Sunday, June 26, 2016

Brexit diary



Tôi thường không chia sẻ công việc cá nhân lên blog và mạng xã hội, nhưng đây là ngoại lệ vì muốn ghi lại một sự kiện rất quan trọng trong lịch sử finance thế giới và của cá nhân. Bài này có nhiều thuật ngữ chuyên môn và những chi tiết kỹ thuật tôi xin phép không giải thích thêm, nhiều chi tiết về trading/strategy tôi cũng không muốn/được phép nói rõ. Một số thời điểm và số liệu trong bài có thể không chính xác, mong các bạn thông cảm. Bài này cũng không tranh luận Brexit đúng hay sai, chỉ thuần tuý về finance.


-2W
2 tuần trước ngày bỏ phiếu dù hầu hết các polls cho thấy phe Leave sẽ thắng, phân tích của giới kinh tế và chính trị cho rằng Brexit khó xảy ra vì thiệt hại cho kinh tế Anh sẽ rất lớn. Không chỉ các IB/broker, hầu hết các báo lớn, các tổ chức quốc tế, central bankers và các đảng chính trị lớn của Anh (trừ UKIP) đều ủng hộ Remain. Xác suất Remain trên thị trường cá cược, thường đúng hơn kết quả polls, cũng vậy. Một điểm khá quan trọng nữa là tâm lý sợ rủi ro nên muốn giữ status quo, nhiều người đến phút cuối sẽ sợ thay đổi vì hiện tại dù không đúng như ý mình nhưng là thứ mình đã biết, vote Leave chưa biết nước Anh sẽ về đâu. Đây là lý do nhiều cuộc referendum khác thất bại, cuộc trưng cầu tách Scotland năm 2014 là một ví dụ.

Họp IC (investment committee) tôi đề xuất đặt cược vào cửa Remain, chủ yếu là long GBP và FTSE. Thực ra strategy này không hẳn cá cược vào một sự kiện chính trị, các mô hình dự báo của chúng tôi đều cho thấy GBP và FTSE đã undervalued khá nhiều vì thị trường lo lắng khả năng Brexit. Nếu không có referendum tôi vẫn sẽ long GBP và FTSE nhưng strategy sẽ hơi khác một chút và có lower leverage. Đáng ra betting vào Remain còn có thể short Gilt, nhưng các mô hình FI (fixed income) của tôi bị trục trặc nên đã phải stop-out ra trước đó và chưa kịp chỉnh sửa. Như vậy portfolio của tôi chỉ có equities và currencies nhưng tôi khá confident vì không mấy khi nhận định tình hình thị trường và kết quả mô hình support nhau như vậy.


-1W
Một tuần trước giờ G, portfolio bị âm nhẹ vì phe Leave càng ngày càng thắng thế trong các polls, betting odds bắt đầu cân bằng, GBP mất giá còn vàng liên tục lập đỉnh. Đúng lúc đó Jo Cox bị ám sát làm dư luận Anh đổi chiều rất nhanh. Hai ngày sau poll đầu tiên cho thấy Remain vượt lên, betting odds đổi chiều và các IB/brokers tiếp tục khẳng định vào Remain, lần này rất chắc chắn. Tất cả các thị trường, từ equity, FI, currency đến commodity và oil đều không có dấu hiệu gì bất ổn. IC quyết định giữ nguyên strategy.


Day 0
Sáng 23/6 (giờ Úc) portfolio của tôi đã có lời đáng kể. SurveyMonkey, một trong những survey ít ỏi dự báo đúng cuộc bầu cử Nghị viện Anh năm ngoái, có kết quả cuối cùng: Remain sẽ thắng. Xác suất Brexit trên thị trường cá cược chỉ còn trên 20%. Phân tích số liệu swaps (DCTT), options (CME) đều cho thấy market không tin khả năng có Brexit. Đồng GBP vượt qua 1.48, có lúc lên đến 1.50, giá vàng lao dốc, 10y Bund yield dương trở lại. Vix tăng hai ngày trước đó nhưng đã chựng lại, G3 Libor vẫn ổn định.

Team của tôi tính xong VaR và làm một số scenario analysis, worse case xác định GBP sẽ giảm 15%, FTSE mất 10% nếu Leave bất ngờ thắng. Họp IC có 2 ý kiến: (i) take profit vì khả năng upside không còn nhiều mà rủi ro Brexit vẫn có, (ii) stay on vì cả VaR và worse case cũng không bị thiệt hại nhiều, nếu Leave thắng khả năng GBP vượt 1.55 trong tầm tay. Phương án (ii) được chọn vì expected return (tính với xác suất 85% Remain thắng) vẫn dương nhưng IC yêu cầu tăng hedge (chủ yếu short Nikkei, Euro Stoxx và long JPY, CHF, short EUR).

Phân tích biểu đồ và thời điểm công bố kết quả của 382 điểm bỏ phiếu, một kế hoạch emergency exit được đưa ra cân bằng giữa tỷ lệ Brexit và P&L của portfolio. Khi 75% kết quả được công bố cho thấy Brexit nhiều khả năng sẽ thắng và P&L còn trên một ngưỡng nhất định thì sẽ unwind các positions, ưu tiên cho GPB và FTSE trước nhưng phải đảm bảo net leverage không quá lớn.

7pm Chairman từ London gọi điện thông báo chuẩn bị đi bầu cử. Tình hình thời tiết không thuận lợi vì mưa lụt một số nơi. Tuy nhiên không khí trong giới finance ở London rất lạc quan về khả năng Remain thắng, tình hình turnout có vẻ tốt. Về nhà mở FB ra thấy Vũ Thành Tự Anh report từ Oxford các điểm bầu cử rất vắng, nhưng tự nhủ chắc đám sinh viên và giáo sư Oxford lười nên bỏ phiếu qua mail hết rồi. Yên tâm đi ngủ.

