Saturday, January 26, 2013

Constitution



“.... in a constitutional democracy, persons owe loyalty to the constitution rather than to the government” 
 James Buchanan.


Sau vụ thảm sát ở trường tiểu học tại Sandy Hook, nước Mỹ lại dậy lên làn sóng yêu cầu chính phủ phải thắt chặt quyền sở hữu súng. Tổng thống Obama, biết chắc sẽ không thể thỏa thuận được một bộ luật với quốc hội, đã phải sử dụng hình thức executive order để triển khai một số biện pháp hạn chế súng vào ngày 16/01/2013. Ngay lập tức một làn sóng chống đối nổi lên khắp nước Mỹ, từ những chính trị gia Cộng hoà như Rand Paul, đến những cảnh sát trưởng ở nhiều địa phương, hay dân chúng ở 47 tiểu bang tổ chức biểu tình. Tất cả những người phản đối Obama đều trích dẫn Tu chính án số 2 của hiến pháp Mỹ về quyền được sở hữu vũ khí. Một cựu bộ trưởng bộ Tư pháp (Attorney General) thậm chí còn tuyên bố Obama có thể sẽ bị truy tố về tội ra lệnh trái hiến pháp. Với người Mỹ, hiến pháp là bộ luật tối thượng không ai có thể xâm phạm kể cả tổng thống.

Và không chỉ ở Mỹ, tại đa số các quốc gia hiện nay hiến pháp là nền tảng và bản sắc của từng quốc gia. Văn bản này có thể hiểu nôm na là khế ước của mọi thành viên trong một đất nước về những giá trị (values) và qui định tổng quát (rules) mà họ cùng nhau tuân thủ và bảo vệ. Những giá trị căn bản nhất thường được nêu ra trong hiến pháp như quyền tự do, tự quyết, quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc. Quyền được bình đẳng trước pháp luật, trong cộng đồng, trong hôn nhân, và trong các quan hệ kinh tế xã hội khác. Những qui định của hiến pháp thường xoay quanh các định chế (institution) điều tiết các mối quan hệ của các cá nhân, cộng đồng trong một quốc gia như nhà nước, nhà thờ, kinh tế. Trên thực tế hiến pháp của nhiều nước chỉ tập trung vào định chế nhà nước thường bao gồm ba nhánh: lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (toà án). Định chế kinh tế được đề cập rất ít nếu đó là kinh tế thị trường.

Sở dĩ những qui định cho định chế kinh tế ít được đưa vào hiến pháp vì kinh tế thị trường có xu hướng tự điều chỉnh về tình trạng tối ưu miễn là các thành phần kinh tế được đối xử công bằng và quyền sở hữu tài sản được bảo vệ. Những điều kiện này thông thường đã được nêu ra như là các quyền hiến định của người dân, bởi vậy không cần nhắc lại trong một phần riêng biệt về kinh tế của bản hiến pháp. Nói cách khác, trong một xã hội dân chủ khi các quyền con người phổ quát được đảm bảo, định chế kinh tế thị trường dường như là hệ quả tự nhiên và tất yếu, một bản hiến pháp dân chủ không cần qui định thêm về định chế này. Khi quyền tự do cá nhân bị hạn chế, vd quyền sở hữu đất đai, hiến pháp buộc phải có thêm qui định để điều phối những hạn chế như vậy. Càng có nhiều hạn chế, định chế kinh tế càng rời xa bản chất kinh tế thị trường.

Có bạn sẽ thắc mắc kinh tế thị trường không/chưa hoàn hảo, vd có những vấn đề như monopoly, externalities, asymmetric information... vậy có cần phải có những qui định trong hiến pháp để hiệu chỉnh lại những điều không hoàn hảo này hay không? Ở đây cần phân biệt hai vấn đề liên quan đến thị trường không/chưa hoàn hảo: hiệu quả (efficiency) và công bằng (equality). Nếu những tính chất không/chưa hoàn hảo của một nền kinh tế thị trường làm các hoạt động kinh tế kém hiệu quả thì hiến pháp không cần can thiệp vì điều này không xâm phạm đến các quyền căn bản của công dân. Có chăng định chế nhà nước sẽ đề ra các biện pháp (luật, qui định  dưới luật, chính sách) để hiệu chỉnh lại các bất cập của thị trường trong giới hạn quyền lực nhà nước mà hiến pháp cho phép. Một ví dụ dễ thấy là định chế nhà nước ở nhiều nơi sử dụng chính sách kích cầu, nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi kinh tế sau một cuộc suy thoái. Đây là một hình thức định chế nhà nước can thiệp vào định chế kinh tế với mục đích nâng cao hiệu quả (của resource allocation).

