Sunday, October 28, 2012

Charity


Tối thứ Tư vừa rồi Donald Trump thách thức TT Obama công bố bảng điểm đại học và hồ sơ xin hộ chiếu của ông cho công chúng biết. Trump tuyên bố nếu Obama thực hiện yêu cầu này trước ngày 31/10 ông ta sẽ chi $5m cho bất kỳ tổ chức từ thiện nào mà Obama chỉ định. Tất nhiên đây chỉ là một political stunt của ông tỷ phú ngông cuồng này, người đã từng thách thức Obama công bố giấy khai sinh và liên tục công kích Obama trong giai đoạn tranh cử vừa qua. Tôi không quan tâm đến những tính toán chính trị của Donald Trump, nhưng chợt nhận thấy cách cách sử dụng hoạt động từ thiện cho mục đích chính trị như vậy không hề mới.

Trước đó mấy ngày, John Paulson, một tỷ phú đình đám khác - người đã trở nên nổi tiếng khi đánh cuộc thành công (với sự giúp đỡ của Goldman Sachs) vào sự sụp đổ của subprime mortgage năm 2008, tuyên bố donate $100m cho endowment fund của Central Park ở Manhattan, NYC. Felix Salmon, một blogger và nhà báo nổi tiếng của Reuters, nghi ngờ động cơ của Paulson khi donate số tiền này. Salmon cho rằng đó là cách Paulson mua uy tín và quan hệ với giới thượng lưu của NYC, trong đó tất nhiên có cả thị trưởng đương nhiệm Michael Bloomberg, một tỷ phú có số má trong làng finance quốc tế. Chưa kể Salmon mỉa mai rằng đó là số tiền Paulson bỏ ra để sửa sang lại cái backyard của mình (nhà của Paulson ngay cạnh Central Park).

Vấn đề "chính trị hoá" các hoạt động từ thiện như vậy cũng chẳng xa lạ gì ở VN. Có lẽ không ít doanh nhân đóng tiền cho các quĩ từ thiện "quốc doanh" chủ yếu để lấy quan hệ và uy tín. Trong nhiều trường hợp đó là một dạng hợp đồng trao đổi quyền lợi hoặc quảng cáo ngầm cho doanh nghiệp, trong một số trường hợp khác là một loại thuế bất thành văn. Những phong trào quyên góp ủng hộ xyz... bên cạnh ý nghĩa nhân văn, nhân đạo, yêu nước đích thực, rất có thể còn phục vụ cho những mục đích chính trị, mục đích tuyên truyền, thi đua của Đảng và nhà nước hay các "cánh tay nối dài" của nhà nước. Có dạo nhà nước còn định độc quyền tất cả các hoạt động từ thiện và nhân đạo, cấm các tổ chức từ thiện tư nhân không được "cạnh tranh" với mình.

Trong khi Donald Trump và John Paulson sử dụng charity cho mục đích cá nhân, ai cũng phải ngả mũ trước vợ chồng Bill Gates và Warren Buffett, những người luôn đứng đầu trong danh sách đóng góp từ thiện hàng năm của BusinessWeek. Nhưng có lẽ ít người (VN) biết đến một tỷ phú Mỹ khác, thường chỉ đứng sau nhà Gates và Buffett trong danh sách BusinessWeek nói trên. Đó là George Kaiser, người tự gọi mình là một "robber baron", có lẽ để luôn nhắc nhở bản thân phải đóng góp ngược lại cho xã hội bù lại "tội lỗi" là đã quá giàu. Cũng như Gates và Buffett, Kaiser donate tiền cho những dự án có tác động lớn vào xã hội. Một trong những dự án đó là phổ cập preschool (tương đương mẫu giáo của VN) miễn phí cho toàn bộ trẻ em của bang Oklahoma.

