Saturday, November 14, 2009

A possible answer


Giá vàng trong nước tăng thì giải pháp là NHNN cho phép nhập vàng vào VN, vậy giá vàng thế giới tăng thì nhập vàng từ đâu nhỉ? Chẳng lẽ từ sao Hỏa?

Answer:

Sao hỏa mầu đỏ nên nhiều khả năng có đồng chứ không phải vàng, loại bỏ khả năng này. Vậy liệu có giải pháp nào cho giá vàng thế giới? Chẳng cần phải có giải pháp gì cả, gold standard đã lùi về dĩ vãng từ lâu. Đối với phần lớn thế giới, vàng bây giờ chỉ còn là một thứ đồ trang sức như kim cương hay đồng hồ Thụy sĩ. Liệu có ai lo cuống lên nếu ngày mai xảy ra bubble giá đồng hồ Thụy sĩ hay không? Đấy là quan điểm của Willem Buiter tôi đã trích dẫn ở đây.

Nhưng là công dân nước CHXHCN Việt nam đã từng sống qua giai đoạn "giá, lương, tiền", tôi không thể ngả về phe ngài Buiter được. Không phải chỉ có dân da vàng mũi tẹt như VN và TQ mới lo xa giấu cây với chỉ dưới cột nhà, có tin rằng thậm chí cả dân Ăng lê vốn phớt tỉnh sự đời cũng đổ xô đi mua vàng thỏi về cất dưới đệm ngủ, chắc hẳn không phải vì tính năng chữa bách bệnh như mấy cái vòng titan bán ở VN. Vậy cơ sự làm sao mà giá vàng cứ tăng như tên bắn như thế? Liệu giá vàng cao có đẩy thế giới rơi vào suy thoái hay loạn lạc hay không? Nếu có thì giải pháp nào?

Cách giải thích truyền thống mà đa số các nhà kinh tế đưa ra là liquidity của các central banks được bơm ra để cứu giới nhà băng đã đẩy asset prices, trong đó có giá vàng, lên cao hơn cả đỉnh lũ miền Trung. Trong khi đó Bộ Ngân khố Mỹ đã, đang, và sẽ nợ "như chúa chổm" nên thiên hạ chẳng còn ai tin vào tương lai của mấy tờ giấy mầu xanh xanh có cái khẩu hiệu "in gốt uy tờ rớt" nữa. Tất nhiên trừ dân VN vì dù sao mấy cái tờ xanh xanh có ảnh dăm ông trán hói đó cũng còn có tương lai hơn mấy cái tờ đo đỏ với một ông cụ râu dài. Hậu quả là các ngân hàng trung ương thế giới, mà mạnh tay nhất là Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa, ào ạt đổi đô ra vàng, giá vàng thế giới không lên mới lạ.

Đấy là official version, chắc phải giải thích được 90% tình hình giá vàng thế giới đang tăng phi mã, 9% nữa là tội đầu cơ của giới hedge funds, những kẻ không từ bỏ một mánh khóe nào để kiếm lợi. Còn 1% còn lại chẳng lẽ lại bỏ sót, thôi thì tôi tạm vẽ ra thêm một nguyên nhân nữa, ai tin thì tự chịu trách nhiệm nhé :-)

Số là, trừ những ai mang quốc tịch TQ, phần còn lại của thế giới đồng loạt cho rằng TQ phải nâng giá đồng Nhân dân tệ để kinh tế thế giới cân bằng lại. Tuy nhiên cho đến thời điểm này TQ vẫn bỏ ngoài tai những lời dọa dẫm lẫn dụ dỗ, giữ vững lập trường 6.8 từ khi cô bé Lin Miaoke lip sing trên sân vận động tổ chim hơn một năm về trước:


Như một GS đáng kính đã chỉ ra, trong khi Thống đốc Nguyễn Văn Giàu chỉ có khả năng hỗ trợ VNĐ cho đến khi $19b dự trữ ngoại tệ của VN cạn sạch, PBoC có "unlimited capacity" giữ cho đồng RMB thấp so với đồng USD. Do đó đồng USD chìm đến đâu thì đồng RMB theo đến đấy, kết quả là những đồng tiền khác "bị" lên giá so với đồng RMB và khả năng cạnh tranh hàng xuất khẩu của các nước này so với TQ không phải thiệt "đơn" mà là thiệt "kép".