Tuy nhiên vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu định chế kinh tế vì lý do nào đó có kết cục không công bằng, nghĩa là có thể vi phạm một trong những nguyên tắc căn bản của một hiến pháp dân chủ. Trước hết cần hiểu công bằng là một khái niệm tương đối và subjective, nó phụ thuộc rất nhiều vào phạm trù đạo đức, văn hoá, tập quán của một xã hội. Tuy nhiên một khi hiến pháp đã xác định khái niệm công bằng ở một mức độ nào đó, nó sẽ giao cho nhà nước một số quyền lực can thiệp vào định chế kinh tế để đảm bảo mức công bằng hiến định. Ví dụ hầu hết các nước đều coi công bằng cơ hội (equality of opportunity) là một quyền hiến định cho mọi công dân. Để đảm bảo điều công bằng này hiến pháp có thể sẽ qui định giáo dục phổ thông bắt buộc và miễn phí cho tất cả trẻ em trong tuổi đến trường. Nhà nước sẽ là định chế được giao trách nhiệm cung cấp dịch vụ giáo dục này và nhà nước sẽ được quyền đánh thuế những người có thu nhập, nghĩa là can thiệp vào định chế kinh tế, để có nguồn lực thực hiện nhiệm vụ mà hiến pháp trao cho. Phần lớn những bản hiến pháp dân chủ đều qui định quyền lực can thiệp nhà nước vào kinh tế thông qua quyền đánh thuế.

Từ những phân tích trên đây, tôi mong muốn hiến pháp VN chỉ qui định những điều rất tổng quát cho định chế kinh tế, thay vì rườm rà và quá chi tiết như bản dự thảo hiện tại (vd điều 53, 60, 61). Đề xuất cá nhân của tôi với bản dự thảo là thay toàn bộ các điều từ 53 đến 63 trong chương 3 bằng những nguyên tắc sau (tôi không phải chuyên gia luật nên ngôn ngữ cụ thể của hiến pháp có thể sẽ khác):

1. Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, mọi cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động kinh tế  trên lãnh thổ Việt Nam có quyền và nghĩa vụ như nhau, được đối xử công bằng trước hiến pháp và pháp luật.
2. Tất cả các hoạt động kinh tế như sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hoá, tài sản, thuê mướn nhân công đều trên cơ sở tự nguyện. Nghiêm cấm sử dụng lao động vị thành niên.
3. Công dân được tự do thực hiện mọi hoạt động kinh tế, ngoại trừ những hoạt động bị cấm theo luật định vì vi phạm đến quyền hiến định của các công dân khác hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, huỷ hoại môi trường. Những hoạt động kinh tế bị cấm phải được Quốc hội thông qua với đa số lớn(*).
4. Quyền sở hữu tài sản hữu hình và vô hình của mọi công dân, tổ chức là bất khả xâm phạm. Quyền kế thừa tài sản cũng được công nhận và bảo vệ.
5. Công dân và các tổ chức hợp pháp của Việt Nam có quyền sở hữu đất đai và các loại tài nguyên thiên nhiên khác. Những người sở hữu các loại tài nguyên này có trách nhiệm đóng các loại thuế sử dụng tài nguyên (royalty), khai thác và sử dụng tài nguyên theo luật định. Nhà nước có quyền trưng mua tài nguyên do tư nhân sở hữu cho những mục đích xã hội và quốc gia theo luật định. Việc trưng mua phải theo nguyên tắc thị trường.
6. Tất cả các sắc thuế phải do Quốc hội phê chuẩn thành luật, nguyên tắc thuế phải đánh luỹ tiến (progressive) để giảm gánh nặng cho những người có thu nhập thấp. Ngân sách hàng năm của Chính phủ phải được Quốc hội thông qua. Chính phủ phải báo cáo quyết toán thực hiện ngân sách hàng năm cho Quốc hội và công khai cho toàn dân.
7. Ngân sách chi tiêu thường xuyên của chính phủ phải dành ít nhất 1/3 cho các chính sách, hoạt động, chi tiêu liên quan đến an sinh xã hội. Tỷ lệ tối thiểu này có thể được tăng lên nếu Quốc hội thông qua với đa số lớn (*).
Ghi chú: (*) đa số lớn = super majority - vd 75% hay 80%.


