Wednesday, January 15, 2014

Vietnam 2013


1.
Dưới đây là mẩu đối thoại giữa tôi và anh công an cửa khẩu Tân Sân Nhất một ngày cuối tháng 12/2013:

- Chào anh Giang, ba năm rồi anh mới về thăm nhà nhỉ.
- Vâng, lần cuối tôi về hồi...
- À anh về lần cuối năm 2010. Anh Giang làm việc ở Singapore à?
- Không tôi làm việc ở Úc, chỉ quá cảnh qua Singapore thôi.
- Anh về nghỉ có lâu không?
- Tôi về được 3 tuần.
- Thủ tục của anh xong rồi, chúc anh một kỳ nghỉ vui vẻ.

Đi qua khỏi cửa khẩu tôi vẫn còn ngỡ ngàng về thái độ lịch sự của người cán bộ trẻ này. Dù những mẩu đối thoại thân thiện như vậy ở cửa khẩu có thể còn rất hiếm, dù ngay sau đó tôi có một trục trặc nhỏ với cán bộ hải quan kiểm tra hành lý, đây chắc chắn là một tín hiệu đáng mừng về thái độ phục vụ của các cơ quan công quyền VN. Những ngày sau đó ở VN tôi có dịp tiếp xúc với một cán bộ của Uỷ ban nhân dân Q.7, một anh cảnh sát giao thông trên đường Nguyễn Văn Linh, cảm giác chung vẫn là thái độ phục vụ của công chức đã nhã nhặn hơn rõ rệt so với trước đây. Hi vọng tôi không nhầm.

Không chỉ các cơ quan công quyền, hầu như tôi không có phàn nàn gì về thái độ phục vụ của hầu hết nhân viên trong private sector. Từ những anh lái xe taxi, phục vụ nhà hàng, bảo vệ chung cư, đến nhân viên bán hàng, hướng dẫn du lịch, ai cũng thân thiện và chuyên nghiệp hơn trước. Nền kinh tế đang dịch chuyển sang service sector bắt đầu từ những con người cụ thể như vậy.


2.
Ngày cuối cùng trước khi rời VN tôi đến một chi nhánh của BIDV để chuyển một ít tiền đóng góp cho chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa(*) nghe "lóm" được mẩu đối thoại sau:

- Chị ơi cho tôi hỏi lãi suất gửi tiết kiệm ở đây là bao nhiêu phần trăm?
- Sáu phần trăm chị ạ.
- Sao thấp thế chị? Có ngân hàng khác nhận gửi tiết kiệm bảy phần trăm cơ mà.
- Chị thông cảm, bọn em là ngân hàng nhà nước mà.

Dường như việc khu vực kinh tế nhà nước làm ăn kém cạnh tranh hơn private sector đã trở thành một điều hiển nhiên ở VN, không chỉ với các nhà kinh tế mà còn với đa số người dân. Vậy nhưng bản Hiến pháp mới vừa được QH thông qua vẫn khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước. Nếu cuối thập kỷ 1980 một vài biện pháp tháo gỡ kinh tế đã khởi đầu cho một giai đoạn phát triển vượt bực, ngày nay tháo gỡ vòng kim cô kinh tế nhà nước chắc chắn sẽ là chìa khoá cho một cuộc đổi mới kinh tế lần hai. Thay vì cứ bắt dân chúng phải "thông cảm", các nhà lãnh đạo nên vượt qua rào cản tư tưởng để đất nước có cơ hội phát huy hết tiềm năng của mình. Mèo đen mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột.

(*): Chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa do một số anh chị phóng viên khởi xướng với mục đích quyên góp tiền giúp đỡ thân nhân những liệt sĩ đã hi sinh trong trận chiến giữ đảo Hoàng Sa năm 1974. Đây cũng là một hoạt động nhằm tuyên truyền và giáo dục thế hệ trẻ về chủ quyền của VN trên quần đảo này dù TQ đã chiếm đóng trái phép nó 40 năm qua. Cá nhân tôi thấy đây là một chương trình rất nhân văn và cần thiết nên mong muốn các bạn đọc của blog tham gia nếu có điều kiện. Có thể là một đóng góp nhỏ cho quĩ, có thể là tìm hiểu thêm và giới thiệu cho bạn bè, người thân về chủ quyền của VN ở Hoàng Sa và những liệt sĩ đã ngã xuống bảo vệ quần đảo này. Rất mong sẽ có một chương trình tương tự cho các liệt sĩ ở Trường Sa.


