Monday, February 11, 2013

Iceland II


Cách đây gần 3 năm tôi có viết một entry về Iceland (time flies!) kể về câu chuyện nước Iceland nhỏ bé bị ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đã dám "quịt nợ" 2 nước lớn là Anh và Hà lan. Một năm sau đó (đầu năm 2011) người dân Iceland lại đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý lần 2 có chấp nhận trả tiền bailout cho Anh và Hà lan hay không. Một lần nữa họ lại nói không với 59% số phiếu bất chấp quốc hội Anh trước đó đã sử dụng luật chống khủng bố để phong tỏa tài sản của Iceland và vô số lời đe dọa của giới banker quốc tế rằng Iceland sẽ bị cắt khỏi thị trường vốn quốc tế nếu không trả nợ. Cuối cùng Anh và Hà lan đã kiện Iceland ra một tòa án của EU nhưng tòa vừa tuyên bố Iceland thắng, nước này không phải trả tiền bailout cho Anh và Hà lan. Để biết chi tiết hơn về vụ tranh chấp này các bạn có thể đọc lại entry tôi viết trước đây và/hoặc nghe podcast này của NPR. Ở đây tôi chỉ muốn nêu ra 2 bài học liên quan đến vụ kiện tụng này.

Thứ nhất, việc mỗi người dân Iceland, không kể già trẻ lớn bé giàu nghèo, không phải trả $6000 cho Anh và Hà lan vì tội lỗi của một số banker giàu có, có thể nói là thắng lợi của người dân và democracy. Khi chính phủ và quốc hội Iceland đã chấp nhận trả tiền cho Anh và Hà lan, người dân kéo đến biểu tình trước dinh tổng thống yêu cầu ông này phủ quyết. Tổng thống của Iceland chỉ là một chức vụ hình thức, hoàn toàn không có thực quyền. Chưa bao giờ trong lịch sử tổng thống sử dụng quyền phủ quyết, đến mức có lúc Iceland đã cân nhắc bỏ quyền này của tổng thống khỏi hiến pháp. Nhưng trước sức ép biểu tình của người dân và 1/4 cử tri Iceland đã ký thỉnh nguyện thư yêu cầu tổng thống phủ quyết, ông đã bắt chấp thông lệ đứng lên chống lại quyết định của cả chính phủ lẫn quốc hội. Đó chính là cơ sở để chính phủ Iceland phải tổ chức 2 cuộc referendum cho vấn đề này và người dân đã lên tiếng dứt khoát: không trả!

Thứ hai, ba năm trước chính tôi cũng rất bi quan cho tương lai kinh tế của Iceland sau lần referendum đầu tiên, nhưng tôi đã lầm. Trái với nhiều cảnh báo của giới kinh tế tài chính, Iceland không bị thị trường vốn quốc tế bỏ rơi. Nền kinh tế Iceland sau khi gần như vỡ nợ đã phục hồi mạnh mẽ. Paul Krugman đã không dưới một lần viện dẫn Iceland như là hình mẫu phục hồi mà đáng ra châu Âu phải noi theo. Điều này không hẳn khẳng định lời của một nhà kinh tế được NPR trích dẫn: "Financial market doesn't have memory", nó có nhưng nó còn forward looking mạnh hơn. Nói nôm na là dù quá khứ anh có xấu xa tồi tệ, nếu anh thực sự cải tổ nền kinh tế và thực thi những chính sách đúng đắn, tương lai tốt đẹp mới là điều thị trường quan tâm. Ví dụ của Malaysia sau khủng hoảng tài chính 1997-1999 cũng chứng mình điều này.

Ngày xuân nhắc lại câu chuyện cũ nhưng có hậu này để thấy rằng VN sẽ có một tương lai rất sáng lạn nếu nền kinh tế được thay máu triệt để, đất nước được giao những người thực sự có tài lèo lái. Nhưng dù tài giỏi đến đâu, những người đứng đầu phải lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân. Phải có những lãnh đạo dám đứng lên chống lại cơ chế hiện hữu như tổng thống Iceland đã làm. Những quyết sách của đất nước phải công khai với dân (như người dân Iceland đã được biết thỏa thuận trả tiền bailout cho nước ngoài, chứ không phải như vụ Elliott Advisors người dân VN chẳng biết gì). Những điều tưởng như rất tự nhiên đó mà người dân Iceland và nhiều nước khác đang được hưởng thụ chính là rào cản cho sự phát triển của VN.



7 comments:

  1. Hay, bác Giang Le ạ; nhưng là cán bộ nhà nước mà tôi vẫn cảm thấy ở VN bây giờ chuyện "đất nước được giao những người thực sự có tài lèo lái. những người đứng đầu phải lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân. Phải có những lãnh đạo dám đứng lên chống lại cơ chế hiện hữu như tổng thống Iceland đã làm. Những quyết sách của đất nước phải công khai với dân"... như bác đề xuất thì quả là nằm mơ giữa ban ngày. Vì thế mơ VN sẽ sớm có một tương lai rất sáng lạn ở hiện giờ khá viển vông.
    Tôi rất thích các bài viết của bác vì trước tôi cũng làm phân tích, dự báo kinh tế vĩ mô và các mô hình kinh tế lượng nhiều phương trình.
    Chúc mừng năm mới Quý Tỵ bác Giang Le nhé.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bác Giangle với những thông tin rất hay và bổ ích.
    Đọc đoạn "đất nước được giao những người thực sự có tài lèo lái. những người đứng đầu phải lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng của dân. Phải có những lãnh đạo dám đứng lên chống lại cơ chế hiện hữu như tổng thống Iceland đã làm. Những quyết sách của đất nước phải công khai với dân" ... gợi nhớ đến Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh khi xưa tiến hành cải cách, đưa đất nước thoát khỏi thời kỳ bao cấp khó khăn kéo dài.
    Nhưng có lẽ một phần là do bác Nguyễn Văn Linh khi xưa không con không cháu gì nên mới mạnh dạn như vậy!!

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  5. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  6. Blog Của Anh Thật Tuyệt!
    Chúc Anh năm mới sức khỏe và thành công!

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.