Tuesday, December 15, 2009

Paul Samuelson


Nghe tin Samuelson qua đời bỗng thấy có gì đó mất mát dù vẫn biết ông đã rất cao tuổi.

Năm 1997 tôi được học bổng đi học MBA và bắt đầu ôn luyện tiếng Anh trước khi đi du học. Một người bạn khuyên nên lấy một quyển textbook bằng tiếng Anh đọc trước, vừa để học tiếng vừa có thêm một số kiến thức cơ bản. Tôi đã nghe theo lời khuyên này và tình cờ tìm được quyển Economics của Paul Samuelson (có lẽ edition 6-7 gì đó). Không ngờ đây là quyển sách đã giúp tôi quyết định xin chuyển từ MBA sang economics, một quyết định tôi không bao giờ hối tiếc.

Ngay trong chương đầu tiên, định nghĩa của kinh tế học với hai tiên đề "unlimited wants" của con người và "limited resources" của xã hội đã giúp tôi hiểu ra rằng tại sao trước đó nhiều học giả đã kết luận chủ nghĩa xã hội/cộng sản là "không tưởng". Đã từng "hưởng thụ" những ngày tháng tươi đẹp cuối cùng của CNXH ở Liên xô, rồi chứng kiến sự cùng cực của xã hội Nga sau những cuộc đảo chính, tôi chợt nhận ra rằng kinh tế học không chỉ là những bài học giáo điều đầy rẫy những khẩu hiệu tuyên truyền mà tôi bị nhồi sọ trước đây, nó cũng không chỉ là công cụ để "kiếm tiền" như tôi đã nghĩ khi đăng ký học MBA. Đây là một ngành khoa học có ảnh hưởng vô cùng lớn vào sự phồn thịnh, thậm chí tồn vong, của một xã hội. Cho đến bây giờ, sau khi chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính và những up/downs của kinh tế thế giới, bài học đầu tiên mà tôi học được từ giáo trình của Paul Samuelson hoàn toàn chính xác.

Tôi cũng như rất nhiều người khác đã được "inspired" bởi quyển textbook của Paul Samuelson. Dù chưa gặp ông lần nào, tôi vẫn luôn coi Samuelson là người thầy đầu tiên về kinh tế học. Thank and Rest in Peace.

Update (16/12): Krugman tóm tắt 8 seminal contributions của Paul Samuelson. Tôi đồng ý với một commenter trên blog của Krugman rằng comparative statics là một "phát minh" quan trọng nữa của Samuelson.

Update (17/12): Một bài viết của Michael Hudson phê phán kinh tế học nói chung và Paul Samuelson nói riêng published năm 1970 sau khi Samuelson được trao giải Nobel Kinh tế.

Update (24/12): Krugman phản hồi lại bài phê phán Samuelson của Micheal Hudson. Lập luận chính của Krugman là ... pragmatism. Trong Great Depression, classical economics và political economy đã trở nên vô tác dụng, chỉ có Keynesian economics mà Samuelson là một trong những người có công phổ biến chỉ ra được giải pháp.


23 comments:

  1. Em cũng được học những bài học kinh tế vỡ lòng từ Paul's textbook. Quả thật trước đó trong suy nghĩ luôn cho rằng chính phủ Việt Nam có thể giữ được "tham vọng" tăng trưởng GDP 8-10% trong một thời gian dài nhưng bài học về nguồn lực khan hiếm cho biết rằng điều đó là không thể bởi trước sau gì cũng bị lạm phát đánh gục.

    Hiện em còn giữ được hai bản dịch Economics, một bản dịch trước 1975 ở miền Nam và một bản dịch khoảng năm 1992 ở miền Bắc. Hai bản dịch cách nhau một thời gian tương đối dài cho thấy sự thay đổi của kinh tế học.

    Nhưng càng ngẫm nghĩ thì thấy rằng hai tiên đề của kinh tế học mà anh Giang đề cập ở trên càng đúng qua thời gian.

    Có một chương về tăng trưởng kinh tế trong dài hạn của Paul mà em rất thích trong đó ông giải thích về dài hạn tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa trên sự thay đổi về mặt năng suất.

    Em cũng như nhiều người đã đọc textbook của ông luôn xem ông như một người thầy lớn của mình.

    R.I.P Paul Samuelson.

