PTT Hoàng Trung Hải nói rằng vụ lũ lụt vừa qua sau hai cơn bão số 9 và 11 ở miền Trung là do biến đổi khí hậu. Ông cho biết đã cho thanh tra quá trình xả lũ của hai nhà máy thủy điện A Vương và Ba Hạ và kết luận những nhà máy này đã "xả lũ đúng qui trình".
Chắc chắn những qui trình này không do các nhà máy thủy điện tự đề ra mà phải do một cơ quan chính phủ qui định, nhiều khả năng phải được ông Hải ký duyệt. Có lẽ vì vậy ông kết luận rằng họ làm "đúng qui trình" nhưng không đả động gì tới việc qui trình có đúng hay không. Như đã nói trong entry trước, qui trình xả lũ phải được tính toán với số liệu thời tiết trong lịch sử. Số liệu này có thể đã thay đổi vì biến đổi khí hậu như ông Hải tuyên bố, tuy nhiên liệu nó có biến đổi nhanh đến như vậy hay không? Chẳng lẽ vấn đề 70% lưu vực của sông ngòi miền Trung nằm bên Lào không được phản ánh trong số liệu lịch sử? Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, tại sao chỉ có VN và chỉ có miền Trung bị tác động đến độ qui trình xả lũ không còn phù hợp dẫn đến chết dân? Tôi nghi ngờ khả năng số liệu đã biến đổi và cho rằng qui trình bị thiết kế sai.
Ngay cả nếu thực sự qui trình đã lạc hậu vì biến đổi khí hậu làm sai số liệu, tại sao ông Hải không chỉ đạo xây dựng lại một qui trình mới an toàn hơn? Nếu tuần tới thêm một cơn bão nữa đổ vào miền Trung liệu ông Hải sẽ tiếp tục cử cán bộ đi giám sát các nhà máy thủy điện bắt họ xả lũ đúng qui trình hay ông sẽ xem lại qui trình xả lũ? Trong entry trước tôi cho rằng các qui trình không nên và không cần phải đối phó với black swan events, đấy là việc của bảo hiểm. Nhưng nếu đã nghi ngờ hay có bằng chứng qui trình không còn phù hợp nữa (vì biến đổi khí hậu) thì phải nhanh chóng điều chỉnh lại qui trình, trừ khi những người quản lý có black swan về mặt nhận thức.
Update (12/11): Một bài viết về phát biểu của PTT Hoàng Trung Hải của PPL, đăng trên blog Nguyễn Văn Tuấn.
Update (20/11): Không chỉ có PTT Hoàng Trung Hải, TT Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần gây ra những thiệt hại trong hai cơn bão vừa qua ở miền Trung. Tuy nhiên khác với PTT, TT Nguyễn Tấn Dũng đã yêu cầu ra soát lại qui hoạch và các công trình thủy điện, trong đó có các qui trình vận hành (xả lũ). Mặc dù tôi hoan nghênh việc rà soát lại này, tôi cho rằng không nên đổ lỗi cho biến đổi khí hậu. Cần phải xem xét các nguyên nhân chủ quan như một số comment bên dưới đã nêu ra (các tỉnh quản lý rừng kém, số liệu dòng chảy ở các vùng sâu vùng xa không đầy đủ). Đặc biệt phải đánh giá lại thật cẩn thận tác động của việc xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ vào môi trường.
Update (17/5/10): Theo tác giả Tấn Đức, các công trình thủy điện không những không giúp chống lũ (nhiều khả năng còn làm lũ nặng thêm) mà còn không giúp gì cho việc điều tiết tưới tiêu trong mùa khô. Tôi càng ngày càng tin rằng thiết kế/qui hoạch các nhà máy thủy điện của miền Trung có vấn đề.
Cảm ơn anh Giang đã lập blog này với nhiều bài viết hay và bổ ích. Em xin chia sẽ một chút kiến thức về thủy điện mà em biết.