Day 1
Sáng thứ Sáu 24/6 đến office sớm hơn thường lệ (cho ông con trai nghỉ học hôm nay để khỏi phải chở đến trường :-) ), nhưng đã thấy một cậu trader đến rồi đang ngồi xem Bloomberg TV. Thực ra không cần đến sớm vì đến tận 9:30am (giờ Úc) mới có kết quả của local đầu tiên, nhưng cuối cùng cả office ai cũng đến sớm hết. Kết quả poll cuối cùng của YouGov trong ngày 23/6 (giờ Anh) cho biết Remain sẽ thắng 52/48, tiếc rằng đây không phải exit poll. Nigel Farage, lãnh tụ UKIP và phe Leave, gần như đã chấp nhận thua cuộc vào phút cuối cùng trước giờ kiểm phiếu khi tuyên bố: "It looks like the Remain will edge it". Tất cả các monitor bật news feed của Bloomberg, BBC, WJS... Dự kiến kết quả của local đầu tiên sẽ từ Sunderland vào khoảng 9:30am.

9:10: Bloomberg cho biết Newcastle đã kiểm phiếu xong nhưng kết quả too close to call. Vài giây sau đó BBC đưa tin Newcastle vote Remain, margin rất thấp. Kết quả cuối cùng margin chỉ là 51/49, thấp hơn nhiều so với dự báo 64% sẽ vote Remain.

9:25: Kết quả Sunderland công bố Leave thắng 61/39, vượt xa dự báo 55/45. Một cú shock lớn trên thị trường currency, đồng GBP lập tức rớt từ 1.49 xuống 1.44 chỉ trong vài giây. Điều mà thị trường và rất nhiều người (trong đó có chúng tôi) lo ngại là turnout demography có thể bất lợi cho phe Remain có vẻ đang trở thành hiện thực ở Newcastle và Sunderland, hai local đáng kể đầu tiên. Có vẻ như phe Leave đã có turnout lớn hơn rất nhiều dự kiến nên cán cân lệch hẳn về phía họ. Vì là referendum nên kết quả theo nguyên tắc one-person-one-vote, cho nên turnout rất quan trọng. Trước ngày bầu cử đã có ý kiến lo ngại ngày thứ Năm là ngày làm việc nên turnout ở London và trong giới trẻ sẽ bị ảnh hưởng. Không ai quan tâm đến ý kiến này cho đến đúng phút giây này, hoá ra quan sát của Tự Anh chính xác.

9:45: Khoảng 10 local đã có kết quả, phe Remain vẫn hơn vài trăm phiếu nhưng tình hình có vẻ tiếp tục tồi tệ, tỷ lệ Leave của các khu vực Leave thắng đều lớn hơn dự kiến. Vài phút sau có tin City of London Remain thắng nhưng turnout chỉ hơn 73%, kết quả 60/40 kém xa dự kiến 75/25. Các local phụ cân London cũng có turnout không tốt. Quay qua nhìn biểu đồ của BBC thì phe Leave đã vượt tổng số vote của phe Remain. Từ giờ phút này trở đi phe Remain không bao giờ đuổi kịp nữa. Một trader thông báo tình hình liquidity châu Á rất tệ, chỉ trừ JPY-cross, hầu hết các đồng tiền khác không có liquidity.

10:15: Điểm local quan trọng tiếp theo là Swindon, dự kiến Leave thắng 55/45. Đây là local mà một số analyst cho rằng có thể phe Remain sẽ lật ngược thế cờ hoặc chí ít cũng thu hẹp khoảng cách. Kết quả không có gì bất ngờ, tỷ lệ Leave thắng không khác gì dự kiến, turnout 76%. Trong khi đó một loạt local nhỏ liên tiếp có surprise khi phe Leave thắng áp đảo vượt quá mong đợi. GBP leo lên 1.45 được một lát bắt đầu rớt trở lại, dễ dàng vượt qua 1.44. Lúc này mới quay qua nhìn các stockmarket châu Á, hồi sáng còn thấy Nikkei xanh bây giờ đã đỏ hết. Điển an ủi lớn nhất là các hedge đều move đúng như dự định.

10:30: Kết quả một số local của Scotland và Northern Ireland không có gì surprise, Remain thắng nhưng quá nhỏ để thay đổi cán cân. Biểu đồ trên BBC cho thấy phe Leave tiếp tục gia tăng khoảng cách hơn 20K vote. Đến khi 38 local thông báo kết quả thì Leave đã có hơn 100K khoảng cách. Ngạc nhiên là thị trường châu Á và futures markets dù đỏ nhưng không rớt thêm nữa. Một trader thông báo các broker/dealer cho biết họ đợi ngưỡng 50% report sẽ quyết định. Kế hoạch của tôi là ngưỡng 75%, như vậy sẽ đi sau thị trường khoảng 30-45 phút, băt đầu lo.

11:30: Phe Leave vượt ngưỡng 1 triệu, dự kiến bên nào đạt 16.5 triệu sẽ thắng. Còn khá xa nhưng Bloomberg cho biết đã có người dự báo khả năng Leave thắng là 50.2%, trong khi đó betting odd cũng bắt đầu favor Leave. GBP trượt xuống dưới 1.40, EUR dưới 1.12, AUD dưới 0.75, trong khi đó JPY vượt 103, CHF vượt 0.97. Kết quả Midland và Northern England không có gì bất ngờ Leave tiếp tục thắng. BI cho biết Lindsay Lohan đang tweet liên tục ủng hộ Remain. Lindsay Lohan? Vào giờ này?

12:00pm: Phe Leave nới rộng khoảng cách ra 200K, một bình luận viên nói có vẻ như đây sẽ chỉ còn là cuộc chiến giữa England vs London (+Scottland). Cuối cùng cũng nghe tin Lambeth và Wandsworth, hai local gần London, Remain thắng áp đảo với 79/21 cao hơn tỷ lệ dự kiến, nhưng turnout vẫn không vượt 75%. Tỷ lệ turnout 71% của Scotland cũng thấp hơn dự kiến làm chiến thắng của phe Remain ở đây bớt sức nặng. Nên nhớ trong referendum này turnout cực kỳ quan trọng chứ không chỉ tỷ lệ thắng.

