Saturday, February 23, 2013

Bad debt accounting


Tôi thấy nhiều người, vd ông Quách Mạnh Hào, nhầm lẫn về bad debt accounting nên viết lại cho rõ. Tôi sẽ lấy một ví dụ bằng số cụ thể như sau. Một ngân hàng có 14 đồng vốn tự có, huy động thêm 86 đồng tiền gửi của dân rồi cho vay 100 đồng. Bản cân đối tài sản sẽ như sau (để đơn giản tôi tạm thời bỏ qua các assets nhỏ khác, vd dự trữ bắt buộc, tài sản cố định, đầu tư vào trái phiếu chính phủ..., mà coi toàn bộ asset là tiền ngân hàng cho vay):


ASSETS:   100
Loans:        100

LIABILITIES: 100
Deposit:            86
Equity:              14


Như vậy ngân hàng này có tỷ lệ vốn tự có/dư nợ bằng 14%. Khi ngân hàng phát hiện ra trong số 100 đồng cho vay đó có 8.8 đồng nợ xấu, theo qui định của NHNN họ phải trích lập dự phòng (để đơn giản giả sử số nợ xấu đó phải trích lập 100% và khoản cho vay không có thế chấp). Lúc này bản cân đối tài sản sẽ như sau (theo thông lệ kế toán số trong ngoặc kép là số âm):

ASSETS:      91.2
Loans:         100
Provisions:     (8.8)

LIABILITIES:  91.2
Deposit:            86
Equity:                5.2

Tỷ lệ vốn/dư nợ của ngân hàng này chỉ còn 5.7%, vốn tự có giảm xuống 5.2 đồng vì khoản trích lập dự phòng 8.8 đồng được đưa vào chi phí của ngân hàng (income statement). Lưu ý khoản trích lập dự phòng 8.8 đồng này là non-cash transaction, nghĩa là không phải ngân hàng trích ra 8.8 đồng bỏ vào một tài khoản dự phòng nào đó. Đây hoàn toàn chỉ là một qui định accounting, thuật ngữ "trích lập dự phòng" làm nhiều người hiểu nhầm. Nếu ngân hàng "xử lý" nợ xấu (theo nghĩa write off) bảng cân đối tài sản sẽ như sau:


ASSETS:      91.2
Loans:           91.2

LIABILITIES: 91.2
Deposit:           86
Equity:               5.2


Việc xử lý nợ xấu như vậy cũng là non-cash transaction, chỉ có ý nghĩa kế toán. Trước và sau khi xử lý nợ xấu tỷ lệ vốn/dư nợ không đổi, mức độ rủi ro của ngân hàng này cũng không đổi và khả năng huy động tiền gửi và cho vay cũng vậy. Khi ngân hàng công bố họ có 8.8 đồng nợ xấu điều đó có nghĩa họ đã phải trích lập dự phòng và vốn chủ sở hữu đã bị giảm bớt. Trên bảng cân đối tài sản có 8.8 đồng nợ xấu không có nghĩa vốn chủ sở hữu sẽ mất 60% khi xử lý nợ xấu, nó đã mất rồi.

Một điểm nữa, khoản nợ xấu 8.8 đồng (trước khi xử lý) hoàn toàn không phải là "cục máu đông" ngăn cản ngân hàng này tăng trưởng tín dụng. Như tôi đã viết trước đây, vấn đề nằm ở chỗ ngân hàng này có thể đã giấu bớt nợ xấu để không trích lập dự phòng đầy đủ. Giả sử số nợ xấu và trích lập dự phòng phải là 18 đồng thay vì 8.8 đồng, bản cân đối tài sản như sau:


ASSETS:      82
Loans:         100
Provisions:   (18)

LIABILITIES: 82
Deposit:          86
Equity:            (4)

