Sunday, May 15, 2011

Guest post


Xin giới thiệu với các bạn một bài viết của anh Nguyễn Quốc Hùng, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế tại đại học British Columbia, Canada. Anh Hùng đã từng làm việc tại Hong Kong Monetary Authority (ngân hàng trung ương HK) và hiện đang hiện đang là chuyên gia kinh tế tại Viện Kinh tế Các Nước Đang phát triển, Nhật bản. Lĩnh vực chuyên môn của anh Nguyễn Quốc Hùng là kinh tế vĩ mô và chính sách tiền tệ. Anh đã có nhiều bài báo và nghiên cứu về chính sách tiền tệ của VN và là đồng tác giả Báo cáo Kinh tế Thường niên Việt nam năm 2011.


Tại sao Ngân hàng Nhà nước do dự mua Đô la Mỹ?

Ngân hàng Nhà nước lo ngại mua Đô la Mỹ sẽ làm tăng cung tiền đồng vì hiện đang thiếu các công cụ trung hòa thích hợp. Một giải pháp khả thi là NHNN có thể chủ động phát hành tín phiếu/trái phiếu của NHTW để trung hòa lượng tiền bơm ra như NHTW các nước Trung Quốc, Thái Lan, và Indonesia đang làm.

Sau các chính sách không khuyến khích người dân sở hữu Đô la Mỹ (USD) như trần lãi suất tiền gửi ở mức 3% (1% đối với các tổ chức) và hạn chế tính thanh khoản của USD trên thị trường tự do bằng các biện pháp hành chính, hiện nay cung USD đã tăng và tỷ giá USD/VND đã giảm từ mức gần 21,000 xuống quanh mức 20,500. Câu hỏi thị trường đặt ra là tại sao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chưa tích cực mua lại USD tăng khoản dự trữ ngoại hối hiện đang ở mức thấp (ước tính khoảng 13 tỷ USD)?

Lượng dự trữ khoảng 13 tỷ USD của Việt Nam hiện nay chỉ tương đương với khoảng 2 tháng nhập khẩu và là mức tương đối thấp ở khu vực. Đặc biệt trong tình hình kinh tế thế giới vẫn nhiều biến động và rủi ro như hiện nay, các nước phát triển đều tích cực tăng dự trữ ngoại hối để tự bảo vệ trước những cú sốc bất lường và thường có mức dự trữ tối thiểu tương đương với khoảng 6 tháng kim nghạch nhập khẩu hoặc 20% của tổng lượng cung tiền M2.

Ngoài ra để lượng USD dư thừa trong nền kinh tế (cả trong hệ thống ngân hàng và người dân) cộng với VNĐ lên giá tương đối và lạm phát cao sẽ có thể đẩy USD chảy ngược ra nước ngoài và khuyến khích nhập khẩu, đặc biệt là các loại mặt hàng hóa lâu bền (durables) và xa xỉ như ô tô. Đây là hành động đầu cơ hợp lí của doanh nghiệp trong bối cảnh VND lên giá tương đối nhưng lạm phát trong nước cao.

Hình 1. Dự trữ ngoại hối của Việt Nam (tỷ USD), nguồn IMF


Tuy nhiên cũng có thể hiểu được mối lo ngại của NHNN khi do dự bơm VNĐ ra để mua lại USD nhằm cải thiện dự trữ ngoại hối. Bài học những năm 2006-07 khi dòng vốn ngoại (capital inflows) khoảng 16 tỷ USD (hơn 20% GDP) chảy vào Việt Nam, để giữ cho VND không lên giá giúp xuất khẩu và cải thiện cán cân thương mại, NHNN đã bơm tiền đồng ra mua lại lượng ngoại tệ này. Kết quả là tuy lượng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam tăng từ hơn 10 tỷ USD năm 2006 lên tới hơn khoảng 22 tỷ USD vào năm 2007 (Hình 1) nhưng cung tiền cũng tăng lên hơn 45%/năm, cung tín dụng tăng hơn 50%/năm, kéo theo lạm phát phi mã tới gần 25% vào đầu năm 2008 (ảnh hưởng của cung tiền tới lạm phát có độ trễ nhất định).

