Tuesday, April 19, 2011

Workshop II


[Thảo luận quan trọng nhất và nóng nhất trong workshop là về hệ thống ngân hàng và chính sách tiền tệ. Nguyên do nào mà tình hình tài chính tiền tệ của VN lại căng thẳng như hiện nay? Liệu hệ thống ngân hàng (và nền kinh tế) có vượt qua được cú shock này không (lạm phát, lãi suất cao)? Theo qui định của workshop những gì tôi trình bày dưới được coi là quan điểm cá nhân của riêng tôi và tôi tự chịu trách nhiệm những gì mình phát biểu. Một version của entry này đã được đăng trên SGTT.]

Có hai nguyên nhân của lạm phát cao xuất phát từ chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu của VN. Sau khi mở cửa và bắt đầu đổi mới đầu thập kỷ 90, nhìn vào tấm gương của các con hổ châu Á trước đây và nhất là TQ sau này (cộng thêm tư vấn của WB/IMF theo nguyên tắc Washington Consensus), VN đã không ngần ngại mở bung nền kinh tế để tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng từ 60% GDP năm 1990 lên hơn 150% năm 2010 (số liệu National Account). Giống như những láng giềng châu Á, muốn tốc độ tăng trưởng XNK cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP (trung bình cao hơn gần 5%/năm trong giai đoạn 1990-2010) VN phải đẩy mạnh đầu tư, vừa mở cửa cho FDI vừa sử dụng domestic credit. Không khó có thể nhận thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa tổng đầu tư và độ mở của nền kinh tế trong đồ thị dưới đây:


[Ở đây cần nói thêm là nhiều chuyên gia (trong đó có tôi) cho rằng VN đã chạy theo chiến lược tăng trưởng dựa vào đầu tư trong mấy năm gần đây. Điều này có thể nói một phần do ý thức hệ (i.e. định hướng XHCN nên cần phải đầu tư mạnh cho các tập đoàn nhà nước như Vinashin) nhưng tổng đầu tư gia tăng còn vì lý do muốn đẩy mạnh xuất khẩu và luồng vốn FDI chảy vào do sự lạc quan thái quá của các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh những tín hiệu tốt như tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, dân số trẻ, gia nhập WTO, China+1..., một lý do quan trọng làm FDI gia tăng là khả năng "chuyển giá" (transfer pricing) dễ dàng từ VN ra do hệ thống quản lý và qui định kế toán/kiểm toán của VN chưa chặt chẽ. Trước đây tôi nghi ngờ vấn đề chuyển giá này nhưng càng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy chuyển giá là một vấn đề nghiêm trọng trong các doanh nghiệp FDI ở VN. Có những thống kê cho biết hơn 50% doanh nghiệp FDI ở VN báo lỗ, có doanh nghiệp lỗ trong nhiều năm nhưng vẫn xin tăng vốn đầu tư. Nếu vấn đề chuyển giá thực sự nghiêm trọng như vậy, đây là một nguyên nhân quan trọng làm cán cân thương mại của VN liên tục xấu đi vì phần chuyển giá ra nước ngoài được ngụy trang thành net import. Ngoài ra một phần FDI chảy vào VN để lợi dụng những ưu đãi/bảo hộ của chính phủ (trung ương và địa phương) cũng như nhân công rẻ, giá năng lượng rẻ, qui định môi trường lỏng lẻo chứ không hẳn vì VN có thế mạnh đầu tư hơn các nước khác.]

Bên cạnh nhu cầu đầu tư, bank credit còn cần cho nhu cầu trade finance ngày càng lớn (một ước tính cho rằng trade credit chiếm khoảng 1/3 total credit - có thể reverse engineer ước lượng đó như sau: tổng kim ngạch XNK khoảng 150% GDP, nếu 25% kim ngạch cần phải finance thì các doanh nghiệp XNK phải vay gần 40% GDP. Vì total credit khoảng 120% GDP nên trade credit chiếm khoảng 1/3 total credit). Bởi vậy ngay cả khi lãi suất tăng lên rất cao như 2 năm vừa qua tăng trưởng tín dụng nội địa vẫn không thể giảm như nhiều nhà kinh tế mong đợi vì nhu cầu trade credit không thể giảm. Một lý do khác làm tín dụng không giảm bắt chấp lãi suất tăng là nhu cầu đảo nợ (rollover) của các nhà đầu tư/dự án bất động sản. Khi thị trường đóng băng, những nhà đầu tư bất động sản không thanh lý được các khoản đã đầu tư buộc phải rollover nợ để chờ đợi thị trường ấm lại, do đó dù lãi suất cao đến thế nào họ vẫn phải vay. Với những dự án/nhà đầu tư lớn, ngân hàng có thể "giúp đỡ" bằng cách structure khoản vay để không làm ảnh hưởng đến balance sheet của khách hàng (cross debt giữa 2-3 bên), còn với các khách hàng/công ty nhỏ cán bộ tín dụng có thể "thu xếp nguồn vốn" với lãi suất vô cùng cao mà ngay cả lãnh đạo ngân hàng cũng không kiểm soát được. Tăng trưởng tín dụng quá cao, dù cho nhu cầu đầu tư, debt rollover, hay cho trade credit, đều trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến lạm phát.

