Wednesday, March 13, 2013

Land ownership


Nhà kinh tế người Peru Hernando de Soto, tác giả cuốn Bí mật của Tư bản (The Mystery of Capital), cho rằng vấn nạn của hầu hết các nước nghèo là hệ thống ghi nhận và bảo vệ quyền sở hữu tài sản nói chung và đất đai  nói riêng không rõ ràng. Ông tin rằng một trong trong những biện pháp hữu hiệu nhất cho phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo ở các nước thuộc Thế giới Thứ ba là xây dựng một hệ thống sở hữu đất đai cho người dân. Chính sách này nếu thực hiện thành công sẽ đem lại ba lợi ích chính.

Thứ nhất, với đại đa số người dân ở các nước nghèo, đất đai là tài sản lớn duy nhất của họ. Khi quyền sở hữu chuyển từ những qui ước truyền thống, thoả thuận miệng, hay đe doạ vũ lực, sang một bằng khoán giấy trắng mực đen, người dân tiến một bước dài vào một xã hội pháp trị (rule of law). Không chỉ hiểu biết và tôn trọng pháp luật hơn, họ sẽ có thêm động lực tham gia tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ hệ thống luật pháp đó. Lịch sử nhiều nơi cho thấy chính sở hữu tư nhân là tiền đề cho một hệ thống pháp luật vững vàng chứ không phải ngược lại. Quyền sở hữu đất đai luật định cần được xác lập và thực thi trước nhất.

Thứ hai, sở hữu tư nhân là tiền đề cho một thị trường đất đai phát triển. Khi thiếu vắng thị trường giá cả của tài nguyên này dễ bị bóp méo bởi các nhóm lợi ích khác nhau hoặc các qui định hành chính cứng nhắc. Điều này vừa dễ dẫn đến tranh chấp, thậm chí sung đột giữa các đối tượng kinh tế liên quan, vừa làm sai lệch quá trình phân bổ tài nguyên đất đai không đem đến kết quả tối ưu cho xã hội. Việc thị trường chính thống không phát triển còn dẫn đến sự gia tăng các hoạt động giao dịch ngoài luồng (shadow economy), gây khó khăn cho các chính sách quản lý và điều tiết kinh tế của nhà nước trung ương. Khi người dân buộc phải giao dịch và thực hiện các hoạt động kinh tế bên ngoài hệ thống chính thức, họ dễ bị đẩy ra xa thêm khỏi hệ thống pháp luật.

Thứ ba, một hệ thống sở hữu đất đai rõ ràng sẽ giúp người dân dễ tiếp cận vốn vay từ hệ thống ngân hàng hơn vì họ có thể sử dụng đất thế chấp cho các khoản vay. Họ cũng có thể dùng đất để góp vốn vào các liên doanh kinh tế khác. Một số người lo ngại rằng chế độ sở hữu đất đai tư nhân sẽ dẫn đến tình trạng tập trung đất đai vào một số cường hào địa chủ, đẩy đa số dân nghèo vào phận làm thuê. Trên thực tế nông dân mất đất chủ yếu vì họ phải vay nặng lãi cho những nhu cầu đột xuất hoặc một vài vụ mùa thất bát. Một hệ thống tín dụng hiệu quả có tác dụng phòng ngừa bần cùng hoá nông dân tốt hơn nhiều việc nhà nước đứng ra sở hữu đất đai giúp họ.

Từ những năm 1980 de Soto và viện ILD của ông đã triển khai rất thành công những hệ thống xác lập và bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, chủ yếu liên quan đến sở hữu đất đai, ở Peru và hàng chục quốc gia đang phát triển khác. Sáng kiến và nỗ lực của ông đã được nhiều tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc, World Bank, IMF ghi nhận. Ông đã nhận được giải thưởng, huy chương của nhiều nước, đã được các tạp chí lớn như The Economist, Forbes, Time, Foreign Policy vinh danh. Bài học cho Việt Nam là hãy bắt đầu bằng việc chấp nhận sở hữu tư nhân đất đai trong hiến pháp.