3.
Không chỉ với Nhịp cầu Hoàng Sa, nhiều hoạt động từ thiện đáng quí khác cũng đang diễn ra sôi động hoặc âm thầm. Dự án "Cơm treo" mà tôi đã có lần đề cập đến trên blog này đã có được 9 địa điểm nhận phát hành voucher. Dù chưa nổi tiếng bằng chương trình "Cơm có thịt", lòng nhiệt tình của các bạn trẻ vận hành dự án "Cơm treo" làm tôi rất khâm phục.

Nếu "Cơm treo" phát hành voucher để huy động quĩ một cách trực tiếp và low-cost nhất cho các quán cơm Nụ cười, dự án "Bgood.vn" có một cách tiếp cận low-cost khác với các mạnh thường quân để giúp đỡ cho các bạn sinh viên nghèo vượt khó. Kết hợp giữa công nghệ và hình thức cloud-sourcing, bgood.vn, một website do một chuyên gia tài chính tại SG xây dựng nhằm kết nối trực tiếp nhà tài trợ với các bạn sinh viên cần giúp đỡ. Dù còn nhiều điều phải cải thiện, với khẩu hiệu "Không để sinh viên nghèo phải nghỉ học vì thiếu tiền đóng học phí", bgood.vn đang đi đúng hướng. Mạng xã hội trên không gian ảo đã và đang làm thay đổi xã hội thực, có thể thấy điều này rất rõ trong các hoạt động từ thiện.


4.
Trên đường từ sân bay Tân Sân Nhất về nhà, nhận xét đầu tiên của tôi là đường xá SG đã thông thoáng hơn nhiều so với cách đây 3 năm. Nhiều người giải thích rằng đó là vì SG đã có thêm nhiều cầu vượt, hầm chui, đại lộ mới, và nhất là gần như không còn "lô cốt" trên các tuyến đường chính. Tất nhiên đó là những điều rất đáng mừng, tuy nhiên sau 3 tuần quan sát tôi có cảm giác giao thông thành phố này "dễ thở" hơn có lẽ còn vì các hoạt động kinh tế đã kém sôi động hơn so với trước kia. Các công trình xây dựng lớn không còn nhiều, sức mua ở các trung tâm mua sắm lớn có vẻ giảm đi đáng kể, ngay cả các quán nhậu bình dân ven đường cũng không còn náo nhiệt như cách đây vài năm. Điều này phù hợp với tình hình kinh tế chung của cả nước.

Nhưng bất chấp mật độ giao thông giảm xuống, tình trạng ô nhiễm không khí có vẻ trầm trọng hơn. Trong suốt 3 tuần tôi ở SG không ngày nào tôi nhìn thấy bầu trời xanh và không tối nào tôi thấy trăng sao dù trời không hề mây. Thấy báo đài nói đó là sương mù do giai đoạn này khí hậu khu vực SG có nhiều biến động, tôi ngờ rằng lý do chính là smog tương tự như tình trạng ô nhiễm của Bắc Kinh và Thương Hải. Chỉ cần lên khu vực làng đại học Thủ Đức là bầu trời đã khác, biến đổi khí hậu không thể ảnh hưởng mỗi trung tâm SG. Giải pháp lâu dài cho cả vấn đề ô nhiễm lẫn giao thông là giãn dân và các hoạt động kinh tế, hành chính khỏi chung tâm thành phố. Chạy theo nhu cầu giao thông bằng cách mở đường, xây cầu vượt, đường trên cao... vừa tốn kém và làm xấu bộ mặt thành phố, vừa không giải quyết triệt để được các vấn đề đô thị nói trên.

Qui hoạch giãn đô thị còn giúp cho vấn đề bảo tồn những công trình kiến trúc và khu phố cổ. Mặc dù Thủ Thiêm đã có một vài complex nhà cao tầng và đường xá mới, khu đô thị này đáng ra phải được phát triển sớm hơn và nhanh hơn để giải toả sức ép xây dựng cho trung tâm Q.1. Hi vọng với hầm chui và các cây cầu mới qua sông SG, bờ Đông con sông này sẽ thu hút các nhà đầu tư và dân cư hơn để thành phố không tiếp tục bị mất những ngôi nhà, biệt thự cổ, là chứng tích của biết bao thăng trầm lịch sử.