Nhiều ý kiến cho rằng NHNN đã không dùng nghiệp vụ trung hòa (sterilization) trong Chính sách Tiền tệ (CSTT) để hút lại lượng tiền đồng được bơm ra. Tuy nhiên, theo tác giả đây chính là mấu chốt của vấn đề và cũng là khó khăn của NHNN hiện nay.

Nghiệp vụ trung hòa được đề cập trong nhiều sách giáo khoa thường được viết cho các nước phát triển Âu, Mỹ, và Nhật, nơi thị trường tài chính đã phát triển lâu dài khiến các công cụ để thực thi CSTT nói chung và nghiệp vụ trung hòa đã khá hoàn chỉnh. Cụ thể hơn, lượng trái phiếu (thường là trái phiếu chính phủ, CPCP) dồi dào và phong phú về thể loại và kỳ hạn đủ đáp ứng các nghiệp vụ của CSTT. Do vậy CSTT trung hòa được thực thi khá dễ dàng, Ngân hàng Trung Ương (NHTW) có thể tung TPCP ra để thu lại lượng tiền tương ứng qua thị trường mở (OMO) và điều chỉnh nhịp nhàng được lãi suất và tổng cung tiền lưu thông trong nền kinh tế.

Một trong những khó khăn chính của NHNN hiện nay khi thực thi CSTT trung hòa là lượng CPCP tại Việt Nam hiện nay quá nhỏ và “vênh” về quy mô và thể loại so với quy mô của lượng tiền đồng. Theo số liệu của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổng lượng CPCP của Việt Nam chỉ là khoảng 13.6% của GDP, gần thấp nhất ở Đông Á, nhưng lượng tiền đồng M2 lại vào mức cao nhất Đông Á là 130% của GDP. Như vậy, quy mô của TPCP chỉ bằng 1/10 của lượng cung tiền. Hơn nữa, trong thời gian vừa qua NHNN đã thực thi thắt chặt CSTT do vậy đã phải bán ra một phần lượng TPCP sở hữu cho các Ngân hàng thương mại (NHTM) khiến lượng TPCP hiện nay còn trong NHNN khá là hạn chế cho nghiệp vụ trung hòa.

Một số ý kiến khác cho rằng, NHNN có thể mua lại USD rồi dùng biện pháp nâng cao dự trữ bắt buộc để hút lại tiền. Tuy nhiên biện pháp này cũng có hạn chế là quy mô các NHTM tại Việt Nam khá khác nhau. Trong khi nhiều NHTM lớn khá rủng rỉnh về vốn và thanh khoản và sẽ là người có thể mua lại TPCP từ NHNN thì các NHTM nhỏ lại đang khá kẹt về thanh khoản. Khi nâng dự trữ bắt buộc, NHNN sẽ phải đánh đồng áp dụng cùng một tỷ lệ dự trữ cho các NHTM chứ khó có lí do áp dụng riêng biệt cho từng NHTM. Nếu với một tỷ lệ dự trữ bắt buộc đồng nhất, các NHTM nhỏ sẽ càng khó khăn hơn về thanh khoản nhưng các NHTM lớn thì vẫn dửng dưng. Khó khăn về thanh khoản ở các NHTM nhỏ sẽ kéo theo chạy đua lãi suất tiền gửi không cần thiết.

