Wednesday, October 14, 2015
AIDS
AIDS ở đây không phải là "căn bệnh thế kỷ" mà là Almost Ideal Demand System, một hệ phương trình biểu diễn những hàm demand các loại hàng hoá khác nhau trong một nền kinh tế. Đây là một công trình của Angus Deaton, nhà kinh tế vừa được trao giải Nobel, (viết cùng John Muellbauer) công bố năm 1980. Bài báo này được đăng trên tạp chí American Economic Review, một trong những tạp chí uy tín nhất trong ngành kinh tế học, và được chính AER chọn là một trong 20 bài báo quan trọng nhất trong lịch sử 100 năm của họ. Bài viết này sẽ giới thiệu sơ lược công trình của Deaton trong tổng thể lý thuyết về demand system, về cơ bản là tóm tắt một bài literature review tôi viết năm 2003 khi đang là sinh viên (bạn có thể đọc tài liệu embedded bên dưới hoặc download pdf về đọc). Đây không phải lĩnh vực của tôi, lúc đó tôi viết bài này vì đang làm research assistant cho 2 giáo sư trong trường. Bởi vậy dù đã tìm hiểu khá kỹ nhưng bài review vẫn có thể có những sai sót, bạn nào quan tâm nên tìm đọc các bài báo gốc trong reference list.
Trước hết cần nhắc lại cung và cầu là hai khái niệm căn bản của kinh tế học có từ thời Adam Smith. Sau cuộc Cách mạng Cận biên (Marginal Revolution) vào cuối thế kỷ 19, các nhà kinh tế học bắt đầu xây dựng lý thuyết cung cầu dựa vào các mô hình toán. Cụ thể, hàm cầu là kết quả của bài toán tối ưu utility của người tiêu dùng. Tuỳ thuộc vào dạng hàm utility chúng ta có thể giải bài toán này để tìm ra hàm cầu và ước lượng các tham số của nó dựa vào số liệu quan sát được. Lưu ý utility là một khái niệm trừu tượng do các nhà kinh tế đưa ra để xây dựng lý thuyết. Không ai đo lường được giá trị utility trên thực tế nên muốn kiểm chứng lý thuyết phải đi vòng qua "reduced form" của lý thuyết đó mà trong trường hợp này là demand function.
Điểm thứ hai cần nhắc lại là demand function có thể xem xét/ước lượng trong hai trường hợp: partial và general equilibrium. Ở trường hợp thứ nhất chúng ta chỉ cần xét riêng rẽ một thị trường nhất định và xác định quan hệ giữa giá (P) và số lượng (Q) của một loại hàng hoá. Hầu hết các nghiên cứu về hàm cầu theo hướng này (trong các ngành business, marketing) không đặt nặng vấn đề hàm cầu phải là hệ quả của utility maximisation. Trường hợp thứ hai hàm cầu của một loại hàng hoá (i) phụ thuộc không chỉ vào giá P(i) của loại hàng hoá đó mà còn phụ thuộc vào giá P(j) của các hàng hoá khác mà người tiêu dùng mua khi họ có một mức thu nhập I nhất định (budget constraint). Vì demand cho tất cả các loại hàng hoá phụ thuộc lẫn nhau nên các nhà kinh tế tìm cách xác định/ước lượng tất cả các hàm demand đồng thời trong một hệ phương trình, bởi vậy gọi là demand system.
Như đã đề cập bên trên, demand system là lời giải cho bài toán utility maximisation trong một general equilibrium nên nó sẽ có một số tính chất giới hạn (restriction) nhất định. Ví dụ tổng chi tiêu cho các loại hàng hoá phải bằng thu nhập (Walras law) hay nếu tất cả các loại giá và thu nhập cùng tăng với tỷ lệ như nhau thì cầu cho từng loại hàng hoá không đổi (homogenous degree of zero in all prices and income). Xây dựng một dạng hàm phù hợp với số liệu thực tế đồng thời đảm bảo các giới hạn này không hề đơn giản. Những dạng hàm sơ khai như LES, PIGL/PIGLOG, hay Rotterdam đáp ứng được phần nào nhưng có rất nhiều hạn chế. Cụ thể chúng chỉ phù hợp khi hàng hoá được phân loại thành những nhóm lớn, ví dụ nhà ở, lương thực, giải trí..., chứ khó ước lượng cho những phân loại chi tiết hơn.
Vào đầu những năm 1970s một hướng nghiên cứu demand system mới phát triển từ dạng hàm PIGLOG trước đó. Ý tưởng chính của hướng nghiên cứu này là thay vì xác định một dạng hàng utility rồi giải ra hàm demand, các nhà kinh tế đưa ra một dạng hàm demand trực tiếp rất flexible để có khả năng là lời giải của một hàm utility bất kỳ. Tất nhiên về mặt lý thuyết thì điều này không thể nhưng nếu chỉ cần gần đúng thì bất kỳ một dạng hàm nào cũng có thể triển khai thành một chuỗi Taylor. Sử dụng Taylor expansion bậc hai hai nhóm demand function được đề xuất là Translog và AIDS. Mặc dù Translog tổng quát hơn nhưng AIDS có nhiều ưu điểm vượt trội nên sau này đã phổ biến hơn và có nhiều biến thể. Một trong những ưu điểm quan trọng nhất là nó có thể giản lược thành một hệ tuyến tính (linear) rất dễ ước lượng (những năm 70-80 chưa có PC và những phần mềm econometrics mạnh như bây giờ).
Những dạng hàm flexible form như Translog và AIDS (và các extension của nó) giúp các nhà kinh tế kiểm chứng consumer theory (với utility maximisation) thông qua số liệu tiêu dùng của các hộ gia đình. Một số cải biến cho AIDS để đưa các đặc tính demography vào demand system có nhiều ứng dụng thực tế trong việc giúp hoạch định chính sách. Ví dụ ảnh hưởng của một sắc thuế hoặc một loại trợ giá vào welfare của các hộ gia đình (với các mức thu nhập khác nhau) như thế nào. Hay như hai giáo sư mà tôi làm assistant đã đánh giá tác động của sự thay đổi cấu trúc dân số TQ vào demand của các loại lương thực của nước này. Sau khi viết bài review tôi cũng có ý định sẽ lấy số liệu VHLSS của VN để thử ước lượng một demand system nhưng rồi bận với luận án và những vấn đề cuộc sống khác nên đành bỏ dở. Nhân Angus Deaton được giải Nobel chợt nhớ đến lĩnh vực này, một dạng nostalgic lại thời sinh viên. Thôi hi vọng bài giới thiệu này làm một/vài bạn sinh viên nào đó hứng thú và sẽ đi xa hơn tôi.
Saturday, August 29, 2015
NEER/REER Update
Tôi vừa update đồ thị NEER/REER cho VND đến tháng 7/2015. NEER là trade-weighted nominal exchange rate với Top-10 trading partners: CNY/USD/JPY/EUR/KRW/THB/SGD/MYR/AUD/INR. Top 10 này được xác định bằng trung bình trade share trong 5 năm gần nhất (số liệu đến tháng 3/2015), chiếm khoảng 74% tổng doanh số XNK của VN. REER được hiệu chỉnh bằng CPI theo tháng.
Cả NEER và REER lấy điểm gốc vào tháng 12/1999, giá trị trên đồ thị tăng tương đương với VND lên giá (appreciation). Như vậy trong 15 năm qua NEER mất giá khoảng 60% nhưng REER tăng gần 50%, nghĩa là hàng hóa sản xuất trong nước trung bình so với hàng của Top-10 trading partners mất gần 50% sức cạnh tranh (cả trong nước lẫn xuất khẩu) nếu chỉ tính ảnh hưởng của tỷ giá thực.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình là người có "thành tích" giữ ổn định NEER nhất trong số 3 đời thống đốc gần đây. Tuy nhiên ông cũng là người điều hành NHNN trong giai đoạn có REER tăng mạnh nhất (nếu tôi nhớ không nhầm chưa bao giờ ông Bình hay một quan chức NHNN nào đề cập đến vấn đề này). Từ giờ đến cuối năm 2015 nhiều khả năng REER sẽ tiếp tục tăng vì NHNN đã khẳng định sẽ không phá giá (danh nghĩa) VND nữa, mà CPI của VN chắc chắn cao hơn CPI của Top-10 partners liệt kê bên trên. Tôi nghĩ nhìn tốc độ REER tăng nhanh như vậy các thống đốc ngân hàng trung ương khác chắc phải mất ăn mất ngủ.