Hoạt động từ thiện này của Kaiser đã được nhắc đến trong một podcast gần đây của NPR và môt bài báo trên NYT từ năm 2007. Nhóm phóng viên NPR đã vài lần viết về tác động của preschool vào sự thành đạt sau này của một đứa trẻ, và cũng như bài báo của NYT, họ trích dẫn James Heckman, giáo sư kinh tế Chicago và Nobel kinh tế năm 2000, cho rằng đầu tư vào hệ thống preschool có lợi nhuận gần như cao nhất trong các thể loại đầu tư của nhà nước. Một đứa trẻ được đi học preschool sẽ có IQ cao hơn, thu nhập cao hơn, ít khả năng phạm tội hơn... nói chung sẽ là một người tốt hơn khi trưởng thành. Tỷ suất lợi nhuận cho số tiền đầu tư vào preschool cho một đưa trẻ khoảng 7-8%/năm cho toàn bộ quãng thời gian trưởng thành của đứa bé đó. IRR cho số tiền đầu tư vào preschool cho một đứa trẻ vào khoảng 7-10% trong toàn bộ cuộc đời của đứa bé đó. Khi Kaiser đọc được những nghiên cứu về tác động của preschool, ông bỏ ra $20m để xây dựng một trung tâm preschool có chất lượng cao ở Tulsa, Oklahoma. Kaiser dự định sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra toàn bang, cách mà ông cho rằng sẽ phát huy hiệu quả nhất đồng tiền charity của mình.

Quay lại VN nhìn thấy hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo đã được "xã hội hoá" gần như toàn bộ mà nản. Lâu lâu lại đọc thấy những mẩu tin về một em bé bị tử vong ở một nhà trẻ/mẫu giáo tư nhân. Rồi trẻ em đi học bị bạo hành, bớt xén suất ăn, bỏ đói. Ngân sách nhà nước được tập trung đầu tư vào những dự án không bị lỗ là may, trong khi đầu tư vào giáo dục, nhất là mẫu giáo và cấp một, chưa bao giờ được quan tâm đúng mức. Những đồng tiền charity của doanh nghiệp có bao giờ chảy vào lĩnh vực này không hay chỉ ở những nơi có mặt các quan chức cỡ bự tham dự. Đành rằng có thêm một đồng cho các em học sinh nghèo, cho các bản làng miền núi hay cho dân quân Trường sa đều là quí, nhưng vẫn mong các mạnh thường quân VN có được tấm lòng và suy nghĩ như George Kaiser. Cũng mong những người có trách nhiệm và lương tâm trong chính phủ, trong Bộ GD mở các bài nghiên cứu (link NPR và NYT bên trên) về tác động của preschool ra đọc và có hành động cụ thể.


Update 29/10: Chi tiết về tỷ suất lợi nhuận đầu tư cho preschool tôi nghe từ podcast của NPR không chính xác. Tôi đã update lại thông tin trực tiếp từ research paper của James Heckman (link trên web NPR).

Hai podcasts trước đây của NPR cũng về đề tài này: 10/6/201113/6/2011 (có link đến một research trên Science). Một bài khác của Business Insider về research của James Heckman.



Thursday, October 25, 2012

Mathgen


Nếu bạn muốn viết một research paper có độ khó cạnh tranh với bổ đề cơ bản của bác Ngô Bảo Châu thì có thể sử dụng dịch vụ này. Dưới đây là một paper của tôi, chỉ mất 10 giây để điền tên và generate, trong đó có đầy đủ definitions, theorem, lemma, proof.... Btw, chứng minh cho lemma 6.3 ở trang 7 là favorite của tôi. Chưa kể tôi còn có một bài viết chung với F. Einstein (reference số [7]) được xuất bản trong tạp chí Journal of Representation Theory năm 2003. Nếu thích bạn có thể publish những paper loại này trên một số tạp chí quốc tế nữa (với một chi phí tương đối), đảm bảo lý lịch khoa học của bạn sẽ đẹp như tranh và nhiều TS, GS, VS sẽ lác mắt. Không chừng vài năm nữa số lượng tiến sĩ toán của VN tăng đột biến.