Do vậy, giải pháp mà NHNN có thể tiến hành trong điều kiện thị trường TPCP hiện nay là phát hành tín phiếu/trái phiếu của NHTW để trung hòa lại lượng tiền đồng phát sinh sau khi mua USD. Đây cũng là cách mà các nước xung quanh như Trung Quốc, Thái Lan, và Indonesia đã tích cực tiến hành khi thị trường TPCP của họ chưa hoàn thiện. Thí dụ như trái phiếu của NHTW Trung Quốc bằng ½ tổng TPCP tại Trung Quố, còn tại Thái Lan, tới hơn 90% trái phiếu là do NHTW Thái phát hành (Hình 2). Lí do loại trái phiếu của NHTW được phổ biến trong bối cảnh TPCP chưa phát triển là vì ở vị trí người cầm lái của thị trường tài chính và trực tiếp thực thi CSTT, NHTW sẽ có nhiều thông tin cập nhật hơn về nhu cầu cũng như diễn biến của thị trường tài chính, do vậy sẽ chủ động phát hành các loại tín phiếu/trái phiếu phù hợp hơn giúp CSTT thực thi hiệu quả hơn.

Điểm quan trọng khi thực thi nghiệp vụ trung hòa là chi phí của nó(sterilization costs). Nôm na, NHNN sẽ phải trả lãi suất cao hấp dẫn để các NHTM đồng ý nắm trái phiếu của NHTW [1] trong khi sở hữu USD có lãi suất thấp hơn. Tuy nhiên, theo tác giả chi phí này cũng không đáng kể vì hiện nay do lạm phát cao, lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa trừ đi lạm phát) mà NHNN phải trả cho các NHTM là không lớn. Hơn nữa, trong trung và trường kì, USD có xu hướng lên giá so với VND do vậy giá trị tài sản dưới USD của NHNN sẽ tăng giá trong bảng cân đối tài chính (Balance Sheet) của NHNN do vậy chi phí thực của NHNN, nơi có thể phát hành tiền đồng, là không đáng kể.

Tóm lại, NHNN nên tích cực chủ động tận dụng cơ hội hiện nay chủ động phát hành tín phiếu NHTW mua lại USD để tăng dự trữ ngoại hối. Việc này vừa giúp phần hạn chế nhập siêu vừa nâng cao khả năng chống chọi với các cú sốc kinh tế có thể xảy ra đối với một nền kinh tế nhỏ và hội nhập sâu với thế giới như Việt Nam. Hơn nữa, theo như nhiều dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể chấp dứt chính sách nới lỏng tiền tệ từ sau tháng 6 năm nay và USD có thể lên giá lại so với tất cả các ngoại tệ khác và lúc đó áp lực tỷ giá sẽ quay lại khiến việc tăng dự trữ phòng chống khủng hoảng và các cú sốc kinh tế sẽ trở lên khó khăn hơn.


Hình 2: Quy mô Trái phiếu của NHTW tại một số nước



Nguồn: Asia Bond Monitor, ADB, tháng 3, 2011.



[1] NHNN dùng biện pháp hành chính ép các NHTM lớn nắm trái phiếu THTW như đã từng làm.







22 comments:

