Wednesday, May 9, 2012

PMI


Các độc giả "già" nhất của kinhtetaichinh chắc còn nhớ trước đây tôi thường tổng kết số liệu PMI vào mỗi đầu tháng. Đó là giai đoạn sếp tôi giao nhiệm vụ phải theo dõi chặt chẽ chỉ số này để dự báo khi nào cuộc khủng hoảng chấm dứt. Lúc đó PMI của các nước khá rải rác trên nhiều nguồn khác nhau nên tôi dùng luôn blog làm notebook để tiện theo dõi và tranh thủ share với những độc giả quan tâm. Bây giờ số liệu PMI đã dễ kiếm hơn và tôi đã được chuyển sang làm nhiệm vụ khác(*) nên không còn cập nhật trên blog nữa.

PMI - Purchasing Managers's Index - là chỉ số tóm tắt kết quả một cuộc khảo sát doanh nghiệp hàng tháng do Institute of Supply Management của Mỹ tiến hành từ năm 1948. Cuộc khảo sát này đưa ra một số câu hỏi cho purchasing managers của các doanh nghiệp trong mẫu (sample) về tình hình sản xuất kinh doanh của họ trong tháng. Các câu hỏi được thiết kế rất đơn giản chỉ yêu cầu người trả lời chọn một trong ba phương án: tốt hơn, không thay đổi, kém hơn. Kết quả của từng câu hỏi sẽ được tổng kết thành một subindex trong PMI theo công thức là tổng của số phần trăm trả lời tốt hơn cộng với 1/2 số phần trăm trả lời không đổi. Như vậy nếu chỉ số bằng 50 điểm thì hoạt động của doanh nghiệp liên quan đến câu hỏi đó không đổi so với tháng trước, trên 50 là tốt hơn còn dưới 50 là tệ đi. Một số subindex quan trọng là new orders, output, employment, inventories, input & output price. Các subindex sẽ được tính trung bình trọng số để tạo thành PMI toàn phần.

Hình thức chỉ số như vậy gọi là diffusion index có ưu điểm tránh được sự mơ hồ cho người trả lời nhưng vẫn có tính định lượng rõ ràng. Thêm vào đó, cách thức xây dựng làm cho chỉ số PMI dao động xung quanh mức trung tính 50 điểm mà không cần bất kỳ sự hiệu chỉnh nào, rất phù hợp cho các mô hình kinh tế lượng. Hiện tại chỉ số PMI của Mỹ được xếp ngang hàng với chỉ số NFP (Non-Farm Payroll) về việc làm về mức độ quan trọng và ảnh hưởng vào giá chứng khoán cũng như các hoạt động tài chính khác. PMI của các nước phát triển khác cũng vậy, luôn được giới tài chính và các nhà hoặch định chính sách theo dõi sát sao, là một dữ kiện đầu vào quan trọng cho các quyết định của họ. Trong thời gian gần đây PMI của các nước BRIC, đặc biệt của TQ, càng ngày càng có ảnh hưởng lớn đến thị trường tiền tệ và nguyên liệu thô (commodity) quốc tế.

Hầu như toàn bộ các PMI phát triển sau này đều do Markit Economics quản lý và giữ bản quyền. Công ty này phối hợp với một số tổ chức lớn khảo sát và chuẩn hóa chỉ số PMI của các nước cho hai khu vực kinh tế quan trọng là công nghiệp sản xuất (manufacturing) và dịch vụ (service). Ở những nước phát triển chỉ số PMI cho một tháng được công bố tạm thời vào tuần cuối cùng trong tháng, gọi là flash PMI. Sau khi Markit thu thập đủ số liệu và có những hiệu chỉnh cần thiết, chỉ số PMI cuối cùng sẽ được công bố vào đầu tháng sau. Một đối tác lớn của Markit là ngân hàng HSBC, trong thời gian gần đây đã tiến hành khảo sát và xây dựng PMI cho nhiều nước đang phát triển trong đó có VN.

Hiện tại chỉ số PMI của VN chỉ được xây dựng cho khu vực công nghiệp sản xuất và chỉ công bố một lần (final PMI). Chỉ số này được thu thập từ tháng 4/2011 và chính thức ra mắt ngày 8/5/2012. Vì thời gian thu thập dữ liệu chưa nhiều nên kỹ thuật hiệu chỉnh mùa vụ của PMI VN có thể chưa chuẩn xác. Tuy nhiên đây sẽ là một chỉ số kinh tế rất quan trọng mà bất kỳ nhà kinh tế nào của VN cũng nên biết và theo dõi. Dưới đây các subindex trong PMI của VN do HSBC-Markit khảo sát:

- Output:
- New orders:
- Export new orders:
- Backlogs:
- Stock of Finished Goods
- Employment
- Input price
- Output price
- Suppliers' delivery times
- Quantity of purchases
- Stock of purchases


Cám ơn HSBC và Markit đã đưa VN vào câu lạc bộ những nước có chỉ số PMI. Tôi đã từng trao đổi với một số bạn bè, người quen trong nước về việc thu thập và xây dựng các chỉ số kinh tế độc lập, rất tiếc chưa có tổ chức nào thực sự quan tâm. Hi vọng sự xuất hiện của PMI sẽ là một cú hích cho các chỉ số kinh tế tài chính khác do các tổ chức tư nhân independent với nhà nước thực hiện.



