Friday, March 6, 2015

Tet & GDP



Cách đây hai năm GS Võ Tòng Xuân đề xuất chuyển kỳ nghỉ đón Tết cổ truyền lùi về theo dương lịch tương tự như Nhật đã làm năm 1873 dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng. Lập luận chính của ông và những người ủng hộ đề xuất này chủ yếu từ khía cạnh kinh tế, Tết ta lệch với Tết tây có ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, học tập của dân chúng và doanh nghiệp. Gần đây ý kiến này lại được hâm nóng với một số chuyên gia cho rằng nghỉ Tết ta có thể làm GDP giảm từ 2 đến 5%. Tuy nhiên những con số này mới chỉ là ước lượng sơ khởi, rất cần một đánh giá có tính học thuật cao hơn để người dân và các nhà hoạch định chính sách có thể thảo luận và cân nhắc đề xuất của GS Xuân một cách thấu đáo. Bài viết này sẽ đưa ra một số phân tích định lượng về tác động của của Tết ta vào GDP như một đóng góp nhỏ cho nỗ lực của GS Võ Tòng Xuân.

Trước hết có thể nói phần đông, kể cả một số người phản đối ý tưởng của GS Võ Tòng Xuân, đồng ý rằng Tết ta có ảnh hưởng tiêu cực đến GDP. Tác động của Tết thông qua một số kênh như số ngày nghỉ kéo dài, năng suất lao động sụt giảm trước và sau Tết do bận bựu chuẩn bị và dư âm của những ngày Tết. Câu nói cửa miệng "Để ra Tết rồi tính" phản ánh một thực trạng là kỳ nghỉ Tết truyền thống làm gián đoạn nhiều hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Sự lệch pha giữa kỳ nghỉ năm mới của Việt Nam so với thế giới cũng có tác động tiêu cực khi nền kinh tế ngày càng hội nhập. Về phương diện vĩ mô việc gia tăng tiêu dùng rất lớn trong dịp Tết luôn tạo sức ép lên mặt bằng giá cả, gây khó khăn cho những chính sách ổn định kinh tế. Dù khó đánh giá chính xác nhưng nhiều khả năng thói quen "ăn Tết" lớn của người Việt cũng làm giảm tổng tiết kiệm của toàn xã hội, ảnh hưởng đến đầu tư và cán cân thanh toán.

Một khía cạnh vĩ mô khác ít người để ý là mức độ sử dụng (capacity utilitzation) của nền kinh tế giảm thấp hơn nhiều công suất tiềm năng trong giai đoạn Tết gây ra một sự lãng phí nguồn lực rất lớn. Có thể thấy điều này khá rõ qua số liệu thống kê GDP theo quí của Việt Nam. Trong vòng 10 năm lại đây (Q1 2005 - Q4 2014) GDP(*) trung bình của Q1, quí có Tết, chỉ chiếm khoảng 18% GDP của cả năm (so với 25% nếu GDP được dàn đều trong 4 quí). So sánh với GDP Q4 ngay trước đó, trung bình trong 10 năm qua GDP Q1 giảm hơn 30%. Sự sụt giảm rất lớn này có thể còn do những yếu tố khác, nhưng chắc chắn Tết có phần đóng góp quan trọng. Điều này có thể kiểm chứng được bằng cách so sánh GDP của Việt Nam và Trung Quốc, hai nước có truyền thống ăn Tết âm lịch, với Thailand và Indonesia. Giống Việt Nam GDP Q1 của Trung Quốc giảm trung bình 24% so với Q4 trong khi con số này ở Thailand là tăng 1.1% còn Indonesia cũng tăng 0.2%.

Công bằng mà nói GDP Q1 hàng năm giảm không chỉ vì Tết, những yếu tố mùa vụ khác như thời tiết, tập quán canh tác hay thương mại quốc tế cũng có thể có tác động tiêu cực trong giai đoạn này. Tuy nhiên phân tích GDP theo quí cho một số phân ngành sản xuất ít phụ thuộc vào thời tiết hay đặc thù canh tác như công nghiệp, xây dựng, khai khoáng, y tế, giáo dục cũng cho thấy một bức tranh tương tự, những hoạt động kinh tế đó đồng loạt giảm mạnh trong khoảng thời gian có Tết. Đặc biệt giải ngân cho đầu tư công, một hoạt động hoàn toàn có tính chủ động và nội tại, giảm hơn 50% trong Q1. Có thể thấy dấu ấn của Tết khá rõ trong hầu hết các hoạt động của nền kinh tế.