12:30: Ngưỡng 50% local report sắp đạt, phe Leave đã hơn gần 500K, có lẽ Remain cần phép mầu mới lật ngược được thế cờ. Đúng như các broker thông báo, liquidity bắt đầu tăng vọt và mọi asset đều rớt mạnh trừ JPY và CHF (tất nhiên yield của JGB, Bund và cả Gilt giảm liên tục, nhưng tôi đã stay out of FI nên chỉ đứng nhìn thị trường này). Team của tôi tính correlation cho thấy các hedges vẫn rất tốt, thậm chí một số correlation còn cao hơn dự kiến (hedge tốt hơn). GBP giảm 7%, futures FTSE giảm 5% vẫn chưa đến một nửa worst case scenario của tôi.

1:00: Khoảng cách vẫn trên dưới 500K, phe Leave đã vượt 10 triệu vote. Theo đúng kế hoạch tôi sẽ phải chuẩn bị unwind vì khả năng Leave thắng đã quá gần và ngưỡng 75% report sắp đến. Tuy nhiên panic sell ở thị trường châu Á giúp cho 2 hedging positions của tôi (short JPY & Nikkei) vượt quá expectation, nên dù thị trường bắt đầu hoảng loạn strategy của tôi vẫn tiếp tục up so với previous day close. Tôi quyết định delay thêm một thời gian vì đằng nào Tokyo cũng đang nghỉ trưa.

1:30: Đã có 80% report và portfolio của tôi vẫn up, GBP đã tụt xuống 1.34, FTSE mất 8%. Thi trường châu Á đỏ rực, JPY xuống sát 100 nhưng các đồng tiền khác rớt thảm hại. Bloomberg cho biết ngân hàng trung ương Hàn quốc, Philippines, Malaysia tuyên bố sẽ can thiệp vào thị trường FX. Trong khi đó RBA và PBoC vẫn im hơi lặng tiếng, cũng dễ hiểu vì cả Úc và TQ đều muốn đồng tiền mình yếu đi. Có tin BoJ/MoF họp khẩn cấp và Kuroda sẽ có press conference. Mấy ngày trước báo chí đã đưa tin các CB lớn (Fed, ECB, BoE, BoJ, SNB) đã lên kế hoạch can thiệp đồng thời như đã làm sau vụ động đất ở Nhật năm 2011. BoJ lo ngại đồng JPY lên giá quá mạnh nhưng chưa thấy Mark Carney lên tiếng gì khi GBP rớt thê thảm. Có lẽ BoE không lo ngại bankrun, mà nếu có cũng phải vài tiếng nữa khi London open.

2:00: Kuroda tuyên bố sẽ bơm liquidity cho market và activate swap lines nhưng không đả động gì đến intervention. Tại sao BoJ chưa can thiệp, vì thấy chưa cần thiết hay chưa thoả thuận coordination được với các CB khác? Nhưng thực ra đây là một điều may mắn cho tôi vì nếu BoJ can thiệp JPY có thể đổi chiều và các hedge của tôi sẽ không perform tốt nữa. Như vậy nếu BoJ đang đàm phán với ECB và Fed thì tôi phải unwind ngay lập tức. Nhưng đúng lúc này tôi phát hiện ra mình đã mắc một sai lầm chết người. Tôi đã short Euro Stoxx futures để hedge FTSE, nhưng Eurex đến tận 4pm (giờ Úc) mới open. Hôm qua tôi khi tính ngưỡng 75% tôi không để ý điều này và cứ nghĩ nếu Leave thắng sẽ unwind ngay lập tức mà quên là phải đợi Eurex mở cửa.

Đổ thêm dầu vào lửa, một trader thông báo CME vừa activate circuit breaker với e-Mini là một hedging short khác của tôi, dự kiến phải đến tối (giờ Úc) mới có thể trade lại được. Quay qua FX, GBP tiếp tục lao dốc khi BBC, Sky đồng loạt kết luận Leave đã thắng trong khi JPY có vẻ đã chựng lại sau tuyên bố của Kuroda, CHF và EUR cũng không chạy theo GBP nữa. Correlation breakdown! Không thể chậm chễ được nữa tôi yêu cầu một trader đóng ngay GBP-JPY và một nửa equity portfolio. Vì chưa thể trade e-Mini và Euro Stoxx tôi phải để lại một phần FTSE để giữ net leverage không đổi. Vài phút sau các trade được hoàn thành, tất cả gain từ buổi sáng đã bị mất sạch chỉ trong chưa đầy 10 phút.

3:30: Leave đã chính thức thắng, BBC news feed bây giờ chỉ còn những phát biểu đổ lỗi của các chính trị gia. Một số IB/broker bắt đầu phân tích ảnh hưởng hậu Brexit, không hiểu các analyst ở đó có viết sẵn không mà ra bài nhanh thế. Một số dự báo Euro Stoxx mở cửa sẽ rớt 15-19%, có lợi cho tôi vì FTSE mới chỉ rớt 10%. Đáng tiếc là FX calm down trở lại, GBP ngóc đầu dậy quãng 1.36, JPY cũng vượt 102. Cũng may dù tôi đã sell GPB đúng đáy nhưng JPY và AUD hedge khá tốt. Bây giờ chỉ còn chờ xử ý nốt số equity còn lại.

4:00: Eurex mở cửa, các cash market châu Âu cũng mở cửa. Ngạc nhiên là cash FTSE 100 chỉ rớt hơn 5% at open, nhưng hoá ra gần nửa số stock trong đó bị suspend. Lúc này CME cho phép trade e-Mini trở lại nhưng không reset ngưỡng circuit breaker, nghĩa là chỉ cần một sụt giảm nhỏ là exchange này sẽ lại ngừng giao dịch e-Mini. Tôi yêu cầu trader đóng nốt equity position một phần để tuân theo kế hoạch exit từ ngày hôm qua, một phần vì giá sàn của e-Mini sẽ không còn đảm bảo hedging strategy được nữa.

