Friday, September 6, 2013

Russia 2013


1.
Tôi quay lại Nga đúng 20 năm sau ngày rời đất nước này. Lúc đó Nga đang rơi vào một trong những giai đoạn đen tối và hỗn loạn nhất thế kỷ 20, khi Boris Yeltsin chuẩn bị nã pháo vào Nhà Trắng, vào những đồng đội mà chỉ 2 năm trước đã cùng ông đập tan cuộc đảo chính của nhóm hardliner cộng sản dẫn đến sự tan rã Liên bang Xô viết. Nước Nga dưới thời Yeltsin đã rơi vào suy thoá nặng nề, GDP giảm hơn 40% từ năm 1990 đến 1999. Thực ra kinh tế Nga đã bắt đầu suy sụp từ mấy năm trước, chế độ tem phiếu đã quay trở lại từ năm 1988 dưới thời Gorbachev. Đến năm 1991-1992 nhiều nhà máy, công xưởng đã đóng cửa hoặc nợ lương công nhân triền miên. Tôi vẫn còn nhớ những bà cụ run rẩy đứng dưới trời tuyết trước cửa các bến metro cố chèo kéo bán những chiếc khăn len, khung ảnh, đôi giày cũ. Tôi cũng không thể quên cảnh một số giáo sư trường tôi phải bày bán sách ở cổng trường để có tiền sống qua những năm tháng khó khăn đó.

Sau này nhìn lại tôi cho rằng sai lầm của Yeltsin không phải đã làm kinh tế Nga sụp đổ, đây là điều không thể hoặc rất khó tránh khỏi trong hoàn cảnh lúc đó. Cái tội lớn nhất của Yeltsin đối với dân tộc Nga là đã để một tầng lớp oligarch tranh thủ lúc hỗn loạn trộm cướp một phần rất lớn tài sản quốc gia đáng ra phải thuộc về nhân dân[*]. Ngược lại với Yeltsin, tôi không nghĩ Putin là người đã phục hồi lại kinh tế của nước này mà công lớn nhất của ông với nước Nga là phá tan tầng lớp oligarch, dù hệ thống chính trị dưới thời Putin không hẳn tốt hơn. Không thể phủ nhận tài năng lãnh đạo của Putin, nhưng vị tổng thống/thủ tướng/tổng thống này đã rất may mắn lên nắm quyền khi giá dầu và khoáng sản thế giới tăng mạnh, dòng vốn rẻ quốc tế đổ về các nước đang phát triển, đặc biệt vào các nước BRIC mà Nga là một thành viên. Hãy đợi xem cặp bài trùng Putin/Medvedev xoay sở thế nào trong vài năm tới khi tình hình kinh tế thế giới không còn nhiều thuận lợi cho Nga.

[*]: Ngay sau khi LX tan rã Yeltsin được những phụ tá như Yavlinski, Chubai, Gaidar ráo riết thực thi những cải cách kinh tế như chương trình 500 ngày nhằm tư hữu hoá và tự do hoá nền kinh tế. Dưới sự tư vấn của các chuyên gia phương Tây như Jeffrey Sachs, quá trình tư hữu hoá đã được thực hiện hết sức vội vàng với một niềm tin ngây thơ vào "vulgar Coaseism". Thuật ngữ này xuất phát từ Coase Theorem của Ronald Coase, một trong những nhà kinh tế lớn nhất thế kỷ 20 vừa qua đời tuần rồi. Coase Theorem cho rằng một khi property right được xác định rõ ràng thì nền kinh tế sẽ đạt được tối ưu bất kể của cải trong xã hội được phân bổ ban đầu như thế nào. Từ tư tưởng này những người đề xướng "shock therapy" ở Nga hi vọng ngay cả nếu của cải trong xã hội Nga rơi hết vào tay một vài oligarch, nền kinh tế sẽ vẫn vận hành hiệu quả. Mặc dù Ronald Coase được biết đến chủ yếu với Coase Theorem, chính ông cho rằng cách hiểu như vậy chứ đừng nói gì áp dụng vào chính sách thực tế là không chính xác.


