Wednesday, September 7, 2011

Supply side


Một diễn biến bất ngờ vừa xảy ra trong cuộc chạy đua vào ví trí ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa. Ron Paul công kích Rick Perry trong một video quảng cáo chỉ ra rằng Perry đã từng ủng hộ Al Gore trong cuộc bầu cử năm 2000, trong khi đó mình là một trong 4 nghị sĩ duy nhất ủng hộ Reagan năm 1980. Phe Rick Perry phản pháo lại đưa ra bằng chứng cho thấy chính Ron Paul đã công kích chính sách kinh tế của Reagan (Reaganomics) năm 1987 và đòi bỏ đảng Cộng hòa. Vậy Reaganomics là gì và tại sao nó lại quan trọng với đảng Cộng hòa như vây?

Reagan, với ảnh hưởng của Margaret Thatcher, khởi xướng một trào lưu kinh tế chính trị mới sau khi lên nắm quyền trong thập kỷ 80. Triết lý kinh tế căn bản của Reagan/Thatcher là thị trường tự do (laissez faire) là cơ cấu kinh tế tối ưu cho xã hội nên bất kỳ can thiệp nào của nhà nước vào thị trường sẽ làm méo mó và giảm hiệu quả/tăng trưởng của nền kinh tế. Hệ quả trực tiếp của triết lý này là phải giảm thiểu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế thông qua 2 biện pháp chính là giảm thuế để thu nhỏ kích thước  nhà nước và giảm các regulations của chính phủ. Triết lý kinh tế này phù hợp với quan điểm chính trị bảo thủ của phe Cộng hòa và cũng là những gì giới libetarian/Tea party đang cổ súy.

Nguyên tắc là như vậy nhưng để có thể kiếm phiếu và thắng cử, Reagan đưa ra một "học thuyết kinh tế" mà sau này nhiều người gọi là Reaganomics, tên lóng của trường phái supply side economics. Về căn bản Reagan cho rằng mặc dù giảm thuế nhưng chính phủ sẽ không phải cắt giảm các khoản chi tiêu quan trọng (vd chi tiêu quốc phòng) vì nguồn thu không những không giảm mà có thể còn tăng. Đây là lập luận của Arthur Laffer (Laffer curve), một trong những nhà tư vấn kinh tế quan trọng của Reagan. Lý do là khi thuế giảm thì cả doanh nghiệp lẫn người lao động sẽ có incentives sản xuất/kinh doanh nhiều hơn và do đó tổng số thuế thu được sẽ tăng dù thuế suất giảm. Còn chính sách deregulation sẽ giúp cho các doanh nghiệp tăng năng suất và do vậy cũng làm tăng số tiền thuế mà họ sẽ đóng cho chính phủ. Tóm lại đây sẽ là một win-win solution cho cả nền kinh tế lẫn chính phủ Mỹ.

Mặc dù Arthur Laffer được cho là một trong những lãnh tụ của trường phái supply side economics dưới thời Reagan, trên thực tế ý tưởng laissez faire bắt nguồn từ classical economics, có thể nói từ thời Adam Smith. Tuy nhiên một cột mốc quan trọng của trường phái này là Say's Law do một nhà kinh tế người Pháp đưa ra đầu thế kỷ 19. Theo đó mọi hoạt động kinh tế của một quốc gia bắt nguồn và chỉ phụ thuộc vào supply/production side, hay nói cách khác là demand là hệ quả của supply và demand sẽ phải điều chỉnh để cân bằng với supply chứ quyết định supply/production không bị ảnh hưởng bởi demand. Sang thế kỷ 20, sau khi Keynes và Keynesians nhấn mạnh vào demand side, cuối cùng thì kinh tế học chính thống đã chấp nhận tương tác giữa demand và supply quyết định các hoạt động kinh tế (general equilibrium theory). Tuy nhiên từ sau WWII cho đến thời Nixon, demand side economics thắng thế với các chính sách (tài khóa/tiền tệ) chủ yếu nhắm vào demand management. Cú shock giá dầu đầu những năm 70 và giai đoạn stagflation sau đó đã đưa supply side economics trở lại.