ReplyDeleteTheo hiểu biết của em thì quy tắc xả lũ của các đập thủy điện nói chung như sau:
Khi có dự báo sắp có lũ, các thủy điện phải xả bớt nước trong hồ chứa (qua cửa xả lũ) để chuẩn bị đón lũ (1). Khi lũ về thì nước lũ sẽ được chứa một phần vào hồ và một phần sẽ xả xuống hạ lưu. Như vậy thủy điện đã lưu lại một lượng nước lũ vào hồ và xả xuống hạ lưu sau khi cơn lũ đã đi qua. Đây là chức năng điều tiết lũ của thủy điện.
Các nhà máy thủy điện phải nộp quy trình xả lũ cho cơ quan chức năng trước khi vận hành và trong quá trình vận hành thì luôn phải thực hiện xả lũ theo quy trình này.
Nhưng lượng nước xả ở (1) này không đi qua máy phát điện. Do đó nếu không có lũ như dự báo thì nhà máy thủy điện đã phung phí một lượng nước mà đáng lẽ ra được dùng để phát điện. Do đó có thể xảy ra khả năng các thủy điện sợ giảm doanh thu (do không có lũ như dự báo) nên họ đã không xả nước trước khi có lũ. Đến khi có lũ chảy về đập thủy điện thì họ lại SỢ vỡ đập. Nên có thể họ vừa xả bớt nước trong hồ như (1) và vừa xả toàn bộ nước về hồ làm lũ ở hạ lưu lớn hơn lũ thực tế (2). Thực tế như thế nào thì chỉ có người trong cuộc mới biết.
Sans souci.
Về nguyên tắc thiết kế đập thủy điện:
ReplyDeleteĐập thủy điện được thiết kế để có thể chịu đựng được cơn lũ với tần suất xuất hiện P%. P phụ thuộc vào quy mô công trình và mức độ quan trọng của công trình và P đã được quy định trong tiêu chuẩn thiết kế. Với các thủy điện nhỏ, thông thường P=1%. Tức là 100 năm mới xuất hiện 1 con lũ có lưu lượng nước chảy về hồ chứa lớn như lũ thiết kế. Và P được xác định dựa vào số liệu thống kê lịch sử.
Như vậy thủy điện có khả năng xả lũ ứng với cơn lũ có tần suất P, thường là 1%. Như vậy nếu con lũ vừa qua nhỏ hơn lũ thiết kế thì họ có thể xả toàn bộ nước lũ qua cửa xả lũ. Như vậy lượng nước về hồ và lượng nước họ xả ra là như nhau. Như vậy trong trường hợp này thủy điện không đóng vai trò điều tiết lũ, và không ảnh hưởng đến mực nước lũ. (3)
Nhưng vừa qua có tin là thủy điện xả lũ trong khi lũ về nên có thể họ đã làm như ở (2) vì họ sợ vỡ đập. Nhưng nếu họ chỉ xả đúng lượng nước lũ như ở (3)thì sẽ vẫn an toàn và lượng nước lũ ở hạ lưu sẽ không cao như khi họ làm theo (2).
Hy vọng các cơ quan quản lý sẽ điều tra việc xả lũ vừa qua. Nếu vấn đề xả lũ là sai so với quy trình đã được xác định thì nhà máy thủy điện cần phải bồi thường cho người dân đã phải chịu cơn lũ mà đáng lẽ họ không phải chịu.
Sans souci.
@Sans souci: Cám ơn bạn đã cung cấp thông tin. Như đã nói ở trên, tôi nghi ngờ con số P% mà các qui trình xả lũ đã dựa vào để xây dựng. Nếu P bị tính sai, ví dụ không tính đến yếu tố 70% lưu vực sông ngòi ở miền Trung nằm bên Lào như ông Hoàng Trung Hải cho biết, thì khả năng các thủy điện sẽ tiếp tục gây ngập lụt chết dân là rất lớn.