Còn nhiều điểm trong bản dự thảo không liên quan đến kinh tế mà tôi cũng muốn sửa đổi, tuy nhiên những điều đó nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Tôi hiểu ngay cả những đề xuất thuần tuý kinh tế trên đây cũng khó có thể được chấp nhận trong hoàn cảnh chính trị xã hội hiện tại của VN, nhưng tôi hi vọng vào tương lai.

[Bài này được viết lại từ một số ý kiến tôi đã gửi cho TBKTSG về dự thảo sửa đổi hiến pháp].



Ngoài lề: Bạn nào giỏi chữ Hán cho tôi hỏi nghĩa của từ "hiến" và từ "pháp" trong hiến pháp. Chữ "pháp" trong "hiến pháp" và "pháp luật" khác hay giống chữ "pháp" trong "thư pháp", "pháp thuật"? Có thể tìm một quyển từ điển Hán-Việt nào để tra trong những trường hợp như thế này không?

Phụ lục: Một số links đến các bản hiến pháp tôi tìm được trên Internet:
France
Germany
Japan
Korea
Malaysia
Poland
Singapore
Sweden
Taiwan
Thailand
USA
Các nước châu Âu


Thursday, January 24, 2013

VAR


Vài tuần gần đây có nhiều bạn hỏi trên blog và qua email về mô hình VAR và SVAR, để tiết kiệm thời gian tôi trả lời chung lên đây. Một số câu hỏi cho thấy có bạn chưa thực sự nắm vững những kiến thức cơ bản về econometrics/time series chứ đừng nói gì VAR/SVAR, các bạn cần hiểu rằng tôi (hay bất kỳ ai) cũng không thể có magic gì giúp bạn hiểu và làm bài được nếu các bạn không có căn bản. Bài viết này chỉ nhằm mục đích giới thiệu cho các bạn một cái nhìn tổng quát để các bạn dễ học/đọc sách hơn thôi, nó không thể thay thế cho việc học nghiêm túc. Bản thân tôi cũng không phải chuyên gia về VAR/SVAR nên tôi rất welcome đóng góp của các bạn.


VAR, viết tắt của vector autoregression, là một mô hình econometric thuần túy về time series, bởi vậy đôi khi được gọi là unrestricted VAR (với nghĩa không có structure gì cả mà chỉ là một mô hình thống kê). Một mô hình VAR có dạng:

Y_t=C+BY_{t-1}+... + e_t

Bạn có thể dùng một phần mềm nào đó, vd Eviews, để estimate các parameter C, B của hệ phương trình này, đồng thời tính ra residual e_t và covariance matrix Σ. Nếu bạn chỉ dừng ở đây thì VAR sẽ hầu như không có giá trị gì trong kinh tế học vì rất hiếm khi bạn có thể viết một mô hình lý thuyết dưới dạng VAR như trên để estimate.

Thông thường một mô hình lý thuyết sẽ có các biến Y_t ở bên vế phải, vd consumption (C) là hàm số phụ thuộc vào income (I) hiện tại chứ không chỉ income trong quá khứ:

C_t=a+b*I_t+c*C_{t-1}+d*I_{t-1}+e_t

Mô hình có các biến contemporaneous (I_t) ở bên phải như vậy gọi là structural VAR (SVAR), có thể viết tổng quát thành  (chuyển các biến contemporaneous sang vế trái):

AY_t=C+BY_{t-1}+... + e_t

Những mô hình SVAR này rõ ràng phù hợp hơn với lý thuyết kinh tế nhưng không thể estimate được trực tiếp mà phải chuyển sang dạng VAR thông thường, thuật ngữ chuyên môn gọi là reduced form:

Y_t=A^{-1}C+A^{-1}BY_{t-1}+... +A^{-1}e_t.
hay
Y_t=C' + B'Y_{t-1} + ... + u_t    

Như vậy VAR thông thường và reduced form của SVAR là một và có thể estimate dễ dàng. Tuy nhiên cái khó là residuals của hệ phương trình reduced form lúc này (u_t) không còn là shocks đơn thuần của từng biến trong mô hình SVAR ban đầu nữa (e_t) mà là combination của các loại shock khác nhau (A^{-1}e_t). Điều này gây ra khó khăn cho việc phân tích tác động của chính sách hay các loại shock khác nhau vào từng biến số kinh tế. Do vậy một nhu cầu thực tế phát sinh sau khi estimate reduced form của một SVAR (tức là estimate một VAR bình thường) là phải bóc tách từng e_t ra khỏi u_t, lưu ý bạn không xác định được matrix A từ kết quả estimate VAR. Quá trình bóc tách này gọi là indentification.