Vốn chủ sở hữu âm nghĩa là ngân hàng bị phá sản. Tuy nhiên đây chỉ là phá sản trên sổ sách, nếu số 86 đồng huy động chưa đến hạn phải trả cho khách hàng thì ngân hàng này vẫn chưa mất khả năng thanh toán. Nếu vậy ngân hàng này sẽ chỉ công bố nợ xấu là 8.8 đồng thôi để tiếp tục tồn tại và hi vọng thị trường sẽ phục hồi hoặc được nhà nước bailout. Nhưng ngân hàng này sẽ khó có thể tăng tín dụng được nữa. Thứ nhất, họ có thể giấu con số 18 đồng nợ xấu mà chỉ báo cáo với NHNN 8.8 đồng, nhưng họ khó có thể giấu được thị trường. Khách hàng không muốn gửi tiền, các tổ chức tín dụng khác không muốn cho vay nên họ không còn nguồn vốn để tiếp tục tăng trưởng tín dụng. Thứ hai, bản thân họ cũng không muốn tăng thêm tín dụng vì cứ giả sử họ huy động tiếp được 100 đồng, nếu cho vay và lại bị nợ xấu thì phải tiếp tục trích lập dự phòng, có khả năng sẽ mất nốt số 5.2 đồng còn lại trên sổ sách.

Thực ra NHNN có thể đã biết con số nợ xấu thật là 18 đồng chứ không phải 8.8 đồng. Tuy nhiên NHNN không dám ép ngân hàng này khai thật vì như vậy họ sẽ phá sản (điều này đúng hay không chưa bàn ở đây). Bởi vậy NHNN chấp nhận số 8.8 đồng nợ xấu và cùng ngân hàng kia đợi thị trường phục hồi. Trong lúc đó NHNN sẽ phải bơm thanh khoản cho họ để họ thanh toán các khoản liabilities tới hạn. Tuy nhiên nếu khả năng thị trường phục hồi thấp thì NHNN phải lên kế hoạch bailout. Nếu NHNN lập một công ty quản lý tài sản (AMC) đổi nợ xấu lấy trái phiếu theo book value, bản cân đối tài sản của ngân hàng sẽ như sau:

ASSETS:   100
Loans:         91.2
Bonds:          8.8

LIABILITIES:  100
Deposit:             86
Equity:               14

Sở dĩ vốn chủ sở hữu tăng từ 5.2 đồng lên 14 đồng vì khoản dự phòng rủi ro 8.8 đồng được nhập ngược vào income statement. Bảng cân đối tài sản này cực kỳ đẹp và ngân hàng sẽ rộng cửa huy động và cho vay. Tuy nhiên cái giá phải trả là AMC sẽ phải ôm đống nợ xấu, đến khi nào phải write off thì hoặc ngân sách hoặc NHNN phải chịu lỗ.

Tóm lại cần phải hiểu rằng việc ngân hàng trích lập dự phòng khi công bố một khoản nợ xấu chỉ là một nghiệp vụ kế toán, hoàn toàn không phải họ bỏ một khoản tiền vào tài khoản để phòng ngừa rủi ro hoặc để sau này xử lý số nợ xấu đó. Hệ thống ngân hàng VN có tỷ lệ nợ xấu quá lớn là đúng, nhưng vấn nạn là ở chỗ họ đang dấu một phần (lớn) số nợ xấu đó chứ không phải họ không chịu xử lý nợ xấu như nhiều người nói. Công khai số nợ xấu này đòi hỏi ngân hàng phải tăng equity nếu không họ sẽ phá sản. Thành lập AMC là một cách để giúp các ngân hàng tăng equity một cách gián tiếp.


38 comments:

  1. Vấn đề nợ xấu đã được nói rất nhiều và bàn rất nhiều, nhưng đến nay tôi vẫn thấy rất tù mù chẳng có cái gì rõ ràng cả. Vậy nếu bác Giang là người được toàn quyền ( ví dụ như thủ tướng chẳng hạn ) trong việc xử lý nợ xấu thì bác sẽ làm như thế nào

    ReplyDelete
    Replies
    1. Trong một thể chế dân chủ thủ tướng không có quyền bắt ngân hàng làm gì cả, đó là lĩnh vực của central bank độc lập với chính phủ.

