Thursday, May 10, 2012

PMI II


Việc chính phủ đột ngột bẻ lái các biện pháp thắt chặt tài khóa và tiền tệ đề ra sau Nghị quyết 11 năm 2011 rất có thể là phản ứng khi tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 4.1% (yoy) trong Q1 và nhất là thông tin hơn 17000 doanh nghiệp phá sản trong bốn tháng đầu năm 2012. Trong khi các chỉ số kinh tế vĩ mô chậm lại đáng kể là điều có thể dự báo, các nhà hoạch định chính sách dường như quá lo ngại về số lượng doanh nghiệp phá sản và hàng loạt bài báo mô tả tình trạng khó khăn giới doanh nghiệp đang phải đối mặt. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cho biết "Chính phủ đã có bức tranh đầy đủ về tình hình doanh nghiệp". Bức tranh này do Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Phòng Thương mại và Công nghiệp VN khảo sát trong thời gian qua.

Nói về các cuộc khảo sát doanh nghiệp, nhiều nước trên thế giới có một chỉ số thực trạng doanh nghiệp rất được các nhà hoạch định chính sách và giới tài chính tín nhiệm, đó là chỉ số PMI (Purchasing Managers' Index) - chỉ số khảo sát các nhà quản trị mua sắm cho doanh nghiệp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng khả năng dự báo của chỉ số này tốt hơn rất nhiều các chỉ số kinh tế vĩ mô khác nên nó được giới kinh tế đặc biệt quan tâm. Đến nay chỉ số PMI đã gần như được chuẩn hóa trên toàn thế giới và được  công ty Markit của Anh phối hợp với một số ngân hàng lớn như HSBC, JP Morgan Chase xây dựng cho nhiều quốc gia, trong đó có một số nước đang phát triển như Trung quốc, Indonesia, Ấn độ, Nga, Brazil. Ngày 8/5 vừa qua HSBC vừa chính thức công bố chỉ số này cho VN và bức tranh doanh nghiệp theo kết quả cuộc khảo sát này có nhiều điểm rất đáng quan tâm.

Về tổng thể chỉ số PMI giảm nhẹ xuống dưới ngưỡng 50 điểm cho thấy giới doanh nghiệp nhìn chung đã thu hẹp sản xuất, phù hợp với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác. Tuy nhiên mức sụt giảm này nhỏ hơn nhiều so với giai đoạn từ tháng 12/2011 đến 2/2012. Nhìn kỹ hơn vào từng cấu thành của PMI có thể thấy nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là các doanh nghiệp đang tìm cách cắt giảm tồn kho trong tháng 4/2012. Cả sản lượng đầu ra lẫn bán thành phẩm đang sản xuất đều giảm trong khi doanh nghiệp hạn chế mua thêm nguyên liệu đầu vào (tồn kho nguyên liệu giảm). Đây là biểu hiện của "chu kỳ tồn kho" (inventory cycle) theo đúng sách giáo khoa và chu kỳ này sẽ quay ngược lại khi lượng tồn kho đạt đến giới hạn cực tiểu bất chấp lượng cầu.

Nhưng trên thực tế lượng cầu đã có dấu hiệu phục hồi khi một cấu thành khác trong PMI là "đơn đặt hàng mới" (New Orders) vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 4/2012. Đặc biệt lượng đơn hàng xuất khẩu đã tăng mạnh liên tục trong 3 tháng qua là một dấu hiệu rất khả quan cho cả nền kinh tế lẫn cán cân thương mại. Thêm vào đó cấu thành "lao động" (Employment) tiếp tục cao hơn mức 50 điểm cho thấy doanh nghiệp không những không sa thải nhân công mà một số đang có kế hoạch mở rộng sản xuất để đáp ứng lượng đơn hàng gia tăng. Số liệu "giá đầu vào" (Input Prices) và "thành phẩm đầu ra" (Output Price) đều tăng, tuy nhiên giá đầu ra tăng chậm hơn có lẽ vì sức ép hàng tồn kho buộc doanh nghiệp phải giảm tỷ lệ lợi nhuận. Nếu lượng đơn hàng mới tiếp tục tăng trong thời gian tới nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ tăng mạnh giá đầu ra để khôi phục lợi nhuận và tích lũy lại lượng tồn kho tối ưu.