  1. Có 1 vấn đề em không hiểu lắm. Mọi người cho rằng việc NHNN mua USD vào (tức phải bỏ VND ra) sẽ làm tăng cung tiền (VND), do đó tác động gián tiếp đến lạm phát. Em đồng ý điều này trên phương diện lý thuyết. Tuy nhiên, trên thực tế, cần xét xem cung tiền tăng có nhiều không? Thứ nhất, lượng usd mà NHNN mua vào từ các NHTM có thể là bao nhiêu? Nếu không nhiều thì cung tiền chẳng tăng bao nhiêu hết. Có thể ước lượng (với độ tin cậy thấp) về điều này như sau: Các NHTM được dương/âm trạng thái ngoại tệ 30% vốn tự có --> xác định vốn tự có của các NHTM --> Lượng ngoại tệ NHTM nắm giữ là bao nhiêu?
    Thứ hai, nghiệp vụ mua bán ngoại tệ của NHTM khá đặc biệt, khi hạch toán phải tách rời với nghiệp vụ huy động. Cụ thể, ngoại tệ mua chỉ dùng để bán, ngoại tệ huy động chỉ dùng để cho vay. Do đó, tiền mua ngoại tệ là từ vốn tự có của NHTM (không được lấy vốn huy động kinh doanh ngoại tệ). Như vậy khi NHTM bán ngoại tệ cho NHNN thì NHTM nhận tiền đồng về, và tiền đồng này là vốn tự có của NHTM. Trên nguyên tắc, NHTM có thể dùng vốn tự có để cho vay (vì đây là vốn của họ). Tuy nhiên, ít ngân hàng nào làm vậy, vì nghiệp vụ chính của họ là huy động - cho vay, làm vậy không kinh tế cho lắm (trừ khi vì thanh khoản) và thật ra vốn tự có mà dùng để cho vay cũng chẳng được bao nhiêu. Một điều nữa, em thấy rằng NHNN kiềm chế tăng trưởng tín dụng dưới 20% và hạn mức này được áp dụng cho tất cả các NHTM (bắt buộc), như vậy, NHTM có nhận tiền đồng về cũng có cho vay được chăng? Và không cho vay được thì làm sao cung tiền tăng? Khi tiền vẫn nằm đó, trong tài khoản két sắt của NHTM? Như vậy, còn có nguyên nhân nào khác để NHNN không mua ngoại tệ từ NHTM? Mặc dù về lợi ích, mua ngoại tệ làm tăng dự trữ ngoại hối quốc gia, điều mà ai cũng mong muốn

    ReplyDelete
  2. "ngoại tệ mua chỉ dùng để bán, ngoại tệ huy động chỉ dùng để cho vay"
    Như vậy thì làm sao có trạng thái ngoại tệ âm được bác (short position)?

    ReplyDelete
  3. Có lẽ nếu kiểm soát đc tín dụng 20% thì không cần lo về cung tiền khi bơm ngoại tệ thật.

    ReplyDelete
  4. ai lại đi lấy vốn huy động mà mua bán ngoại tệ, phải tách bạch hoạt động chứ

    ReplyDelete
  5. em có ý kiến là trạng thái ngoại tệ của NHTM có thể âm hoặc dương. NHTM hoàn toàn có thể huy động USD rồi đổi sang VND mang đi cấp tín dụng. giả dụ như trạng thái ngoại tệ cho phép là +/-30%,nhưng huy động USD rẻ hơn nên NHTM có thể tăng huy động USD => trạng thái ngoại hối lên đến +40%, sau đó bán USD đi lấy tiền đồng cho vay ( tất nhiên là sẽ có rủi ro). có vấn đề em ko hiểu là bài viết nói lượng TPCP chỉ bằng 1/10 tổng cung tiền nên khó có thể trung hòa lượng USD bơm ra, nhưng trong bài viết " sân chơi lãi suất có bình đẳng" của thầy Phạm Thế Anh, thầy cho rằng lượng cung tiền chủ yếu của NHNN mấy năm qua tăng mạnh là thông qua cửa sổ tái chiết khấu. cửa sổ tái chiết khấu sử dụng chủ yếu TPCP để cầm cố, nếu lượng TPCP ít ỏi thế kia thì cung tiền sao có thể tăng mạnh được? nếu không đủ lượng TPCP để hút tiền đồng về thì sao có thể đủ để bơm ra lượng tiền lớn như thế? mong mọi người chỉ giáo:D

    ReplyDelete
  6. các bạn về xem lại lý thuyết thanh toán quốc tế trong phần nghiệp vụ kinh doanh ngoại hối(spot, forward, swap) cho thật vững chắc, chắc chắn các bạn sẽ có một cái nhìn sáng sủa hơn.

    ReplyDelete
  7. Mong bạn giải thích cho mọi người được hiểu ?!