      Tôi đã nêu quan điểm của tôi về vấn đề nợ xấu trong những entry trước rồi. Đơn giản thôi, thanh tra bắt các ngân hàng công khai hết nợ xấu và trích lập dự phòng đầy đủ. Chắc chắn sẽ có rất nhiều ngân hàng phá sản như ví dụ bên trên. Lúc đó những ngân hàng này buộc phải huy động thêm vốn (recapitalize) trên thị trường, hoặc nếu không được sẽ phải bán cổ phần cho chính phủ/NHNN.

      Đây là một dạng partial nationalization, nghĩa là nhà nước sở hữu một phần ngân hàng, thậm chí có thể là 100% nếu ngân hàng đã mất hoàn toàn vốn và không kêu gọi được nhà đầu tư tư nhân nào bỏ tiền vào. Tuy nhiên nhà nước cần đưa ra cam kết sẽ cổ phần hóa phần sở hữu nhà nước khi thị trường phục hồi.

      Delete
    2. Nghe hơi thiên "tả" quá, nếu diều hâu hơn một chút là bỏ mặc các ngân hàng phá sản. Thắt chặt tín dụng thì sao bác ? Liệu về dài hạn nó có tốt hơn không ?

      Delete
    3. Bạn đừng nghĩ nationalization là thiên tả. Giới OWS biểu tình mấy năm qua phản đối bank bailout đấy. Trên thực tế nếu bank owners hiện tại bị mất hết vốn thì cũng coi như họ phá sản rồi. Hình thức bailout kiểu này (partial nationalization) thực chất là một dạng receivership dùng vốn của nhà nước. Cái quan trọng là nhà nước phải cam kết sẽ privatization trở lại khi thị trường ổn định. Vụ Obama bailout GM năm 2009 là một ví dụ.

      Delete
    4. Tôi đồng ý với cách giải quyết của bác Giang, nhưng với tình hình như bây giờ thì rất khó cho phá sản hay quốc hữu hóa. Nhưng sau 2 đến 3 năm nữa thì rất có thể những biện pháp mạnh đó lại thực hiện được

      Delete
  2. Bác Giang viết vừa đơn giản lại dễ hiểu
    Bài này rất hay ạ

    ReplyDelete
  3. Thế theo Giang Lê thì phát biểu của ông Thống đốc NHNN trong bài: Có cơ sở để đưa ra 3 gói bơm tiền có đúng không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Ông ấy nói nhiều vấn đề có cái đúng như nhu cầu đầu tư vượt xa khả năng tích lũy (tiết kiệm) nội tại. Cái sai căn bản, nhất là lại do một ông thống đốc central bank nói ra, là cho rằng chính sách tiền tệ đã bành trướng quá lớn. Chính sách có thể đúng hoặc sai, chỉ có vai trò của một institution nào đó mới có thể lớn hay nhỏ.

      Đúng ra ông ấy phải nói vai trò của hệ thống ngân hàng/tài chính, trong đó bao gồm cả NHNN, đã bành trướng quá lớn mà lại bành trướng vào những lĩnh vực tạo ra bubble như chứng khoán, bất động sản. Riêng với NHNN vai trò của nó dưới thời ông Giàu và nhất là thời ông Bình đã gia tăng rất nhiều (cấm vàng miếng, đặt trần tín dụng, trần lãi suất...).

