Thursday, February 5, 2015

VNCB



1. Trước hết cần nói rõ tôi không có thông tin "nội bộ" nào về VNCB cũng như vụ xử lý vừa rồi của NHNN. Tất cả những gì tôi biết đều qua báo chí nên tôi chỉ phân tích dựa vào những thông tin đó trên quan điểm kinh tế và kinh nghiệm thực tế của bản thân. Thực ra nếu bạn đã đọc blog này lâu, bài này cũng không có gì mới vì tôi sẽ lặp lại quan điểm đã từng viết về banking reform từ năm 2012. Mới đó mà đã ba năm nhưng nhìn đi nhìn lại công cuộc cải tổ hệ thống ngân hàng của VN vẫn chưa có gì đột phá, cho đến vụ VNCB này.


2. Như tôi đã viết năm 2012 thực trạng của hệ thống ngân hàng VN có thể tóm tắt bằng một câu: nợ xấu (đã công khai + chưa được thừa nhận) quá nhiều sau một giai đoạn tăng trưởng nóng đẩy nhiều ngân hàng đến bờ vực phá sản. Đây là hệ quả của một số nguyên nhân khách quan như sự bùng phát của khu vực kinh tế tư nhân sau khi Luật Doanh nghiệp 2000 ra đời, VN gia nhập WTO và dòng vốn ngoại ào ạt chảy vào, kinh tế thế giới tăng trưởng mạnh. Những lý do chủ quan cũng quan trọng không kém: trình độ quản lý của giới ngân hàng chưa tốt, sự yếu kém của cơ quan quản lý (NHNN), hệ thống pháp luật lỏng lẻo, chính sách kinh tế sai lầm (Vinashin, Vinalines). Trong số các chính sách kinh tế dẫn đến hệ lụy nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng, NHNN có trách nhiệm rất lớn.

Không kể việc buông lỏng quản lý trong giai đoạn trước năm 2006, thời thống đốc Nguyễn Văn Bình còn là Chánh Thanh tra, NHNN đã phạm phải hai sai lầm quan trọng từ thời ông Lê Đức Thúy và Nguyễn Văn Giàu. Thứ nhất là điều hành chính sách tiền tệ sai lầm dẫn đến lạm phát cao, sau đó lạm dụng quá nhiều các biện pháp can thiệp hành chính để chống lạm phát. Một sai lầm nổi bật trong chính sách tiền tệ là NHNN đã không thực hiện tốt chức năng người cho vay cuối cùng, buộc những ngân hàng nhỏ/yếu khi thiếu thanh khoản phải chạy đua lãi suất huy động và/hoặc sử dụng những kênh huy động chui. Sẽ không có vụ ACB cho nhân viên đi gửi tiền vào các tổ chức tín dụng khác nếu thanh khoản trong hệ thống không bị bóp nghẹt.

Sai lầm thứ hai của NHNN là ép các ngân hàng phải tăng vốn điều lệ. Tôi đã viết một bài phân tích rất kỹ về vấn đề này từ năm 2010. Thay vì phải quản lý thật chặt CAR, NHNN chỉ quan tâm đến giá trị tối thiểu của tử số mà không màng gì đến mẫu số. Nói đúng ra NHNN sau này đã quản lý mẫu số (assets) bằng trần tăng trưởng tín dụng, nhưng với mục đích kiểm soát lạm phát chứ không phải vì lý do an toàn hệ thống. Chính vì định hướng sai lầm này và năng lực quản lý yếu kém của NHNN nợ xấu (và lạm phát) đã gia tăng liên tục, chỉ "tam nghỉ" một giai đoạn ngắn khi khủng hoảng tài chính xảy ra. Chỉ sau khi chính phủ chuyển trọng tâm từ "tăng trưởng" sang "ổn định vĩ mô", nhất là sau vụ Vinashin/Vinalines, nền kinh tế nói chung và hệ thống ngân hàng nói riêng mới bắt đầu đi vào quĩ đạo hợp lý. Có điều cái giá phải trả sẽ là vài năm tăng trưởng chậm lại hoặc thậm chí suy thoái, chỉ chưa biết VN có thực hiện triệt để structural reform để không bị rơi vào vòng xoáy tăng trưởng nóng-khủng hoảng một lần nữa không.