2.
Rất tiếc chuyến bay của tôi đến Moscow hạ cánh ở sân bay Domodedovo chứ không phải Sheremetyevo, nơi tôi có quá nhiều kỷ niệm buồn vui. Hè năm 1991 khi những chiếc xe tăng của nhóm đảo chính GKChP lăn bánh trên đường phố Moscow, tôi đưa một người bạn ra sân bay Sheremetyevo gần 10 lần cố chen lên máy bay về phép thăm nhà mà không thành. Hứng những trận dùi cui lên đầu và những lời quát mắng, chửi rủa của cảnh sát Nga, lần đầu tiên trong đời tôi cảm thấy nhục nhã khi cầm hộ chiếu VN (tôi đã nhắc lại sự kiện này cho ông Trần Đăng Tuấn, người cũng ở Nga thời điểm đó, khi ông này đả kích Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt). Đến tận năm 1993 khi tôi về nước, người cầm hộ chiếu VN vẫn không được vào Sheremetyevo tiễn bạn trong khi công dân tất cả các nước khác được ra vào thoải mái, kể cả người Lào và Cam-pu-chia. Trong suốt 20 năm sau đó, người Việt ở Nga vẫn bị ác cảm và "look down", bằng chứng là những vụ bố ráp, cướp chợ VN công khai của cảnh sát và đặc nhiệm Nga. Nhưng nước Nga trong suốt thời gian đó vẫn là cục nan châm hút người Việt.

Thời tôi đi học trên toàn Liên xô có khoản 5-10k sinh viên và nghiên cứu sinh, khoảng 100k công nhân hợp tác lao động. Đến năm 2013 thống kê không chính thức chỉ riêng Moscow đã có gần 200k người Việt sinh sống, làm ăn. Trên toàn lãnh thổ LX trước đây con số này có thể lên đến 500-700k, phần lớn sang sau khi LX sụp đổ rồi ở lại bất hợp pháp. Năm 1993, vài ngày trước khi về nước, tôi ở cùng một nhóm khoảng 20 người vừa "vượt biên" sang Moscow. Nhiều người trong số họ khuyên tôi ở lại và nói họ phải tốn hơn "chục vé" mới sang được đến đây trong khi tôi đang ở đây rồi và lại biết tiếng Nga thì về nước làm gì. Tôi không biết những người đó bây giờ ở đâu, có thể có người đã bị mafia hay cảnh sát Nga cướp sạch phải ngậm ngùi vay tiền về nước. Nhưng cũng có thể ai đó đã thành "soái", chủ một khu chợ, nhà hàng, khách sạn nào đó ở Nga hoặc đã quay về VN làm ăn thành đạt giống Phạm Nhật Vượng, Nguyễn Đăng Quang.

Lần này quay lại Nga tôi gặp khá nhiều doanh nhân Việt thành đạt. Dù không đình đám như PNV, NĐQ nhưng họ cũng có tiềm lực kinh tế khá mạnh và đa số đã và đang đầu tư về VN. Không chỉ ở Nga, hầu hết các nước Đông Âu đều có cộng đồng doanh nhân Việt đông đảo. Nếu trước đây khi nhắc đến kiều hối tôi thường nghĩ đến lực lượng Việt kiều ở các nước phương Tây thì sau chuyến đi này tôi đã có cái nhìn khác. Tôi tin một phần không nhỏ lượng kiều hối hàng năm chảy về VN có nguồn gốc từ Nga và các nước Đông Âu. Người Việt ở các nước phương Tây hoà nhập vào xã hội ở nơi họ sinh sống tốt hơn đa số những cộng đồng VN ở Đông Âu. Những người tôi gặp ở Nga (và Hungary, Slovakia) không ai cho rằng mình là "Việt kiều" dù nhiều người đã có quốc tịch nước sở tại. Mặc dù chỉ một số ít có ý định quay về VN sống trong vài năm tới nhưng đa số đều đã chuyển một phần tài sản về để mua nhà cửa, đất đai hay làm ăn, đầu tư đâu đó. Phần đông người Việt ở Đông Âu không coi nơi họ ở là "quê hương thứ hai" mà chỉ là một bến đậu tạm thời.