      Delete
  4. thành thật mà nói bài viêt này chỉ có ý nghĩa giải thích cho người ngoài chuyên môn mù mờ về nghiệp vụ trích lập dự phòng nợ xấu
    chứ nó khá lủng củng
    đoạn cuối thầy nên viêt là: "Hệ thống ngân hàng VN có tỷ lệ nợ xấu quá lớn là đúng, nhưng vấn nạn là ở chỗ họ đang dấu một phần (lớn) số nợ xấu đó và vì thế nên họ không chịu xử lý nợ xấu."
    theo chuẩn mực kế toán, đặc biệt áp dụng chặt chẽ cho ngân hàng thì phá sản là phá sản, không có chuyện phá sản trên sổ sách. viêt phá sản trên sổ sách thực ra là rất vô trách nhiệm. nghiệp vụ kế toán chỉ phản ánh thực tế hoạt động của doanh nghiệp hay ngân hàng chứ không bao giờ nên gọi là "trên sổ sách cả"

    Nói tóm lại: hệ thống ngân hàng Việt Nam thực tế đã sụp đổ từ lâu rồi. nó còn tồn tại đến hôm nay mà chưa bị phá sản ít nhất là một nửa hệ thống hoàn toàn là bởi vì nó có NHNN đứng đằng sau đỡ đầu

    ReplyDelete
    Replies
    1. có thể bạn chưa hiểu rõ nghĩa của bác Giang.
      Ở đây theo mình hiểu thì cụm từ "phá sản trên sổ sách" được bác Giang dùng với nghĩa "insolvent" tức là nợ lớn hơn tài sản, vốn chủ âm. Còn các ngân hàng này chưa phá sản chính thức vì phá sản chỉ xảy ra khi ngân hàng không thể thanh toán được các khoản nợ khi chúng đến hạn (liên quan đến liquidity risk nhiều hơn).

      Delete
    2. Đúng rồi Phung Quyen ơi!

      Delete
    3. Thanh Phung Quyen, bạn nói đúng ngân hàng có thể insolvent nhưng vẫn chưa mất thanh khoản. Ngược lại nhiều ngân hàng có thể mất thanh khoản những không insolvent.

      Tôi không thể kết luật hệ thống ngân hàng đã sụp đổ hay chưa vì không có số liệu. Còn việc NHNN đứng đằng sau giúp cho các ngân hàng không phá sản thì đó là chức năng bình thường của một central bank. Như tôi nói bên trên nếu ngân hàng bị illiquid nhưng vẫn solvent thì central bank phải giúp đỡ để ngân hàng không phá sản.

      Delete
  5. Cảm ơn bác Giang Lê về bài viết và những ví dụ dễ hiểu!

    ReplyDelete
  6. Cảm ơn bác Giang Lê về bài viết và những ví dụ dễ hiểu!

    ReplyDelete
  7. CV của TS. Quách Mạnh Hào, Chủ nhiệm Khoa Tài chính - Ngân hàng, ĐH Kinh tế,DHQG HN, rất ấn tượng.
    Nếu một người như vậy còn nhầm lẫn về bad debt accounting thì hơi gây "hoang mang" cho dân Việt Nam :).
    Anh Giang có thể phân tích những điểm nhầm lẫn trong bài báo của TS. QMH được ko.
    http://vneconomy.vn/20130207115739397P0C6/xoa-no-xau-bang-nhung-giai-phap-manh-va-triet-de.htm

    ReplyDelete
    Replies
    1. GS TS hay thống đốc, thủ tướng cũng có thể sai/nhầm lẫn. Bạn không nên cho rằng cứ những người có title lớn như vậy là không thể sai. Bản thân tôi cũng sai/nhầm rất nhiều và điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.

      QMH sai ở chỗ cho rằng ngân hàng sẽ bị mất 60% vốn chủ sở hữu nếu xử lý số 8.8% nợ xấu hiện tại. Như ví dụ tôi đưa ra bên trên họ đã mất 60% rồi, cái quan trọng là những phần nợ xấu họ đang dấu kia. Một cái sai nữa của QMH và nhiều người khác là coi việc trích lập dự phòng là bỏ tiền mặt vào một quĩ để sau này đem ra xử lý nợ xấu. Bên trên tôi đã giải thích rõ không có đồng nào được cất đi để dành mà đó chỉ là accounting rule.

