Sunday, November 6, 2016

SDR



Vì đặc tính và phương thức sử dụng rất phức tạp của SDR đã có nhiều ngộ nhận về khái niệm trên báo chí và ngay cả trong giới chuyên gia. Trước hết SDR không phải là một đồng tiền do IMF phát hành tương tự như đồng tiền của các quốc gia, dù quả thực Keynes đã có ý tưởng như vậy khi IMF thành lập năm 1945. SDR cũng không phải là một quĩ của IMF bao gồm 5 đồng tiền mà đồng Nhân dân tệ (CNY) của TQ vừa được đưa vào. Nhầm lẫn này xuất phát từ chính cách định nghĩa của IMF gọi SDR là một “tài sản dự trữ quốc tế" (international reserve asset), thực ra IMF không hề có một tài sản nào (USD, EUR, CNY…) đằng sau số SDR đã được phát hành và trừ một số ngoại lệ hãn hữu nó không được dùng trong mua bán trao đổi hàng hoá/dịch vụ thực. Vậy bản chất của SDR là gì và định nghĩa “international reserve asset" của IMF phải được hiểu như thế nào?

Trước hết cần nhắc lại mỗi (ngân hàng trung ương) quốc gia đều có một “dự trữ quốc gia" (national reserve), thường bao gồm hai thành phần: dự trữ ngoại hối và dự trữ vàng. Dự trữ ngoại hối về bản chất tương đương với dự trữ thanh khoản (liquidity reserve) trong các ngân hàng thương mại, có chức năng giúp các ngân hàng phòng hờ bị mất cân bằng thanh khoản. Một ngân hàng thương mại bị mất cân bằng thanh khoản khi ở môt thời điểm nào đó số tiền mặt khách hàng rút ra (bao gồm cả chuyển khoản sang ngân hàng khác) lớn hơn số tiền mặt được gửi vào. Khi đó ngân hàng phải sử dụng dự trữ để bù đắp cho sự mất cân bằng nói trên.

Dự trữ ngoại hối của một quốc gia có vai trò tương tự, khi dòng ngoại tệ chảy ra lớn hơn dòng chảy vào dự trữ sẽ được sử dụng để bù vào phần thiếu hụt. Vì một quốc gia có thể giao dịch cùng lúc bằng nhiều đồng tiền khác nhau nên dự trữ ngoại hối cũng có thể bao gồm nhiều loại ngoại tệ. Những đồng tiền được một quốc gia đưa vào dự trữ ngoại hối của mình tuỳ thuộc vào quan hệ ngoại thương và đầu tư nước ngoài chứ không do IMF hay một tổ chức nào đó ấn định. Những đồng tiền dự trữ phổ thông nhất trên thế giới được giới kinh tế tài chính gọi (một cách không chính thức) là “đồng tiền dự trữ quốc tế”. Hàng quí IMF thống kê dự trữ ngoại hối của các nước và công bố tỷ lệ các đồng tiền được dự trữ (trong một database tên là COFER). Thống kê Q2 2016 cho bảy “đồng tiền dự trữ quốc tế" phổ biến nhất là USD chiếm 63.4%, EUR 20.2%, GBP 4.7%, JPY 4.5%, AUD 2%, CAD 1.9%, CHF 0.3%. Tỷ lệ này khá tương đồng với tỷ lệ các đồng tiền được mua bán trên thị trường tài chính quốc tế (spot/forwards/NDF) và cũng không khác lắm tổng giá trị giao dịch liên ngân hàng quốc tế thông qua hệ thống SWIFT.

Như đã giải thích bên trên dự trữ ngoại hối được sử dụng cho những thời điểm thanh toán quốc tế bị mất cân bằng, tương tự như dự trữ thanh khoản được các ngân hàng thương mại sử dụng khi họ bị mất cân bằng thanh khoản. Cũng tương tự như dự trữ thanh khoản, dự trữ ngoại hối gây tốn kém cho các quốc gia nên thường họ chỉ tích luỹ quĩ dự trữ này ở một mức tối thiểu, ví dụ theo nguyên tắc bằng giá trị của 3 tháng nhập khẩu mà IMF khuyến cáo. Tuy nhiên vẫn có môt số ngoại lệ như TQ hay Nga giữ một (vài) dự trữ ngoại hối lớn hơn nhiều nhu cầu đảm bảo cân bằng thanh khoản quốc tế. Những nước này giữ dự trữ ngoại hối lớn cho các mục tiêu kinh tế khác mà tôi sẽ không bàn thêm ở đây. Nhưng dù dự trữ ngoại hối có lớn thế nào đi nữa một nước vẫn có rủi ro bị mất thanh khoản, nghĩa là dự trữ không đủ bù đắp cho mất cân đối tạm thời, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng. Đó là một trong những lý do IMF ra đời năm 1945 và SDR được đề xuất năm 1969: xây dựng một (vài) cơ chế chia sẻ thanh khoản quốc tế để giảm bớt gánh nặng các quốc gia phải tiếp tục gia tăng dự trữ ngoại hối khi dòng vốn vào ra càng ngày càng lớn.

Tạm thời chưa bàn về các chức năng cho vay/giải cứu khác của IMF, cơ chế SDR về bản chất là một dạng quĩ danh nghĩa khi các quốc gia góp một phần dự trữ ngoại hối của mình vào để sử dụng chung khi một nước nào đó có nhu cầu. Gọi là quĩ danh nghĩa (notional) vì trên thực tế các nước không chuyển tiền cho IMF giữ/quản lý mà họ chỉ cam kết là nếu thành viên IMF nào cần vay theo cơ chế SDR thì họ sẽ cho vay không điều kiện. Đổi lại khi cần ngoại tệ để cân bằng thanh khoản quốc tế họ cũng có thể yêu cầu được vay từ các thành viên khác theo cơ chế này. Việc cho vay là tự nguyện nhưng IMF vẫn có cơ chế bắt buộc các thanh viên dư thừa thanh khoản phải cho vay nếu cần. Lưu ý cho đến thời điểm này tôi vẫn dùng thuật ngữ “cơ chế SDR" chứ không nói “đồng SDR", việc vay/cho vay dự trữ ngoại hối giữa các thành viên IMF là “cơ chế SDR" còn giá trị của các khoản vay sẽ được bút toán bằng “đồng SDR" như giải thích bên dưới.