3.
Ấn tượng đầu tiên của tôi ở sân bay Domodedovo là sự lạnh lùng của cán bộ biên phòng, không một nụ cười và khá chậm chạp khi làm thủ tục, hệt như công an cửa khẩu VN ở Tân Sơn Nhất. Cô nhân viên làm thủ tục cho gia đình tôi còn khá trẻ nhưng hầu như không nói được tiếng Anh. Sau này tôi để ý số người Nga nói được tiếng Anh ở Moscow và St.Petersburg không nhiều, có lẽ ít hơn tỷ lệ người Việt nói tiếng Anh ở HN hay SG. Vì khó tìm được người nói tiếng Anh nên tôi phải cố gắng sử dụng vốn tiếng Nga đã "mốc meo" của mình để giao tiếp. Quả thực tôi rất thất vọng và xấu hổ vì đã gần như không thể nói được tiếng Nga dù từng học ở đây 6 năm trời. Một phần vì hơn 10 năm lại đây tôi phải sử dụng tiếng Anh hàng ngày, nhiều lúc còn lấn át tần suất nói tiếng Việt. Nhưng lý do quan trọng hơn là thời du học ở đó tôi đã không chú trọng học tiếng Nga, cứ nghĩ chỉ cần biết đủ để học xong đại học. Sau này khi đi học ở Úc tôi thường xuyên khuyên các bạn sinh viên người Việt khác phải chú tâm rèn luyện tiếng Anh, một lời khuyên rút ra từ sự tiếc nuối của bản thân đối với tiếng Nga.

Ấn tượng thứ hai với nước Nga trong lần quay lại này là lượng xe hơi quá nhiều chạy trên đường phố Moscow và St. Petersburg. Mặc dù đã đọc tin tức về nạn kẹt xe ở Moscow, tôi vẫn rất kinh ngạc khi người bạn đón chúng tôi ở sân bay nói để đảm bảo ra sân bay kịp chuyến nhiều khi anh ấy phải rời khỏi nhà 5 tiếng trước giờ bay. Mà đó là ra sân bay Domodedovo là sân bay tương đối dễ đi và ít bị kẹt xe hơn so với sân bay truyền thống Sheremetevo (đó cũng là lý do Vietnam Airlines chuyển điểm đến từ Sheremetevo sang Domodedovo). Quan sát xe hơi chạy trên đường phố Moscow tôi nhận thấy một điểm khác biệt với đa số các nước khác, kể cả VN. Rất nhiều xe hiệu sang như Mercedes, BMW, Audi chạy trên đường nhưng đa số những chiếc xe đó (và những hiệu xe rẻ tiền hơn như Fiat, Toyota, Nissan, Hyundai, Kia, Lada) khá bẩn, có lẽ phải hàng tháng không được chủ xe rửa. Điều này chứng tỏ xe hơi ở Nga rất rẻ nên tỷ lệ người sở hữu xe ở Moscow cao hơn ở đa số các thành phố lớn khác trên thế giới (bạn tôi cho biết Moscow có hơn 5 triệu xe hơi trên tổng số 12 triệu dân). Một lý do nữa dẫn đến tình trạng kẹt xe là giá xăng ở Nga rất rẻ, xấp xỉ 1 USD/lít và xe hơi được phép đậu khá thoải mái và miễn phí dọc nhiều trục đường ngay trong trung tâm thành phố. Tất nhiên hạ tầng giao thông cũ kỹ, thiết kế bất hợp lý, và văn hoá lái xe bạt mạng của dân Nga cũng làm trầm trọng thêm nạn kẹt xe.

