Thursday, June 9, 2011

FX forward


Cách đây vài tháng tôi có thấy một số đề nghị phát triển thị trường forward ngoại tệ ở VN để giúp các doanh nghiệp phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tuy nhiên đến giờ này tôi vẫn chưa thấy có động tĩnh gì từ phía NHNN lẫn các NHTM (bạn nào có thông tin thì cho tôi biết). Tôi đoán một trong những trở ngại chính là NHNN lo ngại không kiểm soát được thị trường này và nó sẽ bị lợi dụng để đầu cơ ngoại tệ, rất có thể sẽ gây thêm sức ép lên tỷ giá VND.

Tình cờ tôi đọc được một tài liệu về South African Rand (ZAR) và được biết trong giai đoạn 1971-1985 khi nước này chuyển đổi từ cơ chế tỷ giá cố định sang tỷ giá thả nổi, ngân hàng trung ương South Africa (RBSA) đã đưa ra một công cụ forward đặc biệt dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu mua bán ngoại tệ trong tương lai. Vì thời điểm đó SA chưa có thị trường forward, RBSA đứng ra cung cấp forward cho các doanh nghiệp với một chi phí cố định, vừa để các doanh nghiệp làm quen với công cụ tài chính này vừa giúp các ngân hàng phát triển thị trường. RBSA chỉ cung cấp forward cho đồng USD, còn forward cho các đồng tiền khác thì các ngân hàng thương mại phát hành và định giá dựa vào forward USD của RBSA. Thời gian đầu đối tượng được mua bán và thời hạn forward của RBSA rất hạn hẹp, nhưng khi thị trường dần dần phát triển thì RBSA nới dần các hạn chế. Từ năm 1985, sau khi các ngân hàng thương mại của SA đã đủ khả năng cung cấp dịch vụ forward cho các khách hàng thương mại, RBSA dần dần rút ra khỏi thị trường này và sau năm 1995 chỉ còn giao dịch forward với các FX dealer lớn.

Chắc chắn hoàn cảnh của SA thời đó khác rất nhiều so với VN hiện tại, tuy nhiên kinh nghiệp của RBSA có thể có ích cho NHNN nếu muốn phát triển thị trường FX forward ở VN. Chí ít nếu kết hợp giữa kết hối và forward thì các doanh nghiệp sẽ không bị thiệt nếu trong tương lai họ cần mua lại ngoại tệ cho nhu cầu kinh doanh chính đáng. Bản thân doanh nghiệp có ngoại tệ khi đã bảo hiểm được rủi ro tỷ giá cũng sẽ dễ chấp nhận bán ngoại tệ ra thay vì găm giữ. RBSA đã giải được bài toán con gà và quả trứng, liệu NHNN có làm được?


6 comments:

  1. Dear anh Giang,
    Luật của mình cho phép:
    - Các tctd được thực hiện 4 loại hình: Giao ngay, kỳ hạn, hoán đổi và quyền chọn
    - Tổ chức và cá nhân chỉ được phép thực hiện 3 loại hình: giao ngay, kỳ hạn và quyền chọn
    Tuy nhiên, quyền chọn usd/vnd thì chính thức bị cấm rồi anh, chỉ cho quyền chọn đối với các ngoại tệ khác
    Có nghĩa là luật mình vẫn cho phép hợp đồng kỳ hạn từ lâu, chỉ không hiểu là vì sao không nhiều doanh nghiệp áp dụng

    ReplyDelete
  2. Em nghĩ là vì chênh lệch lãi suất lớn giữa USD và VNĐ, nên tỷ giá kỳ hạn sẽ vượt trần nếu làm kỳ hạn dài. Thực ra các tctd vẫn cung cấp cho khách hàng thôi, miễn là lách đc luật.

    ReplyDelete
  3. không phải các doanh nghiệp không áp dụng mà nếu có mua trong lúc căng thẳng như hồi cuối năm ngoái, đầu năm nay thì ngân hàng cũng không bán và nếu có bán thì đến hạn thực hiện hợp đồng lại thu phí không khác gì spot. Chưa kể, SBV cho phép bán forward nhưng có trần forward points dựa trên chenh lệch lãi suất cơ bản VN và Fed fund rate, vậy thì forward cũng không thể hiện đúng giá nữa thì làm sao bank có thể bán cho khách được. Còn trong điều kiện giá usd thpấ như hiện nay thì doanh nghiệp lại không muốn mua vì thấy không cần thiết do giá đang ổn định. Vậy nên forward chưa phát triển mạnh vì vậy.
    Wylie.