Christopher Sims (Nobel kinh tế năm 2011) là người đầu tiên đưa ra một phương pháp bóc tách gọi là Cholesky decomposition nếu mô hình SVAR ban đầu có dạng recursive, nghĩa là nếu các biến y_t trong Y_t có thể sắp xếp theo thứ tự y1_t không phụ thuộc vào y2_t, y3_t..., rồi sau đó y2_t không phụ thuộc vào y3_t.... Sau đó nhiều phương pháp decomposition khác đã được đề suất, về cơ bản là đưa một số restriction vào trong matrix A để sau khi biến đổi sang reduced form hệ VAR thông thường có thể bóc tách e_t ra riêng biệt được (phương pháp Cholesky decomposition của Sims thực ra là áp đặt A có dạng lower diagonal matrix). Một số phương pháp phổ biến là Blanchard & Quah, King, Plosser, Stock & Watson, Gali... Gần đây một số tác giả như Uhlig đưa ra một dạng restriction mới gọi là sign restriction cũng nhằm mục đích này.

Một lưu ý cho các bạn dùng Eviews là phần mềm này coi Cholesky decomposition là một qui trình chuẩn cho VAR thông thường và SVAR là một phương pháp decomposition khác chứ không phân biệt như tôi bên trên (Eviews gọi decomposition là factorization). Trên nguyên tắc bất kỳ SVAR nào bạn cũng phải estimate bằng reduced form rồi sử dụng một số restriction để bóc tách e_t. Đối với giới academic economist, việc bóc tách e_t chủ yếu để tính impulse response function (IRF), nghĩa là tác động của một cú shock vào các biến y_t theo thời gian. Ngoài IRF, người ta còn quan tâm đến Granger causality test và variance decomposition, là các phân tích structural analysis khác cho SVAR. Với giới finance, nhu cầu tính IRF không quan trọng bằng forecast, bởi vậy decomposition không quan trọng lắm.

Một số links tôi tìm được trên Internet, nếu bạn nào có điều kiện nên đọc kỹ quyển Time Series Analysis của James Hamilton:

Stock & Watson
Matteo Iacoviello
Eric Zivot
Lutkepohl & Breitung
NBER lecture
Harald Uhlig
Stata example
Eviews example


Tuesday, January 15, 2013

Quick notes


1. Tôi vừa đi nghỉ về có nhiều việc phải catch up nên các email và request của các bạn tôi sẽ trả lời dần trong vài ngày tới.

2. Bác Nguyễn Vạn Phú viết bài "Phải cúi đầu xin lỗi các em", tôi nghĩ sau khi xin lỗi phải đem ông Nguyễn Trọng Tài và những người liên quan ra xử công khai trước dân, nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho những học sinh bị lấy máu ép buộc. Xin lỗi chưa đủ.

3. Báo chí (và nhiều người dân) có vẻ hồ hởi về việc ông Nguyễn Bá Thanh được đưa lên làm trưởng ban Nội chính Trung ương. Tôi không biết nhiều về ông Thanh nhưng khi ông tuyên bố sẽ "hốt liền..." tôi cho rằng ông này đã vượt quá quyền hạn của mình. Ban Nội chính là một ban của Đảng, không có quyền bắt ai kể cả đảng viên của mình. Việc bắt bớ những kẻ phạm tội là thẩm quyền của Viện Kiểm sát và công an. Một người thiếu hiểu biết về pháp luật hoặc không care về pháp luật như vậy dù có giỏi và trong sạch cũng có thể gây tác hại rất lớn.

4. Trong khi đó thủ tướng mà chỉ dám "...đề nghị làm ngân hàng là phải nghiêm túc..." hay "...trăm sự nhờ ngân hàng...", khác hẳn với ông Thanh mới lên đủ thấy interest group của các ông chủ ngân hàng mạnh đến cỡ nào.

5. Trong khi tờ Tuổi trẻ ngày càng nhạt, Thanh niên vẫn có những bài khá sòng phẳng như bài này. Mấy hôm trước cũng chỉ có tờ Thanh niên dám viết thẳng thừng về liệt sĩ Lê Đình Chinh hi sinh chống lại quân TQ xâm lược.

