Monday, September 13, 2010

Economics V


Tôi đã từng ngả về phe phản đối việc trao giải Nobel cho các nhà kinh tế, tuy nhiên với lý do khác hoàn toàn so với Gideon Rachman. Với tôi giải Nobel kinh tế có ảnh hưởng quá lớn vào sự phát triển/vận hành của xã hội vì những nhà kinh tế được giải thưởng này có tiếng nói rất lớn, được giới policy makers lắng nghe nên có thể bỏ qua những ý kiến phản biện khác. Một ví dụ rõ nhất là Paul Krugman đã và đang gây ảnh hưởng lên chính sách của chính phủ Mỹ, theo tôi giải Nobel kinh tế năm 2008 của ông đã góp phần đáng kể vào sự ảnh hưởng này.

Trong khi đó Rachman, một nhà sử học, dường như dị ứng với "fake Nobel prize for economics" vì ngành sử học của ông không có vinh dự được vinh danh bằng một giải thưởng có cái tên đã thành thương hiệu như vậy. Rachman đả kích kinh tế học và trích dẫn Joseph Stiglitz (một cách không chính xác) cho rằng kinh tế học không phải là một ngành khoa học (science), ít nhất so với vật lý, và cũng không phải một ngành có ích cho xã hội, ít nhất so với y học. Rachman đặc biệt nhấn mạnh vào việc kinh tế học ứng dụng quá nhiều toán trong các mô hình của mình nhưng đã không thể dự báo được cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.

Mặc dù tôi cũng có quan điểm cho rằng nhiều nhà kinh tế học đã đi quá xa khi sử dụng toán để xây dựng các mô hình và từ đó đưa ra các qui luật kinh tế (tôi sẽ viết thêm trong một entry tới), tôi không sổ toẹt việc ứng dụng toán. Như phản bác của Martin Wolf (xem video trong bài báo của Rachman) và Tim Hardford, toán học là công cụ không thể thiếu để các nhà kinh tế học sắp xếp các logic và qui luật kinh tế một cách hệ thống. Không có toán học việc nghiên cứu một hệ thống phức tạp như một nền kinh tế sẽ không thể làm được.

Trước khi chứng minh tổng quát cho Bổ đề cơ bản, GS Ngô Bảo Châu và GS Gerard Laumon đã chứng minh được một trường hợp đặc biệt của bổ đề này và có lẽ đó là một bước tiến quan trọng cho những thành tựu sau này của GS Châu. Tương tự như vậy, dù các nhà kinh tế chưa thể chứng minh được kinh tế thị trường là ưu việt nhất, một trường hợp đặc biệt của nó (perfect competition, no externalities...) đã được Kenneth Arrow và Gerard Debreu chứng minh thông qua toán học. Mặc dù chưa thực sự đến đích, toán học đã giúp các nhà kinh tế học vững tin hơn vào research program của mình, cũng như công trình của GS Châu giúp các nhà toán học vững tin hơn vào Langlands program. Như Martin Wolf nói, thành tựu của kinh tế học trong hơn 100 năm qua vượt xa những thất bại của ngành học này, ví dụ rõ ràng nhất là sự bùng nổ kinh tế của TQ và nhiều nền kinh tế khác khi họ kiên quyết đi theo mô hình kinh tế thị trường, đi theo những chính sách mà các nhà kinh tế đã chỉ ra.

Một trong những phê phán của Rachman mà cả Wolf và Harford "lờ đi" là tại sao với cùng một vấn đề mà các nhà kinh tế lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau. Ví dụ có nên tiếp tục kích cầu không hay có nên tăng lãi suất hay không, dường như những người thuộc trường phái Keynesian (Krugman/DeLong) và những người thuộc trường phái Chicago (Rajan/Williamson) không thể xác định được ai đúng ai sai. Rachman cho rằng đó là bằng chứng không thể chối cãi kinh tế học không có một nền tảng bền vững như vật lý hay các ngành khoa học khác. Theo tôi đây là một phê phán quan trọng và các nhà kinh tế học phải thực sự nhìn lại ngành của mình. Tuy nhiên có lẽ đây là hệ quả chủ yếu của vấn đề thông tin không đầy đủ chứ không hẳn là nền tảng của kinh tế học có vấn đề. Một ví dụ tương tự là các nhà sử học vẫn còn tranh cãi với nhau liệu Napoleon có bị đầu độc hay không, điều này cũng do thông tin không đầy đủ chứ không phải sử học có vấn đề cần phải cải tổ.

