Tuesday, April 16, 2013

Supply side


Cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher, người vừa qua đời tuần trước, cùng với Ronald Reagan được cho là 2 lãnh tụ thiên hữu đã làm thay đổi bộ mặt kinh tế và xã hội phương Tây (chính xác hơn là khối Anglo Saxon) trong thập kỷ 1980. Nhiều nhà bình luận cho rằng cặp đôi này đã đánh đổ ảnh hưởng của Keynesianism thống trị thế giới từ sau WWII và thực hiện hàng loạt chính sách supply side là tiền đề cho sự phục hồi kinh tế của Anh và Mỹ trong những năm sau đó. Cho đến nay mỗi khi nhắc đến supply side economics người ta lại nhớ đến 2 nhân vật lịch sử này.

Cả Thatcher và Reagan đều chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng kinh tế của Friedrich Hayek và Milton Friedman. Đây là những nhà kinh tế tin vào tính hiệu quả của thị trường tự do và gần như không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào của nhà nước vào nền kinh tế thị trường. Vì vậy tư tưởng kinh tế chủ đạo của Thatcher và Reagan là giảm thuế thu nhập (cá nhân và doanh nghiệp) đồng thời cắt giảm chi tiêu công mà chủ yếu là các chương trình phúc lợi xã hội, nghĩa là giảm thiểu vai trò của nhà nước. Tin vào khả năng tự điều chỉnh của thị trường tự do nên cả hai, nhất là Thatcher, không ngần ngại thực thi những chính sách hà khắc dù nền kinh tế có thể rơi vào suy thoái. Là những lãnh tụ cánh hữu, Thatcher và Reagan là kẻ thù không đội trời chung với giới công đoàn, đến mức có lãnh tụ công đoàn Anh mừng ra mặt khi nghe tin Thatcher chết.

Tư tưởng kinh tế tự do của Thatcher và Reagan, mà đằng sau đó là Hayek và Friedman, bắt nguồn từ những nhà kinh tế cổ điển (classical) như Adam Smith, David Ricardo và đỉnh cao là Jean-Baptiste Say. Say's law cho rằng nền kinh tế chỉ bị chi phối bởi supply side, demand trên thực tế chỉ đơn giản là hệ quả của supply. Bởi vậy đối với một xã hội điều quan trọng là làm sao để supply tăng chứ không cần quan tâm đến demand. Thuế má, mà đằng sau nó là nhà nước, luôn là lực cản đối với thị trường tự do và do vậy làm chậm lại sự tăng trưởng của supply side. Những lập luận đại loại như tăng lãi suất làm tăng chi phí sản xuất do đó làm giảm output dẫn đến supply giảm và giá tăng, dù không liên quan trực tiếp đến vai trò của nhà nước, cũng thuộc về trường phái supply side vì không quan tâm đến demand side.

Vậy supply side economics đúng hay sai? Vì tôi còn đủ 2 tay nên chắc bạn sẽ thất vọng giống Harry Truman khi câu trả lời là "one one hand..., on the other hand...". Supply side economics đúng trong dài hạn nhưng không đúng trong ngắn hạn. Cho đến cuối thế kỷ 19 các nhà kinh tế từ Smith, Ricardo đến Malthus hầu như chỉ quan tâm đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Trên thực tế kinh tế học ra đời (từ Adam Smith) gần như cùng thời gian với cuộc Cách mạng Công nghiệp. Lần đầu tiên trong lịch sử, loài người biết đến tăng trưởng kinh tế và cải thiện mức sống. Trong những xã hội chỉ đủ tồn tại (subsistence society) trước thế kỷ 18, quả thực demand hoàn toàn do supply quyết định. Dự báo rất bi quan của Malthus về khả năng chiến tranh, nạn đói sẽ là hậu quả của limited supply of foods phản ánh rất rõ quan điểm demand sẽ phải điều chỉnh phù hợp với supply.

Nhưng không chỉ trong thế kỷ 18-19, từ nửa sau thế kỷ 20 một nhánh của kinh tế học (macro) phát triển rất mạnh cũng quan tâm đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Một loạt những mô hình tăng trưởng được xây dựng với rất nhiều yếu tố quyết định tăng trưởng như tỷ lệ đầu tư, tăng trưởng công nghệ, trình độ nhân lực, thể chế kinh tế/chính trị... Dù những mô hình tăng trưởng này rất đa dạng và khác xa những gì các nhà kinh tế cổ điển phân tích trong những thế kỷ trước, điểm chung của chúng vẫn là demand side không có vai trò trong tăng trưởng dài hạn. Kinh tế chỉ phát triển khi supply, chính xác hơn là supply capacity, của xã hội gia tăng. Tất nhiên không phải ai cũng đồng ý với quan điểm này (vd một số người cho rằng consumerism là động lực phát triển kinh tế của các nước phương Tây, nhất là Mỹ), nhưng dù sao supply side economics dưới dạng growth theory đã và đang là một nhánh chính thống của kinh tế học hiện đại.