Reaganomics trải qua một số thăng trầm trong thập kỷ 80 (2 cuộc suy thoái kinh tế, lãi suất vượt 20%, 1987 crash) và dần dần biến mất khỏi chính trường Mỹ sau khi Clinton lên nắm quyền trong thập kỷ 90. Tuy nhiên ý tưởng laissez faire/deregulation không chết mà được IMF/WB cổ súy trong Washington Consensus trong suốt thập kỷ này cho đến khi khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra. Ngay cả khi chính phủ Mỹ bắt đầu có thặng dư ngân sách vào cuối thời Clinton và đầu thời kỳ Bush (con), trong những lần cắt giảm thuế sau này không còn thấy ai nhắc đến Laffer curve và supply side economics nữa. Cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 bất ngờ đưa demand side economics trở lại với hàng loạt gói giải cứu, kích cầu đủ loại. Rồi trào lưu deregulation cũng bị đảo ngược khi luật Dodd-Frank được thông qua và Basel III cũng gia tăng vai trò quản lý của nhà nước trong thị trường tài chính. Nhưng Keynesian/demand side economics bất ngờ bị chặn lại trước cuộc bầu cử midterm cuối năm 2010 khi phong trào Tea party trỗi dậy. Và rồi đến hôm nay cả Ron Paul lẫn Rick Perry đều viện dẫn Reagan(nomics) ra như là một cứu tinh cho nước Mỹ.

Quay về VN trong những tháng chống lạm phát vừa qua, những tiếng nói như Bùi Kiến Thành, Quách Mạnh Hào kêu gọi giảm lãi suất để tăng cung hàng hóa cũng có hơi hướng của supply side economics. Rồi gần đây trong cuộc tranh luận lãi suất thực âm hay thực dương có người cho rằng thực dương sẽ làm suy yếu sản xuất, đó cũng là supply siders. Quan điểm của tôi là hãy nhìn cả hai phía, xác định xem nguyên nhân của lạm phát là demand hay supply shock để có chính sách phù hợp. Cá nhân tôi cho rằng nguyên nhân căn bản của lạm phát của VN nằm ở phía demand, chủ yếu vì tăng trưởng/đầu tư quá nóng trong những năm qua. Bởi vậy demand management cần thiết cho mục tiêu chống lạm phát hơn là dựa vào supply side. Tôi không dám khẳng định nhận định của mình đúng (tôi chỉ là một observer bên ngoài), nếu phía supply siders đưa ra bằng chứng cho thấy supply/production đang thu hẹp rất nhanh là căn nguyên của lạm phát thì tôi sẵn sàng thay đổi quan điểm. Riêng về khía cạnh deregulation của Reaganomics tôi hoàn toàn ủng hộ, VN đang quá thừa những regulation vừa không cần thiết vừa không hiệu quả.


20 comments:

  1. Cám ơn anh Giang về một bài viết hay.

    Anh có nhận xét gì về việc Việt Nam rớt 6th bậc trong Global Competitiveness Report 2011-2012 không ạ?

    ReplyDelete
  2. Bài của anh rất hay. Từ những năm 30 đến nay hai trường phái đã thay phiên nhau chi phối nền kinh tế Mỹ, phụ thuộc vào Đảng nào lên cầm quyền. Sự chính thống của một trường phái không phải là do nó đúng, mà do ai đang sử dụng nó làm công cụ. Nhưng ở Mỹ, tư tưởng laissez-faire không bao giờ chết, nó chỉ thăng trầm mà thôi. Chính từ nền tảng này mà ở Mỹ không tồn tại Populism và không có Nanny State như ở châu Âu.

    Còn lạm phát, truy cho cùng là do Keynesians gây ra. Cái gọi là chống lạm phát cũng là giải pháp của Keynesians, kết quả rất hên xui may rủi, bịt được đầu này xì ra đầu khác. Nói chung là lạm phát không chống triệt để được, vì vậy mới có chuyện QH Việt Nam năm nào cũng đưa ra "chỉ tiêu lạm phát". Chống lạm phát tốt nhất là cứ để cho dân tự do làm ăn, thị trường thuận mua vừa bán, cung cầu tự nó sẽ cân bằng. Nhưng trong thế giới hiện đại không có nhà nước nào chịu thả lỏng việc làm ăn của dân, ai cũng biện pháp này giải pháp nọ.

