Monday, November 2, 2009

Economics IV


Bài viết của Neal Koblitz có một nhận xét rất chính xác là dù hệ thống giáo dục ĐH của Mỹ có nhiều yếu kém, Mỹ không hề thiếu các nhà khoa học tài giỏi vì đất nước này thu hút chất xám của toàn thế giới rất hiệu quả. Có thể nói đây là một dạng "bóc lột" còn "thâm độc" hơn ngàn lần chủ nghĩa "thực dân mới" mà Koblitz lên án. Một hệ quả của việc Mỹ thu hút chất xám từ các nước khác là, theo Tyler Cowen, những nhà khoa học Mỹ càng ngày càng nói tiếng Anh kém.

Điều này có ảnh hưởng vào xu hướng phát triển của kinh tế học vì những nhà kinh tế có gốc gác nước ngoài sẽ có thiên hướng sử dụng nhiều toán để bù cho sự yếu kém về ngôn ngữ của mình. Bản thân tôi cũng thấy rất nhiều sinh viên VN khi ra nước ngoài học có xu hướng chọn những môn thiên về định lượng. Có những bạn khi mới sang ANU học đã hỏi thẳng tôi môn nào ít phải viết essay và làm presentation để đăng ký học. Tôi thường khuyên nên chọn học các môn mình yếu để nâng cao những kỹ năng đó, nhưng chẳng ai nghe vì áp lực điểm số vẫn quan trọng hơn :-(

Quay lại vấn đề toán trong kinh tế học, tôi cũng ngả về phe phản đối sử dụng quá nhiều toán (có lẽ vì mình kém toán :-)). Hơn nữa dùng toán để bù đắp cho những yếu kém khác, mà ngôn ngữ chỉ là một, sẽ rất nguy hiểm vì nó sẽ ngăn cản việc tìm ra và sửa chữa những yếu kém đó. Tuy nhiên các trường ĐH KT ở VN vẫn nên tăng cường dạy toán và các môn định lượng, đơn giản vì tỷ lệ toán/định lượng dạy ở VN vẫn còn quá thấp (ít nhất đã mất đứt 25% thời gian dậy các môn chính trị rồi).


8 comments:

  1. Em thì lại nghĩ các ngành khác có thể bỏ bớt các môn chính trị chứ ngành kinh tế thì không nên.

    Quay lại với vấn đề toán và kinh tế học. Em thấy nếu chỉ dựa vào toán thì kinh tế học kô đột phá được thì phải. Mở tạp chí nghiên cứu kinh tế của VN chẳng hạn, sau khi dùng 1 loạt các số liệu rồi kinh tế lượng, kết luận của tác giả có vẻ như chả được dùng để làm gì ... (đây chỉ là cảm giác của em thôi, có thể do trình độ kém kô hiểu đc)

    ReplyDelete
  2. Nhận xét của Tyler Cowen đặt trọng tâm vào Mỹ quá bác Giang ạ. Những người không giỏi tiếng Anh (theo nghĩa ngoại ngữ tiếng Anh) có thể rất giỏi ngôn ngữ của mình, so với giỏi toán. Kết quả là họ có thể không nói giỏi tiếng Anh, song vẫn viết được những bài báo bằng tiếng Anh tốt hơn người nói tiếng Anh gốc. Ví dụ em có thể kể là Esther Duflo, nói tiếng Anh như tiếng Pháp, song viết tiếng Anh chất lượng rất tốt, tốt hơn rất nhiều người Mỹ/Anh.

    Tyler Cowen còn nhận định thêm về những người làm empirical, em cũng không đồng ý nhiều. Song như xu hướng thiên hơn về empirical, thì hệ quả là tỷ lệ số người ít dùng toán sẽ tăng lên so với số người dùng nhiều toán. Tuy nhiên, vì lượng toán dùng trong lý thuyết là một thứ stock, chỉ tích trữ mà ít khi depreciate (mặc dù là nó cũng depreciate nhiều đấy ạ!) nên dễ tạo cảm giác rằng ngành kinh tế ngày một thiên về làm toán.

    Nhận xét cuối cùng của em là kinh tế thí nghiệm ngày một nở rộ, và ngành này phải nói là cực ít toán, không chỉ ít lý thuyết mà còn ít cả econometrics. Tuy vậy, vẫn phải hiểu biết nhiều về mô hình lý thuyết thì mới làm được thí nghiệm hợp lý - và để hiểu thì cần có toán. Cũng giống như trong thí nghiệm hoá học, vật lý vv., công việc thí nghiệm vốn không phải là toán, song để hiểu được thì cần có bề dầy lý thuyết dựa vào mô hình toán nhiều.

    ReplyDelete
  3. @ALAM: Anh cho là (nhưng không có hard evidence) các trường kinh tế của VN chưa dậy đủ các môn định lượng (không nhất thiết là toán), nên cần phải nâng tỷ lệ này lên. Nên bỏ các môn "chính trị" có tính chất tuyên truyền và dạy các môn "chính trị" có tính khoa học.