Trong dài hạn tất cả chúng ta đều chết! Câu nói nổi tiếng này của John Maynard Keynes mở đầu cho một nhánh mới trong kinh tế học chú trọng vào các hoạt động kinh tế trong ngắn hạn. Thực ra trong thế kỷ 19 đã có một số nhà kinh tế chỉ ra hiện tượng chu kỳ kinh tế (business cycle) cho thấy ngoài những yếu tố dài hạn mà supply side economics quan tâm còn có những yếu tố ngắn hạn có ảnh hưởng không nhỏ vào nền kinh tế. Trước Keynes ít nhất đã có Joseph Schumpeter và các nhà kinh tế trường phái Áo tìm cách giải thích hiện tượng kinh tế biến động trong ngắn hạn này. Sau Keynes còn có Hyman Minsky và nhánh Real Business Cycle (RBC). Dù mỗi nhánh kinh tế đó đều có cách giải thích riêng cho hiện tượng chu kỳ kinh tế, một đặc điểm chung là họ đều chú trọng vào supply side. Kinh tế tăng trưởng hay suy thoái chủ yếu vì supply gia tăng hay suy giảm, có thể vì vòng đời doanh nghiệp biến đổi như quan điểm của Schumpeter, chu kỳ tăng giảm credit theo Austrian hay Minsky, hoặc các thể loại real shocks theo RBC. Demand vẫn không có mặt (hoặc có vai trò rất nhỏ) trong những lý thuyết này.

Tuy nhiên bài học đầu tiên của bất kỳ sinh viên kinh tế nào là một thị trường phải được xác định bởi supply và demand. Nếu học cao hơn một chút các bạn sẽ biết về khái niệm cân bằng tổng thể (general equilibrium) khi supply và demand của các thị trường khác nhau tương tác với nhau. Nói nôm na là nền kinh tế là một thể thống nhất, dù thị trường xe hơi và thị trường thịt heo khác nhau rất xa, không ít thì nhiều chúng vẫn có tác động qua lại. Mặc dù khái niệm về demand và supply đã có từ thời invisible hand của Adam Smith, lý thuyết equilibrium và general equilibrium chỉ phát triển sau khi nhánh kinh tế vi mô (microeconomics) ra đời giữa thế kỷ 19, sau cuộc cách mạng của trường phái Marginalism. Gọi là cách mạng (marginal revolution) vì kinh tế học đã chuyển mình từ những tranh luận có tính chất philosophy và rất định tính sang một ngành "có hơi hướng khoa học" với những axiom, theorem, equation.... Bản thân tên gọi "political economy" phổ biến trước đó cũng dần dần được đổi thành "economics", chẳng biết có phải là kết hợp của "economy" và "mathematics" hay không.

Khi cuộc Đại Suy thoái 1929-1933 (Great Depression*) xảy ra, chứng kiến cảnh nông dân Mỹ phải đổ bỏ sữa hay dìm chết gia cầm, câu trả lời của các nhà kinh tế học rõ ràng phải từ demand side. Lý thuyết tổng quát của Keynes ra đời từ thực tế cuộc Đại Suy thoái kết hợp với kết quả của hơn nửa thế kỷ phát triển ý tưởng general equilibrium trước đó. Mô hình IS-LM mà John Hicks "toán hoá" từ Lý thuyết Tổng quát của Keynes là mô hình macro có tính chất general equilibrium đầu tiên dù rất đơn sơ. Keynesian, đồng nghĩa với macroeconomics, ra đời đem đến 3 đóng góp lớn cho kinh tế học. Thứ nhất như đã nói bên trên nó là sự kết hợp của demand và supply trong một tổng thể general equilibrium cho cả nền kinh tế trong ngắn hạn, là khoảng thời gian mà đa số người dân và doanh nghiệp quan tâm. Câu phát biểu nổi tiếng của Keynes trích dẫn bên trên là một lời chỉ trích giới kinh tế thời đó, chủ yếu là những nhà kinh tế chỉ quan tâm đến supply side - nghĩa là chỉ quan tâm đến dài hạn, không để mắt đến những khó khăn trước mắt của người dân và doanh nghiệp khi kinh tế suy thoái trong ngắn hạn.