Vậy nếu Việt Nam chuyển việc "ăn Tết" theo dương lịch như GS Võ Tòng Xuân đề xuất liệu có giúp thúc đẩy tăng trưởng GDP mạnh hơn không? Trả lời câu hỏi này không hề dễ, lịch sử kinh tế thế giới chỉ duy nhất một lần ở Nhật có sự kiện này mà số liệu lúc đó không đủ để có thể phân tích và đánh giá. Do vậy bất kỳ nghiên cứu nào cũng phải sử dụng phương pháp mô phỏng cho sự kiện bỏ Tết với rất nhiều giả định. Trên nguyên tắc các nhà kinh tế có thể lập mô hình mô phỏng sự kiện này, nhưng chắc chắn những mô hình như vậy sẽ vô cùng phức tạp và khó có thể khẳng định được độ chính xác. Ở đây tôi xin đề xuất một phương pháp đơn giản hơn, tuy không trả lời được trực tiếp câu hỏi bỏ Tết sẽ làm tăng GDP bao nhiều phần trăm nhưng lượng hóa được phần nào ảnh hưởng của Tết trong GDP Q1.

Với số liệu thống kê tháng hay quí các nhà kinh tế thường áp dụng một số kỹ thuật hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ (seasonal adjustment) để số liệu phản ánh chính xác hơn tình trạng sức khỏe của nền kinh tế. Đáng tiếc là cho đến thời điểm này Tổng cục Thống kê Việt Nam chưa thực hiện việc hiệu chỉnh cho hầu hết số liệu kinh tế xã hội mà cơ quan này công bố định kỳ hàng tháng hay hàng quí. Số liệu GDP mà tôi trích dẫn trên đây cũng vậy, Q1 hàng năm - khoảng thời gian luôn có Tết âm lịch rơi vào - có GDP chưa hiệu chỉnh thấp hơn hẳn các quí khác. Nếu áp dụng một kỹ thuật hiệu chỉnh mùa vụ, chuỗi GDP theo quí sẽ ít biến động hơn và phần lớn ảnh hưởng của Tết (và các yếu tố mùa vụ khác) trong Q1 sẽ được loại bỏ. Con số GDP được hiệu chỉnh này có thể tạm coi là một con số đại diện cho trường hợp giả tưởng tất cả các yếu tố mùa vụ không còn, bao gồm cả việc bỏ Tết ta.

Sử dụng một phương pháp hiệu chỉnh mùa vụ do Matthias Mohr ở Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) phát triển, kết quả là GDP Q1 trung bình sẽ tăng khoảng 8% so với GDP của Q4 trước đó. So với mức giảm 30% của chuỗi GDP chưa hiệu chỉnh, tác động tổng hợp của các yếu tố mùa vụ trong Q1 - mà Tết có vai trò quan trọng - là hơn 38%. Nghĩa là nếu loại bỏ tất cả các yếu tố mùa vụ trong Q1, bao gồm cả việc bỏ Tết ta, GDP của quí này sẽ tăng so với hiện tại khoảng 38%. Lưu ý rằng điều này không đồng nghĩa với GDP của cả năm sẽ tăng 9.5% (=38/4) vì nhiều hoạt động kinh tế hiện tại đang được dồn sang Q2 và Q4 sẽ được dàn bớt về Q1. Nhưng chỉ riêng việc năng lực sản xuất của nền kinh tế được sử dụng hiệu quả hơn trong Q1, loại bỏ các yếu tố mùa vụ (trong đó có Tết) sẽ có tác động rất tích cực lên toàn nền kinh tế.

Tất nhiên việc dời Tết ta về trùng với Tết tây sẽ không loại bỏ hoàn toàn yếu tố mùa vụ của hoạt động này. Người Việt có thể vẫn tiếp tục ăn chơi phung phí trong dịp Tết ta mới, các lễ hội vẫn rình rang, ngân sách vẫn chậm giải ngân cho các dự án đầu tư công trước và sau Tết. Loại bỏ những yếu tố này không chỉ đơn thuần là dời ngày ăn Tết mà còn cần những nỗ lực thay đổi hành vi sống và cung cách làm việc của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan công quyền. Tuy nhiên một công cuộc đổi mới có thể phải bắt đầu bằng một biện pháp thay đổi mạnh mẽ như bỏ Tết ta, điều mà nước Nhật đã chấp nhận để mở đầu thời kỳ cải cách lịch sử của họ.


Ghi chú: (*): Số liệu GDP của Việt Nam sử dụng trong bài này là số thống kê theo giá hiện hành và chưa được hiệu chỉnh yếu tố mùa vụ. Để giảm thiểu ảnh hưởng của lạm phát, tốc độ tăng trưởng GDP hàng quí được hiệu chỉnh với tốc độ tăng CPI cùng kỳ.


[Một version của bài này đã được đăng trên TBKTSG.]