    Việc chống lạm phát ở VN hiện nay mỗi ông nói mỗi phách. Các ông Bùi Kiến Thành, Quách Mạnh Hào không hẳn là có hơi hướng supply side economics. Còn chuyện lãi suất thực âm hay thực dương cũng không phải xuất phát từ đường hướng gì rõ rệt đâu (Tân Thống đốc NHNN đã cải chính việc tuyên bố thực âm rồi, ông ấy tuyên bố lãi suất phải thực dương nhưng là thực dương ở lạm phát kỳ vọng chứ không phải hiện hữu).

    Anh Giang bảo phải xác định cho được nguyên nhân lạm phát ? Không xác định được đâu anh ơi. Các chuyên gia bảo lạm phát là do chính sách tài khóa và tín dụng nới lỏng quá, cần thắt chặt lại. Còn bá tánh bình dân thì hễ thấy giá điện tăng, giá xăng dầu tăng thì mọi loại hàng hóa không liên quan gì đến xăng đến điện, từ mớ rau con cá trở đi đều đồng loạt thi nhau tăng giá trước để đón đầu. Tôi có thể đoan chắc rằng nếu giá xăng dầu trong nước giảm thêm một vài ngàn một lít thì lạm phát từ nay đến cuối năm sẽ âm. Thế thì nguyên nhân lạm phát thực sự nằm ở đâu ? Không thể nói chính xác được dưới cái nhìn kinh tế học.

    ReplyDelete
  3. @Hoàng Hải Vân: Nếu nhà nước cân đối được các khoản thu - chi ngân sách thì sẽ không gây ra lạm phát vì không cần phải "in tiền" để tài trợ cho thâm hụt ngân sách.

    Alan Greenspan từng nói trong cuốn hồi ký của ông rằng để đảm bảo cho hệ thống anh sinh xã hội hoạt động, nước Mỹ phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát nhất định từ 2 - 3%/năm.

    Lạm phát là một thứ thuế vô hình mà nhà nước thu từ tầng lớp giàu có trong xã hội sau đó đem chia lại cho tầng lớp nghèo khó bằng cách dùng tiền thu được đó trợ cấp cho ngân sách.

    Điều chắc chắn là nhà nước sẽ không sử dụng hiệu quả số tiền thuế thu được đó bằng tư nhân. Tuy nhiên, để đạt được sự công bằng ở mức độ nào đó thì cũng cần phải chấp nhận một tỷ lệ lạm phát vừa phải.

    ReplyDelete
  4. Anh Giang ơi, ở VN còn câu chuyện thị trường vốn rất segmented: công ty nhà nước, tập đoàn, công ty tư nhân, tập đoàn tư nhân, địa phương vs. trung ương, vv. Chi phí chuyển vốn giữa các segments này khá cao, nhiều khi vì bị pháp luật cấm, nên có thể có song song những lãi suất (thực & danh nghĩa) rất khác nhau. Như vậy lạm phát chung, tính theo dạng trung bình có trọng số của các segments này, còn phụ thuộc vào mức cung-cầu và đặc tính của từng segment nữa. Có lẽ nhiều người thực sự muốn thắt chặt demand side trong khu vực nhà nước, và nới lỏng supply side trong khu vực tư nhân.

    ReplyDelete
  5. @Phu: tình hình vĩ mô của VN xấu đi thì năng lực cạnh tranh phải giảm là điều tất yếu. Nhiều người đổ cho điều hành kém, điều đó đúng một phần nhưng phải thấy chính sách vĩ mô của VN bị chính trị ảnh hưởng quá nhiều nên tôi thấy ngay cả có các chuyên gia giỏi cũng khó có thể cải thiện được tình hình.

    @Hoàng Hải Vân: Đúng là chưa chắc đã xác định (đúng) được nguyên nhân lạm phát, nhưng không có nghĩa là không cần/nên tìm cách xác định. Có một khung khổ phân tích logic cho các quyết định lãi suất thì dù nó có sai sau này còn biết mà sửa. Chứ cứ tuyên bố kiểu bốc thuốc hay như TS Trần Hoàng Ngân dạo trước nói chẳng cần mô hình lý thuyết gì cả vì VN đặc thù thì đến bao giờ mới khá được.