3. Quay lại vấn đề cải tổ hệ thống ngân hàng. Trong ba năm qua NHNN vẫn loay hoay với kế hoạch sáp nhập các ngân hàng yếu kém, NHNN và các cơ quan khác đã nhiều lần loại bỏ khả năng để một/vài ngân hàng phá sản, vd phát biểu của ông Vũ Viết Ngoại ở đây. Vụ ép sáp nhập ba ngân hàng Cổ phần Sài Gòn, Việt Nam Tín nghĩa, Cổ phần Đệ nhất thực chất rất gần với việc phá sản theo Chapter 11 của luật Mỹ nhưng NHNN vẫn không dám sử dụng thuật ngữ "phá sản". NHNN vẫn luôn viện dẫn lý do phải bảo vệ người dân gửi tiền cũng như tránh xảy ra hoảng loạn rút tiền hàng loạt (bank-run) nếu một ngân hàng phá sản. Tôi không đồng ý với cả hai lập luận này và sẽ viết kỹ hơn bên dưới.

Bên cạnh hoạt động sáp nhập, chính sách thứ hai của NHNN nhằm tháo gỡ bế tắc cho hệ thống ngân hàng là việc thành lập VAMC. Cho đến thời điểm này tôi vẫn cho rằng VAMC ra đời vì quan điểm "nợ xấu là một cục máu đông" trong nền kinh tế do ông Trần Du Lịch cổ súy là một chính sách không cần thiết, thậm chí lạc hướng. Tôi đã viết về VAMC nhiều lần, ví dụ ở đây. Nợ xấu nếu đã được thừa nhận và trích lập dự phòng đầy đủ thì không phải là trở ngại lớn cho hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên các ngân hàng luôn có incentive che dấu nợ xấu, cho nên vai trò của cơ quan quản lý phải là giám sát chặt chẽ không để ngân hàng làm điều này, đồng nghĩa với ngầm tích tụ rủi ro. Xét cho cùng vai trò giám sát nhà nước ở đây vẫn là đảm bảo CAR tối thiểu và enforce những ngân hàng nào không đảm bảo điều kiện này phải phá sản để không ảnh hưởng đến hệ thống. Thay vào đó NHNN đưa ra "sáng kiến" VAMC hi vọng làm sạch số sách kế toán cho các ngân hàng, rồi loay hoay với việc có buộc các ngân hàng phải trích lập dự phòng đầy đủ không. Vẫn là cái tâm lý kỵ chữ "phá sản".


4. Vậy tại sao NHNN không chịu để một vài ngân hàng yếu kém phá sản? Hai lý do chính thường được viện dẫn là khi ngân hàng phá sản những người dân gửi tiền sẽ bị mất (một phần) và điều này có thể tạo ra khủng hoảng dây chuyền khi các ngân hàng lành mạnh khác cũng bị rút tiền hàng loạt. Với lý do thứ nhất, đối với những ngân hàng nhỏ và đã có tai tiếng một thời gian, những cá nhân/doanh nghiệp gửi một khoản tiền lớn vào đó phải hiểu được rủi ro khi gửi tiền. Xét cho cùng gửi tiền tiết kiệm cũng là một hình thức đầu tư, "high return" tất phải đi cùng với "high risk". Việc một ngân hàng đang rất khó khăn mà vẫn huy động được một lượng tiền gửi lớn còn có một phần lỗi lớn của cơ quan chức năng trong việc giám sát và công bố thông tin. Nếu NHNN kiểm soát chặt không để các ngân hàng che dấu nợ xấu (và không trích lập dự phòng) đồng thời enforce qui định CAR tối thiểu, khó có chuyện một ngân hàng đã trên bờ vực phá sản mà vẫn huy động được tiền tiết kiệm ào ào. Thêm vào đó việc ngăn cản các công ty tư nhân thực hiện việc đánh giá sức khỏe ngân hàng (vụ Vietnam Credit) cũng làm vấn đề asymmetric information tệ hơn. Nếu báo chí và các dịch vụ xếp hạng tín dụng cảnh báo một ngân hàng có rủi ro cao, liệu người dân có liều mạng gửi tiền dù lãi suất cao?