5.
Nói về bảo tồn kiến trúc đô thị chắc không đâu ở VN làm tốt bằng Hội An. Tôi có mấy ngày về quê ở Quảng Nam và tranh thủ ghé thăm Hội An. Dù du khách đông đúc hơn nhiều tôi vẫn cảm nhận được cái khung cảnh hơn 15 năm trước khi lần đầu tới đây. Tất nhiên so sánh SG với Hội An có quá nhiều khập khiễng, nhưng phải nói chính quyền của cái thị trấn nhỏ này đã rất có tầm nhìn và giữ được kỷ cương trước các cám dỗ bán đất đai làm du lịch. Không phải vô cớ mà Hội An luôn được khách du lịch quốc tế tìm đến, nhiều bạn bè Úc của tôi ở đây khi đi VN về đều có ấn tượng rất tốt với thành phố này.  Thậm chí một cặp vợ chồng già đã sang thuê nhà ở lại Hội An dài hạn, vừa du lịch vừa làm từ thiện. Một buổi tối đi dạo trên những con phố cổ của Hội An nghe nhạc cổ điển phát ra từ các cặp loa gắn trên các trụ đèn ven đường, tôi tự nhủ hoá ra "loa phường" không phải ở đâu cũng tệ.

Bên cạnh Hội An, Đà Nẵng dường như có một mô hình phát triển hoàn toàn khác. Thành phố này bán hết các bãi biển đẹp cho tư nhân đầu tư, cả khu du lịch trên núi Bà Nà cũng được bán cho một "soái Nga". Mặc dù tôi có nghe một vài lời bàn ra tán vào về việc chia chác ở Đà Nẵng, có thể nói thành phố này đã rất thành công trong qui hoạch và phát triển đô thị (dựa vào tiền bán đất?). Đường xá khang trang, khá sạch và qui củ so với SG, cảnh sát giao thông không nhũng nhiễu (tôi chứng kiến tận mắt), sân bay hiện đại, tiện nghi, đã cho tôi cảm giác Đà Nẵng sẽ còn tiến xa. Có thể chiến lược phát triển của Đà Nẵng khác với Hội An, nhưng tôi tin lãnh đạo ở hai địa phương này đều có tâm và có tầm, đáng để người dân hi vọng.

Trái với cảm giác lạc quan khi ra Đà Nẵng và Hội An, mấy ngày tôi đi nghỉ ở Đà Lạt làm tôi lo ngại cho thành phố này dù con người ở đây thật tốt. Cũng là một thành phố du lịch nhưng Đà Lạt hầu như không thu hút được khách nước ngoài, mấy ngày tôi ở đây chỉ nhìn thấy vài du khách Nga và một số du khách Nhật (hoặc Hàn quốc). Dù Đà Lạt là vựa rau và vựa hoa cho toàn miền Nam (hình như nay đã bán ra cả miền Bắc) kinh tế ở đây có vẻ không khởi sắc, có thể trong xu hướng chung của kinh tế cả nước trong vài năm lại đây. Thành phố Đà lạt rất thanh bình và có lẽ khá bảo thủ (kiên quyết không lắp đèn giao thông), nhưng giống như SG thành phố này dường như không thể chống chọi được với làn sóng xây dựng mới và phế bỏ nhiều công trình kiến trúc cổ. Đi qua một ngôi biệt thự mới xây khá diêm dúa gần Dinh 2 (được giới thiệu là nhà của bí thư tỉnh uỷ), tôi không khỏi có cảm giác thất vọng và thương cảm cho những người bạn Đà Lạt mới gặp của mình. Họ xứng đáng có một thành phố đẹp hơn.


