Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Tim Geithner cuối cùng đã công bố kế hoạch giải quyết nợ xấu (toxic assets) cho hệ thống ngân hàng, phần việc lẽ ra Henry Paulson, người tiền nhiệm của Geithner, đã phải thực hiện từ tháng 9/2008. Còn nhớ sau khi Lehman Brothers sụp đổ ngày 15/09/2008, hàng loạt các tổ chức tín dụng lớn trượt dần đến bên bờ vực phá sản và Paulson/Bernanke đã nhận ra rằng cần phải có một kế hoạch giải cứu tổng thể và đủ mạnh để khôi phục lại niềm tin trong hệ thống ngân hàng. Trong vòng vài ngày Henry Paulson trình cho Hạ viện Mỹ 3 trang A4 bản thảo một kế hoạch sau này được giới tài chính và báo chí gọi là Kế hoạch Gỡ bỏ các Tài sản xấu (Troubled Asset Relief Plan - TARP). Trải qua hai tuần sóng gió trên cả chính trường lẫn thị trường (Dow Jones có ngày rớt 777 điểm, kỷ lục mọi thời đại), TARP cuối cùng đã được Quốc hội Mỹ thông qua với ngân sách 700 tỷ USD.
Ý định ban đầu của Henry Paulson là dùng số tiền này mua lại các tài sản xấu (toxic assets) trong hệ thống ngân hàng vì đây là lý do cơ bản gây ra cuộc khủng hoảng tài chính. Khi các ngân hàng không còn tin tưởng vào khả năng thanh khoản và thậm chí là khả năng không bị phá sản của các đối tác của mình, họ chấm dứt mọi giao dịch làm cho gần như toàn bộ thị trường tài chính bán xỉ (thị trường liên ngân hàng, thị trường tiền tệ, thị trường commercial papers...) đóng băng. Điều này vừa có ảnh hưởng xấu đến các hoạt động sản xuất kinh doanh trong nền kinh tế, vừa tiếp tục đẩy hệ thống tài chính chìm sâu vào vòng xoáy khủng hoảng.
Vậy tại sao các ngân hàng không thanh lý số tài sản xấu đó trước khi Lehman phá sản? Lý do là sau khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn (subprime mortgage crisis) nổ ra từ giữa năm 2007, rất nhiều sản phẩm tài chính liên quan đến bất động sản bị biến thành tài sản xấu vì giá thị trường sụt giảm nghiêm trọng. Các tổ chức tài chính cho rằng mức giá lúc này quá thấp so với giá trị thật vì tính thanh khoản trên thị trường đang rất thấp chứ không phải vì bản chất các tài sản này quá xấu. Do đó không ai chịu bán ra để chờ thị trường hồi phục và điều này làm việc xác định giá các tài sản này càng thêm khó khăn. Hậu quả là hành vi "thúc thủ chờ thời" này đã làm cuộc khủng hoảng nặng thêm vì bảng cân đối tài sản của các tổ chức tài chính trở nên rất rủi ro vì không ai đánh giá được, ngay cả chính bản thân công ty đó.
Henry Paulson, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, đã nhận ra điều này và đề nghị Quốc hội duyệt cho kế hoạch TARP, dùng tiền ngân sách (tiền của người đóng thuế) để mua lại các tài sản xấu trong hệ thống ngân hàng với giá cao hơn giá thị trường. Lập luận của Paulson là cần phải gỡ bỏ những tài sản xấu khỏi hệ thống ngân hàng để lập lại niềm tin cho các nhà đầu tư và bản thân các ngân hàng. Có điều chính phủ phải đứng ra mua toxic assets vì thị trường lúc này không còn hoạt động (hiệu quả). Paulson còn cho rằng chính phủ Mỹ có thể sẽ có lời từ vụ mua tài sản này vì trong tương lai khi thị trường hồi phục giá các công cụ tài chính hiện có giá thấp có thể sẽ phục hồi cao hơn.
Kế hoạch ban đầu của Paulson bị phản ứng dữ dội và Paulson đã phải chấp nhận một số thay đổi để TARP được thông qua ngày 4/10/2008. Hầu hết giới kinh tế và chính trị gia cho rằng kế hoạch này đầy rủi ro và chính phủ Mỹ (hay chính xác hơn là người dân Mỹ) có nguy cơ sẽ lỗ hàng trăm tỷ USD trong thương vụ giải cứu ngân hàng của Paulson. Hầu hết các nhà kinh tế đều nghiêng về phương án bơm thêm vốn vào các ngân hàng dưới dạng cổ phần của nhà nước (qua hình thức cổ phiếu thường hoặc cổ phiếu ưu đãi) giúp các ngân hàng có thêm vốn để có thể mạnh tay write off những toxic assets còn tồn đọng . Theo phương án này nếu các ngân hàng phục hồi và giá cổ phiếu tăng trở lại thì chính phủ sẽ được lợi, ngược lại nếu ngân hàng phá sản thì chính phủ bị lỗ nhưng những chủ sơ hữu của các ngân hàng cũng phải chia sẻ số lỗ này (ngược lại nếu TARP mua tài sản xấu sau đó bị lỗ, chỉ mình chính phủ chịu trong khi các chủ ngân hàng đã được giải cứu).