Nhưng dẫu sao quan điểm của tôi vẫn là cá nhân/doanh nghiệp gửi tiền vào một ngân hàng phải tự chịu rủi ro nếu ngân hàng phá sản. NHNN nói riêng và nhà nước nói chung không có trách nhiệm phải bảo vệ số tiền bạn gửi vào ngân hàng, mặc dù họ có trách nhiệm đảm bảo hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn nhất có thể. Thậm chí nếu nhân viên ngân hàng lừa đảo chiếm dụng tiền của bạn, nhà nước chỉ có trách nhiệm truy tố những kẻ phạm tội trước pháp luật chứ không phải đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư. Đây là điều chính phủ VN đã làm trong vụ nước hoa Thanh Hương đầu những năm 1990, những người gửi tiền (trong đó có gia đinh tôi) phải chấp nhận bị mất. Gần đây hơn, đầu năm 2013 Cyprus đã buộc các cá nhân gửi tiền phải bị mất một phần tiền gửi (haircut) khi giải cứu hệ thống ngân hàng của họ.

Vậy còn trách nhiệm của bảo hiểm tiền gửi là gì? Tôi đã từng có một bài phân tích rất kỹ chức năng của bảo hiểm tiền gửi ở đây. Về cơ bản nhiệm vụ chính của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ payment system của một quốc gia trong trường hợp ngân hàng trung ương không chống đỡ nổi một cuộc bank-run lớn. Tuy nhiên FDIC, cơ quan bảo hiểm tiền gửi của Mỹ, trong suốt lịch sử của nó chỉ duy nhất một lần vào năm 1933 (khi nó được thành lập) thực hiện chức năng này. Trên thực tế vai trò của FDIC trong hệ thống tài chính hiện tại chủ yếu là giám sát và đứng ra giàn xếp quá trình phá sản/thanh lý/restructuring các ngân hàng thương mại. Đáng tiếc là Bảo hiểm tiền gửi VN chưa làm được điều này. Nhiều nước không có bảo hiểm tiền gửi vì họ tin tưởng ngân hàng trung ương của mình có thể chống lại bank-run, và tất nhiên nhà nước không có trách nhiệm phải bảo vệ tiền của người dân gửi ở ngân hàng.

Lý do thứ hai NHNN thường viện dẫn để biện minh cho quan điểm không để một ngân hàng nào phá sản là nguy cơ xảy ra bank-run hay contagion (khủng hoảng dây chuyền). Như đã đề cập bên trên, chống bank-run là nhiệm vụ của ngân hàng trung ương với chức năng người cho vay cuối cùng. Trên nguyên tắc bảo hiểm tiền gửi cũng trợ giúp ngân hàng trung ương chống lại bank-run, tuy nhiên thực tế là vai trò của bảo hiểm tiền gửi khá mờ nhạt trong thời gian gần đây. Khi cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2009 xảy ra ngân hàng trung ương các nước có vai trò chống khủng hoảng quyết định với các gói trợ giúp thanh khoản khẩn cấp như TAF của Mỹ, LTRO của châu Âu hay các gói QE sau này. Một công cụ chống khủng hoảng rất mới và sáng tạo cũng được Fed và ECB đưa ra trong thời gian này là official stress test.