Nguyên nhân thứ hai của lạm phát cao khi VN theo đuổi export-led growth strategy là giá nguyên liệu thô thế giới gia tăng trong 5-7 năm gần đây. Đồ thị dưới đây vẽ CPI của VN (1995=1) và Goldman Sachs Commodity Index (GSCI) cho thấy sau năm 2002 GSCI tăng mạnh cũng là thời điểm VN CPI "cất cánh". Với một nền kinh tế có độ mở (openness) lớn như VN, mặt bằng giá thế giới sẽ có ảnh hưởng rất lớn vào giá trong nước nếu chính sách tiền tệ không chủ động. Nên nhớ với một nền kinh tế có free capital flow (gần như vậy trong hoàn cảnh của VN) và tỷ giá cố định thì nguyên lý impossible trinity sẽ trói tay NHNN, chưa kể cơ quan này không dễ gì trung hòa dòng vốn chảy vào khi tổng số trái phiếu chính phủ lưu hành chỉ khoảng 15% GDP. Một điều đáng tiếc là không rõ vì lý do gì cơ quan này đã từ bỏ việc phát hành tín phiếu NHNN sau lần thử nghiệm đầu năm 2008. Chính những lý do chủ quan và khách quan này đã làm lạm phát VN cao hơn hẳn các nước trong khu vực mặc dù họ chịu cùng một cú shock giá commodity thế giới gia tăng.


Bên cạnh việc ảnh hưởng trực tiếp vào mặt bằng giá trong nước, giá commodity và năng lượng thế giới còn có tác động vào lạm phát thông qua structure của nền kinh tế VN. Như đã nói ở trên nhiều doanh nghiệp FDI vào VN vì muốn tận dụng lợi thế giá điện và xăng dầu rẻ so với khu vực. Những công nghệ mà họ đem vào VN do đó cũng rất hao tốn năng lượng nên tỷ trọng chi phí cho đầu vào này cao. Điều này có lẽ còn tệ hơn ở các doanh nghiệp VN, cho nên tính trung bình lượng điện năng và xăng dầu cần thiết để tạo ra $1 GDP của VN thuộc loại cao nhất thế giới (tôi đã có một tính toán sơ bộ cho tiêu thụ xăng dầu của VN trong entry này). Không chỉ có năng lượng, công nghệ của các doanh nghiệp VN (FDI và nội địa) vẫn thường bị kêu ca không hiện đại và hiệu quả nên nhiều khả năng chi phí cho các đầu vào khác cũng cao (chỉ có chi phí nhân công là thấp). Cho nên giá nguyên nhiên liệu tăng sẽ phản ánh vào giá thành sản phẩm của VN nhiều hơn so với các nước khác. Việc thiếu vắng các sản phẩm và thị trường phái sinh (derivatives) cũng cản trở các doanh nghiệp bảo hiểm bớt rủi ro giá nguyên nhiên liệu đầu vào gia tăng.