4:30: Mọi thứ đã xong, Leave thắng 52/48 với hơn 16.8 triệu vote, turnout 72%, không tệ nếu tính chung nhưng turnout demography đã giết phe Remain: những nơi vote Leave có turnout vượt quá dự kiến trong khi London (và Scotland) không đạt kế hoạch 75%. Báo chí lúc này chỉ còn bàn tán về số phận PM David Cameron và khi nào Anh sẽ activate Article 50. Tweet của một phóng viên cho biết Cameron sẽ resign còn Boris Johnson tuyên bố chưa nên activate A50. Rộ lên tin Scotland và Northern Ireland sẽ tổ chức referendum tách khỏi GB.

5:30: David Cameron tuyên bố resign sau khi thua canh bạc lớn nhất đời mình. Ông đã thua và kéo theo nước Anh vào một tương lai đầy bất định. Tôi cho rằng năm ngoái khi đối mặt với một UKIP đang lên Cameron đã sử dụng lời hứa sẽ tổ chức Brexit referendum để lấy phiếu, chắc mẩm rằng không bao giờ phe Leave có thể thắng. Một mũi tên nhắm 3 đích: vừa thắng cử, vừa giữ lại EU membership, vừa triệt hạ UKIP. Cameron bắn trúng mục tiêu thứ nhất, thắng vang dội tháng 5/2015, nhưng trượt mục tiêu thứ 2. Chính mục tiêu thứ 3, điều mà Cameron không còn khả năng bắn nữa vì đã resign, mới là điều làm tôi lo ngại hơn cả việc Anh rời khỏi EU. UKIP mà nói rộng hơn là phong trào nationalism cực hữu ở Anh và khắp châu Âu sẽ trỗi dậy. Không chỉ suy thoái/bất ổn kinh tế mà các rủi ro chính trị/địa chính trị trên toàn thế giới sẽ làm người dân mọi nơi khốn khó hơn nhiều. Bài học là: turnout rất quan trọng các bạn ạ.

6:00: Viết nốt mấy cái report/analysis ngắn cho IC. Dù có một vài sai lầm và chậm trễ, portfolio của tôi nói chung không tệ so với 2 tuần trước. Thực ra tôi đã đặt cửa sai nhưng hedging tốt và đặc biệt là rất may mắn trong tuần cuối cùng trước bầu cử. Theo văn hoá VN phải thắp nhang vái lạy tạ ơn Jo Cox.

7:00: Đóng cửa office về nhà. Trên xe bất ngờ nghe Louis Armstrong hát What a wonderful world. Đúng vậy, 48 giờ qua chỉ là một hạt cát trong wonderful world này thôi, cứ phải "bình tĩnh mà sống".



Saturday, June 25, 2016

Asset risk weighting


Bài này đã được đăng trên TBKTSG gần đây:


Ngân hàng trung ương truyền thống có hai nhiệm vụ chính: điều hành chính sách tiền tệ quốc gia và đảm bảo an toàn/ổn định cho hệ thống tài chính. Mặc dù sách giáo khoa kinh tế thường nói chính sách tiền tệ được thực hiện thông qua việc thay đổi (tốc độ) cung tiền cho nền kinh tế, trên thực tế hầu hết các ngân hàng trung ương đều sử dụng công cụ lãi suất (và tỷ giá) bằng cách bơm/rút thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng (qua OMO) hay các mệnh lệnh hành chính ấn định trần/sàn của lãi suất/tỷ giá hoặc tăng trưởng tín dụng. Nới lỏng định lượng (QE) là một công cụ mới mà Nhật bản sử dụng hơn chục năm nay và nhiều nước phát triển đã học tập sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007/2009 vừa rồi.

Đối với nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính, các ngân hàng trung ương có hai công cụ truyền thống. Thứ nhất là thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng cho các tổ chức tài chính. Trước đây chủ yếu thông qua cho vay tái chiết khấu (discount window/refinancing loans), sau cuộc khủng hoảng vừa rồi một số công cụ mới xuất hiện xoay quanh nguyên tắc hoán đổi một loại tài sản có nào đó của ngân hàng lấy thanh khoản (asset swaps). Công cụ thứ hai quan trọng hơn và càng ngày càng được mở rộng là hoạt động giám sát tính cẩn trọng (prudential supervision) của hệ thống ngân hàng. Đã có nhiều nỗ lực quốc tế nhằm thống nhất và chuẩn hoá các qui định giám sát này, cụ thể là các nguyên tắc an toàn vốn do Basel Committee đưa ra và được các tổ chức quốc tế như BIS, IMF, OECD khuyến cáo/yêu cầu các quốc gia áp dụng. Nhiều thước đo an toàn khác như tỷ lệ dự trữ tối thiểu (RRR), tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn, tỷ lệ cổ phiếu sở hữu chéo... cũng nằm trong nhóm công cụ thứ hai này.

Hiện tại NHNN đang hướng tới việc áp dụng chuẩn Basel II cho hệ thống ngân hàng VN mà một trong những nguyên tắc chính là giám sát tỷ lệ vốn tối thiểu (CAR) dựa trên mức độ rủi ro của các loại tài sản có của các ngân hàng. Quyết định sửa đổi thông tư 36 vừa rồi tăng hệ số rủi ro cho các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 200% thoạt nhìn cũng liên quan đến công cụ thứ hai của NHNN trong khuôn khổ Basel II, nhưng về bản chất không phải vậy. Thực chất tăng hệ số rủi ro của bất kỳ một tài sản có nào lên trên 100% là không cần thiết cho mục tiêu an toàn mà là một hình thức can thiệp vào cấu thành bản cân đối tài sản của các ngân hàng, dù gián tiếp có ảnh hưởng đến mức độ an toàn hệ thống nhưng hiện tại được liệt kê vào một nhóm công cụ thứ ba mà tôi sẽ bàn thêm bên dưới.

