Wednesday, July 9, 2014

Stein Tonnesson vs Pham Quang Tuan



Có ba nhóm học giả quốc tế chính nghiên cứu về BĐ-HS-TS. Thứ nhất là các chuyên gia về political science/international relation (vd Greg Austin, John Collins, Ang Cheng Guan, Jeanette Greenfield, Sam Bateman, Ralf Emmers), bao gồm cả các nhà Việt Nam học (Carl Thayer, Jonathan London). Thứ hai là các chuyên gia luật quốc tế (Robert Beckman, Monique Chemillier-Gendreau, Christopher Joyner, Erik Franckx, Choon Ho Park). Cuối cùng là các nhà sử học (David Marr, Marwyn Samuels, Philippe Devillers, Stein Tonnesson). Còn một nhóm thứ tư là các chuyên gia quân sự nhưng họ ít khi xuất đầu lộ diện. Tất nhiên phân chia như vậy chỉ là tương đối vì một chuyên gia có thể biết và viết về nhiều lĩnh vực, nhất là khi nghiên cứu về tranh chấp BĐ-HS-TS hầu như chuyên gia nào cũng đụng chạm đến lịch sử và công pháp quốc tế.

Trong ba nhóm nói trên nhóm đầu đông nhất và có nhiều bài vở nhất, nhưng họ phải thường xuyên trích dẫn secondary sources, nghĩa là họ phải dựa vào công trình của hai nhóm sau (luật và sử) là những người tiếp xúc và phân tích trực tiếp các bằng chứng primary (luật, án luật, tư liệu lịch sử, phỏng vấn nhân chứng...). Trong số các nhà sử học Stein Tonnesson là một cái tên được trích dẫn khá nhiều trong các bài nghiên cứu về BĐ-HS-TS gần đây. Ông là tác giả của hai quyển sách về lịch sử VN trong giai đoạn 1944-1946, là những công trình nghiên cứu công phu hàng chục năm (từ khi ông làm luận án thạc sĩ năm 1981), và hàng loạt bài viết về tranh chấp BĐ-HS-TS. Dù Tonnesson còn viết về Thailand và một số đề tài khác, có thể nói học giả này là một nhà sử học + Việt Nam học.

Vì là người "ngoại đạo" nên tôi chỉ biết đến tên Stein Tonnesson (ST) sau "vụ Sam Bateman". Tôi đã cố gắng liên hệ với ông để hỏi ý kiến về HS-TS nhưng ông không/chưa trả lời. Sau khi Google rất kỹ cái tên này tôi tình cờ phát hiện ra một cuộc tranh luận khá căng thẳng giữa Tonnesson và GS Phạm Quang Tuấn (PQT) từ năm 2011. Cuộc tranh luận này còn có sự tham gia của TS Lê Văn Út (Phần lan) và Stein Tonnesson đã chủ động copy thư trao đổi với PQT/LVU cho GS Su Hao (Đại học Ngoại giao TQ). Toàn bộ các email tranh luận được đưa lên website này (bản dịch tiếng Việt ở đây). Đọc kỹ cuộc tranh luận ST-PQT tôi lờ mờ hiểu tại sao Tonnesson không muốn tranh luận một lần nữa với một kẻ ngoại đạo như tôi. Chắc ông đã nhận ra rằng những người VN (hay Philippines, hay Malaysia) email cho ông chủ yếu để tìm sự ủng hộ quan điểm chống TQ mà ông luôn cố gắng giữ trung lập dù ông có thể có cảm tình với VN.

Trước khi đi vào phân tích cuộc tranh luận có lẽ cần nói thêm về GS Stein Tonnesson, một người Na-uy có quan tâm về VN từ rất sớm trong sự nghiệp học thuật của mình. Quyển sách Vietnam 1946: How the war began của ông xuất bản năm 2009 đã từng được trang web của Đảng Cộng Sản viết bài giới thiệu. Quyển sách này sau đó (2013) đã được nhà xuất bản Sự thật dịch sang tiếng Việt. Một bài review tiếng Việt rất công phu của tác giả Vũ Tường trên Talawas cho thấy Vietnam 1946 được chính quyền VN hoan nghênh vì tác giả cho rằng phần lỗi lớn thuộc về phía Pháp đã gây ra cuộc chiến Việt-Pháp 1946-1954. Tonnesson còn tham gia khá nhiều hội thảo về VN, có một bài viết về Hiến pháp 1946 rất chi tiết. Gần đây nhất ông trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên về vụ tranh luận Sam Bateman-Dương Danh Huy/Phạm Quang Tuấn, tỏ ý chê Sam Bateman trong khi khen DDH/PQT. Tóm lại tôi đánh giá đây là một học giả nước ngoài khá thân thiện với VN nếu không muốn nói có quan điểm "bênh" VN trong các nghiên cứu của mình.