Vấn đề cuối cùng liên quan đến lạm phát là "kỳ vọng lạm phát" và đô la hóa/vàng hóa nền kinh tế. Về mặt lý thuyết, persistent inflation expectation có tác động vào lạm phát qua 2 kênh. Thứ nhất thông qua wage setting, nghĩa là nếu người lao động cho rằng lạm phát sẽ tăng thì họ sẽ yêu cầu giới chủ phải tăng lương và chi phí lương cao hơn sẽ phản ánh vào giá sản phẩm đầu ra. Điều này tạo thành một vòng xoáy không có điểm dừng, nhất là nếu kỳ vọng lạm phát cao. Rất tiếc VN không có số liệu về wage và employment để có thể kiểm tra giả định này. Tuy nhiên có một số lý do để nghi ngờ lập luận wage setting. Như đã nói ở trên tỷ lệ chi phí cho nhân công ở VN không cao nên nếu wage có tăng do inflation expection (giả sử người lao động có bargaining power và/hoặc hệ thống công đoàn hoạt động hiệu quả) thì ảnh hưởng vào output price không chắc đã lớn. Việc 60% lực lượng lao động VN còn làm việc trong khu vực nông nghiệp càng làm kênh wage setting này kém hiệu lực.

Kênh thứ hai là kỳ vọng lạm phát cao sẽ làm lãi suất thực thấp bất chấp lãi suất danh nghĩa có tăng cao. Đồ thị dưới đây vẽ lãi suất thực của VN sử dụng 12-month forward inflation làm proxy cho inflation expectation. Việc lãi suất thực có xu hướng giảm từ năm 1996 và đã có lúc âm hoàn toàn phù hợp với dòng vốn FDI chảy vào VN và tổng đầu tư gia tăng liên tục (xem đồ thị đầu tiên). Cũng giống như kênh wage setting, kênh lãi suất thực này sẽ tạo ra vòng xoáy lạm phát, nghĩa là lạm phát cao dẫn đến kỳ vọng cao làm giảm lãi suất thực và tăng đầu tư, khi tổng đầu tư tăng (aggregate demand tăng) sẽ quay lại gây sức ép lên lạm phát. Tuy nhiên kênh lãi suất thực này có điểm dừng vì đến một điểm lạm phát đủ cao người dân sẽ chuyển tài sản của mình vào vàng và đô la thay vì tiếp tục tài trợ cho các hoạt động đầu tư ngày càng kém hiệu quả. Lúc này lãi suất danh nghĩa sẽ bị đẩy lên rất cao kéo lãi suất thực lên theo. Như vậy chính đô la hóa/vàng hóa là một cơ chế phanh tự động của nền kinh tế, đồng thời nó cũng là cơ chế "phòng vệ" duy nhất của người dân đối chọi lại giới doanh nghiệp và ... nhà nước khi lãi suất thực ngày càng thấp.


Đến đây bạn đã biết quan điểm của tôi về vấn đề đô la hóa/vàng hóa như thế nào. Có một điểm mâu thuẫn trong lập luận của những người ủng hộ việc xóa bỏ đô la hóa/vàng hóa. Họ cho rằng đô la hóa/vàng hóa làm cho chính sách tiền tệ trở nên kém hiệu quả, do vậy không chống được lạm phát. Ngoại trừ một số người có quan điểm phải hạ lãi suất để chống lạm phát, rõ ràng đô la hóa/vàng hóa sẽ có tác dụng làm tăng lãi suất danh nghĩa khi lạm phát gia tăng vì người dân giảm/dừng gửi tiền vào ngân hàng. Như vậy nếu thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát, đô la hóa/vàng hóa không những không cản trở gì mà ngược lại còn trợ giúp cho chính sách. Đặc tính "tự động phanh" này phổ biến trong cơ chế kinh tế thị trường, miễn là nhà nước đừng áp đặt ý chí cứng nhắc của mình ngăn cản người dân được tự do làm những gì mà họ cho là tối ưu nhất.



19 comments:

  1. SJC và một vài công ty vàng bạc đã đặt hàng bác Giang viết bài này chăng ? dù sao đây cũng là 1 bài viết rất hay...i'm on your side anyway !

    ReplyDelete
  2. @FX Trader: Nếu SJC muốn lobby thì phải đặt hàng các vụ/viện ở HN viết bài mới có tác dụng. Nhưng chắc họ chẳng lobby đâu vì chính phủ đã rất quyết tâm chống đô la/vàng hóa rồi, và đa số các "chuyên gia" VN đều ủng hộ chính phủ.

    ReplyDelete
  3. @Bác Giang: cháu nghĩ còn 1 nguyên nhân nữa gây lạm phát là đầu tư công lớn nhưng lại kém hiệu quả và thất thoát nhiều ạ.

