Wednesday, October 14, 2015

AIDS


AIDS ở đây không phải là "căn bệnh thế kỷ" mà là Almost Ideal Demand System, một hệ phương trình biểu diễn những hàm demand các loại hàng hoá khác nhau trong một nền kinh tế. Đây là một công trình của Angus Deaton, nhà kinh tế vừa được trao giải Nobel, (viết cùng John Muellbauer) công bố năm 1980. Bài báo này được đăng trên tạp chí American Economic Review, một trong những tạp chí uy tín nhất trong ngành kinh tế học, và được chính AER chọn là một trong 20 bài báo quan trọng nhất trong lịch sử 100 năm của họ. Bài viết này sẽ giới thiệu sơ lược công trình của Deaton trong tổng thể lý thuyết về demand system, về cơ bản là tóm tắt một bài literature review tôi viết năm 2003 khi đang là sinh viên (bạn có thể đọc tài liệu embedded bên dưới hoặc download pdf về đọc). Đây không phải lĩnh vực của tôi, lúc đó tôi viết bài này vì đang làm research assistant cho 2 giáo sư trong trường. Bởi vậy dù đã tìm hiểu khá kỹ nhưng bài review vẫn có thể có những sai sót, bạn nào quan tâm nên tìm đọc các bài báo gốc trong reference list.

Trước hết cần nhắc lại cung và cầu là hai khái niệm căn bản của kinh tế học có từ thời Adam Smith. Sau cuộc Cách mạng Cận biên (Marginal Revolution) vào cuối thế kỷ 19, các nhà kinh tế học bắt đầu xây dựng lý thuyết cung cầu dựa vào các mô hình toán. Cụ thể, hàm cầu là kết quả của bài toán tối ưu utility của người tiêu dùng. Tuỳ thuộc vào dạng hàm utility chúng ta có thể giải bài toán này để tìm ra hàm cầu và ước lượng các tham số của nó dựa vào số liệu quan sát được. Lưu ý utility là một khái niệm trừu tượng do các nhà kinh tế đưa ra để xây dựng lý thuyết. Không ai đo lường được giá trị utility trên thực tế nên muốn kiểm chứng lý thuyết phải đi vòng qua "reduced form" của lý thuyết đó mà trong trường hợp này là demand function.

Điểm thứ hai cần nhắc lại là demand function có thể xem xét/ước lượng trong hai trường hợp: partial và general equilibrium. Ở trường hợp thứ nhất chúng ta chỉ cần xét riêng rẽ một thị trường nhất định và xác định quan hệ giữa giá (P) và số lượng (Q) của một loại hàng hoá. Hầu hết các nghiên cứu về hàm cầu theo hướng này (trong các ngành business, marketing) không đặt nặng vấn đề hàm cầu phải là hệ quả của utility maximisation. Trường hợp thứ hai hàm cầu của một loại hàng hoá (i) phụ thuộc không chỉ vào giá P(i) của loại hàng hoá đó mà còn phụ thuộc vào giá P(j) của các hàng hoá khác mà người tiêu dùng mua khi họ có một mức thu nhập I nhất định (budget constraint). Vì demand cho tất cả các loại hàng hoá phụ thuộc lẫn nhau nên các nhà kinh tế tìm cách xác định/ước lượng tất cả các hàm demand đồng thời trong một hệ phương trình, bởi vậy gọi là demand system.

Như đã đề cập bên trên, demand system là lời giải cho bài toán utility maximisation trong một general equilibrium nên nó sẽ có một số tính chất giới hạn (restriction) nhất định. Ví dụ tổng chi tiêu cho các loại hàng hoá phải bằng thu nhập (Walras law) hay nếu tất cả các loại giá và thu nhập cùng tăng với tỷ lệ như nhau thì cầu cho từng loại hàng hoá không đổi (homogenous degree of zero in all prices and income). Xây dựng một dạng hàm phù hợp với số liệu thực tế đồng thời đảm bảo các giới hạn này không hề đơn giản. Những dạng hàm sơ khai như LES, PIGL/PIGLOG, hay Rotterdam đáp ứng được phần nào nhưng có rất nhiều hạn chế. Cụ thể chúng chỉ phù hợp khi hàng hoá được phân loại thành những nhóm lớn, ví dụ nhà ở, lương thực, giải trí..., chứ khó ước lượng cho những phân loại chi tiết hơn.

Vào đầu những năm 1970s một hướng nghiên cứu demand system mới phát triển từ dạng hàm PIGLOG trước đó. Ý tưởng chính của hướng nghiên cứu này là thay vì xác định một dạng hàng utility rồi giải ra hàm demand, các nhà kinh tế đưa ra một dạng hàm demand trực tiếp rất flexible để có khả năng là lời giải của một hàm utility bất kỳ. Tất nhiên về mặt lý thuyết thì điều này không thể nhưng nếu chỉ cần gần đúng thì bất kỳ một dạng hàm nào cũng có thể triển khai thành một chuỗi Taylor. Sử dụng Taylor expansion bậc hai hai nhóm demand function được đề xuất là Translog và AIDS. Mặc dù Translog tổng quát hơn nhưng AIDS có nhiều ưu điểm vượt trội nên sau này đã phổ biến hơn và có nhiều biến thể. Một trong những ưu điểm quan trọng nhất là nó có thể giản lược thành một hệ tuyến tính (linear) rất dễ ước lượng (những năm 70-80 chưa có PC và những phần mềm econometrics mạnh như bây giờ).

Những dạng hàm flexible form như Translog và AIDS (và các extension của nó) giúp các nhà kinh tế kiểm chứng consumer theory (với utility maximisation) thông qua số liệu tiêu dùng của các hộ gia đình. Một số cải biến cho AIDS để đưa các đặc tính demography vào demand system có nhiều ứng dụng thực tế trong việc giúp hoạch định chính sách. Ví dụ ảnh hưởng của một sắc thuế hoặc một loại trợ giá vào welfare của các hộ gia đình (với các mức thu nhập khác nhau) như thế nào. Hay như hai giáo sư mà tôi làm assistant đã đánh giá tác động của sự thay đổi cấu trúc dân số TQ vào demand của các loại lương thực của nước này. Sau khi viết bài review tôi cũng có ý định sẽ lấy số liệu VHLSS của VN để thử ước lượng một demand system nhưng rồi bận với luận án và những vấn đề cuộc sống khác nên đành bỏ dở. Nhân Angus Deaton được giải Nobel chợt nhớ đến lĩnh vực này, một dạng nostalgic lại thời sinh viên. Thôi hi vọng bài giới thiệu này làm một/vài bạn sinh viên nào đó hứng thú và sẽ đi xa hơn tôi.