    @Đỗ Quốc Anh: Trong vài chục năm lại đây, kinh tế học gần như US-centric nên Tim Cowen có lẽ không quá lời, mặc dù chắc chắn có một số ngoại lệ. Nhưng mình nghĩ Cowen muốn ám chỉ giới economist là Chinese/Japanese/Korean origin đang bắt đầu xâm nhập vào các top department.

    Vấn đề empirical, có lẽ Cowen cho rằng sẽ khó có thể có empirical work nào có ảnh hưởng hàng chục năm như các theoretical model, cho nên các tác giả sẽ chỉ nổi tiếng được một giai đoạn ngắn, kiểu như Steven Levitt.

    Với experimental economics, mình vẫn đang chờ một làn sóng research khai thác các virtual world/online games. Đấy là nơi lý tưởng để làm thí nghiệm economics với low cost và rich data.

    ReplyDelete
  4. cháu thấy bác Giang lại đề cập về vấn đề higher education ở VN nên cháu xin mạo muội nói xằng mấy câu ạ. Cháu đồng ý là tỉ lệ toán/định lượng còn quá thấp. Chính vì thế các thầy cô giáo đã từng đi học ở nước ngoài về dạy ở trường cháu thường xuyên nhắc nhở và khuyến khích sinh viên sử dụng kinh tế lượng vào các bài tập, tiểu luận,... Cháu cũng rất thắc mắc về con số 25% thời lượng dành cho các môn chính trị nên cháu có lấy giấy bút ra nhẩm tính lại những gì cháu được học thì số trình các môn chính trị/tổng số trình của 4 năm học thì chỉ khoảng hơn 10% một chút thôi ạ. Mà theo cháu được biết thì từ năm học trước Bộ nhà ta có giảm tải xuống còn 3 môn chính trị, còn thời lượng thế nào cháu không rõ lắm ạ. Nếu bác Giang có thời gian rảnh thì tìm hiểu một chút lại trước khi đưa ra figure có được không ạ. Dù sao cũng không có gì to tát ^^, cám ơn bác đã lắng nghe cháu.

    ReplyDelete
  5. @Anonymous: Đúng là con số 25% tôi đưa ra chưa được kiểm chứng. Thật ra tôi cũng không có điều kiện để kiểm chứng nên đành phải tin vào nguồn (báo cáo của Vallely và Wilkinson). Cám ơn cháu đã cung cấp số liệu.

    ReplyDelete
  6. Cháu học đại học chính qui trường Kinh tế TPHCM.
    4 năm học có 181 ĐVHT (đơn vị học trình). Trong đó các môn chính trị bao gồm (cái này cháu học vào 2007,2008; giờ khóa sau hình như học ít đi):
    -Lịch sử đảng: 3 ĐVHT
    -Triết 6
    -Chủ nghĩa xã hội khoa học 4
    -Kinh tế chính trị 8
    -Tư tưởng HCM 3
    Tổng cộng là 24/181 ~ 13% cũng không nhiều lắm.
    Dù là học chính trị nhưng một số giáo viên giảng vẫn có hồn, có tính khoa học.
    Đặc biệt là phần 1 của Kinh tế chính trị Marx. <- cháu không lầm thì đây cũng là một ngành kinh tế 'Heterodox economics'

    Trên quan điểm sinh viên trường, cháu thấy tính nghiên cứu kinh tế lý thuyết chưa cao. Chuyên ngành Kinh tế học chỉ có loe ngoe mấy chục sinh viên, không kể sinh viên học kế họach đầu tư, nông nghiệp PTNT... lại nhiều bạn than là 'tên nghe đã thấy oải'. Cô giáo dạy kinh tế vi mô (nâng cao) của cháu cũng chuyển hướng nghiên cứu giá bất động sản từ lâu. Có lẽ rất nhiều người cho vô học kinh tế là thực dụng, thực hành, học kiếm nhiều tiền...

    Nhân tiện, cháu đang nghĩ không biết bây giờ bắt tay vào nghiên cứu Kinh tế thần kinh học (hya Kinh tế học hành vi) tại Việt Nam có được không? Xin dùng được mấy cái máy chụp cộng hưởng từ ở Bệnh Viện chắc hết tiền lương của các giảng viên Kinh tế học nhà ta mất.

    ReplyDelete
  7. @Anonymous: Rất cám ơn bạn đã cung cấp thông tin.

    Về behavioral economics, tôi không nghĩ phải cần đến máy cộng hưởng từ. Ngành này chủ yếu ứng dụng các kết quả nghiên cứu tâm lý vào kinh tế học. Họ làm nhiều thực nghiệm (experiment) với con người thật trong các tình huống kinh tế khác nhau để tìm ra behavior phổ biến. Ở VN có thể lại dễ làm thí nghiệm vì các bạn sinh viên rất nhiệt tình khi giáo viên yêu cầu tham gia chứ không phải như ở nước ngoài.

    ReplyDelete
  8. Nói túm lại, đại học ở VIệt Nam dạy môn đại cương nhiều quá, trong khi những môn này chưa được biên soạn và đội ngũ giảng viên nòng cốt để truyền tải kiến thức đến sinh viên. Chưa kể, không biết/không chắc những môn này là tốt và cần thiết cho hành trang trước khi bước vào chuyên ngành và sau khi ra trường của sinh viên hay không?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.