Sunday, November 16, 2014

Long Thanh


Dưới đây là một số ý kiến (khá dài và kỹ thuật) của tôi về dự án sân bay Long Thành sau khi đọc xong tờ trình+báo cáo của chính phủ gửi QH về dự án này và phản hồi của UBKT QH. [Những ý kiến này đã được gửi cho báo Thanh Niên].


1. Tôi không ủng hộ cũng không phản đối dự án xây dựng sân bay Long Thành vì chưa đủ thông tin để kết luật.

2. Tôi không có ý kiến gì về số lượng hành khách qua TSN trong những năm qua và dự báo cho các năm tới. Tôi biết một số người (vd TS Nguyễn Thiện Tống) nghi ngờ thống kê và dự báo của ACV nhưng tôi không có thông tin và chuyên môn để đánh giá vấn đề này, cho nên tôi giả định số liệu hành khách của Tờ trình và Báo cáo là chính xác.

3. Về lâu dài tôi ủng hộ việc xây dựng một sân bay quốc tế thay thế hoặc sử dụng song song với TSN. Tuy nhiên thời điểm cụ thể và phương án đầu tư thế nào phụ thuộc vào một số yếu tố tôi sẽ bàn thêm bên dưới.

4. Rất tiếc tài liệu tôi tham khảo chỉ có bản Tóm tắt Báo cáo Đầu tư chứ không phải toàn bộ Báo cáo Đầu tư nên tôi không có đủ thông tin để đánh giá những vấn đề liên quan đến hiệu quả kinh tế cũng như tác động macro. Tôi cũng giả định những thông tin trong Tờ trình và Tóm tắt BCĐT phản ánh trung thực nội dung của BCĐT.

5. Tôi đồng ý với UBKT QH trong bản thẩm định về việc BCĐT cần phải được dân chúng, các chuyên gia độc lập và các cơ quan khác góp ý, đồng nghĩa với chính phủ phải công khai toàn bộ BCĐT (bao gồm tất cả các số liệu tính toán).

6. Tôi đồng ý với UBKT QH về việc phải đưa thêm một số phương án (địa điểm) khác ngoài Long Thành vào BCĐT. Phương án Biên Hoà rõ ràng không khả thi vì Bộ QP đã phủ quyết nên đưa vào BCĐT chỉ để làm "chân gỗ".

7. Phương án mở rộng TSN trong BCĐT không thực sự đầy đủ và thuyết phục. Không đầy đủ vì chưa nói rõ các biện pháp tăng công suất với 2 đường băng hiện có, vd đàm phán với BQP thay đổi lại các vùng cấm bay. Bản thân BCĐT cho biết một sân bay với 2 đường băng cấu trúc đóng như TSN có thể đáp ứng 59 chuyến/giờ, gần gấp đôi so với công suất hiện tại (29 chuyến/giờ: http://nguoidothi.vn/khong-du-l-do-de-khai-tu-san-bay-tan-son-nhat.ndt). Không thuyết phục vì phương án nhà ga và đường băng thứ 3 (bản đồ trang 11 tóm tắt BCĐT) không phải tối ưu, thiết kế dường như để tăng tối đa diện tích phải đền bù giải toả (e.g. tại sao không thiết kế một đường băng thứ ba dọc theo cạnh tam giác hiện hữu hướng NW-SE, có nhất thiết đường băng thứ ba phải đủ dài cho máy bay lớn hạ cánh không hay chỉ cần để giảm tải cho 2 đường băng hiện hữu?).

8. Ngay cả nếu TSN hết công suất và lượng hành khách tăng như ACV dự báo, điều này không có nghĩa VN sẽ mất một lượng khách nước ngoài đúng bằng phần thiếu hụt công suất. Một số khách nước ngoài sẽ đi qua cửa khẩu khác, bản thân TSN sẽ phải cải thiện năng suất để có thể phục vụ một lượng khách tăng lên, TSN có thể sẽ giảm bớt phục vụ các tuyết bay nội địa ngắn, vd SG-Nha Trang, SG-Đà lạt, để dành công suất cho quốc tế. Tóm lại nếu không xây Long Thành và không mở rộng TSN cũng không có nghĩa VN sẽ mất một lượng lớn khách nước ngoài như BCĐT dự báo dù chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

9. Bản tóm tắt BCĐT không nói chi tiết nhưng có thể tóm tắt lợi ích của xây dựng LT gồm 2 phần: lợi ích thương mại (từ doanh thu tăng thêm) và lợi ích kinh tế (từ chi tiêu của số khách nước ngoài tăng thêm). Phần lợi ích kinh tế (trang 50 Tóm tắt BCĐT) có vẻ không đúng vì nhầm doanh thu với lợi nhuận (https://plus.google.com/112488760986970926997/posts/VoQemriGccX). Rất tiếc các tác động kinh tế khác (vd giảm kẹt xe cho khu vực TSN, giảm ô nhiễm cho SG, kích thích tăng trưởng ở LT...) đã không được tính đến. Ngược lại BCĐT cũng không tính đến chi phí xã hội liên quan đến nợ công, ngân sách, ảnh hưởng môi trường ở khu vực sân bay mới. Vấn đề nợ công sẽ được nói thêm bên dưới.

10. Mục chi phí do thời gian đi lại tăng thêm (trang 50) từ LT về trung tâm SG so với từ TSN về trung tâm chỉ là 15 phút có vẻ không thực tế nếu xa lộ HN không được đầu tư thêm. Ngoài ra sân bay LT nằm hẳn về một phía của thành phố nên hành khách ở phía bên kia thành phố sẽ phải đi lại xa hơn khá nhiều. Quan trọng hơn chi phí xây dựng hạ tầng cho LT sẽ tốn kém hơn vì xa hơn TSN, vd nếu xây một tuyết metro nối TSN với trung tâm SG thì chỉ mất 7km, trong khi đó metro từ LT về sẽ là 45km. Trừ khi thành phố phát triển hoàn toàn về phía LT, chi phí xây dựng hạ tầng nối LT với SG sẽ phải tính hết vào chi phí của dự án sân bay này khi so sánh với phương án mở rộng TSN.

11. Theo một số đánh giá độc lập (vd của TS Nguyễn Xuân Thành: http://baodatviet.vn/kinh-te/tai-chinh/san-bay-long-thanhkieu-gi-cung-khong-kha-thi-ve-tai-chinh-2358273/), dự án sân bay LT không khả thi về mặt tài chính. Nghĩa là FIRR nhỏ hơn chi phí vốn hoặc NPV âm. Nếu EIRR dương (khá lớn) như BCĐT đưa ra, phần lợi ích kinh tế trừ đi chi phí kinh tế phải rất lớn. Chưa kể khả năng lợi ích kinh tế có thể không chính xác (đã nêu trong mục 9), BCĐT cần phải tính toán FIRR và ước lượng (negative) cashflow để đánh giá gánh nặng xây/vận hành sân bay LT vào ngân sách. Ngoài ra vì F-NPV âm trong khi E-NPV dương (rất lớn) nên cần phải có phân tích sensitivity cẩn thận về lợi ích kinh tế kể cả khi nó được tính đúng.

12. Vì lợi ích kinh tế (do lượng khách nước ngoài vào VN tăng lên) là lý do duy nhất làm E-NPV dương, xây sân bay ở LT hay bất kỳ đâu cũng có lợi ích kinh tế tương tự như vậy, kể cả phương án cải tạo TSN hay Biên Hoà. Như vậy rõ ràng khi xây dựng các phương án khác nhau chỉ cần so sánh F-NPV hay FIRR là đủ (vì phần lợi ích kinh tế như nhau). Tất nhiên phải lưu ý các ràng buộc phi kinh tế ví dụ các vùng cấm bay vì lý do quân sự hay sự phản đối của dân cư vì ô nhiễm tiếng ồn... Một cách test khách quan phương án nào có FIRR cao nhất là tổ chức đấu thầu cho các đơn vị tư nhân đứng ra làm BOP hay PPP để họ chọn phương án tối ưu nhất. Ví dụ nhà nước tuyên bố sẽ có 2 phương án: giải toả và xây thêm một đường băng ở TSN vs xây mới LT, rồi yêu cầu các công ty tư nhân đấu thầu BOT nhà ga ở 1 trong 2 địa điểm đó. Nếu các công ty đồng loạt chọn LT thì có nghĩa FIRR của LT cao hơn, do vậy EIRR cũng cao hơn.

13. Về ảnh hưởng vào nợ công, ngân sách như đã nói bên trên BCĐT không đề cập đến. Tuy nhiên Bộ trưởng ĐLT đã công bố một số ước tính (http://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/xay-dung-san-bay-long-thanh-da-co-loi-giai-ve-von-361040.vov). Vì chưa rõ những số liệu này được tính toán như thế nào nên tôi không thể có ý kiến. Tuy nhiên việc sử dụng 5000 nghìn tỷ cổ phần hoá VNA để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách đúng ra vẫn phải tính vào ảnh hưởng nợ công vì nếu không xây LT số tiền này có thể được sử dụng để trả bớt nợ. Nếu chính phủ bảo lãnh cho một đơn vị nào đó vay để thực hiện một/vài hạng mục của LT thì trách nhiệm bảo lãnh cần phải qui ra nợ công tương đương.

14. Nguyên tắc tài chính công là với một ngân sách giới hạn, người làm chính sách phải chọn ra những dự án có hiệu quả đầu tư cao nhất để thực hiện. Dù khó có thể yêu cầu BCĐT so sánh hiệu quả kinh tế xã hội của việc xây sân bay LT với bỏ tiền vào giáo dục hay một dự án đầu tư công khác lĩnh vực, QH cũng cần đặt câu hỏi cho chính phủ nếu ngân sách sang năm không tăng liệu chính phủ có chấp nhận cắt đầu tư/chi tiêu ở một lĩnh vực khác để đầu tư cho LT hay không. Nói cách khác dù EIRR của sân bay LT là 22.1% hay 29.8%, vấn đề không phải là so sánh với một chuẩn chiết khấu xã hội 10-12% cứng nhắc mà phải đánh giá trong tổng thể đầu tư/phát triển đất nước nói chung trong điều kiện bị budget constraint. QH nên khuyến khích chính phủ tiết giảm chi tiêu thường xuyên để có tiền đầu tư, nhất là vào cơ sở hạ tầng. Có thể đưa ra một thoả thuận ngân sách kiểu như nếu chính phủ cắt giảm được 10% biên chế thì số tiền lương tiết kiệm được sẽ giao cho chính phủ tự quyết đầu tư vào một dự án nào đó mà không cần xin phép QH.

15. Một phương án khác, QH có thể ra đề bài cho chính phủ là phải tìm một phương án đầu tư giảm thiểu ảnh hưởng vào tỷ lệ nợ công, thậm chí cần phải đưa ra một phương án đầu tư mà sau một số năm nhất định sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ công. Tỷ lệ này không chỉ phụ thuộc vào chi phí đầu tư mà còn vào tác động của dự án lên tăng trưởng kinh tế. Một dự án dù phải đi vay nhiều ban đầu nhưng nếu có tác động tốt đến tăng trưởng thì về dài hạn có thể sẽ làm giảm tỷ lệ nợ công. Các dạng đầu tư (BOT hay PPP) và các phương án cổ phần hoá sau này cũng phải tính đến khi xem xét tác động vào ngân sách và tỷ lệ nợ công. Bởi vậy việc đánh giá tác động đầu tư vào nợ công phải trong dài hạn chứ không chỉ 1-2 năm đầu của dự án.

16. Để giảm bớt gánh nặng trực tiếp vào ngân sách, dự án nên khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân tham gia bỏ vốn dưới hình thức PPP. Nên đưa ra những hình thức PPP có cấu trúc tài chính phù hợp với mức độ rủi ro mà nhà đầu tư tư nhân có thể chấp nhận như preferred shares, options hoặc convertible bonds. Nhà nước có thể khuyến khích các quĩ đầu tư trong nước lập ra các infrastructure fund để các nhà đầu tư nhỏ cũng có thể góp vốn vào các dự án infrastructure lớn thông qua các funds đó. Thu hút các infrastructure funds nước ngoài đầu tư vào LT, thậm chí mời họ ngồi vào HĐQT của công ty vận hành sân bay.

17. Trên nguyên tắc bất kỳ dự án nào có E-NPV dương đều có thể đầu tư ngay nếu không bị budget constraint. Như đã thảo luận trong mục 14, một khi chính phủ có giới hạn về ngân sách và nợ công, vấn đề chọn dự án liên quan đến so sánh E-NPV và/hoặc EIRR, nhưng cũng có thể sẽ phải so sánh F-NPV/FIRR. Vấn đề là bản thân budget constraint cũng không phải một con số cố định. Lý thuyết macro hiện đại cho phép chính phủ có thâm hụt lớn, đồng nghĩa với tăng chi tiêu và đầu tư công, trong những giai đoạn kinh tế suy thoái. Ngược lại nếu khu vực kinh tế tư nhân đang phát triển mạnh và có nhu cầu sử dụng vốn cao, nhà nước cần cắt giảm chi tiêu để tránh crowding out. Tuy nhiên vì chính phủ luôn có incentive tăng chi tiêu nên QH phải có chính sách điều tiết thông qua thắt chặt hay nới lỏng tiêu chí phê duyệt các dự án đầu tư tuỳ thuộc tình hình kinh tế vĩ mô.

18. Một vấn đề rất quan trọng không chỉ liên quan đến LT mà cả các vấn đề kinh tế xã hội khác là nhu cầu an ninh quốc phòng. Hầu hết các dự án đầu tư lớn đều có đụng chạm không ít thì nhiều đến vấn đề này. Cụ thể với dự án LT các vùng cấm bay, hành lang cất cánh hạ cánh sẽ có bị ảnh hưởng bởi các mục tiêu quân sự quốc phòng mà BCĐT không thể công bố. Dù không thể đòi hỏi Bộ Quốc phòng phải công bố những yêu cầu liêu quan đến an ninh quốc phòng, trên nguyên tắc QH có quyền và nên lập các uỷ ban đóng có trách nhiệm rà soát các yêu cầu của phía quốc phòng. Nhu cầu an ninh quốc phòng luôn phải được ưu tiên nhưng cũng cần cân đối với các mục tiêu kinh tế xã hội. Hiện tại số liệu không phận VN được mở ra cho các hoạt động dân sự chưa được công bố, trong khi TQ mở 30% còn Mỹ mở 85% (http://www.economist.com/news/china/21610320-military-exercises-contribute-dreadful-airline-delays-sky-limit). Về lâu dài nhiều khả năng VN sẽ phải mở không phận tiệm cận tỷ lệ của Mỹ, đòi hỏi QH phải thảo luận và nghiên cứu với các cơ quan quốc phòng một cách tích cực.



