Tuesday, January 1, 2013

Happy New Year



Dưới đây là một số câu (unedited) tôi trả lời phỏng vấn của bạn Duy Linh (đăng tại Gafin) nhân dịp đầu năm,  tôi post lại lên đây để chia sẻ một số tâm tư, nguyện vọng của tôi nhân dịp năm mới với bạn đọc blog kinhtetaichinh. Chúc các bạn một năm mới nhiều thành công, may mắn. Chúc kinh tế VN năm 2013 vượt qua khó khăn để quay về đúng tiềm năng của mình.


1. Là một độc giả vào blog anh mỗi khi bật máy tính lên, tôi cảm nhận được năm 2012 anh có sự thay đổi cách viết bài trên blog: bài viết dài hơn, chất lượng hơn và nhất là liên quan đến kinh tế Việt Nam nhiều hơn. Anh lý giải gì về sự thay đổi này?

Tôi bắt đầu sử dụng Google Plus cuối năm 2011 và chuyển các bình luận ngắn, phần lớn liên quan đến kinh tế tài chính quốc tế sang platform mới này. Do vậy trên blog kinhtetaichinh còn lại những bài viết dài, có nhiều link và đồ thị là điều Google Plus không hỗ trợ.

2. Nếu như trong năm 2008, khi đọc blog của anh, tôi nhận thấy rất rõ tư tưởng của Keynes ủng hộ các biện pháp can thiệp vào thị trường trong nhiều bài viết thì đến năm 2012, quan điểm của anh lại “diều hâu” hơn, khi ủng hộ các chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Liệu có một sự chuyển biến về tư tưởng kinh tế nào đó của blogger Giang Lê trong năm 2012 không?

Tôi rất thích câu nói này của Keynes: "Nhà nước chỉ nên làm những gì thị trường không làm được". Tôi luôn luôn quan niệm rằng thị trường là cơ chế quan trọng nhất giúp cho một nền kinh tế vận hành hiệu quả. Nhưng tôi chia sẻ quan điểm của giới Keynesian rằng thị trường không "toàn năng" và một xã hội hiện đại không thể phó mặt toàn bộ các hoạt động kinh tế cho thị trường. Bởi vậy tôi ủng hộ ý tưởng của Keynesian economics về vai trò của fiscal và monetary policies trong việc giảm bớt tác động của business cycle vào nền kinh tế và đời sống người dân.

Tuy nhiên không thể cứ nhắm mắt kích cầu hay nới lỏng tiền tệ mỗi khi kinh tế suy giảm. Cần phải phân tích rõ nguyên nhân, ví dụ demand shock hay supply shock, balance sheet recession hay monetary tightening recession. Hơn nữa cần phải biết những constraint của chính sách, nghĩa là tình hình kinh tế xã hội hiện tại có còn "room" cho việc nới lỏng nữa hay không.

Tôi không phải tín đồ của Keynes nhưng tôi là tín đồ của tư tưởng thực tế (pragmatism) của ông. Khi đưa ra chính sách gì cũng phải nhìn vào thực tại kinh tế xã hội để có lựa chọn đúng đắn. Không phải lúc nào cũng nới lỏng chính sách khi có dấu hiệu suy thoái, cũng như không phải lúc nào cũng "thắt lưng buộc bụng" để giảm nợ hay "diều hâu" để chống lạm phát.

Đối với kinh tế Việt nam năm 2012, tôi cho rằng "dư địa" để nới lỏng tiền tệ và tài khóa không còn nhiều, hiệu quả của những chính sách này không cao và sẽ càng làm méo mó thêm nền kinh tế. Vấn đề tái cấu trúc kinh tế, nhất là khu vực doanh nghiệp nhà nước, quan trọng hơn nhiều để Việt nam có nền tảng tăng trưởng lâu dài. Hơn nữa trong hoàn cảnh các nhóm lợi ích ngày càng có ảnh hưởng vào quá trình hoạch định chính sách, những biện pháp kích cầu, bơm vốn, mua nợ xấu sẽ không đem lại nhiều lợi ích cho đa số người dân dù kinh tế có tăng trưởng thêm vài ba phần trăm. Quan điểm của tôi kiên quyết tái cơ cấu và làm trong sạch nền kinh tế có lẽ làm bạn có cảm tưởng tôi rất "diều hâu" trong năm qua. Nhưng đó không phải là sự tin tưởng mù quáng vào thị trường tự do và khuyến cáo loại bỏ hoàn toàn vai trò nhà nước mà là một nhận định có tính pragmatic ở thời điểm hiện tại.

3. Ngoài vấn đề kinh tế, tài chính, những bài viết trên blog thời gian gần đây cho thấy anh còn quan tâm đến các vấn đề khác như môi trường, biển đảo, ngày 20/11 và cả cuốn sách đang được nhiều người quan tâm, anh có thể chia sẻ thêm về những sự quan tâm đó dưới góc nhìn của một chuyên gia tài chính?

