Tuesday, December 21, 2010

Money and banking VII


Cho đến cuối thế kỷ 15, ngoại trừ một số ngoại lệ, tiền tệ trên thế giới đa số đều dưới dạng commodity currency. Nghĩa là những đồng tiền (thường là coin) có một giá trị cụ thể phụ thuộc chủ yếu vào chất liệu làm ra nó và trọng lượng của đồng tiền. Như đã đề cập đến trong M&B V, vàng là lựa chọn phổ biến nhất cho đến thời điểm đó vì những đặc tính của nguyên tố này, trong đó tính fungible có vai trò rất lớn trong thương mại quốc tế. Tuy nhiên đến thế kỷ 16-17 một xu hướng tiền tệ mới bắt đầu hình thành thay thế dần cho commodity currency: fiat money xuất hiện.

Khoảng thời gian này ở một số vùng thuộc Ý và Tây Ban Nha trên bờ Địa Trung Hải, nơi có hoạt động thương thuyền rất phát triển, nhiều nhà buôn bắt đầu thấy trở ngại khi phải đem theo một lượng vàng lớn theo người. Ai đó đã nảy ra sáng kiến gửi số vàng của họ ở một "tiệm vàng" (goldsmith) có uy tín tại địa phương và sau khi giao dịch hàng hóa xong thì hai bên buyer-seller dắt nhau đến tiệm vàng đó thanh toán. Các tiệm vàng thường có kho chứa vàng khá an toàn nên giảm thiểu khả năng trộm cắp và tiết kiệm chi phí vận chuyển (sellers có thể tiếp tục gửi số vàng được thanh toán tại đó mà không nhất thiết rút ra).

Một thời gian sau, chủ các tiệm vàng tiếp tục nảy ra sáng kiến thay vì 2 bên thanh toán phải dắt nhau đến làm thủ tục tại tiệm của mình, tiệm vàng phát hành một chứng chỉ xác nhận số vàng của một người đã gửi vào đó. Nếu anh ta đi mua hàng đúng bằng giá trị của số vàng trong chứng chỉ, anh ta chỉ việc giao chứng chỉ cho sellers là xong. Sellers sẽ tự động đem chứng chỉ này đến tiệm vàng để rút vàng ra hoặc chuyển sang chứng chỉ mới xác nhận sở hữu của mình. Dần dần hoạt động trao đổi chứng chỉ này trở nên phổ biến và những chứng chỉ do các tiệm vàng phát hành trở thành một dạng medium of exchange thuận tiện hơn nhiều so với những đồng tiền vàng. Có lẽ vào một thời điểm nào đó người ta bắt đầu gọi những chứng chỉ này là "money" và chấp nhận nó trong các giao dịch thương mại miễn là nó được phát hành bởi một tiệm vàng uy tín. Đây chính là fiat money, nghĩa là những đồng tiền (giấy) mà chất liệu làm ra nó không có mấy giá trị nhưng được đảm bảo bằng một lượng tài sản có giá trị cất giữ ở một nơi an toàn.

Nếu lịch sử dừng lại ở đây hệ thống tiền tệ này sẽ là một hệ thống 100%-reserve free banking with gold standard. Free banking có nghĩa là bất kỳ ai có uy tín cũng có thể phát hành fiat money, quyền phát hành tiền tệ không nằm trong tay một monopolist nào, dù là nhà nước hay tư nhân. Trên thực tế hệ thống free banking đã tồn tại cho đến tận thế kỷ 19 ở một số nước châu Âu và nhiều tiểu bang của Mỹ. Gold standard ở đây có nghĩa là dù có rất nhiều fiat money khác nhau do các tiệm vàng, sau này phát triển thành các ngân hàng, phát hành, tất cả những đồng tiền này đều được bảo đảm bằng vàng. Còn 100% reserve nghĩa là một tiệm vàng phát hành bao nhiêu chứng chỉ thì phải có từng đó vàng cất trong kho để đảm bảo yêu cầu rút vàng vô điều kiện của người sở hữu chứng chỉ.

