Sunday, March 22, 2009

Rollover


Rollover một khoản nợ là việc vay một khoản nợ mới để trả cho nợ cũ đã đến hạn hoặc chưa đến hạn nhưng người vay muốn rút ra khỏi hợp đồng vay cũ. Tôi vẫn nghĩ rollover tiếng Việt dịch là "đảo nợ" và là một việc bình thường và hợp pháp. Tuy nhiên khi đọc bài "Ứng xử thế nào với hành vi đảo nợ" trên VnEconomy tôi phát hiện ra rằng ở VN "luật tín dụng nghiêm cấm hành vi đảo nợ."

Tôi cho rằng hợp đồng vay giữa ngân hàng và khách hàng là một hợp đồng dân sự (kinh tế), vậy khi người đi vay "đảo nợ" bằng một hình thức nào đó thì đó chỉ là một hành vi dân sự. Nếu ngân hàng cho vay không bằng lòng với hành vi đảo nợ này thì họ có thể kiện khách hàng ra tòa dân sự, chẳng có lý do gì luật tín dụng lại cấm đoán hành vi này (hình sự hóa). Theo tôi, nhiều khả năng tác giả bài viết đã nhầm lẫn giữa luật tín dụng và các quyết định, thông tư liên quan đến việc hỗ trợ 4% lãi suất của chính phủ. Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này cấm đảo nợ cũng không hợp lý về mặt kinh tế.

Thứ nhất, nếu các doanh nghiệp có thể đảo các khoản nợ cũ có lãi suất cao bằng các khoản nợ mới qua chương trình hỗ trợ lãi suất của chính phủ, đây sẽ là một sự trợ giúp khá hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Ngay cả nếu doanh nghiệp không gặp khó khăn cần được trợ giúp, việc giảm chi phí cho các khoản vay sẽ làm tăng lợi nhuận của doanh nghiệp đó, do vậy sẽ làm tăng đầu tư từ số tiền lợi nhuận, hoặc tăng chi trả lương và phúc lợi cho công nhân, hoặc tăng chi trả cổ tức cho các cổ đông. Đằng nào thì số tiền tăng thêm này sẽ góp phần vào làm tăng tổng cầu, đúng với mục đích của chính phủ.

Thứ hai, nếu cấm đảo nợ, ngoài những hậu quả mà bài báo của VnEconomy nói trên đã nêu ra, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ chẳng mặn mà gì với việc vay thêm từ ngân hàng nếu họ vẫn còn những khoản vay khác với lãi suất cao. Trong thời điểm suy thoái hiện tại, sẽ có rất ít doanh nghiệp muốn triển khai một dự án hoàn toàn mới, dù có thể lãi suất vay ngân hàng rất thấp. Một khi họ vẫn còn những dự án cũ, nhiều khả năng họ đang phải tìm cách giảm bớt rủi ro cho doanh nghiệp vì những dự án cũ có thể đang rất bấp bênh. Do vậy họ sẽ khó có thể tăng thêm rủi ro qua các dự án mới dù đã được hỗ trợ lãi suất. Với tổng thể nền kinh tế, việc giảm bớt đầu tư mới trong giai đoạn này cũng rất hợp lý, tránh tăng thêm supply (excess capacity) khi demand cả trong và ngoài nước đang giảm mạnh.

Tôi thấy chương trình hỗ trợ lãi suất có nhiều điểm không hợp lý, và qui định cấm đảo nợ này cũng vậy. Nhưng công bằng mà nói, nếu không cấm đảo nợ có thể chương trình này sẽ bị phình ra qua to, bản thân ngân sách không cáng đáng được. Tôi cho rằng ý tưởng chỉ hỗ trợ lãi suất là một cách leverage tiền kích cầu của chính phủ. Tuy nhiên tôi nghi ngờ tính hiệu quả của chính sách này, đặc biệt là mục tiêu trực tiếp của nó dường như nhắm vào phía cung chứ không phải phía cầu.