6. Chính phủ đã có nghị quyết về việc thành lập công ty mua bán nợ xấu (AMC) và NHNN sẽ lập dự thảo trình chính phủ duyệt trong tháng này. Quan điểm của tôi về vấn đề nợ xấu đã được viết trong những entry trước đây. Tuy nhiên nếu chính phủ kiên quyết thành lập AMC và mua lại hoặc hoán đổi nợ xấu của các ngân hàng để giúp họ làm trong sạch balance sheets, hậu quả sẽ như thế nào?

Trong ngắn hạn chính sách này tương đương như một fiscal stimulus nhưng rất selective, i.e. bơm tiền trực tiếp cho ngân hàng (và cho giới BĐS). Mặc dù thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tuyên bố sẽ không dùng tiền ngân sách, tiền rót vào AMC từ NHNN sẽ không khác gì chính phủ phát hành bond để tài trợ cho AMC rồi NHNN mua lại số bond đó (monetizing public debts). Điểm khác biệt duy nhất là public debt không tăng vì đây là off budget transaction, AMC là một cách để chính phủ "qua mặt" IMF và các nhà tài trợ trong vấn đề budget deficit và public debt limit.

Với bất kỳ gói fiscal stimulus nào, tăng trưởng sẽ được cải thiện nhưng tác động đó sẽ phụ thuộc vào output gap hiện tại. Nếu output gap (=potential - actual) còn lớn thì kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh trong khi lạm pháp không tăng quá nhiều. Ngược lại lạm phát có thể quay trở lại rất nhanh kéo theo sức ép tăng lãi suất và VND mất giá. Cá nhân tôi cho rằng output gap của VN không còn lớn, nhất là sau 2 năm thắt chặt tiền tệ vừa rồi đã làm giảm supply capacity của nền kinh tế (công ty phá sản, thu hẹp sản xuất, sa thải nhân viên...). Đây là giai đoạn deleveraging cần thiết cho nền kinh tế sau một thời gian tăng trưởng tín dụng quá mạnh, credit growth trong năm 2012 giảm mạnh đáng ra phải được welcome chứ không nên cố tìm cách đảo ngược.

Nếu credit growth được đẩy cao trong năm 2013 và kinh tế phục hồi, không kể do external factor (export tăng do kinh tế thế giới phục hồi), tôi lo ngại cho 2-3 năm tiếp theo vì các chủ đầu tư (BĐS, doanh nghiệp có leverage cao) sau khi được bail out sẽ tháo chạy khỏi những thị trường này. Năm 2013 sẽ có thể chỉ là "dead cat bounce", thuật ngữ chỉ một giai đoạn phục hồi ngắn hạn trước khi suy sụp hoàn toàn. Một mối lo nữa là sau khi các nhà đầu tư/đầu cơ nội ngoại thoái vốn được khỏi các khoản đầu tư đang bị đóng băng, họ sẽ rút chạy ra nước ngoài kéo theo sức ép lên tỷ giá. VN đang mất dần lợi thế cạnh tranh dòng vốn quốc tế vì political và geopolitical risks. Trong trung hạn tôi khá bi quan về tình hình kinh tế, đặc biệt nếu kinh tế thế giới không phục hồi mạnh trong năm 2013.



7. Bản dự thảo hiến pháp sửa đổi vừa bỏ đoạn qui định "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo", một sửa đổi rất đúng và đáng hoan nghênh. Đây có thể nói là thành công của những nhà kinh tế, trí thức trong nước đang phải "chiến đấu" với những tư tưởng cộng sản giáo điều, lạc hậu. Tôi sẽ viết thêm về vấn đề này trong mấy ngày tới.


Tuesday, January 1, 2013

Happy New Year



Dưới đây là một số câu (unedited) tôi trả lời phỏng vấn của bạn Duy Linh (đăng tại Gafin) nhân dịp đầu năm,  tôi post lại lên đây để chia sẻ một số tâm tư, nguyện vọng của tôi nhân dịp năm mới với bạn đọc blog kinhtetaichinh. Chúc các bạn một năm mới nhiều thành công, may mắn. Chúc kinh tế VN năm 2013 vượt qua khó khăn để quay về đúng tiềm năng của mình.