17 comments:

  1. Mong rằng nước Việt Nam chúng ta cũng sẽ có một Minh Trị Thiên Hoàng mạnh mẽ như vậy, dám chuyển Tết ta sang Tết tây.

    ReplyDelete
  2. Cho em hỏi nếu mình loại bỏ các yếu tố mùa vụ (trong đó có Tết ta) của Q1 để kết luận là nên gộp Tết ta vào Tết tây nhưng không tính trường hợp đến các yếu tố mùa vụ sẽ ảnh hưởng vào Q4 (trong trường hợp gộp hai tết với nhau thì số ngày nghỉ tết Tây sẽ tăng lên) thì liệu kết luận có chính xác không ạ? Nếu giả sử trường hợp tính ra ảnh hưởng của việc gộp hai cái tết sẽ làm giảm GDP Q4 tới gần 38% thì liệu có nên gộp lại không ạ ?

    Em cũng thắc mắc không biết là ảnh hưởng của yếu tố mùa vụ (trong đó có Tết tây) vào GDP Q4 của Úc thì có thể tính được hay không ạ ?
    Như trong link ở đây:
    http://www.abs.gov.au/AUSSTATS/abs@.nsf/Lookup/5206.0Main+Features1Dec%202014?OpenDocument
    thì em thấy chênh lệch giữa tăng trưởng GDP Q4 2014 chưa tính tới yếu tố mùa vụ (0.4%) và sau khi bỏ yếu tố mùa vụ đi (0.5%) là cỡ 25%. Em không chắc tính như vậy có đúng không, nhưng nếu giả sử như em tính đúng thì có thể kết luận là Úc nên bỏ hẳn Tết ta đi để tăng tốc độ tăng trưởng GDP thì có đúng không ạ ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bạn phải so sánh level chứ không phải growth rate. Chỉ có VN và TQ mới có (level) GDP của Q1 giảm ở mức 2 chữ số.

      Việc gộp Tết ta vào Tết tây chủ yếu để khơi mào cho một cuộc thay đổi behaviour chứ không phải thay đổi số ngày nghỉ. Như tôi viết bên trên nếu chỉ đơn thuần dời ngày tế còn những thứ khác vẫn giữ nguyên như cũ thì chẳng có nhiều tác động.

      Delete
  3. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  4. Kinh gửi tiến sỹ Giang Le!
    Chào bác, cháu là Vinh, hiện tại cháu đang học master về finance ở UK, và cháu đang gặp khó khăn khi chuẩn bị cho bài dissertation của cháu. Topic cháu chọn là "the relationship between exchange rate and stock price, the case in UK".
    Qua một thời gian tìm hiểu, cháu thấy nhiều bài mẫu sử dụng các ADF model, VAR, and regression of Engle and Granger (1987). Đây hoàn toàn là những kiến thức mới cho cháu nên cháu đã gặp khá nhiều khó khăn để hiểu rõ các model này.
    Có khá nhiều tài liệu tiếng anh về vấn đề này, nhưng cùng với sự phức tạp của nó thì rất khó để cháu hiểu sâu được vấn đề này nếu chỉ đọc tài liệu tiếng anh. Cháu hi vọng bác có thể viết một số bài về các model này và giúp cháu hiểu sâu hơn, hoàn thành tốt dissertation của cháu. Cháu cảm ơn bác!

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn, mình là Yến. Mình học cùng ngành với bạn nhưng ở Đức. Mình viết luận văn sử dụng Autoregressive Distributed Lag (ARDL or ADL) model, một kiểu model khá phổ biến trong khoảng từ đầu năm 2000 trở lại đây để test và predict long-term relationship đối với time-series data. Model này được phát triển dựa trên model của Engel and Granger (1987) mà bạn đã đề cập. Nếu bạn quan tâm, nên đọc thêm: An autoregressive Distributed Lag Modelling by Pesaran and Shin (1997). Model này ko yêu cầu data series phải stationary, đây là 1 ưu điểm rất lớn. Nhưng ARDL đòi hỏi các variables phải co-integrated at order 1 or I(1). Để test I(1), bạn sử dụng Augmented Dickey-Fuller test (Ko phải model như bạn đã viết). Nếu model này phức tạp quá thì bạn có thể sử dụng Error Correction model using OLS method. Đừng bỏ sót phần Diagnosis tests. Bạn nên đọc paper này để biết những diagnosis tests nào là cần thiết: Diagnostic checks for single-equation error-correction and autoregressive distributed lag models by Gerrard and Godfrey (1998). Eviews có thể xử lý hết các nhu cầu về econometrics models.
      Còn đây là chia sẻ cá nhân của mình: Bạn nên dành ra ít nhất 1 tháng để tìm hiểu model và quantitative method sẽ sử dụng. Mình thấy đa phần là các paper về econometrics ko quá phức tạp, nhưng nó có hệ thống ngôn ngữ và ký hiệu riêng, dọa cho mình sợ khi mình mới đọc. Bạn dành ra thời gian đủ dài để đọc thì sẽ quen và sử dụng tốt. Hy vọng chia sẻ của mình sẽ có ích với bạn.