Theo tôi nếu chính phủ muốn "kích cung" thông qua lãi suất thấp thì có thể tiếp tục hạ lãi suất cơ bản xuống. Nếu chính phủ lo ngại tác động của lãi suất cơ bản không đủ mạnh hoặc NHNN không đủ sức áp đặt lãi suất thấp hơn thì có thể học tập kinh nghiệm của Fed sử dụng TALF mua trực tiếp các loại trái phiếu thương mại khác. Tiếp tục giảm lãi suất và phá giá từ từ VND có lẽ là một lựa chọn hợp lý hơn hỗ trợ lãi suất bằng tiền từ ngân sách.

Update (07/05): Còn đây là chuyện "đảo nợ" ở Mỹ.


11 comments:

  1. Tôi nghĩ "Đảo nợ" không thể dịch là rollover mà là refinancing vì không có ngân hàng nào muốn trực tiếp rollover mà xuất phát từ doanh nghiệp cân đối funding để refinance debts, đặc biệt là các khoản nợ bằng đồng USD do cái fear về FX.

    ReplyDelete
  2. @Anonymous: Cám ơn bạn góp ý. Tôi đồng ý là các hoạt động "đảo nợ" hiện tại có lẽ nên dịch là refinance thì chính xác hơn. Refinance thường áp dụng cho trường hợp hợp đồng vay cũ chưa hết hạn, trong khi rollover áp dụng cho trường hợp hợp đồng vay sắp hết hạn. Có lẽ hai từ này được dùng thay thế lẫn nhau trong nhiều trường hợp, tùy vào tập quán. Dù sao cả rollover lẫn refinance theo tôi không có gì sai trái cả nếu cả hai phía trong họp đồng tín dụng thỏa thuận với nhau. Tôi chỉ không hiểu tại sao bài báo của VnEconomy lại viết luật tín dụng nghiêm cấm hành vi này.

    ReplyDelete
  3. Nói về kích cung và kích cầu, thật ra trong bối cảnh VN khi mà mức cầu giảm không có quá trầm trọng như thế giới thì có phải kích cung có lợi hơn kích cầu hay không? Tôi xin đưa vài lý do:
    Thứ nhất, VN là kinh tế nhỏ và cạnh tranh còn yếu, bao nhiêu tiền kích cung sẽ dành một số lớn portion of income cho các mặc hàng ngoại nhập như TQ, Thai Lan...như vậy thì không có hiệu quả cho lắm.
    Thứ hai, mặc dù thế giới giảm chi tieu và các công ty xuất khẩu bị ảnh hưởng lớn nhưng một số lớn người dân còn có tiền dự trữ rất dồi dào (store of wealth như vàng, dollars...)bởi vậy tiền kích cầu sẽ gần bằng zero khi người dân sẽ giữ lại (holding).
    Nếu kích cung, tức là bơm 1 lượng lớn money supply cho các công ty, và nếu các công ty trong đó có nhà nước không dùng tiền này bỏ túi thì sẽ làm giảm giá thành xuống. Trong hoàn cảnh này, khi tăng supply lên chút đỉnh mà giảm giá thành xuống nhiều, ví dụ 40 hay 50% thì người tiêu dùng sẽ có thể cân nhắc bán bớt vàng mà tiêu thụ.
    Điều cuối cùng tôi muốn nói là đa số công ty VN không phải thuộc ngành công nghiệp nặng để sản xuất durable goods. Nếu để ý thì sẽ thấy phần lớn các công ty chỉ sản xuất hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm... Mà các sectors này không có ảnh hưởng lớn lắm khi kinh tế trì trệ.
    Bởi vậy, kích cầu sẽ không có lợi hơn kích cung, theo thiển ý của tôi.

    ReplyDelete
  4. bác legiang ơi, Governor Nguyen Van Giau bảo: nghiêm cấm hành vi cho vay đảo nợ kìa.
    Link: http://www.vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2009/03/3BA0D290/

    ReplyDelete
  5. @Kenny: Cám ơn bác đã có ý kiến. Vấn đề "kích cung" mà bác đề nghị chính là ý cuối cùng của tôi. VN vẫn còn room để giảm lãi suất và còn khả năng phá giá VNĐ để sản phẩm nội có thể cạnh tranh tốt hơn với sản phẩm ngoại, ngay trên thị trường nội đia.