Wednesday, September 17, 2014

Unemployment rate


Trước đây đa số người Việt không mấy ai quan tâm hoặc biết đến số liệu thống kê thất nghiệp. Dù đây là một chỉ số quan trọng cho các nền kinh tế phát triển nhưng với một nước nông nghiệp nghèo như VN thống kê về thất nghiệp không có mấy giá trị và chưa kể độ chính xác luôn là một dấu hỏi. Tuy nhiên tôi vẫn hoan nghênh việc TCTK và Bộ LĐTBXH (với sự giúp đỡ của ILO) tiến hành thống kê và công bố các chỉ số lao động việc làm, cho dù bộ số liệu này còn cần được cải thiện. Bởi vậy tôi lấy làm tiếc khi dư luận gần đây công kích con số thất nghiệp 1.84% mà không để ý đến bức tranh lao động việc làm rộng hơn, tuy nhiên lỗi một phần do chính Bộ LĐTBXH.

Ít nhất từ năm 1997 TCTK đã tiến hành điều tra và thống kê số liệu lao động việc làm hàng năm, từ năm 2012 số liệu quí bắt đầu được TCTK công bố. Số liệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp được TCTK đưa vào báo cáo kinh tế xã hội mỗi tháng cuối quí trong vài năm lại đây, tuy nhiên Bộ LĐTBXH chỉ bắt đầu xuất bản ấn phẩm về các số thống kê này từ Q1 2014. Ba ấn phẩm đầu tiên được bộ này công bố trong các cuộc họp báo (không hiểu sao lại gọi là hội thảo) có rất nhiều thông tin hữu ích về thị trường lao động chứ không chỉ có số liệu thất nghiệp. Trong khi các ấn phẩm của TCTK về lao động việc làm những năm trước và hai ấn phẩm đầu của Bộ LĐTBXH hầu như không tạo sự chú ý, ấn phẩm thứ ba của bộ này bất ngờ bị báo chí và nhiều chuyên gia "soi" vì tỷ lệ thất nghiệp quá thấp, chỉ 1.84% so với trung bình 5-6% ở nhiều nước phát triển.

Công bằng mà nói con số này đúng là thấp thật và tôi đồ rằng các cán bộ thống kê đã rất miễn cưỡng phải công bố nó, họ biết sẽ phải hứng chịu búa rừu dư luận. Nếu nhiều người nghi ngờ rằng số liệu thống kê VN (vd GDP, CPI) được điều chỉnh cho đẹp lên, tôi nghĩ cơ quan thống kê có khi lại muốn thống kê thất nghệp tệ đi vì xã hội khó có thể chấp nhận một nền kinh tế đang èo uột như hiện tại mà con số này lại thấp đến vậy. Như đổ thêm dầu vào lửa, bài trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Thị Lan Hương, Viện trưởng Khoa học Lao động và Xã hội thuộc Bộ LĐTBXH, đã bị báo chí tường thuật lại với những cái tít rất giật gân: "Việt Nam khác thế giới:Bán trà đá không coi là... thất nghiệp!" hay "Viện Khoa học Lao động: 'Thất nghiệp từ xưa đến nay chỉ có giảm'".

Dù TS Hương và một số chuyên gia đã cố gắng giải thích, dường như báo chí và dư luận xã hội vẫn "bất mãn" với con số 1.84%. Điều này nhiều khả năng sẽ làm Bộ LĐTBXH dè dặt hơn trong việc giới thiệu những ấn bản thống kê của họ trong thời gian tới. Đây sẽ là thiệt thòi cho những người làm công tác thống kê, tôi tin có rất nhiều người làm nghiêm túc, và cho cả xã hội nói chung khi một nguồn thông tin quan trọng không được đoái hoài tới. Bởi vậy trong entry này tôi sẽ cố gắng "bênh" Bộ LĐTBXH một lần nữa. Tôi không quen biết ai và có quyền lợi gì liên quan đến vấn đề này, chỉ đơn thuần muốn mọi người có cái nhìn chính xác hơn về thống kê lao động việc làm cũng như cổ vũ cho TCTK và Bộ LĐTBXH tiếp tục điều tra và công bố những chỉ số này.

Trước hết tôi tin vào khẳng định của TS Hương là định nghĩa thất nghiệp của VN tuân thủ theo thông lệ quốc tế, chính xác hơn là tuân thủ theo định nghĩa của ILO. Nếu mẫu điều tra của VN trong Q2 2014 là 50,000 hộ gia đình như TS Hương công bố thì có thể nói mẫu này khá lớn khi so với sample của Mỹ là 60,000 hộ gia đình cho một đất nước có dân số đông gấp ba lần VN. Trên thực tế theo thông tin tại website của TCTK có năm mẫu này lên đến 173,000 hộ (2007). Mặc dù chưa được chi tiết như Handbook of Methods của Mỹ, TCTK đã rất cố gắng (với sự trợ giúp của UNDP) đưa toàn bộ bản hỏi và phương pháp điều tra lên mạng. Với những thông tin nói trên tôi đánh giá cuộc điều tra này khá chất lượng, ít nhất về mặt thiết kế và tổ chức khảo sát. Tất nhiên chất lượng điều tra thực địa và xử lý số liệu có thể có vấn đề, nhưng với sự giúp đỡ của ILO và UNDP những con số thống kê được công bố có lẽ không quá xa chuẩn quốc tế.

Vậy tại sao tỷ lệ thất nghiệp của VN lại thấp như vậy? Theo tôi lý do quan trọng nhất chính là ở cái "chuẩn quốc tế" mà VN cố gắng theo đuổi. Chuẩn quốc tế ở đây là Standards and Guidelines on Labour Statistics của ILO, trong đó bao gồm một Resolution 1982 liên quan đến các định nghĩa về lao động và thất nghiệp. ILO, một tổ chức quốc tế được thành lập tại Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919 với mục đích chuẩn hóa các tiêu chuẩn, chính sách bảo vệ người lao động, đưa ra các tiêu chuẩn thống kê thống nhất để có thể so sánh thị trường lao động giữa các nước thành viên. Không khó có thể đoán bộ tiêu chuẩn này dựa vào tiêu chuẩn thống kê của Mỹ và các nước phát triển khác. Bởi vậy những định nghĩa quan trọng như thất nghiệp hay thu nhập bình quân (hourly rate) có đặc thù của một nền kinh tế công nghiệp với phần lớn nhân công lao động làm thuê theo hợp đồng cho các đơn vị kinh tế cố định (công ty, nhà xưởng, cửa hàng).

Áp dụng máy móc định nghĩa của ILO vào thị trường lao động VN hẳn nhiên những người bán trà đá, hàng rong, hay chạy xe ôm sẽ không bị coi là thất nghiệp. Không chỉ VN mà ở hầu hết các nước nghèo người lao động không thể không làm việc vì cơ chế bảo hiểm xã hội quá ít hoặc không tồn tại. Nói theo một chuyên gia quốc tế thất nghiệp ở các nước nghèo là một điều "xa xỉ", hầu như chỉ có những người rất giầu mới có thể cho phép mình không lao động. Do vậy có thể đoán các nước nghèo có tỷ lệ thất nghiệp rất thấp chứ không riêng gì VN. Dưới đây là tỷ lệ thất nghiệp của một số nước (nguồn WB), đồ thị này cho thấy Thailand và Cambodia có tỷ lệ thất nghiệp còn thấp hơn VN và tôi tin những người bán hàng rong hay chạy xe ôm ở những nước này cũng được tính là không thất nghiệp.



Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào con số tuyệt đối tỷ lệ thất nghiệp 1.84% quá tốt so với thế giới, nhưng tôi tin không một lãnh đạo nào của VN dám đưa con số này ra làm bằng chứng cho "tính ưu việt" của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trên thực tế tỷ lệ thất nghiệp thấp như vậy là bằng chứng cho thấy người lao động VN phải làm bất cứ công việc gì với bất cứ mức thu nhập như thế nào để tồn tại. Nói theo lý thuyết kinh tế structural unemployment rate của VN (và các nước nghèo khác) rất thấp, có lẽ xấp xỉ bằng không. Quan sát của TS Hương về việc tỷ lệ thất nghiệp giảm liên tục rất có thể là sự sụt giảm của structural unemployment rate, cho thấy cuộc sống của người lao động ngày càng bấp bênh, không có gì đáng tự hào.

Điều này có thể thấy rõ hơn qua một thống kê khác về lao động việc làm: tỷ lệ lao động dễ tổn thương (người nội trợ, lao động tự do như bán trà đá, chạy xe ôm). Cũng giống như những nước nghèo khác tỷ lệ này của VN cao hơn hẳn, >60% ở VN và Cambodia, >50% ở Thailand,  so với các nước phát triển <10%. Đây mới là một trong những chỉ số mà báo chí, dư luận, và những người làm chính sách VN phải lưu tâm thay vì chăm chăm vào phê phán tỷ lệ thất nghiệp. ILO biết điều này và cũng khuyến nghị như vậy.



Tóm lại dù tôi còn rất nhiều bức xúc về số liệu thống kê của VN, con số thất nghiệp 1.84% không nằm trong số này. Tôi rất mong các nhà báo và các chuyên gia kinh tế tập trung hơn vào các số liệu khác trong các ấn phẩm thống kê về lao động việc làm của TCTK và Bộ LĐTBXH. Ví dụ đồ thị sau đây trong Bản tin số 3 cho thấy một sự dịch chuyển rất đáng quan tâm trong thị trường lao động VN trong Q2 2014. Thị trường xây dựng đang ấm dần lên trong khi thương mại dịch vụ và tài chính tiếp tục bế tắc?




Tuesday, September 2, 2014

Vietnam vs China



[Đây là bài cuối cùng trong series về BĐ-HS-TS của blog kinhtetaichinh. Tôi tạm ngưng chủ đề này không phải vì TQ đã rút giàn khoan HD-981 hay tôi không còn quan tâm đến nó nữa, đơn giản vì tôi đã tới giới hạn của những kiến thức cóp nhặt được từ một số sách vở/tài liệu mà tôi đọc trong 3 tháng qua. Là một kẻ ngoại đạo (về lịch sử, chính trị, công pháp quốc tế) tôi không có ý định trở thành hoặc được coi là chuyên gia trong lĩnh vực này, nhưng vẫn hi vọng những gì tôi viết ở đây giúp ích cho ai đó. Có điều các bạn đã được cảnh báo: Read at your own risk!]



Kiện TQ thế nào?

Khi TQ kéo giàn khoan HD-981 vào Biển Đông đầu tháng 5/2014, giống như nhiều người Việt tôi rất "to mồm" kêu gào VN phải kiện ngay TQ ra một toà án quốc tế. Thú thực cho đến thời điểm đó tôi vẫn chưa hiểu rõ kiện cái gì và kiện thế nào, chỉ đơn giản nghĩ rằng chính nghĩa thuộc về VN nên chắc chắn cứ "kiện" là VN sẽ thắng. Kiến thức của tôi về các tranh chấp BĐ-HS-TS gần như chỉ gói gọn trong những gì phía VN đã tuyên truyền chính thức mấy chục năm qua, cộng thêm một vài thông tin lẻ tẻ đọc được trên mạng về công hàm Phạm Văn Đồng 1958 và hai cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 mà chính phủ VN đã cố tình che giấu cho đến tận gần đây.

Bước ngoặt thúc đẩy tôi quyết tâm tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này là vụ CNN phỏng vấn Sam Bateman ngày 11/6 sau khi TQ "tố" VN ra LHQ. Trong cuộc phỏng vấn đó ông tiến sỹ tại viện RSIS (NTU - Singapore) này khẳng định đa số học giả quốc tế cho rằng claim chủ quyền của TQ về HS-TS mạnh hơn của VN. Nóng mũi trước phát biểu đó, trong gần 3 tháng qua tôi bỏ công tìm đọc hầu hết các tác giả mà Sam Bateman nhắc đến và một số học giả quốc tế có uy tín trong lĩnh vực này, đáng kể nhất là Marwyn Samuels, Stein Tonnesson, Greg Austin, Robert Beckman, Ang Chen Guan và một số tác giả khác (cả một số tác giả VN và TQ).

Dù là một người ngoại đạo và chỉ có điều kiện đọc tài liệu rất tản mát, đến thời điểm này có thể nói hiểu biết của tôi về việc "kiện TQ ra một toà án quốc tế" đã rõ ràng hơn nhiều so với 3 tháng trước. Quả thực kiện thế nào, kiện cái gì, và kiện ở đâu không hề đơn giản. Trong entry này tôi sẽ tóm tắt lại những gì tôi đã tìm hiểu về chủ đề này cho những ai quan tâm, nhưng tất nhiên tôi vẫn khuyến cáo các bạn muốn biết tường tận nên tham khảo ý kiến của các luật gia/luật sư chuyên nghiệp về công pháp quốc tế.


Kiện ra PCA theo UNCLOS

Bài trả lời phỏng vấn hãng Reuters của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngày 22/5 đã làm nức lòng nhiều người Việt khi lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp tuyên bố VN có thể sẽ sử dụng "legal action" chống lại TQ. Sau TT Dũng, người phát ngôn BNG và một số quan chức khác cũng nhắc đến biện pháp này, thậm chí có người đã nói VN chỉ còn cân nhắc thời điểm khởi kiện. Việc BNG ký "Host Country Agreement" với PCA, toà trọng tài mà Philippines đang kiện TQ, càng làm nhiều người hi vọng chính phủ VN cuối cùng cũng dám đối đầu với ông anh Cộng sản phương bắc. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, hơn 1 tháng sau khi HD-981 đã rút đi, VN vẫn chưa có động thái gì trên mặt trận pháp lý và chuyến thăm TQ của ủy viên BCT Lê Hồng Anh càng làm nhiều người thất vọng.

Tôi sẽ không đi vào phân tích tình hình quan hệ giữa VN và TQ, điều này nằm ngoài khả năng của tôi. Tuy nhiên tôi cho rằng cho dù quan hệ này nồng ấm trở lại cũng không hẳn VN sẽ không còn khả năng thực hiện một "legal action" liên quan đến Biển Đông. Ở đây tôi cho rằng chữ "legal action" mà TT Dũng phát biểu có ý nghĩa không chỉ một vụ kiện ra tòa mà có thể còn bao hàm những biện pháp pháp lý khác ít đối đầu với TQ hơn. Tất nhiên tôi prefer phương án kiện TQ sòng phẳng ra PCA như Philippines đang làm, mà đáng ra VN nên cùng join với Philippines từ đầu năm 2013. Như tôi đã phân tích trong entry Philippines vs China, phe khởi kiện trong vụ này có thể sẽ thất bại vì PCA không công nhận jurisdiction do TQ đã opt-out theo điều 298 UNCLOS. Tuy nhiên nếu VN khởi kiện lúc đó hoặc nếu bây giờ VN nộp hồ sơ kiện sẽ có một số lợi ích sau.