Mặc dù stress test không được báo chí nhắc đến nhiều, công cụ này có vai trò khá quan trọng ngăn chặn khủng hoảng lây lan. Sở dĩ vụ phá sản của Lehman Brothers châm ngòi cho cuộc khủng hoảng vì bản chất bank-run trong thế giới tài chính hiện tại đã khác xa thời những năm 1930. Khi funding của các tổ chức tài chính lớn phụ thuộc vào wholesale market và các sản phẩm tài chính trở nên quá phức tạp (bạn có thể tham khảo bài này) bank-run trở thành vấn đề nội bộ của giới ngân hàng (nói chính xác hơn là giữa banks và shadow banks). Khi đó việc trợ giúp liquidity truyền thống có thể không còn nhiều tác dụng hoặc rất khó thực hiện. Stress test giúp các tổ chức tài chính xác định được (một cách tương đối) rủi ro nằm ở chỗ nào, do vậy giúp phòng chống các nhà đầu tư rút chạy hàng loạt trên thị trường wholesale vì không đủ thông tin.

Nói lòng vòng như vậy để thấy một ngân hàng trung ương có năng lực cộng thêm trợ giúp của cơ quan bảo hiểm tiền gửi sẽ không quá lo ngại việc một ngân hàng phá sản, nhất là một ngân hàng nhỏ không quá interconnected. Trên thực tế hàng năm Mỹ có vài chục ngân hàng phá sản mà thị trường không xuy xuyển gì. Ngay trong giai đoạn khủng hoảng cao trào đầu năm 2009 hàng trăm ngân hàng thương mại Mỹ phá sản nhưng FDIC giải quyết ổn thỏa. Sự kiện Lehman Brothers có bản chất rất khác và sẽ còn rất lâu cho đến khi VN phải lo lắng một điều tương tự xảy ra. Do đó theo tôi việc NHNN cứ lần lữa để một ngân hàng thương mại phá sản chỉ có thể do NHNN không tự tin vào chính năng lực của mình và Bảo hiểm tiền gửi VN, một điều đáng tiếc.


5. Để hiểu rõ hơn vụ VNCB cũng như hoạt động của một ngân hàng thương mại nói chung sau đây tôi sẽ giới thiệu một ví dụ tối giản về balance sheet của một ngân hàng. Giả sử bạn mở một ngân hàng với $10 triệu vốn tự có, huy động thêm $90 triệu tiền gửi của khách hàng (total liabilities = $100 triệu). Giả sử NHNN không yêu cầu minimum reserve, nghĩa là bạn có thể cho vay hết $100 triệu này (total assets = $100 triệu). Trong trường hợp này CAR = 10%, giả sử yêu cầu CAR tối thiểu = 8%.

Nếu vì một lý do nào đó một khoản cho vay trị giá $1 triệu trở thành nợ xấu (không nhất thiết bị mất hoàn toàn mà chỉ cần khả năng thu hồi nợ trở nên khó hơn) bạn phải công bố số nợ xấu đó và trích lập dự phòng (ghi sổ) bằng một con số âm bên cột assets. Nghĩa là total assets chỉ còn $99 triệu, do đó bên cột liabilities cũng phải giảm $1 triệu tương ứng, giảm vào phần vốn tự có (chỉ còn $9 triệu). Như vậy CAR lúc này còn xấp xỉ 9%, vẫn cao hơn yêu cầu tối thiểu nên ngân hàng của bạn vẫn được phép hoạt động nhưng tất nhiên giá trị cổ phiếu của ngân hàng nếu được giao dịch trên thị trường sẽ giảm. Tất cả các shareholders đều phải chia sẻ số lỗ $1 triệu đó.

