Wednesday, November 24, 2010

Zero debt


Tiếng Việt có câu "bút sa gà chết", thời buổi Internet bây giờ chắc phải đổi thành "bấm nút publish/send là chết" :-). Số là cách đây mấy tháng Paul Krugman và Stephen Williamson "nặng lời" với nhau (xem phần links của tôi trong tháng 8) về một bài phát biểu của Kocherlakota. Có vẻ Williamson vẫn còn "tư thù" với Krugman từ dạo đó nên ngay khi Krugman và Eggertson giới thiệu một mô hình debt-deflation mới (xem link tháng này), Williamson mắc phải một sai lầm nghiêm trọng là vội vã bấm nút publish một bài viết phê phán mô hình Krugman-Eggertson trước khi đọc cẩn thận paper của hai tác giả nói trên. Dù Williamson đã xóa ngay bài viết này và thay bằng một bài review rất neutral, bài phê bình đầu tiên so sánh Krugman/Eggertson với các sinh viên của mình đã được các thể loại web-catch/RSS-aggregators lưu lại.

Ở đây tôi không muốn nói về mô hình Krugman-Eggertson, bạn nào quan tâm có thể đọc trực tiếp paper của họ hoặc đọc các bài review của Williamson, Nick Rowe, Karl Smith, WSJ, hay của chính Krugman. Tôi muốn nhấn mạnh đến sai lầm của Williamson trong bài viết đã bị xóa vì đây là điều nhiều người mắc phải. Sai lầm của Williamson là vội vã kết luận Krugman/Eggertson sai khi cho rằng trong dài hạn không ai có thể nợ nần người khác (no positive debts in steady state). Điều này thoạt nhìn có vẻ phù hợp với common sense, bạn chỉ có thể vay nợ trong ngắn hạn rồi kiểu gì cũng phải trả số nợ đó trong tương lai. Không ai cho bạn vay nếu bạn tuyên bố sẽ tiếp tục nợ nần vĩnh viễn (mô hình của Krugman/Eggertson và nhiều mô hình kinh tế khác có giả thiết các agents trong mô hình tồn tại vĩnh viễn).

Từ ý tưởng này, nhiều người (nhất là các ultra-right wing politicians) cổ vũ cho zero-government debt, thậm chí trong ngắn hạn. Lập luận của họ là nếu bạn không muốn bị nợ nần thì bạn cũng mong muốn đất nước của bạn không nợ ai, xét cho cùng public debt chính là liability của mọi công dân, hiện tại cũng như tương lai. Tôi không muốn bàn về mặt chính trị của những lời kêu gọi này, xét trên khía cạnh kinh tế, zero-debt policy không phải là chính sách tối ưu cho một nền kinh tế. Tyler Cowen trước đây có viết một list các nguyên tắc mà đa số các nhà kinh tế tán thành, trong đó non-zero-debt policy được xếp ngang hàng với free trade và public goods. Thực tế đã có những nhà kinh tế nghiên cứu về optimum debt/deficit level cho một nền kinh tế (eg Peter Diamond's dynamic efficiency). Sau đây là một số lý do phản bác lại zero debt policy.

Trước hết, đa số mọi người đồng ý rằng một công ty nếu chỉ sử dụng vốn tự có (equity) của mình mà không vay nợ thì cơ cấu vốn của công ty đó không tối ưu. Không chỉ trong ngắn hạn, ngay cả nếu công ty đó tồn tại vĩnh viễn, một tỷ lệ debt/equity hợp lý sẽ làm tăng giá trị của công ty vì cùng một ROA công ty đó sẽ có ROE cao hơn (leverage effect). Modigliani-Miller theorem không đúng trên thực tế vì thuế, uncertainty, asymmetric information..., cho nên tài trợ kinh doanh bằng debt lợi hơn bằng equity (xét theo cost of capital) trong một giới hạn debt/equity nhất định. Tất nhiên một công ty hoàn toàn có thể chỉ dựa vào equity của mình để phát triển, nhưng công ty đó rất dễ trở thành mục tiêu cho các competitors thôn tín.