Thứ nhất, nếu VN kiện TQ ra PCA theo tinh thần tương tự như Philippines, hoặc thậm chí có thể đề nghị Philippines sửa đổi đơn kiện năm 2013 để đưa thêm VN vào bên nguyên cáo, thì khả năng lớn là TQ sẽ tiếp tục không theo kiện như đã làm với Philippines. Điều này sẽ giúp VN tránh phải giải trình trước tòa về những bằng chứng "khó ăn khó nói" như công hàm Phạm Văn Đồng hay lời phát biểu của thứ trưởng Ung Văn Khiêm. Tất nhiên TQ sẽ vẫn "lu loa" những bằng chứng này ngoài tòa như đã làm khi VN phản đối vụ giàn khoan HD-981, nhưng điều đó không ảnh hưởng/liên quan đến các tranh tụng trong tòa. Điều này rất quan trọng vì tôi nghĩ một trong những lý do VN vẫn lưỡng lự kiện và nhún nhường TQ là do ĐCS VN lo ngại một tòa án quốc tế xử VN thua vì công hàm PVĐ hay những bằng chứng bất lợi khác mà họ mắc phải trong quá khứ. Việc tòa không xét đến những bằng chứng đó sẽ giúp cho ĐCS tránh được lời buộc tội "bán nước" mà lề trái đã khăng khăng bấy lâu nay cho dù kết quả thắng thua ra sao.

Thứ hai, vẫn biết dù VN thắng kiện thì TQ sẽ không bao giờ chấp nhận và tuân thủ phán quyết của tòa, nhưng việc tự nguyện đem tranh chấp ra phân xử ở một tòa án quốc tế là một hành động văn minh và chắc chắn sẽ được dư luận quốc tế ủng hộ. Dù thiên vị TQ thế nào đi nữa những học giả như Sam Bateman hay Stefan Talmon cũng không thể biện hộ cho tính chính đáng của các claim của TQ trên Biển Đông được nữa sau khi một tòa án quốc tế ra phán quyết chính thức. Một phần dư luận nội bộ TQ sẽ thức tỉnh hiểu rằng những gì chính quyền của họ tuyên truyền không phải là sự thật. Tôi tin rằng một phán quyết có lợi cho VN sẽ làm TQ chùn bước trong những kế hoạch leo thang sắp tới, giàn khoan HD-981 sẽ khó có thể được kéo vào EEZ của VN một cách ngang nhiên như vừa qua, một vùng cấm bay (ADIZ) mà TQ có thể đưa ra trong tương lai trên Biển Đông sẽ vấp phải phản kháng quốc tế mạnh mẽ hơn.

Thứ ba, như đã phân tích trong entry trước, có một khả năng Philippines và TQ sẽ thỏa thuận ngoài tòa trước khi PCA có phán quyết cuối cùng, VN sẽ "nhỡ tầu" nếu điều này xảy ra. Việc tham gia vụ kiện, một mình hay chung tên với Philippines, sẽ giúp VN trong các cuộc đàm phán ngoài tòa với TQ. Mặc dù tôi tin VN đã và đang sử dụng khả năng kiện TQ như một quân bài (bargaining chip) trong các cuộc đàm phán, nếu thay quân bài đó bằng việc đi kiện rồi ra điều kiện cho TQ phải đàm phán và nhượng bộ thì mới rút đơn kiện sẽ là strategy mạnh mẽ hơn nhiều. Mà không chỉ trong các cuộc đàm phán song phương, đem vụ kiện ra "mặc cả" trong các đàm phán đa phương như COC sắp tới hay trong các diễn đàn quốc tế như ASEAN+3, Shangrila... sẽ giúp củng cố vị trí/quan điểm của VN và các "đồng minh" như Philippines.

Cuối cùng là lý do đối nội. Chỉ mới rào đón khả năng "legal action" mà rất nhiều người đã tung hô TT Dũng, thậm chí đã có người kêu gọi đưa ông lên làm tổng thống. Nếu ông thực sự khởi kiện tôi tin đa số dân VN sẽ ủng hộ ông bất chấp các phe cánh chính trị khác trong ĐCS chống lại, và dù kết cục thế nào cái tên Nguyễn Tấn Dũng sẽ đi vào lịch sử một cách rất khác với cái tên Phạm Văn Đồng. Nếu ĐCS đồng lòng khởi kiện, những cáo buộc "bán nước" của lề trái sẽ không còn cơ sở. Nhưng quan trọng hơn một vụ kiện như vậy sẽ khẳng định quyết tâm "thoát Trung" mà đa số dân VN mơ ước. Tôi cho rằng có một số không nhỏ dân chúng trong nước sẵn sàng chấp nhận chế độ độc đảng nếu VN thực sự thoát Trung. Ngược lại nếu ĐCS quay đầu về công thức Thành Đô thì vị trí của họ sẽ lung lay như nhận định mới đây của The Economist: "... the Communists in Hanoi that get burned."

Trên đây là phương án kiện tốt nhất mà tôi mong muốn VN tiến hành. Nhưng đó không phải là duy nhất và khả thi nhất, "legal action" trong trường hợp này còn bao hàm khả năng VN đưa vụ việc ra ITLOS mà tôi sẽ phân tích trong phần tiếp theo.


Yêu cầu ITLOS cho Advisory Opinion

Một số người (trong đó có tôi) cho rằng nên tách việc kiện TQ xâm phạm EEZ của VN với vấn đề chủ quyền trên HS-TS. Bởi lẽ bất kể bên nào có chủ quyền trên đảo Tri Tôn thuộc HS, nếu đảo này không có EEZ thì theo UNCLOS vị trí giàn khoan HD-981 TQ kéo vào Biển Đông đầu tháng 5 vừa rồi rõ ràng nằm trong phạm vi 200 hải lý EEZ của VN. Phía TQ tuyên bố vị trí giàn khoan nằm trong contiguous zone của đảo Tri Tôn mà họ claim thuộc về họ. Có thể thấy TQ đã cố tình tránh không đề cập đến khái niệm EEZ vì bản thân họ cũng thấy đảo này quá nhỏ và không đủ điều kiện để có EEZ riêng. Một câu hỏi đặt ra là tại sao TQ không để HD-981 nằm trong vùng hải phận 12 hải lý của đảo Tri Tôn, như vậy TQ sẽ buộc chặt vấn đề lãnh hải với chủ quyền đảo và VN sẽ khó bề kiện TQ như Philippines đã làm.

Bỏ qua khả năng đây là một tính toán sai của TQ, tôi nghĩ vị trí giàn khoan nằm ngoài hải phận 12 hải lý của Tri Tôn là một phép thử không chỉ với VN mà còn với ITLOS và giới luật gia liên quan đến UNCLOS. Vấn đề là nếu TQ muốn test, liệu VN có dám tham gia hay không và VN phải làm gì? Câu trả lời đã được một số chuyên gia như Stein Tonnesson, Robert Beckman, Tạ Văn Tài khuyến nghị trước và sau vụ HD-981. VN cần hỏi ITLOS một cách chính thức (seek an advisory opinion) về cơ sở tuyên bố EEZ cho các đảo/bãi đá thuộc HS-TS. Đây không phải là "kiện" theo qui định UNCLOS nên sẽ tránh được các điều 287 và 298, TQ không bị "lôi ra tòa" nên về phương diện ngoại giao biện pháp này sẽ đỡ căng thẳng hơn. Theo Robert Beckman UNCLOS không có qui định nào về điều này nhưng bản thân ITLOS (Article 138, Rules of the Tribunal) cho rằng tòa này có jurisdiction để đưa ra advisory opinion.

Như có lần phân tích trước đây, VN đã từng "tham lam" claim EEZ cho tất cả các đảo thuộc HS-TS. Tuy nhiên sau khi công nhận UNCLOS năm 1994 và chính thức nộp bản đồ giới hạn thềm lục địa cho CLCS năm 2009, VN đã chính thức từ bỏ những claim trái với UNCLOS này. Ngược lại cho đến thời điểm này TQ vẫn lập lờ về vấn đề thềm lục địa, không khẳng định cũng không từ bỏ EEZ của các đảo trên Biển Đông mà họ claim hoặc đang chiếm đóng. Rất có thể TQ làm như vậy vì họ âm mưu độc chiếm toàn bộ Biển Đông trong đường lưỡi bò, nhưng cũng có thể TQ bị "há miệng mắc quai" vì đã claim đường lưỡi bò trước đây và bây giờ khó có thể rút lại mà không làm dân TQ nổi giận. Nếu vậy có thể một phán quyết của ITLOS bác bỏ EEZ của các đảo trên Biển Đông sẽ có lợi cho tất cả các bên kể cả TQ. Theo tôi đây là phương án "legal action" khả thi nhất mà VN có thể làm trong điều kiện chính trị ngoại giao hiện tại.


Legal Actions liên quan đến đánh bắt cá

Người VN không ai không căm phẫn khi tàu TQ đâm chìm hoặc phá hỏng các tàu đánh cá nhỏ của ngư dân VN. Nếu VN có bằng chứng những hành động này phía TQ thực hiện bên trong EEZ của mình và bên ngoài 12 hải lý quanh các đảo HS-TS mà TQ đang chiếm đóng thì VN có thể kiện việc này ra Hội đồng bảo an LHQ như một hành động xâm lăng (aggression) theo ngôn từ của Stein Tonnesson. Thậm chí nếu những hành động này gây thiệt hại nhân mạng VN có thể khởi kiện tại International Criminal Court về hành động thảm sát dân thường của TQ. Tương tự như vậy vụ TQ xả súng bắn các chiến sĩ công binh VN không có khả năng tự vệ trên đảo Gạc Ma 1988, mà theo James Zumwalt - một nhà ngoại giao Mỹ - là một vụ thảm sát (massacre) cũng có thể bị VN đem ra ICC kiện. Tuy nhiên lôi một nước láng giềng, mà lại là TQ, ra ICC kiện về tội xâm lăng hay thảm sát chắc chắn không khả thi trong hoàn cảnh hiện tại. Ở đây tôi xin đưa ra một giải pháp khác.

Theo Article 116 Part VII UNCLOS, tất cả các nước được quyền đánh bắt cá trên vùng biển quốc tế (High Sea), nghĩa là vùng biển nằm ngoài EEZ của các nước có bờ biển liên quan. Như vậy nếu tất cả các đảo thuộc HS-TS không có EEZ, một phần của Biển Đông sẽ được coi là High Sea. Phần đáy biển bên dưới High Sea gọi là The Area được UNCLOS qui định thuộc về toàn bộ nhân loại (Humanity). Tất cả tài nguyên dưới đáy biển (khoáng sản, dầu khí) trong The Area sẽ do một tổ chức quốc tế (International Seabed Authority) quản lý, còn việc đánh bắt hải sản (living resources) trong High Sea và The Area sẽ do các tổ chức đánh bắt hải sản khu vực (Reasonal Fisheries Management Organizations - RFMO) cấp phép và điều phối.

Hiện tại chưa có một RFMO nào cho khu vực Biển Đông. Như vậy legal action đầu tiên mà VN có thể tiến hành là yêu cầu TQ và các nước có liên quan, không chỉ các nước có bờ biển quay ra Biển Đông mà cả các nước có khả năng sẽ tiến hành đánh cá ở khu vực High Sea trên Biển Đông (Úc, Nhật, Hàn quốc, Đài Loan, Ấn Độ ...), tiến hành đàm phán lập ra một RFMO cho khu vực theo tinh thần UNCLOS. TQ vẫn thường rêu rao đề nghị các nước gác lại tranh chấp để cùng nhau khai thác tài nguyên, đề nghị thành lập RFMO này đúng theo tinh thần hợp tác đó nhưng sẽ làm khó cho TQ. Lý do là tháng 12/2013 chính quyền đảo Hải Nam đưa ra một qui định đánh cá bao trùm toàn bộ đường lưỡi bò mà Carl Thayer gọi là một bộ luật cướp biển nhà nước. Vùng biển mà Hải Nam sẽ quản lý bao trùm tất cả những vùng có thể coi là High Sea trên Biển Đông theo qui định UNCLOS. Nếu TQ chấp nhận ngồi vào đàm phán thành lập RFMO nghiễm nhiên qui định đánh cá của Hải Nam vô tác dụng và đường lưỡi bò coi như không có giá trị.

Do đó nhiều khả năng TQ sẽ không chịu tham gia thành lập RFMO, điều này sẽ là bằng chứng cho thấy TQ không hề muốn hợp tác theo luật lệ quốc tế. Nếu vậy legal action thứ hai VN có thể thực hiện là kiện bộ luật quản lý đánh cá của Hải Nam ra một tòa trọng tài đặc biệt (Special Arbitration) theo khoản 1(d) Điều 287 và Annex VIII. Đây là một cách lách Điều 298 vì theo qui định TQ chỉ được opt-out khỏi các tranh chấp liên quan đến ranh giới biển chứ không loại trừ các tranh chấp liên quan đến đánh cá. Một nội dung khác VN có thể đưa vào vụ kiện này (bên cạnh luật đánh cá của Hải Nam) là những vụ TQ bắt giữ tàu cá của ngư dân VN và yêu cầu tiền chuộc. Theo Robert Beckman điều 298 không áp dụng cho trường hợp này nên dù TQ có opt-out họ vẫn có nghĩa vụ phải ra tòa theo qui định UNCLOS nếu VN khởi kiện.


Binding Codes of Conducts

Legal action cuối cùng mà tôi nghĩ có thể khả thi là tiến hành đàm phán COC giữa các nước liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, trong hoặc ngoài khuôn khổ của ASEAN. Trong thời gian gần đây chính TQ đã tuyên bố muốn khởi động đàm phán COC, VN nên chính thức đưa ra một kế hoạch đàm phán cụ thể và yêu cầu tất cả các nước liên quan không có hành động tạo căng thẳng trong quá trình đàm phán. TQ sẽ không có cớ gì để lẩn tránh đề nghị này nhưng nhiều khả năng sẽ đưa đường lưỡi bò ra để gây khó dễ. Đây sẽ là điểm khó nhằn cho VN và các nước liên quan, nếu chấp nhận đưa vấn đề đường lưỡi bò vào đàm phán thì vô hình chung chấp nhận vùng biển bên trong đường lưỡi bò đang bị tranh chấp, một điều phi lý và bất công. Nhưng nếu không chấp nhận thì sẽ không xúc tiến đàm phán được và TQ sẽ không chịu công nhận các vùng EEZ chồng lấn của VN và các nước khác.