Bay giờ giả sử khoản nợ xấu là $5 triệu, bạn sẽ phải trích lập dự phòng và ghi lỗ vào phần vốn tự có như trên. Total assets sẽ còn $95 triệu và owners' capital còn $5 triệu, nghĩa là CAR chỉ còn xấp xỉ 5%, thấp hơn yêu cầu tối thiểu. Đến thời điểm này nếu NHNN giám sát chặt chẽ họ sẽ yêu cầu bạn phải nâng CAR lên ít nhất bằng 8% bằng cách hoặc (i) huy động thêm $2.6 triệu vốn điều lệ, (ii) giảm bớt assets xuống $62.5 triệu. Cách (i) sẽ làm giảm cổ phần của các cổ đông hiện hữu trừ khi họ bỏ thêm tiền của họ, do vậy có thể giảm/mất quyền kiểm soát ngân hàng và phải chia sẻ lợi nhuận trong tương lai. Cách (ii) khó thực hiện trên thực tế (vì các ràng buộc pháp lý) và chắc chắn sẽ làm giá trị của ngân hàng giảm thêm vì tài sản bán vội vàng trong trường hợp như vậy sẽ mất giá.

Trong trường hợp của VNCB, nợ xấu còn tệ hơn, lớn hơn vốn tự có (lớn hơn $10 triệu trong ví dụ này). Do đó cách (ii) không còn ý nghĩa vì dù có bán hết tài sản (giả sử bằng book value) cũng không đủ để trả lại $90 triệu tiền gửi của khách hàng. Cách (i) cũng không thực tế bởi các nhà đầu tư chẳng dại gì bỏ ra một số tiền hơn $10 triệu để mua một ngân hàng có giá trị thấp hơn con số đó, mà đó là tính theo giá trị sổ sách, giá thị trường còn thấp hơn nữa. Có thể hiểu tại sao các cổ đông hiện hữu của VNCB không chịu bỏ thêm tiền vào ngân hàng để tăng vốn tự có lên đủ yêu cầu CAR tối thiểu. Lúc này cơ quan quản lý có hai phương án: (a) cho ngân hàng phá sản, (b) giàn xếp bailout.

Như đã nói bên trên, NHNN vì một lý do nào đó đã tuyên bố loại trừ (a), như vậy chỉ còn giải pháp (b). Bailout, mà tiếng Việt dịch (không đạt lắm) thành "giải cứu", về cơ bản là can thiệp của nhà nước vào một ngân hàng/tổ chức tài chính nhằm cứu nó ra khỏi tình trạng insolvency (vốn chủ sở hữu âm). Riêng với các ngân hàng ngay cả khi chưa bị insolvent nhưng CAR rơi xuống quá thấp mà không có khả năng phục hồi (theo phương án (i) hoặc (ii) bên trên) thì ngân hàng đó vẫn phải dừng hoạt động (bị tước giấy phép hoạt động ngân hàng do không đủ điều kiện CAR tối thiểu) hoặc cũng cần được bailout. Ở đây tôi gộp chung cả 2 trường hợp bailout do bị insolvent hoặc vẫn solvent nhưng CAR quá thấp.

Thông thường bailout vẫn được hiểu là chính phủ bơm tiền (tax payers' money) cứu doanh nghiệp, nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Trong vụ LTCM Fed và Treasury không bỏ tiền mà giàn xếp để các chủ nợ của LTCM bơm thêm tiền cho công ty này. Tất nhiên để có bailout hoàn toàn bằng tiền tư nhân như vậy cơ quan quản lý nhiều khi phải đưa ra những đảm bảo hay concession, dù là non-cash nhưng nếu tính đúng tính đủ cũng là một dạng "tiền nhà nước". Trường hợp Bear Stearns ở Mỹ hay Hypo Real Estates ở Đức, bailout thực hiện bằng cả tiền của nhà nước lẫn private money. Tuy nhiên phần lớn các cuộc bailout được thực hiện bằng tiền của nhà nước, như Northern Rock và Lloyd của Anh hay Gotabanken và Nordbanken của Thụy Điển.