Ngay cả nếu không xét đến ảnh hưởng của thuế và các yếu tố khác, optimum capital structure của một công ty, hay xét rộng ra một industry/economy, cũng cần phải có debt. Điều này đơn giản vì debt chỉ là mặt trái của saving (tạm thời bỏ qua foreign capital flows). Đối diện với uncertainty, các cá nhân trong một nền kinh tế cần phải có saving (ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời). Saving chỉ có thể xảy ra nếu có counterparty là borrowers (trong mô hình Krugman-Eggertson là những impatient agents). Trong dài hạn debt vẫn có thể tồn tại nếu một nhóm người có nhu cầu saving cao hơn các nhóm còn lại vì họ nhận được utility từ cảm giác an toàn do có positive saving (họ có risk aversion cao hơn). Nếu net saving của các cá nhân positive thì debtors hiển nhiên sẽ là những agent còn lại trong nền kinh tế (công ty, nhà nước). Ngay cả trong trường hợp M&M theorem đúng, demand/supply của loanable funds sẽ làm cost of debt rẻ hơn cost of equity và các công ty sẽ có positive debt trong dài hạn.

Nếu coi chính phủ là một công ty cung cấp public goods cho dân chúng, công ty này có revenue hàng năm từ tax và có thể xây dựng capital structure bằng equity (thông qua retained earning, trong trường hợp của chính phủ là budget surplus) và debt. Một CFO giỏi sẽ không bao giờ chấp nhận zero debt nếu cost of debt rẻ hơn cost of equity. Thông thường cost of debt cho nhà nước rẻ hơn cho các công ty tư nhân (government bonds có yield thấp hơn corporate bonds), trong khi cost of equity lại cao hơn. Sở dĩ cost of equity của chính phủ cao hơn của private sector vì chính phủ chỉ có thể "huy động" equity thông qua tăng thuế, điều này có giới hạn nhất định (Laffer curve) và có negative impact đến nền kinh tế (deadweight loss). Tất nhiên cost of debt không phải lúc nào cũng thấp nếu debt vượt quá một giới hạn cho phép, tuy nhiên nếu private sector có optimum non-zero debt thì tại sao chính phủ lại phải tuân theo zero debt policy?

Một câu trả lời thường gặp cho câu hỏi này là inter-generation equity, nói nôm na là thế hệ hiện tại không được để lại gánh nặng nợ nần cho thế hệ tương lai. Điều này đúng nhưng cần phân biệt "gánh nặng nợ nần" với optimum debt. Tương tự như một công ty, nếu chính phủ có tỷ lệ debt/equity hợp lý thì tăng trưởng kinh tế sẽ tốt hơn và điều này sẽ có lợi cho các thế hệ tương lai hơn. Vay nợ để có cơ sở hạ tầng tốt, y tế/giáo dục tốt là cách để các nền kinh tế thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn: nghèo dẫn đến thiếu vốn, và ngược lại thiếu vốn nên nghèo. Public debt chỉ trở thành gánh nặng cho các thế hệ tương lai nếu nó được sử dụng không hiệu quả (vd ICOR hiện tại cao) và/hoặc bị thất thoát vì tham nhũng, lãng phí.

Đây là câu trả lời thứ hai của những người ủng hộ zero public debt. Họ lập luận rằng chính phủ luôn tham nhũng và bất tài nên tốt nhất phải hạn chế chính phủ vay nợ, coi như một second best solution. Tôi đồng ý với lập luận này, ít nhất trong trường hợp VN khi chính phủ đi vay để làm đường sắt cao tốc hay tài trợ cho Vinashin, tuy nhiên "hạn chế chính phủ vay nợ", không đồng nghĩa với zero debt. Theo tôi cách hạn chế tốt hơn là thay vì hạn chế số nợ (tính theo %GDP) nên hạn chế interest payment tối đa, nghĩa là nếu một chính phủ được thị trường đánh giá tốt nên đồng ý cho vay lãi suất thấp thì giới hạn nợ của chính phủ đó phải được nới rộng hơn các trường hợp phải vay với lãi suất cao. Ngoài ra việc chấp nhận second best chỉ được coi là tạm thời, về lâu dài phải giải quyết triệt để gốc rễ vấn đề là political corruption chứ không phải public debt.