ReplyDeleteKhả năng thứ hai là P bị sai vì biến đổi khí hậu làm historical statistics không còn đúng nữa (tôi nghi ngờ khả năng này). Nhưng cho dù tại biến đổi khí hậu thì cũng phải tính lại P và xây dựng lại các qui trình xả lũ. Toi e rằng nếu làm việc này có khả năng các nhà máy thủy điện miền Trung sẽ không còn hiệu quả kinh tế nữa vì phải dành phần nhiều capacity của hồ chứa để phòng lũ. Liệu Bộ Công thương có chấp nhận những nhà máy này sẽ bị lỗ hay không?
Tôi biết một số nhà máy thủy điện ở miền Trung đã được cổ phần hóa. Liệu những cổ đông lớn của những nhà máy đó có lobby để giữ lại những qui trình xả lũ dựa trên con số P lạc hậu kia hay không?
Về số P%:
ReplyDeleteSố P% trong thiết kế thủy điện là tần suất lưu lượng nước chảy vào hồ chứa,không phải là lượng mưa. Số liệu để xác định P chính xác nhất là dựa vào trạm đo lưu lượng dòng chảy ở gần hồ chứa. Nhưng thực tế thì các thủy điện thường xây ở vùng sâu, vùng xa nên hầu như không có số liệu đo đạc. Do đó khi thiết kế sẽ phải dùng các phương pháp khác để xác định P. Ví dụ dùng một lưu vực sông có các đặc điểm tương tự, dùng mô hình toán, mô hình vật lý...v.v.
Nói chung, do thủy điện luôn được xây ở đầu nguồn, thuộc vùng sâu vùng xa nên hầu như không có số liệu thống kê đầy đủ. Điều này thì không chỉ VN mà em nghĩ cả các nước khác cũng thế thôi. Tất nhiên không thể phủ nhận là Vn rất thiếu các dữ liệu thống kê.
Do đó dùng các phương pháp trên để xác định P tất nhiên là có sai số nhưng trong phạm vi chấp nhận được. Và hiện nay trên thế giới họ cũng chỉ dùng các cách đó mà thôi.
Về vấn đề lưu vực sông:
ReplyDeleteChắc chắn khi thiết kế các cty tư vấn phải tính đến lưu vực ở Lào. Nếu không có số liệu ở phía Lào thì có thể dùng nhiều cách để giải quyết. Ví dụ: sử dụng số liệu đo ở hạ lưu (có thể cách xa hồ chứa). Sau đó tính toán phần không chảy vào hồ chứa. Từ đó sẽ tính được lượng nước chảy vào hồ chứa.
Như đã nói ở trên, vấn đề quan tâm là lưu lượng nước của dòng sông. Nên vấn đề mưa ở Lào đã được phản ánh qua số liệu đo lưu lượng dòng sông ở hạ lưu.
Hơn nữa, nếu không tính lưu vực sông ở Lào thì thủy điện sẽ nhỏ -> chi phí đầu tư ít -> tiền tư vấn ít. Cái này thì không đơn vị tư vấn nào thích, mà chủ đầu tư cũng không thích :).
Vậy nên nhiều khả năng là vấn đề 70% lưu vực sông ở Lào không phải là nguyên nhân gây lũ lụt.
Nếu tính lại P:
ReplyDeleteNếu P bị tính sai, và tính lại được giá trị P1. Vấn đề lúc này sẽ là an toàn thủy điện. Nếu khả năng xả lũ của thủy điện không đáp ứng được yêu cầu tương ứng với P1 thì nguy cơ vỡ đập khi lũ về là rất cao. Lúc này chỉ còn cách cầu nguyện cho người dân ở hạ lưu con đập.
Trong khi đó, do tính toán lại thì lượng nước về hồ lớn hơn nên sản lượng điện sẽ tăng so với tính toán.
Như vậy nếu lưu lượng nước về hồ chứa lớn hơn tính toán thì rủi ro vỡ đập tăng lên nhưng lợi nhuận của nhà đầu tư cũng tăng lên tương ứng.