    Nhưng liệu "kích cung" (dù bằng hỗ trợ lãi suất hay monetary policy) có tác dụng không? Theo lập luận của bác, kích cung sẽ làm giá hàng hóa giảm, do vậy người dân sẽ tăng tiêu dùng (price effect). Vấn đề là price elasticity của domestic demand của VN vào thời điểm này có cao không?

    Lấy ngay ví dụ của bác, các nhà sản xuất VN thường chỉ sản xuất hàng tiêu dùng (non-durable), do vậy nhu cầu tiêu thụ những mặt hàng này sẽ không tăng nhiều khi giá giảm (inelastic). Với durable goods, khi thấy giá giảm rất có thể người dân sẽ tạm hoãn mua sắm để đợi giá thấp hơn. Vậy theo tôi price effect trong trường hợp này không có nhiều tác dụng. Hay nói cách khác, giúp cho doanh nghiệp trong nước giảm chi phí, dẫn đến giảm giá thành sản phẩm, có tác dụng rất nhỏ lên domestic consumption. Khả năng tác động vào export demand có lẽ cũng rất nhỏ.

    @Anonymous: Cám ơn bác đã gửi link. Có lẽ tôi phải tìm đọc Luật tín dụng xem chính xác thế nào là hành vi đảo nợ và nó bị cấm trong những trường hợp nào. Bác nào có điều kiện kiểm tra giúp tôi được thì tốt quá.

    ReplyDelete
  6. @ Anh Giang,

    Xin mạng phép có một vài ý kiến!

    1. Tôi rất đồng tình với Anh về việc tại sao phải cấm hành vi đảo nợ, vì thực chất nó vẫn hỗ trợ Doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính mà thời gian trước đã phải chịu quá cao. Việc cấm hành vi trên sẽ tạo ra một "hàng rào" (tạm gọi như thế) mà Doanh nghiệp muốn vượt qua thì đương nhiên sẽ phải tốn một "ít" chi phí. Tôi dám chắc với Anh rằng hiện nay với tốc độ giải ngân của chính sách hỗ trợ lãi suất vừa qua thì phần lớn vẫn là việc "đảo nợ" nhưng nếu việc này được phép và được sự hỗ trợ thì Doanh nghiệp sẽ không tốn thêm chi phí cho tín dụng đen hay các phần chi phí khác, xã hội sẽ không tốn tiền cho "easy money" ..., không biết khi làm chính sách thì người làm chính sách có lường trước việc này không hay ...? Anh có thể tham khảo tại đây http://www.thesaigontimes.vn/Home/taichinh/nganhang/16337/

    2. Tôi thấy trong khi thực thi chính sách này, Ngân hàng phát triển - đơn vị được ủy quyền của Ngân hàng Nhà nước - đã tiến hành giải ngân cho các Ngân hàng Quốc Doanh lớn như VCB, BIDV hay Agribank mà những Ngân hàng này thì có nguồn khách hàng là những Tập đoàn, Công ty nhà nước lớn. Đương nhiên ai cũng hiểu là nguồn vốn này lại chảy về đây, mà hiệu quả sử dụng vốn thì ai cũng biết. Còn những Doanh nghiệp vừa và nhỏ một mình chống chọi với khủng hoảng đến lúc này thì sức cùng lực kiệt, lại là những đơn vị sử dụng khá nhiều lao động lại chưa được tạo điều kiện tiếp xúc với chính sách này một cách mạnh mẽ vì vướng khá nhiều thủ tục.

    3. Trở lại vấn đề kích cầu, tại sao chúng ta không quan tâm đến vấn đề thất nghiệp của người lao động, tại sao chúng ta không quan tâm giúp Doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh trong giai đoạn hiện tại, tại sao không giúp Doanh nghiệp phát triển thị trường nội địa mà bao nhiêu năm qua đã bỏ quên, tại sao Nhà nước không nâng việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn, tại sao không thực hiện cải cách hành chính triệt để?... Đó không phải là kích cầu sao?