Trong ngắn hạn, zero debt policy càng khó có thể chấp nhận. Khi kinh tế biến động, dù là lỗi của chính phủ hay không, việc áp đặt zero debt constraint sẽ buộc chính phủ phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên (chứ đừng nói gì đến kích cầu hay borrower of last resort như các Keynesians kêu gọi), do vậy sẽ ảnh hưởng đến điều kiện sống hiện tại của dân chúng cũng như tương lai tăng trưởng của nền kinh tế. Rất nhiều tiểu bang Mỹ có luật cấm chính phủ tiểu bang không được có budget deficit, điều này đã gây ảnh hưởng nặng nề đến các dịch vụ công của chính phủ tiểu bang (cắt giảm giáo dục, police) trong 2 năm khủng hoảng vừa qua. Còn may là các tiểu bang của Mỹ đã được chính phủ liên bang rót tiền trợ giúp, nếu chính phủ liên bang cũng phải tuân theo zero debt policy như vậy chắc chắn mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều.

Hồi cuối nhiệm kỳ thứ hai của Clinton, Mỹ có thặng dư ngân sách và một số nhà kinh tế (trong đó có Greenspan) yêu cầu dùng số tiền thặng dư mua lại government bonds để giảm debt. Ở Úc dưới thời John Howard cũng vậy, chính phủ liên bang đã tìm cách mua lại government bonds vì có thặng dư ngân sách khá lớn. Tuy nhiên sau khi chính phủ mua bonds (giảm public debt) một thời gian thì Bộ Tài chính (Treasury) phải phát hành bonds trở lại vì lượng government bonds quá ít đã gây cản trở cho hoạt động bình thường của thị trường tài chính. Ngoài việc government bonds là benchmark cho private bonds (thường được quote theo spread với government bond yield) và cho thị trường derivatives, rất nhiều quĩ đầu tư, quĩ hưu trí buộc phải có một tỷ lệ government bonds nhất định. Bởi vậy government bond supply giảm đã gây khó khăn cho những quĩ này, buộc họ phải nâng giá (giảm yield) để cạnh tranh. Hậu quả là thị trường vốn bị méo mó, lãi suất tụt xuống quá thấp bất chấp chính sách tiền tệ. Sự kiện này cho thấy nợ chính phủ (chính xác hơn là thị trường government bond) có một vai trò phụ khá quan trọng bên cạnh là nguồn cung ứng vốn cho chính phủ. Zero debt policy sẽ xóa sổ thị trường này và sẽ có những ảnh hưởng khó lường lên thị trường tài chính. Tất nhiên sẽ có người nói thị trường tài chính hiện tại cũng cần phải cải tổ, biết đâu sau này nó sẽ không cần government bond benchmark nữa? Điều này có thể xảy ra, nhưng hãy để cho thị trường quyết định chứ không phải các chính trị gia hô hào zero debt.


Monday, November 15, 2010

Coupon rate


Từ trước tới giờ tôi vẫn nghĩ những institution lớn, vd bộ Tài chính các nước, khi phát hành bonds có thể lựa chọn coupon rate theo mặc định truyền thống. Như đã đề cập đến trước đây, với bonds, coupon rate thực ra không quan trọng mà yield (hay YTM) mới có ý nghĩa. Hiện tại Sydney Futures Exchange (SFE) có 10-year government bond futures contract qui định giá của futures contract đó được tính theo một hypothetical bond, có coupon là 6%/năm. Do vậy trên thị trường Úc vài năm trước, con số 6% khá sticky vì nó liên quan đến futures contract, nếu government thay đổi coupon rate khỏi 6% thì công thức tính futures price sẽ phức tạp hơn.