[Ngoài lề: (*) Hồi Espana 82 truyền hình các trận bóng đá ở SG thỉnh thoảng bị mất sóng và có một anh bình luận viên rất "sáng tạo" nói "vệ tinh Liên xô phải đi làm nhiệm vụ khác nên không tiếp sóng bóng đá được nữa". Bao năm rồi nhưng cứ mỗi khi nói "làm nhiệm vụ khác" là tôi lại nhớ đến lời bình luận ngộ nghĩnh này :-)]


15 comments:

  1. Em vẫn còn nhớ anh post các chỉ số PMI lên blog. Hồi đó thật "dốt nát", không hiểu được chỉ số PMI dùng để làm gì, bây giờ mới hiểu được tầm quan trọng của nó trong việc dự đoán biến động của nền kinh tế.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hồi đầu anh cũng chẳng biết PMI là cái gì. Sau đó thấy market phản ứng rất mạnh mỗi khi có PMI release nên mới hiểu tầm quan trọng của chỉ số này.

      Delete
  2. anh Giang và anh Duy Linh, em vẫn không hiểu, tính ra nền kinh tế mình đang trong tình trạng sụt giảm tổng cầu đúng không ạ? Nếu đúng thì tại sao các bác nhà mình cứ hỗ trợ doanh nghiệp, còn người tiêu dùng bỏ qua một bên. Cụ thể, NHNN áp margin huy động, cho vay 3%, tức là lãi suất vay tối đa 3% ở 4 lĩnh vực, khác nào kích cung, mà kích cung có thể làm tăng cầu không?

    Hầu hết các vị được cho là chuyên gia đều đứng về phía cung, cả Chính phủ và NHNN cũng kích cung.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nếu bạn có dịp nói chuyện với các chuyên gia trong nước, nhờ bạn hỏi hộ tôi câu hỏi này: "Mọi người ai cũng hô hào "cứu doanh nghiệp", vậy ai là người sẽ "cứu dân"?".

      Delete
    2. Theo mình, việc giảm lãi suất là chính sách kích cầu vì doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ vay được nhiều tiền hơn để mua hàng hóa của các doanh nghiệp khác. Trong bối cảnh hiện tại, không doanh nghiệp nào vay tiền để mở rộng sản xuất đâu bạn ạ.

      Ngoài ra, khi thị trường chứng khoán và bất động sản tăng lên nhờ chi phí lãi vay rẻ, tiêu dùng sẽ nhiều hơn do một số người trở nên giàu có hơn.

      @Giang Le: Em đồng ý với anh rằng các chính sách của VN chỉ hướng đến những người giàu, những người có khả năng tiếp cận với thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản. Còn những người nghèo thì đang bị bỏ rơi bên lề các chính sách giải cứu.

      Delete
    3. Nước mình chắc 10 năm nữa mà có khủng hoảng thì mới tính tới biện pháp: gửi vào mỗi nhà một cục 10 triệu đồng để kích thích kinh tế.

      Sao không hoàn thuế thu nhập cá nhân, không miễn thuế giá trị gia tăng nhỉ?

      Delete
  3. @Duy Linh: theo mình thì việc giảm lãi suất lần này, nếu có đến được với doanh nghiệp phần nào, thì chỉ giúp cho doanh nghiệp đỡ khó khăn mà phá sản thêm thôi, còn với người tiêu dùng thì hoàn toàn chưa được hưởng lợi gì, vậy nên “người tiêu dùng cuối” cũng chưa thể tăng chi tiêu được đâu (anh Lê ạ)

    ReplyDelete
  4. @ Duy Linh: Việc giảm lãi suất lần này chỉ chủ yếu cho 4 nhóm đối tượng....và các ngân hàng thương mại có giảm thật hay không....

    ReplyDelete
    Replies
    1. Với mình, việc giảm lãi suất không quan trọng bằng ngân hàng có muốn cho vay nữa hay không. Nếu ngân hàng tiếp tục cho vay thì cả nền kinh tế sẽ tiếp tục nhảy điệu tango cho đến khi nhạc ngừng hẳn.