Khuyến cáo của BIS cho các nước sử dụng hệ số rủi ro cho vay nhà ở khi tính CAR khoảng 35%, thậm chí một số phân tích gần đây còn gợi ý có thể giảm xuống 25%. Ngay cả ở Úc, nơi hầu hết các nhà kinh tế cho rằng giá bất động sản bị bong bóng nhiều năm nay và có khả năng sụp đổ, cơ quan giám sát tài chính (APRA) cũng chỉ khuyến cáo các ngân hàng sử dụng hệ số 35% và không bắt buộc. Đối với bất động sản thương mại hoặc các khoản cho vay liên quan đến các dự án bất động sản có rất ít hoặc không có thế chấp, hệ số rủi ro có thể từ 75% đến 100%. Sở dĩ hệ số rủi ro tối đa là 100% vì thực ra con số này chỉ là tương đối, số vốn điều lệ cần thiết để làm bộ đệm (cushion) cho rủi ro không thu được hồi nợ còn phải tính đến CAR. Nếu ngân hàng trung ương muốn tăng mức độ an toàn của toàn hệ thống, nâng CAR lên đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với việc so đo hệ số rủi ro của hàng trăm/hàng nghìn loại tài sản có trên bản cân đối tài chính.

Trở lại vấn đề sửa đổi thông tư 36, ngay cả hệ số rủi ro 150% trước đây cũng đã vượt quá khuôn khổ chống rủi ro của Basel. Không một khoản cho vay nào dù rủi ro đến đâu cũng có thể mất hơn 100% tổng số tiền cho vay. Có thể hiểu phần vượt trội trên 100% là một loại thuế ngầm đánh lên tín dụng bất động sản nhằm giảm nhiệt tốc độ tăng trưởng tín dụng trong lĩnh vực này mà mấy năm nay luôn cao hơn tốc độ tăng trung bình của tổng tín dụng. Việc điều tiết chính sách giám sát để thay đổi cơ cấu tài sản của bảng cân đối tài sản đã được giới kinh tế tranh luận vài chục năm nay và trở nên nóng lại sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa rồi. Trong Basel III một phần ý tưởng này đã được đưa vào một cách không chính thức dưới tên gọi giám sát cẩn trọng vĩ mô (macro prudential supervision), có thể coi là một nhóm công cụ thứ ba của ngân hàng trung ương trong nhiệm vụ bảo đảm an toàn hệ thống. Các hình thức giám sát cẩn trọng truyền thống (CAR, RRR,...) được coi là micro prudential.

Ở tầm mức vĩ mô ngân hàng trung ương giám sát (và điều chỉnh) những chỉ số vĩ mô của toàn bộ hệ thống, ví dụ tốc độ tăng trưởng tín dụng, tỷ lệ cho vay bất động sản, tốc độ tăng giá bất động sản/chứng khoán... Tuy nhiên quan điểm này không được sự đồng thuận của giới kinh tế học, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng ngân hàng trung ương chỉ nên tập trung vào micro prodential supervision. Bởi vậy Basel III đưa ra một điểm mới trong giám sát cẩn trọng vĩ mô là các ngân hàng trung ương khoanh vùng một số tổ chức tài chính lớn mà nếu chỉ một trong số đó đổ vỡ có thể gây ra phản ứng dây chuyền. Những tổ chức tài chính này được gọi là tổ chức có tính quan trọng hệ thống (systemically important institution - SII) và phải chịu thêm một số chế tài nhất định. Ngoài việc phải duy trì những chỉ số an toàn như CAR cao hơn các tổ chức tài chính khác, SII còn phải thực hiện thêm hai biện pháp chống rủi ro nữa là kiểm tra sức chịu đựng (stress test) và có kế hoạch giải thể dự phòng (living will) nếu lâm vào tình trạng phá sản.

Như vậy có thể thấy xu hướng giám sát hệ thống tài chính của các ngân hàng trung ương tiên tiến đang hướng đến một số biện pháp vĩ mô nhưng tập trung vào một số SII chứ không dàn trải. Cụ thể trong trường hợp cho vay bất động sản, dư nợ của khu vực này có thể có rủi ro cao nhưng chắc chắn không đồng đều với tất cả các ngân hàng. Hiện tại dư nợ liên quan đến bất động sản của VN chỉ xấp xỉ trên 10% tổng dư nợ toàn bộ hệ thống, thấp hơn nhiều so với khoảng 60% của Úc hay 30% của Mỹ. Cho nên nâng hệ số rủi ro gấp đôi trần 100% nhằm giảm nhiệt của toàn bộ hệ thống chưa chắc đã là tối ưu. Trong khi một số ngân hàng có thể có nợ xấu bất động sản quá cao nên cần kìm hãm, nhiều ngân hàng khác vẫn còn dư địa cho vay một cách an toàn nên sẽ bị ảnh hưởng xấu bởi một chính sách cứng nhắc. Nền kinh tế và người dân có thể sẽ bị thiệt hại vì thị trường bất động sản không phát triển đúng tiềm năng chỉ vì NHNN không phân biệt được tín dụng tốt với tín dụng xấu.

Tóm lại "đánh thuế ngầm" lên tín dụng bất động sản không nhất thiết là một chính sách sai nhưng có thể NHNN chưa tính toán kỹ. Thay vì coi tín dụng bất động sản là một rủi ro lớn nên phải áp hệ số rủi ro lên đến 200%, NHNN cần xác định đâu là những điểm yếu trong toàn hệ thống và có biện pháp xử lý chúng. Ví dụ NHNN có thể thực hiện stress test cho một nhóm các ngân hàng có dư nợ tín dụng bất động sản cao nhằm tìm ra CAR phù hợp. Cần đặt macro prudential policy vào đúng vị trí của nó, tránh nhầm lẫn với các chính sách khác, nhất là chính sách tiền tệ.



Panama papers



Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của tôi với báo Một Thế giới về vụ Hồ sơ Panama:


Q: Thưa ông, hình thức offshore company thực chất là gì? Hình thức này đem lại lợi ích gì mà thu hút được lượng khách hàng lớn đến vậy, có cả những cái tên quyền lực nhất thế giới?