Tất nhiên vấn đề này sẽ dễ thở hơn nhiều nếu Philippines thắng trong vụ kiện tại PCA hiện tại hoặc VN đưa vấn đề đánh giá EEZ các đảo HS-TS ra ITLOS. Chưa kể đó là các con bài đàm phán, khi đối mặt với các vụ kiện/legal actions TQ sẽ có incentive ký COC sớm với các nước liên quan trước khi bị một phiên tòa quốc tế ra phán quyết bất lợi cho mình vì như vậy sẽ mất thế khi đàm phán COC. Cá nhân tôi cho rằng đạt được một COC công bằng và theo tinh thần UNCLOS sẽ là một thắng lợi cho VN, những legal actions tôi liệt kê bên trên chủ yếu để giúp đạt được mục tiêu này. Chúng ta cần phải chấp nhận một thực tế là TQ sẽ không chịu nhả HS-TS với bất cứ giá nào. Kiện TQ ra ICJ về chủ quyền HS-TS vô cùng khó khăn và chưa chắc đã đạt được kết quả mong đợi. Trong khi ranh giới biển và quyền khai thác tài nguyên trong EEZ của mình đã được qui định cụ thể trong UNCLOS, chủ quyền đảo phải phân xử theo common laws không có gì trói buộc với TQ. Khác với 3 tháng trước đây, quan điểm hiện tại của tôi giống của GS Phạm Quang Tuấn: VN nên gác lại vấn đề chủ quyền HS-TS.

Nói vậy không có nghĩa VN từ bỏ vĩnh viễn chủ quyền ở hai quần đảo này. Việc gác lại vấn đề chủ quyền để ký COC theo tinh thần UNCLOS sẽ chứng tỏ cho thế giới thấy một nước VN có hành xử văn minh, biết tuân thủ luật pháp quốc tế và sẵn sàng hợp tác vì hòa bình và lợi ích của các nước trong khu vực. Vấn đề chủ quyền là thiêng liêng, nhưng chúng ta còn có những mục tiêu khác quan trọng không kém, vd đưa VN trở thành một quốc gia thịnh vượng và dân chủ. Mà chắc chắn chúng ta phải đạt được những điều đó trước khi hoàn thành giấc mơ "Sang năm tới Hoàng Sa" của mọi người dân VN.


02/09/2014

Monday, July 28, 2014

Philippines vs China



Có lẽ một trong những lý do quan trọng đến giờ này VN vẫn không/chưa "kiện"[1] TQ ra một tòa án quốc tế là VN đang chờ kết quả vụ kiện của Philippines. Rất có thể lãnh đạo VN đang hi vọng Philippines sẽ thắng vụ kiện này để VN có thể "ăn theo" mà không phải trực tiếp đối đầu với "ông anh cộng sản" của mình. Quả thực vụ kiện giữa Philippines và TQ sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến ván cờ trên Biển Đông, không chỉ trên mặt trận pháp lý giữa hai nước này. Rất tiếc thông tin chi tiết về vụ kiện ít được phổ biến ở VN[2] và ngay cả ở Philippines báo chí cũng đưa tin không chính xác. Tuy nhiên vụ kiện này được khá nhiều luật gia quốc tế quan tâm và bình luận vì nó vừa là một case rất thú vị vừa liên quan đến một điểm nóng trên thế giới. Trong bài này tôi sẽ "múa rừu qua mắt các luật gia" tổng kết lại một số thông tin tôi cóp nhặt được về vụ kiện, chủ yếu từ các nguồn quốc tế, và đưa ra một số nhận định cá nhân về tác động của nó với cuộc đối đầu Việt-Trung trên BĐ.


Giải quyết tranh chấp theo UNCLOS

Trước khi nói về vụ kiện Philippines vs China (PvsC) cần nhắc lại một số qui định của UNCLOS về vấn đề giải quyết tranh chấp giữa các thành viên. Theo Article 287 (Section 2, Part XV) thành viên UNCLOS có 4 phương án giải quyết tranh chấp: (a) ITLOS (Annex VI), (b) ICJ, (c) tòa trọng tài theo Annex VII, (d) một tòa trọng tài đặc biệt theo Annex VIII (cho các tranh chấp liên quan đến đánh cá, môi trường, nghiên cứu khoa học, giao thông hàng hải)[3]. Sau khi phê chuẩn công ước, các thành viên có quyền chọn một (hoặc nhiều hơn) trong 4 phương án giải quyết tranh chấp nói trên. Nếu một thành viên chưa tuyên bố lựa chọn, hình thức trọng tài (phương án c) sẽ được áp dụng khi có tranh chấp phát sinh. Vì tất cả các nước liên quan đến tranh chấp BĐ-HS-TS chưa tuyên bố chọn phương án giải quyết tranh chấp nên phương án (c) là giải pháp duy nhất.

Liên quan đến việc giải quyết tranh chấp, điều khoản này của UNCLOS vừa rất chặt chẽ nhưng cũng vừa rất lỏng lẻo. Rất chặt vì nó qui định mọi tranh chấp liên quan đến UNCLOS đều buộc phải đem ra phân xử (compulsory settlement) theo một trong bốn phương án nói trên nếu hai bên không tự đàm phán được với nhau. Ngay cả trong trường hợp một bên tranh chấp không chịu đem ra phân xử tại tòa, bên còn lại vẫn có thể khởi kiện và tòa hoặc trọng tài vẫn có thể phán xử dù chỉ có một bên tham gia. Phán quyết của tòa hoặc trọng tài, bất kể cả hai bên tham gia hay chỉ có một bên kiện còn bên kia tẩy chay như vụ PvsC hiện tại, sẽ là phán quyết cuối cùng (final) và bắt buộc (binding). Nghĩa là sau khi tòa hoặc trọng tài đã đưa ra phán quyết các bên không thể kháng án và có nghĩa vụ phải thi hành để tuân thủ cam kết với UNCLOS[4].

Rất lỏng lẻo, hay nói chính xác hơn là UCLOS đã mở một cửa hậu cho các thành viên né các qui định chặt chẽ bên trên, vì theo Article 298 sau khi trở thành thành viên các nước có quyền tuyên bố miễn trừ (opt-out) các qui định bắt buộc trong Article 287 cho 3 loại tranh chấp: (a) liên quan đến phân chia ranh giới biển theo điều 15, 74, và 83, (b) liên quan đến cách hoạt động quân sự, tuần tra biển, (c) liên quan đến các phán quyết của Hội đồng Bảo an LHQ. Điều này có nghĩa là một thành viên không thể kiện một thành viên khác nếu tranh chấp rơi vào một trong 3 lĩnh vực nói trên và phía bị kiện đã tuyên bố opt-out trước đó. Trên thực tế rất nhiều nước đã opt-out, vd Australia, Canada, India, Denmark, France, Italy, Mexico, Norway, Korea, Russia, Spain, Thailand, UK. Mỹ chưa phê chuẩn UNCLOS nhưng nếu có nhiều khả năng cũng sẽ opt-out.

Tôi không rõ lịch sử của Article 298 này thế nào, có lẽ trong quá trình đàm phán UNCLOS các cường quốc biển đã đưa điều khoản này vào để tránh bị vướng vào kiện tụng sau này vì họ đã/đang tuyên bố chủ quyền với những vùng biển/đảo có khả năng bị tranh chấp cao (vd UK muốn bảo vệ claim với mỏm đá Rockall, Mỹ với quần đảo Howland and Baker, Đan mạch với đảo Greenland). Có thể thấy hầu hết các nước opt-out là những quốc gia lớn, có thực lực đủ để tranh chấp và bảo vệ biển đảo của mình, trong khi những nước opt-in là những nước nhỏ/yếu thế phải dựa vào các biện pháp pháp lý. Trường hợp TQ khá thú vị, nước này phê chuẩn UNCLOS năm 1996 nhưng phải 10 năm sau (2006) mới tuyên bố opt-out. Rất có thể trong 10 năm đầu TQ còn cân nhắc khả năng kiện Nhật về quần đảo Senkaku (nước nào đã opt-out sẽ mất quyền khởi kiện), nhưng sau này TQ đã đủ mạnh và cho rằng bảo đảm quyền lợi trên Biển Đông quan trọng hơn nên đã opt-out để tránh bị kiện tụng. Tôi đoán Philippines đã rất nuối tiếc không kiện TQ trước năm 2006.


Đánh giá của giới luật gia quốc tế về PvsC

Chính vì TQ đã opt-out theo Article 298, một số luật gia cho rằng Philippines không thể kiện. GS luật biển Myron Nordquist (UVA) cho rằng vụ kiện PvsC "bizarre" (kỳ quái) và "futile" (không đi đến đâu). GS StefanTalmon (Uni of Bonn) khẳng định PCA không có thẩm quyền phân xử (jurisdiction) vì đây là tranh chấp giới hạn biển theo các điều 15, 74, 83 mà TQ đã opt-out[5]. Tuy nhiên GS Julian Ku  (Hafstra University) không đồng ý với Nordquist và Talmon, ông đã chỉ ra rằng khi phê chuẩn UNCLOS TQ dù có opt-out hay không cũng đã chấp nhận Part XV và Annex VII. Mà theo Article 288(4) chỉ có hội đồng trọng tài mới có quyền đánh giá liệu những điểm Philippines khởi kiện có được miễn trừ vì tuyên bố opt-out của TQ hay không. Nói cách khác TQ, nếu tuân thủ đúng cam kết như một thành viên UNCLOS, buộc phải tham dự phiên tòa rồi cãi rằng tôi đã opt-out nên đề nghị tòa ngừng xử. Hành vi tẩy chay hoàn toàn phiên tòa như TQ đang làm là trái với qui định của UNCLOS[6].

GS Robert Beckman (NUS)[7] từ năm 2011 và GS Harry Roques (University of the Philippines) cũng lập luận tương tự. Một câu hỏi đặt ra là tại sao TQ lại hành xử như vây? GS Alex Calvo (European University) đưa ra một số lý do giải thích việc TQ không muốn ra tòa. Thứ nhất TQ luôn muốn đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, chiến thuật bẻ nắm đũa mà nhiều người đã chỉ ra. Khi ký DOC với ASEAN năm 2002 TQ đã đạt được mục tiêu đưa yêu cầu đàm phán song phương vào DOC. Do vậy họ cho rằng Philippines đã vi phạm DOC khi lôi vụ việc ra tòa. Thứ hai với lịch sử từng là một cường quốc rồi bị phương Tây "làm nhục", TQ không muốn phải tuân lệnh một tòa án phương Tây. Năm 1947 chính phủ Trung Hoa Dân Quốc đã từng từ chối Pháp đem tranh chấp HS ra một trọng tài quốc tế cũng vì tâm lý đó. Thứ ba bản thân TQ hiểu đường 9 đoạn của mình không phù hợp với luật pháp quốc tế và nếu một phán quyết được đưa ra nhiều khả năng sẽ không có lợi cho TQ.

Tuy nhiên những lý do nói trên không đủ giải thích được tại sao TQ không tham gia vào vụ xử rồi biện luận tòa không có thẩm quyền (jurisdiction) vì mình đã opt-out. Julian Ku cho rằng mặc dù lập luận opt-out của TQ khá mạnh nhưng các cơ sở pháp lý khác của TQ, vd đường 9 đoạn, rất mập mờ. Bởi vậy theo tôi nếu TQ tham gia tranh tụng để rồi bác jurisdiction của tòa, TQ sẽ buộc phải làm rõ quan điểm và cơ sở pháp lý của những khái niệm tù mù mà họ vẫn rêu rao trước đó. Điều này có 2 điểm bất lợi cho TQ: có khá năng bị lật mặt là không phù hợp với luật pháp quốc tế và sẽ là tiền lệ để các nước khác đang có tranh chấp với TQ viện vào trong các vụ kiện sau này. Các lãnh đạo TQ cũng sợ rằng bản thân việc tham gia phiên tòa dù chỉ để cãi về jurisdiction cũng làm yếu đi vị thế của mình, ít nhất trong mắt dân TQ.

Nhưng có lẽ lý do quan trọng nhất là TQ sợ thua ngay từ vòng tranh biện về jurisdiction. Một điểm rất quan trọng mà Robert Beckman đã chỉ ra là chính hội đồng xét xử/hội đồng trọng tài là người quyết định về jurisdiction của họ (điều 288). Tất nhiên các trọng tài quốc tế phải công tâm nhưng họ sẽ không tránh khỏi có bias nhất định. Theo qui định của Annex VII, mỗi bên tranh chấp được quyền đề cử một trong tài của mình rồi hai bên thỏa thuận 3 trọng tài trung lập và một người trong số đó sẽ là chủ tịch hội đồng. Nếu 2 bên không thỏa thuận được thì chủ tịch ITLOS sẽ đứng ra chỉ định. Vấn đề là chủ tịch hiện tại của ITLOS là Shunji Yanai, một thẩm phán người Nhật. Trong bối cảnh tranh chấp Trung-Nhật cũng đang nóng, TQ có lý do để lo ngại thẩm phán Yanai sẽ chỉ định 3 trọng tài có lợi cho Philippines, vd thẩm phán Budislav Vukas, cựu phó chủ tịch ITLOS, một người có quan điểm chống lại EEZ cho các đảo/bãi đá. Vai trò của Shunji Yanai sẽ được phân tích thêm bên dưới.

Cũng theo Beckman phạm vi opt-out trong Article 298 khá hạn chế, các thành viên vẫn có thể tìm những nội dung không bị giới hạn bởi điều 298 để kiện và do vậy TQ có thể sẽ không cãi được vấn đề jurisdiction và phải theo kiện đến cùng dù đã opt-out[8]. Vậy chính xác Philippines, với một đội ngũ luật sư và chuyên gia luật quốc tế khá hùng hậu, đã kiện những nội dung nào và liệu những vấn đề đó có lách được điều 298 hay không? Theo LS Francis Jardeleza, đại diện của chính phủ Philippines tại tòa trọng tài xử vụ PvsC, có 4 nội dung được đưa ra kiện: (i) đường 9 đoạn của TQ không có cơ sở pháp lý do vậy vô hiệu (invalid), (ii) một số bãi đá ngầm trong hoặc ngoài EEZ của Philippines không nằm trên thềm lục địa của TQ, do vậy dù TQ đã xây dựng các công trình nhân tạo trên đó TQ cũng không thể clain chủ quyền biển theo UNCLOS, (iii) một số bãi đá khác cao hơn mặt biển khi thủy triều cao nhất cũng chỉ là "đá" theo Ariticle 121 chứ không phải "đảo" nên chỉ được chủ quyền 12 hải lý, (iv) TQ đã ngăn cản bất hợp pháp các hoạt động đánh bắt cá ở những vùng biển TQ không có chủ quyền.

