“.... in a constitutional democracy, persons owe loyalty to the constitution rather than to the government”
James Buchanan.
James Buchanan.
Sau vụ thảm sát ở trường tiểu học tại Sandy Hook, nước Mỹ lại dậy lên làn sóng yêu cầu chính phủ phải thắt chặt quyền sở hữu súng. Tổng thống Obama, biết chắc sẽ không thể thỏa thuận được một bộ luật với quốc hội, đã phải sử dụng hình thức executive order để triển khai một số biện pháp hạn chế súng vào ngày 16/01/2013. Ngay lập tức một làn sóng chống đối nổi lên khắp nước Mỹ, từ những chính trị gia Cộng hoà như Rand Paul, đến những cảnh sát trưởng ở nhiều địa phương, hay dân chúng ở 47 tiểu bang tổ chức biểu tình. Tất cả những người phản đối Obama đều trích dẫn Tu chính án số 2 của hiến pháp Mỹ về quyền được sở hữu vũ khí. Một cựu bộ trưởng bộ Tư pháp (Attorney General) thậm chí còn tuyên bố Obama có thể sẽ bị truy tố về tội ra lệnh trái hiến pháp. Với người Mỹ, hiến pháp là bộ luật tối thượng không ai có thể xâm phạm kể cả tổng thống.
Và không chỉ ở Mỹ, tại đa số các quốc gia hiện nay hiến pháp là nền tảng và bản sắc của từng quốc gia. Văn bản này có thể hiểu nôm na là khế ước của mọi thành viên trong một đất nước về những giá trị (values) và qui định tổng quát (rules) mà họ cùng nhau tuân thủ và bảo vệ. Những giá trị căn bản nhất thường được nêu ra trong hiến pháp như quyền tự do, tự quyết, quyền được sống, được mưu cầu hạnh phúc. Quyền được bình đẳng trước pháp luật, trong cộng đồng, trong hôn nhân, và trong các quan hệ kinh tế xã hội khác. Những qui định của hiến pháp thường xoay quanh các định chế (institution) điều tiết các mối quan hệ của các cá nhân, cộng đồng trong một quốc gia như nhà nước, nhà thờ, kinh tế. Trên thực tế hiến pháp của nhiều nước chỉ tập trung vào định chế nhà nước thường bao gồm ba nhánh: lập pháp (quốc hội), hành pháp (chính phủ) và tư pháp (toà án). Định chế kinh tế được đề cập rất ít nếu đó là kinh tế thị trường.
Sở dĩ những qui định cho định chế kinh tế ít được đưa vào hiến pháp vì kinh tế thị trường có xu hướng tự điều chỉnh về tình trạng tối ưu miễn là các thành phần kinh tế được đối xử công bằng và quyền sở hữu tài sản được bảo vệ. Những điều kiện này thông thường đã được nêu ra như là các quyền hiến định của người dân, bởi vậy không cần nhắc lại trong một phần riêng biệt về kinh tế của bản hiến pháp. Nói cách khác, trong một xã hội dân chủ khi các quyền con người phổ quát được đảm bảo, định chế kinh tế thị trường dường như là hệ quả tự nhiên và tất yếu, một bản hiến pháp dân chủ không cần qui định thêm về định chế này. Khi quyền tự do cá nhân bị hạn chế, vd quyền sở hữu đất đai, hiến pháp buộc phải có thêm qui định để điều phối những hạn chế như vậy. Càng có nhiều hạn chế, định chế kinh tế càng rời xa bản chất kinh tế thị trường.
Có bạn sẽ thắc mắc kinh tế thị trường không/chưa hoàn hảo, vd có những vấn đề như monopoly, externalities, asymmetric information... vậy có cần phải có những qui định trong hiến pháp để hiệu chỉnh lại những điều không hoàn hảo này hay không? Ở đây cần phân biệt hai vấn đề liên quan đến thị trường không/chưa hoàn hảo: hiệu quả (efficiency) và công bằng (equality). Nếu những tính chất không/chưa hoàn hảo của một nền kinh tế thị trường làm các hoạt động kinh tế kém hiệu quả thì hiến pháp không cần can thiệp vì điều này không xâm phạm đến các quyền căn bản của công dân. Có chăng định chế nhà nước sẽ đề ra các biện pháp (luật, qui định dưới luật, chính sách) để hiệu chỉnh lại các bất cập của thị trường trong giới hạn quyền lực nhà nước mà hiến pháp cho phép. Một ví dụ dễ thấy là định chế nhà nước ở nhiều nơi sử dụng chính sách kích cầu, nới lỏng tiền tệ để thúc đẩy nhanh hơn quá trình phục hồi kinh tế sau một cuộc suy thoái. Đây là một hình thức định chế nhà nước can thiệp vào định chế kinh tế với mục đích nâng cao hiệu quả (của resource allocation).