A: Offshore company như tên gọi của nó nghĩa là một công ty được thành lập bên ngoài lãnh thổ của chủ sở hữu. Ví dụ khi HAGL sang Lào kinh doanh công ty này có thể mở một offshore company là một công ty đang ký theo luật của nước sở tại để giao dịch và quản lý các hoạt động kinh doanh ở đây. Trong vụ PP offshore company phải hiểu là shell company, nghĩa là một công ty (ở nước ngoài) được lập ra để đại diện cho quyền lợi và/hoặc hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp/cá nhân ở một quốc gia khác. Một số lý do chính doanh nghiệp/cá nhân mở shell company:

- Tránh thuế
- Trốn thuế
- Rửa tiền
- Che giấu tài sản với người thân, giới báo chí, chính quyền
- Lách cấm vận
- Tránh các qui định/quản lý/pháp lý phức tạp/đắt đỏ ở nơi họ sinh sống/hoạt động
- Tránh rủi ro mất/bị kiện tụng/bị tịch thu tài sản ở nơi họ sinh sống/hoạt động

Ngoại trừ trốn thuế, rửa tiền, lách cấm vận, các lý do khác nhìn chung hợp pháp và rất có lợi cho những doanh nghiệp/cá nhân sinh sống/hoạt động ở những nước có thuế suất cao và nhiều qui định/luật pháp khó khăn liên quan đến tài sản. Ví dụ luật thừa kế của Pháp ràng buộc người để lại tài sản rất nhiều qui định mà có thể trái với nguyện vọng của ông/bà ta. Do đó một cá nhân giàu có ở nước này có thể chuyển tài sản ra một offshore/shell company để có thể tự do di chúc lại cho bất kỳ ai mà ít khả năng bị kiện tụng. Một ví dụ khác là một hedge fund có trụ sở ở Mỹ và mở quĩ theo luật Mỹ họ sẽ phải kiểm tra xem nhà đầu tư có thuộc diện được phép đầu tư vào hedge fund hay không (accredited investor), nếu không kiểm tra kỹ họ sẽ bị liên đới khi cơ quan pháp luật phát hiện ra. Ngoài ra nhiều nước qui định quĩ phải kiểm tra nguồn tiền đầu tư có sạch không, một việc rất khó và rất tốn kém. Do đó mở quĩ dưới hình thức offshore company sẽ tránh được các qui định phức tạp này, nhà đầu tư sẽ phải tự chịu tránh nhiệm với chính quyền nước mình còn người quản lý quĩ không bị liên đới.

Tuy nhiên phải thừa nhận lý do tránh/trốn thuế và che giấu tài sản là rất phổ biến, nhất là với offshore/shell company cho các cá nhân giầu có. Đây là một vùng xám, nhiều khả năng động cơ của họ không trong sáng nhưng khó đánh giá mức độ đúng sai theo pháp luật (trừ hành vi trốn thuế). Ví dụ một người di chúc lại một khối tài sản lớn cho con, nếu ở Mỹ người con có thể sẽ bị đánh thuế lên đến hàng chục phần trăm số tài sản thừa hưởng đó. Khi tài sản để ở một offshore company và việc chuyển giao tài sản thực hiện dưới hình thức bán công ty (như vụ thủ tướng Iceland bán một offshore company của mình cho vợ với giá $1) thì đánh giá hành vi này có phạm pháp hay không rất khó, chưa kể rất khó phát hiện ra.

Một ví dụ khác là một triệu phú mua một chiếc du thuyền đắt tiền sử dụng. Nếu ông/bà ta đem về nước đứng tên có thể sẽ phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt rất cao. Do đó ông/bà ta có thể mở một offshore company đứng ra mua du thuyền đó rồi cho chính mình thuê/mượn lại. Khó có thể đánh giá số tiền thuế giới nhà giầu tránh/trốn thông qua offshore company là bao nhiêu, nhưng chắc chắn phải rất lớn để họ (hoặc những người quản lý tài sản cho họ) sử dụng hình thức offshore company. Nhìn chung dân thường ở các nước "dị ứng" với dạng shell/offshore company như vậy vì nó có lợi cho giới nhà giầu vốn dĩ đã có quá nhiều đặc lợi trong xã hội.


Q: Theo danh sách mới nhất, Việt Nam có 189 người có tên trong Hồ sơ Panama do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố, ông bình luận gì về điều này? Theo ông, họ có vi phạm pháp luật hay không?  Hành động mở offshore/shell company ở nước ngoài để quản lý tài sản có bị cấm không và tình trạng này trên thế giới diễn ra với mức độ như thế nào?

A: Trước hết cần làm rõ lại con số 189 mà nhiều báo chí VN cho rằng là số người VN có liên quan đến offshore company bị tiết lộ qua PP. Điều này không hoàn toàn chính xác, thực ra đây là số người và pháp nhân có địa chỉ thường trú tại VN ở thời điểm họ mở offshore company. Bỏ qua một số pháp nhân (vd SGL Capital hay Fired Earth Ltd), một số lớn cá nhân trong danh sách này có lẽ là các doanh nhân nước ngoài (không phải công dân VN) đã/đang làm ăn ở VN. Việc họ mở công ty ở một quốc gia nào đó rồi đem tiền vào VN đầu tư hoàn toàn không liên quan gì đến VN về khía cạnh họ có vi phạm luật pháp VN hay không. Ngược lại trong số những công dân VN có thể có một số người đang làm việc ở nước ngoài (expat) và việc họ có liên quan đến một offshore company nào đó cũng không thuộc thẩm quyền luật pháp của VN.

Một chi tiết nữa nhiều báo chí VN nhầm lẫn là con số 189 trong database của ICIJ được tổng hợp từ hai vụ leaks, vụ PP vừa rồi và một vụ năm 2013 được ICIJ gọi là Offshore Leaks (tôi đã có lần đề cập đến). Nếu chỉ xét danh sách từ PP thì VN có 99 cái tên được liệt kê chứ không phải 189. Nhưng tất nhiên con số này sẽ tăng lên vì ICIJ sẽ tiếp tục cập nhật database khi họ có thêm các nguồn tin khác (leaks) trong tương lai. Cũng cần lưu ý là ICIJ chỉ cung cấp một số thông tin cơ bản trên database mà ai cũng có thể download về nghiên cứu, nhiều thông tin nhạy cảm khác (vd số tài khoản ngân hàng, nội dung email trao đổi...) họ không công bố.