Lần lượt Hàn quốc, Đài loan, Malaysia, Thailand, Ấn độ, Argentina, Brazil phải ra tay can thiệp vào thị trường ngoại hối để cố giữ khả năng cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của mình so với hàng TQ. Tất nhiên họ phải mua vào USD, một cuộc chạy đua với PBoC. Vấn đề là số USD chảy vào các tài khoản dự trữ ngoại hối đó trước kia phần lớn được biến thành trái phiếu chính phủ Mỹ, nhưng tình trạng đồng USD bấp bênh và tương lai lạm phát cao do nợ chính phủ quá lớn làm trái phiếu chính phủ Mỹ không còn là nơi trú ngụ an toàn nữa, vàng là một công cụ thay thế trong tình hình này.

Việc các CB đua nhau mua vàng làm giá vàng tăng, nhưng tác động đó không lớn bằng cái expectation của thị trường về cuộc competitive devaluation này sẽ tiếp tục kéo dài trong thời gian tới. Cho dù ai cũng biết sứ mạng lịch sử của vị tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ trong mấy ngày ở Thiên An Môn sắp tới là thuyết phục bác Hồ (Cẩm Đào) nới lỏng bớt vòng kim cô quanh đồng USD, tôi chưa thấy ai lạc quan tin rằng TQ sẽ chiều lòng Mỹ. Đây là lúc TQ phải dạy cho Mỹ một bài học.

Tóm lại ai cũng tin rằng chừng nào đồng RMB vẫn được gắn chặt với USD, thị trường vàng quốc tế sẽ tiếp tục nhân được những buy orders lớn của các CB muốn chạy đua với PBoC. Riêng với VN, dù còn khuya mới có chuyện NHNN mở hầu bao mua vàng cất kho dự trữ, cứ thỉnh thoảng bác Nguyễn Văn Giàu lại phải mở cửa biên giới nhập vàng về để thỏa mãn nhu cầu cho các công dân CHXHCN VN vốn tin vào vàng hơn bất kỳ thứ gì khác. PBoC mua vàng vì đồng RMB bị định giá quá thấp, dân VN mua vàng vì VNĐ bị định giá quá cao. Xét cho cùng chính cái misvaluation này, dù upside hay downside, gây ra cơn sốt vàng.

Như vậy, cho dù Willem Buiter đúng, giá vàng cao không trực tiếp thì cũng gián tiếp ảnh hưởng đến kinh tế thế giới thông qua international imbalances tiếp tục gia tăng. Liệu giá vàng cao có gây ra bất ổn xã hội hay không? Chưa thấy có trường hợp nào dân VN đánh nhau trước cửa các tiệm vàng để giành mua. Tuy nhiên nếu vấn đề currency misvaluation/international imbalances chưa giải quyết được, thế giới có thể sẽ chứng kiến một làn sóng protectionism trỗi dậy. Đây sẽ là tiền đề của bất ổn.

Vậy giải pháp thế nào? Chưa ai nghĩ ra được cách nào thuyết phục TQ thay đổi chính sách tỷ giá. Các sức ép ngoại giao đến nay vẫn như "nước đổ đầu vịt". Nick Rowe đề suất: Why can't Fed just buy yuan?

Have a nice weekend.

Update (17/11): Giọng điệu diều hâu càng ngày càng xuất hiện nhiều. Ambrose Evans-Pritchard của The Telegraph viết: "Washington can bring China to its knees at any time by shutting markets. There is no symmetry here. Any move by Beijing to liquidate its holdings of US Treasuries could be neutralized – in extremis – by capital controls. Well-armed sovereign states can do whatever they want. If provoked, the US has the economic depth to retreat into near autarky (with NAFTA) and retool its industries behind tariff walls – as Britain did in the 1930s under Imperial Preference. In such circumstances, China would collapse. Mao statues would be toppled by street riots."

Update (18/11): Hôm nay đến lượt Martin Wolf (Financial Times): "Did Mr Obama speak so bluntly? Probably not. Should he have? Yes, I think he should. We have spent long enough discussing China’s exchange rate policies. It is time for action."

Update (1/12): Thủ tướng TQ Wen Jiabao đáp trả: "This is unfair".