Tuesday, April 21, 2015
Tet & GDP (II)
Bài này sẽ giải thích thêm một số vấn đề về GDP nhân vụ một số thành viên chính phủ choáng/giật mình/bất ngờ vì GDP Q1 tăng 6.03%. Thực ra vụ này không liên quan lắm đến chủ đề ảnh hưởng của Tết vào GDP nhưng vì có bạn hỏi liệu con số tăng trưởng rất tốt đó có phủ nhận lập luận của tôi trong entry trước hay không nên tôi viết thành "tập 2" cho chủ đề Tết vs GDP. Bài này cũng có thể coi là "tập 2" của bài về thống kê quốc gia.
Một số khái niệm cơ bản
Trước hết cần phân biệt giá trị với tốc độ tăng GDP. Báo chí khi nói đến GDP hầu như chỉ quan tâm đến tốc độ tăng trưởng bao nhiêu % chứ không mấy khi nói đến GDP của quí này bao nhiêu nghìn tỷ. Ngay cả giới kinh tế (cả hàn lâm lẫn trên thị trường) cũng vậy, hỏi GDP của VN Q1 2015 là bao nhiêu ít người biết chính xác. Điều này có lý do của nó vì giá trị của GDP khi được thống kê bao gồm cả yếu tố lạm phát nên cơ quan thống kê phải bóc tách ảnh hưởng của lạm phát ra để có một con số phản ánh chính xác hơn sức khỏe của nền kinh tế thực. Thông thường giá trị của GDP sẽ được hiệu chỉnh theo mức giá của một năm gốc, hiện tại năm gốc mà TCTK sử dụng là 2010 (trước Q1 2013 năm gốc là 1994). Do đó con số giá trị GDP đã được hiệu chỉnh có ít ý nghĩa thực tế và khó hiểu với công chúng. Nói GDP Q1 của VN là 534.6 nghìn tỷ theo giá 2010 có thể sẽ gây hiểu nhầm vì thực ra tổng giá trị sản lượng quốc gia trong GDP Q1 ở thời điểm hiện tại là 808.9 nghìn tỷ. Bởi vậy thay vì nói về giá trị bao nhiêu nghìn tỷ, khái niệm tốc độ tăng GDP dễ hiểu và phổ biến hơn.
Tuy nhiên trong khi giá trị GDP (trong một chu kỳ thống kê nào đó, vd quí hay năm) là một con số duy nhất thì tốc độ tăng GDP phụ thuộc vào thời điểm so sánh (reference period). Con số phổ biến nhất là tốc độ tăng GDP hàng năm, nghĩa là lấy giá trị GDP của năm nay so với giá trị GDP của năm trước đó, cả hai con số này đều được hiệu chỉnh theo giá của năm gốc (vd năm 2010). Nhưng do GDP là một con số thống kê rất quan trọng nên hầu hết các nước đều thống kê và công bố GDP hàng quí. Tốc độ tăng trưởng (hay sụt giảm) GDP được công bố hàng quí thường là so sánh giá trị GDP của quí này với GDP của quí ngay trước đó. Con số tăng trưởng này gọi là quarter-on-quarter (qoq) và thường được qui đổi tương đương với tốc độ tăng trưởng theo năm bằng cách nhân với 4 (vì 1 năm có 4 quí). Ví dụ nếu GDP Q1 bằng 100 tỷ, Q2 bằng 101 tỷ thì annualized qoq growth rate (mà nhiều khi báo chí gọi tắt là qoq growth) bằng (101/100-1)*4=4% (thông lệ không sử dụng compound).
Vì số liệu quí hay bị tác động mùa vụ nên hầu hết thống kê GDP của các nước đều được hiệu chỉnh mùa vụ cho cả giá trị lẫn tốc độ tăng. Ví dụ khi báo chí đưa tin GDP Q4 2014 của Mỹ là 2.4% thì phải hiểu đó là tốc độ tăng của GDP trong Q4 so với GDP Q3 sau khi được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ và qui đổi thành tốc độ tăng trưởng năm. Giới tài chính có thể ghi chú bên cạnh con số này thêm ký hiệu "saar" (seasonally adjusted annualized rate) để tránh nhầm lẫn. Ở VN, như tôi đã nêu ra trong bài trước số liệu thống kê không/chưa được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ, bởi vậy giá trị lẫn tốc độ tăng trưởng qoq có biến động rất lớn. Ví dụ GDP Q1 2015 (theo giá hiện hành) là 808.9 nghìn tỷ VND giảm 36% so với GDP Q4 2015 là 1264.9 nghìn tỷ. Vì tốc độ giảm lớn như vậy nên không thể/không nên annualized (nhân với 4). Rõ ràng Tết ta vẫn có tác động rất lớn lên GDP Q1 2015.
Con số tăng trưởng thứ hai cho GDP theo quí có reference period là quí tương đương năm trước, vd so sánh Q1 2015 với Q1 2014. Giới tài chính sử dụng thuật ngữ year-on-year (hay year-over-year) để chỉ sự so sánh cùng kỳ này. Một điểm cần lưu ý là TCTK sử dụng một thông lệ hơi khác so với quốc tế khi công bố tốc độ tăng trưởng GDP cùng kỳ. Ở VN mỗi quí TCTK công bố giá trị GDP từ đầu năm cho đến cuối quí đó, nghĩa là GDP trong quí 1, trong 6 tháng đầu năm, trong 9 tháng đầu năm, và GDP cho toàn bộ 12 tháng. Thuật ngữ chuyên môn gọi là cumulative GDP, hiện tại ngoài VN tôi chỉ biết có TQ cũng sử dụng hình thức công bố này. Như vậy cứ mỗi cuối quí TCTK công bố tốc độ tăng trưởng GDP so với cùng kỳ năm trước phải hiểu là so với quí 1, với 6 tháng đầu năm, 9 tháng đầu năm, 12 tháng cả năm trước. Trong khi đó hầu hết các nước khi so sánh cùng kỳ sẽ là GDP Q1 năm nay so với Q1 năm trước, Q2 năm nay với Q2 năm trước...
Lợi ích của việc so sánh cùng kỳ này (dù theo cách quốc tế hay cumulative value như của VN và TQ) là loại trừ được yếu tố mùa vụ và không cần annualize (nhân với 4) vì tốc độ tăng cùng kỳ đó luôn giữa một khoảng 12 tháng. Điểm bất lợi của phương pháp này là nó không phản ánh kịp thời những biến động kinh tế mới nhất giữa 2 quí liền kề và con số này còn bị nhiễu bởi các quí nằm giữa 2 kỳ thống kê. Với báo chí và người dân điều này không quá quan trọng, nhưng với giới tài chính và policy makers (ở các nước) thì khó có thể chấp nhận nên tốc độ tăng trưởng cùng kỳ (yoy) thường chỉ có tính tham khảo cho xu hướng dài hạn chứ ít khi sử dụng cho các chính sách hay chiến lược đầu tư. Ở VN số liệu tăng trưởng qoq không được công bố ngoài lý do TCTK chưa có công cụ hiệu chỉnh mùa vụ phù hợp có thể còn vì ảnh hưởng của Tết ta vào GDP Q1 quá lớn nên sẽ rất bất lợi (về mặt tâm lý) khi công bố GDP Q1 giảm 36%.
Tóm lại cần lưu ý là dù cũng là tốc độ tăng trưởng GDP nhưng con số mà TCTK VN công bố hàng quí là yoy (cumulative) trong khi ở hầu hết các nước là qoq (saar).
Những vấn đề liên quan đến GDP Q1 2015
Như đã giải thích bên trên, con số 6.03% mà TCTK công bố là tăng trưởng GDP Q1 2015 so với cùng kỳ năm 2014, cả hai con số được tính theo giá năm gốc 2010 để loại bỏ yếu tố lạm phát. Một điều thú vị là nếu lấy giá trị GDP của hai quí 1 này, lần lượt là 503.7 nghìn tỷ (2014) và 534.8 nghìn tỷ (2015), để tính tốc độ tăng trưởng thì đúng ra phải là 6.13%. Sự "khiêm tốn" đáng ngạc nhiên này của TCTK có thể có hai lý do. Thứ nhất do cách tính GDP thay đổi nên con số GDP Q1 2014 đã được hiệu chỉnh tăng lên nhưng TCTK không công bố điều này. TCTK đã rập rình về khả năng thay đổi phương pháp tính GDP từ cuối năm ngoái sau khi cả thủ tướng lẫn chủ tịch QH than phiền về chất lượng thống kê. Tôi không biết có phải phương pháp tính đã thay đổi và GDP của các quí gần đây đã được tính lại hay không, rất mong TCTK công khai điều này.