Quay lai danh sách 189 cái tên liên quan đến VN có trong database hiện tại của ICIJ. Thực ra nếu chỉ xét về số lượng thì VN có ít hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, vd TQ có 33290, Thailand 1413, Indonesia 3544, Philippines 883, thậm chí Lào cũng có 56 và Cambodia 30 cái tên. Tuy nhiên như đã nói bên trên hầu hết các nước không cấm việc mở offshore/shell company và VN cũng không có luật nào cấm, bởi vậy không thể nói các công dân VN có tên trong danh sách trên là phạm pháp. Điều cần quan tâm là những người mở công ty kiểu này có sử dụng chúng cho những hoạt động phạm pháp như trốn thuế hay rửa tiền hay không, tương tự như sở hữu xe hơi không phạm pháp nhưng chủ sở hữu có thể dùng nó để buôn lậu là một hoạt động phạm pháp. Bởi vậy để đánh giá mức độ phạm pháp phải điều tra cụ thể hoạt động của những công ty offshore/shell và những người liên quan chứ không thể nhận định chung chung.

Việc đầu tiên là rà soát xem trong số 189 cá nhân/pháp nhân này có ai che giấu việc sở hữu hoặc có liên quan đến những công ty đó hay không khi bị buộc phải công khai điều này, ví dụ khi phải kê khai tài sản/chức vụ trong sơ yếu lý lịch hay phải công bố các doanh nghiệp con trong báo cáo tài chính. Thủ tướng Iceland phải từ chức vì khi là nghị sĩ ông ta đã không công khai mình sở hữu một offshore company trong khi luật pháp nước này buộc các nghị sĩ phải làm điều này. Ngược lại thủ tướng Úc không bị cáo buộc phạm pháp dù có tên trong một công ty offshore khác vì ở thời điểm đó ông ta chưa tham gia quốc hội mà là giám đốc của một quĩ đầu tư. Tôi biết nhiều quĩ đầu tư lớn ở VN huy động vốn từ bên ngoài thông qua các offshore company, đa số họ công khai điều này trong các bản cáo bạch hay trên website nên họ không làm gì phạm pháp.

Ngoài ra cần xác định các offshore company mà 189 cá nhân/pháp nhân nói trên có liên quan rồi loại bỏ những company đã không còn "Active" (có thể điều tra điều này trực tiếp trên website của ICIJ). Một điểm rất quan trọng cần lưu ý là quan hệ giữa 189 cá nhân/pháp nhân trong danh sách ICIJ với offshore company mà họ có liên quan. Thông thường nếu một cá nhân chỉ là thành viên hội đồng quản trị (director) của một offshore company, ví dụ trường hợp của bà Đàm Bích Thủy chỉ là một trong số 10 directors của ANZ/V-Track International Leasing, thì đây là một mối liên hệ yếu và ít khả năng cá nhân đó có những hoạt động phạm pháp như trốn thuế hay rửa tiền. Ngược lại nếu một cá nhân là cổ đông (shareholder) hay người được hưởng lợi (beneficiary), và trong đa số trường hợp đồng thời là director, thì đó là mối liên hệ mạnh cần phải điều tra sâu thêm. Ít nhất cơ quan thuế có thể yêu cầu các cá nhân/pháp nhân đó báo cáo những quyền lợi nhận được từ offshore company mà họ có liên quan (tất nhiên với điều kiện người đó nằm trong phạm vi điều phối pháp luật (jurisdiction) của VN).

Tóm lại quả bóng đang nằm trong chân cơ quan thuế VN. Một số cơ quan thuế của các nước (Úc, Mỹ, Anh...) đã xúc tiến điều tra. Ngoài việc điều tra trực tiếp các cá nhân/pháp nhân có tên trong database này, các quốc gia có hiệp ước hỗ trợ tư pháp với Panama và các "thiên đường thuế" nơi các offshore company đăng ký có thể yêu cầu cơ quan tư pháp của những nước này hỗ trợ. Một nguồn thông tin rất quan trọng nữa là phần "chìm" của PP và Offshore Leaks mà ICIJ chưa công bố. Chính phủ và các nhà báo VN có thể tiếp xúc với tổ chức này xin được hợp tác/trợ giúp thông tin. Sau khi đã khoanh vùng được những nghi ngờ về trốn thuế hay rửa tiền, bước cuối cùng và khó khăn nhất là yêu cầu các ngân hàng quản lý tài khoản cho các công ty offshore cung cấp thông tin transactions. Tất nhiên ở thời điểm hiện tại chưa thể khẳng định được điều gì, nhưng nếu không điều tra VN sẽ không bao giờ biết.


Q  Thưa ông, nếu Mossack Fonseca bị bắt, cụ thể là nếu trong trường hợp xấu nhất, Hoa Kỳ đưa đưa công ty này ra trước pháp luật, công ty này sẽ sụp đổ. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng thế nào đến những khách hàng của họ? Theo ông, những cái tên Việt Nam có trong danh sách đó sẽ ảnh hưởng như thế nào?

A: Cho đến giờ này vẫn chưa thấy Mỹ hay một quốc gia nào khác tìm cách qui trách nhiệm (hình sự) cho MF vì hành vi trợ giúp trốn thuế, rửa tiền hay lách cấm vận. Có thể vì những thông tin trong PP được ICIJ công bố chưa đủ vững để có thể khởi tố lãnh đạo hoặc nhân viên MF. Tuy nhiên vẫn còn khá sớm để đánh giá khả năng này vì bản thân ICIJ cũng phải mất nhiều thời gian nữa để đọc và phân tích kỹ hơn 11.5 triệu tài liệu. Các cơ quan công tố các quốc gia liên quan dù đã yêu cầu ICIJ cung cấp thêm thông tin cũng cần thời gian để tìm đủ chứng cứ mới có thể khởi tố. Trong trường hơp xấu nhất MF bị khởi tố rồi truy tố thì hậu quả đầu tiên là sẽ có thêm nhiều thông tin bí mật bị tiết lộ, không chỉ từ nội bộ MF mà cả các pháp nhân liên quan như ngân hàng, kế toán, kiểm toán.