    ReplyDelete
  7. @Huy Tam: Tôi hoàn toàn đồng ý với mục 3 của anh. Nếu anh đã theo dõi blog này một thời gian, chắc anh có thấy tôi đã không dưới 1 lần đề cập đến kích cầu nên tập trung vào đối tượng người thât nghiệp và dân nghèo. Co thể thực hiện qua direct transfer hoặc conditional cash payment (ví dụ buộc phải chi vào giáo dục, y tế...). Chính sách này không chỉ hợp lý về mặt xã hội mà còn đúng về mặt lý thuyết kinh tế vì marginal propensity to consume của người nghèo cao hơn người giàu nên multiplier sẽ cao hơn.

    Tăng đầu tư vào các cơ sở hạ tầng của khu vực nông thôn cũng là một chính sách đúng. Có điều không nên đổ quá nhiều tiền cùng một lúc. Tôi càng ngày càng thấm thía vấn đề capacity constraint. Ví dụ điển hình là vụ lùm xùm quanh chuyện tặng tiền tết cho người nghèo vừa rồi. Ý định có thể tốt nhưng không thực thi được đúng mục đích vì khả năng có hạn. Và đó cũng chính là lý do cần cải cách hành chính như anh nói. Song song với cải cách hành chính cũng cần thực hiện capacity building, nghĩa là cùng với việc đổi mới các thủ tục và cơ chế hành chính, cần tăng cường đào tạo và mạnh dạn thay máu nhân lực của khu vực này.

    Cá nhân tôi cho rằng đối với VN, cải cách hành chính (và không thể tránh khỏi cải cách hệ thống chính trị và luật pháp) sẽ là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển quan trọng và bền vững nhất, hơn cả những chính sách kinh tế như gia nhập WTO trước đây hay kích cầu/kích cung hiện tại. Càng làm chậm điều này sẽ càng gây khó khăn cho các cuộc cải cách sau này vì ảnh hưởng của các interest groups sẽ càng ngày càng mạnh, mà không phải chỉ có các interest groups trong nước.

    ReplyDelete
  8. @Giang Le: Hầu hết mọi người đều đồng ý với bác là cần cải cách hành chính. Nhưng em chưa thấy có động lực thực sự nào để thúc đẩy cải cách. Hiện tại em thấy có một số rào cản:
    - Quyền lợi của các nhóm lợi ích và quan chức.
    - Năng lực: hầu hết cán bộ nhà nước đều được đào tạo theo lề phải, không biết ngoại ngữ và gần như không đọc sách gì ngoài sách lề phải. Họ không có khái niệm về 1 nhà nước đúng nghĩa là như thế nào? Lớp trẻ thì những người có năng lực không bao giờ làm cho nhà nước.
    - Sức ỳ: cái này là rào cản lớn nhất. Hầu hết những người mọi người chưa thấy áp lực cải cách, đặc biệt dân miền Bắc. Họ không đồng tình với nhà nước nhưng không phải kháng. Hầu hết mọi người đềm chấp nhận an phận.
    - Dân trí: hầu hết người dân không hiểu được các khái niệm cơ bản về nhà nước nên họ không thấy được sự cần thiết phải cải cách và cải cách như thế nào. Ngay như phòng em có 12 người, đều là trí thức tuổi 24-32 mà chỉ có vài người có quan điểm cấp tiến. Đây là cái nhìn về xã hội miền Bắc (Hà Nội) và cũng là trung tâm chính trị của cả nước.
    Do đó em thấy tiền đồ của Việt Nam vẫn tối đen như của chị Dậu. Nếu anh thấy có điểm sáng nào để có thể hy vọng thì xin anh chỉ giáo.
    Em xin lỗi đã lam man ra ngoài đề tài chính.

    ReplyDelete
  9. @Anonymous: Điểm sáng là ngày càng có nhiều người có quan điểm như em.

    ReplyDelete
  10. Oh, toi cu nghia "dao no" la debt swap chu nhi???

    ReplyDelete
  11. Cám ơn Thầy Giang có nhiều bài viết hay!

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.