1. Là một độc giả vào blog anh mỗi khi bật máy tính lên, tôi cảm nhận được năm 2012 anh có sự thay đổi cách viết bài trên blog: bài viết dài hơn, chất lượng hơn và nhất là liên quan đến kinh tế Việt Nam nhiều hơn. Anh lý giải gì về sự thay đổi này?

Tôi bắt đầu sử dụng Google Plus cuối năm 2011 và chuyển các bình luận ngắn, phần lớn liên quan đến kinh tế tài chính quốc tế sang platform mới này. Do vậy trên blog kinhtetaichinh còn lại những bài viết dài, có nhiều link và đồ thị là điều Google Plus không hỗ trợ.

2. Nếu như trong năm 2008, khi đọc blog của anh, tôi nhận thấy rất rõ tư tưởng của Keynes ủng hộ các biện pháp can thiệp vào thị trường trong nhiều bài viết thì đến năm 2012, quan điểm của anh lại “diều hâu” hơn, khi ủng hộ các chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Liệu có một sự chuyển biến về tư tưởng kinh tế nào đó của blogger Giang Lê trong năm 2012 không?

Tôi rất thích câu nói này của Keynes: "Nhà nước chỉ nên làm những gì thị trường không làm được". Tôi luôn luôn quan niệm rằng thị trường là cơ chế quan trọng nhất giúp cho một nền kinh tế vận hành hiệu quả. Nhưng tôi chia sẻ quan điểm của giới Keynesian rằng thị trường không "toàn năng" và một xã hội hiện đại không thể phó mặt toàn bộ các hoạt động kinh tế cho thị trường. Bởi vậy tôi ủng hộ ý tưởng của Keynesian economics về vai trò của fiscal và monetary policies trong việc giảm bớt tác động của business cycle vào nền kinh tế và đời sống người dân.

Tuy nhiên không thể cứ nhắm mắt kích cầu hay nới lỏng tiền tệ mỗi khi kinh tế suy giảm. Cần phải phân tích rõ nguyên nhân, ví dụ demand shock hay supply shock, balance sheet recession hay monetary tightening recession. Hơn nữa cần phải biết những constraint của chính sách, nghĩa là tình hình kinh tế xã hội hiện tại có còn "room" cho việc nới lỏng nữa hay không.

Tôi không phải tín đồ của Keynes nhưng tôi là tín đồ của tư tưởng thực tế (pragmatism) của ông. Khi đưa ra chính sách gì cũng phải nhìn vào thực tại kinh tế xã hội để có lựa chọn đúng đắn. Không phải lúc nào cũng nới lỏng chính sách khi có dấu hiệu suy thoái, cũng như không phải lúc nào cũng "thắt lưng buộc bụng" để giảm nợ hay "diều hâu" để chống lạm phát.

Đối với kinh tế Việt nam năm 2012, tôi cho rằng "dư địa" để nới lỏng tiền tệ và tài khóa không còn nhiều, hiệu quả của những chính sách này không cao và sẽ càng làm méo mó thêm nền kinh tế. Vấn đề tái cấu trúc kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, quan trọng hơn nhiều để Việt nam có nền tảng tăng trưởng lâu dài. Hơn nữa trong hoàn cảnh các nhóm lợi ích ngày càng có ảnh hưởng vào quá trình hoạch định chính sách, những biện pháp kích cầu, bơm vốn, mua nợ xấu sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho đa số người dân dù kinh tế có tăng trưởng thêm vài ba phần trăm. Quan điểm của tôi kiên quyết tái cơ cấu và làm trong sạch nền kinh tế có lẽ làm bạn có cảm tưởng tôi rất "diều hâu" trong năm qua. Nhưng đó không phải là sự tin tưởng mù quáng vào thị trường tự do và khuyến cáo loại bỏ hoàn toàn vai trò nhà nước mà là một nhận định có tính pragmatic ở thời điểm hiện tại.

3. Ngoài vấn đề kinh tế, tài chính, những bài viết trên blog thời gian gần đây cho thấy anh còn quan tâm đến các vấn đề khác như môi trường, biển đảo, ngày 20/11 và cả cuốn sách đang được nhiều người quan tâm, anh có thể chia sẻ thêm về những sự quan tâm đó dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính?