    ReplyDelete
  8. @Anonymous, May 16, 2011 10:28 AM: mình vừa xem bài báo của thầy PTA thấy nói rằng phần lớn TPCP nằm trong tay các NHNN và NHTM cổ phần lớn đó chứ bạn chứ đâu có nói rằng nguồn cung tiền chủ yếu thông qua TPCP.

    À em có 1 câu hỏi: Theo ý anh NHNN có nên dùng interest-bearing reserves ko ạ? Các ưu điểm và nhược điểm của nó là gì ạ?

    ReplyDelete
  9. Đức Lê:
    Mong có bác nào chuyên về kế toán ngân hàng, liên quan đến nghiệp vụ huy động - cho vay ngoại tệ, mua - bán ngoại tệ vào chỉ giáo. tui nghĩ cái này chắc có văn bản NHNN ban hành quy định, nhưng không biết nó nằm ở văn bản nào để đọc cho biết. Chứ mình cứ nói khơi khơi, cuối cùng không rõ trạng thái ngoại hối hay việc hạch toán ngoại tệ như thế nào thì dễ hiểu sai vấn đề lắm

    ReplyDelete
  10. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  11. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  12. Các bạn hiểu nhầm rồi.
    Trong hoạt động tín dụng, chênh lệch giữa tổng tài sản có và tổng tài sản nợ bằng ngoại tệ của một ngân hàng được gọi là trạng thái ngoại tệ của ngân hàng đó; nếu bên có nhiều hơn bên nợ gọi là trạng thái ngoại tệ dương. Hiện nay quy định cho phép trạng thái ngoại tệ dương cuối ngày không vượt quá 30% vốn tự có của ngân hàng.
    Như thế, trạng thái ngoại hối chỉ tính ngoại tệ mà ngân hàng mua hay bán chứ không tính lượng ngoại tệ mà ngân hàng huy động. Mua ngoại tệ sẽ tạo nên trạng thái dương (tức long position) bán ngoại tệ sẽ tạo ra trạng thái âm (short position). Ngân hàng phải cover position sao cho dương hay âm không vượt quá 30% vốn tự có.
    Nói cách khác, nghiệp vụ huy động và cho vay ngoại tệ chỉ là sự chuyển giao quyền sử dụng ngoại tệ, trong khi nghiệp vụ mua và bán ngoại tệ sẽ làm phát sinh quyền sở hữu ngoại tệ.

    ReplyDelete
  13. @Anonymous May 16, 10:51am: Bạn có thể tham khảo số liệu tại Asian Bond Online, một cơ quan con của ADB, http://asianbondsonline.adb.org/documents/abm_mar_2011.pdf?src=spotlight (Table 2, trang 9).
    Số liệu tham khảo thêm: quy mô TPCP của Mỹ là 13 trillion USD trên 14.2 trillion GDP (gần 90%) còn M2 tại Mỹ là khoảng 9 trillion USD (63% GDP).

    Để tránh bị cho vào spam, tôi sẽ tách trả lời ra thành nhiều post nhỏ.

    ReplyDelete
  14. @Anonymous May 16, 10:51am và Daipv:

    NHTM sẽ mua USD từ người dân và doanh nghiệp đến trạng thái gần đầy mức 30% rồi bắt đầu "kén", nghĩa là trả giá USD thấp đi nếu như NHNN không bắt đầu mua hay có signals hút USD từ NHTM.

    Tôi nghĩ trong bối cảnh tiền đồng mất giá nhanh (lạm phát cao) và thâm hụt thương mại lớn mọi người vẫn kỳ vọng USD sẽ chỉ mất giá tạm thời và sẽ tăng giá trong trung kì. Do vậy, nếu USD mất giá đến một mức nào đó thì người dân sẽ giữ lại USD trong két riêng hoặc dưới gầm gường của mình trừ trường hợp khẩn cấp. Thậm chí nếu USD xuống tương đối thấp nhiều người còn gom tiền mua vào nếu mua được. Nhiều người cho rằng sau một số biện pháp hạn chế USD, huy động VND ở các NHTM sẽ tăng nhưng số liệu tháng 4 chưa thực sự ủng hộ giả thuyết này. http://atpvietnam.com/vn/thongtinnganh/88706/index.aspx