Trên thị trường corporate bonds của Úc và Mỹ có một qui luật bất thành văn là khi phát hành bond coupon rate phải được qui định rất gần với yield, có lẽ lý do là để initial price bằng với face (par) value giúp đơn giản hóa cho sổ sách kế toán của cả người phát hành bonds lẫn investors. Tôi không rõ điều này quan trọng đến mức nào nhưng có lẽ nhiều investors ngầm định nó nên ngay cả government bonds cũng dần dần tuân theo qui luật này. Gần đây coupon rate của Úc đã dao động khá nhiều và không còn giữ mức 6% nữa khi lãi suất của Úc giảm mạnh cùng với các nước khác trong giai đoạn 2008-2009.

Khác với Úc, coupon rate của US government bond không do auctioner qui định mà do thị trường quyết định. NY Fed, nơi được US Treasury ủy quyền đấu thầu government bonds, có một tài liệu giới thiệu chi tiết quá trình đấu thầu. Trong đó ghi rõ coupon rate được chọn sau mỗi phiên đấu thầu sao cho initial price gần với par value nhất (nhưng không lớn hơn par). Sai số giữa yield và coupon rate phải là multiple của 1/8 phần trăm (0.125%), có nghĩa là yield sẽ rất gần với coupon rate. Có một ngoại lệ là nếu đợt phát hành bond được reopen thì coupon sẽ bằng coupon của lần phát hành trước đây.

Như vậy một số entry tôi viết trước đây không chính xác khi cho rằng nhà phát hành bonds có thể chọn coupon rates để thay đổi duration của bonds và ảnh hưởng lên yield. Entry này là một lời đính chính và xin lỗi các bạn vì đã đưa tin không chính xác. Chắc tương lai còn nhiều đính chính tương tự :-(


Wednesday, November 10, 2010

Gold ETF


Trong khi tôi vẫn cho rằng phát hành TIPS và tạo liquidity cho thị trường này là giải pháp dài hạn cho tình trạng vàng/đô la hóa của nền kinh tế, trước mắt SBV và SSC có thể chữa cháy cho những cơn sốt vàng của VN bằng cách cho phép mở một Gold ETF trên sàn chứng khoán VN. ETF - Exchange Traded Fund, là một quĩ đầu tư mở có cổ phần được giao dịch tự do trên sàn chứng khoán. Gold ETF có một mục tiêu duy nhất là đảm bảo giá trị của quĩ (NAV) tăng lên/giảm xuống đúng bằng giá vàng (nguyên tắc của index fund), do đó giá cổ phiếu của ETF cũng tăng/giảm theo giá vàng. Nếu nhu cầu cổ phiếu tăng quá mạnh thì ETF manager/trustee sẽ phát hành thêm cổ phiếu (tăng NAV). Để đảm bảo NAV tăng giảm theo giá vàng, các gold ETF thường mua vàng physical và/hoặc mua gold derivatives (mua bán paper gold trên các sàn vàng cũng là một dạng gold derivatives).