      Delete
    2. This comment has been removed by the author.

      Delete
    3. Cảm ơn anh Giang đã giải thích rõ.
      Em chỉ nói thêm là em ko cho rằng "cứ những người có title lớn như vậy là không thể sai" đâu ạ.
      Em chỉ nói là hơi gây "hoang mang" thôi :). Chính xác thì là gây thất vọng, vì đây là kiến thức căn bản.

      Delete
  8. Có phải ở đây bác Giang muốn nói đến chỗ ông Hào nói "Hoặc cách nói khác cũng có ý nghĩa tương đương là hiện tại hệ thống ngân hàng đã chịu rủi ro mất tới hơn 60% vốn hoặc hơn 60% ngân hàng chịu rủi ro mất toàn bộ vốn."
    Theo cháu đọc ở trên thì có vẻ ý của bác Giang là cái 60% đó "đã mất rồi" chứ không phải chỉ là "chịu rủi ro mất".
    Tuy nhiên cháu thấy ở đây ông Hào đang nói đến nợ xấu (non-performing loans) và ông giả định rằng mặc dù số 8.8% này là nợ xấu nhưng vẫn có thể vớt vát được phần nào đó. Trong trường hợp xấu nhất là mất hết cả 8.8 nợ xấu này thì tức là mất 60% vốn. Ở đây ông Hào đã bám vào thực tế là các ngân hàng phải trích lập dự phòng (loan loss provisions) và số trích lập dự phòng này chắc chắn nhỏ hơn số nợ xấu nên mặc dù số trích lập này là đã mất đi, sau này các ngân hàng vẫn có nguy cơ mất tiếp phần nợ xấu chưa được trích lập (nợ nhóm 3 chỉ trích lập 20%, nhóm 4 là 50%, bỏ qua collateral).
    Còn bác Giang lại dựa trên giả định đơn giản là trích lập dự phòng 100% !!
    Như vậy thì ông Hào có lẽ chỉ "sai một phần" thôi, tức là các ngân hàng "chịu rủi ro mất số nợ xấu lớn hơn số trích lập dự phòng" và con số này chắc sẽ nhỏ hơn 60%.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi vừa trả lời bên trên, QMH nói (có thể) sẽ mất 60% vốn là không đúng nếu số 8.8% đã được công bố và trích lập dự phòng. Cái quan trọng là số NPL chưa được công bố.

      Delete
    2. "Một cái sai nữa của QMH và nhiều người khác là coi việc trích lập dự phòng là bỏ tiền mặt vào một quĩ để sau này đem ra xử lý nợ xấu."
      Bác Giang có thể cho biết đoạn nào trong bài viết trên thể hiện rằng ông Hào hiểu sai về trích lập dự phòng không?

      Delete
    3. Đoạn QMH trích lời NVB nói rằng còn 80k tỷ trích lập dự phòng chưa sử dụng đến. Đúng ra không phải ý của QMH nhưng QMH trích dẫn coi như ngầm đồng ý với nhận định này của NVB.

      Delete
  9. Mình nghĩ trong trường hợp xấu nhất như số liệu đưa ra thì các NHTM cũng chỉ mất 8.8% tổng dư nợ tương đương 60% equity của họ. Theo như entry trước của bác Giang thì thiết nghĩ Gov ko nên dùng VAMC để giải cứu, để họ tự xoay xở theo qui luật thị trường.

    ReplyDelete
  10. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Anh có lần viết về SA rồi, em search lại blog xem. Thực ra anh cũng chỉ sử dụng x11/x12 tích hợp trong Eviews thôi.