Bản TARP được Quốc hội Mỹ duyệt mặc dù vẫn cho phép Paulson mua tài sản xấu nhưng đã thòng thêm phương án bơm vốn cho các ngân hàng. Chỉ ba ngày sau khi TARP được thông qua, trong khi Paulson còn đang loay hoay thiết kế cách thức đấu thầu ngược để các ngân hàng bán lại tài sản xấu cho chính phủ, thủ tướng Anh Gordon Brown đã thực hiện bơm 200 tỷ bảng cho hệ thống ngân hàng của mình. Điều này làm dấy lên sức ép với Paulson và buộc Paulson phải chuyển sang bơm 350 tỷ USD cho hệ thống ngân hàng và tuyên bố sẽ để phần tiền còn lại (350 tỷ) cho chính phủ mới của Obama sử dụng. Đến đây vai trò của Paulson kết thúc và mọi người tập trung chú ý vào Tim Geithner, người đã chính thức được Obama chọn thay Paulson.
Trong suốt giai đoạn từ tháng 1/2009 cho đến hôm qua, bên cạnh kế hoạch kích cầu của Obama và TALF của Bernanke, giới tài chính vẫn hồi hộp đợi xem Geithner sẽ sử dụng nốt 350 tỷ TARP còn lại như thế nào. Đã có rất nhiều đề suất như dùng số tiền này để quốc hữu hóa (nationalization) các ngân hàng có nguy cơ phá sản, chia tách các ngân hàng thành hai nửa xấu và tốt, nửa xấu chính phủ sẽ bơm tiền vào để tạo cơ hội hồi phục, hay thành lập một vài ngân hàng hoàn toàn mới... Một ý tưởng quan trọng mà giới kinh tế đã nêu ra là Geithner nên khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân cùng chính phủ tham gia giải cứu cho hệ thống ngân hàng vì 350 tỷ còn lại không đủ để giải quyết hết số tài sản xấu còn tồn đọng, có những ước tính lên đến hơn 1000 tỷ USD. Điều này đã được Geithner chấp nhận và đưa vào Kế hoạch Đầu tư Liên kết Chính phủ và Tư nhân (Public Private Investment Program - PPIP) công bố sáng 23/3/2009. Tuy nhiên điểm mấu chốt của kế hoạch này vẫn là mua lại các tài sản xấu cho các ngân hàng, điều mà Paulson đã đề nghị và bị phản đối cách đây 6 tháng.
Vậy PPIP được thiết kế như thế nào? Liệu nó có giúp các ngân hàng gỡ bỏ các tài sản xấu đồng thời giảm thiểu rủi ro cho số tiền giải cứu của chính phủ? Phần tiếp theo của bài viết này sẽ lược tả PPIP và tóm tắt những điểm yếu của nó.
(Phần 2)
Cảm ơn Lê Giang về những bài viết luôn sắc sảo.
ReplyDeleteTôi rất muốn tìm các bài viết/thông tin về các gói giải pháp từ khi xẩy ra khủng hoảng của các nước như US, UK, Japan, EU, Germany, China, Australia.
Nếu anh Giang biết weblink nào xin làm ơn chỉ giùm.
Cảm ơn anh và chúc anh luôn vui khỏe.
email: hxquyen@hn.vnn.vn
@Anonymous: Cám ơn bạn đã có lời động viên. Về các nguồn thông tin, tôi thường theo dõi một số econblog nổi tiếng như Krugman, Mankiw, Calculated Risk, Naked Capitalism, Portfolio.com, Free exchange. Đây là những nguồn tin và phân tích có tính chất thời sự và ngắn gọn. Ngoài ra các blog Econbrowser, Economist's view, Brat Setser, Crisis talk, VoxEU, A Fistful of Euros là nơi có các bài viết chuyên sâu hơn.
ReplyDeleteThanks lot.
ReplyDeleteHi a Giang,
ReplyDeleteEm muốn hỏi thêm về sự kiện này:
Theo như ở đây: http://www.tuanvietnam.net/vn/tulieusuyngam/6549/index.aspx thì ngoài chương trình PPIP, the FED còn thông qua phương thức in tiền, điều này cụ thể là như thế nào? anh có thể giải thích, hoặc gửi link giúp em?
Thanks,
Tu
@Minh Tu: Anh nghi bai bao do noi ve quantitative easing (QE), la chinh sach Fed dang su dung de tang money supply khi lai suat da xuong qua thap. Gan day nhat la tuyen bo cua Fed hoi dau thang 3 se su dung $300b de mua trai phieu chinh phu dai han, day la mot phan cua QE. Anh co viet ve QE vai lan tren blog nay, em cung co the search ve QE tren mang hoac tren cac blogs anh listed o tren (sorry anh chua kip tim lai cac links cho em).
ReplyDeleteThanks a Giang,
ReplyDeleteEm có đọc qua entry này của anh rồi, giờ sẽ đọc lại và study thêm.