      Delete
  5. Bác ơi cho cháu hỏi mixture of distribution hypothesis dịch ra tiếng việt là hỗn hợp giả thuyết phân phối không ạ
    Cháu cám ơn bác nhiều ạ

    ReplyDelete
  6. Ngoài khía cạnh kinh tế, một dân tộc còn cần quan tâm tới khía cạnh gì không nữa ta?

    ReplyDelete
  7. Indonesia nghỉ Ramadan va Lebaran cả tháng sao không thấy bàn ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hình như chùng ta thua Indo 90 năm phát triển nhé, chúng ta người Việt bàn vấn đề của nước Việt. Chuyện nước Indo dân của họ tự biết lo. Gs đã nói rõ ko phải thay đổi là sẽ tăng truởng GDP liền mà sẽ là tiền đề thay đổi nếp sinh hoạt của dân lao động trong mùa cận tết và sau tết.

      Delete
  8. Tôi thấy nên:
    - Đổi ngày tết theo lịch tây.
    - Giữ phong tục theo ta ( khác ngày thôi )
    Nói cho cùng thì lịch ta là gì?
    Kề cả lịch tàu cũng chẳng phải là thuần túy tàu!
    Họ có nguyên tắc tính lịch ( tháng theo mặt trặng , năm chỉnh theo mặt trời ).
    Nhưng cách tình thiên thể của họ lạc hậu , bởi thế họ đã chỉnh cách tính toán lại ..theo tây từ thế kỷ 17!
    Dùng cách tính của tu sĩ giòng jesuit Mateo Ricci (cuối thời Minh) mà thành lịch "thời hiến" (đầu nhà Thanh).
    Triều Nguyễn Việt Nam cũng đổi theo "Thời Hiến".
    Tóm lại từ đó trở đi.
    Lịch tàu là nguyên tắc tính lịch tàu (tháng,tiết khí,nhuận..etc ) + cách tính thiên thể của .. tây!
    Lịch ta là lịch tàu!
    Khác biệt là tàu dùng kinh tuyến bắc kinh làm chuẩn, ta dùng Hà Nội.
    Tóm lại lịch ta = nguyên tắc tàu + cách tính tây + kinh tuyến hà nội!
    Có thế thôi!
    Chẳng có gì là thần bí, hay thuần "việt" hay "dân tộc" cả!
    Người Nhật thấy ngay từ đầu!
    Bỏ hẳn lịch tàu, giữ phong tục Nhật.
    Họ biết cái gì là hay , là đúng!
    Lịch tàu lạc hậu. Không khớp với thời tiết một cách đơn giản dễ nhớ.
    Thí dụ "xuân phân" (bắt đầu mùa xuân, ngày dài bằng đêm) dùng lịch tây biết ngay là 20-21 tháng ba, năm nào cũng thế.
    Dùng tàu thì phải tra lịch xem nó ngày nào năm nay? Một tiết khí trong lịch tàu có thể xê qua dịch lại tới cả tháng!
    Tàu chỉ có ích thời xưa , nhìn trăng thì biết ngày mồng mấy trong tháng.
    Thế hệ bây giờ nhìn trăng cùng lắm chỉ biết hôm nay là "rằm"! Thế thôi.
    Con ngoài ra là nhìn đồng hồ hay phone!
    Thế tại sao cứ phải vĩnh viễn xài nó??
    Việt Nam ta , ba bốn đời nay đã dùng lịch tây rồi.
    Các cụ cố, cụ tổ 4, 5 đời của thế hệ bây giờ cũng đã biết lịch tây.
    Thậm chí cúng giỗ theo ngày tây , các cụ cũng biết ngày mà về!
    Vì thế , đổi ăn tế theo ngày tây, theo thế giới.. Không chỉ vì kinh tế mà còn có ý nghĩa văn hóa:
    - Theo cái "đúng"
    - Không sùng bái những thứ lạc hậu của tàu!

    ReplyDelete
  9. Ăn tết theo lịch tây sao? Vớ vẩn

    ReplyDelete
  10. Ăn tết theo lịch tây sao? Vớ vẩn

    ReplyDelete
    Replies
    1. giữ nguyên ăn tết theo lịch âm sao? vớ vẩn!

      Delete
  11. chào Bác. con đang làm nghiên cứu GDP nhưng tìm số liệu theo quý không được. Bác cho con xin được không ạ. Từ năm 2007 đến năm 2016 theo quý cảu VN ạ. con cảm ơn nhiều ạ.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.