Đóng góp lớn thứ hai, mà có thể coi là hệ quả của sự quan tâm vào ngắn hạn thay vì dài hạn, là ý tưởng về tính chất rigidity hay inefficiency của nền kinh tế. Trước Keynes và cả sau Keynes, đa số các nhà kinh tế tin vào tính hiệu quả của thị trường tự do. Cũng như đã tự bịt mắt không chịu nhìn nhận ảnh hưởng của demand side, những hiện tượng rigidity diễn ra hàng ngày cũng bị nhiều người bác bỏ bằng lập luận trong dài hạn thị trường sẽ tự điều chỉnh. Nhiều doctrine không phù hợp với thực tế trong ngắn hạn như classical dichotomy(**) hay Ricardian equivalence(***) là những chướng ngại vật ngăn cản giới kinh tế học trước Keynesian đưa ra một lý thuyết/mô hình khả dĩ phản ánh được thực tế hàng ngày. Keynesian đã gạt bỏ những "nguyên tắc" đó và đưa vào mô hình một số hiện tượng rigidity như Phillips curve hay price rigidity (có thể coi animal spirit là một dạng price rigidity). Sự hiện diện của một/vài dạng rigidity trong mô hình là đặc điểm của bất kỳ mô hình Keynesian hay New Keynsian nào sau này.

Đóng góp thứ ba là vai trò của nhà nước trong việc điều chỉnh aggregate demand trong ngắn hạn, đây là hệ quả của sự tồn tại rigidity/inefficiency trong các mô hình Keynesian. Bây giờ mở báo ra đọc bạn sẽ thấy cụm từ "chính sách tài khóa, tiền tệ" nhan nhản, từ Đông chí Tây. Nhưng trước cuộc Đại Suy thoái có lẽ chính sách kinh tế quan trọng nhất mà các nước phương Tây thời đó phải quyết định chỉ là đánh thuế hàng nhập khẩu (tariff) bao nhiêu cho vừa. Vai trò của nhà nước trong nền kinh tế rất nhỏ, bản thân các nhà kinh tế (supply side) như đã nói bên trên hầu như chẳng liên quan gì đến chính sách. Ngân hàng trung ương ra đời trước đó chưa lâu chủ yếu để thực hiện chức năng người cho vay cuối cùng, hoặc có active hơn cũng chỉ để bảo vệ chế độ bản vị vàng rất thịch hành lúc đó.

Với những lý thuyết kinh tế không bao gồm một/vài dạng rigidity, supply và demand luôn phản ánh hành vi tối ưu của nhà sản xuất và người tiêu dùng. Bởi vậy trong bất kỳ hoàn cảnh nào nền kinh tế cũng trong tình trạng tối ưu nhất có thể dù đang là booming hay recession. Trong trường hợp này bất kỳ sự can thiệp nào của nhà nước đều làm méo mó hành vi tối ưu và do vậy dẫn đến một trạng thái kém hiệu quả hơn cho cả nền kinh tế. Nhưng một khi đã có rigidity, một ví dụ rất nổi tiếng mà Keynes đưa ra là paradox of thrift(****), thì lập luận cổ điển không còn đúng nữa. Hành vi của một cá nhân có thể là tối ưu cho cá nhân đó nhưng cả nền kinh tế có thể rơi vào trạng thái không tối ưu. Trong trường hợp này nhà nước có thể can thiệp để làm thay đổi hành vi cá nhân và đưa nền kinh tế đến một trạng thái tốt hơn.

Ở đây cần nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa dài hạn và ngắn hạn. Keynesian và macroeconomics nói chung (trừ nhánh growth theory) chỉ quan tâm đến ngắn hạn, nói cách khác là chỉ quan tâm đến chu kỳ kinh tế. Một cách tổng quát có thể nói mục tiêu của macroeconomics là ngăn không để chu kỳ kinh tế biến động quá nhiều dẫn đến những giai đoạn boom-bust lớn như cuộc Đại Suy thoái. Vì trong ngắn hạn năng lực sản xuất vật lý (mày móc, nhà xưởng, nhân công) của nền kinh tế không thể thay đổi mạnh nên cách chính sách kinh tế chủ yếu tập trung vào demand side. Có lẽ vì lý do này mà một số người gọi các chính sách kinh tế của macroeconomics nói chung và Keynesian nói riêng là "demand management".