Nói về hạ tầng giao thông ở Moscow không thể không nhắc đến hệ thống metro của thành phố này, một thời là niềm tự hào của người Nga. Dù lần này sau 20 năm tôi không còn cảm giác thấy các bến metro "hoành tráng" và "long lanh" như trước đây, nhưng quả thực những tuyến metro ở Moscow và St. Petersburg không hổ danh là những kỳ công của thời Xô Viết[**]. Tôi đã dành một buổi chu du dưới các tuyến metro, gặp lại những Mayakovskaya, Komsomolskaya, Park Kultury..., chen chúc với đủ loại tâng lớp dân Nga trong những toa metro đông đúc dù chưa phải giờ cao điểm. Một điều làm tôi khá ngạc nhiên là các bến metro sạch bóng hàng quán và không còn những nghệ sĩ kéo đàn, vẽ tranh như trước đây. Những chú chó hoang một thời lang thang khá nhiều trong các bến metro cũng không còn. Hỏi ra đó là vì tổng thống Putin đã ra lệnh cấm sau một số vụ đánh bom của các nhóm khủng bố Chechnya mấy năm trước. Việc thắt chặt an ninh còn thấy rất rõ qua sự hiện diện của các khung cửa dò vũ khí giống như ở các sân bay quốc tế tại hầu hết các địa điểm công cộng: từ bến tầu, nhà hát, đến ký túc xá sinh viên.

Một đặc điểm an ninh khác tôi thấy khá rõ là số lượng cảnh sát, cả đứng trên đường lẫn xe đi tuần, nhiều hơn đáng kể so với trước kia và so với đa số những thành phố khác trên thế giới mà tôi đã từng tới, kể cả HN và SG. Chỉ có điều không ít nhân viên cảnh sát trên đường nhìn rất uể oải, áo phạch ngực, mũ đội lệch (có thể vì trời quá nóng), không chuyên nghiệp và oai vệ như các đồng nghiệp phương Tây. Nhưng giống như các đồng nghiệp ở VN, các anh cảnh sát Nga rất chịu khó dừng xe tư nhân phạt, có lẽ đó cũng là nguồn thu nhập chính của cảnh sát ở đây. Ngày cuối cùng tôi ở St Petersburg tổng thống Putin về đây làm việc và lực lượng cảnh sát có vẻ tích cực hơn hẳn, anh lái xe người Nga chở chúng tôi đi lỡ lấn vào làn đường ưu tiên lập tức bị nhắc nhở ngay. Giống như ở HN, một chiếc xe cảnh sát có gắn loa cực lớn phóng lên quát tháo yêu cầu xe của tôi phải tránh ra khỏi làn đường ưu tiên. Quan chức Nga vẫn được xếp vào tầng lớp trên trong xã hội với rất nhiều ưu đãi, một đặc điểm chung của các nước (cựu) XHCN.

[**] Vừa nhắc tới metro của Moscow thì Business Insiders có một phóng sự ảnh về hệ thống metro này.


4.
Hệ thống metro của Moscow được xây dựng từ những năm 1930, cực lớn so với nhu cầu giao thông lúc đó của thành phố. Thực ra nhu cầu xây metro của LX khi đó chủ yếu muốn chứng minh sức mạnh của mình và thành quả công nghiệp hoá do Stalin khởi xướng. Tư tưởng xây dựng hoành tráng bất kể hiệu quả kinh tế là đặc trưng của các nước XHCN từ Tây sang Đông. Sau WWII Stalin đã mobilize nguồn lực xây dựng lại thủ đô Moscow bị tàn phá gần như hoàn toàn với những quảng trường, công viên, đại lộ vô cùng lớn so với hầu hết các thành phố khác trên thế giới. Tôi không biết thành phố nào trên thế giới có một đại lộ 12-14 làn đường ngay tại trung tâm thành phố như Moscow. Một "kỳ quan" khác của thành phố này thời hậu chiến là 7 toà nhà có tên lóng Seven Sisters (trụ sở bộ Ngoại giao, trường MGU, khách sạn Ucraina...) được xây lên chỉ trong vài năm bằng công sức và mạng sống của hàng chục ngàn tù binh Đức. Sau thời Stalin LX không còn nhiều công trình xây dựng hoành tráng, có lẽ những lãnh đạo sau này chuyển sang chạy đua vũ trang và công nghệ vũ trụ để phô trương sức mạnh.