16 comments:

  1. Bài này mới đúng "chất" giangle.

    ReplyDelete
  2. Nhưng cách đây không lâu em thấy bác có vẻ không "ngại" China của anh Đào Hồ. Có phải bây giờ đã đến lúc switch idea? Better late than never. Hehe

    ReplyDelete
  3. Cháu đang đọc dở nhưng ko thể ko =)) vì cái giọng điệu bài này.

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn chú, 1% này rất giá trị .

    ReplyDelete
  5. Tôi lại không nghĩ đơn giản như Giang. Khác với Nhật, không thể dùng chiêu mà Mỹ đã dùng với Nhật vào thập niên 1990 được.

    ReplyDelete
  6. Doc cua Giang Le rat nhieu nhung khong comment vi von kien thuc it oi. Nhung qua that, bai nay qua xuya. Cam on mot cach nhin

    ReplyDelete
  7. Nhập từ Trung quốc, tưởng tượng cái cảnh cả thế giới xúm vào mua vàng TQ thì sao nhỉ? Hihi

    ReplyDelete
  8. Em xin hỏi 1 câu rất ngố là : TQ có giá đồng tiền thấp thì tốt cho xuất khẩu ra nước ngoài, nhưng sẽ tốn kém cho nhập khẩu. Trong khi đó, nền kinh tế TQ là sản xuất hàng hóa tiêu dùng, sẽ phải nhập máy móc, tài nguyên thô nhiều. Họ làm thế nào để vẫn cân bằng được nhập-xuất khẩu trong tương lai 5-10 năm nữa ?

    ReplyDelete
  9. Xin mạo muội trả lời 1 câu cũng rất ngố: Tại sao phải cân bằng xuất nhập khẩu trong vòng 5-10 năm tới? TQ giữ cán cân thương mại ở mức xuât siêu là 1 điều rất tốt cho nền kinh tế của họ đấy thôi. Đừng nhầm TQ với VN về vấn đề sản xuất và international trade nha :))

    ReplyDelete
  10. @Tám chuyện: hiện đang có một giả định rằng, chiến lược của TQ hiện nay là sẽ đầu tư mạnh ra bên ngoài thế giới, sử dụng nguồn tài nguyên offshore, làm chậm lại tốc độ khai thác trong domestic. Để trong tương lai, TQ là nước có nguồn tài nguyên mạnh nhất thế giới khà khà ;)
    Bài này của thầy đọc hay quá, sắp tới em sẽ thuyết trình về đồng USD hiện nay, đây là những giả định rất value cho em. Em thích nhất câu: liệu anh da đen sẽ nói gì với bác Hồ =)

    ReplyDelete
  11. Bác Giang đã chuẩn bị đăng bài này ở đâu chưa ạ?

    À, thị trường future vàng có liquid không bác, đợt này tình hình so với giá vàng hiện tại thế nào ạ?

    ReplyDelete
  12. Hôm qua tại Singapore TQ đã tuyên bố là sẽ tăng đồng Yuan rồi. Xem ra cuộc chiến đồng USD và đồng Yuan đã đến hồi kết cục. Và có lẽ, dự trữ của TQ cũng cạn rồi. Với TQ không thể dùng sách lược như đã từng dùng với Nhật ở thập niên 1990 được đâu. Và Mỹ cũng không muốn dùng sách lược dạy dỗ đồng minh với kẻ thù đồng sàng dị mộng được.

    Tôi cho rằng, rồi nền kinh tế TQ sẽ tan như bọt bong bóng xà phòng trong vòng 1 thập niên tới. Và lúc đó, có thể VN đãn tan chảy trước.

    ReplyDelete
  13. @All: Cám ơn bác bạn đã đọc và góp ý. Entry này có mục đích giúp các bạn "thư giãn" cuối tuần dù vẫn phải nhớ đến một vấn đề kinh tế "nhức đầu" :-)

    Ở cuối bài tôi không nói rõ về giải pháp, một phần vì muốn để các bạn suy ngẫm, một phần vì lúc đó buồn ngủ quá. Theo tôi, đề suất mà Nick Rowe đưa ra, rồi giải pháp đưa ra WTO của Simon Johnson, hay cách signal cho TQ thấy quyết tâm của Mỹ qua vụ đánh thuế vào lốp xe hơi của TQ, cho thấy một xu hướng rất đáng ngại.