Tuy nhiên vấn đề sẽ phức tạp hơn nếu định chế kinh tế vì lý do nào đó có kết cục không công bằng, nghĩa là có thể vi phạm một trong những nguyên tắc căn bản của một hiến pháp dân chủ. Trước hết cần hiểu công bằng là một khái niệm tương đối và subjective, nó phụ thuộc rất nhiều vào phạm trù đạo đức, văn hoá, tập quán của một xã hội. Tuy nhiên một khi hiến pháp đã xác định khái niệm công bằng ở một mức độ nào đó, nó sẽ giao cho nhà nước một số quyền lực can thiệp vào định chế kinh tế để đảm bảo mức công bằng hiến định. Ví dụ hầu hết các nước đều coi công bằng cơ hội (equality of opportunity) là một quyền hiến định cho mọi công dân. Để đảm bảo điều công bằng này hiến pháp có thể sẽ qui định giáo dục phổ thông bắt buộc và miễn phí cho tất cả trẻ em trong tuổi đến trường. Nhà nước sẽ là định chế được giao trách nhiệm cung cấp dịch vụ giáo dục này và nhà nước sẽ được quyền đánh thuế những người có thu nhập, nghĩa là can thiệp vào định chế kinh tế, để có nguồn lực thực hiện nhiệm vụ mà hiến pháp trao cho. Phần lớn những bản hiến pháp dân chủ đều qui định quyền lực can thiệp nhà nước vào kinh tế thông qua quyền đánh thuế.
Từ những phân tích trên đây, tôi mong muốn hiến pháp VN chỉ qui định những điều rất tổng quát cho định chế kinh tế, thay vì rườm rà và quá chi tiết như bản dự thảo hiện tại (vd điều 53, 60, 61). Đề xuất cá nhân của tôi với bản dự thảo là thay toàn bộ các điều từ 53 đến 63 trong chương 3 bằng những nguyên tắc sau (tôi không phải chuyên gia luật nên ngôn ngữ cụ thể của hiến pháp có thể sẽ khác):
1. Nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường, mọi cá nhân và tổ chức tham gia các hoạt động kinh tế trên lãnh thổ Việt Nam có quyền và nghĩa vụ như nhau, được đối xử công bằng trước hiến pháp và pháp luật.
2. Tất cả các hoạt động kinh tế như sản xuất, kinh doanh, trao đổi hàng hoá, tài sản, thuê mướn nhân công đều trên cơ sở tự nguyện. Nghiêm cấm sử dụng lao động vị thành niên.
3. Công dân được tự do thực hiện mọi hoạt động kinh tế, ngoại trừ những hoạt động bị cấm theo luật định vì vi phạm đến quyền hiến định của các công dân khác hoặc ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội, huỷ hoại môi trường. Những hoạt động kinh tế bị cấm phải được Quốc hội thông qua với đa số lớn(*).
4. Quyền sở hữu tài sản hữu hình và vô hình của mọi công dân, tổ chức là bất khả xâm phạm. Quyền kế thừa tài sản cũng được công nhận và bảo vệ.
5. Công dân và các tổ chức hợp pháp của Việt Nam có quyền sở hữu đất đai và các loại tài nguyên thiên nhiên khác. Những người sở hữu các loại tài nguyên này có trách nhiệm đóng các loại thuế sử dụng tài nguyên (royalty), khai thác và sử dụng tài nguyên theo luật định. Nhà nước có quyền trưng mua tài nguyên do tư nhân sở hữu cho những mục đích xã hội và quốc gia theo luật định. Việc trưng mua phải theo nguyên tắc thị trường.
6. Tất cả các sắc thuế phải do Quốc hội phê chuẩn thành luật, nguyên tắc thuế phải đánh luỹ tiến (progressive) để giảm gánh nặng cho những người có thu nhập thấp. Ngân sách hàng năm của Chính phủ phải được Quốc hội thông qua. Chính phủ phải báo cáo quyết toán thực hiện ngân sách hàng năm cho Quốc hội và công khai cho toàn dân.
7. Ngân sách chi tiêu thường xuyên của chính phủ phải dành ít nhất 1/3 cho các chính sách, hoạt động, chi tiêu liên quan đến an sinh xã hội. Tỷ lệ tối thiểu này có thể được tăng lên nếu Quốc hội thông qua với đa số lớn (*).
Ghi chú: (*) đa số lớn = super majority - vd 75% hay 80%.
Còn nhiều điểm trong bản dự thảo không liên quan đến kinh tế mà tôi cũng muốn sửa đổi, tuy nhiên những điều đó nằm ngoài phạm vi của bài viết này. Tôi hiểu ngay cả những đề xuất thuần tuý kinh tế trên đây cũng khó có thể được chấp nhận trong hoàn cảnh chính trị xã hội hiện tại của VN, nhưng tôi hi vọng vào tương lai.
[Bài này được viết lại từ một số ý kiến tôi đã gửi cho TBKTSG về dự thảo sửa đổi hiến pháp].
Ngoài lề: Bạn nào giỏi chữ Hán cho tôi hỏi nghĩa của từ "hiến" và từ "pháp" trong hiến pháp. Chữ "pháp" trong "hiến pháp" và "pháp luật" khác hay giống chữ "pháp" trong "thư pháp", "pháp thuật"? Có thể tìm một quyển từ điển Hán-Việt nào để tra trong những trường hợp như thế này không?
Phụ lục: Một số links đến các bản hiến pháp tôi tìm được trên Internet:
France
Germany
Japan
Korea
Malaysia
Poland
Singapore
Sweden
Taiwan
Thailand
USA
Các nước châu Âu