Nhiều nhà bình luận cho rằng lý do chính làm cho LX sụp đổ là nền kinh tế của nước này không đủ khả năng tài trợ cho những cuộc chạy đua đắt tiền đó. Với metro hay Seven Sisters Stalin có thể huy động hàng trăm nghìn công nhân và tù nhân như những pharaon Ai cập cổ xưa. Nhưng để phóng được Gagarin vào vũ trụ, rồi sau này là Phạm Tuân và các phi hành gia hữu nghị khác, Brezhnev phải bỏ rất nhiều tiền, crowding out những khoản đầu tư quan trọng cho nền kinh tế. Cũng tương tự như vậy VN có thể huy động hàng vạn thanh niên xây dựng cung đường Hạnh phúc ở Hà giang hay công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải nhưng với những ngành công nghiệp capital intensive như Vinashin/Vinalines ý chí cộng sản không còn nhiều ý nghĩa. Một khi dòng vốn cạn kiệt những dự án vĩ đại đó phải thu nhỏ lại hoặc chấm dứt hoàn toàn. Nước Nga ngày nay của Putin có lẽ không còn vung tiền cho những dự án chỉ để lấy tiếng nữa, mọi thứ đều qui ra tiền kể cả những suất bay vào vũ trụ hay tàu ngầm Kilo. Dẫu vậy hạ tầng của Nga không thể giấu được sự già nua xuống cấp, từ đường xá, nhà cửa đến những toa tầu điện (tramvai) cũ kỹ, rỉ sét vẫn còn chạy trên đường phố ngoại ô.

Ngày trở về thăm trường cũ tôi thực sự ngậm ngùi vì đã 20 năm qua mà cảnh vật không có gì thay đổi, chỉ xuống cấp và cũ kỹ. Ngôi trường lừng danh một thời, từng là cái nôi của chương trình điện khí hoá LX do Lenin đề xướng năm 1921, có lẽ đã không kịp thức tỉnh chạy theo cơ chế thị trường nên không có tiền dù chỉ để sửa sang lại những bậc tam cấp đã rạn nứt theo năm tháng. Các kí túc xá của trường cũng vậy, những khung cửa sổ không biết bao năm rồi không được sơn lại, sân sau đầy rác và cỏ dại. Mà không chỉ hạ tầng, một người bạn cũ cho biết chất lượng đào tạo của trường tôi cũng xuống cấp rất nhiều, có lẽ là tình trạng chung của hệ thống khoa học, giáo dục của Nga. Tôi không rõ chính phủ Putin chi tiêu bao nhiêu cho nghiên cứu, đào tạo, nhưng với một nền kinh tế bấp bênh như hiện tại không có nhiều hi vọng nền khoa học Nga sẽ quay về thời kỳ đỉnh cao như dưới thời Xô viết. Thêm vào đó nạn chảy máu chất xám từ Nga sang phương Tây có lẽ trầm trọng hơn nhiều nước đang phát triển hoặc emerging khác. Trí thức Nga được chào đón ở các đại học, viện nghiên cứu và cả các công ty tư nhân của các nước phát triển (công ty tôi cũng từng thuê một tiến sĩ gốc Nga). Làn sóng "tị nạn trí thức" từ Nga sẽ còn tiếp tục gia tăng, nhất là nếu môi trường chính trị trở nên ngột ngạt.


5.