      Mình chỉ lo lắng việc lạm phát sẽ diễn ra trong vòng 2-3 năm tới nếu như cả nền kinh tế không cải thiện được năng suất thôi. Còn từ bây giờ trở đi, việc thứ sẽ tốt dần trở lại, ngân hàng cho vay, doanh nghiệp trở lại sản xuất, lợi nhuận tăng lên, giá cổ phiếu tăng, giá bất động sản tăng, mọi thứ sẽ ổn trở lại cho đến khi lạm phát đến.

      Delete
    2. Theo mình biết thì tuy chỉ áp dụng cho 4 nhóm đối tượng, nhưng 4 nhóm đối tượng này chiếm tỉ trọng khá lớn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về lãi suất tuy không giảm được như mức công bố (15%), nhưng chắc chắn có giảm, vấn đề là giảm ít, giảm từ từ, có chọn lọc :D

      Delete
  5. Mục tiêu là soft landing, dân còn chịu khổ nhiều. Chiều nay nghe radio, có hẳn 1 chương trình với 1 ông giáo sư tiến sỹ gì đó trình bày rất thản nhiên về "nguyên tắc" giúp đỡ người dân bị thu hồi đất làm sao để tìm được việc mới. Nhấn rất mạnh vào khả năng làm việc cần cụ và tự sáng tạo, thích nghi của người nông dân. Dân mình khổ quá, hôm trước nghe một chương trình nói về người Cham đi làm công nhân cho người nước ngoài. Nghe kỹ thì thấy không có điều kiện nâng cao trình độ, không có tích lũy, không có cơ hội xây dựng gia đình mà được đưa lên sóng radio như là một điển hình của nông thôn đổi mới.

    ReplyDelete
  6. @ Anh Thành: Em sợ mấy bác giáo sư - tiến sĩ phát biểu linh tinh lắm rồi...
    Cách đây 2 năm, bên ĐH Kinh tế TPHCM còn tổ chức hội thảo "Dạy kỹ năng bán hàng cho tiểu thương", với sự góp mặt, diễn giải của các GS, PGS, TS...
    không biết có tiểu thương nào đi học không....

    Lúc trước em học có ông Thầy, suốt ngày cứ lên lớp nổ với sinh viên về ngân hàng, tiền tệ, vĩ mô...tất tần tật...

    Sau một thời gian em mới hiểu, ổng lên mạng đọc blog, đọc báo rồi về nổ với sinh viên tụi em...Thấy buồn vì người Thầy học vị TS mà không có quan điểm riêng, cứ thích lòe mắt với sinh viên thì đâu được gì...

    ổng tên Khánh thì phải

    ReplyDelete
  7. ừ, dân ta còn khổ quá. Nhất định sẽ phải giúp đỡ những người k có khả năng tự giúp chính mình ae ạ

    ReplyDelete
  8. theo ý kiến của mình cái chính sách gọi là kích cầu của chính phủ bằng các biện pháp giảm lãi suất và hoãn thuế chỉ có tác dụng giảm đau thôi. mình nghĩ quan trọng không phải là lãi suất mà doanh nghiệp vay ổ ngân hàng là bao nhiêu mà là làm cách nào để người dân có tiền vào cửa hàng hay siêu thị mua đồ.có như vậy thì doanh nghiệp mới giải quyết dc hàng hóa và mới dám vay mà sản xuất. nếu bán ko dc hàng thì cho tiền mình cũng ko dám vay dù lãi suất thấp cỡ nào đi nữa.

    ReplyDelete
  9. Khi lãi suất giảm, một phần tiền tiết kiệm gửi ngân hàng sẽ chảy sang kênh khác, trong đó có kênh tiêu dùng, góp phần kích cầu.
    Nhiều ý kiến cho rằng giảm lãi suất và hoãn thuế chỉ kích cung. Nhưng theo mình thì cung là đầu ra. Để có đầu ra phải có đầu vào. Đầu vào lại chính là cầu. Nên kích cung đồng thời cũng kích luôn cả cầu. Nhưng hiện nay chắc ít doanh nghiệp nào tăng cung, chủ yếu chỉ duy trì sản xuất qua thời buổi khó khăn. Hạ lãi suất trực tiêp làm giảm chi phí. Giãn thuế trực tiếp làm tăng nguồn vốn cho doanh nghiệp. Hai biện pháp này có thể chưa tốt nhất nhưng cũng là tốt trong thời điểm này.
    Về thuế giá trị gia tăng, nếu được miễn giảm sẽ là cú kích cầu rất mạnh. Tuy nhiên đi kèm với nó là nguy cơ thâm hụt ngân sách chắc cũng không nhỏ.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.