Tuesday, November 17, 2009

Usury


Mấy hôm nay đọc báo thấy QH đang bàn thảo về luật NHNN, nổi bật nhất là vấn đề có bỏ hay không qui định về lãi suất cơ bản. Thực ra việc thực thi chính sách tiền tệ thông qua điều hành một loại lãi suất nào đó là cách phổ thông nhất trên thế giới. Tên gọi và tính chất của loại lãi suất này khác nhau ở mỗi nước (vd Fed funds rate ở Mỹ, Cash rate ở Úc, Bank rate ở Anh, Refi rate ở EMU...). Dự thảo luật NHNN (chắc do NHNN soạn thảo) cũng có nói sẽ sử dụng một số loại lãi suất để chi phối lãi suất thị trường, tuy không nói cụ thể là lãi suất gì trừ có nhắc đến lãi suất tái cấp vốn. Theo tôi đây là một thiếu xót của dự luật này. Đúng ra luật NHNN phải qui định rõ lãi suất mục tiêu của NHNN là lãi suất nào, tên gọi là gì, áp dụng trong thị trường nào, ai là người điều chỉnh, qui trình điều chỉnh ra sao. Đây là một vấn đề hệ trọng và tôi sẽ bàn vào dịp khác.

Mặc dù có thiếu xót sót như vậy, dự thảo luật NHNN có đề cập đến công cụ lãi suất. Nếu coi lãi suất cơ bản là lãi suất công cụ của chính sách tiền tệ thì thực ra dự thảo này không bỏ lãi suất cơ bản, nó chỉ không gọi tên lãi suất đó là lãi suất cơ bản mà thôi, không như một số đại biểu quốc hội hiểu nhầm là NHNN cố tình bỏ lãi suất cơ bản và sẽ không còn công cụ điều hành chính sách tiền tệ. Lý do mà NHNN đã cố tình lờ đi cái tên "lãi suất cơ bản" lại không nằm trong luật NHNN mà nằm trong luật Dân sự. Điều 476 của Luật Dân sự qui định không ai được phép cho vay vượt quá 150% (gấp rưỡi) lãi suất cơ bản, mục đích là để chống lại tình trạng cho vay nặng lãi.

Thực ra nếu để có lãi suất tham chiếu cho việc chống cho vay nặng lãi thì Luật Dân sự có thể dựa vào lãi suất cho vay trung bình trên thị trường liên ngân hàng hay lãi suất tiền gửi trung bình của một số ngân hàng thương mại lớn. Cách này vừa thuận lợi hơn vì lãi suất tham chiếu phản ánh kịp thời và chính xác hơn mặt bằng lãi suất trên thị trường vừa không bị lệ thuộc vào một cái tên gọi mà NHNN có thể thay đổi trong tương lai. Tôi chưa tìm hiểu kỹ nhưng cho rằng những nước có luật chống cho vay nặng lãi (usury) cũng dùng cách tính trung bình như vậy.

Một điểm nữa cần xem xét là liệu cái trần 150% của Điều 476 Luật Dân sự có phù hợp hay không, dù là so với "lãi suất cơ bản" hay lãi suất cho vay trung bình trên thị trường. Hiện tại Fed Funds Rate của Mỹ đang là 0.25%, lãi suất (yield) của trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 3 tháng là 0.27%, lãi suất cho thời hạn 10 năm là 3.4%, thời hạn 30 năm là 4.2%. Như vậy các mức lãi suất cho các thời hạn khác nhau vượt xa giới hạn 150%. Nếu xét lãi suất cho vay địa ốc dài hạn hay lãi suất trái phiếu công ty thì chênh lệch với Fed Fund Rate còn cao hơn nữa. Như vậy nếu Mỹ cũng áp dụng qui định giới hạn 150% lãi suất cơ bản như Luật Dân sự VN thì thị trường tài chính Mỹ sẽ đóng băng. Không chỉ có Mỹ, có lẽ toàn bộ thị trường tài chính thế giới sẽ không vận hành được trong một giới hạn cứng nhắc như vậy.