    ReplyDelete
  4. chú ơi có 1 điểm cháu băn khoăn. Khi nền kinh tế vốn đã bị đô la hóa ở mức cao rồi (ko biết VN ở mức nào nhưng chắc cũng ko thấp) thì liệu muốn thay đổi chính sách tiền tệ có phải sẽ rất khó ko ạ? Mấy hôm nay cháu đọc về Ecuador cảm thấy hơi giật mình 1 chút :) Lúc nào đó chú viết 1 entry về đô la hóa đi ạ.

    ReplyDelete
  5. Bác Giang ơi, các mô hình Vĩ mô theo thuyết Tân cổ điển cũng như Keynes mới đều có wages trong đó, VN ko có dữ liệu này vậy thì ko thể áp dụng các mô hình này hả Bác :(

    ReplyDelete
  6. Buồn quá. Muốn đọc về các lý thuyết về Gold mà không thấy. Bác Giang có source nào share cho em với.

    ReplyDelete
  7. Lạm phát cao thúc đẩy quá trình phân phối lại của cải trong nền kinh tế theo hướng làm sói mòn tiết kiệm của người dân, chuyển của cải từ người lao động, người nghèo sang cho người giàu, giới DN và... NN. Biện pháp chống USD hóa/Vàng hóa ngăn cản người dân bảo vệ tài sản của mình trước quá trình phân phối lại của cải trong nền kinh tế. Về mặt đạo đức, điều này là ko thể chấp nhận được. Em cũng nghĩ như anh Giang!!!

    @Daniel N: Gold Standard chứ nhỉ!? Bạn đọc tài liệu về lịch sử tiền tệ cũng có thể rút ra nhìu điều về vấn đề này. Gold Standard khác với tiền giấy là ko thể in ra dễ dàng, và những tranh luận xuất phát từ điểm này.

    ReplyDelete
  8. "lạm phát cao dẫn đến kỳ vọng cao làm giảm lãi suất thực và tăng đầu tư, khi tổng đầu tư tăng (aggregate demand tăng) sẽ quay lại gây sức ép lên lạm phát"==> cháu chưa hiểu đoạn này lắm mong chú giải thích rõ hơn dùm cháu. Tại sao tổng đầu tư tăng lại gây ra lạm phát ạ? cháu chỉ biết là lạm phát có thể do cầu kéo, chi phí đẩy. Nếu cầu ko đổi mà tăng đầu tư, tăng sản lượng thì sẽ giúp giảm lạm phát chứ ạ. Mong chú giải thích rõ hộ cháu. Cháu cảm ơn chú nhiều ^^

    ReplyDelete
  9. Anh Giang ơi, cho em hỏi, khi tín dụng bằng USD suy giảm thì nó ảnh hưởng đến nguồn cung USD trên thị trường như thế nào!? Cầu USD cho hoạt động XNK chắc là ko thể giảm mà còn tăng cùng với tăng trưởng XNK, theo em nghĩ đây là yếu tố chính ảnh hưởng đến cầu USD. Anh cho ý kiến với.

    @meouotsung: tăng đầu tư trước mắt làm gia tăng cầu tổng thể chứ cầu ko cố định như bạn nghĩ => gây sức ép lên lạm phát. Lạm phát do chi phí đẩy đến một lúc nào đó sẽ làm giảm cầu => lạm phát hết nhiên liệu. Còn lạm phát trong một thời gian dài thì nguyên nhân chắc chắn là do cung tiền tệ.

    ReplyDelete
  10. @ meouotsung: Đầu Tư công (G)là 1 thành tố của Tổng cầu:
    AD=C+I+G+X-IM

    Lãi suất trái phiếu USD của chính phủ là 7%/năm
    Trong khi ép dân gửi USD: 3%/năm
    Chẳng nhẽ creditability của các Ngân Hàng Việt Nam đối với con dân việt nam CAO hơn uy tín của Chính phủ Việt Nam với ngoại quốc ????

    ReplyDelete
  11. Chú ơi,theo ý kiến của bản thân cháu,thì việc kiểm soát được thị trường ngoại tệ và thị trường vàng là một thành công khiến tình hình đỡ xấu hơn về mặt ngắn hạn.Tỷ giá ổn định giúp Việt nam bớt nhập siêu lạm phát, trong tình trạng giá cả các loại hàng hóa trên thị trường thế giới gia tăng như hiện nay. Việc tát nước theo mưa là một lý do quan trọng đẩy lạm phát lên cao. Khi vàng tăng lên 38 triệu/lượng vàng usd thị trường tự do tăng lên 22 ngàn, cháu đi chợ mua cái gì cũng tăng vọt, kèm theo lời giải thích của các bà là : Con ko thấy vàng tăng, đô tăng à?
    Tuy nhiên,nhìn vào cơ cấu rổ CPI và so sánh nó với thực tế, cháu ko tin sau 4 tháng, việt nam lạm phát chỉ ở mức 9.64%. Thống kê bóp số kiểu gì?