Lý do thứ hai là việc chuyển năm gốc từ 1994 thành 2010 cũng có thể ảnh hưởng đến giá trị và tốc độ tăng GDP của các quí trước đó. TCTK chuyển năm gốc vào Q1 2013, nghĩa là về mặt lý thuyết tất cả các thống kê sau thời điểm này không bị ảnh hưởng bởi việc năm gốc thay đổi nữa. Tuy nhiên trên thực tế số liệu thống kê giai đoạn 2012-2014 đã được chỉnh sửa khá nhiều, có lẽ để đảm bảo tính nhất quán giữa hai chuỗi số liệu (trước và sau 2013) có năm gốc khác nhau. Cho đến thời điểm này TCTK chưa công bố chuỗi GDP theo năm gốc 2010 cho giai đoạn trước Q1 2013 nên tôi phải tự nối 2 chuỗi này với giả thiết tốc độ tăng không đổi khi đổi năm gốc. Điều này thực ra không chính xác nhưng không có lựa chọn nào khác nếu muốn nghiên cứu chuỗi (real) GDP dài. Các bạn làm việc liên quan đến GDP qúi của VN nên cẩn thận. Trong bài Tết vs GDP trước tôi sử dụng số liệu nominal GDP và dùng CPI hiệu chỉnh để tránh phải dùng real GDP.
Bỏ qua vấn đề con số tăng trưởng cùng kỳ của Q1 2015 là 6.03 hay 6.13%, vì đây là so với Q1 2014 nên ngay cả nếu nó thực sự tốt cũng không có nghĩa Tết ta năm 2015 không có tác động gì. Cả hai kỳ so sánh đều có Tết nên nếu tác động của Tết như nhau chúng đã được loại bỏ. So với quí ngay trước đó (Q4 2014), nominal GDP giảm 36% còn real GDP giảm gần 38%. Tất nhiên nói vậy không có nghĩa tôi phủ nhận con số 6.03 hay 6.13% là một tốc độ tăng rất tốt khi so sánh cùng kỳ. Có điều tôi không choáng/giật mình/bất ngờ như một vài thành viên chính phủ bởi vì tôi biết nền kinh tế đã qua đáy và đang trên đà phục hồi khoảng 1-2 năm lại đây. So sánh cùng kỳ (yoy) không tính cumulative thì Q4 2014 có tăng trưởng 6.78%, Q3 2014 là 6.36%, đều là tăng trưởng cao nhất trong 4 năm gần đây. Như vậy nếu có choáng/giật mình/bất ngờ thì đáng ra các bộ trưởng/thống đốc phải choáng/giật mình/bất ngờ từ tháng 9 hay cùng lắm là tháng 12 năm ngoái chứ không phải đợi đến bây giờ.
Sự chậm chễ đó sẽ không thành vấn đề nếu tăng trưởng trong những quí tới tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên đằng sau con số tăng trưởng 6.03% mà nhiều người bất ngờ có hai yếu tố làm tôi không lạc quan về những quí tới và cả năm 2015 như nhiều chuyên gia khác. Yếu tố thứ nhất là nếu nhìn vào tăng trưởng qoq được hiệu chỉnh mùa vụ theo phương pháp của Matthias Mohr mà tôi sử dụng trong bài trước, tăng trưởng GDP qoq của Q1 2015 thấp hơn Q1 2014. Như đã nói bên trên tăng trưởng qoq phản ánh tình trạng kinh tế kịp thời hơn con số yoy nên đây là dấu hiệu xấu. Xét về tổng thể tăng trưởng qoq của cả nominal lẫn real GDP có vẻ đã đạt đỉnh vào giữa năm 2014 và có dấu hiệu suy giảm trong 2 quí gần đây. Tất nhiên một vài quí chựng lại chưa thể kết luận nền kinh tế bắt đầu đi xuống, nhưng chí ít đây là dấu hiệu cảnh báo sự lạc quan về triển vọng kinh tế năm 2015 có thể có rủi ro.
Yếu tố thứ hai là một chỉ số lạm phát suy ra từ tốc độ tăng trưởng giữa nominal và real GDP (implicit price deflator - IPD) cho thấy lạm phát suy giảm rất nhanh từ giữa năm 2014. Lưu ý IDP khác với CPI vì rổ hàng hóa để tính tốc độ trượt giá khác nhau, tuy nhiên chúng cùng phản ánh tình trạng lạm phát trong một nền kinh tế. IPD cho Q1 2015 đã giảm xuống dưới 1%/năm, so với 5.8%/năm vào Q1 2014. Lạm phát giảm có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do tổng cầu yếu - là một điều không tốt cho nền kinh tế. Bên cạnh đó IPD (về cơ bản là chênh lệch giữa nominal và real growth) thấp phản ánh tình trạng real growth cao trong khi nominal growth thấp. Có thể thấy điều này khi so sánh yoy nominal growth: Q1 2015 là 6.92% so với Q1 2014 là 10.66%. Trên thực tế yoy nominal growth của Q1 2015 thấp nhất trong 10 năm qua, ngược hoàn toàn với yoy real growth.
Tóm lại có một vài dấu hỏi cho con số yoy của Q1 2015. Ngay cả nếu con số 6.03% chính xác vẫn có lý do để lo ngại triển vọng kinh tế trong thời gian tới. Ngoài ra con số này dù tốt hay không không liên quan gì đến ảnh hưởng của Tết vào GDP. Muốn đánh giá tác động của Tết phải phân tích tăng trưởng qoq chứ không phải yoy.
Thay cho lời kết...
Như vậy sự hoan hỷ của các quan chức chính phủ về con số tăng trưởng 6.03% của Q1 2015 rất có thể quá muộn. Có dấu hiệu cho thấy chính Q1 2015 là turning point, không phải đi lên mà là đi xuống. Ai làm dự báo cũng muốn mình đúng, nhưng quả thật tôi hi vọng nhận định của tôi trong bài này sai. Có thể GDP trong Q1 2015 chỉ bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết quá dài vừa rồi, mọi thứ rồi sẽ ổn. Có thể góc nhìn này chỉ phân tích GDP tổng thể mà không đi sâu vào từng cấu thành của nó hay bổ sung các chỉ số khác như PMI, IP, export... là phiến diện. Thôi thì cứ hi vọng như vậy.
Wednesday, April 1, 2015
Personal Finance
Một gia đình trung lưu/khá giả (upper middle class) ở các nước phát triển thường sử dụng bốn dịch vụ có tính chất cá nhân sau: bác sĩ gia đình, luật sư riêng, kế toán cá nhân, và tư vấn tài chính cá nhân (personal financial planner). Về cơ bản personal financial planner là người tư vấn cho khách hàng cá nhân cách thức đầu tư dài hạn để giữ tài sản an toàn và hiệu quả. An toàn nghĩa là giảm thiểu rủi ro mất mát hoặc bị tranh chấp/kiện tụng. Hiệu quả là có lợi tức (sau thuế) và cash-flow tối ưu phù hợp với hoàn cảnh của từng khách hàng. Trước đây tôi đã từng đề cập đến dịch vụ này ở đây, trong đó tôi nhấn mạnh financial planning là cho đầu tư cá nhân dài hạn chứ không phải tư vấn giúp đầu cơ hay lướt sóng kiếm lời ngắn hạn.
Việc lên kế hoạch tài chính dài hạn cho cuộc đời là một điều rất quan trọng và cần thiết với đa số chúng ta, nhất là khi truyền thống về già sống dựa vào con cháu đang ngày càng mai một còn hệ thống BHXH/sổ hưu rất mong manh. Trong khi đợi VN có các financial planner chuyên nghiệp, bài viết này sẽ giới thiệu cho các bạn một số nguyên tắc căn bản của personal financial planning. Tất nhiên các thông tin ở đây chỉ để tham khảo, nếu bạn định áp dụng điều gì cho bản thân thì cần cân nhắc kỹ hoàn cảnh (tài chính) cá nhân của mình.
1. Saving: Nguyên tắc đầu tiên của financial planning là đừng vung tay quá trán, hãy lên kế hoạch tiết kiệm ngay khi có những đồng thu nhập đầu tiên. Chắc ai cũng biết sức mạnh của compounding effect (lãi suất kép, hay nôm na là lãi mẹ đẻ lãi con) nên dù không có kiến thức gì về tài chính chỉ cần đều đặn tiết kiệm thì sau một thời gian dài bạn sẽ có một khoản tiền đáng kể. Tất nhiên ở những nơi có lạm phát cao như VN và/hoặc property right không được đảm bảo (vd có thể bị đổi tiền như những năm 80) thì gửi tiết kiệm tiền mặt có thể không phải là giải pháp tốt. Nhưng để có thể đầu tư vào bất cứ lĩnh vực nào bạn cũng cần có một khoản tiền tiết kiệm ban đầu, trừ trường hợp gia đình bạn có sẵn tiền hay bạn may mắn trúng số. Nhiều quốc gia bắt buộc người dân phải tiết kiệm một mức tối thiểu từ thu nhập như hệ thống provident fund của Singapore/Malaysia, hay superannuation của Úc (pension fund theo nguyên tắc defined contribution). Tiết kiệm càng sớm và càng đều đặn càng tốt.