Số tiền nhà nước bỏ ra bailout các ngân hàng tư nhân phần lớn dưới hình thức recapitalization, nghĩa là góp vào vốn chủ sở hữu để đảm báo CAR đạt yêu cầu tối thiểu. Tùy vào mức độ thua lỗ của ngân hàng trước đó (tùy vào tỷ lệ nợ xấu cao bao nhiêu), số vốn góp vào của nhà nước có thể chiếm phần lớn tổng số owners' equity. Trong trường hợp tỷ lệ này áp đảo như trường hợp RBS hay Northern Rock, ngân hàng sẽ bị coi như đã được quốc hữu hóa (nationalization). Như vậy cần phải hiểu quốc hữu hóa là một hình thức bailout mà nhà nước bỏ tiền ra mua phần lớn cổ phần của một ngân hàng (hay một doanh nghiệp nói chung). Sở dĩ nhà nước phải quốc hữu hóa một ngân hàng vì số vốn chủ sở hữu của ngân hàng không còn đủ để hoạt động theo luật (hoặc đã âm) và ngân hàng đó không có khả năng huy động vốn (recapitalize) trên thị trường.


6. Quay lại trường hợp VNCB, vì vốn chủ sở hữu đã âm nên ngân hàng này buộc phải (a) phá sản hay (b) được bailout. Dường như NHNN đã chọn giải pháp (b) khi vẫn khăng khăng không để VNCB phá sản. Vấn đề là đến thời điểm này NHNN không/chưa bỏ thêm một đồng nào để recapitalize VNCB cho nên trên nguyên tắc nó vẫn không đủ điều kiện để hoạt động như một ngân hàng bình thường. Lưu ý rằng NHNN cho vay tái cấp vốn, một hình thức tương đương như discount window của Fed, chỉ có tính chất trợ giúp thanh khoản chứ không phải recapitalization. Nếu NHNN tiếp tục cho VNCB vay tái cấp vốn để trả cho các liability (tiền gửi) đến hạn thì quyền lợi của người dân gửi tiền sẽ được đảm bảo đúng như cam kết của NHNN. Tuy nhiên NHNN sẽ phải chịu lỗ vì tổng số assets của VNCB đã thấp hơn liabilities. Số lỗ này (và số tiền recapitalization nếu có) là cái giá NHNN thực sự phải trả cho vụ bailout chứ không phải NHNN không tốn đồng nào vì mua cổ phiếu giá bằng không. Đáng tiếc là người dân, mà thậm chí cả các đại biểu Quốc hội, sẽ khó có thể biết NHNN đã chấp nhận "lỗ" bao nhiêu. NHNN chưa bao giờ công bố balance sheet của mình cũng như chưa bao giờ có kiểm toán hay thanh tra ở cơ quan này.

Nhưng NHNN cũng không sai khi nói rằng họ có thể lời khi bán VNCB sau này. Vì giá trị liabilities cố định còn giá trị assets thay đổi theo thị trường, hiện tại NHNN lỗ vì total assets < liabilities nhưng nếu bất đẳng thức này đổi chiều thì NHNN sẽ có lời. Vấn đề là làm thế nào để nó đổi chiều? Liệu VCB, đại diện của NHNN quản lý VNCB, có tái cấu trúc thành công hay không và liệu tình hình thị trường lúc bán lại VNCB có tốt lên hay không. Tất nhiên không ai có thể biết trước và nhiệm vụ của NHNN cũng không phải là mua bán ngân hàng để kiếm lời. Điều quan trọng là NHNN đảm bảo được sự an toàn/ổn định cho hệ thống ngân hàng dù có thể phải chịu lỗ (chi phí bailout). Lợi ích của môt hệ thống tài chính lành mạnh lớn hơn nhiều chi phí bailout nếu bailout được làm đúng cách và công bằng.