6.
Nói chuyện với một anh bạn vong niên, hiện là chủ một doanh nghiệp tầm trung (doanh số hơn chục triệu USD/năm), nghe được hai điều thú vị về doanh nghiệp của bạn mình. Đầu tiên là sự chuyển dịch kinh doanh từ một ngành dịch vụ tại các đô thị lớn sang nông nghiệp với kế hoạch phát triển một chuỗi sản xuất nông nghiệp hiện đại và khép kín. Ba năm trước tôi đã được biết một quĩ đầu tư ở SG đổ tiền xuống miền Tây, lần này về thấy làn sóng đầu tư vào nông nghiệp sôi động lên nhiều. Những tên tuổi lớn bỏ tiền vào nông nghiệp/nuôi trồng thuỷ sản như CP, Minh Phú, Hoàng Anh Gia Lai, Bảo vệ thực vật An Giang đã đành, bạn tôi vốn không có kinh nghiệm gì về nông nghiệp cũng nhảy vào lĩnh vực này thì đó là dấu hiệu rất khả quan cho agri-sector của VN.

Có thể những lĩnh vực đầu tư truyền thống (manufacturing, real estate...) không còn nhiều lợi nhuận thậm chí lỗ là lý do buộc cách doanh nghiệp VN phải quay sang nông/ngư nghiệp. Nhưng chuyến thăm doanh nghiệp Rừng Hoa ở Đà Lạt cho tôi cảm giác VN có thể áp dụng những công nghệ rất tiên tiến vào nông nghiệp để tạo ra một cuộc cách mạng productivity lần hai (lần đầu diễn ra khi hệ thống hợp tác xã nông nghiệp được xoá bỏ hồi đầu thời kỳ đổi mới). Với vốn liếng dồi dào, công nghệ tiên tiến, trình độ quản lý hiện đại, những nhà đầu tư như bạn tôi có thể sẽ làm thay đổi diện mạo nông thôn VN trong những năm tới. Rào cản lớn nhất cho tiến trình này vẫn là những qui định quản lý nhà nước bất cập, hệ thống hành chính quan liêu, đến mức bạn tôi phải mở một văn phòng ở HN và để CEO ngồi làm việc ở đó để tiện "liên hệ" với các bộ ngành.

Điều ngạc nhiên thứ hai là CEO bạn tôi thuê là một người nước ngoài. Việc doanh nghiệp VN thuê CEO và các lãnh đạo cao cấp người nước ngoài không mới. Nhiều doanh nghiệp và ngân hàng lớn đã làm điều này từ lâu, nhưng một doanh nghiệp tầm trung như bạn tôi thuê CEO nước ngoài thì đó là một cột mốc quan trọng trong thị trường quản trị doanh nghiệp dù đó có thể là một trường hợp cá biệt. Sở dĩ tôi nghĩ điều này quan trọng vì khi nhân sự nước ngoài đã trở nên phổ biến (đến mức không chỉ những doanh nghiệp rất lớn mới thuê được), hệ thống doanh nghiệp nhà nước sẽ buộc phải tính đến chuyện thuê CEO hoặc các nhân sự cấp cao khác từ nước ngoài. Rồi không chỉ giới doanh nghiệp, biết đâu một ngày nào đó NHNN sẽ thuê một giáo sư kinh tế tên tuổi từ MIT sang làm thống đốc.


7.
Tất nhiên đó chỉ là một giấc mơ đẹp cho tương lai, ở thời điểm hiện tại một phó tổng giám đốc trong ngành dầu khí cho tôi biết Bộ Tài chính đang có kế hoạch đặt mức lương trần cho các vị trí chủ chốt ở các doanh nghiệp nhà nước, mà cụ thể là 20 triệu VND cho vị trí của anh ấy. Với mức lương như vậy thuê một CEO người Việt có trình độ còn khó chứ đừng nói gì thuê người nước ngoài. Bên cạnh cắt giảm lương của lãnh đạo các doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính còn yêu cầu các doanh nghiệp này phải nộp hết lợi nhuận trong 2 năm 2013-2014 về cho bộ. Mà không chỉ lợi nhuận, thậm chí một số quĩ dự trữ rủi ro được doanh nghiệp trích từ lợi nhuận của các năm trước đó cũng có khả năng bị Bộ Tài chính "tịch thu". Không ai nói ra nhưng chiến dịch "tận thu" này chắc hẳn phải có liên hệ mật thiết với việc bộ đã hoàn thành kế hoạch thu ngân sách năm 2013 dù cuối Q3 vừa rồi đã có rất nhiều thông tin bất lợi.