Đến nay demand management thông qua hai nhóm chính sách chủ yếu: tài khóa (fiscal) và tiền tệ (monetary). Cả 2 nhóm chính sách này đều dựa vào đặc tính rigidity của nền kinh tế trong ngắn hạn theo quan điểm Keynesian. Với các chính sách tài khóa, vẫn hay được nhắc đến với cái tên "kích cầu", nhà nước phải can thiệp vì trong giai đoạn kinh tế suy thoái người dân và doanh nghiệp không điều chỉnh tiêu dùng/đầu tư(^) đến điểm tối ưu cho toàn nền kinh tế mặc dù hành vi của từng cá nhân có thể hợp lý. Nhà nước có thể thực hiện những chính sách tài khóa (vd tăng chi tiêu/đầu tư công, tăng trợ cấp xã hội, giảm thuế) để bù vào phần sụt giảm aggregate demand trong ngắn hạn. Với các chính sách tiền tệ, nhà nước (cụ thể là central bank) tìm cách hiệu chỉnh rigidity về giá cả hàng hóa, dịch vụ, rigidity về perceived wealth(^^), rigidity trong credit market. Thực ra khởi thủy của chính sách tiền tệ bắt nguồn từ trường phái monetarism của Milton Friedman. Nếu Friedman không phải là một libertarian (người chủ trương giảm thiểu vai trò của nhà nước<^^^>) thì có lẽ monetarism đã là một phần của Keynesian. Dẫu sao lý do chính của sự tồn tại của monetarism cũng chính là ý tưởng nền kinh tế có nhiều rigidity mà Keynesian đã chỉ ra.

Như đã chỉ ra bên trên, supply side economics không cho rằng nhà nước có vai trò gì trong nền kinh tế. Cách "chính sách kinh tế" mà Reagan và Thatcher thực hiện thực ra là những biện pháp giảm bớt vai trò quản lý/điều hành kinh tế của nhà nước. Nền kinh tế vận hành tốt nhất theo họ là một laissez faire, nghĩa là một nền kinh tế thị trường tự do tuyệt đối. Tuy nhiên dù có ủng hộ thị trường tự do đến mức nào, đến nay ai cũng phải ít nhất thừa nhận vai trò của nhà nước trong việc cung cấp một số hàng hóa/dịch vụ công(^^^^) như giáo dục, y tế, trật tự xã hội... Một vai trò quan trọng nữa của nhà nước là đảm bảo một "sân chơi" bình đẳng cho tất cả các đối tượng trong nền kinh tế, từ những việc như đảm bảo cạnh tranh lành mạnh/chống độc quyền cho đến bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ minority share holders vì vấn đề bất đối xứng thông tin. Từ những năm 1980 giới supply side economics bắt đầu cổ súy cho những "chính sách kinh tế" trong những lĩnh vực nói trên. Để đối nghịch lại các chính sách demand management mà phe Keynesian cổ súy, một số người gọi những chính sách này là microeconomic policy, hoặc microeconomic reform. Trào lưu deregulation trong giai đoạn 80-90 là một ví dụ của các chính sách supply side này.

Khác với các chính sách supply side của Reagan và Thatcher và demand side của Keynesian, đa số các microeconomic policy được các nhà kinh tế ủng hộ bất kể trường phái nào. Trên nguyên tắc những chính sách kiểu này không loại trừ và có thể tiến hành song song với các chính sách demand management. Trong khi các chính sách demand có mục đích làm giảm sự biến động của các chỉ số vĩ mô trong ngắn hạn, (supply side) microeconomic policy nhắm đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Hầu hết các chính sách cởi trói kinh tế của VN từ sau Đổi mới đều có thể xếp vào nhóm microeconomic policy. Thành tựu kinh tế VN đạt được trong hơn 20 năm qua chủ yếu do những chính sách này, đúng như chuyên gia kinh tế Bùi Trinh phát biểu. Anh Bùi Trinh cũng nói đúng là VN phải tiếp tục đẩy mạnh những chính sách "trọng cung" này, vd cổ phần hoá hệ thống SOE, cải tổ chế độ sở hữu đất đai, phát triền và bảo vệ tính cạnh tranh của các thị trường đã được bao bọc quá lâu như điện lực, xăng dầu, hàng không... Bên cạnh đó những chính sách "trọng cung" dài hạn hơn như đầu tư vào giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, y tế cộng đồng và an sinh xã hội, cải tổ hệ thống hành (là) chính, xây dựng hệ thống luật và tư pháp công bằng, không chỉ giúp cho kinh tế phát triển mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống lâu dài cho người dân, đây mới là mục tiêu cuối cùng chứ không phải những con số tăng trưởng vô hồn.