Công bằng ở đây có nghĩa là những người đã có quyết định sai phải chịu trách nhiệm cho những quyết định đó. Cụ thể shareholders của VNCB phải bị mất hết cổ phần vì đã để ngân hàng làm ăn kém hiệu quả dẫn đến vốn chủ sở hữu bị âm. Đây là điều tôi đã cổ súy trong mấy năm nay, bất kỳ một cuộc cải tổ/bailout nào cũng phải buộc shareholder chịu lỗ đầu tiên. Vụ VNCB là lần đầu tiên NHNN làm được điều này và tôi hi vọng không phải lần cuối cùng. Tôi thực sự chúc mừng NHNN đã vượt qua được rào cản vô hình khi bailout/quốc hữu hóa VNCB. Điều mà tôi không đồng ý là có thông tin cho rằng NHNN đã đem trách nhiệm hình sự ra làm điều kiện trao đổi. Nếu một vài cá nhân ở VNCB phạm tội hình sự, trách nhiệm của NHNN là phải báo cho cơ quan điều tra hoặc viện kiểm sát để khởi tố những hành vi này. Biết mà không báo cho cơ quan chức năng có thể bị qui vào tội che dấu tội phạm. Hơn thế nữa sử dụng thông tin đó để ép các cổ đông phải bán với giá bằng không cũng tương đương như hành vi tống tiền. Cả về mặt luật pháp lẫn đạo đức đều sai kể cả nếu shareholders thực sự phạm tội.

Tóm lại tôi ủng hộ phương án giải quyết VNCB của NHNN dù tôi vẫn prefer để/buộc nó phá sản. Tôi không nghĩ rằng một ngân hàng nhỏ và đã nằm trong diện kiểm soát đặc biệt một thời gian dài như vậy sẽ gây ra phản ứng dây chuyền khi phá sản. Ngược lại để một ngân hàng phá sản sẽ là một bài học tốt cho cả giới ngân hàng lẫn người dân gửi tiền, một biện pháp chống lại moral hazard hữu hiệu. Hơn nữa để VNCB phá sản sẽ công bằng hơn vì những người không được lợi lộc gì từ ngân hàng này (không phải là shareholder hay depositor) không phải chia sẻ chi phí bailout với các depositors. Dẫu sao tôi cũng chúc cho kế hoạch tái cấu trúc và bán lại VNCB thuận buồng xuôi gió.


Update: Tôi có viết một note trên Google Plus năm 2011 về vụ ba ngân hàng SCB, Ficombank, TinNghiaBank hợp nhất, quan điểm cũng không khác mấy so với bên trên:

Từ trước tới giờ tôi vẫn phản đối chủ trương giảm số lượng ngân hàng thương mại và bắt các ngân hàng phình to ra (tăng vốn điều lệ). Tuy nhiên khi NHNN đã kiên quyết theo đuổi chính sách này thì nên làm nhanh và mạnh tay để giải tỏa uncertainty trong hệ thống. Bởi vậy tôi hoan nghênh vụ ép sáp nhập vừa rồi, kể cả nếu nhà nước có phải bỏ tiền recapitalize cho họ.

Điều tôi không tán thành là NHNN cứ chối quanh việc mình ép 3 ngân hàng kia sáp nhập. Tôi nghĩ đây là một chiến thuật sai lầm, đúng ra NHNN nên tuyên bố thẳng thừng 3 ngân hàng kia không đảm bảo mức độ an toàn liquidity và CAR nên NHNN sẽ đứng ra tái cấu trúc lại bằng cách yêu cầu họ phải sáp nhập. Nguyên tắc căn bản của quá trình tài cấu trúc là phần lớn nợ xấu phải được write off hoặc chuyển sang một SIV (giống như vụ Bear Stearns). Tất nhiên shareholders hiện tại sẽ bị mất vốn, thậm chí sẽ trắng tay và không còn cổ phần trong ngân hàng mới. 

Để đảm bảo cho ngân hàng mới có đủ vốn hoạt động theo luật định, NHNN sẽ phải rót vốn (recapitalize) vào và trở thành một cổ đông mới. Nếu cơ sở pháp lý không cho phép NHNN trở thành cổ đông thì có thể thông qua một trung gian như BIDV hoặc một quĩ đầu tư nào đó. NHNN sẽ cam kết là sau khi lộ trình tái cấu trúc kết thúc toàn bộ số cổ phần của nhà nước sẽ được bán lại cho tư nhân, có thể qua IPO (như trường hợp General Motors năm 2009) hoặc private placement cho những nhà đầu tư lớn. Đây là phương pháp Thụy Điển đã làm trong những năm 1990 để tái cấu trúc (rất thành công) hệ thống ngân hàng của họ.

