Thursday, August 6, 2009

Information II


Đa số các nhà kinh tế đều đồng ý rằng một trong những điều kiện tiên quyết để một nền kinh tế thị trường có thể đạt được hiệu quả tối ưu cho xã hội là không tồn tại bất đối xứng về mặt thông tin giữa các chủ thể trong nền kinh tế. Tuy nhiên trên thực tế có rất nhiều rào cản ngăn cản sự phân bổ bình đẳng thông tin trong xã hội. Bởi vậy, nhà nước, trong vai trò kiến tạo và duy trì một nền kinh tế thị trường, thường tìm cách giảm thiểu sự bất đỗi xứng thông tin qua hai hình thức: (i) đưa ra các qui định và luật pháp đảm bảo sự bạch hóa thông tin tối thiểu của các đối tác liên quan đến các hoạt động kinh tế, và (ii) đứng ra cung cấp thông tin như một dạng dịch vụ công để đảm bảo sự bình đẳng thông tin cho mọi công dân và chủ thể kinh tế.

Ví dụ điển hình nhất cho các qui định và luật phát đảm bảo bạch hóa thông tin là các qui tắc kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính hàng năm của các công ty cổ phần. Các qui định này nhằm xóa bỏ/giảm thiểu sự bất đối xứng thông tin giữa các nhà đầu tư/đối tác và những người trực tiếp vận hành công ty. Một ví dụ khác ở nhiều nước là qui định buộc các sản phẩm thực phẩm phải ghi rõ thành phần dinh dưỡng/hóa học và các nguyên liệu cấu thành. Nhìn chung, biện pháp yêu cầu bạch hóa thông tin này chủ yếu tập trung vào private information khi một bên có incentives không cung cấp đầy đủ thông tin cho các đối tác của mình.

Biện pháp giải quyết thứ hai tập trung vào các loại thông tin rất tốn kém khi đi thu thập và cũng là những thông tin bản thân nhà nước cũng cần cho việc hoạch định các chính sách của mình. Ví dụ điển hình là các thông tin kinh tế vĩ mô mà một private entity khó có khả năng và nguồn lực tự đứng ra thu thập. Để đảm bảo sự công bằng tiếp cận dịch vụ công này, nhiều nước có các đạo luật qui định rõ
quyền tiếp cận thông tin của công dân cũng như nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước. Việc đảm bảo bình đẳng thông tin này không chỉ đơn thuần là đảm bảo một quyền công dân pháp định mà còn là cách giảm thiểu tình trạng bất đỗi xứng thông tin giữa các cá nhân kinh tế và giữa các cá nhân và cơ quan quyền lực nhà nước.

Ở VN, thông tin kinh tế vĩ mô chủ yếu được TCTK, Bộ Tài chính và NHNN thu thập và công bố. Đáng tiếc là VN chưa có một đạo luật nào qui định về nghĩa vụ công bố thông tin nên các cơ quan nói trên chưa coi việc cung cấp thông tin cho người dân là nghĩa vụ của mình. Trái lại, rất nhiều thông tin kinh tế bị liệt vào dạng bí mật quốc gia và người dân không được phép tiếp cận chứ đừng nói gì đến xử lý và công bố các kết quả phân tích của mình. Một ví dụ cụ thể là các thông tin liên quan đến dự trữ ngoại tệ của VN hoàn toàn vắng bóng trên website của NHNN. Mặc dù NHNN đã và đang thực hiện một số biện pháp can thiệp vào thị trường ngoại tệ (thông qua swap), các thông tin cụ thể của việc can thiệp này vẫn được giữ bí mật. Điều này vừa làm tăng uncertainty trên thị trường ngoại tệ vừa tạo ra sự bất bình đẳng về mặt thông tin: ai có được những thông tin này có thể hoạch định kế hoạch kinh doanh của mình tốt hơn các đối thủ cạnh tranh. Các nhà kinh tế độc lập khi muốn nghiên cứu tình hình thị trường để tìm giải pháp cho tình trạng khan hiếm ngoại tệ cũng hoàn toàn "bó tay".