PS: Hi vọng các bạn còn nhớ log(1) bằng mấy để thấy cái proof cho lemma 6.3 của tôi genius như thế nào :-)

PSS: Trên website đó còn có link đến SCIGen cho những ai thích có paper trong lĩnh vực computer science thay vì toán.


Mathgen Paper


Monday, October 22, 2012

Portfolio insurance


"The lesson that should have been learned was that the market cannot insure itself..."
The Economist, Oct 2012

Văn phòng của tôi có một thư viện nhỏ, không là gì so với thư viện của các trường đại học nhưng cũng đủ lớn để thỉnh thoảng tôi có thể random pick được một quyển sách thú vị. Cách đây khá lâu một lần tình cờ tôi tìm được một quyển sách có tựa đề là "Portfolio Insurance" của Donald Luskin xuất bản từ năm 1988. Thực ra đây là một tập hợp các bài viết của nhiều tác giả về chủ đề này, Luskin chỉ là editor. Nhìn danh sách các contributor rất choáng: Fischer Black, Myron Scholes, John Cox, Oldrich Vasisek, Stephen Ross, Mark Kritzman...

Đọc quyển sách này tôi mới biết ý tưởng portfolio insurance (PI) được 2 giáo sư Hayne Leland và Mark Rubinstein (của Berkeley) nghĩ ra năm 1976 và sau đó được áp dụng rất rộng rãi trên thị trường tài chính Mỹ trong thập kỷ 1980. Về cơ bản PI là một hình thức dynamic trading để giả lập put option cho một portfolio nào đó. Ý tưởng của Leland/Rubinstein là tạo ra một synthetic put, nghĩa là một combination của stock và bond/cash có payoff giống như một put option. Tỷ lệ giữa stock và bond/cash cũng như qui trình trading như thế nào được tính toán dựa vào Black-Scholes formula. Trên thực tế hầu hết các dịch vụ PI đều sử dụng stock index futures thay cho physical stocks vì dễ trade và có transaction cost thấp. Chính Leland và Rubinstein sau này đã kết hợp với một chuyên gia tài chính (John O'Brien) mở ra một công ty chuyên cung cấp dịch vụ PI cho các institutional investors sử dụng stock futures.

Đọc những lời có cánh của nhiều tên tuổi lớn trong làng finance quốc tế về PI trong quyển sách đó tôi không thể cưỡng lại ý muốn chạy thử một trading protocol cho portfolio của mình xem kết quả thế nào. Quả không hổ danh, chỉ với một trading rule khá đơn giản theo tinh thần PI tôi đã cải thiện được Sharpe ratio lên đáng kể và đặc biệt là đảm bảo được minimum floor cho portfolio, nghĩa là trong bất kỳ trường hợp nào giá trị của portfolio cũng không giảm xuống dưới một ngưỡng tối thiểu. Phấn khích với kết quả đạt được tôi đề nghị với sếp của mình được triển khai ý tưởng này vào các live portfolio. Nhưng ngay khi tôi đề cập đến thuật ngữ "portfolio insurance" sếp của tôi cười và chỉ cho tôi đọc một paper của Mark Carlson về Black Monday 1987. Sau đó ông cho tôi biết sau vụ 1987 crash, thuật ngữ "portfolio insurance" đã trở thành một taboo trong giới finance, không một manager nào còn dám nhắc đến nữa.

Tuần trước giới finance quốc tế kỷ niệm 25 năm ngày Black Monday, 19/10/1987, khi chỉ số Dow Jones rớt 23%, kỷ lục trong lịch sử. Như bài báo của The Economist tôi có link bên trên, hầu như tất cả giới finance đều đồng ý với kết luận của Brady Report, một bản báo cáo đặc biệt về vụ crash 1987 của US Treasury, PI chính là tội đồ của vụ sụp đổ này. Nguyên lý cơ bản của một dịch vụ PI là bán stock futures khi giá cổ phiếu sụt giảm để giảm bớt risky exposure. Khi một lượng PI đủ lớn đồng loạt ra lệnh bán, giá stock futures sẽ giảm mạnh tạo ra áp lực giảm physical stock index và hình thành các vòng xoáy bán stock futures tiếp theo càng ngày càng lớn. Nguyên lý positive feedback loop này là lý do của market crash năm 1987 và cả lần flash crash năm 2011 khi các HFT algorithms bị cuốn vào một vòng xoáy bán chỉ vì một lệnh đặt sai trên NYSE.