    ReplyDelete
  12. @trang: Tại vì anh Giang có viết ngày 17/09/09 là chưa thấy các KT gia đưa giá Gold vào các economic model. không biết là giờ này khi vàng lên cao thế này thì tình hình thay đổi chưa? Tôi chán chứng khoán VN quá nhưng không biết đầu tư vàng ntn?

    ReplyDelete
  13. @PH: Đúng là đầu tư công (tràn lan và không hiệu quả) là một nguyên nhân dẫn đến lạm phát. Tuy nhiên nếu VN bị capital constraint thì đầu tư công sẽ crowd out đầu tư tư nhân, nghĩa là tổng đầu tư không thể tăng nhiều như trong đồ thị bên trên.

    @Thu & tuongminhtrang: Nếu coi mục tiêu quan trọng nhất của chính sách tiền tệ là chống lạm phát thì như tôi thảo luận bên trên vàng/đô la hóa không cản trở mục tiêu này, thậm chí còn trợ giúp (một cách tự động). Nếu NHNN kiên định chống lạm phát (giữa lãi suất cao và kiềm chế tăng trưởng tín dụng) vàng/đô la hóa sẽ tự động giảm mà không cần phải cấm đoán gì cả.

    @Vĩnh Khánh: Theo tôi biết GSO có điều tra doanh nghiệp về wage, chất lượng không rõ thế nào nhưng cũng sẽ phản ánh phần nào biến số này.

    @Tiendq: transfer pricing là thuật ngữ quốc tế đã được sử dụng khá lâu, vào VN được dịch thành "chuyển giá" có thể không phải là cách dịch tối ưu nhưng bây giờ đã thành standard rồi.

    @Daniel N: Bạn đừng hi vọng giới academic sẽ phát triển mô hình về vàng trong macro. Đơn giản vì vàng chỉ có ý nghĩa macro ở VN (có thể một số nước châu Á khác) chứ quá nhỏ so với các nền kinh tế phát triển. Đáng tiếc là VN chưa có (hoặc tôi không biết) một chuyên gia nào chuyên về theoretical macro để có thể phát triển mô hình có yếu tố vàng trong đó.

    Bạn không tìm được academic theory về vàng nhưng chắc chắn trên mạng đầy dẫy conspiracy theories :-)

    @trangbk02: Hoàn toàn đồng ý về khía cạnh đạo đức mà bạn nêu ra. Tiếc là nhiều chính sách kinh tế, cả ở VN và các nước khác, không tính đến khía cạnh này.

    Về vấn đề tín dụng USD, theo tôi biết các ngân hàng phân biệt rõ tín dụng cho XNK và cho các nhu cầu khác. Tôi nghĩ NHNN yêu cầu giảm tín dụng USD cho các nhu cầu khác chứ không hạn chế cho XNK.

    @neouotsung: hai bạn trangbk02 và Anonymous (Apr 24) giải thích đúng đấy. Đầu tư là một phần của aggregate demand nên khi đầu tư tăng thì có sức ép trực tiếp lên mặt bằng giá. Tất nhiên đầu tư tăng thì trong tương lai aggregate supply sẽ tăng nhưng chừng nào tỷ lệ I/GDP vẫn tiếp tục tăng (đồ thị bên trên) thì tác động của I và AD vẫn quan trọng hơn và AS.

    @Anonymous (Apr 24): Quan sát của bạn rất thú vị, tuy nhiên cũng nên phân biệt maturity của các khoản vay khác nhau. Chính phủ VN phát hành trái phiếu 10 năm, nghĩa là đi vay trong 10 năm, còn lãi suất 3% bạn gửi USD ở ngân hàng có lẽ có thời hạn ngắn hơn nhiều. Nói vậy không có nghĩa là tôi bênh vực gì cho chính sách can thiệp vào mặt bằng lãi suất USD của NHNN.