    Tôi nghĩ cái nếu về 20% tăng trưởng tín dụng là một cái "Big If" trong điều kiện thị trường tài chính và khả năng kiểm soát của NHNN hiện nay. Tăng trưởng tín dụng gần đây chững lại là do lãi suất quá cao doanh nghiệp và người dân hạn chế cầu vay hơn là các NHTM tự kiềm chế. Trung Quốc trước đây cũng có chỉ tiêu này nhưng đã bỏ từ năm 2011 vì hầu như ko có tác dụng, các NHTM luôn có các lách chỉ tiêu này nếu có cầu. http://mpettis.com/2011/01/chinas-lending-quota/

    "Bơm" nhiều tiền đồng cho NHTM không khác gì giao quyền chủ động và vô lăng của thị trường tài chính cho các NHTM. Nó cũng giống như bày cỗ ngon trước nhiều người bị bỏ đói lâu với một mệnh lệnh hành chính ăn ít thôi đấy. Khi có cầu, người dân và NHTM sẽ có trăm nghìn cách để lách nhằm đưa tiền đồng dư thừa sẽ chạy vào nền kinh tế. Nó có thể không phải dưới cái tên "tín dụng" nữa mà sẽ là chẳng hạn như trái phiếu công ty, hợp đồng kí gửi bảo lãnh tín dụng tài chính, hay thông qua việc lập các công ty tài chính con như các NHTM Trung Quốc đã và đang làm... Ngoài ra, các NHTM lớn có thể sẽ thông qua thị trường liên NH giúi tiền đồng cho các NHTM nhỏ thiếu thanh khoản. Nôm na, sẽ có vô số cách "lách" mà tôi và các bác hiện nay chưa nghĩ ra giống như các cách lách trần lãi suất huy động hiện nay đó.

    Kể cả trường hợp khả quan nhất có hạn chế tín dụng được đôi chút thì khoản tiền lớn bơm vào NHTM cũng như quả bom nổ chậm nằm trong hệ thống. Trước sau NHNN cũng phải xử lí hút nó về. Biện pháp hành chính chỉ có tác dụng tạm thời trong trường hợp khẩn cấp nhưng trong trung và trường kì sẽ phản tác dụng gây distortion hoặc bị vô hiệu hóa bằng các cách lách "sáng tạo" khác.

    ReplyDelete
  15. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  16. @Anonymous May 16, 10:51am: Bạn có thể tham khảo số liệu tại Asian Bond Online, một cơ quan con của ADB, http://asianbondsonline.adb.org/documents/abm_mar_2011.pdf?src=spotlight (Table 2, trang 9).
    Thông tin tham khảo thêm: quy mô TPCP của Mỹ là 13 trillion USD trên 14.2 trillion GDP (gần 90%) còn M2 tại Mỹ là khoảng 9 trillion USD (63% GDP).

    Tôi phải chia nhỏ post ra để tránh spam filter. Post phải đến 3-4 lần rồi nhưng đều bị lọt vào spam.

    Quốc Hùng

    ReplyDelete
  17. Xin lỗi mọi người là tôi vừa phải xóa một số post trùng lặp do tưởng là mất nhưng lại hiện lên sau đó.

    Bổ sung một ý nữa: Trong khi Chính phủ và các tập đoàn lớn phải chật vật đi vay nước ngoài bằng phát hành trái phiếu với lãi suất cao khoảng 7% (cao hơn Phillipines do ảnh hưởng của vụ Vinashin) nhưng một phần không nhỏ vốn USD lại quanh lưng lại với hệ thống NH và nằm dưới gầm gường hay két sắt là một lãng phí không nhỏ của các chính sách chống đô la hóa.