      Delete
  11. Câu đầu tiên trong bài báo của QMH là: "Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và đi kèm với đó là xử lý nợ xấu cần thiết phải nắm bắt được bản chất rủi ro thực sự của hệ thống ngân hàng hiện nay là dùng tiền người này trả cho người khác." .
    Câu này tôi thấy rất vô nghĩa, vì hệ thống ngân hàng lúc nào mà chẳng: "dùng tiền người này trả cho người khác"(tôi đã xem xét ngữ nghĩa với cả câu sau).
    Bạn nào là dân tài chính đọc xem tôi thấy có đúng ko, hay la logic của tôi không hợp trong lĩnh vực tài chính :D

    ReplyDelete
    Replies
    1. Đúng như bạn nói, mình thấy cả đoạn đầu khá tối nghĩa, ngay cả câu sau "nguyên tắc thị trường chi phối mối quan hệ giữa rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận" cũng không rõ là ông ấy muốn nói đến rủi ro và lợi nhuận trong hoạt động nào? đầu tư, cho vay hay là gửi tiền?

      theo mình thì có thể ông Hào đang muốn nói đến việc NHNN can thiệp vào hoạt động tái cấu trúc, "in thêm tiền hay dùng tiền thuế của dân để giải quyết nợ xấu" :-)

      Delete
  12. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  13. chú Giang cho cháu hỏi vấn đề này: Cháu xem báo cáo tài chính của một số ngân hàng thì thấy tài khoản Allowance for Loan Losses (cái số -8.8 mà chú gọi là Provisions ở BS trên kia) có khi còn lớn hơn cả tài khoản NPL !!
    Ví dụ như ở đây: http://s.cafef.vn/hose/CTG-ngan-hang-thuong-mai-co-phan-cong-thuong-viet-nam.chn
    Năm 2011, Vietinbank có NPL là 2.2 nghìn tỷ, trong khi ALL lại là 3.03 nghìn tỷ. Cả 2 đều là stock variable, balance sheet account.
    Nếu một khoản nợ chuyển thành nợ xấu (nhóm 2 sang nhóm 3) thì NPL tăng lên và ALL tăng lên một khoản bằng 20% khoản nợ đó. Khi charge-off thì cả 2 tài khoản lại cùng giảm tương ứng. (chưa kể collateral)
    Vậy tại sao ALL lại có thể lớn hơn NPL được ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Good question! Cái này phải đọc kỹ balance sheet mới biết chính xác. Tôi đoán là NPL chỉ bao gồm nợ từ nhóm 3 trở đi, trong khi đó ALL có cả provision cho nợ nhóm 2. Ngoài ra ALL có thể còn bao gồm general provision cho tất cả các khoản nợ, bởi vậy có thể lớn hơn NPL.

      Delete
    2. Bravo, chú Giang nói chuẩn quá !!
      Cháu xem lại phần thuyết minh BCTC của Vietinbank thì thấy đúng là ALL bao gồm cả general provisions và provisions cho nhóm 2 !!!

      Delete
  14. anh Giang có theer viết một bài vê công ty mua bán nợ AMC được ko?
    Em muốn hiểu bản chất việc mua bán nợ này NHTM được gì, mất gì, ngân sách nhà nước mất gì, có những tình huống gì sẽ xảy ra đối với các chỉ số kinh tế vĩ mô như CPI, lãi suất...

    ReplyDelete
  15. Hi vọng Bác Giang viết một bài nữa cho chúng cháu kham khảo và học hỏi, đọc đến các bài trên bảo vẫn chưa rõ vốn chủ sở hữu 500 tỉ AMC mà có thể mua nợ xấu cho ngân hang, hay họ chỉ đưa mỗi tờ trái phiếu, rồi bank mới dung tờ đó đưa cho NHNN để đổi tiền mặt , vậy thực chat là dung tiền của NHNN còn AMC là bình phong, tiền đó là tiền tương lai với hi vọng các khoản nợ cũ đắp đổi và trả lại được, e hiểu vậy đúng bản chat không thầy ?

    ReplyDelete
  16. cảm ơn bác @Giang Lê, chỉ có 1 lỗi chính tả "trong ngoặc kép là số âm"

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.