Nhưng anh Bùi Trinh và Đinh Tuấn Minh nói không đúng khi cho rằng phải từ bỏ các chính sách "trọng cầu" vì chúng đã thất bại. Trước hết cần phân biệt chính sách thất bại vì nó được thiết kế và vận hành sai với thất bại vì bản chất sai. Tôi cho rằng nhiều chính sách demand management của VN trong vòng hơn 10 năm qua không được thiết kế tốt, nhưng chủ yếu vì policy maker của VN bị nhiều ràng buộc cơ chế và tác động chính trị, tất nhiên không loại trừ phương án họ không đủ trình độ hoặc bị các nhóm lợi ích tác động, chứ không phải bản chất các chính sách monetary hay fiscal policy sai. Thứ hai khẳng định các chính sách demand management trong 10 năm qua của VN hoàn toàn thất bại, không chỉ làm những người đã từng liên quan như ông Nguyễn Văn Giàu "nóng mặt", mà theo tôi hơi vội vàng. Tình hình kinh tế "bê bết" hiện tại của VN có nhiều nguyên nhân, chắc chắn demand managment không phải tội đồ chính. Hơn nữa ngay cả khi các chuyên gia này chứng minh được demand management policy thất bại, giải pháp trong ngắn hạn phải là sửa đổi lại các chính sách ngắn hạn chứ những chính sách trọng cung dài hạn không thể có tác dụng tức thời. Mặc dù không nói rõ nhưng đây cũng là ý của ông Trương Đình Tuyển khi cho rằng các chính sách trọng cung không giải quyết được vấn đề hàng tồn kho hiện tại.

Vậy những chính sách trọng cầu VN thực hiện trong hơn 10 năm mà anh Bùi Trinh và Đinh Tuấn Minh cho rằng đã thất bại là những chính sách gì? Về mặt fiscal policy VN có 2 lần chủ động "kích cầu" quan trọng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á (1997-1999) và cuộc khủng hoảng tài chính Mỹ/châu Âu (2007-2009). Theo số liệu của ADB, lần đầu VN tăng budget deficit từ 8% GDP năm 1998 lên 18.9% năm 2000, lần thứ hai tăng từ surplus 2.4% (2008) lên deficit 14.7% (2010). Tôi không có nhiều thông tin về lần kích cầu đầu tiên, về lần thứ hai tôi đã có một số entry trên blog criticize cách thức kích cầu. Hiệu quả của hai lần kích cầu đó chắc chắn có nhiều tranh cãi, tuy vậy công bằng mà nói về bản chất VN đã thực hiện đúng lý thuyết demand management, nghĩa là gia tăng government deficit trong các giai đoạn kinh tế suy giảm để giảm xóc bớt cho nền kinh tế. Sau khi kinh tế phục hồi, budget deficit giảm, thậm chí chuyển sang surplus (2004, 2006, 2008), cũng phù hợp với yêu cầu của demand management. Nói vậy không có nghĩa tôi tán thành fiscal policy của VN. Tuy sự biến đổi của fiscal deficit phù hợp với textbook nhưng level quá cao, deficit năm 2011 là 9% GDP (ADB chưa có số liệu cho 2012) cao hơn nhiều so với khuyến cáo của IMF chỉ nên dưới 5% (Hi lạp trong những năm khủng hoảng nợ công vừa qua cũng có deficit xấp xỉ 10% GDP). VN cần phải cải tổ lại budget để giảm deficit về level dưới 5% GDP trong những giai đoạn suy giảm kinh tế và có surplus trong những giai đoạn tăng trưởng để đảm bảo budget balance bằng không trong một chu kỳ kinh tế. Đây là một nguyên tắc căn bản của demand management.

Tương tự như fiscal policy, monetary policy của VN cũng tuân thủ khá sát lý thuyết demand management trong hơn 10 năm qua. Trong những giai đoạn suy giảm kinh tế nói trên, số liệu lending rate của IFS cho thấy SBV đã đưa lãi suất này về từ 14.4% (1998) xuống 9% (2002), rồi từ 15.8% (2008) xuống 12.4% (2012). Nhưng đó chỉ là trên bề mặt, thực tế SBV đã mắc khá nhiều sai lầm về mặt chính sách. Còn nhớ giai đoạn 2005-2007 khi dòng vốn ngoại ào ạt chảy và VN trước viễn cảnh VN gia nhập WTO, SBV đã không có động thái gì để giảm độ nóng của thị trường tài chính. Tăng trưởng tín dụng đã có lúc lên đến 50%/năm, một phần do chính sách mua dự trữ ngoại tệ mà không sterilize của SBV. Sai lầm của SBV đã làm lạm phát tăng vọt qua mức 2 con số, ngưỡng tâm lý quan trọng đối với người dân VN đã từng chịu đựng những năm tháng siêu lạm phát trước đây. Sự tăng trưởng hỗn loạn của hệ thống ngân hàng mà hệ quả là cục nợ xấu đang treo lơ lửng trên nền kinh tế cũng xuất phát từ những năm tăng trưởng nóng đó, có một phần không nhỏ trách nhiệm giám sát hệ thống ngân hàng của SBV.