Ngày trước không chỉ tôi mà hầu hết những ai đã từng học tập công tác ở Nga đều có nhận xét người Nga rất vui vẻ và tốt bụng. Hai ngày sau khi tới Nga năm 1987 tôi và một người bạn khệ nệ khuân mấy cái vali ra đợi tàu điện về ký túc xá mới. Đợi mãi không thấy tầu tới và trời bắt đầu chập choạng thì một chiếc xe hơi dừng lại hỏi thăm và offer chở chúng tôi về tận nơi miễn phí. Cho đến bây giờ tôi vẫn không thể quên những năm tháng sống trong cái xã hội êm đềm và đầy tình người đó. Một lần tranh luận với một anh bạn người Mỹ về capitalism vs socialism, sau khi anh ấy viện dẫn Darwinism để chứng minh socialism không sustainable tôi nói rằng cuộc sống đúng là một cuộc đấu tranh sinh tồn, "a survival of the fittest", nhưng "the fittest is not necessary the nicest". Nếu được chọn một thời điểm quay về quá khứ, tôi sẽ không ngần ngại chọn lại năm 1987.

Nhưng quá khứ luôn là quá khứ, lần quay lại Nga năm nay ngay từ cửa khẩu Domodedovo tôi đã không còn tìm được nước Nga ngày xưa. Người Nga ít cười hơn, thực dụng hơn và chẳng còn thấy cái tính "добрый" như trước kia nữa. Khó khăn trong cuộc sống và sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường có lẽ đã làm chai lì một bộ phận lớn dân Nga, từ những người thu ngân, bán vé, lái taxi đến khách bộ hành trên đường, tất nhiên không phải tất cả. Nước Nga đã đánh mất vị trí cường quốc hàng đầu thế giới về quân sự, kinh tế, khoa học, nhưng điều đáng tiếc nhất với tôi là nó đã đánh mất một nền vãn hoá nhân bản mà không biết đến bao giờ nhân loại mới có lại được lần nữa. Đành rằng những xã hội phương Tây mà tôi được biết đầy đủ hơn về mặt vật chất, tự do hơn về mặt tư tưởng, thậm chí công bằng hơn về  cơ hội vươn lên cho từng cá nhân, nền tảng và triết lý sống ở đây luôn là competition chứ không phải solidarity. Vẫn biết rằng competition phù hợp hơn với Darwinism, với natural evolution/selection, nhưng chẳng lẽ nhân loại không bao giờ vượt ra được cái qui luật khắc nghiệt chi phối mọi loài vật vô tri khác hay sao?

Cuộc sống khó khăn cũng là lý do người Nga ít đẻ con hơn. Khi tôi đưa ra nhận xét nước Nga bây giờ ít trẻ con quá, hiếm thấy trẻ con đi ngoài đường như trước đây, ít nhất hai lần câu trả lời là sinh con bây giờ rất tốn kém. Mặc dù giáo dục phổ thông và y tế vẫn gần như miễn phí cũng như nhiều hoạt động ngoại khoá, thể thao cho trẻ em, chi phí sinh hoạt hàng ngày và nhà ở khá đăt đỏ nhất là ở các thành phố lớn như Moscow hay St Petersburg. Dân số Nga đang già đi mà chính sách nhập cư khó khăn, xã hội khá kỳ thị người ngoại quốc, sẽ là lý do quan trọng cản trở sự phát triển của nền kinh tế này trong tương lai. Nhưng ngoài vấn đề kinh tế, sự sụt giảm dân số sẽ có ảnh hưởng sâu rộng về mặt xã hội. Tôi tin rằng trẻ em luôn là một nhân tố quan trọng giúp cho xã hội có tính nhân bản hơn, một xã hội già cỗi sẽ có xu hướng trở nên lạnh lùng và ích kỷ[***].

[***]: Bạn xem hai bộ phim hoạt hình Up và Despicable Me chưa?


6.
Tôi quay lại thăm trường cũ khi sinh viên đã nghỉ hè nên sân trường vắng tanh. Đang bồi hồi đi dạo trong sân thì bất ngờ một người bảo vệ già xuất hiện hỏi tôi đang đi đâu. Không hiểu sao tôi chợt nói tiếng Nga lưu loát một cách lạ thường, giải thích rằng tôi đang "hành hương" về chốn cũ sau 20 năm. Người bảo vệ già mỉm cười vẫy tay nói "погуля́й, мальчик", chắc ông không muốn làm gián đoạn dòng hồi tưởng của một cậu bé đã từng chia sẻ quá khứ vàng son với dân tộc ông. Cám ơn ông đã cho tôi một cuộc dạo chơi về thời tuổi trẻ, cầu mong mọi sự tốt lành cho dân tộc Nga.