Nhưng bài học quan trọng hơn của sự thất bại của PI không phải là cần thiết kế hệ thống hoặc trading protocol không bị rơi vào một positive feedback loop mà chính là câu trích dẫn của The Economist bên trên. PI với ý định "bảo hiểm" cho toàn bộ thị trường là một ý tưởng sai lầm căn bản dù nó có thể đúng cho một vài investor nhỏ riêng lẻ. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 vừa rồi cũng có gốc gác tương tự. Thị trường tài chính tưởng như đã "bảo hiểm" được rủi ro sub-prime mortgage và các thể loại bad debts khác bằng securitization, CDO, CDS... nhưng trên thực tế systemic risk là thứ không thể bảo hiểm được (ý tưởng cổ điển của CAPM). Do vậy thay vì tìm cách phân tán rủi ro, tốt nhất là phải tìm cách giảm thiểu rủi ro từ gốc. Đó chính là nguyên tắc mà Dodd-Frank hay Basel III đang tìm cách áp dụng vào thị trường tài chính.

Nhưng bạn cần lưu ý rủi ro tài chính (eg. banking risk) chỉ là một nguồn (khá nhỏ), còn rất nhiều thể loại rủi ro khác quan trọng hơn như political, geopolitical, hay environment risks. Do vậy một câu hỏi quan trọng cần trả lời là nếu rủi ro xảy ra và mình không thể tránh/bảo hiểm/phân tán được thì phải đối mặt với nó như thế nào? Câu trả lời tất nhiên phụ thuộc vào từng cá nhân, từng portfolio/company, từng nền kinh tế. Dẫu có khó chúng ta cũng nên nghĩ về nó trước khi quá muộn.


Monday, October 15, 2012

Invisible hand



Nick Rowe có một bài viết rất thú vị về debt, trong đó có một ví dụ mà tôi sẽ copy lại dưới đây (có cải biên) nhưng để nói về một vấn đề khác.

Giả sử có một quốc gia gồm 10 hòn đảo rải rác đều nhau trên một đường thẳng, tạm đặt tên là i1, i2, ..., i10. Trừ đảo i10, chín hòn đảo đầu có thể nuôi bò lấy sữa. Các đảo từ i2 đến i9 có thể sản xuất được 100 lít sữa/ngày, vừa đủ cho nhu cầu tiêu dùng. Đảo i1 có thể sản xuất được 200 lít/ngày và có nhu cầu tiêu thụ 100 lít/ngày. Đảo i10 tuy không sản xuất được sữa nhưng cũng có nhu cầu 100 lít/ngày, như vậy nếu có thể vận chuyển 100 lít sữa thặng dư từ i1 đến i10 thì nền kinh tế này sẽ đạt tối ưu (về sản xuất và phân phối sữa). Tuy nhiên giả sử với công nghệ hiện tại của quốc gia đó sữa chỉ có thể vận chuyển giữa 2 đảo lân cận mà không bị hỏng. Vì khoảng cách từ i1 đến i10 quá xa nên không thể vận chuyển 100 lít sữa thặng dư từ i1 đến i10 được. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để chuyển được sữa từ i1 đến i10 hay làm thế nào để tối ưu hoá nền kinh tế này?