Tuy nhiên sai lầm quan trọng nhất của SBV trong thời gian qua là khăng khăng giữ tỷ giá VND quá cao (overvalued) quá lâu. Một nền kinh tế bị lạm phát cao và current account deficit liên tục nhiều năm là điều kiện đủ để central bank phá giá đồng nội tệ. Demand management cũng ủng hộ chính sách phá giá khi kinh tế suy thoái. Tất nhiên phá giá sẽ làm gánh nặng nợ nước ngoài nặng hơn, tất nhiên phá giá sẽ làm giá nguyên liệu nhập khẩu cao hơn, nhưng đó là tín hiệu thị trường quan trọng cho nền kinh tế tái cấu trúc thay vì các khẩu hiệu khơi khơi từ các quan chức. Giữ tỷ giá ổn định trong thời gian dài, điều mà SBV vẫn tự hào là thành tích của mình, đã góp phần làm hàng hóa TQ tràn ngập thị trường VN. Ngay cả xét theo supply side điều này cũng không chấp nhận được. Supply side economics cũng không thể đồng ý với những chính sách làm méo mó thị trường tài chính của SBV như vốn điều lệ tối thiểu, quản lý vàng, trần lãi suất, trần tín dụng, ép buộc sáp nhập tái cấu trúc, và có thể sắp tới là một AMC rất tù mù. Trong khoảng 5 năm lại đây SBV đã và đang đi ngược lại hướng thị trường, cơ quan này cần phải có một cuộc thay máu và cải tổ sâu rộng trước khi nói đến demand hay supply side policy.

Để kết luận cái entry lan man và dài dòng này, xin nhắc lại demand management là những chính sách ổn định vĩ mô ngắn hạn. Những chính sách loại này cho dù được thiết kế và thực thi đúng cũng chỉ có giới hạn và không thể sử dụng cho mục tiêu tăng trưởng dài hạn. Tôi tin rằng VN đã có những sai lầm về mặt demand management, nhưng quan trọng hơn nhiều chính sách microeconomic reform đã bị chậm lại, thậm chí bị đảo ngược lại trong những năm gần đây. Tôi đồng ý với anh Bùi Trinh và Đinh Tuấn Minh là phải quan tâm hơn đến các chính sách "trọng cung", nhưng cũng cần phải chú trọng đến các chính sách "trọng cầu" ngắn hạn, hai nhóm chính sách này không hề loại trừ nhau. Nếu có sự loại trừ, đó là loại trừ giữa các chính sách kinh tế đúng đắn với những nhóm lợi ích dựa vào cơ chế và hệ thống chính trị.




Note: (*):  Chữ "depression" dịch thành "suy thoái" không chuẩn lắm vì không phân biệt được với "recession", nhưng tôi chưa biết cách dịch nào khác.
        (**): Classical dichotomy là khái niệm chỉ sự tách biệt của real và nominal side trong nền kinh tế. Theo khái niệm này money (supply) không có ảnh hưởng gì đến real activities mà chỉ làm thay đổi mức giá (lạm phát).
      (***): Ricardian equivalence cho rằng chính phủ đánh thuế hay phát hành trái phiếu đều có tác dụng như nhau vì trái phiếu chẳng qua là một hình thức dời thuế vào tương lai.
     (****): Paradox of thrift là hiện tượng khi tất cả người dân cùng tăng tỷ lệ tiết kiệm thì tổng income trong toàn nền kinh tế giảm, do đó số tiền tiết kiệm giảm (dù tỷ lệ tăng).
          (^): Đầu tư của doanh nghiệp trong ngắn hạn được liệt kê trong aggregate demand mặc dù trong dài hạn nó sẽ làm tăng năng lực sản xuất.
         (^^): Wealth là tổng giá trị tài sản của một cá nhân, doanh nghiệp, hay quốc gia. Khái niệm này khá phức tạp vì nó bao gồm physical và human wealth, đều là những giá trị rất khó đo lường. Bởi vậy đa số mọi người chỉ có thể ước lượng (perceive) wealth của mình và họ có thể ước lượng không đúng (vd undervalue trong giai đoạn suy thoái).
       (^^^): Ý tưởng central bank phải độc lập khỏi government cũng được Friedman cổ súy. Theo quan điểm của Friedman central bank phải vận hành như một cổ máy được lập trình sẵn chứ không phải một bộ phận của nhà nước.
      (^^^^): Thực ra có những nhóm extreme libertarian thậm chí còn phản đối việc nhà nước cung cấp giáo dục/y tế như một dịch vụ công. Ron Paul, một nghị sĩ bảo thủ rất nổi tiếng, ủng hộ việc hủy bỏ hệ thống giáo dục công, khuyến khích các gia đình tự dạy dỗ con ở nhà (home schooling).