    ReplyDelete
  18. Chào chú Giang, con đọc blog chú cũng lâu lắm rồi, mà hôm nay mới dám comment chút xíu :D
    Con xin có ý kiến về vấn đề mà chú Quốc Hùng có nói đến trong entry này.

    Đó là vấn đề NHNN phát hành TPCP để hút bớt lượng tiền về, nhằm cân đối lại cung tiền VNĐ khi tiến hành mua USD. Ở các nước khác, theo con tìm hiểu, thì quyền lực của NHNN khá lớn. Việc phát hành hoặc mua lại TPCP hằng ngày là một trong những nghiệp vụ thông thường của NHNN để điều tiết cung tiền.
    Tuy nhiên, ở VN lại có khác biệt rất lớn : việc phát hành TPCP là của Bộ Tài chính. Thông qua đơn vị trực thuộc của mình là Kho bạc Nhà nước, Bộ tài chính lên kế hoạch phát hành TPCP trong năm, và tiến hành huy động vốn qua TPCP. Tiền thu được qua việc bán TPCP sẽ chuyển về Kho bạc, xem như một nguồn thu cho ngân sách và chi dùng cho các hoạt động đầu tư công hoặc chi tiêu công. (vì vậy, với nhiều nhà đầu tư TPCP, họ còn gọi TPCP bằng một tên khác là ST bond – State Treasury Bond). Nói cách khác, NHNN hoàn toàn ko dính dáng gì đến TPCP.
    Sự khác biệt trong cách quản lý và điều hành này nhiều khi dẫn đến mâu thuẫn trong điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của VN. Xu hướng biến động của lãi suất TPCP có thể rất khác với nhiều loại lãi suất trong hệ thống nền kinh tế. Điển hình như năm 2010, khi chênh lệch lãi suất giữa TPCP và interbank 2-4%, nhiều NH đã tận dụng để arbitrage lãi suất, lấy vốn interbank hoặc thị trường mở đi mua TPCP. Khó khăn lớn nhất của vụ này là gap kỳ hạn giữa 2 hoạt động này (interbank và thị trường mở ngắn hạn, trong khi kỳ hạn ngắn nhất của TPCP là 2 năm). Vì vậy, một trong những nguyên nhân gây ra rối rắm và căng thẳng trong thanh khoản của các NH cuối 2010 chính là đây.

    Ngoài ra, trong năm 2008, để thắt chặt tiền tệ, chống lạm phát, trong quý 1, NHNN đã phát hành 1 loại gọi là tín phiếu bắt buộc để yêu cầu các NH thương mại mua. Con nhớ tổng số phát hành khi đó là 26,800 tỷ, và tỷ lệ chia ra cho tất cả các NH. Và vì gọi là bắt buộc mua, nên NHNN ban đầu ko trả lãi suất cao cho loại tín phiếu này. Sau đó, NHNN mới năng dần lãi suất tín phiếu lên, và cuối cùng là gợi ý cho các NH thương mại, cho phép các NH thương mại bán lại tín phiếu bắt buộc trước hạn đáo hạn cho NHNN.