Tôi vẫn luôn quan tâm đến những vấn đề đó giống như hầu hết con dân Việt thôi, không phải trên khía cạnh chuyên gia gì cả. Tất nhiên blog kinhtetaichinh không phải là nơi tốt nhất cho những topic này vì tính chuyên môn của nó, nhưng vì không có thời gian tham gia thảo luận ở những diễn đàn khác nên tôi đưa một số suy nghĩ, bức xúc lên blog cá nhân hi vọng sẽ có người chia sẻ.

4. Anh có thấy buồn và cô đơn không khi VN có rất nhiều chuyên gia kinh tế nhưng blog viết về kinh tế cũng chỉ đếm được trên một bàn tay?

Thực ra năm vừa qua có xuất hiện thêm một số blog của các chuyên gia kinh tế, nhưng đúng là chưa nhiều. Nói buồn và cô đơn thì không hẳn vì trên blog và qua email cá nhân tôi nhận được nhiều trao đổi có tính chuyên môn rất cao. Nhưng tôi cảm thấy hơi tiếc vì phần lớn các chuyên gia chưa dành được một phần nhỏ thời gian cho thế giới blog và các thể loại social networks, những kênh trao đổi và thảo luận rất kịp thời và hiệu quả. Nhưng tôi thông cảm vì những chuyên gia trong nước phải đối mặt với nhiều ràng buộc cá nhân và xã hội.

5. Anh có ý định tập hợp các bài viết trên blog để in thành sách xuất bản tại Việt Nam không?

Trước đây tôi đã từng có ý định sẽ viết một quyển sách về kinh tế tiền tệ và ngân hàng trung ương, một số bài viết trên blog có mục đích chuẩn bị cho quyển sách này. Tuy nhiên trong tương lai gần tôi chưa thể thu xếp để thực hiện ý tưởng này được.

6. Có một nhận xét thú vị: blogger Lê Hồng Giang có khả năng “dự đoán” chính sách kinh tế của VN, năm 2009 anh ủng hộ gói kích cầu, chính phủ tung ra gói kích cầu, năm 2012, anh phản đối gói kích cầu, các biện pháp kích cầu kinh tế không được triển khai. Anh có kỳ vọng thông qua các bài viết trên blog tác động đến chính sách kinh tế của các nhà hoạch định chính sách của VN không?

Tôi không ảo tưởng blog kinhtetaichinh có ảnh hưởng tới chính sách kinh tế của VN nhưng tôi kỳ vọng bạn đọc trên blog này, mà phần đông là sinh viên, trong tương lai sẽ có kiến thức kinh tế tài chính vững vàng hơn khi họ ngồi vào vị trí của các policy makers. Có thể lúc đó những kiến thức mà tôi đã và đang chia sẽ trên blog sẽ lạc hậu, nhưng tôi hi vọng các chính sách kinh tế sẽ được xây dựng trên nền tảng lý thuyết vững vàng, cân nhắc và suy luận logic chặt chẽ, và nhất là được thảo luận dân chủ, công khai và minh bạch như tinh thần mà blog kinhtetaichinh luôn cổ súy.

Nếu những gì tôi viết trên blog trùng hợp với các chính sách được thực thi thì nhiều khả năng tôi đã "nói hộ" suy nghĩ của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước. Tôi biết có một số chuyên gia giỏi và có tâm, họ đang hàng ngày hàng giờ phải vượt qua những rào cản cơ chế, chính trị để lái các chính sách kinh tế đi đúng hướng. Có những ràng buộc khiến họ không thể viết blog và nêu quan điểm một cách công khai như tôi, nhưng tôi nghĩ chân lý và sự thật luôn là điểm đến cuối cùng của người trí thức.

7. Chính phủ vừa ban hành một loạt các giải pháp để “giải cứu” thị trường bất động sản. Quan điểm của blogger kinhtetaichinh về các biện pháp giải cứu đó?

Tôi vừa viết một bài trên blog về vấn đề này. Nói ngắn gọn là tôi không đồng tình với việc tung hàng trăm nghìn tỷ đồng để giải cứu bất động sản và ngân hàng, mà chủ yếu sẽ là giải cứu cho các đại gia đã kiếm được rất nhiều tiền trong những lĩnh vực đó trong vài năm qua. Quan điểm của tôi vẫn nhất quán là cần phải để Creative Destruction loại bỏ những ung nhọt trong nền kinh tế, tiền thuế của dân nên tập trung vào cải thiện các dịch vụ công (chứ không phải đầu tư công) và xây dựng một cơ chế bảo hiểm xã hội công bằng và bền vững.