Bạn có thể thắc mắc bên trên tôi đã viết SDR không phải là một đồng tiền do IMF phát hành tại sao bây giờ lại xuất hiện “đồng SDR". Nhớ lại một đồng tiền (quốc gia) có ba chức năng chính: phương tiện thanh toán (medium of exchange), lưu giữ giá trị (store of value), và đơn vị kế toán (unit of account). Đồng SDR không phải là tiền vì nó (hầu như) không có hai chức năng đầu mà chỉ có chức năng thứ ba. Nghĩa là nó chỉ tồn tại trên sổ sách của IMF để ghi nhận các khoản vay/cho vay/góp vốn của các thành viên. Ngoại trừ các lý do lịch sử và chính trị, IMF và nhiều nhà kinh tế lập luận rằng sử dụng một rổ tiền tệ để bút toán các khoản vay/cho vay/góp vốn sẽ giảm bớt rủi ro tỷ giá cho các thành viên. Bởi vậy dù một nước vay một ngoại tệ nào đó thông qua cơ chế SDR số tiền vay luôn được qui đổi từ đồng tiền thực sự được trao đổi thành SDR với tỷ giá do IMF tính toán dựa vào tỷ giá thị trường và tỷ trọng các đồng tiền trong rổ SDR.

Ví dụ nếu NHNN VN vay 100 tỷ yên Nhật (JPY) từ Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thông qua cơ chế SDR vào ngày 3/10/2016 thì khoản nợ đó có giá trị qui đổi ra SDR  là 703.94 triệu, sử dụng tỷ giá SDR-USD và USD-JPY ngày hôm đó. VN sẽ có nghĩa vụ trả tiền lãi cũng như nợ gốc khi đáo hạn cho khoản 703.94 triệu SDR này. Tất nhiên cả khi vay cũng như khi trả lãi/gốc đồng tiền thanh toán giữa VN và Nhật vẫn là đồng yên, số lượng cụ thể được được tính từ giá trị SDR với tỷ giá SDR-USD và USD-JPY vào ngày thành toán. Tỷ giá USD-JPY là tỷ giá thị trường, còn tỷ giá SDR-USD được (IMF) tính dựa vào tỷ giá thị trường (với USD) của các đồng tiền trong rổ SDR (đồng USD ngầm định có tỷ giá là 1). Rổ SDR, bao gồm các đồng tiền được chọn và tỷ trọng của chúng, mà IMF dựa vào đó để tính tỷ giá SDR-USD hàng ngày được IMF công bố 5 năm một lần. Lần cuối cùng là ngày 1/10/2016, tuy nhiên việc đồng CNY được đưa thêm vào và tỷ trọng của 5 đồng tiền trong rổ đã được quyết định từ cuối năm 2015.

Quay lại định nghĩa “international reserve asset” của IMF. Như vậy asset ở đây phải hiểu là hệ thống SDR bao gồm (notional) assets mà các thành viên cam kết đóng góp vào. Tỷ lệ đóng góp được IMF phân bổ đúng bằng tỷ lệ quota (hay "cổ phần") của các thành viên và đo bằng "đồng SDR". Kể từ khi ra đời (năm 1969) IMF chỉ "phát hành", theo nghĩa "phân bổ", SDR vài lần với tổng số xấp xỉ 200 tỷ - rất nhỏ so với tổng dự trữ ngoại hối của các thành viên. Vì không ai phải đóng tiền vào khi được phân bổ SDR, số SDR mới này được coi như một dạng "reserve asset" bổ sung cho dự trữ quốc gia (ngoại hối + vàng). Nghĩa là dự trữ quốc gia của một nước được tăng lên thêm một khoản bằng với lượng SDR mà IMF phân bổ. Số dư tài khoản SDR của các nước tại IMF sẽ thay đổi khi họ vay/cho vay thông qua "hệ thống SDR", do đó tỷ lệ nắm giữ SDR của các nước thay đổi theo thời gian không cố định như tỷ lệ quota của họ. Các nước "con nợ" sẽ có tỷ lệ nắm giữ SDR thấp hơn tỷ lệ quota.

Tóm lại hệ thống SDR rất phức tạp và không mấy thành công (vì quá nhỏ). Nó ra đời vì IMF không thể sử dụng đồng USD một cách chính thức thay cho/bên cạnh vàng khi chế độ bản vị vàng sụp đổ. Việc đưa đồng CNY hay các đồng tiền khác vào rổ SDR trong tương lai phần nhiều sẽ là lý do chính trị và có tính biểu tượng là chính. Vai trò và ảnh hưởng của một đồng tiền quốc gia trên thị trường tài chính quốc tế vẫn được đo lường bằng các tỷ lệ giao dịch ngoại hối hay tỷ lệ dự trữ quốc gia (thống kê COFER) hơn là trọng số trong rổ SDR. Nhưng với nhiều nước tính biểu tượng cũng rất quan trọng, chí ít nó là dấu mộc của IMF cho tên tuổi của mình trên trường quốc tế.




4 comments:

  1. Rất cụ thể. Bài viết đã cho tôi thêm kiến thức về khái niệm SDR. Cảm ơn tác giả đã chia sẻ.

    ReplyDelete
  2. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.