Cá nhân tôi trong vài tháng đầu năm 2008 khi muốn làm một số nghiên cứu về tình hình lạm phát đã gặp nhiều khó khăn khi muốn tìm hiểu tỷ trọng của các mặt hàng trong rổ hàng hóa tính CPI. Đây là một thông tin kinh tế rất căn bản và cũng không có gì bí mật, nhiều quan chức đã nhắc đến các tỷ lệ này trên báo chí. Tuy nhiên dù đã lục tìm rất cẩn thận website của TCTK tôi cũng không tài nào tìm được thông tin mình cần. Cuối cùng tôi đã phải sử dụng một nguồn tài liệu không chính thức của IMF, với những số liệu có thể đã không được cập nhật. Tại sao những tổ chức quốc tế như IMF, ADB, WB lại có quyền tiếp cận thông tin kinh tế vĩ mô của VN tốt hơn một công dân VN? Hi vọng VN sẽ sớm có một bộ luật về quyền tiếp cận thông tin của người dân và nghĩa vụ cung cấp thông tin của các cơ quan thẩm quyền.

(Một version của entry này đã được đăng trên TBKTSG)

Update: Hóa ra hệ thống National Accounts đang được cả thế giới sử dụng để thống kê thông tin kinh tế xuất phát từ nhu cầu của các chính sách chống khủng hoảng của Mỹ trong thời Great Depression.

Update: Khi tôi bắt đầu làm luận án của mình và quyết định chọn đề tài nghiên cứu về VN, một số bậc đàn anh đi trước đã khuyên rằng nên chọn đề tài nào mà có thể dễ dàng kiếm được số liệu. Cho đến mấy năm gần đây nhiều bạn nghiên cứu sinh tôi có dịp tiếp xúc vẫn tiếp tục cho rằng số liệu kinh tế VN, cả chất lượng lẫn khả năng tiếp cận, là trở ngại lớn nhất khi làm luận án. Thật lãng phí khi sinh viên kinh tế không nghiên cứu được những đề tài cần cho xã hội chỉ mà chỉ làm được những đề tài có sắn số liệu.

Update (07/08): Có một hi vọng nhỏ là các nguồn số liệu độc lập như Google trend hay night lights sẽ ngày càng được cải thiện khi công nghệ phát triển và các nhà nghiên cứu sẽ bớt phải phụ thuộc vào thông tin macro do nhà nước thu thập.

Update (14/08): TCTK vừa công bố kết quả sơ bộ cuộc điều tra dân số và nhà ở lần 3 (04/2009). Không biết đây có phải hội nghị mà bác Nguyễn Văn Tuấn than phiền hay không, nhưng đúng là không thể hiểu được tại sao Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lại phải tham gia hội nghị này. Btw, kết quả khảo sát dân số lần này cho biết tỷ lệ thất nghiệp của VN là 4.6%, tuy nhiên tổng số người thất nghiệp và thiếu việc làm lên đến 10%. Định nghĩa của người thiếu việc là làm việc dưới 35 giờ/tuần. TCTK sẽ tiến hành một cuộc điều tra riêng về việc làm trong tháng 9/2009.


4 comments:

  1. Xin chia sẻ với TS về chuyện số liệu ở VN. Như chuyện tỉ lệ thất nghiệp thì kiếm mòn không ra... Nhiều khi đọc các báo cáo của ANZ hay Economist Intelligence Unit về Việt Nam mà tự hỏi họ lấy số liệu ở đâu.

    ReplyDelete
  2. Tôi thì nghĩ nhiều loại dữ liệu vi mô ở Việt Nam thuộc loại dễ tìm dễ lấy đấy ạ. Ví dụ như thông tin thất nghiệp có thể lấy từ điều tra lao động hàng năm do ILO giúp MOLISA. Chỉ có dữ liệu về chính sách tiền tệ là khó tiếp cận.

    ReplyDelete
  3. @QA: Vấn đề là ai có thể "dễ lấy" thông tin từ MOLISA hay các cơ quan chính phủ khác? Hơn nữa vấn đề không chỉ là ai được lấy, mà còn là những thông tin nào cần/phải được công bố công khai và định kỳ cho tất cả người dân. TBKTSG đang support cho một bộ luật như vậy, tôi ủng hộ báo này và những người đang soạn luật.

    ReplyDelete
  4. Can nguyen cua van de la nhung nguoi dang ra phai co trach nhiem cong bo va quan ly so lieu chua hieu gia tri cua so lieu. Nuoc ta chua co mot van hoa su dung va luu tru so lieu theo dung nghia cua no.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.