Với financial planning, nguyên tắc tiết kiệm không chỉ có vậy. Một financial planner có thể sẽ khuyên bạn hai điểm nữa liên quan đến nguyên tắc này. Thứ nhất hãy tập trung thời gian làm công việc mà mình có thể kiếm được nhiều tiền nhất, sau đó trích một phần thu nhập cho saving để compounding effect giúp cho tài sản của mình tăng lên. Trừ những trường hợp ngoại lệ của một số "siêu nhân" làm gì cũng giỏi, đa số chúng ta chỉ có thể làm tốt một chuyên môn của mình. Do đó một bác sĩ nên tập trung thời gian cho việc khám chữa bệnh và nâng cao kiến thức/tay nghề, chứ đừng quá tốn thời gian/công sức vào việc đầu tư cổ phiếu hay những hình thức kiếm tiền tay ngang khác như bán hàng trên mạng. Rất có thể bạn sẽ tiền mất tật mang, thu nhập chính của mình giảm sút vì bị chi phối và phân tâm vào những việc không phải chuyên môn đó.
Thứ hai (chủ yếu dành cho giới professional cao cấp có thu nhập tương đối cao), không những không nên sao lãng chuyên môn chính cho việc kiếm tiền tay ngang, bạn thậm chí còn nên trả tiền để không phải làm những công việc trong nhà hòng có thêm thời gian cho chuyên môn. Một số ví dụ như thuê tài xế riêng, thuê giặt ủi quần áo, dọn dẹp nhà cửa, hay thậm chí thuê người nấu ăn cho mình (personal cook). Điều này thoạt nhìn có vẻ trái với nguyên tắc tiết kiệm, nhưng nếu nó giúp bạn tăng nguồn thu nhập chính vì có thêm thời gian nghỉ ngơi phục hồi và tăng cường sức khoẻ, học hành nâng cao chuyên môn, mở rộng quan hệ xã hội và chuyên ngành, thì về tổng thể tài sản của bạn có thể sẽ tăng nhanh hơn là cứ căn cơ tiết kiệm. Tất nhiên điều này không/chưa áp dụng với nhiều người, nhưng bạn cần nhớ tiết kiệm khác với hà tiện. Nếu cần phải chi điều gì để tăng thu nhập (hiện tại và tương lai) thì bạn nên chi, thời gian là tiền bạc và cái giá của thời gian (opportunity cost) chính là mức thu nhập của bạn.
2. Diversification: Nguyên tắc thứ hai này tưởng như quá đơn giản và hiển nhiên, tuy nhiên một financial planner giỏi không đơn thuần khuyên bạn không được bỏ hết trứng vào một rọ. Trên thực tế nếu bạn là một kỹ sư tin học mới ra trường đang ấp ủ một ý tưởng startup, financial planner có thể sẽ khuyên bạn bỏ hết tất cả tiền bạn có, thậm chí đi vay thêm người thân và bạn bè để đầu tư vào cái startup đầy rủi ro của bạn. Lý do là khi bạn còn rất trẻ khả năng chịu đựng rủi ro (risk taking ability) của bạn rất cao nên có thể mạo hiểm đầu tư vào những dự án đầy rủi ro như vậy. Tôi sẽ viết kỹ hơn về khả năng risk taking bên dưới, ở đây tôi chỉ nhấn mạnh vào điểm diversification không chỉ có nghĩa phải đầu tư dàn trải ra nhiều loại tài sản (assets) mà còn bao gồm dàn trải trong cuộc đời (lifetime) của bạn.
Về asset diversification chắc các bạn đều biết nên đầu tư vào nhiều loại chứng khoán khác nhau, ở các thị trường khác nhau (bằng các đồng tiền khác nhau), đầu tư vào bất động sản và các loại tài sản vật lý khác. Một vấn đề thực tiễn mà lý thuyết tài chính ít nhắc đến là chi phí giao dịch (transaction costs) phải được tính đến khi quyết định mua bao nhiêu loại assets. Trừ khi bạn có một số tài sản lớn, còn đa số trường hợp cách diversification hiệu quả nhất là mua chứng chỉ quĩ (mutual fund, ETF, REIT) nếu thị trường cho phép. Còn ở những nơi chưa có khả năng này như VN, một số nghiên cứu cho rằng đầu tư vào khoảng 10-20 cổ phiếu bluechip là đã tương đương với 60-80% diversification của cả thị trường. Cho nên nếu số tiền đầu tư của bạn còn ít, chưa nhất thiết phải dàn trải ra nhiều loại chứng khoán/tài sản, hãy cố gắng đừng để transaction costs vượt quá 1-2% số tiền đầu tư. Nhưng nhớ cân nhắc khi đầu tư lần tiếp theo khi bạn có thêm tiền, đừng vì cổ phiếu/tài sản lần trước mình mua đã "thắng đậm" mà lại tiếp tục dồn tiền vào đó.
Tất nhiên nếu bạn đầu tư nhiều lần khác nhau trong cuộc đời điều đó cũng tương đương với lifetime diversification. Chu kỳ kinh tế và chu kỳ thị trường có thể biến động rất mạnh cho nên diversification về mặt thời gian sẽ giảm bớt ảnh hưởng của rủi ro mua nhầm thời điểm mà không cần dự báo hay mô hình/kỹ thuật phức tạp gì cả. Cứ lên mục tiêu hàng tháng tiết kiệm một khoản tiền nhỏ cho vào tài khoản, sau 1-2 năm lấy ra đi đầu tư, đừng quá quan tâm đến tình hình thị trường lúc đó (không cần nghe các "chuyên gia" dự báo thị trường đã xuống đáy hay chưa). Cứ đầu tư liên tục và đều đặn để tận dụng compounding effect, đừng cố rình rập thị trường vì đa số các trường hợp bạn sẽ thất bại.
(còn tiếp)
Note: Phần tiếp theo của bài viết này sẽ chỉ dành cho các bạn có đăng ký membership và trả phí hàng tháng. Chi tiết về cách thức đăng ký và mức phí có thể xem ở đây.
Friday, March 6, 2015
Tet & GDP
Cách đây hai năm GS Võ Tòng Xuân đề xuất chuyển kỳ nghỉ đón Tết cổ truyền lùi về theo dương lịch tương tự như Nhật đã làm năm 1873 dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng. Lập luận chính của ông và những người ủng hộ đề xuất này chủ yếu từ khía cạnh kinh tế, Tết ta lệch với Tết tây có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập của dân chúng và doanh nghiệp. Gần đây ý kiến này lại được hâm nóng với một số chuyên gia cho rằng nghỉ Tết ta có thể làm GDP giảm từ 2 đến 5%. Tuy nhiên những con số này mới chỉ là ước lượng sơ khởi, rất cần một đánh giá có tính học thuật cao hơn để người dân và các nhà hoạch định chính sách có thể thảo luận và cân nhắc đề xuất của GS Xuân một cách thấu đáo. Bài viết này sẽ đưa ra một số phân tích định lượng về tác động của của Tết ta vào GDP như một đóng góp nhỏ cho nỗ lực của GS Võ Tòng Xuân.
Trước hết có thể nói phần đông, kể cả một số người phản đối ý tưởng của GS Võ Tòng Xuân, đồng ý rằng Tết ta có ảnh hưởng tiêu cực đến GDP. Tác động của Tết thông qua một số kênh như số ngày nghỉ kéo dài, năng suất lao động sụt giảm trước và sau Tết do bận bựu chuẩn bị và dư âm của những ngày Tết. Câu nói cửa miệng "Để ra Tết rồi tính" phản ánh một thực trạng là kỳ nghỉ Tết truyền thống làm gián đoạn nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Sự lệch pha giữa kỳ nghỉ năm mới của Việt Nam so với thế giới cũng có tác động tiêu cực khi nền kinh tế ngày càng hội nhập. Về phương diện vĩ mô việc gia tăng tiêu dùng rất lớn trong dịp Tết luôn tạo sức ép lên mặt bằng giá cả, gây khó khăn cho những chính sách ổn định kinh tế. Dù khó đánh giá chính xác nhưng nhiều khả năng thói quen "ăn Tết" lớn của người Việt cũng làm giảm tổng tiết kiệm của toàn xã hội, ảnh hưởng đến đầu tư và cán cân thanh toán.