    @Duy Linh: Công bằng và lạm phát không liên quan đến nhau, giới kinh tế (chính thống) chấp nhận một tỷ lệ lạm phát dương nhất định không phải vì muốn có công bằng mà vì như vậy nền kinh tế vận hành ổn định hơn.

    @Đỗ Quốc Anh: Nếu vấn đề là segmentation thì giải pháp tốt nhất là tìm cách xóa bỏ những ngăn cách/distortion đó chứ không phải tìm cách micro-manage credit. Hơn nữa mình có lần nghi ngờ rằng private sector (SME) của VN có lẽ overly leveraged, cho nên tigher credit ngoài tác dụng giảm AD còn gột rửa bớt những doanh nghiệp có finance không tốt. Còn tất nhiên SOE hay public investment kiểu gì cũng phải cải tổ rồi.

    ReplyDelete
  6. Anh Giang có thể trích lại post nào anh viết về overly leveraged SME's ở VN được không ạ, em hơi tò mò chút. Em vẫn nghĩ là private cost of capital ở VN rất cao, kể cả trước khi lãi suất của nhà nước tăng, vì những vấn đề về luật pháp và tin tưởng lẫn nhau trong xã hội (có phần liên hệ với nhà nước, có phần chỉ là các bên tư nhân với nhau). Nếu small firms yếu mà bị loại khỏi thị trường thì cũng dễ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người liên quan (thực tế không có limited liability), tức là chạm vào câu chuyện tái nghèo.

    ReplyDelete
  7. @Đỗ Quốc Anh: Đấy là entry này. Hình như trong cuộc họp giữa chính phủ với consultative group vừa rồi IMF hay WB gì đó cũng nói SME của VN có leverage rất cao.

    ReplyDelete
  8. Đọc entry trước em hiểu hơn một chút về câu chuyện này. Thứ nhất, em không rõ là trong bài báo của Tuổi trẻ nói đến lãi marginal hay average. Có thể hiểu là để grow thì họ cần marginal profit rất cao, còn nếu không họ chỉ có thể duy trì sản xuất làng nhàng, với mức lãi thấp trên những khoản vốn trước đây (debt hoặc equity). Thứ hai, anh Giang có thể lo lắng về chuyện leverage cao, nhưng không hẳn là vì debt cao, mà vì equity thấp. Ở các nước nghèo thì việc huy động vốn ban đầu để sản xuất rất khó, người dân cũng không scale sản xuất lên được (một phần chính vì lãi suất cao, rủi ro nhiều), và cũng không có khả năng tích luỹ capital nhiều. Vì thế dẫn đến hiện tượng leverage cao; nó cao đồng loạt cho các doanh nghiệp nhỏ/gia đình, và thể hiện chuyện họ bắt buộc phải take risk chứ không còn cách nào khác (chẳng hạn, cơ hội việc làm tốt và ổn định chỉ dành cho những người được đi học và còn trẻ).

    Em không rõ lập luận này áp dụng được ở VN đến mức nào, vì VN cũng không phải quá nghèo nữa. Nếu như áp dụng được, và nguyên nhân leverage cao là như vậy, thì em nghĩ việc gia tăng cost of capital cho những doanh nghiệp tư nhân nhỏ/doanh nghiệp gia đình sẽ đem lại hậu quả kinh tế nặng, và nó dễ outweigh hiệu quả về việc loại bỏ những công ty kinh doanh kém.

    ReplyDelete
  9. @Đỗ Quốc Anh: Mục đích chính của việc tăng lãi suất không phải là để loại bỏ những doanh nghiệp highly leveraged mà là chống lạm phát. Việc gạn lọc những doanh nghiệp có capital structure không hợp lý/quá rủi ro chỉ là hệ quả phụ của quá trình này.

    Xét tổng thể welfare cho toàn xã hội, thực ra lạm phát cao là một hình thức wealth transfer cực kỳ bất công đối với dân nghèo, những người bị buộc phải cắt giảm real consumption hiện tại và tương lai để trả cho những thể loại luxury consumption của giới giàu có trong những năm tăng trưởng nóng. Bởi vậy chống lạm phát phải là quan tâm hàng đầu, không phải vì cần "ổn định vĩ mô" hay củng cố "sovereign rating" mà là ngăn sự sụt giảm mức sống của đa số dân nghèo.