Với những trường hợp một cá nhân/pháp nhân chỉ thuê MF làm dịch vụ thành lập offshore company (và/hoặc mở offshore account) sẽ hầu như không bị ảnh hưởng vì quan hệ giữa họ với MF nhiều khả năng đã chấm dứt. Nhưng một số lớn offshore company mở ra để che giấu tài sản và/hoặc thu nhập thì người chủ thực sự của công ty đó thường sẽ thuê MF đứng ra làm bình phong và quản lý công ty cho họ. Do đó sự đổ vỡ của MF sẽ không chỉ phơi bầy những tài sản ngầm đó mà còn gây khó khăn cho những người chủ thực sự muốn dịch chuyển tài sản/thu nhập của mình sang những nơi trú ẩn khác. Thậm chí nếu tài sản được chuyển đi các offshore company khác trước khi MF bị các cơ quan công tố khởi tố, địa điểm cất giấu mới vẫn có thể bị truy ra.

Tóm lại nếu offshore company được mở ra với mục đích dễ dàng kinh doanh thì ảnh hưởng nếu MF bị truy tố không có gì đáng kể. Ngược lại nếu đó là chỗ che giấu tiền bẩn và/hoặc để trốn thuế thì những người chủ đằng sau các offshore company đó phải cầu mong cho MF "tai qua nạn khỏi".



Q: Một số nhân vật là người Việt có tên trong danh sách đã lên tiếng khẳng định sự vô tội trước pháp luật của họ, theo ông, nếu không phạm tội trốn thuế thì hành vi này có được xem là lách thuế hay không? Cơ quan quản lý cần làm gì để khắc phục điều này?

A: Như tôi đã nói bên trên việc mở offshore company hoàn toàn có thể cho mục đích kinh doanh đàng hoàng, tôi tin nhiều người trong danh sách 189 cái tên trong database ICIJ thuộc loại này. Tuy nhiên có thể nói không ít offshore company được mở ra với mục đích che giấu tài sản và/hoặc trốn thuế/né thuế. Offshore company là một công cụ khá hữu hiệu cho những mục đích này với chi phí rẻ, thủ tục đơn giản và đặc biệt là hệ thống pháp luật của các tax haven rất thuận lợi cho mục đích này. Không chỉ VN mà ngay cả những nước có hệ thống thực thi pháp luật mạnh cũng rất đau đầu vì không dễ gì tiếp cận được thông tin của các offshore company ở các tax haven, trừ khi có những vụ leaks như PP vừa rồi hay Offshore Leaks mấy năm trước.

Rửa tiền, trốn thuế, chuyển giá rõ ràng là phạm pháp, nhưng ngay cả hành vi né thuế tuy không phạm pháp nhưng cũng bị lên án ở nhiều nước. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhân vật giầu có, quyền lực ở các nước bị chỉ trích vì mức thuế trung bình mà họ đóng trên tổng thu nhập thấp hơn nhiều mức thuế bình quân của những người lao động bình thường. Việc người giầu né thuế qua các offshore company chỉ vì họ có khả năng làm như vậy không đúng xét cả về mặt đạo đức và công bằng. Nhiều nhà kinh tế, như 300 người vừa ký tên vào một bức thư ngỏ do Thomas Piketty khởi xướng, cho rằng offshore company và tax haven là những nguyên nhân quan trọng làm gia tăng khoảng cách giầu nghèo trên thế giới. Về mặt vĩ mô với những nước nghèo như VN, cất giấu tài sản ở các tax heven còn làm giảm national saving, ảnh hưởng tới đầu tư và cán cân thương mại.

Tất nhiên nhà nước cần phải gia tăng kiểm soát để chống lại những hành vi phạm pháp (rửa tiền, trốn thuế, chuyển giá), nhưng với khoảng xám "né thuế" dựa vào offshore company cấm đoán không phải là điều nên làm. Thứ nhất cấm đoán một hành vi không phạm luật, dù nó có thể xấu về mặt đạo đức và công bằng, là một chính sách vi hiến. Thứ hai nó không hiệu quả vì rất khó enforce và giới nhà giầu sẽ chuyển sang một hình thức né thuế khác. Hầu hết những người đủ giầu để có nhu cầu mở offshore company hòng né thuế có thể dễ dàng chuyển sang định cư ở một quốc gia khác thoát khỏi luật cấm nếu nó ra đời. Thứ ba cấm đoán người Việt mở offshore company sẽ ảnh hưởng đến những hoạt động hợp pháp và có lợi cho nền kinh tế như đã nói ở trên.

Vậy giải pháp cho vấn đề né thuế là gì? Trước hết chính phủ cần cải tổ hệ thống thuế để nó minh bạch và công bằng, xem xét lại các mức thuế suất cho hợp lý chứ đừng có quan điểm tận thu. Quan trọng hơn chính phủ phải chứng minh cho người đóng thuế thấy rằng đồng tiền thuế mà họ đóng góp được chi tiêu đúng chỗ và hiệu quả. Hãy để những người có tiền hiểu đóng thuế đầy đủ giúp xây dựng một xã hội công bằng và phát triển, sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư hơn và lợi nhuận về lâu dài sẽ vượt xa số tiền thuế mà họ né được thông qua các offshore company. Một điểm nữa là nhà nước cần khuyến khích và tạo điều kiện cho một nền báo chi tự do và độc lập vì đây là một công cụ vô cùng hữu hiệu lật tẩy những người trốn thuế, né thuế. Hãy nhớ rằng toàn bộ câu chuyện offshore company này chỉ được xã hội biết đề nhờ ICIJ, một hiệp hội nhà báo độc lập.