NHNN có thể cam kết sẽ hỗ trợ thanh khoản cho ngân hàng mới này, hoặc thông qua BIDV hay các ngân hàng khác hoặc trực tiếp từ discount window của mình. Thực ra sau khi recapitalize thì vấn đề thanh khoản của ngân hàng mới này sẽ không còn quá khó khăn nữa và họ cũng có balance sheet tốt hơn nên sẽ dễ dàng đi vay liên ngân hàng hơn. Một biện pháp khác khá cứng rắn mà NHNN có thể làm, vừa để tránh khó khăn thanh khoản cho ngân hàng mới này ngay sau khi nó được công bố vừa để cảnh cáo những người gửi tiền tham lãi suất cao (chống moral hazard), là freeze toàn bộ withdrawal từ các tài khoản hiện hữu trong vài ngày hoặc vài tuần cho đến khi quá trình thương thuyết recapitalize hoàn tất.

Tóm lại tôi muốn thấy NHNN mạnh tay hơn trong vụ này, vừa để tăng credibility vừa để đồng tiền mà mình bỏ ra (taxpayers' money) để tái cấu trúc hệ thống ngân hàng có tác dụng mạnh nhất. Tiếc là NHNN có vẻ vừa làm vừa run, lo những việc đâu đâu như ... "ném chuột vỡ bình".




7 comments:

  1. Bài viết hay quá.
    Cám ơn thầy Giang. Em cũng nghĩ là cho 1 vài ngân hàng phá sản thì người dân sẽ tự ý thức được là phải chọn ngân hàng tốt để gửi tiền đó là cách giúp người dân phòng tránh mất tiền thụ động chứ không phải cứ hô hào không cho phá sản là bảo vệ người gửi tiền. Nó chỉ giúp được trong nhất thời thui.

    Chúc thầy ăn tết vui vẻ.

    ReplyDelete
  2. Phát biểu sao ác wa vậy? Mấy người ko bị mất tiền trong vụ VNCB nên ko biết đau , biết xót cho những người bị mất tiền?!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thương trường là cũng như một trò chơi, có luật lệ riêng của nó. Ai đã dám chơi thì phải dám chịu. Có lúc lỗ mới có lúc lời. Không thể vì vài người thua (do thiếu may mắn, hay thiếu tính toán) mà thay đổi luật chơi.

      Delete
  3. Phát biểu sao ác wa vậy? Mấy người ko bị mất tiền trong vụ VNCB nên ko biết đau , biết xót cho những người bị mất tiền?!

    ReplyDelete
  4. «Trong ba nam quad NHNN van dang loay hoay voi viec sat nhap cac ngan hang yeu...». Anh nhan dinh the nao ve thong bao gan day nhat cua NHNN ve viec sat nhap trong nam 2015, co lien quan den ca Vietinbank va BIDV?
    Nhan dip nam moi, chuc anh va gia dinh duoc binh an. Cam on anh rat nhieu ve nhung chia se kien thuc that hay va huu ich.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi chỉ ủng hộ việc NHNN can thiệp vào các vụ sáp nhập/bailout những ngân hàng nhỏ và có vấn đề chứ các ngân hàng đang làm ăn hiệu quả thì cứ để thị trường M&A hoạt động. Tự khắc các ngân hàng đó biết có nên sáp nhập với ai không.

      Delete
    2. Anh Giang xem link bài báo này liên quan đến VNCB nhé!
      http://www.anninhthudo.vn/tien-vang/quoc-huu-hoa-ngan-hang-tmcp-xay-dung-viet-nam-ai-lam-cac-co-dong-mat-tien/595202.antd

      Delete

Note: Only a member of this blog may post a comment.