Wednesday, January 26, 2011

Australia Day


Sau gần một tháng được ăn bánh xèo, bún ốc, hôm qua tôi đã phải quay lại với McDonald, KFC và một núi công việc đang chờ trước mặt. Chuyến về thăm nhà lần này của tôi thật vui nhưng cũng không tránh được những khoảng khắc buồn. Vui vì được gặp rất nhiều bè bạn, cũ có mới có, buồn vì thấy dấu ấn thời gian hằn rõ trên khuôn mặt người thân. Vậy nhưng dấu ấn thời gian trên đường phố Sài gòn dường như bị lấn át hoàn toàn bởi các cao ốc, quán xá mới. Thành phố này và có lẽ cả nước VN đang càng ngày càng trẻ ra, đáng tiếc là quá trình trẻ hóa đã và đang xóa đi nhiều ký ức, vật thể lẫn phi vật thể, mà dân tộc Việt tích lũy từ hàng nghìn năm trước.

Hôm nay (26/1) là ngày Quốc khánh Úc, ngày mà đế quốc Anh đã chính thức đặt lục địa này dưới quyền cai quản của mình 223 năm trước. Ngày nay người dân Úc (da trắng) và chính phủ Úc không còn nhắc đến sự kiện lịch sử này, thay vào đó là ngày mà nước Úc cố gắng xây dựng hình ảnh một đất nước đoàn kết và hòa hợp. Dẫu sao Úc vẫn còn quá trẻ để cộng đồng dân cư ở đây có thể gọi mình là một dân tộc. Ngoại trừ một số ít thổ dân còn sót lại có bản sắc riêng, dân Úc hiện tại là một tập hợp của nhiều sắc dân khắp nơi trên thế giới, đa phần mới nhập cư được một vài thế hệ. Bởi vậy Úc chưa có bản sắc văn hóa riêng để bị mất như VN và họ đang cố gắng gìn giữ những gì có thể đi vào lịch sử, eg. nhà hát Opera Sydney, nhà Quốc hội Canberra, ga Flinders Melbourne. Một quốc gia trẻ đang cố gắng trưởng thành.

Năm nay, sau trận lụt thế kỷ vừa xảy ra ở Queensland, rất nhiều sự kiện văn hóa, giải trí trong ngày Quốc khánh đã bị hủy bỏ và thay vào đó là một cuộc vận động đóng góp tiền cho quĩ lũ lụt của Queensland. Một số doanh nghiệp tuyên bố sẽ đóng góp toàn bộ doanh số trong ngày cho quĩ, nhiều cộng đồng dân cư cũng tự tổ chức các hoạt động quyên góp. Tự nguyện chia sẻ khó khăn với những đồng bào bị thiên tai có lẽ là đặc tính chung của mọi dân tộc, dù có lịch sử hàng nghìn năm như VN hay mới chỉ vài trăm năm như Úc. Nhưng không chỉ tự nguyện, trong ngày Quốc khánh hôm nay chính phủ của thủ tướng Julia Gillard ám chỉ sẽ đưa ra một sắc thuế mới (flood levy) buộc toàn dân Úc phải chia sẻ khó khăn cho những nơi bị lũ lụt. Đã có một số ý kiến phản đối từ phe đối lập, tuy nhiên tôi nghĩ đa số dân Úc đều sẵn sàng đóng thêm khoản thuế này. Một ngày nào đó VN cũng sẽ có một sắc thuế để khắc phục hậu quả lũ lụt ở miền Trung?



9 comments:

  1. Minh Văn:
    Đọc lại thấy thêm buồn. Đất nước chúng ta nhà cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, xe hơi thì cứ lũ lượt nhập về, người giàu có, ăn mặc bóng loáng thì ngày càng đông....nhưng ở 1 góc nào đó, càng ngày càng thấy có thêm nhiều người già, có thể nói là gần đất xa trời đi bán vé số mưu sinh...có những buổi tối đi về khuya, thấy ông bà già phải ngủ ở ngoài đường...buồn quá...dù là người yêu nước đến đâu, tôn trọng đất nước đến đâu...nhưng cũng không thể không thấy xót xa...Quỹ từ thiện ngày càng nhiều, tầng xuất làm từ thiện ngày càng cao...mà dân chúng thì ngày càng nghèo.

    ReplyDelete
  2. Nghèo rớt mồng tơi như tôi hàng năm vẫn cứ đóng tất cả các thứ phí/quỹ: Người nghèo Bảo trợ trẻ em, người cao tuổi,... và thêm cái thứ quỹ đền ơn đáp nghĩa - trời ơi - và trong các trận bão lụt nếu bị hư hại ít vẫn cứ đóng, thì lo gì chứng ta không giải quyết nổi các vấn nạn trên bạn Văn Minh ơi. Hi vọng các nước khác sẽ học tập tinh thần đoàn kết và tương thân tương ái của dân nghèo chúng tôi