Bởi vậy, dù ý định ngăn ngừa cho vay nặng lãi là rất cần thiết, nhất là trong hoàn cảnh VN, nhưng Điều 476 Luật Dân sự cần có sự sửa đổi để qui định này không trở thành một rào cản cho việc vận hành và phát triển lành mạnh thị trường tài chính. Việc sửa đổi phải tính đến thực tế của thị trường và không nên quá cứng nhắc theo một con số hay một tên gọi nào đó. Trong khi nghiên cứu phương án sửa đổi, QH nên tăng giới hạn 150% lên, ít nhất cũng là 250% như NHNN đã từng đề nghị. Đây không phải là vì quyền lợi của giới ngân hàng mà là quyền lợi của toàn bộ nền kinh tế.


12 comments:

  1. bài viết rất có giá trị
    Thanks Doctor Lê Giang.
    thangndt

    ReplyDelete
  2. Xin được đính chính một chút ạ : "thiếu sót" chứ không phải "thiếu xót". Em là một kíên trúc sư đã đi làm được 7 năm. Gần đây em bắt đầu tìm hiểu những kiến thức về kinh tế. Em theo dõi blog của anh hơn 1 năm nay và cảm thấy thu được rất nhiều điều bổ ích dù không phải bài viết nào em cũng hiểu hết do em là dân kỹ thuật. Xin cảm ơn anh và gửi lời chúc tốt đẹp đến anh nhân ngày 20/11.
    Ths.KTS Nguyen Dinh Phong

    ReplyDelete
  3. Ngân hàng Việt Nam đâu có chuyện đơn giản là cho vay với lãi sất qui đ5inh đâu Giang? Ngoài lãi suất qui định còn "phí ngoài luồng" lót tay nữa. Dù dự án có đủ tiêu chẩun được vay. Nên ý tưởng của Giang là hay nhưng chưa chắc đã hay ở Việt Nam. Ai có đi vay số tiền lớn và dài hạn mới thấy hết gian nan với những phí noài luồng lót tay. Vay nho nhỏ thì chẳng có sao. Nhưng vay lớn là một bài tón nhức óc đấy.

    ReplyDelete
  4. Em không nghĩ là điều luật cấm cho vay nặng lãi cần thiết ở Việt Nam dưới bất kỳ hình thức nào, ở bất cứ mức trần nào. Luật này nếu có tác dụng bảo vệ người cho vay chống độc quyền, thì cũng chỉ có ích trong trường hợp người nghèo ở vùng quê nghèo chỉ có rất ít lender. Mà trong trường hợp này thì luật không có tác dụng, vì người nghèo không có điều kiện để đi kiện. Trên thực tế, dù có luật, ở những vùng nghèo thì người nghèo vẫn phải vay nóng những khoản vài phần trăm mỗi tuần, mỗi ngày: tính theo lãi suất năm thì gấp đến hàng trăm triệu lần lãi suất cơ bản (lúc trước em đã check trên VHLSS). Luật này tựu chung chỉ có tác hại là bóp méo thị trường vốn, gia tăng hiện tượng thiếu vốn cho vay (credit rationing).

    ReplyDelete
  5. Thực tế ở VN khác xa với luật định!

    ReplyDelete
  6. Một vấn đề theo em cần phải nói thêm là cách QH diến giải luật pháp nhiều lúc thiên về chữ nghĩa mà quên đi mất mục đích tối hậu của luật pháp. Đứng trên quan điểm cá nhân, luật chống cho vay nặng lãi là để ngăn ngừa, răn đe những hệ qủa xấu của nó như là cưỡng ép, xiết nợ vv.vv. Tuy quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là quan hệ dân sự nhưng hoạt động của ngân hàng chịu sự điều khiển của luật các tổ chức tín dụng cũng như giám sát của NHNN. Do đó, đánh đồng giao dịch của ngân hàng với các giao dịch khác như cho vay nặng lãi ở chợ Đồng Xuân thì là điều không hợp lý một chút nào.
    Trần lãi suất cơ bản như là price ceiling trong kinh tế, sẽ là giảm tính hiệu quả của hệ thống tài chính và tạo ra dead weight loss. NHNN có thực tâm muốn gỡ bỏ điều này cũng khó vì QH có vẻ như đã mất lòng tin vào khả năng điều hành của thống đốc NHNN.