    ReplyDelete
  19. Con cũng xin bổ sung một ít ý kiến của con về comment phía trên của chú Quốc Hùng ‘Tôi nghĩ cái nếu về 20% tăng trưởng tín dụng là một cái "Big If" trong điều kiện thị trường tài chính và khả năng kiểm soát của NHNN hiện nay. Tăng trưởng tín dụng gần đây chững lại là do lãi suất quá cao doanh nghiệp và người dân hạn chế cầu vay hơn là các NHTM tự kiềm chế. Trung Quốc trước đây cũng có chỉ tiêu này nhưng đã bỏ từ năm 2011 vì hầu như ko có tác dụng, các NHTM luôn có các lách chỉ tiêu này nếu có cầu.’ Lãi suất cao, người ta không vay, và từ đó tăng trưởng tín dụng chững lại, cái này đúng, nhưng chưa đủ. Thực tế là trong giai đoạn hiện nay, NHNN đã và đang làm khá gắt gao cái mục tiêu tăng trưởng tín dụng 20% này. Vì thế, các NHTM cũng co cụm lại, giảm đi nhiều kế hoạch tín dụng lớn. Điển hình là ngày trước, các NHTM hay dùng thủ thuật phát hành trái phiếu doanh nghiệp – Corporate Bond để lách hoạt động cho vay tín dụng, nhằm tránh các tính toán chỉ tiêu của NHNN. Ví dụ, NHTM cho vay tín dụng bất động sản thì sẽ bị đánh hệ số rủi ro 200-250% khi tính Hệ số an toàn vốn tối thiểu CAR, nhưng cũng với món vay đó, nếu NHTM biến hóa nó trở thành một đợt phát hành corp bond của doanh nghiệp bất động sản và NHTM đi mua corp bond đó, hệ số rủi ro chỉ có 100%. Do đó, nếu nói năm 2010, tăng trưởng tín dụng thực chất cao hơn con số thống kê nhiều, do những hoạt động lách này cũng không sai. Nhưng kể từ cuối 2010, khi NHNN cho ra Luật các TCTD mới, thì việc lách luật này đã bị phát hiện và đe dọa ‘mua trái phiếu doanh nghiệp cũng bị tính vào cho vay tín dụng’. Và cho tới hiện giờ thì hoạt động phát hành corp bond rất là im ắng, nhiều doanh nghiệp dự tính nhưng rồi kế hoạch cũng gác lại, vì không tìm được người mua. Cũng không loại trừ trường hợp sau này các NHTM lại nghĩ ra một cách thức mới để lách luật. :)

    ReplyDelete
  20. Luật TCTD 2010 có hiệu lực từ 1/1/2011 nhưng đến này chưa có thông tư hướng dẫn. NHNN có thông báo chốt thời hạn lấy ý của NHTM về bản dự thảo thông tư nhưng đến nay chưa thấy thông báo chính thức. Có thể Tôi chưa cập nhật tình hình. Các bác có theer update thêm đc ko. Thx

    ReplyDelete
  21. @ Anh NVP: Theo em hiểu Trạng thái ngoại hối (TTNH) không phải không tính đến hoạt động huy động-cho vay. Chỉ là hoạt động này không làm thay đổi trạng thái ngoại hối của 1 NH thôi. Huy động làm tăng đồng thời TSC và TSN ngoại tệ. Cho vay giữ nguyên tổng TSN và TSC ngoại tệ, chỉ là thay đổi về structure của TSC.
    Trước đây em cũng có hỏi và cũng nhiều người (trong ngân hàng) nói rằng thực tế không dùng TSC là ngoại tệ huy động để bán trực tiếp (outright), tuy nhiên không ai giải thích được vì sao nếu vậy lại xuất hiện TTNH âm.
    Em thì cho rằng NH vẫn tùy ý sử dụng nguồn tài sản có ngoại tệ của mình để bán và cho vay (trong trạng thái 30%) tuy nhiên có thể đi đôi với việc sử dụng các công cụ tài chính khác như Option, Future, Swap để đóng lại trạng thái ở thời điểm các khoản huy động đến hạn.
    Mong bác nào nắm rõ hoạt động kinh doanh FX trả lời giúp cho em và mọi người được hiểu.

    ReplyDelete
  22. @Anonymous (May 16, &:27PM): interest bearing reserves sẽ giống như compulsory bond mà NHNN phát hành năm 2008. Hiện nay nhiều central banks đã thực hiện cơ chế này (kể cả Fed) và nhiều economist cho rằng cách này giúp cho điều hành tiền tệ tốt hơn (xác lập floor interest rate). Điểm bất lợi lớn nhất là central bank sẽ mất một phần seigniorage để trả lãi suất cho các NHTM.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.