Trong hầu hết các phê phán đối với kinh tế học của những người ngoại đạo, một điểm chung mà tôi nhận thấy là mọi người thường đánh đồng kinh tế học với macroeconomics. Đây là điều dễ hiểu vì kinh tế học hiện đại vốn xuất thân từ political economy và hầu hết những gì một người bình thường được nghe/nhìn về kinh tế học trên mass media đều xoay quanh những vấn đề macro của một nền kinh tế. Có lẽ vì thế Freakonomics đã trở thành bestseller vì nó giới thiệu cho người đọc một thế giới hoàn toàn khác về kinh tế học. Một điều đáng tiếc là trong số các phân ngành của kinh tế học, có lẽ macroeconomics là phân ngành có nhiều "vấn đề" nhất. Chưa kể đến những tranh chấp bất phân thắng bại của các trường phái lớn, số liệu kinh tế cho các nghiên cứu macro cũng là vấn đề rất đau đầu, không như trong micro hay các phân ngành khác. Bởi vậy một phê phán đối với macroeconomics có thể đúng nhưng không có nghĩa toàn bộ ngành kinh tế học phải chịu chung số phận. Rất nhiều thành tựu quan trọng của micro/game theory đã được ứng trong cuộc sống (auction theory, industrial organization...) mà tiếc là những người phê phán kinh tế học như Rachman không biết đến.

Một đồng nghiệp của tôi đã từng chua chát nói nếu kinh tế học phát triển tương đương như biology kể từ thời Darwin/Mendel thì chắc các nhà kinh tế học ngày nay đã có thể dự báo được chính xác giá vàng ngày mai là bao nhiêu. Tôi cũng chia sẻ quan điểm là dường như kinh tế học đã và đang bị tụt hậu so với nhiều ngành khoa học khác, nhưng biết đâu đó lại là cơ hội cho các nhà kinh tế trẻ.


Update (15/09): NPR Planet Money phỏng vấn Alex Tabarrok (GMU) và Tabarrok kể lại câu chuyện sau đây. Trong thế kỷ 18 sau khi khám phá ra châu Úc, Anh bắt đầu chở tù nhân đang chật cứng trong các nhà tù quá tải của mình sang miền đất mới. Vấn đề là trên những chuyến tàu này tù nhân bị đối xử tàn tệ và có đến 1/3 đã chết trên đường đi. Đối mặt với sự lên án của dư luận xã hội, chính phủ Anh đã tìm nhiều biện pháp đối phó với tình trạng này như cử bác sĩ đi theo tàu, thanh tra tàu, tăng lương cho thuyền trưởng... nhưng đều không thành công. Cuối cùng một nhà kinh tế (rất tiếc Tabarrok không nói tên) đã tư vấn cho chính phủ Anh thay vì trả công cho thuyền trưởng theo số lượng tù nhân chuyên trở, chính phủ sẽ trả theo số lượng tù nhân còn sống khi tới Úc. Biện pháp này được áp dụng vào năm 1793 và tỷ lệ sống sót của tù nhân tăng vọt lên 99% ngay sau đó.



8 comments:

  1. Entry thật là hay, gợi mở nhiều suy nghĩ. Tôi thấy ý của M.Wolf là xác đáng, thành tựu của kinh tế học vượt hơn nhiều so với những thất bại của nó - suy cho cùng, đây cũng là v/đ thuộc về "chi phí cơ hội", dù sao thì có kinh tế học còn đỡ hơn là chẳng có gì!

    Ý của anh Giang v/v ngành này đang tụt hậu so với các ngành khác nghe có lý, và có lẽ chính vì thế mà các kinh tế gia vẫn phải tranh cãi nhau về điều gì là đúng nhất, xác đáng nhất trong từng trường hợp cụ thể. Tôi nghĩ trong giai đoạn mà vật lý hay thiên văn học chưa phát triển cao như hiện nay thì chắc gì người ta không cãi nhau loạn cả lên như trong kinh tế học hiện nay???

    ReplyDelete
  2. Tôi thấy hầu hết các phê phán ngành này ngành kia (hay những người làm trong ngành này ngành kia) đều xuất phát từ lỗi cơ bản là cứ phải label người nọ người kia, nghiên cứu nọ nghiên cứu kia. Cụ thể:

    1. Labeling. Gán label cho một người nào đó. Ví dụ: anh Giang nghiên cứu vấn đề online ads => anh Giang là một economist
    2. Generalization. Trong dân gian hay truyền thống, những người được label như vậy thường làm những gì. Ví dụ: economists historically perceived là những người nghiên cứu kinh tế vĩ mô và giúp hoạch định chính sách.
    3. Interpolation. anh Giang là một economist nên anh ấy phải biết được nền kinh tế di chuyển thế nào.
    4. Judgment. Những người như anh ấy chẳng biết gì về nền kinh tế. Môn Kinh Tế thật là vô dụng.