Không kể GS Stefan Talmon đã nhắc đến bên trên, theo Phó GS Dapo Akande (Oxford) mặc dù Philippines đã cố tình tránh không đề cập đến các phạm vi chủ quyền trên biển của họ và của TQ để lách điều 298, những nôi dung này không ít thì nhiều sẽ đụng chạm đến ranh giới biển. Do vậy Philippines không dễ thuyết phục được hội đồng trọng tài họ có jurisdiction. TS Ian Forsyth (Jamestown Foundation) cũng cho rằng hội đồng trọng tài có thể từ bỏ jurisdiction nếu TQ chứng minh được quan điểm các nội dung Philippines nêu ra có liên quan đến ranh giới biển, nghĩa là bị điều phối bởi điền 298. Một điểm nữa mà phía TQ đã nêu ra là Philippines phải có nghĩa vụ giải quyết song phương với TQ theo DOC 2002, việc kiện ra tòa như vậy rõ ràng vi phạm cam kết trong DOC và do vậy tòa không có jurisdiction. Ngoài ra theo chính UNCLOS Philippines phải có nghĩa vụ tìm cách đàm phán, hòa giải với TQ trước khi đi kiện. Dù Philippines tuyên bố họ đã tìm cách đàm phán với TQ trong 17 năm liên tục mà không có kết quả, tòa cũng có thể phủ quyết jurisdiction trên cơ sở Philippines chưa tìm mọi cách đàm phán song phương hoặc TQ đã/đang đề nghị Philippines quay lại bàn đàm phán nhưng Philippines từ chối.

Khách quan mà nói lập luận của Philippines không hoàn toàn vững chắc và một phiên tòa công bằng rất có thể sẽ nghe theo biện hộ của phía TQ từ chối jurisdiction. Nhưng vấn đề là TQ đã tẩy chay phiên tòa ngay từ đầu nên trừ khi họ đổi ý hội đồng trọng tài sẽ chỉ nghe lập luận một phía từ Philippines. Tôi nghĩ rằng đây chính là tính toán của người Phi, họ tin chắc TQ sẽ không theo vụ kiện nên đã rất tự tin khởi kiện bất chấp sức ép/đe dọa của TQ. Đây cũng là nhận định của Sean Mirski (Lawfare) cho rằng với Philippines quan trọng là chọn thời điểm và nơi kiện chứ không hẳn là các lập luận pháp lý.


Tính toán của Philippines

Một nước cờ rất khôn ngoan của Philippines là đưa đường 9 đoạn vào hồ sơ kiện. Thoạt nhìn kiện đường 9 đoạn rõ ràng là một nội dung liên quan đến ranh giới biển, điều mà TQ đã opt-out. Tuy nhiên đường 9 đoạn là điểm yếu nhất về mặt pháp lý của TQ nên đưa nội dung này vào là một cách ngăn chặn TQ tham gia vụ kiện từ đầu. Cá nhân tôi cho rằng chính phủ TQ hiện "há miệng mắc quai" về vấn đề đường 9 đoạn. Họ biết cả về mặt lịch sử lẫn công pháp quốc tế TQ không thể biện hộ một cách thỏa đáng về claim này. Nhưng vì đã tuyên truyền quá nhiều trong quá khứ nên họ không dễ gì rút lại được mà không làm dân TQ nổi giận. Chiến thuật của các lãnh đạo TQ hiện nay là cứ đá quả bóng này cho những lớp lãnh đạo sau này giải quyết, trong khi cứ mù mờ về nó và tìm mọi cách tránh không phải giải thích gì với thế giới. Philippines hiểu điều này nên đã tin chắc TQ sẽ không theo kiện.

TQ đã bỏ qua 2 mốc đầu tiên của vụ xử: 21/2/2013 (chỉ định trọng tài của mình) và 27/8/2013 (ý kiến về dự thảo qui trình phân xử). Ngày 15/12/2014 tới sẽ là mốc TQ phải nộp phản hồi của mình (memorial) về các lập luận của Philippines (đã nộp ngày 30/3/2014). Sau ngày này tòa sẽ tổ chức tranh biện (hearing) bất kể TQ có gửi phản hồi hay không. Nếu TQ chỉ gửi một Note Verbale với các lập luận y như những lần trước phủ nhận vụ kiện thì coi như Philippines đã thắng bước đầu. Trong vài tháng sau đó tòa sẽ thảo luận và ra quyết định vấn đề jurisdiction. Mặc dù thuần túy về mặt pháp lý lập luận của phía Philippines (các nội dung kiện không bị miễn trừ bởi TQ đã opt-out) chưa đủ mạnh như đã trình bày bên trên, một số yếu tố bên ngoài có thể sẽ giúp họ.

Đầu tiên phải kể đến hình ảnh của TQ đã xấu đi đáng kể sau vụ đặt giàn khoan HD-981 trong EEZ của VN. Dù công tâm đến mấy các trọng tài cũng phải thấy mục đích và hậu quả của việc TQ opt-out theo điều 298 là để tạo thuận lợi cho chính sách bành trướng trên Biển Đông bất chấp pháp luật quốc tế. Thêm vào đó vấn đề đường 9 đoạn của TQ phi lý đến mức một học giả đã thốt lên nếu UNCLOS không loại bỏ được nó thì UNCLOS còn có thể làm được điều gì. Người này còn đi xa hơn cho rằng những nghị sĩ Mỹ có tư tưởng isolationism không muốn phê chuẩn UNCLOS sẽ viện dẫn sự bất lực của tòa án trong việc gạt bỏ đường 9 đoạn là lý do để Mỹ tiếp tục đứng ngoài hiệp ước này. UNCLOS đã từng bị Nga không đếm xỉa gì khi phớt lờ phán quyết của ITLOS trong vụ bắt giữ một chiếc tàu Greenpeace của Hà lan năm 2013, nếu lần này cũng bất lực với TQ thì công ước này thực sự vô tác dụng và có thể tan vỡ[9].

Một đe dọa khác đến quyền lực của UNCLOS cũng xuất phát từ một quan điểm của TQ, nói chính xác hơn từ một số học giả bênh TQ, có thể thấy từ cuộc tranh luận Mark Valencia vs Phạm Quang Tuấn (và sau đó thêm Dương Danh Huy tham gia). Trong lập luận này (phe) TQ cho rằng đường 9 đoạn và khái niệm historical rights của TQ có từ trước khi UNCLOS ra đời. Bởi vậy việc phê chuẩn UNCLOS của TQ phải hiểu là có bao hàm loại trừ những vấn đề lịch sử trước đó, cũng có nghĩa việc opt-out theo điều 298 giúp cho TQ giữ các historical rights này. GS Phạm Quang Tuấn chỉ ra một điểm cực kỳ nguy hiểm của lập luận này, không chỉ với VN và các nước có tranh chấp trên Biển Đông mà còn với toàn bộ quyền lực cũng như mục đích của UNCLOS. Nếu công ước này phải xếp sau những historical rights thì điều này sẽ mở ra một "Pandora's box" với vô số các cuộc tranh giành đất đai, hải đảo giữa các nước. Điều này chắc chắn sẽ phá vỡ hoàn toàn một trật tự "tương đối công bằng" mà UNCLOS đang cố gắng thiết lập.

Yếu tố khách quan cuối cùng là việc chủ tịch ITLOS hiện tại là người Nhật như đã đề cập bên trên. Một trong 4 trọng tài được Shunji Yanai chỉ định ban đầu là thẩm phán Pinto người Sri Lanka đã phải từ chức vì vợ ông là người Philippines cho thấy Yanai có thể đã nghiêng về phía Philippines khi chỉ định thẩm phán này. Người thay thế thẩm phán Pinto là cựu chủ tịch ITLOS Thomas Mensah (Ghana) và ba trọng tài còn lại từ Pháp, Ba Lan và Hà lan khó đánh giá mức độ trung lập nhưng tôi nghi ngờ Yanai chọn ai đó thân hoặc có quan điểm ủng hộ TQ. Còn trọng tài thứ năm do Philippines chỉ định, Rudiger Wolfrum người Đức, chắc sẽ ủng hộ phía Philippines. TQ có vẻ cũng thấy bị bất lợi nên đã ra sức PR, thậm chí đẩy Xue Hanqui, một thẩm phán người TQ tại ICJ, lên tiếng bảo vệ quan điểm opt-out của TQ dù đây là điều tối kị với một thẩm phán quốc tế. Nhà báo Chito Sta. Romana (Philippines) đã từng lo ngại thẩm phán TQ Gao Zhiguo tại ITLOS sẽ ảnh hưởng lên quyết định của các trọng tài khác, tôi nghĩ Shunji Yanai chắc chắn có tiếng nói và ảnh hưởng lớn hơn Gao Zhiguo hay Xue Hanqui.

Tóm lại về mặt tổng thể tôi cho rằng cán cân đang ngả về phía Philippines, cả trong cuộc chiến thuyết phục hội đồng trọng tài về jurisdiction lẫn những nội dung kiện sau đó. Tất nhiên đường còn dài và có thể có nhiều bất ngờ xảy ra. Một đe dọa cho Philippines (và cả VN) như GS Alex Calvo lo ngại là TQ có thể sẽ rút khỏi UNCLOS khi bị dồn vào chân tường và lu loa lên họ bị phương Tây xử ép. Đây có thể là một trong những kết cục của vụ kiện này mà tôi sẽ phân tích trong phần dưới đây.


Những kết cục có thể xảy ra

Phương án đầu tiên là Philippines thua ngay từ "vòng gửi xe", nghĩa là đầu năm 2015 tòa tuyên bố họ không có jurisdiction và giải tán. Hiển nhiên đây sẽ là một cú tát với Philippines và cả VN, đập tan mọi khả năng/ý chí kiện tụng chống lại TQ sau này bằng con đường pháp lý. TQ có thể sẽ thừa thắng xông lên hung hăng hơn trên Biển Đông đuổi dần các nước khác ra khỏi đường 9 đoạn. Nếu VN và Philippines bị đẩy vào bước đường cùng có thể một liên minh quân sự sẽ được thành lập với Nhật, Mỹ và có thể Ấn độ, Úc đúng đằng sau hoặc trực tiếp tham gia. Một cuộc chạy đua vũ trang sẽ diễn ra giữa các nước trong vùng với TQ. Rủi ro đụng độ quân sự tăng lên sẽ làm ngưng trệ các hoạt động kinh tế trên Biển Đông và ảnh hưởng các tuyến hàng hải trên đó. Đây sẽ là phương án lose-lose cho cả hai phía.

Tôi nghĩ TQ sẽ thừa đủ khôn ngoan để không đẩy các đối thủ của mình vào chân tường dù giành thắng lợi trong vụ kiện. Nhiều khả năng TQ nhân đà chiến thắng sẽ ép VN/Philippines và các nước ASEAN ký một COC với nhiều điều kiện có lợi hơn cho TQ. Song song với COC TQ sẽ ép VN và Philippines ký các hiệp định song phương phân chia EEZ rất có lợi cho họ và/hoặc các thỏa thuận khai thác chung mà TQ sẽ được phần lợi nhiều nhất. Tất nhiên TQ cũng thừa khôn ngoan không ép VN và Philippines từ bỏ claim chủ quyền với HS-TS mà sẽ yêu cầu giữ status quo sau khi đã đạt được các thỏa thuận kinh tế. Kịch bản này dễ xảy ra với VN hơn, Philippines với một thể chế dân chủ và ít ra còn dựa được vào Mỹ sẽ khó bị thuyết phục/đe dọa như VN.

Cũng tương tự như vậy nếu Philippines thắng vòng tranh tụng jurisdiction nhưng thua toàn bộ các nội dung kiện thì TQ sẽ lấn tới như phương án đầu. Điểm khác biệt duy nhất là cửa kiện tụng không hoàn toàn đóng lại với cả Philippines lẫn VN, bởi vậy TQ sẽ khó ép hơn. Tuy nhiên, như đã phân tích bên trên, cả hai phương án này đều làm suy yếu uy tín và quyền lực của UNCLOS nên triển vọng kiện tụng sau này sẽ rất mù mờ, phương án lôi TQ ra kiện về chủ quyền HS-TS tại ICJ có khó khăn hơn nữa.

Phương án tiếp theo là Philippines thắng vòng tranh tụng jurisdiction rồi thắng luôn toàn bộ hoặc một số nội dung kiện. Thừa thắng xông lên cả Philippines và VN sẽ lôi TQ ra ICJ kiện về chủ quyền HS-TS, đồng thời ASEAN sẽ đưa ra một phương án COC vô cùng bất lợi cho TQ. Như đã đề cập bên trên TQ có thể phản ứng rất cực đoan rút khỏi UNCLOS, DOC 2002, đồng thời gia tăng những hoạt động đe dọa chủ quyền VN và Philippines vì không còn bị rằng buộc gì. Phương án này cũng sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và khả năng hình thành liên minh quân sự đối đầu với TQ. Căng thẳng leo thang sẽ là một tình huống lose-lose như phương án đầu tiên.

Nên nhớ TQ là một nước lớn nên việc "giữ thể diện" quan trọng đối với họ. Tôi cho rằng phương án tốt nhất cho Philippines (và VN được "ăn theo") là Philippines chỉ thắng nội dung (i) về đường 9 đoạn. Trong đó tòa tuyên bố đường 9 đoạn không phù hợp với bất kỳ điều khoản nào của UNCLOS nên yêu cầu TQ không được sử dụng nó trong các cuộc đàm phán về ranh giới biển với các nước láng giềng. Điều này tưởng như đã vi phạm vào nội dung mà TQ đã opt-out nhưng thực ra không phải vậy. Tòa vẫn tôn trọng nội dung opt-out của TQ và yêu cầu các nước phải đàm phán song phương với TQ về vấn đề ranh giới biển, trong đó có phân chia EEZ trồng lấn. Nhưng tòa tuyên bố các claim hiện nay của TQ về historical rights không có giá trị nên đường 9 đoạn coi như không hiện hữu theo UNCLOS. Thực ra đây có thể là lối thoát cho các lãnh đạo TQ rũ bỏ được legacy của đường 9 đoạn mà không bị mang tiếng là đầu hàng ASEAN và phương Tây.