Hiển nhiên khi phải giao nộp hết lợi nhuận về cho ngân sách, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước trong năm 2014 sẽ gặp nhiều khó khăn. Cụ thể họ sẽ phải lập kế hoạch và dự án đầu tư xin Bộ Tài chính cấp vốn, nghĩa là quay ngược cơ chế đầu tư về thời bao cấp gần 30 năm trước. Một doanh nghiệp mà nhất cử nhất động đều phải xin phép và đợi Bộ Tài chính cấp vốn thì không thể làm ăn hiệu quả, những doanh nghiệp nhà nước bị trói trong vòng kim cô như vậy sẽ càng là gánh nặng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó một khi nhà nước đã consolidate balance sheet của các SOE vào balance sheet của mình như vậy, nợ của hệ thống này sẽ nghiễm nhiên trở thành nợ công. Vậy tỷ lệ public debt/GDP sẽ vượt xa "ngưỡng an toàn" 60%, các tổ chức quốc tế, các chủ nợ nước ngoài sẽ nghĩ gì?


8.
Chưa cần phải đợi đến khi cơ chế xin cho đầu tư cổ lỗ đó đi vào hiện thực, hệ thống SOE mà điển hình là nhiều tập đoàn kinh tế nhà nước đã lâm vào hoàn cảnh khó khăn từ mấy năm nay. Năm 2013 đã đánh dấu chấm hết cho tập đoàn Vinashin. Sau một loạt nỗ lực tái cấu trúc của chính phủ, tập đoàn này đã phải phân tán rất nhiều tài sản xấu và nợ cho các tập đoàn khác để rồi chính mình bị xoá tên. Những tập đoàn nhà nước và các công ty khác, những ngân hàng và cả công ty chứng khoán phải chia nhau ra gánh bớt nợ cho Vinashin, nói cách khác là chia sẽ lỗ cho tập đoàn này. Tôi nghe hai doanh nghiệp thuộc hàng "số má" của VN than rằng vài ngàn tỷ ôm cho Vinashin đành phải quên đi. Nhưng dẫu sao họ vẫn thuộc hàng cứng cựa nên còn chịu đựng được, các doanh nghiệp yếu hơn có thể sẽ sụp như trường hợp Vinalines hay một vài ngân hàng chịu cảnh bị thôn tín. Phân chia lỗ của Vinashin cho các doanh nghiệp gánh bớt tương đương với một dạng thuế ngầm đánh lên giới doanh nghiệp. Hậu quả của nó tương đương như việc bóp nghẹt chính sách tài khoá khi nền kinh tế đang yếu.

Aggregate demand suy giảm trong năm này là nguyên nhân chủ yếu kéo lạm phát xuống đồng thời depress credit demand. Mặc dù nợ xấu trong hệ thống ngân hàng rất đáng ngại và là điều phải giải quyết, tôi không tin đó là trở ngại chính cho tăng trưởng tín dụng trong năm 2013. Làn sóng doanh nghiệp phá sản/biến mất và bất động sản tiếp tục đóng băng là lý do làm credit demand giảm, bởi vậy ngân hàng thừa tiền nhưng rất khó cho vay. Giải pháp thông thường theo textbook trong trường hợp này là kích cầu và giảm lãi suất, tuy nhiên balance sheet của cả government và private sector đều tệ, còn NHNN vẫn chưa thoát được ám ảnh của lạm phát cao trong mấy năm trước. Bởi vậy VN chỉ còn trông chờ vào quá trình creative destruction tự nhiên của một nền kinh tế thị trường. Năm 2013 diễn ra đúng như vậy, chính phủ và NHNN đã gần như khoanh tay ngồi nhìn, một vài chính sách khuấy động báo chí một thời gian như đấu thầu vàng, VAMC, 30K tỷ "cứu" bất động sản trên thực tế có ảnh hưởng khá nhỏ vào nền kinh tế.