Như vậy có thể thấy chỉ số PMI do HSBC-Markit khảo sát trong tháng 4/2012 không quá bi quan như những gì báo chí đăng tải và con số 17000 doanh nghiệp phá sản được nhiều người trích dẫn. Nền kinh tế đang chậm lại nhưng đó là hệ quả tự nhiên của những chính sách ổn định vĩ mô VN tiến hành trong năm 2011. Doanh nghiệp phá sản chắc chắn sẽ gây hệ lụy cho nền kinh tế nhưng đó cũng là sự sàng lọc hay "phá hủy sáng tạo" (creative destruction) cần thiết để nền kinh tế bước sang trang mới. Nghiên cứu của hai nhà kinh tế Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff cho thấy ngoại trừ sau những cuộc khủng hoảng tài chính ngân hàng, suy thoái kinh tế bao giờ cũng dẫn đến những giai đoạn tăng trưởng rất ngoạn mục. VN cần tiếp tục kiên trì với mục tiêu ổn định vĩ mô và tái cấu trúc kinh tế, tăng trưởng sẽ tự động quay trở lại khi nền kinh tế được thanh lọc bớt những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả. Quan trọng hơn, đó sẽ là tăng trưởng bền vững chứ không phải tăng trưởng nóng song hành với lạm phát cao và chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn.



[Note: Một version của bài viết này đã được đăng trên TBKTSG.]



5 comments:

  1. Cần xem mẫu chọn của HSBC có đại diện không. Theo tôi được biết từ nhiều người quen ở các Ngân hàng VN. Quá nhiều DN lớn đã bỏ của chạy lấy người 2 năm nay rồi nhưng NH không dám thông tin. Và 6 tháng nay đang tiếp đến làn sóng DNNVV bỏ của chạy lấy người. Không trả lãi, trả gốc gì cả. Nhiều NH bạn tôi làm ngay cả tiền lương nhân viên NH cũng không có và phải đi vay trả. Vấn đề bây giờ lại nằm ở từ điều căn bản nhất - garbage in garbage out (Tôi không dám nói HSBC mà phê phán tình trạng dấu giếm thông tin ở hệ thống NH Việt Nam.) Rất trầm trọng nên CP & NHNN mới có động thái cua gấp như vậy.

    ReplyDelete
    Replies
    1. This comment has been removed by the author.

      Delete
  2. PMI report của HSBC sao em tìm mà không thấy, thầy có thể chỉ giúp em link với.

    ReplyDelete
  3. Tình hình đã quá rõ ràng ngoài XH. Không 1 con người hay con vật nào có thể uống kháng sinh nặng đô kéo dài 5 năm được cả, kể cả trâu bò (Sorry bức xúc điều hành kinh tế nên nói hơi mạnh tí TS Giang nhe). Nếu 30% học sinh kém thì lỗi học sinh dốt, nhưng nếu 70% học sinh kém đích thị là lỗi của thầy giáo quá quá quá dốt.

    ReplyDelete
  4. Mình nghĩ bạn nói đúng, dân việt nam bản tính hay sĩ diện, dù khó khăn cũng làm ra vẻ sang trọng...trường hợp bà Diệu Hiền là ví dụ. Số doanh nghiệp đăng ký mới hay phá sản cũng vậy nhiều khi chỉ là doanh nghiệp ma, và vốn đăng ký cũng không chính xác toàn là vốn ảo. Nếu phỏng vấn doanh nghiệp nên tập trung vào doanh nghiệp FDI thì hay hơn...Không biết mẫu HSBC chọn là những doanh nghiệp nào

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.