Phương án cuối cùng mà cũng rất có khả năng xảy ra là Philippines thắng vòng tranh tụng jurisdiction rồi dừng lại. Nên nhớ Philippines chấp nhận bỏ tiền bạc, công sức, và nhất là căng thẳng với TQ khi khởi kiện hoàn toàn vì quyền lợi của họ chứ không phải vì VN hay các nước ASEAN khác. Bởi vậy nếu TQ nhượng bộ nhả bớt một số quyền lợi cho Philippines thì nước này có thể chấm dứt vụ kiện giữa chừng sau khi đạt được mục đích. TQ có thể sẽ "đi đêm" hoặc thỏa thuận công khai phân chia EEZ với Philippines, thậm chí ký hợp đồng cùng khai thác chung với phần ăn chia có lợi cho Philippines. Hai bên sẽ đồng ý gác lại vấn đề chủ quyền của các đảo và bãi đá ngầm đang tranh chấp. VN tất nhiên không "ăn theo" được gì trong phương án này trừ khi Philippines ép được TQ ký COC với ASEAN.

Nếu phương án này xảy ra và TQ "buông" Philippines nhưng vẫn tiếp tục chèn ép VN, chúng ta chỉ còn một con đường lôi TQ ra kiện giống Philippines. Ngoại trừ lợi thế án lệ của PvsC sẽ có lợi cho phần tranh tụng jurisdiction, vụ kiện VN vs TQ sẽ khó khăn hơn vì TQ sẽ có nhiều bài hơn. Chắc chắn "công hàm" Phạm Văn Đồng 1958 sẽ bị lôi ra cùng nhiều chứng cứ khác. Lần này TQ cũng có thể theo vụ kiện ngay từ đầu với một giàn luật sư/chuyên gia mạnh để áp đảo VN trong phần tranh tụng. Kết quả khả quan nhất mà VN có thể đạt được nếu không muốn thua trắng là một thỏa thuận ngoài tòa để chấm dứt sớm vụ kiện như Philippines. Nhưng chắc chắn VN sẽ không đạt được nhiều nhượng bộ từ TQ như Philippines và cũng phải chấp nhận treo lại vấn đề chủ quyền HS-TS.


Kết luận

Vụ kiện PvsC đã tạo ra một chấn động không chỉ trong giới luật gia mà cả vùng Đông-ĐNÁ. Nói theo GS Julian Ku đây là "game charger", nghĩa là một cú hích có thể làm đổi hướng bức tranh BĐ-HS-TS trong khu vực và cả tranh chấp Senkaku giữa Nhật và TQ. Những liên minh mới có thể hình thành, những hiệp định mới có thể được ký kết, thậm chí đụng độ quân sự có thể xảy ra sau phán quyết của tòa trọng tài. Cho đến thời điểm này VN vẫn chơi bài "wait and see", dù có thể vẫn đang âm thầm chuẩn bị hồ sơ khởi kiện nhưng lại rất hi vọng Philippines sẽ thắng tuyệt đối để mình được "ăn theo" mà không phải làm gì. Theo tôi đây không phải phương án tốt nhất cho VN. Chúng ta nên khởi kiện ngay cả trước khi trọng tài vụ PvsC tranh biện jurisdiction. Mục tiêu và cách thức kiện của VN có thể sẽ khác Philippines, đó là một "mặt trận thứ hai" cùng Philippines chống lại TQ. Tôi sẽ là viết về vấn đề này trong một entry tới.



Ghi chú
[1]: Tôi để chữ kiện trong ngoặc vì khái niệm này không đơn giản như đa số người Việt nghĩ. Tôi sẽ viết về vấn đề này trong một entry tiếp theo.
[2]: Tôi chỉ tìm thấy hai bài tương đối chi tiết của trọng tài VN Châu Huy Quang trên TBKTSG và của nhà báo Danh Đức trên TT.
[3]: Khác biệt quan trọng nhất giữa phương án xử tại một tòa cố định (ITLOS/ICJ) với tại một tòa trọng tài (Annex VII) là với tòa cố định hội đồng xét xử đã được định trước (vd ITLOS có 21 thẩm phán thường trực) trong khi các bên có thể chỉ định hội đồng trọng tài cho mình nếu xử theo Annex VII. Ngoài ra tòa án cố định đã có qui trình xử án chuẩn còn qui trình xử của trọng tài được 2 bên tranh chấp thỏa thuận sau khi hội đồng trọng tài được thành lập. Do vậy hai bên có thể thỏa thuận xử kín, không công bố thông tin và chi tiết phiên tòa, không như xử tại tòa án cố định luôn được công khai.
[4]: Julian Ku, giáo sư luật tại Hafstra University, cho rằng ngay cả nếu TQ tham dự phiên tòa trọng tài tại PCA nước này vẫn có khả năng tuyên bố không chấp nhận phán quyết của hội đồng trọng tài nếu bị xử thua, nghĩa là phán quyến này không có tính chất binding. Lập luận này phù hợp với các phân xử trọng tài thông thường nhưng theo tôi không đúng trong trường hợp UNCLOS.
[5]: Trong phần comment về bài của Stefan Talmon, Huy Duong (Dương Danh Huy?) đồng ý với lập luận của Talmon rằng tranh chấp giữa Philippines và TQ liên quan đến ranh giới biển. Update: Anh Dương Danh Huy cho biết ý anh không phải như vậy, xem cụ thể trong phần comment bên dưới.
[6]: Mặc dù cả Annex VI lẫn Annex VII đều có qui định về trường hợp một bên không theo kiện, nhưng điều đó không có nghĩa UNCLOS cho phép thành viên được quyền tẩy chay một vụ kiện do một thành viên khác khởi xướng theo đúng điều 287.
[7]: GS Robert Beckman có 2 bài, bài hoàn chỉnh link bên trên, một bài viết chi tiết hơn về UNCLOS ông yêu cầu không tự do trích dẫn nên tôi chỉ để link ở đây cho những ai quan tâm.
[8]: GS Julian Ku cho rằng TQ có thể rời bỏ vụ xử giữa chừng sau khi tòa tuyên bố họ có jurisdiction. Tuy nhiên điều này còn gây tiếng xấu cho TQ hơn là không theo ngay từ đầu.
[9]: TS Mark Valensia lại lập luận ngược lại. Ông này cho rằng nếu tòa chấp nhận jurisdiction và xử cho Philippines thắng thì UNCLOS sẽ mất uy tín vì kiểu gì TQ cũng sẽ không tuân lệnh tòa.


Update (29/10/2015): PCA vừa ra phán quyết (100% thẩm phán bỏ phiếu thuận) về jurisdiction cho vụ kiện này. Trong đó PCA cho rằng họ có jurisdiction phán xử 7 trong số 15 submissions của Philippines. Số submissions còn lại PCA sẽ xác định jurisdiction trong giai đoạn tranh biện lập luận (merit) của các bên, Philippines phải sửa lại một submission. Rất tiếc là submission số 1&2 về đường 9 đoạn nằm trong số những vấn đề PCA chưa quyết định jurisdiction.



Wednesday, July 9, 2014

Stein Tonnesson vs Pham Quang Tuan



Có ba nhóm học giả quốc tế chính nghiên cứu về BĐ-HS-TS. Thứ nhất là các chuyên gia về political science/international relation (vd Greg Austin, John Collins, Ang Cheng Guan, Jeanette Greenfield, Sam Bateman, Ralf Emmers), bao gồm cả các nhà Việt Nam học (Carl Thayer, Jonathan London). Thứ hai là các chuyên gia luật quốc tế (Robert Beckman, Monique Chemillier-Gendreau, Christopher Joyner, Erik Franckx, Choon Ho Park). Cuối cùng là các nhà sử học (David Marr, Marwyn Samuels, Philippe Devillers, Stein Tonnesson). Còn một nhóm thứ tư là các chuyên gia quân sự nhưng họ ít khi xuất đầu lộ diện. Tất nhiên phân chia như vậy chỉ là tương đối vì một chuyên gia có thể biết và viết về nhiều lĩnh vực, nhất là khi nghiên cứu về tranh chấp BĐ-HS-TS hầu như chuyên gia nào cũng đụng chạm đến lịch sử và công pháp quốc tế.

Trong ba nhóm nói trên nhóm đầu đông nhất và có nhiều bài vở nhất, nhưng họ phải thường xuyên trích dẫn secondary sources, nghĩa là họ phải dựa vào công trình của hai nhóm sau (luật và sử) là những người tiếp xúc và phân tích trực tiếp các bằng chứng primary (luật, án luật, tư liệu lịch sử, phỏng vấn nhân chứng...). Trong số các nhà sử học Stein Tonnesson là một cái tên được trích dẫn khá nhiều trong các bài nghiên cứu về BĐ-HS-TS gần đây. Ông là tác giả của hai quyển sách về lịch sử VN trong giai đoạn 1944-1946, là những công trình nghiên cứu công phu hàng chục năm (từ khi ông làm luận án thạc sĩ năm 1981), và hàng loạt bài viết về tranh chấp BĐ-HS-TS. Dù Tonnesson còn viết về Thailand và một số đề tài khác, có thể nói học giả này là một nhà sử học + Việt Nam học.

Vì là người "ngoại đạo" nên tôi chỉ biết đến tên Stein Tonnesson (ST) sau "vụ Sam Bateman". Tôi đã cố gắng liên hệ với ông để hỏi ý kiến về HS-TS nhưng ông không/chưa trả lời. Sau khi Google rất kỹ cái tên này tôi tình cờ phát hiện ra một cuộc tranh luận khá căng thẳng giữa Tonnesson và GS Phạm Quang Tuấn (PQT) từ năm 2011. Cuộc tranh luận này còn có sự tham gia của TS Lê Văn Út (Phần lan) và Stein Tonnesson đã chủ động copy thư trao đổi với PQT/LVU cho GS Su Hao (Đại học Ngoại giao TQ). Toàn bộ các email tranh luận được đưa lên website này (bản dịch tiếng Việt ở đây). Đọc kỹ cuộc tranh luận ST-PQT tôi lờ mờ hiểu tại sao Tonnesson không muốn tranh luận một lần nữa với một kẻ ngoại đạo như tôi. Chắc ông đã nhận ra rằng những người VN (hay Philippines, hay Malaysia) email cho ông chủ yếu để tìm sự ủng hộ quan điểm chống TQ mà ông luôn cố gắng giữ trung lập dù ông có thể có cảm tình với VN.

Trước khi đi vào phân tích cuộc tranh luận có lẽ cần nói thêm về GS Stein Tonnesson, một người Na-uy có quan tâm về VN từ rất sớm trong sự nghiệp học thuật của mình. Quyển sách Vietnam 1946: How the war began của ông xuất bản năm 2009 đã từng được trang web của Đảng Cộng Sản viết bài giới thiệu. Quyển sách này sau đó (2013) đã được nhà xuất bản Sự thật dịch sang tiếng Việt. Một bài review tiếng Việt rất công phu của tác giả Vũ Tường trên Talawas cho thấy Vietnam 1946 được chính quyền VN hoan nghênh vì tác giả cho rằng phần lỗi lớn thuộc về phía Pháp đã gây ra cuộc chiến Việt-Pháp 1946-1954. Tonnesson còn tham gia khá nhiều hội thảo về VN, có một bài viết về Hiến pháp 1946 rất chi tiết. Gần đây nhất ông trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên về vụ tranh luận Sam Bateman-Dương Danh Huy/Phạm Quang Tuấn, tỏ ý chê Sam Bateman trong khi khen DDH/PQT. Tóm lại tôi đánh giá đây là một học giả nước ngoài khá thân thiện với VN nếu không muốn nói có quan điểm "bênh" VN trong các nghiên cứu của mình.

Quay lại cuộc tranh luận ST-PQT, chủ điểm xoay quanh vấn đề đường chữ U (đường 9 đoạn/lưỡi bò) mà TQ vẽ trên các bản đồ của mình từ năm 1947. Tại một hội thảo về Biển Đông tại HN tháng 11/2011 Stein Tonnesson lập luận rằng đường chữ U chỉ có thể hiểu theo nghĩa TQ muốn tuyên bố tất cả các đảo/bãi đá trong vùng biển bên trong chữ U này thuộc về TQ. Còn cách hiểu của đa số mọi người là TQ claim toàn bộ vùng biển giới hạn bởi đường chữ U là sai. GS Phạm Quang Tuấn cho rằng lập luận của Tonnesson "chạy tội" cho TQ và dẫn chứng quan điểm của một học giả TQ (GS Su Hao) cũng trong hội thảo đó cho thấy cách hiểu của TQ vẫn là nước này đòi hỏi chủ quyền cho toàn bộ Biển Đông chứ không phải chỉ có các đảo. Trong một bài phỏng vấn với đài RFA sau đó GS Tuấn đã tỏ ý nghi ngờ Stein Tonnesson thiên vị TQ và TQ sẽ lợi dụng lập luận của ông để khẳng định chủ quyền của mình trên Biển Đông. Lập luận của GS Tuấn cũng tương tự như một bài báo của Philippines mà tôi trích dẫn mấy hôm trước.

Đến đây cần làm rõ khái niệm đường chữ U là gì và giá trị pháp lý của nó như thế nào. Cho đến thời điểm cuộc hội thảo ở HN tháng 11/2011 TQ chỉ một lần duy nhất công bố chính thức bản đồ có đường chữ U cho một tổ chức quốc tế năm 2009 (trong Note Verbale phản đối CLSC Submission của VN và Malaysia) với ngôn ngữ rất mập mờ. TQ chưa bao giờ công bố tọa độ chính xác và nói rõ ý định của đường chữ U là gì mà chỉ nói chung chung họ có đầy đủ bằng chứng lịch sử về chủ quyền vùng biển bên trong chữ U. Tất nhiên TQ có chủ ý khi cố tình mập mờ như vậy để mọi người tự hiểu. Tuy nhiên các học giả quốc tế, nhất là các chuyên gia luật, khi phân tích các tranh chấp và giải pháp cho BĐ-HS-TS buộc phải giả định cơ sở pháp lý của đường chữ U thì mới đánh giá được TQ và các nước khác đúng hay sai. Ở đây cần nhấn mạnh các học giả đó (cả Tonnesson) đưa ra những giả định không có nghĩa họ ủng hộ hay phản đối claim của TQ về đường chữ U.