    Tất nhiên như mình đã argue trước đây, first best solution là cắt giảm chi tiêu công và credit rationing cho những "ông lớn" như EVN hay PVN (xóa bỏ segmentation trong capital market). Nhưng khi hoàn cảnh chính trị không cho phép thực hiện first best thì phải chấp nhận second best là tăng lãi suất để giảm AD nói chung. Sẽ có collateral damage, chủ yếu là các SME và người lao động low skill. Rất có thể VN sẽ rơi vào recession như Mỹ khi Volcker tăng lãi suất lên trên 20%, thất nghiệp sẽ gia tăng và nhiều ông chủ SME sẽ mất nhà/xe thế chấp cho ngân hàng. Nhưng như thế còn tốt hơn third best khi NHNN tìm cách micro manage credit và tiếp tục repress deposit rate.

    ReplyDelete
  10. kantek.anvil@yahoo.comSeptember 14, 2011 at 1:42 PM

    chào thầy Giang, em có ý kiến về nguyên nhân lạm phát tại VN :
    thứ nhất, hiệu qua đầu tư thấp. Khi mà chỉ số ICOR quá cao làm tính cạnh tranh và chịu đựng lạm phát từ các nguyên liệu cơ bản kém. Điển hình ngay khi Mỹ tung ra gói QE2 làm giá các nguyen liệu cơ bản tăng cao, gây lạm phát toàn cầu. Khi đó chỉ số hàng hóa S&P GSCI tăng 16% thì lạm phát VN phi mã lên hơn 20% ( số liệu tháng 6/2011). Do đó, hiệu quả đầu tư là nguyên nhân đầu tiên.
    Thứ hai, lạm phát do chính sách tiền tệ. Cơ cấu vốn ( các tổ chức kinh tế )trong nền kinh tế VN, còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng do bản chất VN là 1 nền kinh tế thiếu vốn ( căn bệnh kinh niên của VN ). Chính vì thế, khi NHNN thắt chặt CSTT bằng thông tư 13 và 19 thì lập tức, áp lực lạm phát chi phí đẩy lập tức hình thành và lạm phát lại chồng thêm lạm phát do hiệ tựong tổng cung suy giảm theo lãi suất.
    em nêu ra ý kiến của mình mong mọi ngừoi chỉ dẫn thêm.
    Đây là link về bài viết của em đang trên F319, mọi ngừoi tham khảo đầy đủ hơn về ý kiến của em:
    http://f319.com/home/1440239

    ReplyDelete
  11. cháu đang học vĩ mô có một chút băn khoăn về lý thuyết liên quan đến lạm phát thế này: theo lý thuyết của trường phái tiền tệ, lạm phát sẽ chỉ xảy ra khi MS tăng quá nhanh, vượt quá tốc độ tăng của GDP. khi xem xét ảnh hưởng của chính sách tài khóa đến lạm phát, các chuyên gia hay lấy lý do là tài khóa làm tăng tổng cầu hay làm tín dụng tăng nóng. nếu xem xét nó trong công thức MS= MB*m, cháu thấy tăng trưởng tín dụng đúng là làm tăng m thật. tuy nhiên tài khóa làm tăng tổng cầu thì cháu ko hiểu rõ lắm, theo như cháu học, nếu CP chỉ tiêu đúng trong phần thu NSNN hàng năm, thì ko có lạm phát được. nếu thâm hụt, CP phát hành TPCP trong nước bù đắp thì bản chất của nó chỉ là chuyển giao tiền từ tay dân cư, khu vực tư nhân vào tay CP chi tiêu và đầu tư thôi, CP tăng chi thì dân cư giảm chi, rõ ràng cung tiền ko hề tăng lên,thì sao ảnh hưởng đến lạm phát được ạ?
    cháu băn khoăn thế này vì đi học luôn được dạy phát hành TPCP bù đắp thâm hụt ko gây lạm phát, trong khi các chuyên gia thì phát biểu lạm phát là do thậm hụt NS gây nên, thấy 2 điều này mâu thuẫn quá ( ở đây cháu ko đề cập đến nguyên nhân khác như vay nước ngoài...còn VN đã thôi phát hành tiền trực tiếp để bù đắp bội chi rồi). ở VN các chuyên gia cho rằng chính sách tiền tệ đang tài trợ cho chi tiêu CP, nhưng NHNN trên thực tế tài trợ bằng những kênh cụ thể nào ( thông qua tái cấp vốn,CK, OMO...)? giảng viên nói chung chung nghe mơ hồ quá. mong các bác giải thích câu hỏi hơi "ngu ngơ" này của cháu:-))