Có 2 lợi ích của việc mở gold ETF so với nhập vàng physical về bán cho dân. Thứ nhất ETF có thể (nếu được SBV/SSC đồng ý), tham gia các sàn vàng quốc tế và/hoặc mua bán gold futures để đảm bảo NAV tăng/giảm đúng theo giá vàng mà không nhất thiết phải mua vàng physical. Lượng ngoại tệ chuyển ra ngoài để mua paper gold/gold futures nhỏ hơn rất nhiều so với NAV vì có thể leverage, do vậy giảm bớt sức ép lên thị trường ngoại hối. Số physical gold của ETF này sẽ có vai trò như một quĩ bình ổn vàng hoạt động song song với dự trữ vàng của SBV, giảm bớt gánh nặng bình ổn cho SBV. Thứ hai, share của ETF được giao dịch trên thị trường chứng khoán, nhiều khả năng sẽ có khối lượng giao dịch lớn, nên sẽ tránh bị manipulate như trong trường hợp giá vàng trên thị trường tự do. Nhà đầu tư mua/bán ETF share sẽ chỉ quan tâm đến giá vàng thế giới chứ không lo lắng về tình hình giá vàng trong nước. Nhiều khả năng giá vàng trong nước sẽ gần với giá vàng quốc tế hơn vì hai thị trường này sẽ liên thông gián tiếp qua gold ETF (các tiệm vàng sẽ tham gia mua/bán ETF share). Các giao dịch được thực hiện trên thị trường chứng khoán nên sẽ loại bỏ nhiều loại rủi ro cho nhà đầu tư (vàng giả, bị trộm cắp, làm giá...).

ETF này có thể sẽ được một vài "đại gia" trong giới vàng bạc (SJC, PNJ) và một số ngân hàng lớn góp vốn ban đầu (seed money). Nếu chính phủ cho rằng bình ổn thị trường vàng là một nhiệm vụ quan trọng có thể giao cho SCIC tham gia. SSC/HOSE có thể duyệt dự án này nhanh chóng và cho listed thật nhanh. Nếu cần thiết có thể thuê các gold ETF managers đang hoạt động trên thế giới điều hành trong thời gian đầu, thậm chí mời họ tham gia góp vốn. Trong tương lai, SSC/HOSE có thể cho phép các institutions mở thêm 1-2 gold ETF khác nếu nhu cầu thị trường quá lớn.

Cho phép mở gold ETF sẽ là cách để SBV "đảo ngược" lại quyết định đóng cửa các sàn vàng của mình hồi đầu năm mà không ảnh hưởng nhiều đến credibility.

Update (12/11): Một bài viết rất hay về hoạt động của GLD, một gold ETF của Mỹ

Update (01/12): TQ đã đi trước VN, vừa cho phép mở một gold ETF trong nước bằng cách đầu tư thông qua các gold ETF ở bên ngoài.

Update (21/12): BIDV đã đề xuất mở một sàn giao dịch vàng do nhà nước (NHNN) quản lý. Về cơ bản đây không khác gì một gold ETF, đều là cách để nhà đầu tư trong nước có thể dễ dàng mua bán (chứng chỉ) vàng mà không nhất thiết phải có một lượng physical gold xuất/nhập qua biên giới kèm theo một lượng USD chảy theo chiều ngược lại. Gold ETF có thuận lợi là có thể triển khai nhanh dựa trên thị trường chứng khoán và hệ thống stock broker hiện tại. Sàn giao dịch vàng, nếu mở theo đề xuất của BIDV, có ưu thế là nhà nước có thể kiểm soát chặt hơn và dễ can thiệp hơn. Như tôi nói bên trên, cả hai cách này đều là đảo ngược lại quyết định đóng cửa các sàn vàng tư nhân hồi đầu năm.


Friday, November 5, 2010

TIPS


TIPS - Treasury Inflation Protected Securities - là trái phiếu chính phủ Mỹ phát hành có đặc điểm face value và coupon được điều chỉnh theo lạm phát (cụ thể là CPI). Nhiều nước cũng phát hành loại trái phiếu này, có nước gọi là inflation linked bonds hoặc indexed bonds. Nguyên tắc của loại trái phiếu này rất đơn giản, vào thời điểm phát hành người ta ghi nhận giá trị của CPI ở thời điểm đó và sau đó hàng năm hiệu chỉnh mệnh giá theo giá trị CPI cuối cùng. Ví dụ nếu CPI ban đầu là 100, một năm sau CPI tăng lên 108, nghĩa là lạm phát sau 1 năm là 8%, thì mệnh giá của TIPS được tăng lên 8% và coupon được tính theo mệnh giá mới.

Đến đây chắc các bạn đã đoán ra tôi định nói điều gì. Vâng, theo tôi chính phủ VN nên nhanh chóng nghiên cứu phát hành TIPS trên thị trường nội địa bởi 2 lý do. Thứ nhất đó là cách để những người dân bình thường có thể bảo toàn những khoảng tiết kiệm của họ cho tương lai. Cho dù giá vàng, giá đô la có biến động thế nào chăng nữa, nếu bạn đầu tư vào TIPS thì ít nhất bạn sẽ yên tâm số tiền của mình sẽ giữ được sức mua, và còn sinh lời chút đỉnh (phụ thuộc vào real yield lúc mua). Nếu loại chứng khoán này được phát hành rộng rãi và có thể mua bán được một cách dễ dàng/an toàn, tôi tin người dân sẽ bớt tích trữ vàng và đô la như một hình thức tiết kiệm. Đồng tiền VN có thể vẫn chưa có uy tín cao, lạm phát VN có thể vẫn còn cao, nhưng có lẽ những xáo trộn tâm lý như mấy ngày qua sẽ giảm đi ít nhiều.

Lý do thứ hai là với việc phát hành TIPS để bù đắp cho các khoản thâm hụt ngân sách, chính phủ sẽ có incentive yêu cầu NHNN phải kiểm soát lạm phát tốt, vì nếu không tiền trả lãi suất cho TIPS sẽ tăng cao. Nói cách khác, thay vì hô hào hay ra nghị quyết kiểm soát lạm phát, đây là một constraint đối với chính phủ/NHNN về lạm phát và constraint này rất credible (tất nhiên với điều kiện lượng TIPS phát hành phải đủ lớn và CPI phải được thống kê chính xác). Ngoài ra số liệu yield của TIPS sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, các nhà đầu tư, nghiên cứu biết được inflation expectation của thị trường/người dân, từ đó đưa ra những chính sách thích hợp hơn.

Tôi nhớ hồi những năm 82-83 khi VN đang bị siêu lạm phát, chính phủ đã từng phát hành một loại công trái có tính chất inflation linked tương tự. Loại công trái này hồi đó được bảo đảm bằng lương thực và một số mặt hàng tiêu dùng khác (vải vóc, xe đạp...), là những thành tố chính của CPI sau này. Tôi không rõ số phận của những công trái đó sau này thế nào, nhưng rõ ràng VN đã có kinh nghiệm và cơ chế để phát hành TIPS. Điều cần làm hiện nay là tạo ra cơ chế cho TIPS có thể chuyển nhượng được trên thị trường thứ cấp, điều này sẽ giúp nó cạnh tranh được với vàng/đô la như một kênh tiết kiệm an toàn và liquid. Tôi nghĩ Bộ Tài chính nên bỏ thời gian ra nghiên cứu phương án phát hành loại trái phiếu này, thay vì nghiên cứu các phương án cá độ bóng đá.

Hi vọng đến một ngày đọc được dòng quảng cáo: "Nhà mặt tiền Q1, giá 1500 TIPS".


Thursday, November 4, 2010

That's why


Hai mươi sáu thành viên chính phủ Việt nam hiện tại:

1 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng 58 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị, quê: Cà Mau, cử nhân luật, từng làm trưởng Ban Kinh tế trung ương, phó thủ tướng thường trực Chính phủ, thủ tướng Chính phủ.

2 Phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng 61 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị, quê: Nghệ An, tiến sĩ kinh tế

3 Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao 63 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị, quê: Hà Nội, tiến sĩ ngành luyện kim.

4 Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng 65 tuổi, ủy viên Bộ Chính trị, quê: Bến Tre, ĐH văn, ĐH quản lý kinh tế Liên Xô (cũ).

5 Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải 48 tuổi, quê: Thái Bình, kỹ sư hệ thống điện – thạc sĩ quản trị kinh doanh.

6 Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kiêm bộ trưởng Bộ Giáo dục – đào tạo 54 tuổi, quê: Trà Vinh, Giáo sư kinh tế, TS điều khiển học.

7 Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh 58 tuổi, quê Vĩnh Phúc, ủy viên Bộ Chính trị, đại tướng, cao cấp quân sự (Đại học KHQS).

8 Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh 58 tuổi, quê Kiên Giang, ủy viên Bộ Chính trị, đại tướng.

9 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Văn Tuấn 57 tuổi, quê Hải Dương, tiến sĩ kinh tế.

10 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường 54 tuổi, quê Vĩnh Phúc, phó giáo sư, tiến sĩ luật.

11 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – đầu tư Võ Hồng Phúc 62 tuổi, quê Hà Tĩnh, kỹ sư kinh tế.

12 Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh 52 tuổi, quê Nam Định, thạc sĩ quản trị kinh doanh.

13 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng 54 tuổi, quê Hải Phòng, tiến sĩ kinh tế.

14 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn Cao Đức Phát 51 tuổi, quê Nam Định, tiến sĩ kinh tế.

15 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng 57 tuổi, quê Đà Nẵng, Đại học Công nghiệp tại Hungary, ngành luyện kim.

16 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân 58 tuổi, quê Hải Dương, kỹ sư thủy điện.

17 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên – môi trường Phạm Khôi Nguyên 57 tuổi, quê Hà Tây, tiến sĩ kinh tế, thạc sĩ, kỹ sư địa chất.

18 Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Lê Doãn Hợp 56 tuổi, quê Nghệ An, tiến sĩ kinh tế.

19 Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh & xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân 53 tuổi, quê Bến Tre, thạc sĩ kinh tế.

20 Bộ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao – du lịch Hoàng Tuấn Anh 55 tuổi, quê Đà Nẵng, kỹ sư đo đạc hàng không, cử nhân luật.

21 Bộ trưởng Bộ Khoa học – công nghệ Hoàng Văn Phong 59 tuổi, quê Hà Nội, tiến sĩ Toán Lý.

22 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu 56 tuổi, quê Bắc Ninh, tiến sĩ, bác sĩ.

23 Bộ trưởng – chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Giàng Seo Phử 56 tuổi, quê Lào Cai, dân tộc Mông, ĐH kinh tế.

24 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước VN Nguyễn Văn Giàu 50 tuổi, quê An Giang, tiến sĩ kinh tế.

25 Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền 57 tuổi, quê Bến Tre, cử nhân luật.

26 Bộ trưởng – chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc 53 tuổi, quê Quảng Nam, cử nhân kinh tế.


16/26=61.5%. Các đỉnh cao trí tuệ trong ngành kinh tế được chính phủ trọng dụng thế này chả trách 5 năm qua không có giáo sư nào được phong cho ngành kinh tế.


Update (19/5/11): 8 trong số 9 lãnh đạo cao nhất hiện tại của TQ, bao gồm cả chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo, là scientist/engineer.



Tuesday, November 2, 2010

Big week


"A Big Week" là title một bài báo của FT, "Happy Quantitative Easing Week" là title của NPR. Đối với dân Úc, tuần này là tuần quan trọng nhất trong năm vì có Melbourne Cup. Chỉ còn 2 tiếng nữa cuộc đua nổi tiếng này sẽ diễn ra, đồng thời RBA sẽ thông báo quyết định lãi suất ngay trước khi cuộc đua bắt đầu. Tôi đặt cược vào con ngựa số 13, Manighar, hiện tại đang có odd là 1/23, đồng thời đặt cược RBA sẽ giữ nguyên lãi suất (xác suất hiện tại là 71%). Hi vọng sẽ có payoff tốt :-)


Update: No luck! Both bets failed badly :-(