[Một version của bài viết này đã được đăng trên TBKTSG]


11 comments:

  1. Tư hữu là một thuộc tính tự nhiên của con người. Người ta không thể hiểu hết con người nếu không hiểu vấn đề sở hữu. Khác hẳn với con vật, nội dung con người chỉ xuất hiện khi xuất hiện sự khẳng định ‘cá nhân’. Và cơ sở vật chất của sự tồn tại ‘con người cá nhân’ là sở hữu cá nhân và sở hữu tư nhân. Ðây là điều kiện tối thiểu để nó có thể tự nuôi sống mình. Phạm trù sở hữu gồm hai bộ phận: cái có và cái quyền. Không công nhận quyền tư hữu đất đai làm mất đi động lực tự nhiên của con người và nảy sinh chiếm hữu tập thể chăng?

    ReplyDelete
  2. Về mặt nguyên tắc, trừ đất nông nghiệp, lâm ngư nghiệp .v.v. thì chuyện dùng đất ở để thế chấp, thừa kế, hay giao dịch hoàn toàn bình thường ở Việt Nam. Không hiểu bác Giang muốn nói đến đất nông nghiệp hay đất ở ở đây.
    Có lẽ nặng nề nhất là chuyện đền bù của nhà nước với những diện tích đất bị thu hồi. Nhưng vấn đề này không chỉ nói : đất đai là sở hữu tư nhân là xong.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi không biết có chính xác hay không, Tổng thống Mỹ khi nhậm chức phải xin thề là bảo vệ hiến pháp, trong đó có quyền về sở hữu tư nhân. Legia, chỉ cần hiến pháp Viêt Nam ghi là: tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, quyền sở hữu tư nhân là bất khả xâm phạm và như thế sẽ không có những nạn nhân của vụ án "cướp đất" thương tâm xảy ra đối với a Đoàn Văn Vươn - Tiên Lãng - Hải Phòng.

      Delete
    2. @legia: Bác nói thế là sai rồi. Nếu khẳng định đất là của tư nhân có nghĩa là tư nhân có quyền bán hoặc không bán. Nhà nước muốn thu hồi đất làm gì phải mua, giá cả thấp thì dân không bán, và một số điều chỉnh nhỏ để tránh dân bất hợp tác đòi giá quá cao là được.

      Rõ ràng bác vẫn chưa biết đến cái gọi là 126.000đ/m2 (đất NN thôi) đất Hà Nội nó làm người dân bất mãn đến thế nào, mà không gia thì bị cưỡng chế...(dọa, đánh đập, gây sức ép tinh thần...), nếu bác ở trong hoàn cảnh đó hẳn bác nghĩ khác.

      Delete
    3. Đúng rồi Kijuto JP ơi!
      Quyền lực có xu hướng tha hóa, quyền lực tuyệt đối, thì tha hóa tuyệt đối, nên chúng ta phải có phanh để hãm lòng tham của chúng lại. Thường thì oan sai, thua thiệt là nghiêng về phía người dân, chứ quyền lực thì luôn luôn lạm quyền đến khi nó bị chặn lại.

      Delete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Em nghĩ cái Việt Nam đang cần là tính minh bạch, công bằng và hệ thống pháp luật rõ ràng.

    ReplyDelete
  5. Đất nông nghiệp thì sẽ được định giá bằng địa tô, thu nhập trên mỗi hecta đất chỉ khoảng 50 triệu kể cả chi phí lao động, nếu trừ tiền công thì chỉ còn 20-30 triệu net income/ha. Với real interest rate tầm 2% thì 1 ha đất nông nghiệp chỉ tầm 1-1.5 tỷ, tức là 100.000-150.000 đ/m2.

    ReplyDelete
  6. Rất đúng thực trạng hiên nay. Đất ở Vn có khi ngủ một đêm là không còn gì.

    ReplyDelete
  7. Phim Nguoc Song hường thì oan sai, thua thiệt là nghiêng về phía người dân

    ReplyDelete
  8. Tôi cũng là fan của De Soto và cuốn Mystery of Capitalism. Tôi nhớ ông này cũng nói rõ thực ra trong chuyện tư hữu hóa land ownership, vấn đề quan trọng nhất là phải có political will để move things forward & apply changes. Tình hình ở Vietnam là political will chưa có, vậy thì challenge hiện tại là làm sao lobby, trao đổi & communicate đến giới lãnh đạo để build up cái political will đó trước khi cụ thể hóa bằng cách sửa hiến pháp và luật đất đai...

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.