12 comments:

  1. Cám ơn TS Giang. Tôi rất thích những bài viết của TS. Xin được phép chép bài của TS về Blog của tôi vì tôi cũng có nhiều kỷ niệm với nước Nga. Hồi Boris Yeltsin nã pháo vào Nhà Trắng, tôi cũng ở đó. Cám ơn anh.
    Tôi nhớ trước đây Mockba có quảng trường mang tên Lê Duẩn. Hình như sau vụ này, rồi Liên bang tan rã thì người ta đã đổi tên quảng trường đó nên giờ anh em cán bộ sứ quán cũng không biết là đã từng có một quảng trưởng mang tên Lê Duẩn. Anh Giang có biết không ?
    Trân trọng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác cứ reshare tự nhiên. Tôi không biết quảng trường Lê Duẩn nhưng biết quảng trường Hồ Chí Minh ở Moscow.

      Delete
    2. Cám ơn bác Giang. Tôi vừa xem trên mạng thì thấy thông tin này:
      Chuyện đầu tiên. Ở Moskva có quảng trường Hồ Chí Minh thì nhiều người biết rồi. Chỗ này có tượng đài Bác Hồ, lối lên chỗ bến metro Akademicheskaya.Quân ta hay đến chỗ này đặt hoa nhân sinh nhật Người.
      Nhưng hóa ra, ở Moskva cũng có một quảng trường khác mang tên một người Việt Nam nữa.
      Đó là Quảng trường Lê Duẩn. 10/7 năm 1986, bác Duẩn qua đời. Sau đó gần một năm, ngày 14/6/1987, ở Moskva xuất hiện Quảng trường Lê Duẩn.
      Quảng trường này nằm ở quận Yasenevo, thuộc khu hành chính Tây-Nam thủ đô Moskva. Quảng trường Lê Duẩn là không gian ở ngã tư các phố Aivazovski, Litovski bulvar, Tarusskaya và Yasnogorskaya. Dưới đây là ảnh:
      http://diendan.nuocnga.net/showthread.php?t=1877
      Một số trang mạng khác cũng kể về quảng trường này. Số là tôi có gặp các anh ở Sứ quán ta, có người ở đó đã hơn chục năm, hỏi thăm quảng trường này giờ thế nào. Họ bảo làm gì có quảng trường mang tên Lê Duẩn, làm tôi ngạc nhiên quá, tưởng mình già lẫn lộn rồi.

      Delete
    3. http://ru.wikipedia.org/wiki/%D0%9F%D0%BB%D0%BE%D1%89%D0%B0%D0%B4%D1%8C_%D0%9B%D0%B5_%D0%97%D1%83%D0%B0%D0%BD%D0%B0
      Площадь Ле Зуа́на (название с 14 июня 1987 года[1][2]) — площадь в Юго-Западном административном округе города Москвы на территории района Ясенево.
      http://wikimapia.org/6963013/ru/%D0%9F%D0%BB%D0%BE%D1%89%D0%B0%D0%B4%D1%8C-%D0%9B%D0%B5-%D0%97%D1%83%D0%B0%D0%BD%D0%B0

      Delete
    4. Tôi có viết chút ít thông tin về QT Lê Duẩn này: http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/09/quang-truong-le-duan-tai-mockba.html#more

      Hồi tháng 10 năm 1991, trời rét mướt, tôi thấy bác Cù Huy Cận khoe Hộ chiếu ngoại giao và chức Bộ trưởng, nhưng cảnh sát Sheremetyevo vẫn nhất quyết không cho vào trong nhà, để bác đứng co ro ngoài đường với đám công nhân. Tôi ra sân bay để lấy lại tiền rúp vì khi bay đi Đức tôi mang theo bị Hải quan Nga giữ lại không cho mang, quay về ra lấy thì họ trả.