Một khía cạnh vĩ mô khác ít người để ý là mức độ sử dụng (capacity utilitzation) của nền kinh tế giảm thấp hơn nhiều công suất tiềm năng trong giai đoạn Tết gây ra một sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Có thể thấy điều này khá rõ qua số liệu thống kê GDP theo quí của Việt Nam. Trong vòng 10 năm lại đây (Q1 2005 - Q4 2014) GDP(*) trung bình của Q1, quí có Tết, chỉ chiếm khoảng 18% GDP của cả năm (so với 25% nếu GDP được dàn đều trong 4 quí). So sánh với GDP Q4 ngay trước đó, trung bình trong 10 năm qua GDP Q1 giảm hơn 30%. Sự sụt giảm rất lớn này có thể còn do những yếu tố khác, nhưng chắc chắn Tết có phần đóng góp quan trọng. Điều này có thể kiểm chứng được bằng cách so sánh GDP của Việt Nam và Trung Quốc, hai nước có truyền thống ăn Tết âm lịch, với Thailand và Indonesia. Giống Việt Nam GDP Q1 của Trung Quốc giảm trung bình 24% so với Q4 trong khi con số này ở Thailand là tăng 1.1% còn Indonesia cũng tăng 0.2%.
Công bằng mà nói GDP Q1 hàng năm giảm không chỉ vì Tết, những yếu tố mùa vụ khác như thời tiết, tập quán canh tác hay thương mại quốc tế cũng có thể có tác động tiêu cực trong giai đoạn này. Tuy nhiên phân tích GDP theo quí cho một số phân ngành sản xuất ít phụ thuộc vào thời tiết hay đặc thù canh tác như công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, y tế, giáo dục cũng cho thấy một bức tranh tương tự, những hoạt động kinh tế đó đồng loạt giảm mạnh trong khoảng thời gian có Tết. Đặc biệt giải ngân cho đầu tư công, một hoạt động hoàn toàn có tính chủ động và nội tại, giảm hơn 50% trong Q1. Có thể thấy dấu ấn của Tết khá rõ trong hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.
Vậy nếu Việt Nam chuyển việc "ăn Tết" theo dương lịch như GS Võ Tòng Xuân đề xuất liệu có giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh hơn không? Trả lời câu hỏi này không hề dễ, lịch sử kinh tế thế giới chỉ duy nhất một lần ở Nhật có sự kiện này mà số liệu lúc đó không đủ để có thể phân tích và đánh giá. Do vậy bất kỳ nghiên cứu nào cũng phải sử dụng phương pháp mô phỏng cho sự kiện bỏ Tết với rất nhiều giả định. Trên nguyên tắc các nhà kinh tế có thể lập mô hình mô phỏng sự kiện này, nhưng chắc chắn những mô hình như vậy sẽ vô cùng phức tạp và khó có thể khẳng định được độ chính xác. Ở đây tôi xin đề xuất một phương pháp đơn giản hơn, tuy không trả lời được trực tiếp câu hỏi bỏ Tết sẽ làm tăng GDP bao nhiều phần trăm nhưng lượng hóa được phần nào ảnh hưởng của Tết trong GDP Q1.
Với số liệu thống kê tháng hay quí các nhà kinh tế thường áp dụng một số kỹ thuật hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ (seasonal adjustment) để số liệu phản ánh chính xác hơn tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. Đáng tiếc là cho đến thời điểm này Tổng cục Thống kê Việt Nam chưa thực hiện việc hiệu chỉnh cho hầu hết số liệu kinh tế xã hội mà cơ quan này công bố định kỳ hàng tháng hay hàng quí. Số liệu GDP mà tôi trích dẫn trên đây cũng vậy, Q1 hàng năm - khoảng thời gian luôn có Tết âm lịch rơi vào - có GDP chưa hiệu chỉnh thấp hơn hẳn các quí khác. Nếu áp dụng một kỹ thuật hiệu chỉnh mùa vụ, chuỗi GDP theo quí sẽ ít biến động hơn và phần lớn ảnh hưởng của Tết (và các yếu tố mùa vụ khác) trong Q1 sẽ được loại bỏ. Con số GDP được hiệu chỉnh này có thể tạm coi là một con số đại diện cho trường hợp giả tưởng tất cả các yếu tố mùa vụ không còn, bao gồm cả việc bỏ Tết ta.
Sử dụng một phương pháp hiệu chỉnh mùa vụ do Matthias Mohr ở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phát triển, kết quả là GDP Q1 trung bình sẽ tăng khoảng 8% so với GDP của Q4 trước đó. So với mức giảm 30% của chuỗi GDP chưa hiệu chỉnh, tác động tổng hợp của các yếu tố mùa vụ trong Q1 - mà Tết có vai trò quan trọng - là hơn 38%. Nghĩa là nếu loại bỏ tất cả các yếu tố mùa vụ trong Q1, bao gồm cả việc bỏ Tết ta, GDP của quí này sẽ tăng so với hiện tại khoảng 38%. Lưu ý rằng điều này không đồng nghĩa với GDP của cả năm sẽ tăng 9.5% (=38/4) vì nhiều hoạt động kinh tế hiện tại đang được dồn sang Q2 và Q4 sẽ được dàn bớt về Q1. Nhưng chỉ riêng việc năng lực sản xuất của nền kinh tế được sử dụng hiệu quả hơn trong Q1, loại bỏ các yếu tố mùa vụ (trong đó có Tết) sẽ có tác động rất tích cực lên toàn nền kinh tế.
Tất nhiên việc dời Tết ta về trùng với Tết tây sẽ không loại bỏ hoàn toàn yếu tố mùa vụ của hoạt động này. Người Việt có thể vẫn tiếp tục ăn chơi phung phí trong dịp Tết ta mới, các lễ hội vẫn rình rang, ngân sách vẫn chậm giải ngân cho các dự án đầu tư công trước và sau Tết. Loại bỏ những yếu tố này không chỉ đơn thuần là dời ngày ăn Tết mà còn cần những nỗ lực thay đổi hành vi sống và cung cách làm việc của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền. Tuy nhiên một công cuộc đổi mới có thể phải bắt đầu bằng một biện pháp thay đổi mạnh mẽ như bỏ Tết ta, điều mà nước Nhật đã chấp nhận để mở đầu thời kỳ cải cách lịch sử của họ.
Ghi chú: (*): Số liệu GDP của Việt Nam sử dụng trong bài này là số thống kê theo giá hiện hành và chưa được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ. Để giảm thiểu ảnh hưởng của lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP hàng quí được hiệu chỉnh với tốc độ tăng CPI cùng kỳ.
[Một version của bài này đã được đăng trên TBKTSG.]
Thursday, February 5, 2015
VNCB
1. Trước hết cần nói rõ tôi không có thông tin "nội bộ" nào về VNCB cũng như vụ xử lý vừa rồi của NHNN. Tất cả những gì tôi biết đều qua báo chí nên tôi chỉ phân tích dựa vào những thông tin đó trên quan điểm kinh tế và kinh nghiệm thực tế của bản thân. Thực ra nếu bạn đã đọc blog này lâu, bài này cũng không có gì mới vì tôi sẽ lặp lại quan điểm đã từng viết về banking reform từ năm 2012. Mới đó mà đã ba năm nhưng nhìn đi nhìn lại công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng của VN vẫn chưa có gì đột phá, cho đến vụ VNCB này.
2. Như tôi đã viết năm 2012 thực trạng của hệ thống ngân hàng VN có thể tóm tắt bằng một câu: nợ xấu (đã công khai + chưa được thừa nhận) quá nhiều sau một giai đoạn tăng trưởng nóng đẩy nhiều ngân hàng đến bờ vực phá sản. Đây là hệ quả của một số nguyên nhân khách quan như sự bùng phát của khu vực kinh tế tư nhân sau khi Luật Doanh nghiệp 2000 ra đời, VN gia nhập WTO và dòng vốn ngoại ào ạt chảy vào, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh. Những lý do chủ quan cũng quan trọng không kém: trình độ quản lý của giới ngân hàng chưa tốt, sự yếu kém của cơ quan quản lý (NHNN), hệ thống pháp luật lỏng lẻo, chính sách kinh tế sai lầm (Vinashin, Vinalines). Trong số các chính sách kinh tế dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng, NHNN có trách nhiệm rất lớn.