Giải pháp của Nick Rowe (chắc nhiều bạn đã nghĩ ra) là chuyển 100 lít sữa thặng dư từ i1 sang i2 cho dân ở i2 tiêu thụ rồi chuyển 100 lít sữa do i2 sản xuất sang i3. Cứ tiếp tục như vậy cho đến i9 và đảo này sẽ chuyển 100 lít sữa của mình sản xuất cho i10. Hiệu quả hơn, vào lúc 7AM các đảo i1 đến i9 sẽ cùng lúc chuyển 100 lít sữa của mình cho đảo kế tiếp mà không đợi khi nhận được sữa rồi mới chuyển. Tất nhiên để làm được điều này cần phải có coordination, có thể là chiếu chỉ của một ông vua, đạo luật của một tổng thống, hay nghị quyết của một tổng bí thư yêu cầu các đảo phải chuyển sữa của mình đúng giờ. Biện pháp central planning này khả thi nhưng không phải là duy nhất và cũng không phải hiệu quả nhất.

Ngược lại với biện pháp top-down bên trên, một phương pháp bottom-up đơn giản hơn là mở cửa thị trường sữa giữa các đảo và cho phép các doanh nhân/con buôn tự do mua bán sữa. Khi i10 không có sữa nhưng vẫn có nhu cầu, người dân ở đây sẽ chấp nhận trả giá cao hơn rất nhiều giá ở i9 và các hòn đảo khác. Ngược lại những nhà sản xuất sữa ở i1 sẽ chấp nhận bán rẻ hơn vì cung lớn hơn cầu. Khi thị trường sữa được mở, chẳng chóng thì chầy sẽ có nhà buôn phát hiện ra chênh lệch giá giữa i9 và i10 và sẽ tìm cách arbitrage chênh lệch giá này bằng cách mua sữa ở i9 đem sang i10 bán. Điều này sẽ làm giá sữa ở i10 giảm dần trong khi giá ở i9 tăng dần. Đến khi giá sữa ở i9 tăng đến một mức nào đó cao hơn giá ở i8 quá trình arbitrage sẽ xảy ra tương tự giữa 2 hòn đảo này. Cứ như vậy lần lượt tất cả các hòn đảo sẽ tham gia vào quá trình arbitrage và sẽ làm giá sữa cân bằng trên tất cả 10 hòn đảo (giả sử chi phí vận chuyển không đáng kể).

Như vậy thay vì cần phải có coordination từ chính quyền trung ương, trong trường hợp thứ hai nói trên invisible hand của Adam Smith đã làm thay nhiệm vụ này. Không cần phải có thông tin đầy đủ và chính xác về nhu cầu và năng lực sản xuất sữa trên từng hòn đảo, mà trên thực tế sẽ phức tạp hơn nhiều, invisible hand chỉ cần một thông tin duy nhất là giá sữa trên các hòn đảo đó. Đây chính là ý tưởng của Friedrich Hayek cho rằng market price là signal duy nhất cần thiết cho một nền kinh tế (thị trường) vận hành hiệu quả, theo nghĩa phân bổ resource và distribution sản phẩm. Những nỗ lực kiểm soát giá của nhà nước sẽ chỉ làm méo mó tín hiệu quan trọng này, dẫn đến làm giảm hiệu quả của nền kinh tế. Hơn nữa nếu nền kinh tế không chỉ có sữa mà còn có hàng triệu sản phẩm khác, central coordination sẽ gần như không khả thi. Câu giải mã "XHCN = Xếp Hàng Cả Ngày" không phải không có cơ sở khoa học :-)


Monday, October 8, 2012

Gold mobilization II


Tôi vừa viết một bài viết ngắn cho TBKTSG nêu quan điểm của tôi về vấn đề huy động vàng trong dân mà tôi đã viết trong entry Gold mobilization cách đây hơn 1 năm. Xem lại phần comment trong entry đó thấy mình hứa sẽ trả lời một số comment của các bạn nhưng rồi quên mất nên tôi sẽ trả lời/giải thích thêm dưới đây. Bạn nào quan tâm có thể đọc lại entry trước và những comment phản biện của mọi người trước khi đọc entry này.