Tôi vẫn luôn quan tâm đến những vấn đề đó giống như hầu hết con dân Việt thôi, không phải trên khía cạnh chuyên gia gì cả. Tất nhiên blog kinhtetaichinh không phải là nơi tốt nhất cho những topic này vì tính chuyên môn của nó, nhưng vì không có thời gian tham gia thảo luận ở những diễn đàn khác nên tôi đưa một số suy nghĩ, bức xúc lên blog cá nhân hi vọng sẽ có người chia sẻ.

4. Anh có thấy buồn và cô đơn không khi VN có rất nhiều chuyên gia kinh tế nhưng blog viết về kinh tế cũng chỉ đếm được trên một bàn tay?

Thực ra năm vừa qua có xuất hiện thêm một số blog của các chuyên gia kinh tế, nhưng đúng là chưa nhiều. Nói buồn và cô đơn thì không hẳn vì trên blog và qua email cá nhân tôi nhận được nhiều trao đổi có tính chuyên môn rất cao. Nhưng tôi cảm thấy hơi tiếc vì phần lớn các chuyên gia chưa dành được một phần nhỏ thời gian cho thế giới blog và các thể loại social networks, những kênh trao đổi và thảo luận rất kịp thời và hiệu quả. Nhưng tôi thông cảm vì những chuyên gia trong nước phải đối mặt với nhiều ràng buộc cá nhân và xã hội.

5. Anh có ý định tập hợp các bài viết trên blog để in thành sách xuất bản tại Việt Nam không?

Trước đây tôi đã từng có ý định sẽ viết một quyển sách về kinh tế tiền tệ và ngân hàng trung ương, một số bài viết trên blog có mục đích chuẩn bị cho quyển sách này. Tuy nhiên trong tương lai gần tôi chưa thể thu xếp để thực hiện ý tưởng này được.

6. Có một nhận xét thú vị: blogger Lê Hồng Giang có khả năng “dự đoán” chính sách kinh tế của VN, năm 2009 anh ủng hộ gói kích cầu, chính phủ tung ra gói kích cầu, năm 2012, anh phản đối gói kích cầu, các biện pháp kích cầu kinh tế không được triển khai. Anh có kỳ vọng thông qua các bài viết trên blog tác động đến chính sách kinh tế của các nhà hoạch định chính sách của VN không?

Tôi không ảo tưởng blog kinhtetaichinh có ảnh hưởng tới chính sách kinh tế của VN nhưng tôi kỳ vọng bạn đọc trên blog này, mà phần đông là sinh viên, trong tương lai sẽ có kiến thức kinh tế tài chính vững vàng hơn khi họ ngồi vào vị trí của các policy makers. Có thể lúc đó những kiến thức mà tôi đã và đang chia sẽ trên blog sẽ lạc hậu, nhưng tôi hi vọng các chính sách kinh tế sẽ được xây dựng trên nền tảng lý thuyết vững vàng, cân nhắc và suy luận logic chặt chẽ, và nhất là được thảo luận dân chủ, công khai và minh bạch như tinh thần mà blog kinhtetaichinh luôn cổ súy.

Nếu những gì tôi viết trên blog trùng hợp với các chính sách được thực thi thì nhiều khả năng tôi đã "nói hộ" suy nghĩ của nhiều chuyên gia kinh tế trong nước. Tôi biết có một số chuyên gia giỏi và có tâm, họ đang hàng ngày hàng giờ phải vượt qua những rào cản cơ chế, chính trị để lái các chính sách kinh tế đi đúng hướng. Có những ràng buộc khiến họ không thể viết blog và nêu quan điểm một cách công khai như tôi, nhưng tôi nghĩ chân lý và sự thật luôn là điểm đến cuối cùng của người trí thức.

7. Chính phủ vừa ban hành một loạt các giải pháp để “giải cứu” thị trường bất động sản. Quan điểm của blogger kinhtetaichinh về các biện pháp giải cứu đó?

Tôi vừa viết một bài trên blog về vấn đề này. Nói ngắn gọn là tôi không đồng tình với việc tung hàng trăm nghìn tỷ đồng để giải cứu bất động sản và ngân hàng, mà chủ yếu sẽ là giải cứu cho các đại gia đã kiếm được rất nhiều tiền trong những lĩnh vực đó trong vài năm qua. Quan điểm của tôi vẫn nhất quán là cần phải để Creative Destruction loại bỏ những ung nhọt trong nền kinh tế, tiền thuế của dân nên tập trung vào cải thiện các dịch vụ công (chứ không phải đầu tư công) và xây dựng một cơ chế bảo hiểm xã hội công bằng và bền vững.