Sans souci.
@Sans souci: Cám ơn bạn đã tiếp tục làm rõ những vấn đề kỹ thuật. Vấn đề 70% lưu vực ở Lào tôi nhắc đến với sarcasm mà, ông Hải đưa ra lý do đó (và biến đổi khí hậu) tôi cho rằng chỉ làm những người trong giới chuyên môn như bạn lắc đầu.
ReplyDeleteTôi không nghĩ nếu tính lại P1>P sẽ làm lợi nhuận tăng. Trong trường hợp xác định được xác suất lũ lớn cao hơn dự báo trước kia thì Bộ Công thương phải thay đổi qui trình xả lũ, buộc các nhà máy thủy điện phải giảm lượng nước tích trong hồ ngay trước mùa mưa. Như vậy nếu gặp năm mưa ít thì thủy điện sẽ không có nước phát điện, nghĩa là sẽ thất thu. Tôi nghĩ owners của các nhà máy thủy điện không muốn điều này.
Việc VN thiếu số liệu thống kê ở tất cả mọi ngành là điều có thể hiểu được. Nhưng như vậy khi sử dụng số ước lượng (dùng simulation, cross section) phải rất thận trọng và phải nâng hệ số an toàn lên cao hơn so với trường hợp có hard data. Và quan trọng là nếu đã có dấu hiệu các tính toán trước đây sai thì phải tìm cách sửa, chứ không phải khẳng định một câu chắc nịch ngập lụt không phải do các nhà máy thủy điện xả lũ.
Em xin lỗi đã nhầm lẫn một tý,
ReplyDeleteNếu tính lại mà P1>P thì doanh thu tăng so với tính toán ban đầu. Còn khi thay đổi phương án xả lũ như anh Giang nói thì doanh thu sẽ giảm so với hiện tại.
Vấn đề anh Giang nêu thì hiện báo chí và các đơn vị liên quan cũng đang tranh luận trên các khía cạnh sau:
ReplyDeleteThứ nhất là nhiều vùng không nằm trong khu vực xả lũ của các nhà máy thuỷ điện cũng có mức lũ dâng rất cao và bị thiệt hại nặng. Điển hình là các huyện phía bắc của Phú yên nằm ngoài khu vực xả lũ thuỷ điện chết khoảng 70 người vì lũ tự nhiên của khu vực đó, trong khi Thành phố Tuy hoà và các huyện trong khu vực xả lũ chết khoảng 10 người. Ở cơn bão trước đó khu vực TP Kontum, Dakrong - Quảng trị cũng có lũ dâng rất cao dù không có thuỷ điện xả lũ (hai khu vực này có nhà máy thuỷ điện đang xây dựng. Đó là chưa kể Quảng Ngãi cũng thiệt hại nặng nhưng chưa rõ tỷ lệ do bão và do lũ gây ra.
Thứ hai là khả năng cắt lũ của các nhà máy thuỷ điện khu vực này nhỏ (trang www.vncold.vn có số liệu của các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi ở VN). Ví dụ như A Vương có công suất 210MW, hồ rộng 10km2, chứa khoảng 340 triệu m3, thể tích dùng cắt lũ khoảng 150 triệu m3. Có thể so sánh với thuỷ điện Thác Bà được coi là thành công trong hạn chế lũ lụt hạ lưu sông Chảy: công suất 120MW (bằng 1/2 AVương), hồ rộng 235 km2 (gấp 20 lần), chứa 2.4 tỷ M3 (7 lần), thể tích dùng cắt lũ trên 1,2 tỷ m3 (8lần). Như vậy nếu muốn tăng khả năng chống lũ của A Vương thì phải tăng diện tích hồ chứa lên nhiều lần dẫn đến tăng giải phóng mặt bằng và số dân cần tái định cư, chưa kể về mặt địa hình có cho phép thiết kế hồ chứa lớn hơn nữa không. Cho nên dù A Vương có làm đúng quy trình thì chỉ hạn chế được phần nào lũ ở vùng hạ lưu.