Nhưng tất nhiên lịch sử không dừng ở đó, sau một thời gian làm dịch vụ giữ hộ vàng các chủ tiệm vàng/ngân hàng để ý rằng càng ngày nhu cầu rút vàng ra càng ít, những người sở hữu các chứng chỉ gửi vàng thích giữ fiat money hơn vì nó gọn nhẹ và được chấp nhận rộng rãi không khác gì vàng thật. Khi kinh tế phát triển và nhu cầu vốn tăng cao, các chủ tiệm vàng nhận thấy họ có thể lấy một số vàng trong kho ra cho vay, tất nhiên với một lãi suất nhất định, mà không hề hấn gì tới trách nhiệm hoán đổi chứng chỉ lấy vàng khi được yêu cầu. Hơn nữa đa số những người vay vàng cũng không rút vàng thật mà chỉ cần nhận một chứng chỉ mới để dùng nó làm phương tiện thanh toán. Chừng nào tiệm vàng còn uy tín (theo nghĩa người sở hữu các chứng chỉ gửi vàng không ồ ạt đến rút vàng ra), tiệm vàng đó có thể phát hành một lượng chứng chỉ nhiều hơn rất nhiều số vàng thực sự trong kho. Đây chính là một hệ thống fractional reserve system, fractional ở đây nghĩa là nhỏ hơn 100%.

Như vậy, hệ thống FRS ra đời khi nhu cầu vốn tăng cao cùng với sự tăng trưởng kinh tế đột phá ở châu Âu trong giai đoạn cách mạng công nghiệp. Tỷ lệ reserve (lượng chứng chỉ/lượng vàng thật trong kho/lượng chứng chỉ) phụ thuộc vào tốc độ rút vàng, các yếu tố mùa vụ, chu kỳ kinh tế, các yếu tố chính trị xã hội (eg chiến tranh). Mỗi tiệm vàng/ngân hàng dựa vào kinh nghiệm của mình để quyết định tỷ lệ reserve, càng thấp càng có nguy cơ không đảm bảo được nhu cầu rút vàng nhưng càng có lợi nhuận cao vì thu được nhiều lãi suất. Nếu tỷ lệ này thấp quá có thể sẽ bị bank run và phá sản, nếu cao quá sẽ không thể cạnh tranh được với những tiệm vàng/ngân hàng khác, dẫn đến mất khách hàng, cả người gửi lẫn người vay vàng.

Nếu như trước đây khách hàng phải trả phí để được gửi số vàng của mình tại tiệm vàng, giờ đây họ được trả một ít lãi suất. Vô hình chung tiết kiệm được kích thích và một lượng vàng "cất trong dân" được huy động vào "thị trường vốn" góp phần gia tăng sự phát triển kinh tế. Nên nhớ khi một lượng vàng X được gửi vào hệ thống FRS, số chứng chỉ được phát hành tối đa sẽ là X/r, trong đó r là reserve ratio. Sự ra đời của FRS như đã nói bên trên do tốc độ kinh tế gia tăng, nhưng ngược lại FRS cũng giúp cho kinh tế phát triển mạnh hơn, một dạng positive feedback loop. Đến đây bạn có một hệ thống gọi là fractional reserve free banking with gold standard, được lưu hành ở nhiều nước cho đến thế kỷ 19.

Trong hệ thống này bạn cần lưu ý 2 điểm. Thứ nhất, khái niệm "in tiền" mà bây giờ nhiều người nghiễm nhiên coi đó là đặc quyền của nhà nước, trong lịch sử do private sector phát minh ra (trừ một vài ngoại lệ như trường hợp tiền giấy dưới triều nhà Tống ở TQ). Trong một hệ thống FRS, "create money from thin air" xảy ra mỗi khi một tiệm vàng/ngân hàng phát hành thêm chứng chỉ vàng nhiều hơn số vàng cất trong kho, điều này xảy ra khi có nhu cầu vay vốn và tỷ lệ reserve của tiệm vàng đó còn trong ngưỡng an toàn. Do đó nếu bạn theo quan điểm của monetarism, nghĩa là tin vào MV=PY và "inflation is always and everywhere a monetary phenomenon" thì lạm phát hoàn toàn có thể xảy ra trong một hệ thống gold standard. Nghĩa là dù có gold standard hay không, FRS vẫn có thể tạo ra một lượng tiền nhiều hơn số hàng hóa một nền kinh tế sản xuất được, dẫn đến "too much money chasing too few goods". Cũng với logic như vậy, private money hay free banking không tránh được lạm phát nếu FRS còn tồn tại.