    Đó là đối mặt với TQ cố tình như bịt tai trước những lời kêu gọi "có tình có lý" của phương Tây, dường như giải pháp confrontation đang được tính tới. Nghĩa là phương Tây sẽ cứng rắn hơn với TQ, đi ngược lại với nguyên tắc thị trường và free trade của mình để giải quyết vấn đề international imbalances. Nếu vậy trade war rất có thể xảy ra và hậu quả là căng thẳng quốc tế gia tăng và nhiều hình thức conflict khác sẽ xuất hiện.

    Tôi cũng đồng ý với BS Hồ Hải là kinh tế TQ có rất nhiều bubble và rủi ro, do đó một khi TQ không nhượng bộ phương Tây về vấn đề tỷ giá RMB, khả năng lớn kinh tế TQ sẽ bị khủng hoảng nếu phương Tây có biện pháp cứng rắn. Mặc dừ TQ đã "mềm" hơn trong tuyên bố sau APEC, còn phải đợi kết quả chuyến thăm của Obama xem đã. Nhưng dù sao tôi cũng không hi vọng lắm vào "thiện chí" của TQ. WSJ hôm nay cũng có một bài không lạc quan lắm về APEC vừa rồi.

    @Tám chuyện: Một số bạn đã trả lời câu hỏi của bạn rồi. Tôi chỉ bổ sung thêm là chính sách giữ tỷ giá đồng RMB thấp của TQ đồng hành với chính sách lao động giữ tiền lương thấp mà tôi đã đề cập đến ở đây. Tỷ giá RMB thấp nên các nguyên liệu đầu vào nhập khẩu đắt, nhưng vì nhân công rẻ nên giới corporate vẫn có lợi nhuận cao và có nhiều saving để đầu tư, do đó giữ tốc độ tăng trưởng cao.

    @Đỗ Quốc Anh: Bài này chỉ exclusive trên blog thôi :-)

    Gold futures và gold ETF rất liquid, nhưng không giải quyết được vấn đề giá vàng vì supply rất inelastic. Vì carry cost của gold thấp nên futures prices track spot price rất chặt (dễ arbitrage). Nhưng điều này không có nghĩa là market price không thể bị manipulation. Tôi không theo dõi thị trường gold nhưng không thấy ai report có anomalies gì trong gold futures market cả.

    ReplyDelete
  14. Bác Giang ơi, em có một giả thuyết thế này. Vàng dù sao cũng còn được sử dụng với giá trị tiêu dùng nữa (điển hình là Ấn Độ). Demand vàng để tiêu dùng vẫn hoạt động như một thị trường bình thường, và em nghĩ là price elasticity cũng tương đối cao; tức là khi tăng giá thì người dân sẽ chỉnh lại demand của mình. Có thể trong ngắn hạn điều này chưa ảnh hưởng lên giá vàng, và trong ngắn hạn thì yếu tố speculation vẫn rất mạnh. Nhưng đợi một thời gian nữa thì giá vàng có thể lùi lại vì demand tiêu dùng tự điều chỉnh, và điều này không phụ thuộc vào demand vàng để dự trữ như bác nói ở trên. Nếu hiện tượng này có ảnh hưởng nhiều đến giá vàng, thì nhiều khả năng là market sẽ nhận ra, và sẽ có một khoảng chênh lệch giữa giá vàng future với giá vàng hiện tại (ngoài yếu tố inflation).

    Đây cũng chỉ là một giả thuyết thôi, em không biết thị trường nhận định thế nào về phần demand vàng cho tiêu dùng. Có thể là rất inelastic, khi đó hiện tượng em nói không đáng quan tâm.

    ReplyDelete
  15. @Đỗ Quốc Anh: Chắc demand elasticity của nữ trang rất elastic như QA đoán. Có điều mình cho rằng phần consumption demand thực sự không nhiều, chủ yếu vẫn là investment demand (mua nhẫn, dây chuyền vàng để đầu tư). Cho nên khả năng giá vàng bị bubble vẫn rất cao.

    Riêng thị trường Ấn độ, có lẽ những người nghiên cứu về giá vàng cần quan tâm hơn vì consumption demand có thể đã tăng mạnh trong thời gian gần đây khi kinh tế Ấn độ tăng trưởng tốt. Nhưng chắc đến một giai đoạn nào đó consumption demand cũng sẽ bị bão hòa, một phần vì stock (of jewelery) đạt đến giới hạn, một phần vì life style change.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.