Vậy nhưng có vẻ nửa sau của 2013 kinh tế VN xuất hiện một vài dấu hiệu khả quan. Chỉ số PMI của HSBC/Markit đã được cải thiện rõ rệt. Credit growth của một số ngân hàng nhúc nhích đi lên, đầu tư nước ngoài tăng trưởng khá, thị trường bất động sản tuy chưa hết đóng băng nhưng đã bắt đầu có giao dịch. Một người bạn của tôi cho rằng 2-3 tháng cuối năm 2013 giá căn hộ của một số dự án cao cấp bắt đầu quay đầu đi lên, mọi người bắt đầu tính đến chuyện mua nhà thay vì ngồi chờ thêm một thời gian nữa đợi giá xuống thêm. Bản thân giới chủ đầu tư cũng lạc quan hơn và "chảnh" hơn khi từ chối sang lại dự án với giá rẻ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Câu hỏi của họ cho các policy maker là có chính sách nhà đất gì mới không chứ không còn kêu gào giảm lãi suất hay bơm vốn như trước nữa. Điều này chứng tỏ cash flow của họ không còn quá khó khăn và balance sheet đã đươc cải thiện.

Không chỉ với các doanh nghiệp bất động sản lớn, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ mà tôi có dịp tiếp xúc cho biết họ đã giảm số nợ ngân hàng xuống rất nhiều, thậm chí có doanh nghiệp đã trở thành debt free. Đây là thành quả của một giai đoạn deleveraging gian khổ mà họ đã trải qua, tất nhiên ai không thành công đã phải ngậm ngùi phá sản. Trả lời cho câu hỏi của tôi: "Anh/chị đánh giá tình hình kinh doanh năm 2013 tốt hơn hay kém hơn 2012, năm 2014 liệu có khả quan hơn không?", đa số đánh giá tình hình kinh doanh năm 2013 đã chạm đáy. Tất nhiên không ai tỏ vẻ quá lạc quan cho năm 2014 nhưng chí ít họ cho rằng năm nay sẽ không tệ hơn năm ngoái. Mẫu khảo sát của tôi khá nhỏ (<10) và phần lớn được trao đổi sau khi cả người hỏi lẫn người trả lời đã cụng vài ly nên có thể không chính xác, nhưng nhìn chung phù hợp với kết quả khảo sát PMI tôi đề cập bên trên.


9.
Dấu hiệu là như vậy nhưng liệu đâu là nguyên nhân để có thể hi vọng vào năm 2014? Loại trừ thiên tai và những biến động chính trị xã hội mà không ai đoán được, xung hướng FDI của năm 2014 vẫn tiếp tục tốt. Nền TQ càng ngày càng có dấu hiệu sẽ có correction về tương quan tiêu dùng/đầu tư, dẫn đến một làn sóng các nhà đầu tư nước ngoài và cả các nhà đầu tư TQ sẽ ra đi tìm nơi có nhân công rẻ hơn. Chiến lược China+1 để giảm bớt rủi ro sẽ có lợi cho VN và các nước nghèo khác ở châu Á, việc Samsung đã và đang mở rộng nhà xưởng ở VN là một minh chứng. Dòng vốn FPI thông qua các quĩ đầu tư có thể sẽ ấm lên dù hai đầu tầu VinaCap và DC chưa có rục rịch gì. Một vài nguồn tin khả tín của giới quĩ đầu tư cho biết họ đã và đang raise fund từ bên ngoài, vào khoảng vài chục triệu USD một lần. Mặc dù dòng vốn này rất kém ổn định, việc nó có dấu hiệu quay trở lại sau một loạt những vụ thoái vốn đình đám trong năm vừa rồi cho thấy vẫn còn những nhà đầu tư nước ngoài muốn đặt cược vào kinh tế VN.

Nguyên nhân thứ hai là sự phục hồi của kinh tế thế giới. Hầu hết giới kinh tế tài chính quốc tế, kể cả IMF, đều cho rằng năm 2014 kinh tế thế giới (trừ TQ) sẽ tăng trưởng tốt hơn nhiều so với năm 2013. Châu Âu đã thoát ra được bóng ma khủng hoảng nợ công nên chí ít các nước PIGS sẽ không rơi tự do nữa. Dù Đức có dấu hiệu chựng lại trong tháng 12/2013 và tình hình kinh tế Pháp đang xấu đi, nhìn chung châu Âu sẽ có tăng trưởng trong năm nay. Trong khi đó cả Mỹ lần Nhật đều khá lạc quan về những tiến triển kinh tế gần đây. Bất chấp những trò "mèo chuột" trong chính trường Mỹ (e.g. government shutdown, debt ceiling) thị trường đã rất lạc quan phản ánh qua giá chứng khoán và cả giá bất động sản. Còn với Nhật Abenomics đã chứng minh được đây là hướng đi đúng cho đất nước này dù con đường phục hồi còn khá dài. VN với kim ngạch xuất khẩu gần 90% GDP sẽ được lợi trực tiếp khi những thị trường nói trên phục hồi. Nếu TPP được thông qua trong năm nay, đây sẽ là một cú hích quan trọng cho nền kinh tế VN không kém gì lần gia nhập WTO. Điều khác biệt căn bản là lần này VN đã có kinh nghiệm đối phó với sự tăng trưởng đột biến của dòng vốn và dòng chảy thương mại.