    Một ví dụ phổ biến hiện nay nữa là việc label Toán Lý Thuyết và Toán Ứng Dụng.

    ReplyDelete
  3. biology đi trước như vậy nhưng đến giờ con người đã bất tử đâu mà đòi các nhà kinh tế phải dự đoán chính xác giá vàng ngày mai ?

    :D Tuy nhiên em nghĩ cái dự đoán vàng phải dựa vào sự phát triển của thống kê, khi nào ta thống kê được chính xác lượng tiền cũng như tỉ lệ tiền/hàng của mọi chủ thể tham gia thị trường vàng cũng như lịch sử giao dịch họ thì có thể dự đoán được 99,99% giá vàng ngày mai. 0.01% còn lại dành cho nhà kinh tế nào xây dựng được cái mô hình rồi đoạt giải nobel !

    ReplyDelete
  4. Dear anh Giang

    Một trong những lý do các nhà kinh tế học không dự đoán được các cuộc khủng hoảng kinh tế theo em nghĩ là họ giả định rằng các cá nhân tham gia trên thị trường luôn duy lý, do đó việc xuất hiện các bong bóng tài chính là điều không thể xảy ra trong các mô hình kinh tế.

    Gần đây em có theo dõi một số nghiên cứu của các nhà kinh tế hành vi, những người cho rằng thị trường không hoàn toàn duy lý, mà chịu nhiều ảnh hưởng bởi các vấn đề tâm lý, thì các vấn đề bong bóng, khủng hoảng kinh tế có thể lý giải và sự sụp đổ của thị trường không gây bất ngờ đối với họ.

    Em nghĩ có một vấn đề trong việc sử dụng mô hình toán học trong kinh tế đó là giả định duy lý, đó là một giả định không hoàn toàn chính xác bởi vì yếu tố tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến các quyết định. Tuy nhiên, làm thế nào để đưa vấn đề tâm lý của con người vào các mô hình toán học em nghĩ chắc là khó :).

    ReplyDelete
  5. Dear Alam

    Mình nghĩ rằng việc dự đoán giá cả trong ngắn hạn một cách chính xác là điều không tưởng. Lý do là việc dự đoán tương lai sẽ ảnh hưởng đến quyết định ngày hôm nay.

    Đó là điểm khác biệt giữa khoa học tự nhiên (vật lý - nghiên cứu các đối tượng vô tri) và khoa học xã hội (kinh tế học - nghiên cứu về con người)

    Ví dụ bạn có chương trình dự đoán chính xác giá vàng tăng 5% vào ngày hôm sau thì dựa vào chương trình đó hôm nay bạn sẽ mua vào. Rõ ràng bạn đã tác động vào việc giá vàng tăng, do đó việc dự đoán không còn chính xác :).

    Tìm ra các quy luật kinh tế học khó ở chỗ con người biết suy nghĩ còn các nguyên tử thì không.

    ReplyDelete
  6. @Anonymous (Sep 12): Kinh tế học khác với vật lý và các ngành khoa học khác ở chỗ nó liên quan đến "tiền" là điều ai cũng quan tâm và bị ảnh hưởng. Các nhà vật lý hay thiên văn có cãi nhau loạn cả lên cũng chẳng chết ai và có lẽ chỉ 1% dân số quan tâm tới tranh luận của họ. Cứ nhìn lại vụ Vinashin mới thấy người dân quan tâm đến kinh tế như thế nào.

    @ALAM & Duy Linh: Anh bạn của anh nói về dự báo giá vàng chỉ là metaphor thôi, hàm ý là có những điều bây giờ là không tưởng với kinh tế học nhưng nếu ngành khoa học này phát triển nhanh như biology thì đáng ra nó đã phải giải quyết được rồi.

    @Khoa: đúng là vấn đề labeling rất phổ biến khi những người phê bình bên ngoài nhìn vào một ngành khoa học. Tôi đã có lần chứng kiến một anh làm PhD về IT phán một câu xanh rờn giữa một đám PhD/master econ rằng trong số các anh/chị chỉ có anh X là giỏi econ vì chỉ anh ấy biết thế nào là call option :-)

    ReplyDelete
  7. Em rat thich cai y tuong ve viec compensate thuyen truong dua theo work results. Very meaningful...

    ReplyDelete
  8. đúng là 1 kiểu incentive điển hình, câu chuyện thật là hay - "khích tướng kiểu Úc" đấy ạ!

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.