12 comments:

  1. Theo em nghĩ thì supply side economics ko hoàn toàn đúng ví dụ như cuộc khủng hoảng thừa 1929-1933 ro cung quá nhiều dẫn đến hàng hóa dư thừa gây thiệt hại nặng cho những ngươi sản xuất !

    ReplyDelete
  2. Việt Nam thực ra không đi theo trường phái nào, bác Bùi Trinh (Tổng cục thống kê) vừa có kiến nghị quay về chính sách trọng cung (supply side), theo tôi thì trọng cung trong ngắn hạn đối với Việt Nam chưa tốt lắm vì hàng tồn kho đang lớn nhưng dài hạn sẽ ổn vì nó làm gia tăng hàng hóa dịch vụ.
    http://vneconomy.vn/2013040809414570P0C9920/trong-cung-hay-trong-cau-de-cuu-nen-kinh-te.htm

    ReplyDelete
  3. Em thì nghĩ mình nên dung hòa, bởi vì nếu tin vào thuyết thị trường hiệu quả và khả năng tự điều chỉnh của market thì có lẽ nạn nhân lớn nhất là Alan Greenspan và cuộc khủng hoảng 2008 là minh chứng. Bác Paul Krugram cũng phản bác cái lý thuyết này. Góp ý thôi nha các đồng chí, đừng chém em.

    ReplyDelete
  4. Thật ra người thành công nhất trong các nhà kinh tế học cổ điển về chu kỳ kinh doanh phải kể đến Karl Marx. Chính Hayek cũng phải thừa nhận.
    Marx không cho rằng các yếu tố dao động của chu kỳ doanh đến từ cung hay cầu. Mà là từ sự lưu thông của tiền, cụ thể là tín dụng. Nó được phản ánh cụ thể qua tốc độ lưu thông của tiền ( moneytary velocity) .
    Trong thời điểm phồn vinh bao giờ V cũng tăng cao, ngược lại vào thời điểm khủng hoảng V thường xuống rất thấp. Tất nhiên V còn phụ thuộc vào yếu tố công nghệ, như máy ATM , Computer , internet ... làm tăng V.
    Theo Marx bản thân nền kinh tế bao giờ cũng có nợ xấu. Những tổ chức hay cá nhân không thể trả nỗi nợ ( giống như các ngân hàng Việt Nam mà bác Giang từng phân tích, phá sản nhưng chưa mất thanh khoản ). Trong thời kỳ phồn vinh, nguồn tín dụng dồi dào, làm các tổ chức hay cá nhân này tồn tại và quả bom nợ xấu bắt đầu phình to ra. Ở đây tốc độ lưu thông của tiền tệ quyết định đến mức độ phình to của quả bom này. Trước những cuộc khủng hoảng lớn bao giờ cũng là sự tăng tốc mạnh mẽ của V, phần nhiều là vì lý do công nghệ.
    Chỉ đến khi một mắt xích trong hệ thống bộc lộ những điểm yếu, thì lúc đó khủng hoảng mới nổ ra. V càng giảm thì tín dụng lại càng ít, các quả bom nợ xấu lần lượt bộc lộ, khủng hoảng chỉ dừng lai ( vào thời của Marx thì chính quyền không can thiệp vào thị trường ) khi tất cả các quả bom đều đã nổ.
    Bởi vậy, chu kỳ kinh doanh là một thuộc tính của nền kinh tế. Khủng hoảng không xấu, nó như một cơn bảo, quét sạch những cá thể yếu đuối trong 1 khu rừng.