      Delete
  2. Cái mất lớn nhất của Nga ở thời Putin có lẽ là hàng ngàn nhà khoa học Nga bỏ nước ra đi. Trong một bài viết của bà cháu của ông Nikita Khrushchev có viết một bài về vấn đề này trên Project Syndicate.

    ReplyDelete
  3. Đọc blog của TS có nhiều kiến thức mới được biết. Rất thích bài của Dr Giang, thanks.

    ReplyDelete
  4. [Quote]

    "Vẫn biết rằng competition phù hợp hơn với Darwinism, với natural evolution/selection, nhưng chẳng lẽ nhân loại không bao giờ vượt ra được cái qui luật khắc nghiệt chi phối mọi loài vật vô tri khác hay sao?

    [/Quote]


    Trước khi có học thuyết Darwin thì sự hình thành và phát triên của xã hội trên địa cầu cũng đã theo định huớng cạnh tranh rồi. Ông Darwin chỉ có công sưu tập, khám phá và kết định lại những gì đã xảy ra hàng tỉ tỉ năm để loài người có thể hiểu thêm.

    Xin nhắc lại rằng địa cầu được hình hành cỡ 4 tỉ năm sau big bang (gần 14 tỉ năm). Nếu so sánh một đoạn đường dài của địa cầu từ Móng Cái đến mũi Cà Mau bằng với sự hình thành và phát triển của địa cầu thì loài người chỉ xuất hiện và hình thành cộng đồng, sống theo quần thể ở giai đoạn cuối vô cùng ngắn ngủi chỉ khoảng 40 triệu năm trở lại. Hình thành theo quần thể và sống có trật tự xã hội với mức độ government chỉ trong vài chục nghìn năm là cao.

    Nhìn chung sự hình thành xã hội, sống quần thể và thiết lập trật tự xã hội nếu so sánh với thời gian hình thành của trái đất thì ta có thể ví von như là sự hình thành và phát triển xã hội của con người chỉ là thời gian đi bộ từ tổ dân phố này sang tổ dân phố kia kia, một đoạn đường vô cùng ngắn ngủi. Sự cạnh tranh buột phải có, buột phải hiện hữu trong sự tiến hóa xã hội.

    Bài viết về nước Nga của tiến sĩ rất hay. Xin cảm ơn ông đã bỏ thời gian viết và chia sẽ.


    ReplyDelete
  5. Anh bỏ lỡ mấy chuyến qua Nga tiếc quá.
    Về Putin: anh đọc 1 bài báo thì thấy rằng ông này là kém nhất. Trong 8 năm đầu cầm quyền của Putin, tốc độ tăng trưởng kính tế của Nga đứng thứ 11 trong số 15 nước công hoà cũ của Liên xô, ngang hàng với 3 nước (còn lại nào đó) và chỉ đứng trên Kirgizia, mặc dù đó là thời đỉnh cao của dầu mỏ. Nền kinh tế Nga vẫn là "săn bắn hái lượm", chỉ biết đào mỏ chặt cây để bán thôi.

    ReplyDelete
  6. Càng đọc bài của bác càng thấy cảm nhận của tôi về nước Nga trước và sau 1990 giống y bác. Tôi cũng quên sạch tiếng Nga rồi. Cám ơn bác Giang đã giúp tôi viết ra những cảm nhận của mình.
    Do quá tình cảm với nước Nga, tôi cũng lo người Nga sẽ không có đủ lính (vì sinh đẻ ít) bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ rộng lớn của mình, và trong vòng dăm thập kỷ nữa, nhiều vùng rộng lớn của Nga sẽ bị Trung Quốc thôn tính.
    Tôi vừa cập nhật bài của bác vào Blog, mạn phép bác đã bổ sung một ít ảnh kèm bình luận.
    http://toithichdoc.blogspot.ch/2013/09/2-russia-2013.html#more

    ReplyDelete
  7. Cháu cũng học 6 năm ở Nga và 2013 về nước. Không biết sau 20 năm nữa sẽ như thế nào. Ha ha

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.