Không kể việc buông lỏng quản lý trong giai đoạn trước năm 2006, thời thống đốc Nguyễn Văn Bình còn là Chánh Thanh tra, NHNN đã phạm phải hai sai lầm quan trọng từ thời ông Lê Đức Thúy và Nguyễn Văn Giàu. Thứ nhất là điều hành chính sách tiền tệ sai lầm dẫn đến lạm phát cao, sau đó lạm dụng quá nhiều các biện pháp can thiệp hành chính để chống lạm phát. Một sai lầm nổi bật trong chính sách tiền tệ là NHNN đã không thực hiện tốt chức năng người cho vay cuối cùng, buộc những ngân hàng nhỏ/yếu khi thiếu thanh khoản phải chạy đua lãi suất huy động và/hoặc sử dụng những kênh huy động chui. Sẽ không có vụ ACB cho nhân viên đi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác nếu thanh khoản trong hệ thống không bị bóp nghẹt.
Sai lầm thứ hai của NHNN là ép các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ. Tôi đã viết một bài phân tích rất kỹ về vấn đề này từ năm 2010. Thay vì phải quản lý thật chặt CAR, NHNN chỉ quan tâm đến giá trị tối thiểu của tử số mà không màng gì đến mẫu số. Nói đúng ra NHNN sau này đã quản lý mẫu số (assets) bằng trần tăng trưởng tín dụng, nhưng với mục đích kiểm soát lạm phát chứ không phải vì lý do an toàn hệ thống. Chính vì định hướng sai lầm này và năng lực quản lý yếu kém của NHNN nợ xấu (và lạm phát) đã gia tăng liên tục, chỉ "tam nghỉ" một giai đoạn ngắn khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Chỉ sau khi chính phủ chuyển trọng tâm từ "tăng trưởng" sang "ổn định vĩ mô", nhất là sau vụ Vinashin/Vinalines, nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng mới bắt đầu đi vào quĩ đạo hợp lý. Có điều cái giá phải trả sẽ là vài năm tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí suy thoái, chỉ chưa biết VN có thực hiện triệt để structural reform để không bị rơi vào vòng xoáy tăng trưởng nóng-khủng hoảng một lần nữa không.
3. Quay lại vấn đề cải tổ hệ thống ngân hàng. Trong ba năm qua NHNN vẫn loay hoay với kế hoạch sáp nhập các ngân hàng yếu kém, NHNN và các cơ quan khác đã nhiều lần loại bỏ khả năng để một/vài ngân hàng phá sản, vd phát biểu của ông Vũ Viết Ngoại ở đây. Vụ ép sáp nhập ba ngân hàng Cổ phần Sài Gòn, Việt Nam Tín nghĩa, Cổ phần Đệ nhất thực chất rất gần với việc phá sản theo Chapter 11 của luật Mỹ nhưng NHNN vẫn không dám sử dụng thuật ngữ "phá sản". NHNN vẫn luôn viện dẫn lý do phải bảo vệ người dân gửi tiền cũng như tránh xảy ra hoảng loạn rút tiền hàng loạt (bank-run) nếu một ngân hàng phá sản. Tôi không đồng ý với cả hai lập luận này và sẽ viết kỹ hơn bên dưới.
Bên cạnh hoạt động sáp nhập, chính sách thứ hai của NHNN nhằm tháo gỡ bế tắc cho hệ thống ngân hàng là việc thành lập VAMC. Cho đến thời điểm này tôi vẫn cho rằng VAMC ra đời vì quan điểm "nợ xấu là một cục máu đông" trong nền kinh tế do ông Trần Du Lịch cổ súy là một chính sách không cần thiết, thậm chí lạc hướng. Tôi đã viết về VAMC nhiều lần, ví dụ ở đây. Nợ xấu nếu đã được thừa nhận và trích lập dự phòng đầy đủ thì không phải là trở ngại lớn cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng luôn có incentive che dấu nợ xấu, cho nên vai trò của cơ quan quản lý phải là giám sát chặt chẽ không để ngân hàng làm điều này, đồng nghĩa với ngầm tích tụ rủi ro. Xét cho cùng vai trò giám sát nhà nước ở đây vẫn là đảm bảo CAR tối thiểu và enforce những ngân hàng nào không đảm bảo điều kiện này phải phá sản để không ảnh hưởng đến hệ thống. Thay vào đó NHNN đưa ra "sáng kiến" VAMC hi vọng làm sạch số sách kế toán cho các ngân hàng, rồi loay hoay với việc có buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ không. Vẫn là cái tâm lý kỵ chữ "phá sản".
4. Vậy tại sao NHNN không chịu để một vài ngân hàng yếu kém phá sản? Hai lý do chính thường được viện dẫn là khi ngân hàng phá sản những người dân gửi tiền sẽ bị mất (một phần) và điều này có thể tạo ra khủng hoảng dây chuyền khi các ngân hàng lành mạnh khác cũng bị rút tiền hàng loạt. Với lý do thứ nhất, đối với những ngân hàng nhỏ và đã có tai tiếng một thời gian, những cá nhân/doanh nghiệp gửi một khoản tiền lớn vào đó phải hiểu được rủi ro khi gửi tiền. Xét cho cùng gửi tiền tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, "high return" tất phải đi cùng với "high risk". Việc một ngân hàng đang rất khó khăn mà vẫn huy động được một lượng tiền gửi lớn còn có một phần lỗi lớn của cơ quan chức năng trong việc giám sát và công bố thông tin. Nếu NHNN kiểm soát chặt không để các ngân hàng che dấu nợ xấu (và không trích lập dự phòng) đồng thời enforce qui định CAR tối thiểu, khó có chuyện một ngân hàng đã trên bờ vực phá sản mà vẫn huy động được tiền tiết kiệm ào ào. Thêm vào đó việc ngăn cản các công ty tư nhân thực hiện việc đánh giá sức khỏe ngân hàng (vụ Vietnam Credit) cũng làm vấn đề asymmetric information tệ hơn. Nếu báo chí và các dịch vụ xếp hạng tín dụng cảnh báo một ngân hàng có rủi ro cao, liệu người dân có liều mạng gửi tiền dù lãi suất cao?
Nhưng dẫu sao quan điểm của tôi vẫn là cá nhân/doanh nghiệp gửi tiền vào một ngân hàng phải tự chịu rủi ro nếu ngân hàng phá sản. NHNN nói riêng và nhà nước nói chung không có trách nhiệm phải bảo vệ số tiền bạn gửi vào ngân hàng, mặc dù họ có trách nhiệm đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn nhất có thể. Thậm chí nếu nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm dụng tiền của bạn, nhà nước chỉ có trách nhiệm truy tố những kẻ phạm tội trước pháp luật chứ không phải đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là điều chính phủ VN đã làm trong vụ nước hoa Thanh Hương đầu những năm 1990, những người gửi tiền (trong đó có gia đinh tôi) phải chấp nhận bị mất. Gần đây hơn, đầu năm 2013 Cyprus đã buộc các cá nhân gửi tiền phải bị mất một phần tiền gửi (haircut) khi giải cứu hệ thống ngân hàng của họ.
Vậy còn trách nhiệm của bảo hiểm tiền gửi là gì? Tôi đã từng có một bài phân tích rất kỹ chức năng của bảo hiểm tiền gửi ở đây. Về cơ bản nhiệm vụ chính của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ payment system của một quốc gia trong trường hợp ngân hàng trung ương không chống đỡ nổi một cuộc bank-run lớn. Tuy nhiên FDIC, cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ, trong suốt lịch sử của nó chỉ duy nhất một lần vào năm 1933 (khi nó được thành lập) thực hiện chức năng này. Trên thực tế vai trò của FDIC trong hệ thống tài chính hiện tại chủ yếu là giám sát và đứng ra giàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/restructuring các ngân hàng thương mại. Đáng tiếc là Bảo hiểm tiền gửi VN chưa làm được điều này. Nhiều nước không có bảo hiểm tiền gửi vì họ tin tưởng ngân hàng trung ương của mình có thể chống lại bank-run, và tất nhiên nhà nước không có trách nhiệm phải bảo vệ tiền của người dân gửi ở ngân hàng.
Lý do thứ hai NHNN thường viện dẫn để biện minh cho quan điểm không để một ngân hàng nào phá sản là nguy cơ xảy ra bank-run hay contagion (khủng hoảng dây chuyền). Như đã đề cập bên trên, chống bank-run là nhiệm vụ của ngân hàng trung ương với chức năng người cho vay cuối cùng. Trên nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi cũng trợ giúp ngân hàng trung ương chống lại bank-run, tuy nhiên thực tế là vai trò của bảo hiểm tiền gửi khá mờ nhạt trong thời gian gần đây. Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 xảy ra ngân hàng trung ương các nước có vai trò chống khủng hoảng quyết định với các gói trợ giúp thanh khoản khẩn cấp như TAF của Mỹ, LTRO của châu Âu hay các gói QE sau này. Một công cụ chống khủng hoảng rất mới và sáng tạo cũng được Fed và ECB đưa ra trong thời gian này là official stress test.