Thứ hai, như tôi đã nêu ra trong M&B VI, tiền tệ là một hệ thống trust và claims. Để hệ thống tiền tệ tôi mô tả bên trên có thể tồn tại, nhất thiết những người gửi vàng phải trust các tiệm vàng/ngân hàng giữ vàng cho họ. Trong trường hợp 100% reserve, họ trust những tiệm vàng này không ôm vàng bỏ trốn hoặc không quá bất cẩn để bị trộm cắp. Đối với FRS, trust còn phải cao hơn vì người gửi vàng phải tin vào năng lực, kinh nghiệm của các chủ tiệm vàng không quá tham lam giảm reserve ratio xuống quá thấp hoặc cho vay vào những dự án kinh doanh quá rủi ro có nguy cơ không hoàn trả được nợ. Khi xã hội phát triển, trust có thể được củng cố thêm bằng các khế ước dân sự giữa người gửi và chủ tiệm vàng, hoặc bằng các qui định, luật pháp chung cho toàn xã hội. Những regulations đối với một hệ thống ngân hàng hiện đại và cơ chế bảo hiểm tiền gửi mà nhiều nước áp đang dụng đều chung mục đích gia tăng trust của người dân với hệ thống ngân hàng.

Bên cạnh trust, những tờ chứng chỉ hay fiat money trong hệ thống tiền tệ nói trên, dù 100% hay FRS, đều là claims của chủ nhân số vàng gửi tại các tiệm vàng/ngân hàng. Trong một hệ thống gold standard, claims được bảo đảm bằng lời hứa của các chủ tiệm vàng sẽ được rút đúng số vàng ghi trên tờ chứng chỉ bất kỳ lúc nào. Tất nhiên claims không nhất thiết chỉ với vàng, do vàng thông dụng trong lịch sử nên khởi nguồn của fiat money là claims vào vàng. Nhưng bất kỳ loại assets nào cũng có thể dùng để đảm bảo cho các thể loại claims do ngân hàng phát hành, miễn là xã hội có đồng thuận về giá trị của loại backing asset đó. Trong trường hợp đảo Yap, những phiến đá khổng lồ là backing asset chỉ vì người dân ở đó có đồng thuận về giá trị của chúng, chẳng phải vì những phiến đá đó có công dụng gì đặc biệt. Vậy trong hệ thống tiền tệ hiện đại, claims của những tờ USD hay VNĐ được đảm bảo bằng gì? Các bạn đợi xem hồi sau sẽ rõ :-)



5 comments:

  1. "Tỷ lệ reserve (lượng chứng chỉ/lượng vàng thật trong kho) phụ thuộc vào tốc độ rút vàng, các yếu tố mùa vụ, chu kỳ kinh tế, các yếu tố chính trị xã hội (eg chiến tranh). Mỗi tiệm vàng/ngân hàng dựa vào kinh nghiệm của mình để quyết định tỷ lệ reserve, càng thấp càng có nguy cơ không đảm bảo được nhu cầu rút vàng nhưng càng có lợi nhuận cao vì thu được nhiều lãi suất"--> em nghĩ tỷ lệ reserve này phải là lượng vàng thật trong kho/lượng chứng chỉ (mà tiệm vàng phát hành) thì mới đúng chứ ạ!

    ReplyDelete
  2. Bài viết rất hay ạ! Giá mà ông Thầy môn Lý thuyết tài chính tiền tệ hồi em học Đại học gần 20 năm trước đây cũng giảng rõ ràng thế này thì em không suýt thi rớt môn này hồi đó (nhưng chắc cũng tại cúp cua cái môn "chán như con gián" này, hổng phải tại ông Thầy ngày xưa!). Anh đã tóm tắt rất rõ và dễ hiểu các giai đoạn từ commodity money, qua fiat money (100% RS, đến FRS). Great entry, tks author!

    ReplyDelete
  3. @Nguyen Duong Hieu: Đúng là anh nhầm, cám ơn em.

    ReplyDelete
  4. hix đến nay chưa có bài tiếp theo về money and banking, hi vọng 2014 anh Giang có sức khỏe & tinh than viết tiếp.

    ReplyDelete
  5. Hay quá chú Giang ơi, đọc bài viết chú con hiểu rõ thêm về cách ngân hàng tạo ra tiền như thế nào. Mong chú tiếp tục viết tiếp về Ngân Hàng và Tiền Tệ trong thời kỳ mới, khi mà xã hội hoạt động theo phương thức "without cash", chỉ dùng credit card để mua sắm và chi tiêu, cũng như cho vay của các NHTM.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.