    ReplyDelete
  14. Theo anh Giang thì việc giảm tín dụng USD tác động thế nào đến tỉ giá!? Cầu USD thể hiện qua tỉ giá lẫn LS bằng USD. Anh có nghĩ là những biện pháp vừa rồi của CP làm cho tỉ giá diễn biến theo hình dạng chữ J ko anh!?

    ReplyDelete
  15. bác Giang ơi cho cháu hỏi 1 chút:ở phần trên bác có nói VN là nền kinh tế có độ mở cao và free capital flow ( gần như thế). vậy bác có thể giải thích cho cháu độ mở của nền kinh tế thể hiện thông qua những mặt nào ko ạ? và về luật định thì VN chưa có chính sách tự do hóa tài khoản vốn, 1 đồng đôla muốn rời VN( trừ giao dịch vãng lai) đều phải có sự cho phép của NHNN. vậy tại sao VN lại có free capital flow ạ? (mong bác thông cảm cháu hỏi hơi ngu ngơ)

    ReplyDelete
  16. @trangbk02: Nếu doanh nghiệp chỉ hoạt động trong nước thì họ vay USD tương đương với carry trade, nghĩa là giảm sức ép lên VND. Với các doanh nghiệp XNK còn tùy credit rationing có phân bố đồng đều cho import và export hay không. Có lẽ với mong muốn giảm trade deficit, NHNN sẽ tác động tới các NHTM giảm USD credit cho import sector nhiều hơn, do đó sẽ giúp giảm sức ép lên VND.

    @Anonymous (Apr 28): Độ mở ở đây là (import+export)/GDP. Ở VN capital flow hiện chỉ có chiều vào nên tôi nói capital account của VN gần như mở với nghĩa capital có thể chay vào VN freely.

    ReplyDelete
  17. Em đánh một số cái ở trên với bác, nhưng biến mất tiêu và ngại đánh lại quá. Reasons?

    ReplyDelete
  18. @DONG VU: Đây là lỗi của Blogspot spam filter, gần đây một số bạn cũng than phiền với tôi bị mất comment như vậy. Tôi chẳng biết cách nào tắt được cái filter này đi, mong các bạn cẩn thận đừng viết comment quá dài (nếu dài thì chia nhỏ ra thành nhiều comments) và hạn chế chèn link vào comment.

    ReplyDelete
  19. Quan điểm của em về đô la hóa/vàng hóa của em hơi khác một chút. Em có chung quan điểm đô la/vàng hóa hỗ trợ cho thắt chặt chính sách tiền tệ và chống lạm phát. Tuy nhiên, em vẫn ủng hộ việc chống đô la/vàng hóa.

    1. Trong điều kiện lạm phát cao, rõ ràng vàng và đô la đang là nơi trú ẩn tốt nhất cho tài sản. Việc NĐT lựa chọn vàng/đô là không có gì khó hiểu. Tuy nhiên, mấu chốt vẫn là để cơ cấu tài sản; tránh giữ những tài sản mất giá.
    2. Mặc dù vàng/đô là sự lựa chọn số một, sự lựa chọn tối ưu. Nhưng đó không phải sự lựa chọn duy nhất. Nếu buộc phải lựa chọn một tài sản để trú ẩn, mà không chọn được cái tốt nhất - về mặt cơ bản - NĐT có thể chọn cái tốt thứ 2, thứ 3, chỉ cần tốt hơn tài sản hiện đang giữ (ít mất giá hơn tài sản đang giữ) thì cũng là sự lựa chọn tốt (Tất nhiên là không phải tốt nhất)
    3. Vì thế, nếu chống đô la/vàng hóa. Thì rõ ràng, NĐT phải lựa chọn một tài sản khác thay thế cho $/vàng để tránh mất giá. Tài sản nào thì sẽ phụ thuộc vào từng nhà đầu tư: Có thể BĐS, VNĐ gửi tiết kiệm,…
    4. Rõ ràng CP đang ép NĐT phải lựa chọn tài sản trong cuộc chơi "Tất cả - ngoại trừ $/vàng" và như thế khả năng dòng tiền nhàn rỗi bị ép vào gửi ngân hàng, BĐS & đầu tư dù không phải tất cả nhưng cũng có một phần.

    Quan điểm của em là Chưa lúc nào tốt như lúc này để chính phủ có thể có những điều chỉnh "Mạnh tay + Cần thiết". "Tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, đầu tư…." đang là cái cớ tốt để điều chỉnh các chính sách mạnh tay hơn

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.