Mặc dù stress test không được báo chí nhắc đến nhiều, công cụ này có vai trò khá quan trọng ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Sở dĩ vụ phá sản của Lehman Brothers châm ngòi cho cuộc khủng hoảng vì bản chất bank-run trong thế giới tài chính hiện tại đã khác xa thời những năm 1930. Khi funding của các tổ chức tài chính lớn phụ thuộc vào wholesale market và các sản phẩm tài chính trở nên quá phức tạp (bạn có thể tham khảo bài này) bank-run trở thành vấn đề nội bộ của giới ngân hàng (nói chính xác hơn là giữa banks và shadow banks). Khi đó việc trợ giúp liquidity truyền thống có thể không còn nhiều tác dụng hoặc rất khó thực hiện. Stress test giúp các tổ chức tài chính xác định được (một cách tương đối) rủi ro nằm ở chỗ nào, do vậy giúp phòng chống các nhà đầu tư rút chạy hàng loạt trên thị trường wholesale vì không đủ thông tin.
Nói lòng vòng như vậy để thấy một ngân hàng trung ương có năng lực cộng thêm trợ giúp của cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ không quá lo ngại việc một ngân hàng phá sản, nhất là một ngân hàng nhỏ không quá interconnected. Trên thực tế hàng năm Mỹ có vài chục ngân hàng phá sản mà thị trường không xuy xuyển gì. Ngay trong giai đoạn khủng hoảng cao trào đầu năm 2009 hàng trăm ngân hàng thương mại Mỹ phá sản nhưng FDIC giải quyết ổn thỏa. Sự kiện Lehman Brothers có bản chất rất khác và sẽ còn rất lâu cho đến khi VN phải lo lắng một điều tương tự xảy ra. Do đó theo tôi việc NHNN cứ lần lữa để một ngân hàng thương mại phá sản chỉ có thể do NHNN không tự tin vào chính năng lực của mình và Bảo hiểm tiền gửi VN, một điều đáng tiếc.
5. Để hiểu rõ hơn vụ VNCB cũng như hoạt động của một ngân hàng thương mại nói chung sau đây tôi sẽ giới thiệu một ví dụ tối giản về balance sheet của một ngân hàng. Giả sử bạn mở một ngân hàng với $10 triệu vốn tự có, huy động thêm $90 triệu tiền gửi của khách hàng (total liabilities = $100 triệu). Giả sử NHNN không yêu cầu minimum reserve, nghĩa là bạn có thể cho vay hết $100 triệu này (total assets = $100 triệu). Trong trường hợp này CAR = 10%, giả sử yêu cầu CAR tối thiểu = 8%.
Nếu vì một lý do nào đó một khoản cho vay trị giá $1 triệu trở thành nợ xấu (không nhất thiết bị mất hoàn toàn mà chỉ cần khả năng thu hồi nợ trở nên khó hơn) bạn phải công bố số nợ xấu đó và trích lập dự phòng (ghi sổ) bằng một con số âm bên cột assets. Nghĩa là total assets chỉ còn $99 triệu, do đó bên cột liabilities cũng phải giảm $1 triệu tương ứng, giảm vào phần vốn tự có (chỉ còn $9 triệu). Như vậy CAR lúc này còn xấp xỉ 9%, vẫn cao hơn yêu cầu tối thiểu nên ngân hàng của bạn vẫn được phép hoạt động nhưng tất nhiên giá trị cổ phiếu của ngân hàng nếu được giao dịch trên thị trường sẽ giảm. Tất cả các shareholders đều phải chia sẻ số lỗ $1 triệu đó.
Bay giờ giả sử khoản nợ xấu là $5 triệu, bạn sẽ phải trích lập dự phòng và ghi lỗ vào phần vốn tự có như trên. Total assets sẽ còn $95 triệu và owners' capital còn $5 triệu, nghĩa là CAR chỉ còn xấp xỉ 5%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu. Đến thời điểm này nếu NHNN giám sát chặt chẽ họ sẽ yêu cầu bạn phải nâng CAR lên ít nhất bằng 8% bằng cách hoặc (i) huy động thêm $2.6 triệu vốn điều lệ, (ii) giảm bớt assets xuống $62.5 triệu. Cách (i) sẽ làm giảm cổ phần của các cổ đông hiện hữu trừ khi họ bỏ thêm tiền của họ, do vậy có thể giảm/mất quyền kiểm soát ngân hàng và phải chia sẻ lợi nhuận trong tương lai. Cách (ii) khó thực hiện trên thực tế (vì các ràng buộc pháp lý) và chắc chắn sẽ làm giá trị của ngân hàng giảm thêm vì tài sản bán vội vàng trong trường hợp như vậy sẽ mất giá.
Trong trường hợp của VNCB, nợ xấu còn tệ hơn, lớn hơn vốn tự có (lớn hơn $10 triệu trong ví dụ này). Do đó cách (ii) không còn ý nghĩa vì dù có bán hết tài sản (giả sử bằng book value) cũng không đủ để trả lại $90 triệu tiền gửi của khách hàng. Cách (i) cũng không thực tế bởi các nhà đầu tư chẳng dại gì bỏ ra một số tiền hơn $10 triệu để mua một ngân hàng có giá trị thấp hơn con số đó, mà đó là tính theo giá trị sổ sách, giá thị trường còn thấp hơn nữa. Có thể hiểu tại sao các cổ đông hiện hữu của VNCB không chịu bỏ thêm tiền vào ngân hàng để tăng vốn tự có lên đủ yêu cầu CAR tối thiểu. Lúc này cơ quan quản lý có hai phương án: (a) cho ngân hàng phá sản, (b) giàn xếp bailout.
Như đã nói bên trên, NHNN vì một lý do nào đó đã tuyên bố loại trừ (a), như vậy chỉ còn giải pháp (b). Bailout, mà tiếng Việt dịch (không đạt lắm) thành "giải cứu", về cơ bản là can thiệp của nhà nước vào một ngân hàng/tổ chức tài chính nhằm cứu nó ra khỏi tình trạng insolvency (vốn chủ sở hữu âm). Riêng với các ngân hàng ngay cả khi chưa bị insolvent nhưng CAR rơi xuống quá thấp mà không có khả năng phục hồi (theo phương án (i) hoặc (ii) bên trên) thì ngân hàng đó vẫn phải dừng hoạt động (bị tước giấy phép hoạt động ngân hàng do không đủ điều kiện CAR tối thiểu) hoặc cũng cần được bailout. Ở đây tôi gộp chung cả 2 trường hợp bailout do bị insolvent hoặc vẫn solvent nhưng CAR quá thấp.
Thông thường bailout vẫn được hiểu là chính phủ bơm tiền (tax payers' money) cứu doanh nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trong vụ LTCM Fed và Treasury không bỏ tiền mà giàn xếp để các chủ nợ của LTCM bơm thêm tiền cho công ty này. Tất nhiên để có bailout hoàn toàn bằng tiền tư nhân như vậy cơ quan quản lý nhiều khi phải đưa ra những đảm bảo hay concession, dù là non-cash nhưng nếu tính đúng tính đủ cũng là một dạng "tiền nhà nước". Trường hợp Bear Stearns ở Mỹ hay Hypo Real Estates ở Đức, bailout thực hiện bằng cả tiền của nhà nước lẫn private money. Tuy nhiên phần lớn các cuộc bailout được thực hiện bằng tiền của nhà nước, như Northern Rock và Lloyd của Anh hay Gotabanken và Nordbanken của Thụy Điển.
Số tiền nhà nước bỏ ra bailout các ngân hàng tư nhân phần lớn dưới hình thức recapitalization, nghĩa là góp vào vốn chủ sở hữu để đảm báo CAR đạt yêu cầu tối thiểu. Tùy vào mức độ thua lỗ của ngân hàng trước đó (tùy vào tỷ lệ nợ xấu cao bao nhiêu), số vốn góp vào của nhà nước có thể chiếm phần lớn tổng số owners' equity. Trong trường hợp tỷ lệ này áp đảo như trường hợp RBS hay Northern Rock, ngân hàng sẽ bị coi như đã được quốc hữu hóa (nationalization). Như vậy cần phải hiểu quốc hữu hóa là một hình thức bailout mà nhà nước bỏ tiền ra mua phần lớn cổ phần của một ngân hàng (hay một doanh nghiệp nói chung). Sở dĩ nhà nước phải quốc hữu hóa một ngân hàng vì số vốn chủ sở hữu của ngân hàng không còn đủ để hoạt động theo luật (hoặc đã âm) và ngân hàng đó không có khả năng huy động vốn (recapitalize) trên thị trường.
