Thursday, July 26, 2012

Stimulus


Một năm trước cả nước ca thán về lạm phát cao, ai cũng mong mặt bằng giá cả được kéo xuống. Bây giờ khi giá bắt đầu sụt giảm, dù vẫn còn cao hơn so với cách đây một năm, người dân chưa kịp phấn khởi thì các chuyên gia kinh tế lại cảnh báo nguy cơ giảm phát và suy thoái. Thông tin về sức mua giảm, tồn kho tăng, doanh nghiệp phá sản hàng loạt và dự báo GDP sẽ tăng dưới 5% tràn ngập mặt báo dường như đã làm các nhà hoạch định chính sách sốt ruột. NHNN bỏ ngoài tai khuyến cáo của IMF cắt giảm lãi suất liên tục và khi thấy tăng trưởng tín dụng vẫn không nhúc nhích đã buộc các ngân hàng phải "đảo nợ" cho doanh nghiệp với mức lãi suất trần 15%. Chính phủ cũng quyết liệt không kém khi dự định sẽ tăng tốc giải ngân đầu tư với tốc độ gấp rưỡi từ nay đến cuối năm, chưa kể nếu đề án xử lý nợ xấu được thực hiện sẽ có hàng chục nghìn tỷ được đẩy ra nền kinh tế. Những động thái có tính phản ứng vô điều kiện (knee-jerk) này có thể thúc đẩy tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng sẽ đẩy lùi nhiều nỗ lực cải cách và ổn định kinh tế mà VN đã đạt được trong thời gian qua.

Trước hết cần phải thấy tăng trưởng kinh tế của VN đang và sẽ suy giảm là điều tất yếu khi cả thế giới đang rơi vào một chu kỳ suy thoái mới. Xét cho cùng kim ngạch xuất khẩu của VN gần bằng toàn bộ GDP nên nền kinh tế VN không thể tránh khỏi bị "vạ lây" khi các bạn hàng lớn như EU, Mỹ, Nhật, Trung Quốc "hắt hơi sổ mũi". Đáng ra những cú sốc từ bên ngoài như vậy có thể được hấp thụ bớt một phần nếu chính sách tỷ giá linh hoạt hơn nhưng tiếc là NHNN vẫn khăng khăng giữ ổn định tỷ giá. Những biện pháp nới lỏng tiền tệ và tài khoá sẽ kích thích tổng cầu trong nước nhưng không giúp hàng VN nâng tính cạnh tranh ngay cả trên thị trường nội địa. Thêm vào đó kích cầu bao giờ cũng đi kèm với gia tăng thâm hụt thương mại và một phần nguồn lực kích cầu sẽ thất thoát ra bên ngoài, nhất là trong giai đoạn cả thế giới tìm cách gia tăng xuất khẩu.

Thứ hai, kinh tế suy giảm đồng thời với lạm phát hạ nhiệt là kết quả của những nỗ lực thắt chặt tiền tệ nhằm ổn định vĩ mô trong hai năm qua. Giới doanh nghiệp buộc phải giảm bớt tỷ lệ vốn vay (deleveraging) khi tín dụng bị thắt chặt, hệ quả tất yếu là đầu tư giảm và qui mô sản xuất thu hẹp. Lạm phát trước đây do tăng trưởng quá nóng và đầu tư quá mức cần thiết (over investment) nhưng không hiệu quả, bởi vậy giảm phát và giảm đầu tư là điều nên có. Một giai đoạn suy giảm là điều kiện cần để nền kinh tế đào thải những doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả, quá phụ thuộc vào vốn vay, phụ thuộc vào đặc quyền đặc lợi. Cuộc thanh lọc này nếu được kết hợp với quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ các doanh nghiệp nhà nước sẽ đẩy mạnh năng suất (productivity) của nền kinh tế trong tương lai. Giải cứu tất cả doanh nghiệp bằng mọi giá có thể khôi phục tăng trưởng trong ngắn hạn nhưng nền kinh tế sẽ càng ngày càng kém hiệu quả và rủi ro tiềm ẩn càng cao.

Thứ ba, nếu các chính sách đối phó với suy giảm kinh tế được tập trung vào trợ giúp người nghèo thay vì cấp tập hỗ trợ doanh nghiệp, hố ngăn cách giầu nghèo vốn đã quá sâu sẽ được giảm bớt. Trong những năm tăng trưởng nóng, một số người đã giàu lên nhờ vào cơ chế và dòng tín dụng dễ dãi. Đa số dân chúng còn lại dù có thu nhập tăng lên nhưng phải đối mặt với lạm phát cao và dịch vụ công ngày càng thu hẹp nên khả năng tích luỹ rất thấp. Quá trình phân tầng xã hội chỉ giảm tốc khi lạm phát và tăng trưởng hạ nhiệt. Nếu chính phủ tập trung nguồn lực xây dựng một hệ thống an sinh xã hội và mạnh tay trợ cấp người nghèo thì ảnh hưởng của suy giảm kinh tế sẽ giảm đáng kể, đó cũng sẽ là nền móng cho một xã hội bình đẳng và ổn định hơn. Vung tay chi tiền thuế của dân để cứu doanh nghiệp sẽ là hình thức chuyển ngược của cải từ đa số dân chúng cho một tầng lớp nhỏ trong xã hội vốn đã giàu có. Nếu phải cứu một số doanh nghiệp nào đó cần phải có cơ chế ràng buộc để họ phải chia sẽ một phần lợi nhuận trong tương lai cho xã hội chứ không thể "lời tôi hưởng, lỗ nhà nước và nhân dân chịu".


Note: Một version của bài viết này đã được đăng trên TBKTSG.