    ReplyDelete
  7. Liên quan đến vấn đề USD, em vẫn còn vài thắc mắc mong thầy giải đáp:
    1/ Giả định là USD sẽ thoái vị, chắc chắn là sẽ còn một độ trễ cho khi đó, như vậy IMS (international monetary system)theo thầy sẽ thay đổi thế nào, liệu có khả năng quay lại chế độ bản vị vào một thứ nào đó (vd SDR), vì em thấy đại suy thoái 1929 là tiền đề để các nước quyết dịnh theo bản vị vàng và trường phái fix exchange rate.
    2/ Với tình hình như vậy, USD sẽ yếu đi hay USD mạnh lên (vì vẫn có lợi cho các nước XK), hiệu ứng nào sẽ mạnh hơn trong năm 2010. Nếu USD yếu đi, VND fix theo USD cũng mất giá nhiều so với các ngoại tệ khác, phải chăng có lợi hơn cho XK của VN. Nếu VND yếu đi, FDI theo em sẽ vào chậm hơn vì họ đổi ra VND đầu tư, sau nay quy đổi thu hồi vốn sẽ bất lợi. Vậy cùng lúc có lợi và hại cho VN, em chưa hiểu hiệu ứng nào sẽ mạnh hơn.
    T5 này em sẽ thuyết trình về đề tài này. Có gì thầy giải đáp sớm giúp em biết :D

    ReplyDelete
  8. @All: Cám ơn các bạn đã góp ý và sửa lỗi chính tả nữa, hi vọng trình độ viết tiếng Việt của tôi sẽ được cải thiện :-)

    @BS Hồ Hải, X30: Tôi cũng biết thực tế của VN khác nhiều so với luật định. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không cần sửa những điều không hợp lý trong luật.

    Hai bác có thể cho biết bây giờ đi vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần có còn phải lại quả/phong bì cho nhân viên tín dụng nữa hay không? Ngày xưa vay ở các ngân hàng quốc doanh thì đây là chuyện thường tình, nhưng chẳng lẽ các ngân hàng tư nhân vẫn vậy?

    @Đỗ Quốc Anh, Anonymous (Nov 17, 8:03AM): Đúng là đặt ra luật chống cho vay nặng lãi cũng không thể ngăn ngừa được tình trạng này, nhất là ở nông thôn. Tuy nhiên về mặt ý định thì tốt và chưa hẵn sẽ làm méo mó thị trường tín dụng nếu được design cẩn thận và phù hợp với thực tế.

    Về mặt politics, một khi đã có điều khoản này trong luật thì khó có thể dỡ bỏ nó. Khả năng hiện thực nhất là tăng giới hạn như NHNN đã từng đề nghị.

    @vietforward:

    1. Nếu các nước có thể thỏa thuận thiết lập một IMS mới với một nominal anchor dạng như SRD thì sẽ tối ưu. Tuy nhiên rất khó đạt được đồng thuận, đặc biệt khi hiện tại không còn nước nào co hegemony power như Mỹ sau WWII. Khả năng lớn hơn là vai trò reserve currency sẽ dịch chuyển dần sang một số đồng tiền khác ngoài USD.

    2. Nếu USD mất dần vai trò reserve currency thì đồng USD sẽ phải yếu đi để Mỹ cân bằng lại international balances. Nếu VNĐ fixed với USD, đầu tư từ Mỹ hoặc bằng USD vào VN sẽ không bị ảnh hưởng. Còn nếu USD yếu đi thì các nhà đầu tư bên ngoài có rất nhiều công cụ để hedge rủi ro này.