Trước hết có ý kiến cho rằng vàng không phải là công cụ thanh toán và khi nó được giao dịch trong các tiệm vàng thì nó chỉ là một loại hàng hóa thuần túy như những hàng hóa khác nên không làm tăng cung tiền. Commenter này lấy ví dụ nếu dân Mỹ bán xe hơi để đầu tư thì chẳng ảnh hưởng gì đến giá trị của đồng USD cả. Bạn Nhật Nam đồng ý với tôi về điểm dân bán vàng ra thay vì giữ trong két sắt ở nhà sẽ làm tăng cung tiền nhưng không đồng ý với lập luận tương tự nếu họ bán bất động sản. Một số ý kiến khác cho rằng nếu người dân bán vàng cho ngân hàng rồi gửi tiền đồng vào ngân hàng lấy lãi thì cũng không làm tăng cung tiền.

Không kể việc vàng vẫn trực tiếp đóng vai trò phương tiện thanh toán cho các giao dịch giá trị lớn ở VN, việc người dân bán thêm 100 tấn vàng (thay vì giữ trong két sắt) sẽ làm tăng cung tiền theo cơ chế sau. Vì giá vàng do thị trường quốc tế quyết định, nếu giá vàng ở VN giảm xuống do excess supply (có thêm 100 tấn vàng trên thị trường không ai muốn giữ) sẽ có người arbitrage (xuất khẩu) chênh lệch giá nội địa và giá quốc tế (qua con đường chính thức, tiểu ngạch, buôn lậu...). Do đó một lượng USD sẽ chảy vào, hoặc trực tiếp trở thành công cụ thanh toán hoặc sẽ được NHNN mua vào để giữ ổn định tỷ giá, điều này tương đương tăng cung tiền. Điểm mấu chốt ở đây là vàng từ chỗ nằng chết trong két sắt (wealth) được biến thành liquidity trong hệ thống tài chính (USD hay VND).

Trong entry trước (bạn đã đọc lại chưa?) nền kinh tê tôi giả định là một nền kinh tế đóng, nghĩa là không có chuyện arbitrage như trên. Tuy nhiên để giữ cho mô hình hợp lý tôi cũng giả định luôn vàng phải là phương tiện thanh toán. Chỉ có như vậy mới có khả năng người dân cùng lúc giảm lượng vàng cất trong két sắt từ 800 xuống 700 tấn (nếu không những người bán ra thêm 100 tấn phải tìm được người muốn mua và cất giữ 100 tấn vàng đó). Thực ra nếu không có giả định vàng trực tiếp là phương tiện thanh toán thì cung tiền vẫn tăng nếu vàng được chuyển thành một loại hàng hóa khác (vd trang sức) và central bank có chính sách ổn định mặt bằng giá. Đơn giản vì khi 100 tấn vàng được chuyển thành một loại hàng hóa khác, real GDP sẽ tăng thêm do đó tổng phương tiện thanh toán phải tăng để phục vụ cho nhu cầu giao dịch tăng.

Điều này cũng đúng với các loại tài sản khác được sử dụng dưới hình thức store of value, vd một mảnh đất để trống hay một chiếc xe hơi cất trong garage. Khi những tài sản "chết" này được đưa vào lưu thông/sản xuất (wealth biến thành liquidity) thì real GDP sẽ tăng lên và tổng phương tiện thanh toán phải tăng tương đương (sẽ nói thêm bên dưới). Trong entry trước tôi đã nhấn mạnh người dân bán thêm 100 tấn vàng vì họ lạc quan hơn vào tương lai nên quyết định bán vàng (hay nhà đất, xe hơi, hoặc bất kỳ tài sản nào khác đang nằm chết) để lấy tiền mặt đi đầu tư, mở rộng sản xuất hay gia tăng tiêu dùng. Chính cái expectation này là lý do làm tăng cung tiền, giả định vàng là phương tiện thanh toán chỉ để lập luận đơn giản, có thể thay thế bằng giả định tồn tại central bank với chính sách ổn định mặt bằng giá.