    ReplyDelete
  12. Lãi suất cao không chống được lạm phát

    Bài viết này được đăng trên website của NHNN, ủng hộ cho quan điểm giảm lãi suất của tân thống đốc.

    ReplyDelete
  13. @kantek.anvil: Tôi luôn nghi ngờ lập luận "chi phí đẩy" do lãi suất cao. Trong kinh tế học "chi phí đẩy" được gán cho tiền lương chứ không phải các loại giá đầu vào khác. Điểm mấu chốt của vòng xoáy lạm phát do tiền lương gây ra là khi lạm phát cao dẫn đến nominal wage tăng lên thì real demand không đổi (vì wage tăng tương đương với lạm phát). Do đó cái vòng xoáy này có thể tự sustain. Trong khi đó nếu lãi suất tăng vì lạm phát tăng thì demand sẽ giảm, dẫn đến lạm phát giảm. Do đó vòng xoáy lạm phát vì lý do lãi suất không thể tự sustain.

    @Anonymous (Sep 17): Vấn đề bạn nói (chính phủ chi tiêu 1 đồng thì người dân giảm chi 1 đồng) chỉ đúng nếu người dân không có tiết kiệm. Giả sử người dân tiết kiệm 10% income thì khi nhà nước vay một phần số tiết kiệm đó và mua hàng hóa dịch vụ thì AD sẽ tăng lên (với điều kiện Ricardian equivalent không đúng).

    Nói phát hành trái phiếu chính phủ không gây ra lạm phát thì không chính xác, trừ trường hợp nền kinh tế đang trong liquidity trap như Mỹ hiện tại. Như tôi đã nói bên trên, khi chính phủ gia tăng chi tiêu (phải phát hành thêm trái phiếu) thì AD sẽ tăng, do đó bất kể AS thế nào mặt bằng giá cũng sẽ tăng. Tôi đoán giáo viên của bạn nói phát hành trái phiếu không làm tăng lạm phát có ngầm định là chính sách tiền tệ hoàn toàn độc lập với chính phủ và đã được thắt chặt tương ứng để chống lạm phát.

    @Duy Linh: Thực ra vấn đề lãi suất cao có chống được lạm phát không bây giờ coi như đã ngã ngũ. Nên tranh luận xem liệu hiện tại đã là lúc nới lỏng bớt chính sách tiền tệ hay chưa.

    ReplyDelete
  14. kantek.anvil@yahoo.comSeptember 27, 2011 at 12:21 PM

    Theo cách nhìn của cháu,bản chất nền kinh tế VN là một nền kinh tế thiếu vốn trầm trọng. Do đó các DN phụ thuộc vào vốn huy động ( đòn bẩy tài chính cao). Do đó để huy động đựơc vốn từ nhiều nguồn khác nhau thì chi phí vốn cũng chạy theo tình hình lãi suất của thị trừơng chính thức ( các NH, cty tài chính ....). Do đó, khi lãi suất tăng lên thì chi phí vay ( định phí - đây là một loại chi phí đầu vào khá quan trọng của các doanh nghiệp VN ) cũng tăng theo và tăng nhanh đe dọa lợi nhuận DN. Theo em tính lãi suất cho vay đã tăng ít nhất 8% so với năm 2010 ( dù hiện nay các NH tung gói tín dụng LS rẻ nhưng chả mấy ai đụng dc tới)
    Mặt khác, tư duy kinh doanh và hiệu quả lao động của VN còn thấp, cứ đầu vào tăng là đầu ra cũng tăng tưong ứng thậm chí còn tăng nhanh hơn. Khả năng ứng phó của doanh nghiệp khi lãi suất tăng là gần như con zero.
    Khi đó, DN ngừng sản xuất, từ chối đơn đặt hàng,...... rồi cuối cùng là tổng cung nền kinh tế giảm và đó với chính lý do này mà lạm phát tại VN ngày càng trầm trọng.
    (*)Lưu ý rằng lạm phát có nguồn gốc từ thừa tiền trong lưu thông ( lý thuyết keynes ) nhưng cũng có nguồn gốc từ giảm sụt tổng cung. và trừong hợp lạm phát ở VN là lạm phát do sụt giảm tổng cung mà ra.
    VN đang nằm trong vòng xoáy: đầu tư kém hiệu quả (cùng tiền vô lối) gây ra LP cao, LP cao gây ra LS cao, LS cao gây ra chi phí đẩy, chi phí đẩy gây ra đình trệ sản xuất, đình trệ sản xuất lại gây ra LP ( tổng cung sụt giảm).
    Mong đựoc trao đổi với bác nhiều hơn, cháu tên Nhựt hiện đang làm môi giới tại CTCK VNDirect tại HCMC.