    Riêng với FDI, quyết định đầu tư ít bị ảnh hưởng bởi rủi ro tỷ giá. Một dự án FDI có thời hạn hàng chục năm thì vấn đề cashflow quan trọng hơn nhiều số tiền bỏ ra ban đầu. Nếu có tính tới vấn đề tỷ giá thì là rủi ro tỷ giá hiện tại đang bị over/undervalued. Nếu tỷ giá phản ánh đúng equilibrium level thì dù VNĐ có xu hướng yếu đi. FDI vẫn chảy vào nếu các yếu tố khác vẫn thuận lợi.

    ReplyDelete
  9. Không có gì khác hết giữa NH quốc doanh và NH tư nhân đâu Giang. Nếu lại quả thì nó định giá vật thế chấp cao hơn, nó cho vay tỷ lệ trần, nó giám định hồ sơ nhanh. Còn không thì ngược lại.

    ReplyDelete
  10. @BS Hồ Hải: Cám ơn bác. Vậy các NH tư nhân cũng "bó tay" không quản được nhân viên của mình :-(

    ReplyDelete
  11. Kính gửi bác Giang

    Việc phải lót tay hay không thì cháu không dám khẳng định, chỉ có cái này, thực tế như vậy, tuỳ mọi người đánh giá

    Lợi nhuận của một ngân hàng từ chủ yếu 03 nguồn:

    1. Tín dụng
    2. Fees
    3. Các khoản linh tinh khác bất thường

    Hiện tại, các khoản phí đối với các ngân hàng nước ngoài đang ráo riết tăng về tỉ lệ trong tổng lợi nhuận, nhưng các ngân hàng việt nam, theo cháu biết (hihihi) không có xu hướng tăng, hoặc đang thấp, chính vì vậy, lợi nhuận của các ngân hàng dựa chủ yếu vào cho vay Tín dụng.

    Như năm 2008, và năm 2009 này, chính sách vĩ mô liên tục được điều chỉnh theo hướng chỉ thị trực tiếp đến các Ngân hàng TMCP là " giảm dư nợ", " ngừng cho vay" "kiểm soát các món vay có lãi suất thoả thuận" (lãi suất thoả thuận là lãi suất vượt trần), ...

    Nghề kiếm sống chính là cho vay thì không được cho vay, nhưng khi đã cho vay rồi thì cứ gọi là "hỗ trợ lãi suất", cứ cho vay đi đã, các khoản đã đánh giá được hỗ trợ lãi suất mà kiểm tra lại không được thì sẽ truy thu phần chênh lệch, chắc khoảng 30% lãi ban đầu (4% / 10% - 12%)

    Thêm vào đó, các lãnh đạo các Ngân hàng hiện tại chủ yếu dựa vào .... để làm lãnh đạo, rất ít các Ngân hàng thực sự tuyển chọn và đề cử một cách chuyên nghiệp, thành ra, cơ chế và chính sách sẽ khiến cho các Ngân hàng không cần quan tâm đến chỉ tiêu hiệu quả hoạt động.

    Mấy điều suy nghĩ, có sai xin các bác bỏ qua cho.

    ReplyDelete
  12. @The Son: Cám ơn cháu. Các ngân hàng ở Mỹ/Úc đang bị phê phán rất dữ dội vì có các loại fee cao. Họ đang buộc phải giảm bớt fee cho các dịch vụ ngân hàng và quay về với cho vay truyền thống. Thực ra đấy là chức năng và business model của giới ngân hàng (nhận tiền gửi và cho vay) cho nên không có gì đáng phê phán nếu họ có nguồn thu chủ yếu từ chênh lệch lãi suất. Nhưng đúng là hoạt động ngân hàng ở VN bị méo mó quá nên có khi nguồn thu từ fee sẽ ổn định hơn và ít bị can thiệp từ bên ngoài hơn.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.