Liệu không có A Vương thì vùng hạ lưu sẽ không bị ngập như vừa rồi không?
Thứ ba là theo quan điểm cá nhân tôi thì dường như các tỉnh bị thiệt hại vừa rồi đã đẩy trách nhiệm cho thuỷ điện để tránh thực tế là quản lý rừng không tốt, cấp quá nhiều đất các dự án cao su, trồng nguyên liệu giấy nên dẫn đến khả năng chống lũ tự nhiên giảm
@Anonymous: Cám ơn bác đã góp ý và cung cấp thông tin. Tôi hoàn toàn không loại trừ khả năng có các nguyên nhân chủ quan khác gân ra vụ thiệt hại vừa rồi (địa phương bất cập, dự báo sai, dân chủ quan...). Tuy nhiên tôi không đồng ý với ông Hoàng Trung Hải khi cho rằng các thủy điện không có lỗi vì họ xả lũ đúng qui trình.
ReplyDeleteĐiều quan trọng nhất tôi muốn nêu ra là các qui trình có thể sai, vì tính toán sai hoặc vì dữ liệu đã thay đổi. Như vậy trách nhiệm của ông Hải là phải rà soát lại các qui trình đó và có điều chỉnh nếu thấy cần thiết. Ông Hải không đề cập gì đến vấn đề này và khẳng định rằng "Ai bảo thủy điện xả lũ làm chết dân?", một câu rất trịch thượng và coi thường người đối thoại.
đừng nhân danh hiểu biết kỹ thuật ở đây làm gì. Chỉ cần đưa 2 con số là: số người chết vì lũ những năm trước và sau khi có nhà máy thủy điện là được
ReplyDeleteCác anh cần lưu ý thêm một đối tượng quan trọng là các hồ thủy lợi trên địa bàn. Ví dụ hồ Bình Định khá lớn (dung tích trên 200 triệu m3) mà báo chí đã nhắc tới. Ngoài ra còn nhiều hồ lớn nhỏ khác nữa. Đội ngũ nhân sự và quy trình vận hành của hồ thủy lợi thì khá lỏng lẻo vì không có kinh phí/người (các công ty thủy nông đều là bao cấp không có nguồn thu, không phải đơn vị kinh doanh như thủy điện). Xem lại bài về vụ xả hồ Vì Dân ở Bình Dương làm cả thị trấn Mỹ Phước ngập sâu sau 1 đêm thì thấy rất buồn cười là 1 ông bảo vệ kiêm trực hồ đã mở cửa xả trong đêm do người dân xung quanh hồ thấy làm áp lực do nước lên ngập nhà của họ.
ReplyDeleteEm cũng bình luận thêm (dù không có số liệu) là theo em biết các hồ thủy điện/thủy lợi miền Trung đều được thiết kế trên cơ sở chống hạn/thiếu nước là chính, cũng như mọi người đều quan niệm là miền Trung khô hạn thiếu nước gió Lào cát trắng... Thực tế đúng như vậy, khu vực miền Trung phần nhiều thời gian là thiếu nước cho sản xuất và sinh hoạt, chắc số liệu lịch sử cũng minh chứng cho điều này. Chỉ vài chục năm gần đây (sau 1975) là có hiện tượng lũ lớn xuất hiện nhiều, một phần là do biến đổi khí hậu, nhưng quan trọng hơn là do phá rừng. Hơn nữa, địa hình khu vực này hẹp và dốc, vì thế các hồ thiết kế không thể lớn như hồ Thác Bà hay các hồ khác ngoài Bắc có chức năng chống lũ hạ du. Hồ bé tí như vậy thì để giữ nước và chống hạn là chính, ngay cả nhiệm vụ này cũng không dễ làm ở quy mô lớn cả. Xét về kinh tế thì đầu tư thủy điện/thủy lợi khu vực này sẽ có hiệu suất thấp hơn làm ở miền Bắc nhiều.