Giả định của Tonnesson là TQ chỉ claim các đảo bên trong đường chữ U chứ không phải toàn bộ vùng biển đó được nhiều học giả đồng tình, bao gồm cả các học giả "nghiêm túc" người TQ như GS Zhiguo Gao. Đơn giản vì theo UNCLOS ranh giới trên biển không phụ thuộc vào historical rights là điều mà TQ vẫn rêu rao. Với giả định này Tonnesson đã thẳng thừng bác bỏ khả năng TQ có chủ quyền trên vùng biển bên trong chữ U, đây là quan điểm có lơi cho VN. Ngay trong bài viết cho hội thảo tại HN năm 2011 Tonnesson khẳng định vị trí tàu Bình Minh bị TQ cắt cáp nằm trong EEZ của VN cũng là hệ quả của giả định nói trên. Tương tự như vậy vị trí giàn khoan HD-981 hoàn toàn nằm trong EEZ của VN bất kể đảo Triton thuộc về ai nếu đảo này không có thềm lục địa và EEZ (nhiều khả năng như vậy).

Rất tiếc GS Phạm Quang Tuấn và TS Lê Văn Út đã quá vội vàng phê phán giả định này của Tonnesson. Hơn thế nữa Tonnesson cho rằng trong khi TQ chưa chính thức công bố claim toàn bộ Biển Đông (đảo + biển bên trong chữ U) mà VN và các nước khác vội vã kết luận như vậy thì sẽ có lợi cho TQ vì lái dư luận quốc tế theo hướng ngầm hiểm toàn bộ Biển Đông đang bị tranh chấp. Thay vì tập trung vào việc giải quyết chủ quyền đảo HS-TS và các khu vực EEZ bị trồng lấn, các học giả VN bị cuốn vào cuộc tranh luận về đường chữ U mà chắc chắn sẽ không đi đến đâu. Lập luận của GS Tuấn rằng VN và các nước trong khu vực không thể bỏ qua vấn đề đường chữ U vì như vậy là ngầm chấp nhận nó cũng không chính xác. Một khi TQ chưa công bố rõ ràng đường chữ U là gì (claim, tọa độ) thì nó hoàn toàn không có cơ sở pháp lý trong các phiên tòa quốc tế.

Cơ sở pháp lý cũng không thể được tuyên bố từ các bài nghiên cứu/phát biểu của các học giả TQ như GS Su Hao. Tôi đồng ý với GS Phạm Quang Tuấn là những người như Su Hao là "mouthpiece" của chính phủ TQ nhưng cần phân biệt các dạng tuyên truyền phi chính thức thông qua báo chí và học giả như TQ đang làm với tuyên bố chủ quyền chính thức từ chính phủ. Cho dù Su Hao và các học giả TQ khác có nói thế nào đi nữa đó chỉ là quan điểm cá nhân và chỉ có giá trị thông tin chứ không có giá trị pháp lý. Cho đến thời điểm này (7/2014) TQ vẫn chưa claim chính thức vùng biển trong đường chữ U. Bức thư gửi UN ngày 8/6/2014 BNG TQ vẫn chỉ khẳng định giàn khoan HD-981 nằm ngoài vùng EEZ của VN còn các bài báo của các đại sứ TQ ở một số nước cũng chỉ tuyên bố địa điểm này nằm trong contiguous zone của đảo Triton. TQ không hề dựa vào đường chữ U để phản đối VN. Vậy nên ngay từ năm 2012 Tonnesson đã khuyên một việc VN cần làm là yêu cầu ICJ/PCA xác định các đảo ở HS-TS có được thềm lục địa và EEZ hay không, giống như khuyến cáo gần đây của TS Tạ Văn Tài.

Điểm cuối cùng trong cuộc tranh luận ST-PQT là lý do tại sao TQ cố tình mập mờ về đường chữ U. Theo Tonnesson có thể có mấy cách giải thích sau: (a) TQ biết điều đó quá vô lý nhưng đã lỡ tuyên truyền trong nước như vậy rồi nên không thể rút lại đường chữ U và đành phải để nó mập mờ; (b) các cơ quan quản lý và lãnh đạo TQ chưa thống nhất được phương án claim chính thức; (c) các lãnh đạo cao nhất của TQ không hiểu rõ luật quốc tế và bỏ qua lời khuyên của giới học giả; (d) vấn đề Biển Đông dính dáng đến Đài loan và TQ muốn giải quyết vấn đề ĐL trước; (e) dọa các nước láng giềng về ý đồ bành trướng toàn bộ Biển Đông để các nước phải nhượng bộ trong các cuộc đàm phán khác; (f) chờ thời đến khi TQ đủ mạnh sẽ thực sự chiếm toàn bộ Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế. GS Phạm Quang Tuấn và có lẽ phần đông người Việt (trong đó có tôi) chỉ tin vào phương án (f).

Sự kiện tàu Bình Minh bị cắt cáp năm 2011, rồi qui định đánh bắt cá của chính quyền đảo Hải Nam năm 2013 và các cuộc bắt bớ đâm tàu cá VN, gần đây nhất là vụ giàn khoan HD-981 cho thấy phương án (f) có vẻ có lý. TQ có âm mưu lâu dài độc chiếm Biển Đông và họ sẽ sử dụng sức mạnh quân sự khi có thể. Điều duy nhất tôi không đồng ý với GS Stein Tonnesson trong cuộc tranh luận này là quan điểm của ông cho rằng TQ có incentive và có lợi giữ gìn hòa bình/ổn định lâu dài trong khu vực theo tinh thần Tôn Tử. Chính Tonnesson cho rằng vị trí tàu Bình Minh bị cắt cáp nằm trong EEZ của VN và hành động của TQ không phải là tranh chấp mà là xâm lược (aggression) đáng phải đưa ra UN Security Council. Việc TQ tiếp tục lấn tới trong những năm sau cho thấy chiến thuật "tằm ăn rỗi" bất chấp luật pháp quốc tế chứ không phải vì sĩ diện. Hi vọng Tonnesson đã "tỉnh ngộ" không còn mơ hồ về một nước TQ "yêu chuộng hòa bình" nữa.


Update: Tôi đã nhận được thư trả lời của GS Stein Tonnesson


Monday, May 26, 2014

Capital IV


[Tôi đang viết Capital III nhưng vụ số liệu trong C21C do Chris Giles phát hiện ra quá nóng nên tạm dừng III viết IV trước :-)]


Weekend vừa rồi Chris Giles, một editor của FT, viết một bài báo và một blog entry chỉ ra một số vấn đề về số liệu trong quyển sách đình đám C21C của TP. Bài trên báo viết nhẹ nhàng hơn, so sánh lỗi số liệu của C21C với vụ lỗi trong bảng tính Excel của Rogoff & Reinhart năm ngoái. Trong khi đó bài trên blog buộc tội TP khá nặng, cho rằng nhà kinh tế này đã bịa số liệu (from thin air) và điều chỉnh số liệu (randomly and undocumented) để đạt được kết luận chính của quyển sách. Sau khi sửa lại những lỗi của TP và tính toán lại wealth inequality cho một số nước/khu vực, Chris Giles khẳng định kết luận của C21C không còn đúng nữa. Lời buộc tội này như vậy nặng hơn rất nhiều những gì R&R bị chỉ trích.

Nhưng khác với vụ R&R, ngay khi bài báo của Chris Giles được đưa lên mạng và được một số báo/trang mạng khác trích dẫn, một loạt phản hồi theo hướng bênh vực TP xuất hiện. Đáng kể nhất (cho đến thời điểm này) là phản hồi của The EconomistJustin Wolfers. Cả hai phản hồi này và những phản hồi của các tác giả khác (Paul Krugman, James Hamilton, Neil Irwin) đều cho rằng phát hiện của Chris Giles không ảnh hưởng đến kết luận chính của C21C, i.e. sự bất bình đẳng về của cải (wealth) đã gia tăng trong giai đoạn 1970 đến nay và điều này là tất yếu của capitalism.

Bài của The Economist cho rằng Chris Giles chưa có đủ bằng chứng cho các buộc TP bịa số liệu và các hiệu chỉnh mà TP làm trong C21C là cần thiết (nhưng đúng là TP cần giải thích rõ ràng). Phần lớn số liệu trong C21C không có vấn đề gì, những lỗi mà Chris Giles chỉ ra thực ra chỉ là một phần nhỏ của quyển sách chứ không phải central theme như Giles cáo buộc. Justin Wolfers thẳng thừng cho rằng Chris Giles đã "provocative" và cho rằng động cơ của cáo buộc này là chính trị hơn là học thuật. Dĩ nhiên tất cả các tác giả bênh vực TP nói trên đều là những người thiên tả và không loại trừ khả năng họ bênh vì quan điểm chính trị. Trong khi đó hiện mới có Tyler Cowen (thiên hữu) lên tiếng ủng hộ phê phán của Chris Giles, nhưng cũng khá dè dặt. Chắc vài ngày tới cánh hữu sẽ có nhiều tiếng nói hơn.

Bản thân TP đã có phản hồi chính thức (đăng trên blog của Chris Giles), mặc dù thừa nhận rằng bộ số liệu mà mình xây dựng còn phải hoàn thiện thêm nhưng khẳng định kết luận của C21C không sai. TP cũng ngầm phản bác lại cáo buộc của Giles về việc bịa và hiệu chỉnh số liệu bằng lập luận toàn bộ số liệu và technical appendix của quyển sách đã được công khai trên web. Đáng tiếc là TP chưa trả lời trực tiếp một số vấn đề mà Chris Giles nêu ra, vd gõ số liệu của Thụy điển sai, lựa chọn năm so sánh cho các nước tùy tiện, hiệu chỉnh số liệu mà không giải thích, hay cherry pick các bộ số liệu có lợi cho kết luận của mình. Hi vọng TP sẽ viết một "giải trình" chi tiết hơn trong thời gian tới, cuộc thảo luận chi tiết giữa TP và Chris Giles sẽ rất đáng theo dõi.

Cá nhân tôi, dù không có thời gian kiểm tra số liệu trong C21C như Chris Giles và những người khác, không ủng hộ các cáo buộc của Chris Giles về độ tin cậy của số liệu và nhất là việc TP manipulate số liệu. Quyển sách này là một công trình nghiên cứu hơn 10 của TP và một số nhà kinh tế khác, nếu có lỗi trong việc thu thập và sửa chữa số liệu thì đã bị những chuyên gia khác chỉ ra rồi. Một kết luận quan trọng có ý nghĩa rất lớn đến chính sách kinh tế dài hạn gần như cho toàn thế giới (tư bản) không dễ gì đạt được thông qua việc manipulate số liệu (trong hơn 10 năm trời). So sánh với bài của R&R năm ngoái, chỉ là một working paper (không có peer review) và chưa hoàn chỉnh, C21C đã được kiểm chứng và xác nhận bởi nhiều tác giả và công trình nghiên cứu khác.

Một criticism nghiêm túc phải xem xét các bài báo và nghiên cứu liên quan của TP rồi mới có thể kết luận quyển C21C đã đưa ra kết luận sai. Rất có thể nhiều điểm "khó hiểu" trong C21C đã được TP giải thích/trình bày trong các nghiên cứu đó. Chris Giles chưa làm điều này, và chắc sẽ không làm vì tôi nghi ngờ động cơ của nhà báo này là muốn tạo ra một vụ scandal R&R thứ hai (mà mình là hero) chứ không hẳn Giles có academic interest về vấn đề này. Thực tế những phê phán nặng ký hơn với C21C đều từ các nhà kinh tế (academic) có khả năng sẽ làm lung lay C21C. Tôi sẽ viết về các criticisms này trong một entry tới.


Tuesday, May 13, 2014

HD-981


Cách đây ngót nghét 20 năm khi tôi mới vào ngành dầu khí, có một sự kiện trong ngành làm tôi rất thắc mắc. Lúc đó ONGC, công ty dầu khí quốc gia Ấn độ, bán lại đặc quyền khai thác một số lô dầu khí ngoài khơi VN cho các công ty nước ngoài. Những quyền này trước đó được Tổng cục dầu khí (tiền thân của PVN) giao cho ONGC với giá rất rẻ nên họ đã "hời to" khi chẳng phải làm gì mà thu được một mớ tiền. Nói theo ngôn ngữ hiện nay là ONGC chạy được và bán lại dự án trên giấy mà chẳng phải đầu tư gì cả.

Điều đáng nói là phía VN lúc đó không những không phàn nàn gì mà thậm chí còn đứng ra giàn xếp cho ONGC đàm phán với các đối tác nước ngoài khác để đẩy nhanh tiến độ. Tôi đem thắc mắc này hỏi một vài đồng nghiệp có thâm niên thì được giải thích rằng giai đoạn cuối thập kỷ 80 - đầu 90 VN còn bị cấm vận nên các công ty dầu khí phương Tây chưa thể vào VN đấu thầu quyền thăm dò khai thác. Nhưng lúc đó VN cần phải "cắm mốc chủ quyền" thật nhanh bằng các hoạt động thăm dò khai thác offshore, ONGC gần như là lựa chọn duy nhất (bên cạnh Zarubezhneft của Nga đã ký liên doanh Vietsovpetro và bắt đầu khai thác Bạch Hổ). Do vậy dù biết ONGC sẽ chẳng làm gì vì họ không có thực lực, phía VN buộc phải giao quyền thăm dò khai thác một số lô cho ONGC trong cuộc chạy đua với TQ khi nước này còn khá yếu và vẫn bị dư âm của sự kiện Thiên An Môn.

Những năm sau đó chiến thuật "cắm cột mốc chủ quyền" bằng cách giao quyền thăm dò khai thác cho các công ty dầu khi nước ngoài đã được cả hai bên sử dụng khi chưa đủ sức tự làm. VN giao cho Mobil, TQ giao cho Creston, nhưng cả hai công ty tư bản này đều "rét" khi tầu chiến của VN và TQ hiện diện. Họ nhận thăm dò khai thác hoàn toàn vì mục đích thương mại nên chẳng dại gì làm công cụ cho VN hay TQ trong cuộc tranh chấp lãnh hải.

Không nhờ được nước ngoài, VN giao cho PVN xây dựng các giàn DK gần khu vực Trường Sa, tuy nhiên năng lực của PVN chỉ làm được giàn cố định ở các khu vực nước nông (100-200m). Trong khi đó CNOOC của TQ với thực lực mạnh hơn nhắm đến các vùng nước sâu (>1000m), là phần lớn cái "lưỡi bò" mà họ tự vẽ, với giàn semi-submersible HD-981. Tôi tin là phía VN/PVN đã theo dõi sát sao quá trình đóng HD-981 và thừa biết thời điểm TQ đem nó xuống Biển Đông đã cận kề.