Quay lại cuộc tranh luận ST-PQT, chủ điểm xoay quanh vấn đề đường chữ U (đường 9 đoạn/lưỡi bò) mà TQ vẽ trên các bản đồ của mình từ năm 1947. Tại một hội thảo về Biển Đông tại HN tháng 11/2011 Stein Tonnesson lập luận rằng đường chữ U chỉ có thể hiểu theo nghĩa TQ muốn tuyên bố tất cả các đảo/bãi đá trong vùng biển bên trong chữ U này thuộc về TQ. Còn cách hiểu của đa số mọi người là TQ claim toàn bộ vùng biển giới hạn bởi đường chữ U là sai. GS Phạm Quang Tuấn cho rằng lập luận của Tonnesson "chạy tội" cho TQ và dẫn chứng quan điểm của một học giả TQ (GS Su Hao) cũng trong hội thảo đó cho thấy cách hiểu của TQ vẫn là nước này đòi hỏi chủ quyền cho toàn bộ Biển Đông chứ không phải chỉ có các đảo. Trong một bài phỏng vấn với đài RFA sau đó GS Tuấn đã tỏ ý nghi ngờ Stein Tonnesson thiên vị TQ và TQ sẽ lợi dụng lập luận của ông để khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông. Lập luận của GS Tuấn cũng tương tự như một bài báo của Philippines mà tôi trích dẫn mấy hôm trước.

Đến đây cần làm rõ khái niệm đường chữ U là gì và giá trị pháp lý của nó như thế nào. Cho đến thời điểm cuộc hội thảo ở HN tháng 11/2011 TQ chỉ một lần duy nhất công bố chính thức bản đồ có đường chữ U cho một tổ chức quốc tế năm 2009 (trong Note Verbale phản đối CLSC Submission của VN và Malaysia) với ngôn ngữ rất mập mờ. TQ chưa bao giờ công bố tọa độ chính xác và nói rõ ý định của đường chữ U là gì mà chỉ nói chung chung họ có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền vùng biển bên trong chữ U. Tất nhiên TQ có chủ ý khi cố tình mập mờ như vậy để mọi người tự hiểu. Tuy nhiên các học giả quốc tế, nhất là các chuyên gia luật, khi phân tích các tranh chấp và giải pháp cho BĐ-HS-TS buộc phải giả định cơ sở pháp lý của đường chữ U thì mới đánh giá được TQ và các nước khác đúng hay sai. Ở đây cần nhấn mạnh các học giả đó (cả Tonnesson) đưa ra những giả định không có nghĩa họ ủng hộ hay phản đối claim của TQ về đường chữ U.

Giả định của Tonnesson là TQ chỉ claim các đảo bên trong đường chữ U chứ không phải toàn bộ vùng biển đó được nhiều học giả đồng tình, bao gồm cả các học giả "nghiêm túc" người TQ như GS Zhiguo Gao. Đơn giản vì theo UNCLOS ranh giới trên biển không phụ thuộc vào historical rights là điều mà TQ vẫn rêu rao. Với giả định này Tonnesson đã thẳng thừng bác bỏ khả năng TQ có chủ quyền trên vùng biển bên trong chữ U, đây là quan điểm có lơi cho VN. Ngay trong bài viết cho hội thảo tại HN năm 2011 Tonnesson khẳng định vị trí tàu Bình Minh bị TQ cắt cáp nằm trong EEZ của VN cũng là hệ quả của giả định nói trên. Tương tự như vậy vị trí giàn khoan HD-981 hoàn toàn nằm trong EEZ của VN bất kể đảo Triton thuộc về ai nếu đảo này không có thềm lục địa và EEZ (nhiều khả năng như vậy).