    ReplyDelete
  15. @kantek.anvil: Nếu lạm phát do AS giảm thì bạn phải thấy inventory giảm. Trên thực tế inventory của nhiều ngành gia tăng trong mấy tháng vừa qua.

    ReplyDelete
  16. kantek.anvil@yahoo.comSeptember 30, 2011 at 12:57 PM

    cháu đã nắm được điều thầy nói, cháu cũng hơi bất ngờ về con số tồn kho tăng trong thời gian qua. Điều này cháu chưa thể giải thích thấu đáo. Giả thuyết là có thể nền kinh tế VN đang đảo chiều vượt ra khỏi xu thế đình trệ ( nghị quyết 11 ) và các doanh nhiệp đã thích nghị được với khó khăn mới.
    Nếu giả guyết này đúng, nhờ thầy chỉ dẫn dùm cháu nên dùng tín hiệu kinh tế nào để nhìn nhận rõ giả thuyết của cháu.

    ReplyDelete
  17. @kantek.anvil@yahoo.com: Theo lý thuyết về chu kỳ kinh doanh thì hàng tồn kho tăng trong thời gian vừa qua do tổng cầu giảm mạnh. Hàng hóa do các doanh nghiệp sản xuất ra không bán được do tổng cầu sụt giảm (tôi nghĩ rằng thành phần sụt giảm mạnh nhất là đầu tư của các doanh nghiệp - ảnh hưởng mạnh nhất là ngành bất động sản sẽ kéo theo các ngành có liên quan khác như xây lắp, đồ gỗ, trang trí nội thất....).

    ReplyDelete
  18. @Anh Giang: Em cũng thắc mắc là theo lý thuyết kinh tế chính thống thì thời điểm nào NHNN nên nới lỏng chính sách tiền tệ?

    ReplyDelete
  19. @ Duy Linh: co 1 ly thuyet ma anh Giang cung da tung nhac toi co the tra loi cau hoi cua ban. Do la quy luat Taylor (Taylor's rule) ve lai suat, theo do NHTW co the ra quyet dinh ve lai suat dua tren su tuong tac giua output gap va inflation gap (co cong thuc han hoi). Hinh nhu trong entry nay (http://kinhtetaichinh.blogspot.com/2011/08/potential-gdp-iii.html) anh Giang cung da tra loi ban ve Taylor's rule :) Tuy nhien, theo toi thi Taylor's rule cung chi la 1 thuoc do tham khao thoi, no co nhieu van de (anh Giang cung da nhac toi mot so trong entry tren).

    ReplyDelete
  20. kantek.anvil@yahoo.comOctober 3, 2011 at 2:57 AM

    http://vneconomy.vn/20111001085111638P0C5/da-co-48700-doanh-nghiep-giai-the-ngung-hoat-dong.htm

    Thông tin này đánh giá phần nào tình hình doanh nghiệp trong thời gian qua. các DN trong thời gian qua đã " no đòn " với bão lãi suất và " chết như rạ ". Tuy nhiên đó là những gì đã qua, cái cần thiết lúc này là định hướng cho một chính sách tiền tệ với từng lãi suất phù hợp. Vấn đề vừa hạ lãi suất vừa hạ lạm phát ko phải là một vấn đề dễ giải.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.