10.
Trong 3-4 năm gần đây khi nói chuyện với các nhà đầu tư và doanh nhân nước ngoài, tôi luôn "quảng cáo" rằng nền kinh tế VN có rất nhiều tiềm năng dù triển vọng trong ngắn hạn không sáng sủa cho lắm. Nếu ai có ý định đầu tư vào VN nên đặt mục tiêu dài hạn chứ trong vài năm có thể có nhiều rủi ro vĩ mô. Sau lần về thăm nhà vừa rồi, có lẽ nhận định trên không còn đúng nữa. Ngắn hạn như đã nói bên trên tôi bớt bi quan khá nhiều. Một hai năm lại đây tôi cho rằng tỷ giá là rủi ro rất lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài vì NHNN có thể (và nên) phá giá VND thật mạnh để khôi phục sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tuy nhiên rủi ro đó đã không xảy ra và trong năm 2014 chính NHNN đã khẳng định không để VND mất giá quá 2%, nhỏ hơn nhiều so với mức chênh lệch lạm phát. Ở đây tôi không bàn về tính đúng sai của chính sách giữ tỷ giá này (mà tôi vẫn cho là sai), đối với các nhà đầu tư nước ngoài đây là một dạng subsidy ngầm của NHNN vì cơ quan này đã "biếu không" cho họ một hợp đồng bảo hiểm rủi ro tỷ giá mà thông thường họ phải tốn khoảng 5-6% cho số tiền họ định đầu tư. Trong ngắn hạn, khi rủi ro vĩ mô đã giảm như nói bên trên, đây là một deal "hời" cho giới đầu tư/đầu cơ nước ngoài nếu "lời hứa" của NHNN tin được.

Nhưng về dài hạn tôi bi quan hơn trước rất nhiều. Có không ít những doanh nhân trong nước mà tôi gặp đã hỏi về thủ tục định cư sang Úc và những nước phát triển khác. Một số nói thẳng họ sẽ ra đi, cách này hay cách khác, nước này hay nước khác. Chí ít hầu hết những người tôi gặp đều nói họ muốn cho con cái ra nước ngoài học và ở lại lập nghiệp bên ngoài. Lý do là họ không còn hi vọng vào tương lai của VN cho dù họ đang kiếm tiền rất tốt ở đây. Dù mẫu khảo sát của tôi rất nhỏ nhưng nếu lấy con số 80% giới nhà giàu TQ muốn ra nước ngoài sống làm ước lượng cho VN, có lý do để lo ngại rằng một làn sóng người giàu và middle class của VN sẽ âm thầm ra đi. Báo chí và nhiều quan chức đã từng cảnh báo về nạn chảy máu chất xám, lần này VN sẽ không chỉ mất chất xám mà cả vốn liếng và kinh nghiệm kinh doanh, quản lý của những người đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế trong hơn 20 năm qua. Bất luận giới kinh tế và đầu tư quốc tế nhìn nhận VN thế nào, một khi chính những người trong cuộc chán nản bỏ đi, tương lai lâu dài của nền kinh tế không thể xán lạn được.

Viết đến đây chợt nhớ một câu nói của Đặng Tiểu Bình mà một người bạn đã nhắc lại chưa lâu: "Ai ra nước ngoài (học tập) rồi trở về là người yêu nước, ai ở lại là người vì nước". Tôi nghĩ những người chọn con đường ra đi không phải họ không yêu nước, vì nước, mà vì họ không còn thấy tương lai của đất nước với thể chế kinh tế và chính trị hiện tại dù tiềm năng vẫn còn. Không có những thay đổi mạnh mẽ về thể chế, niềm tin sẽ không quay trở lại.


01/2014