luôn đúng như Fama và nhiều người nhầm tưởng.


Y = C + I + G + X - M

Đây là một accounting identity điển hình, trên thực tế là định nghĩa của GDP. Identity này luôn luôn đúng, nghĩa là GDP luôn luôn bằng tổng của các cấu thành của nó (tiêu dùng cuối cùng C, đầu tư I, tiêu dùng của chính phủ G, và thặng dư mậu dịch X - M). Một trong những lỗi mà một số người mắc phải là sử dụng identity này để cổ suý cho chính sách kích cầu. Nếu bạn nhầm tưởng đây là một relationship thì bạn sẽ lập luận rằng kích cầu sẽ làm C tăng và do vậy kéo theo Y tăng. Như đã nói bên trên giả sử C tăng lên C', thì bạn sẽ có một identity khác là Y' = C' + I' + G' + X' - M' và không có gì đảm bảo Y' > Y. Bạn cần phải có một lý thuyết/relationship, ví dụ Keynesian theory, khác với identity này thì mới đủ để bảo vệ quan điểm của bạn. [Ví dụ Keynesian multiplier cho rằng Y = m*G, trong đó m > 1. Do đó nếu tăng G thì Y sẽ tăng nhanh hơn.]

Một hiểu nhầm tương tự khác liên quan đến identity này là nếu thâm hụt thương mại (M - X) giảm thì GDP sẽ tăng. Trong trường hợp VN mấy năm trước có thâm hụt thương mại xấp xỉ 10% GDP, hiện nay cán cân này đã gần bằng không do đó GDP phải tăng thêm 10%. Nếu bạn đã hiểu những gì tôi viết bên trên thì sẽ thấy lập luận này sai ở chỗ nó tách rời việc cán cân thương mại tăng từ -10% GDP về 0% với các thành phần khác của GDP (C, I, G). Một ví dụ đơn giản nhất để thấy lập luận như vậy sai là giả sử toàn bộ phần thâm hụt thương mại trước đây là máy móc thiết bị nhập về cho đầu tư (I), nay VN không nhập chúng về nữa (nên cán cân thương mại bằng 0) thì I cũng sẽ giảm tương ứng dẫn đến Y không thay đổi.

Trên thực tế mối quan hệ giữa GDP và cán cân thương mại thường nghịch đảo, nghĩa là khi GDP tăng trưởng cao thì có thâm hụt mậu dịch cao, ngược lại khi kinh tế suy thoái thì thâm hụt giảm, thậm chí có thể trở thành thặng dư. Bởi vậy việc cán cân thương mại của VN cải thiện trong thời gian qua chưa chắc là dấu hiệu tốt, cần phải đánh giá từng cấu thành của nó và phân tích các nguyên nhân thay đổi trước khi hoan hỉ cho rằng hàng VN đã cạnh tranh được với thế giới. Rất có thể cán cân thương mại giảm thâm hụt là dấu hiệu cho thấy kinh tế đang suy thoái.

Hi vọng bài viết này sẽ giúp các bạn tránh được những nhầm lẫn tương tự trong tương lai, nhưng nếu có nhầm thì đừng quá thất vọng vì ngay cả Eugene Fama cũng đã có lần lập luận sai như bạn, và như tôi :-)