Một central bank như vậy sẽ tăng cung tiền (tăng phương tiện thanh toán) khi họ thấy expectation về đầu tư, tiêu dùng của người dân gia tăng. Tuy nhiên nếu central bank đánh giá người dân quá lạc quan và real GDP sẽ không thể tăng kịp nhu cầu đầu tư/tiêu dùng thì họ có thể phải giảm phương tiện thanh toán để làm nguội bớt nền kinh tế nhằm tránh lạm phát. Điều này liên quan đến điểm thứ hai tôi đề cập đến trong entry trước là capacity của nền kinh tế. Một số comment phản biện lại lập luận của tôi về việc những yếu kém về hạ tầng, năng lực quản lý của VN làm capacity của VN thấp. Bạn đó lập luận rằng chính những yếu kém đó nếu được giải quyết sẽ giúp VN tăng năng lực sản xuất lên rất nhiều.

Ở đây tôi muốn phân biệt capacity (hiện thời) và potential (trong tương lai) của một nền kinh tế. Về lâu dài potential sẽ quyết định tăng trưởng (capacity tăng lên) và tôi đồng ý VN có nhiều potential. Tuy nhiên trong ngắn hạn capacity mới là yếu tố quyết định tốc độ lạm phát khi expectation về đầu tư/tiêu dùng gia tăng. Tất nhiên capacity không phải là một limit cứng nhắc, một cỗ máy có thể chạy vượt công suất và một nền kinh tế cũng vậy. Nhưng cũng giống như một cỗ máy, nền kinh tế sẽ bị nóng lên khi phải chạy quá tải làm gia tăng rủi ro bị crash. Vai trò của một central bank đúng nghĩa là điều phối cái van cung tiền để cỗ máy kinh tế không bị quá nóng. Do đó central bank thường quan tâm đến capacity chứ không phải potential. [Lưu ý: thuật ngữ potential GDP thường được dùng với ý nghĩa capacity.]

Một điều có thể rút ra từ những thảo luận trên đây là trong một nền kinh tế thị trường (không bị quản lý bởi các mệnh lệnh hành chính) cung tiền được quyết định bởi central bank để accommodate expectation của người dân/doanh nghiệp về tương lai và capacity hiện thời của nền kinh tế. Trong trường hơp VN, tôi cho rằng capacity hiện thời rất hạn chế nên nếu người dân tin vào chính sách huy động vàng của nhà nước bán hết số vàng hiện tại thì hệ quả sẽ là lạm phát, NHNN sẽ không thể sterilize (phát hành trái phiếu rút VND về như một bạn comment) mà phải accommodate số vàng được bán ra vì đó là mục tiêu của chính phủ (tăng đầu tư/tiêu dùng, i.e. tăng AD). Trong bài viết cho TBKTSG tôi cho rằng NHNN có thể còn một lý do nữa là muốn chống lại hiện tượng "vàng hóa" (dollarization bằng vàng) nền kinh tế. Tuy nhiên tôi không nghĩ người dân VN sẽ từ bỏ vàng chừng nào lạm phát còn cao.

Theo tôi thay vì cứ loay hoay thử/sửa hết chính sách này đến chính sách khác trong cái capacity hạn hẹp hiện tại, tốt nhất hãy cởi trói nền kinh tế để tiến đến potential rất lớn của nó. Tôi chưa thấy quốc gia nào (kể cả những nước người dân rất chuộng vàng như Ấn độ, TQ, Cambodia) cứ phải loay hoay với việc quản lý, huy động vàng như VN cả. Bây giờ là thời đại modern banking rồi, không còn là gold standard như cả thế kỷ trước nữa. Một điều tôi cũng rất ngạc nhiên là không hề thấy các tổ chức quốc tế như IMF, WB, ADB khuyên can gì NHNN và chính phủ VN về vấn đề huy động vàng. Chẳng lẽ họ cũng đồng tình với ý định này?