    ReplyDelete
  4. Thực tế các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và có nguồn thu/ chi trả có liên quan đến ngoại tệ đã thực hiện nghiệp vụ này thông qua bộ phận FX/ Treasury của các NHTM lớn như VCB, TCB, BIDV... và nghiệp vụ này cũng tạo ra khỏan phí tương đối lớn cho các NH. Có lẽ người viết bài này không làm thực tế.

    ReplyDelete
  5. @All: Việc thiếu vắng thị trường FX của VN hoặc nếu có rất èo uột không phải tôi tự nghĩ ra hoặc rút ra từ kinh nghiệm thực tế (bạn Anonymous (Jun 16) nói đúng, tôi không làm thực tế ở VN, mặc dù công việc hiện tại của tôi là ... trading fx forwards). Thông tin này xuất phát từ báo cáo của nhóm tư vấn cho các nhà tài trợ, cụ thể là của Brett Krause - trưởng nhóm công tác ngân hàng (BWG) vào tháng 5/2011 (các bạn có thể đọc tài liệu gốc từ link của Vietstudies tại đây). Vấn đề thị trường FX forward là kiến nghị thứ 2 của BWG, nói rất rõ NHNN cần có biện phát tạo thị trường forward như chỉ thị của Thủ tướng vào tháng 3/2011. BWG đề nghị đưa chuyên gia nước ngoài vào giúp NHNN trong lĩnh vực này. Entry bên trên tôi viết nhằm chỉ ra một kinh nghiệm (thành công) cụ thể của RBSA để NHNN có thể tự tìm hiểu, thay vì chỉ nghe tư vấn nước ngoài.

    Như các bạn đều biết ở VN có nhiều thứ có luật vẫn khó có thể thực hiện được (biểu tình là một ví dụ). Trong trường hợp của FX forward ngoài những vấn đề kỹ thuật như forward point quá lớn có thể vượt trần tỷ giá, trở ngại quan trọng nhất theo tôi là vấn đề "con gà và quả trứng": muốn có một thị trường hiệu quả và có thanh khoản cao thì cần phải có nhiều công cụ và có nhiều players, nhưng các players lại muốn/cần có thị trường hiệu quả trước rồi mới tham gia. Giải pháp của RBSA là đứng ra tạo lập thị trường với forward point hấp dẫn để lôi kéo các doanh nghiệp và các ngân hàng tham gia, khi thị trường đạt đến critical mass thì RBSA rút ra.

    Một điểm bạn Anonymous (June 16) nêu ra tôi rất quan tâm. Khoản phí mà VCB, TCB, BIDV ... thu từ nghiệp vụ forward là phí gì? Thông thường trên thị trường forward ở đây broker chỉ thu được bid-ask spread. Các ngân hàng VN có spread này rộng không? Ngoài bid-ask spread ra họ có thu phí gì nữa không? Trong điều kiện thị trường rất kém thanh khoản bid-ask spread sẽ rất lớn, đây cũng có thể là một trở ngại khiến các doanh nghiệp không mặn mà gì với công cụ này.

    Tôi nghĩ BWG nhận định đúng là VN cần phải có một thị trường forward phát triển. Đây cũng là điều cần thiết để VN có thể hướng đến một hệ thống flexible exchange rate trong tương lai.

    ReplyDelete
  6. Việt Nam đã có nghiệp vụ Forward, NHNN đã cho phép các NHTM thực hiện với các doanh nghiệp...Chỉ có điều ở đây là thị trường Forward Việt Nam lại không phát triển được, không hiểu là vì sao? Theo em nghĩ, ý của BWG không phải là bảo VN cho phép Forward (Vì VN đã cho phép rồi) mà là làm sao để hình thành 1 thị trường tương đối hấp dẫn và phát triển.
    Em nghĩ, một trong những lý do khiến Foward chưa phát triển còn nằm ở phía doanh nghiệp, họ cũng sợ rủi ro, do tỷ giá USD/VND khó thể dự đoán, và họ không có nhiều công cụ cũng như sự tư vấn tốt để mạnh dạn tham gia vào thị trường mới mẻ này.
    Còn bạn bên trên nói Foward thu phí là sai, vì NHNN cấm NHTM thực hiện việc thu phí đối với nghiệp vụ Foward, chỉ được thực hiện với quyền chọn, còn nếu có thu phí chỉ là chút đỉnh, không đáng kể, và trái luật.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.