    ReplyDelete
  5. Recession chắc là suy giảm kinh tế thôi. Depression mới là suy thoái

    ReplyDelete
  6. Bác Giang Lê cho em hỏi chút là trong mấy năm trở lại đây tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào tăng trưởng tín dụng. Nhưng năm 2012 và quý 1 năm 2013 tăng trưởng tín dụng âm mà GDP quý 1 vẫn đạt 4.89% có phải nền kinh tế Việt Nam đã thực sự tăng trưởng mà không phụ thuộc nhiều vào tăng trưởng tín dụng. Hay tăng GDP là do những hoạt động như thế này ạ! http://www.thanhnien.com.vn/pages/20130422/nao-vet-song-thi-vai-su-mo-am-kinh-tom.aspx

    ReplyDelete
  7. 1. Vốn ném vào nền kinh tế để sinh ra GDP nó cần có độ trễ thời gian. Như vay tiền xây 1 cái nhà, tiền vay được rồi thì cũng phải cả năm sau cái nhà nó mới hiện hình, chứ không phải úm ba la cái nhà hiện ra để mà cộng vào GDP ngay. Nên so sánh tăng trưởng GDP quý 1 với tăng trưởng tín dụng quý 1 là không chính xác.
    2. Vốn tín dụng chỉ là 1 nguồn vốn trong nền kinh tế. Ví dụ như các doanh nghiệp FDI hiện đang chiếm khoảng 20% nền kinh tế (số liệu này ko nhớ rõ) và chiếm tới 64% xuất khẩu. Họ có dùng đến nguồn tín dụng của các ngân hàng thương mại trong nước éo đâu, họ có vay thì vay từ nước họ với lãi xuất 4-6% rồi mang sang VN đầu tư chứ ngu éo gì vay 12-18% ở VN. Mà trong quý 1, các doanh nghiệp FDI rải ngân 2,7 tỉ đô, với Icor của khối này ở khoảng 2,5-3 thì số vốn kia đủ để GDP VN tăng trưởng 3,5-5% trong quý rồi. Kể cả tất cả những thằng khác trong nước giữ nguyên không mở rộng sản xuất kinh doanh thì thằng khối ngoại nó cũng đủ giữ nhịp độ tăng trưởng cho nền kinh tế ở mức 3,5-5% rồi.

    Chốt: bản thân tớ cũng tin là số liệu thống kê không chính xác, nhưng mà nó làm cho không chính xác bằng cách dấu đi số liệu thô, chỉ công bố số liệu tinh. Còn các phương pháp tính thì đảm bảo là hơi bị khoa học. Có thế mới lòe bịp được lâu dài. Chứ nếu không bọn trùm thống kê với đánh giá tài chính quốc tế nó vạch mặt lâu rồi.

    ReplyDelete
  8. nếu dịch recession là suy thoái kinh tế thì depression theo em dịch là khủng hoảng. Nhưng em nghiêng về cặp suy giảm/suy thoái hơn.

    Lâu lắm bác Giang mới lại có một bài thuần túy kinh tế học :D

    ReplyDelete
  9. : Ricardian equivalence cho rằng chính phủ đánh thuế hay phát hành trái phiếu đều có tác dụng như nhau vì trái phiếu chẳng qua là một hình thức dời thuế vào tương lai.

    Nếu phát hành trái phiếu là hình thức dời thuế vào tương lai thì nó đã khác thuế hiện tại là thời điểm. Em chưa hiểu lắm, thầy có thể chia sẻ thêm chỗ này giúp em

    ReplyDelete
  10. Em nghĩ lần sau bác nên chia bài thành các mục nhỏ, như các bloger kinh tế khác hay làm. Như vậy dễ đoch hơn :D , VD:
    http://johnhcochrane.blogspot.com.au/2013/01/is-finance-too-big.html

    ReplyDelete
  11. Khi cuộc Đại Suy thoái 1929-1933 (Great Depression*) xảy ra, chứng kiến cảnh nông dân Mỹ phải đổ bỏ sữa hay dìm chết gia cầm, câu trả lời của các nhà kinh tế học rõ ràng phải từ demand side.
    ==================
    Anh Giang cho em hỏi các nhà kinh tế học giải thích việc nông dân Mỹ bỏ sữa hay dìm chết gia cầm do demand side à?

    Em nghĩ demand các mặt hàng nông nghiệp không thay đổi nhiều trong ngắn hạn (độ co giãn của đường cầu theo giá của mặt hàng nông nghiệp thấp).

    Theo tìm hiểu của em thì nông dân Mỹ đổ bỏ sữa do supply tăng lên quá mức mới đúng.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cái em nói là price elasticity, còn income elasticity nữa.

      Delete

Note: Only a member of this blog may post a comment.