Rất tiếc GS Phạm Quang Tuấn và TS Lê Văn Út đã quá vội vàng phê phán giả định này của Tonnesson. Hơn thế nữa Tonnesson cho rằng trong khi TQ chưa chính thức công bố claim toàn bộ Biển Đông (đảo + biển bên trong chữ U) mà VN và các nước khác vội vã kết luận như vậy thì sẽ có lợi cho TQ vì lái dư luận quốc tế theo hướng ngầm hiểm toàn bộ Biển Đông đang bị tranh chấp. Thay vì tập trung vào việc giải quyết chủ quyền đảo HS-TS và các khu vực EEZ bị trồng lấn, các học giả VN bị cuốn vào cuộc tranh luận về đường chữ U mà chắc chắn sẽ không đi đến đâu. Lập luận của GS Tuấn rằng VN và các nước trong khu vực không thể bỏ qua vấn đề đường chữ U vì như vậy là ngầm chấp nhận nó cũng không chính xác. Một khi TQ chưa công bố rõ ràng đường chữ U là gì (claim, tọa độ) thì nó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý trong các phiên tòa quốc tế.

Cơ sở pháp lý cũng không thể được tuyên bố từ các bài nghiên cứu/phát biểu của các học giả TQ như GS Su Hao. Tôi đồng ý với GS Phạm Quang Tuấn là những người như Su Hao là "mouthpiece" của chính phủ TQ nhưng cần phân biệt các dạng tuyên truyền phi chính thức thông qua báo chí và học giả như TQ đang làm với tuyên bố chủ quyền chính thức từ chính phủ. Cho dù Su Hao và các học giả TQ khác có nói thế nào đi nữa đó chỉ là quan điểm cá nhân và chỉ có giá trị thông tin chứ không có giá trị pháp lý. Cho đến thời điểm này (7/2014) TQ vẫn chưa claim chính thức vùng biển trong đường chữ U. Bức thư gửi UN ngày 8/6/2014 BNG TQ vẫn chỉ khẳng định giàn khoan HD-981 nằm ngoài vùng EEZ của VN còn các bài báo của các đại sứ TQ ở một số nước cũng chỉ tuyên bố địa điểm này nằm trong contiguous zone của đảo Triton. TQ không hề dựa vào đường chữ U để phản đối VN. Vậy nên ngay từ năm 2012 Tonnesson đã khuyên một việc VN cần làm là yêu cầu ICJ/PCA xác định các đảo ở HS-TS có được thềm lục địa và EEZ hay không, giống như khuyến cáo gần đây của TS Tạ Văn Tài.

Điểm cuối cùng trong cuộc tranh luận ST-PQT là lý do tại sao TQ cố tình mập mờ về đường chữ U. Theo Tonnesson có thể có mấy cách giải thích sau: (a) TQ biết điều đó quá vô lý nhưng đã lỡ tuyên truyền trong nước như vậy rồi nên không thể rút lại đường chữ U và đành phải để nó mập mờ; (b) các cơ quan quản lý và lãnh đạo TQ chưa thống nhất được phương án claim chính thức; (c) các lãnh đạo cao nhất của TQ không hiểu rõ luật quốc tế và bỏ qua lời khuyên của giới học giả; (d) vấn đề Biển Đông dính dáng đến Đài loan và TQ muốn giải quyết vấn đề ĐL trước; (e) dọa các nước láng giềng về ý đồ bành trướng toàn bộ Biển Đông để các nước phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán khác; (f) chờ thời đến khi TQ đủ mạnh sẽ thực sự chiếm toàn bộ Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. GS Phạm Quang Tuấn và có lẽ phần đông người Việt (trong đó có tôi) chỉ tin vào phương án (f).

Sự kiện tàu Bình Minh bị cắt cáp năm 2011, rồi qui định đánh bắt cá của chính quyền đảo Hải Nam năm 2013 và các cuộc bắt bớ đâm tàu cá VN, gần đây nhất là vụ giàn khoan HD-981 cho thấy phương án (f) có vẻ có lý. TQ có âm mưu lâu dài độc chiếm Biển Đông và họ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự khi có thể. Điều duy nhất tôi không đồng ý với GS Stein Tonnesson trong cuộc tranh luận này là quan điểm của ông cho rằng TQ có incentive và có lợi giữ gìn hòa bình/ổn định lâu dài trong khu vực theo tinh thần Tôn Tử. Chính Tonnesson cho rằng vị trí tàu Bình Minh bị cắt cáp nằm trong EEZ của VN và hành động của TQ không phải là tranh chấp mà là xâm lược (aggression) đáng phải đưa ra UN Security Council. Việc TQ tiếp tục lấn tới trong những năm sau cho thấy chiến thuật "tằm ăn rỗi" bất chấp luật pháp quốc tế chứ không phải vì sĩ diện. Hi vọng Tonnesson đã "tỉnh ngộ" không còn mơ hồ về một nước TQ "yêu chuộng hòa bình" nữa.


Update: Tôi đã nhận được thư trả lời của GS Stein Tonnesson


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.