Hôm nay (26/1) là ngày Quốc khánh Úc, ngày mà đế quốc Anh đã chính thức đặt lục địa này dưới quyền cai quản của mình 223 năm trước. Ngày nay người dân Úc (da trắng) và chính phủ Úc không còn nhắc đến sự kiện lịch sử này, thay vào đó là ngày mà nước Úc cố gắng xây dựng hình ảnh một đất nước đoàn kết và hòa hợp. Dẫu sao Úc vẫn còn quá trẻ để cộng đồng dân cư ở đây có thể gọi mình là một dân tộc. Ngoại trừ một số ít thổ dân còn sót lại có bản sắc riêng, dân Úc hiện tại là một tập hợp của nhiều sắc dân khắp nơi trên thế giới, đa phần mới nhập cư được một vài thế hệ. Bởi vậy Úc chưa có bản sắc văn hóa riêng để bị mất như VN và họ đang cố gắng gìn giữ những gì có thể đi vào lịch sử, eg. nhà hát Opera Sydney, nhà Quốc hội Canberra, ga Flinders Melbourne. Một quốc gia trẻ đang cố gắng trưởng thành.
Năm nay, sau trận lụt thế kỷ vừa xảy ra ở Queensland, rất nhiều sự kiện văn hóa, giải trí trong ngày Quốc khánh đã bị hủy bỏ và thay vào đó là một cuộc vận động đóng góp tiền cho quĩ lũ lụt của Queensland. Một số doanh nghiệp tuyên bố sẽ đóng góp toàn bộ doanh số trong ngày cho quĩ, nhiều cộng đồng dân cư cũng tự tổ chức các hoạt động quyên góp. Tự nguyện chia sẻ khó khăn với những đồng bào bị thiên tai có lẽ là đặc tính chung của mọi dân tộc, dù có lịch sử hàng nghìn năm như VN hay mới chỉ vài trăm năm như Úc. Nhưng không chỉ tự nguyện, trong ngày Quốc khánh hôm nay chính phủ của thủ tướng Julia Gillard ám chỉ sẽ đưa ra một sắc thuế mới (flood levy) buộc toàn dân Úc phải chia sẻ khó khăn cho những nơi bị lũ lụt. Đã có một số ý kiến phản đối từ phe đối lập, tuy nhiên tôi nghĩ đa số dân Úc đều sẵn sàng đóng thêm khoản thuế này. Một ngày nào đó VN cũng sẽ có một sắc thuế để khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung?