Monday, June 20, 2011

EPC


Dạo này một lý do giải thích cho việc VN bị thâm hụt mậu dịch nặng với TQ là rất nhiều dự án EPC lớn rơi vào tay nhà thầu TQ. Những nhà thầu này, ngoài việc sử dụng công nghệ và thiết bị của TQ, gần như không subcontract bất kỳ công đoạn nào của hợp đồng cho các nhà thầu phụ VN (ngay cả dọn vệ sinh công trình). Tôi sẽ không thảo luận tại sao nhiều gói thầu EPC rơi vào tay nhà thầu TQ như vậy và các hệ lụy của việc này (các bạn có thể tham khảo bài của TS Nguyễn Quang A), ở đây tôi chỉ giới hạn thảo luận về mối liên hệ giữa thâm hụt thương mại và các gói thầu EPC.

Trước hết cần nhìn nhận vấn đề thâm hụt thương mại trên khía cạnh tổng thể chứ không chỉ với một nước riêng rẽ. Nếu các gói thầu EPC thay vì rơi hết vào tay các nhà thầu TQ lại rơi vào tay các nhà thầu Nhật hay Hàn Quốc thì liệu thâm hụt thương mại tổng thể của VN có giảm hay không? Ngay cả nếu tin vào con số 30% trong bài báo của TBKTSG dẫn chứng các nhà thầu non-Chinese thường subcontract lại cho thầu phụ VN, tôi cũng không lạc quan lắm về cán cân thương mại tổng thể. Lý do là đằng nào các nhà thầu EPC cũng phải nhập gần như toàn bộ máy móc thiết bị từ nước ngoài vào, còn 30% giá trị được subcontract đó cũng sẽ cần một số đầu vào là hàng hóa nhập khẩu. Chưa kể tác động gián tiếp của số 30% thu nhập đó của các thầu phụ VN cũng làm tăng nhập khẩu qua các kênh khác. Đành rằng tỷ lệ trị giá nhập khẩu các gói thầu EPC nếu không phải do TQ làm sẽ giảm, nhưng tôi không nghĩ ảnh hưởng vào cán cân thanh toán tổng thể sẽ đáng kể.

Thứ hai, lý do chính các nhà thầu TQ thắng thầu EPC là giá rẻ (có thể rẻ hơn các nhà thầu khác đến 50%). Bỏ qua vấn đề giá rẻ như vậy có hợp lý hay không hay các nhà thầu TQ gài bẫy và/hoặc các chủ thầu VN tự nguyện chui vào bẫy, nếu các gói thầu EPC được giao cho các nhà thầu Nhật, Mỹ... chào giá cao hơn thì tác động vào cán cân thương mại sẽ lớn hơn nếu chỉ tính theo giá trị hợp đồng EPC, dù không nhiều. Vấn đề các nhà thầu TQ "trợ giá" cho công nhân của họ như TS Nguyễn Thành Sơn nêu ra để tránh không thuê nhân công VN và làm tổng giá trị EPC giảm thực ra không ảnh hưởng đến cán cân thương mại vì họ trợ giá bên ngoài lãnh thổ VN. Tương tự như vậy việc các nhà thầu TQ được chính phủ TQ trợ giá cũng không làm xấu thêm cán cân thương mại tổng thể của VN mà ngược lại.

Thứ ba, vì capital account thường ngược chiều với current account, khi VN đi vay ODA của TQ hay một nước nào khác thì nghiễm nhiên VN chấp nhận cán cân thương mại sẽ xấu đi chưa cần biết các gói thầu EPC sẽ do ai thực hiện. Trên thực tế các khoản vay ODA thường có yêu cầu phải mua hàng hóa dịch vụ từ nước cho vay, cho nên nếu TQ cho VN vay ODA thì dù các gói thầu EPC có được các nhà thầu Nhật hay Mỹ trúng thì họ cũng phải mua một phần thiết bị và dịch vụ từ TQ. Do đó gốc rễ của vấn đề là VN đã và đang phải "nhập khẩu" vốn nước ngoài với nhu cầu ngày càng tăng để phục vụ cho nền kinh tế (và có thể cho một số nhóm lợi ích).

Các hợp đồng EPC, dù TQ hay nước nào khác thắng, đều chỉ là cái kênh để dòng vốn nước ngoài luân chuyển. Điều quan trọng với VN là những dự án EPC và các thể loại đầu tư nước ngoài khác có đem lại return đủ lớn cho nền kinh tế hay không để trong tương lai VN có thể trả nợ (và còn có lời) từ các các khoản vay đó. Nếu xét theo ICOR hay đơn giản là chỉ nhìn vào những ví dụ như Vinashin thì có vẻ return cho những dự án đó không đủ cao. Điều này sẽ làm nền kinh tế VN trở thành một Ponzi game, nghĩa là chỉ có thể sustainable chừng nào dòng vốn nước ngoài còn chảy vào. Đến một lúc nào đó sẽ chỉ còn một vài chủ nợ có ý đồ đen tối mới tiếp tục cuộc chơi vì họ có lợi ích bên ngoài return từ Ponzi game. Ai sẽ là người có lợi nếu kinh tế VN suy sụp và rơi vào khủng hoảng?


1 comment:

Note: Only a member of this blog may post a comment.