Đầu năm 2014 nói chuyện vói một insider của PVN tôi được biết phía VN đã cố tìm đối tác triển khai thăm dò khai thác ở các vùng tranh chấp với TQ (nước sâu). Tuy nhiên chỉ có Nga có khả năng tham gia, cả về mặt công nghệ lẫn khả năng đối đầu với TQ nếu có đụng độ. Rất không may cho VN, sự kiện Ukraine xảy ra đã đẩy Nga và TQ lại gần nhau quá nhanh và hiển nhiên Putin đã chọn ngả về phía TQ thay vì VN, cho dù có thể nói VN là quốc gia "thân Nga" vào bậc nhất thế giới. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Putin biết trước việc TQ kéo HD-981 xuống Biển Đông và cuộc tập trân Nga-Trung hoàn toàn không phải tình cờ.

Không dựa được vào Nga, Ấn độ thì 20 năm rồi vẫn chưa đủ mạnh để trở thành đối trọng với TQ, ASEAN chia rẽ như truyền thống vốn có của tổ chức này, VN chỉ còn một con đường ngả về phía Mỹ nếu không muốn bị TQ nuốt trọn Biển Đông. Từ hơn 20 năm trước VN đã hiểu rằng tự mình không thể chống được mộng bành trướng của ông anh phương Bắc và cần phải có đồng minh thay thế Liên Xô đang sụp đổ.

Ở thời điểm hiện tại bằng mọi giá VN phải đuổi được HD-981 ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình, nếu không bước tiếp theo của TQ sẽ là kéo HD-981 đi khắp Biển Đông dù có khoan được dầu hay không. Ngả về phía Mỹ như thế nào tôi không biết, nhưng nếu VN back down khỏi TPP thì đó chắc chắn là dấu hiệu Biển Đông sẽ mất. Nếu đợt đàm phán TPP tới tiến triển tốt, tôi tin không quân/hải quân VN sẽ sớm xuất đầu lộ diện ở khu vực HD-981.

Thursday, April 24, 2014

Capital II


Tôi sẽ không viết review quyển "Capital in the 21st Century" (sau đây sẽ viết tắt là C21C) của Thomas Piketty (TP), có quá nhiều bài review rồi và chắc chắn tôi không thể viết hay bằng những cây bút nổi tiếng như Paul Krugman, Robert Solow, Tyler Cowen, hay Nguyễn Vạn Phú (danh mục các bài review tôi sưu tập được có trong entry Capital trước). Tuy nhiên vì vẫn muốn "ăn theo" nên tôi sẽ viết một số entry, không phải review mà là viết lại những suy nghĩ/nhận xét của tôi khi đọc quyển sách này.


1.
Tôi đã có lần đề cập đến Angus Maddison, một nhà kinh tế mà tôi rất kính trọng về công trình thu thập số liệu kinh tế thế giới trong hơn 1000 năm qua của ông. Thomas Piketty (TP) trong quyển sách của mình cũng nhắc đến Maddison nhiều lần, tôi nghĩ không hẳn vì TP sử dụng số liệu mà Maddison thu thập mà còn vì TP cũng có quan điểm giống tôi về vai trò của số liệu lịch sử. Nhưng TP không chỉ thán phục công trình của Maddison mà bản thân ông đã bỏ hơn 10 năm thu thập và xây dựng một bộ số liệu đồ sộ về capital và income để có thể, nói theo cách của nhà báo Nguyễn Vạn Phú, zoom in và zoom out hiện tượng inequality trong hàng trăm năm. Tất cả các reviewer mà tôi đã đọc, dù khen hay chê quyển sách, cũng đều thừa nhận đây là một công trình lớn. Cũng giống như Maddison, tôi cho rằng điều quan trọng nhất mà TP để lại cho nhân loại là bộ số liệu này chứ không phải những qui luật mà ông đã chỉ ra

Vậy tại sao bộ số liệu của TP (và bộ của Maddison - và một mức độ nào đó bộ số liệu Địa bạ của vua Gia Long) lại quan trọng và quí giá như vậy? Có hai lý do chính. Thứ nhất, kinh tế học là một ngành khoa học xã hội mà đặc điểm chung của nhóm ngành khoa học này là số liệu (data) do các hoạt động của con người tạo ra không thể lặp lại như nhiều ngành khoa học tự nhiên khác. Bởi vậy nếu không được ghi nhận và lưu trữ những số liệu đó sẽ mất vĩnh viễn (trừ khi loài người phát minh ra time machine). Càng để lâu khả năng tìm và tập hợp lại số liệu trong quá khứ càng khó khăn, nhất là số liệu trước thế kỷ 20.

Lý do thứ hai là nhiều qui luật kinh tế, xã hội có thể trải dài hàng thế kỷ nên số liệu của các cơ quan thống kê các nước ghi nhận trong khoảng 100 năm lại đây không đủ để phân tích những qui luật đó. Vấn đề inequality là một ví dụ, nếu chỉ có thể zoom out được trong vòng 50-60 năm lại đây, qui tắc Kuznets' curve có thể đúng nhưng khi có số liệu dài hơn TP đã phủ nhận qui luật này. Một ví dụ khác là lý thuyết tỷ giá PPP mà tôi đã có lần nhắc đến. Đa số các nghiên cứu định lượng đều không xác nhận PPP, tuy nhiên điều này có thể đơn giản vì chuỗi số liệu mà những nghiên cứu đó sử dụng chỉ bao trùm 20-30 năm lại đây. Có ý kiến cho rằng để kiểm định được lý thuyết PPP có thể các nhà kinh tế phải đợi để có sample dài hơn 100 năm thì kiểm định mới đủ tin cậy.


2.
Trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, ngành kinh tế học được gọi là political economy. Các nhà kinh tế ít nhiều đều có khuynh hướng triết học và anthropology (nhân chủng học?) muốn đưa ra các phân tích và giải thích cho những vận động kinh tế macro trong xã hội. Họ quan tâm đến các vấn đề vĩ mô như làm thế nào để một quốc gia thịnh vượng (Adam Smith), tại sao international trade lại quan trọng (David Ricardo), tăng trưởng dân số có tác động thế nào đến ổn định kinh tế và xã hội (Thomas Malthus). Karl Marx là một điển hình của các nhà kinh tế trong giai đoạn này, ông đã xây dựng một lý thuyết ở tầm macro giải thích cho sự vận hành của nền kinh tế (tư bản).

Một đặc điểm chung các nghiên cứu/lý thuyết political economy trong giai đoạn này, từ Smith đến Marx, là sự thiếu vắng số liệu macro. Mặc dù một số học giả trong thế kỷ 18-19 đã cố gắng thu thập và xây dựng một số bộ số liệu macro cho một số nền kinh tế (e.g. Anh, Pháp), những số liệu này quá thô sơ và không đầy đủ cho các nghiên cứu political economy lúc đó. Hạn chế về số liệu buộc các học giả phải xây dựng lý thuyết trên các quan sát micro của mình hoặc một vài tác giả khác và/hoặc dựa vào suy luận logic của bản thân. Điều này làm phương pháp luận khoa học của political economy, giống như những ngành khoa học xã hội khác, đi theo hướng positivism, trái ngược với các ngành khoa học tự nhiên (vật lý, hoá học, sinh học) đang phát triển rất mạnh trong giai đoạn đó với nền tảng phương pháp luận theo hướng deductivism (i.e. dựa vào số liệu thực tế để kiểm chứng và xây dựng lý thuyết).

Political economy dịch chuyển dần thành economics trong nửa cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 khi trường phái marginalism dần dần trở thành mainstream. Có không ít giả thuyết cho rằng các nhà kinh tế khi nhìn thấy sự thành công của các ngành khoa học tự nhiên đã muốn áp dụng phương pháp luận khoa học của những ngành này vào kinh tế học. Lý thuyết kinh tế chuyển dịch từ một tập hợp rhetorics sang các mô hình (toán) với các giả định rõ ràng có thể kiểm chứng được bằng số liệu thực tế. Nhưng có lẽ vì số liệu macro thời đó còn rất hiếm nên sự dịch chuyển này dần dần lái focus của kinh tế học từ macro sang micro, lĩnh vực mà số liệu giá cả và tiêu dùng của từng loại hàng hoá riêng lẻ hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh của từng công ty đã tương đối phổ biến.

Sự ra đời của national accounting ở Mỹ trong giai đoạn 1930s rồi lan sang châu Âu sau WWII có lẽ không chỉ là tình cờ mà còn là động lực giúp cho những quan tâm vĩ mô hồi sinh trở lại. Nhiều người cho rằng Keynes là cha đẻ của macroeconomics còn Solow mở đầu cho growth theory, nhưng có lẽ những lý thuyết đó chỉ là sự quay trở lại với những mối quan tâm của political economy trong thế kỷ 18-19 dưới một hình hài khác. Những công trình vĩ mô này ít rhetorics hơn, nhiều mô hình (toán) hơn và có một điểm khác biệt rõ ràng là sử dụng nhiều số liệu macro hơn. Có thể nói kinh tế học với xuất phát điểm là những quan tâm vĩ mô đã phải loay hoay gần một thế kỷ để đợi số liệu.


3.
Số liệu macro trong kinh tế sở dĩ ra đời rất muộn như vậy (trừ một số ngoại lệ đơn giản trong thế kỷ 18-19) vì nó không observable, nghĩa là không thể cân đong đo đếm được trực tiếp. Trong nhiều trường hợp số liệu macro không tồn tại trên thực tế mà chỉ là một "social construct". Lấy ví dụ giá cả của một mặt hàng bất kỳ có thể thay đổi lên xuống và đại lượng này observable. Khi các nhà kinh tế đưa ra khái niệm "lạm phát" họ nói về một đại lượng không tồn tại trong thực tế mà chỉ là một khái niệm lý thuyết được xây dựng nhằm mô tả và giải thích hoạt động của một nền kinh tế (tư bản). Tất nhiên "lạm phát" unobservable nên cơ quan thống kê (hoặc các tổ chức tư nhân) phải tìm cách lượng hóa nó thông qua một số (social) construction như CPI, PPI, hay các loại chỉ số giá macro khác. Bản thân các chỉ số này cũng unobservable, thông thường được tính toán từ tập hợp số liệu (micro) về giá của rất nhiều loại hàng hóa dịch vụ khác.

Điều này có một hệ quả quan trọng là các mô hình/lý thuyết macro có thể nói đến các khái niệm/đại lượng macro khác nhau dù có tên gọi như nhau. Quyển C21C của TP viết về capital, nhiều người so sánh nó với Das Kapital của Marx nhưng về bản chất "capital" trong hai tác phẩm này không nhất thiết là một. James K. Galbraith cho rằng khái niệm capital của Marx rộng hơn nhiều so với capital của TP. Với Marx, capital là một tập hợp các socio-economic & legal relationships đảm bảo cho quyền được quyết định các hoạt động kinh tế trong xã hội (và với mục đích tối thượng là "bóc lột" labor surplus từ những người lao động không có các quyền này). Trong khi đó capital của TP được hiểu theo nghĩa truyền thống của neoclassical economics, i.e. một trong những input của quá trình sản xuất. Tất nhiên việc xác định ownership của capital sẽ đưa hai khái niệm này lại gần nhau nhưng chúng vẫn không thể là một.

Khi Marx viết Das Kapital không chỉ khái niệm capital khác với TP mà số liệu về (physical) capital chi tiết chưa tồn tại, ngoại trừ một số bộ số liệu sơ khai của Petty, de Vauban, hay Giffen. Thời điểm TP viết C21C giá cổ phiếu của hàng triệu công ty được cập nhật từng giây, national accounts của hầu hết các quốc gia được cập nhật hàng quí, chưa kể vô số các cuộc khảo sát vĩ mô không định kỳ. Sự bùng nổ về sồ liệu, cả về lượng lẫn năng lực tính toán, là một thế mạnh của TP so với Marx. Bản thân TP khi mở đầu quyển sách đã tỏ ý phê phán những đại thụ đi trước như Malthus, Ricardo, Marx về những phân tích thiếu vắng số liệu của họ. Việc TP trích dẫn Jane Austen hay Honore de Balzac có thể hàm ý rằng quan sát của những nhà kinh tế cổ điển (thời đại political economy) cũng chẳng "reliable" gì hơn các tác phẩm văn học. Quyển C21C trước hết là một công trình thu thập số liệu công phu, hơn hẳn những tác giả mà TP nhắc đến.

Tuy nhiên một trong những phê phán quan trọng nhất cho C21C mà tôi đã đọc được chính là của James Galbraith về khái niệm capital với một núi data của TP. James Galbraith (con trai của John Kenneth Galbraith) là một nhà kinh tế có khuynh hướng leftwing (như TP) và cũng là một chuyên gia về inequality. Ông cho rằng khi TP (và các nhà kinh tế neoclassical khác) sử dụng khái niệm capital như một input cho quá trình sản xuất, đồng nghĩa với việc phải quantify số liệu capital cho một nền kinh tế, họ buộc phải sử dụng market price để đo lường giá trị của capital. Đây là một điều nguy hiểm vì market price thường xuyên biến động rất xa khỏi intrinsic value (theo nghĩa input value) nên vai trò của capital trong nền kinh tế có thể bị under- hay overvalue. Những cuộc khủng hoảng hay bubble trên thị trường có thể làm các phân tích liên quan đến market price bị méo mó.

Việc sử dụng market price, theo lập luận trong cuộc tranh luận Cambridge-Cambridge nổi tiếng, dẫn đến một vấn đề khác rất nghiêm trọng khi thống kê số liệu macro về capital. Market price trong nhiều trường hợp là present value of expected future incomes. Cứ giả sử expected future incomes đúng (cho một công ty, một thiết bị máy móc, hay một financial instrument), để tính present value người ta sẽ phải giả định một discount factor nào đó. Discount factor trên nguyên tắc là expected return on capital. Điều này dẫn đến một cái vòng luẩn quẩn (recursive) là để tính return on capital TP phải tính tổng giá trị của capital nhưng trước đó lại phải sử dụng discount factor là chính co số return on capital mà mình cần xác định. Tất nhiên TP không ngồi tính market price cho từng loại asset mà thu thập số liệu đó từ các nguồn khác nhau, nhưng những người tính toán các con số đó phải giả định một discount factor nào đó.

[Đào sâu thêm khía cạnh này có thể thấy phê phán của James Galbraith đi vào cốt lõi của lý thuyết general equilibrium. TP có thể "cãi" rằng miễn là GE tồn tại (và duy nhất) market price sẽ phản ánh tất cả các estimation cho discount factors của các bên tham gia thị trường, do vậy sẽ tiệm cận đến equilibrium return on capital. Nói cách khác return on capital là một con số độc lập với các biến động trên thị trường, miễn là thị trường có khuynh hướng quay về trạng thái equilibrium (roots inside the unit circle to be exact, anyone? :-)), sử dụng market price để tính aggregate capital không bị mâu thuẫn như Galbraith chỉ ra.]