    ReplyDelete
  3. Hệ thống phúc lợi xã hội ở Việt Nam dường như có vấn đề, cứ mỗi năm trôi qua, lại thấy sự phân hóa giàu, nghèo ngày càng rõ nét. Như bạn Văn Minh ở trên nói, người Việt Nam chúng ta sống dựa nhiều vào tình cảm, những chuẩn mực đạo đức...do đó, sẽ không lo nếu người giàu bỏ tiền túi ra để giúp người nghèo. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là cơ chế, Nhà nước không tạo ra được cơ chế hợp lý để có thể tận dụng nguồn lực trong dân, để phát huy tinh thần đoàn kết, lá lành đùm lá rách...đơn cử như, ngoài việc giúp đỡ người nghèo có tiền, nhà nước cần tạo điều kiện làm thế nào họ sử dụng tiền đó hợp lý, để làm ăn, cải thiện cuộc sống. Chính sách từ thiện của chúng ta hiện nay chỉ giúp đỡ về tiền bạc, vật chất...nhưng không dạy họ cách lao động, sản xuất...Theo tôi, cho họ con cá, thì cũng phải cho họ cái cần câu, có vậy dân mới đỡ nghèo.
    Những gì tôi bình luận phía trên chỉ là nói về cách thức thực hiện, còn những vấn đề khác liên quan đến nội bộ, chính trị, tham nhũng, trục lợi thì...không biết có thể khắc phục được không...

    ReplyDelete
  4. em không phải đảng viên, cũng không làm chính trị, nhưng trên góc độ của 1ng bình thường thôi thì em - họ hàng nhà em - bạn bè thân thích, bà con khối phố, những ng quen biết đều thấy rằng sau 25 năm đổi mới, cuộc sống có sự đi lên vượt bậc mà 20 năm trước không thể tưởng tượng ra nổi. Ngày xưa tivi, xe cộ, tủ lạnh máy giặt ... etc ... làm j có mà xài, cũng chả có tiền mà mua, giờ đây thì các thứ đấy đều có.
    Thậm chí, nếu so với những ng đã từng sống trong giai đoạn chiến tranh thì bây giờ VN khác xa quá.
    Nếu nói chất lượng cuộc sống đi xuống thì chỉ từ khoảng 3-4 năm nay thôi, từ khi khủng hoảng bắt đầu. Có điều, chắc ai cũng thấy tình hình bây giờ dễ thở hơn 1-2 năm trước!!!
    Em cũng không tin là VN bây giờ nhiều ng nghèo hơn trước đây. Chỉ có điểm khác là bây giờ, ng.ta sống phũ phàng với nhau quá, nên nhiều lúc vô cảm với đồng loại, không cưu mang nhau. Nhưng tình người và tăng trưởng GDP em chưa nghĩ ra 1 mối quan hệ nào với nhau cả ~!

    ReplyDelete
  5. Các khảo sát đo lường về chỉ số hạnh phúc đều cho thấy rằng người Việt Nam lạc quan nhất thế giới. Bạn Runi2410 chắc cũng nằm trong số đó :).

    Trong kinh tế có một nhánh nghiên cứu về hành vi, giúp giải thích vì sao Việt Nam là một trong những nước GDP bình quân đầu người thấp nhưng lại có tinh thần lạc quan và cảm thấy hạnh phúc rất cao so với những nước có GDP bình quân đầu người cao hơn hẳn.

    Với một xuất phát điểm thấp vào những năm sau chiến tranh, nhất là vào thời kỳ bao cấp, kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng cao trong một thời gian dài. Do đó, tất cả mọi người đều cảm thấy chất lượng cuộc sống được cải thiện. Và họ cảm thấy hạnh phúc về điều đó.

    Tuy nhiên, nếu so sánh với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á có cùng xuất phát điểm như Việt Nam như Mã Lai, Indo và nhất là Thái Lan thì có lẽ mọi người sẽ không cảm thấy hạnh phúc khi so sánh chất lượng cuộc sống của mình với họ.

    Có lẽ bạn Runi2410 nên đi nhiều hơn, nhìn kỹ hơn thì sẽ biết VN mình còn nhiều người nghèo hay. Nếu chỉ sống ở các thành phố lớn như Sài Gòn, Hà Nội thì VN là thiên đường nhiệt đới :)

    ReplyDelete
  6. bạn Runi2410,
    nước Mỹ ngày nay hơn nước Mỹ cách đây 25 năm, các nước khác cũng vậy mà, vấn đề là khoảng cách giữa VN với các nước như ta trước kia càng ngày càng quá xa. Tôi sống ở miền Nam, trước năm 1975 nhà có xe hơi chạy mà, ba má muốn con cái lớn cho qua Mỹ du học, ngày đó nhà lát gạch bông người thân ở quê lên trầm trồ gạch lát để đạp dưới chân còn đẹp hơn chén ăn cơm. Tôi nói vậy không phải để khoe khoang hay hoài cổ gì đâu, chẳng qua để nói lên là cách đây lâu lắm rồi người ta vẫn có thể sống sung sướng, dĩ nhiên không phải nhiều người như vậy. Để cho thấy cách cách biệt của ta so với những nơi cùng tầm tầm như ta ngày xưa đã ngày càng xa.

    ReplyDelete
  7. Đúng rằng đời sống mọi người ngày càng cải thiện nhiều hơn. Tuy nhiên, sự phân hóa giàu nghèo theo đó cũng tăng dần. Qua đó, ta thấy (không khẳng định) dường như chất lượng cuộc sống tăng dần không rải đều cho mọi người và chính Nhà nước tạo ra sự phân hóa đó trong việc thực thi chính sách của mình,,,,

    ReplyDelete
  8. Người Việt Nam lạc quan nhất TG về cuộc sống, nhưng lại có vẻ như mất niềm tin nhất vào Đảng và Nhà nước mất rồi.

    ReplyDelete
  9. Hy vọng rằng sẽ có ngày tất cả người Việt hiểu được hai khái niệm tăng trưởng & tốc độ tăng trưởng.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.