20 comments:

  1. Chúc Thầy & gia đình năm mới dồi dào sức khoẻ & gặp nhiều may mắn!
    E rất cảm ơn những kiến thức Thầy đã chia sẻ suốt 5 năm qua. Mong được học hỏi nhiều điều hơn nữa từ Thầy!

    ReplyDelete
  2. 1/1/2013 chương trình cắt giảm chi tiêu và tăng thuế Mỹ chính thức có hiệu lực. Đọc đến những cái này thì liên quan đến thuật ngữ "bờ vực tài khóa".
    Em không rõ về thuật ngữ này, thầy và anh minhphc có thể làm rõ giúp em ko ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Fiscal cliff là thuật ngữ Bernanke nghĩ ra để chỉ tình trạng fiscal policy của Mỹ sẽ tự động thắt chặt từ đầu năm 2013 nếu QH Mỹ không thông qua được một bộ luật mới cho phép hoãn hoặc hủy bỏ những cam kết giữa 2 bên Cộng Hòa và Dân Chủ vào tháng 9/2011.

      Delete
  3. Chúc anh Giang một năm mới hạnh phúc và thành công.

    Bạn Cường có thể tìm thấy rất nhiều bài viết về fiscal cliff ở trên mạng, hoặc có thể đọc bài sau. Các bạn nên tự tìm hiểu trước khi hỏi người khác.
    http://dainamaxtribune.blogspot.fr/2012/12/hoa-ky-ben-bo-vuc-ngan-sach.html

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thục ra bọn em cũng ý thức được là phải tìm hiểu rừi mới hỏi nhưng cái mà bọn em muốn hướng tới là: bọn em còn trẻ kiến thức có hạn nên có thể về một vẫn đề nào đó còn chưa có thể thấy dõ được các khía cạnh cũng như các góc khuất của vấn đề vì vậy bọn em mong là các anh chị, các bác đi trước có thể có cái nhìn sâu sắc hơn và cũng kinh nghiệm hơn để bọn em có thể học hỏi được nhiều hơn !! chứ bọn em ko có ý là ỷ lại và dựa dẫm vào người khác !! vì em biết muốn phát triển phải tự lỗ lực của bản thân !! Em cám ơn !!

      Delete
  4. Chúc anh và gia đình một năm mới hạnh phúc và thành công.

    Chúc blog kinhtetaichinh sang năm mới có nhiều bài viết hay hơn, liên quan trực tiếp đến nềnn kinh tế VN nhiều hơn và nhất là được các policy maker chú ý hơn.

    ReplyDelete
  5. Chúc chú và tất cả bạn đọc, những người yêu tri thức, yêu nước, yêu dân tộc năm mới khỏe mạnh.

    ReplyDelete
  6. Đã theo dõi blog của chú 2 năm, luôn mong chờ những bài viết mới của chú. CHúc chú một năm mới hạnh phúc.

    ReplyDelete
  7. 4 năm học kinh tế là 4 năm em theo dõi blog của chú. Chúc chú và gia đình năm mới nhiều sức khỏe.

    ReplyDelete
  8. Chúc Thầy năm mới nhiều sức khỏe, nếu Tết âm lịch này Thầy có về thì em và mọi người rất mong được gặp Thầy!

    ReplyDelete
  9. Chuc Bac mot nam moi Hanh Phuc va nhieu nhiet huyet moi...

    ReplyDelete
  10. Nhân dịp năm mới, gửi đến a lời chúc sức khỏe và an lành!

    Rất mong những bài viết của a!

    ReplyDelete
  11. Anh Giang ơi, có chức năng nào để cite bài viết của anh trên facebook hay google plus không ạ? Em thấy có "like" nhưng không cite lại trên facebook được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. FB thì mình không biết, G+ không cho phép cite theo dạng embedded link mà chỉ có thể share link (copy link rồi paste vào status).

      Delete
  12. Cám ơn lời chúc của các bạn.

    ReplyDelete
  13. trong năm 2013 này anh Giang có dự định về HCMC để nói chuyện nữa không? Lần trước chú có một buổi nói chuyện ở ĐH Kinh Tế mà em không đến được nên vẫn tiếc đến giờ....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chắc tôi chưa về được năm nay, nhưng có về VN thì để thăm nhà là chính thôi chứ không phải để đi nói chuyện.

      Delete
  14. Cảm ơn anh Giang về những chia sẻ trên blog. Chúc anh cùng gia đình đón năm mới với nhiều niềm vui và hạnh phúc.
    Em rất tâm đắc với câu trả lời ở điểm 7. Không thể lấy tiền của người lao động để cứu các đại gia bất động sản hay những người đầu cơ. Nếu là ung nhọt thì nên cắt bỏ nó.

    ReplyDelete
  15. Chúc mừng năm mới bác Giang!
    Năm 2011 bác có những bài tổng kết tình hình kinh tế thế giới theo từng tháng, năm 2012 bỏ. Em tiếc!

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.