6. Quay lại trường hợp VNCB, vì vốn chủ sở hữu đã âm nên ngân hàng này buộc phải (a) phá sản hay (b) được bailout. Dường như NHNN đã chọn giải pháp (b) khi vẫn khăng khăng không để VNCB phá sản. Vấn đề là đến thời điểm này NHNN không/chưa bỏ thêm một đồng nào để recapitalize VNCB cho nên trên nguyên tắc nó vẫn không đủ điều kiện để hoạt động như một ngân hàng bình thường. Lưu ý rằng NHNN cho vay tái cấp vốn, một hình thức tương đương như discount window của Fed, chỉ có tính chất trợ giúp thanh khoản chứ không phải recapitalization. Nếu NHNN tiếp tục cho VNCB vay tái cấp vốn để trả cho các liability (tiền gửi) đến hạn thì quyền lợi của người dân gửi tiền sẽ được đảm bảo đúng như cam kết của NHNN. Tuy nhiên NHNN sẽ phải chịu lỗ vì tổng số assets của VNCB đã thấp hơn liabilities. Số lỗ này (và số tiền recapitalization nếu có) là cái giá NHNN thực sự phải trả cho vụ bailout chứ không phải NHNN không tốn đồng nào vì mua cổ phiếu giá bằng không. Đáng tiếc là người dân, mà thậm chí cả các đại biểu Quốc hội, sẽ khó có thể biết NHNN đã chấp nhận "lỗ" bao nhiêu. NHNN chưa bao giờ công bố balance sheet của mình cũng như chưa bao giờ có kiểm toán hay thanh tra ở cơ quan này.
Nhưng NHNN cũng không sai khi nói rằng họ có thể lời khi bán VNCB sau này. Vì giá trị liabilities cố định còn giá trị assets thay đổi theo thị trường, hiện tại NHNN lỗ vì total assets < liabilities nhưng nếu bất đẳng thức này đổi chiều thì NHNN sẽ có lời. Vấn đề là làm thế nào để nó đổi chiều? Liệu VCB, đại diện của NHNN quản lý VNCB, có tái cấu trúc thành công hay không và liệu tình hình thị trường lúc bán lại VNCB có tốt lên hay không. Tất nhiên không ai có thể biết trước và nhiệm vụ của NHNN cũng không phải là mua bán ngân hàng để kiếm lời. Điều quan trọng là NHNN đảm bảo được sự an toàn/ổn định cho hệ thống ngân hàng dù có thể phải chịu lỗ (chi phí bailout). Lợi ích của môt hệ thống tài chính lành mạnh lớn hơn nhiều chi phí bailout nếu bailout được làm đúng cách và công bằng.
Công bằng ở đây có nghĩa là những người đã có quyết định sai phải chịu trách nhiệm cho những quyết định đó. Cụ thể shareholders của VNCB phải bị mất hết cổ phần vì đã để ngân hàng làm ăn kém hiệu quả dẫn đến vốn chủ sở hữu bị âm. Đây là điều tôi đã cổ súy trong mấy năm nay, bất kỳ một cuộc cải tổ/bailout nào cũng phải buộc shareholder chịu lỗ đầu tiên. Vụ VNCB là lần đầu tiên NHNN làm được điều này và tôi hi vọng không phải lần cuối cùng. Tôi thực sự chúc mừng NHNN đã vượt qua được rào cản vô hình khi bailout/quốc hữu hóa VNCB. Điều mà tôi không đồng ý là có thông tin cho rằng NHNN đã đem trách nhiệm hình sự ra làm điều kiện trao đổi. Nếu một vài cá nhân ở VNCB phạm tội hình sự, trách nhiệm của NHNN là phải báo cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát để khởi tố những hành vi này. Biết mà không báo cho cơ quan chức năng có thể bị qui vào tội che dấu tội phạm. Hơn thế nữa sử dụng thông tin đó để ép các cổ đông phải bán với giá bằng không cũng tương đương như hành vi tống tiền. Cả về mặt luật pháp lẫn đạo đức đều sai kể cả nếu shareholders thực sự phạm tội.
Tóm lại tôi ủng hộ phương án giải quyết VNCB của NHNN dù tôi vẫn prefer để/buộc nó phá sản. Tôi không nghĩ rằng một ngân hàng nhỏ và đã nằm trong diện kiểm soát đặc biệt một thời gian dài như vậy sẽ gây ra phản ứng dây chuyền khi phá sản. Ngược lại để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp chống lại moral hazard hữu hiệu. Hơn nữa để VNCB phá sản sẽ công bằng hơn vì những người không được lợi lộc gì từ ngân hàng này (không phải là shareholder hay depositor) không phải chia sẻ chi phí bailout với các depositors. Dẫu sao tôi cũng chúc cho kế hoạch tái cấu trúc và bán lại VNCB thuận buồng xuôi gió.
Update: Tôi có viết một note trên Google Plus năm 2011 về vụ ba ngân hàng SCB, Ficombank, TinNghiaBank hợp nhất, quan điểm cũng không khác mấy so với bên trên:
Từ trước tới giờ tôi vẫn phản đối chủ trương giảm số lượng ngân hàng thương mại và bắt các ngân hàng phình to ra (tăng vốn điều lệ). Tuy nhiên khi NHNN đã kiên quyết theo đuổi chính sách này thì nên làm nhanh và mạnh tay để giải tỏa uncertainty trong hệ thống. Bởi vậy tôi hoan nghênh vụ ép sáp nhập vừa rồi, kể cả nếu nhà nước có phải bỏ tiền recapitalize cho họ.
Điều tôi không tán thành là NHNN cứ chối quanh việc mình ép 3 ngân hàng kia sáp nhập. Tôi nghĩ đây là một chiến thuật sai lầm, đúng ra NHNN nên tuyên bố thẳng thừng 3 ngân hàng kia không đảm bảo mức độ an toàn liquidity và CAR nên NHNN sẽ đứng ra tái cấu trúc lại bằng cách yêu cầu họ phải sáp nhập. Nguyên tắc căn bản của quá trình tài cấu trúc là phần lớn nợ xấu phải được write off hoặc chuyển sang một SIV (giống như vụ Bear Stearns). Tất nhiên shareholders hiện tại sẽ bị mất vốn, thậm chí sẽ trắng tay và không còn cổ phần trong ngân hàng mới.
Để đảm bảo cho ngân hàng mới có đủ vốn hoạt động theo luật định, NHNN sẽ phải rót vốn (recapitalize) vào và trở thành một cổ đông mới. Nếu cơ sở pháp lý không cho phép NHNN trở thành cổ đông thì có thể thông qua một trung gian như BIDV hoặc một quĩ đầu tư nào đó. NHNN sẽ cam kết là sau khi lộ trình tái cấu trúc kết thúc toàn bộ số cổ phần của nhà nước sẽ được bán lại cho tư nhân, có thể qua IPO (như trường hợp General Motors năm 2009) hoặc private placement cho những nhà đầu tư lớn. Đây là phương pháp Thụy Điển đã làm trong những năm 1990 để tái cấu trúc (rất thành công) hệ thống ngân hàng của họ.
NHNN có thể cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng mới này, hoặc thông qua BIDV hay các ngân hàng khác hoặc trực tiếp từ discount window của mình. Thực ra sau khi recapitalize thì vấn đề thanh khoản của ngân hàng mới này sẽ không còn quá khó khăn nữa và họ cũng có balance sheet tốt hơn nên sẽ dễ dàng đi vay liên ngân hàng hơn. Một biện pháp khác khá cứng rắn mà NHNN có thể làm, vừa để tránh khó khăn thanh khoản cho ngân hàng mới này ngay sau khi nó được công bố vừa để cảnh cáo những người gửi tiền tham lãi suất cao (chống moral hazard), là freeze toàn bộ withdrawal từ các tài khoản hiện hữu trong vài ngày hoặc vài tuần cho đến khi quá trình thương thuyết recapitalize hoàn tất.
Tóm lại tôi muốn thấy NHNN mạnh tay hơn trong vụ này, vừa để tăng credibility vừa để đồng tiền mà mình bỏ ra (taxpayers' money) để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có tác dụng mạnh nhất. Tiếc là NHNN có vẻ vừa làm vừa run, lo những việc đâu đâu như ... "ném chuột vỡ bình".
Subscribe to:
Posts (Atom)