    ReplyDelete
  2. Về khẩu hiệu trứ danh của Marx
    Nếu chỉ dựa vào hai tiên đề ""unlimited wants" của con người và "limited resources" của xã hội" mà đã vội kết luận rằng ý tưởng về CNCS là không tưởng, thì e rằng những học giả đó chưa hiểu biết nhiều lắm về tư tưởng của Marx.
    Tôi đồ rằng những người kết luận rất dễ dàng như thế có lẽ mới chỉ nghe nói rằng "CNCS là một xã hội hết sức tốt đẹp, tại đó mỗi người được quyền làm theo năng lực và hưởng theo nhu cầu", mà chưa tìm hiểu đến nơi đến chốn thực ra cái câu "làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu" đó được Marx viết trong văn cảnh nào, có nội hàm gì.
    Mặc dù người ta có thể biết rằng cái câu đó được Marx viết trong "Phê phán Cương lĩnh Gotha", nhưng để hiểu được nội hàm của nó, hiểu được vì sao Marx lại viết như thế, thì phải nắm vững toàn bộ học thuyết Marx, ít nhất là phải đọc hết bộ Tư bản và các tác phẩm chủ chốt khác của Marx đã. Liệu trong các học giả đó đã mấy ai làm được điều đó? Bản thân anh Giang, khi cho rằng mình đã hiểu ra vì sao các học giả kia kết luận như thế, anh đã đọc các tác phẩm đó của Marx chưa?
    Lẽ nào một người như Marx, bên cạnh còn có những đồng chí cũng rất thông minh, uyên bác như Engels, Bebel, Rosa Luxemburg... lại không thấy được rằng mong muốn của con người ta là vô hạn, còn năng lực, nguồn lực là hữu hạn? Phải có lý do nào đó để họ phát biểu câu đó chứ? Anh Giang đã bao giờ thử đặt cho mình câu hỏi đó chưa?
    Không thể chỉ trong vài dòng vắn tắt của một comment mà có thể trình bày rõ ràng về cái khẩu hiệu "không tưởng" đó được. Tôi chỉ xin đi vào một vài điểm chủ chốt nhất.
    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  3. Thứ nhất, cái từ "want" kia nghĩa là gì? Nó là mong muốn, hay là nhu cầu? Nó là nhu cầu thực, hay là nhu cầu viển vông?
    Trong khẩu hiệu của Marx, từ đó là "nhu cầu" chứ không phải "mong muốn", và là nhu cầu thực của xã hội, chứ không phải nhu cầu viển vông. Ví dụ, nhu cầu về thực phẩm của con người là 10kg gạo, 15kg thịt v.v.../tháng, chứ không phải nhu cầu ăn vòi voi tay gấu.
    Thứ hai, nhu cầu mà Marx nói đến ở đây là nhu cầu vật chất, tức là nhu cầu về các sản phẩm do lao động con người làm ra để phục vụ cho đời sống con người. Nó không phải là những nhu cầu kiểu như đòi có 10 vợ, đòi làm thủ tướng, đòi dát vàng cho toilet v.v... Trong tháp nhu cầu của Maslow thì đây là các nhu cầu ở tầng thấp nhất. Do đó, khi các nhu cầu này được thỏa mãn thì con người ta chuyển sang các nhu cầu khác ở mức cao hơn, và con người ta vẫn có vô khối động lực để phấn đấu, chứ không phải là lúc đó con người ta không còn động lực phấn đấu nữa như nhiều người vẫn thắc mắc.
    Thứ ba, mong muốn thì có thể vô hạn (có ai đánh thuế đâu!) nhưng nhu cầu vật chất thực sự thì không hề vô hạn, mà hữu hạn về lượng, tuy vô tận về chất. Điều đó nghĩa là thế nào?
    Nó có nghĩa, anh Giang một bữa không thể ăn quá 1kg thịt, một ngày không thể tiêu thụ quá 3000 Kcl; không thể mặc cùng một lúc hơn một bộ quần áo, đi hơn một chiếc xe hơi. Nhà anh ở chắc chỉ cần đến 1-2 chiếc tủ lạnh, vài chiếc ti vi v.v... Hữu hạn là vậy.
    Nếu có loại ti vi đời mới, anh sẽ vứt loại cũ đi, thay bằng loại mới, nhưng kiểu gì thì trong nhà cũng chỉ có vài chiếc ti vi mà thôi. Ti vi có thể cải tiến đến vô tận, thời trang quần áo có thể thay đổi đến vô tận, đó gọi là vô tận về chất vậy. Nhưng tổng nhu cầu của xã hội thì bao giờ cũng là một con số hữu hạn, và xã hội hoàn toàn có khả năng đáp ứng.
    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  4. Thứ tư, cần phải hiểu điều này: ở đây Marx không đưa ra một khẩu hiệu "dân túy" để mỵ dân, mà là đang nói về một "phương thức phân phối" kiểu mới, khác với các phương thức phân phối từng tồn tại trong lịch sử. Phương thức phân phối này không phải do ai đó tự ý nghĩ ra. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ phát triển của sức sản xuất xã hội, và vào phương thức sản xuất của xã hội. Ví dụ, PTSX TBCN (đặc trưng bởi chế độ lao động làm thuê) quy định PTPP TBCN (giai cấp lao động nhận tiền công theo giá trị sức lao động, giai cấp tư bản nhận lợi nhuận tỷ lệ với tổng tư bản xã hội). PTPP TBCN khiến cho hàng hóa luôn ở tình trạng dư thừa, mà dư thừa không phải vì sản xuất quá nhiều, mà chỉ vì tổng thu nhập của giai cấp lao động (cũng là người tiêu dùng chủ yếu) bao giờ cũng nhỏ hơn nhiều so với tổng giá trị của đống hàng hóa do chính họ làm ra. Nhu cầu không được đáp ứng, trong khi hàng hóa ế thừa là nghịch lý của CNTB. Dù sản xuất ít hay nhiều thì hiện tượng này vẫn tồn tại, không cách nào giải quyết. Các biện pháp cho vay, mua trả chậm, rồi bong bóng chứng khoán, nhà đất để tạo ảo tưởng giàu có khiến người dân mạnh tay mua sắm, ngân hàng mạnh tay cho vay, rồi thì Lý thuyết cầu hữu hiệu, rồi thì chính sách kích cầu của trường phái Keynesian v.v... thực chất chỉ nhằm chữa trị căn bệnh kinh niên mà Marx đã phân tích kỹ lưỡng từ lâu rồi mà thôi, nhưng làm sao mà chữa nổi. Nó chỉ có thể làm giảm nhẹ mức độ trầm trọng của các cuộc khủng hoảng là cùng.
    Chuyện gì sẽ xảy ra nếu PTSX thay đổi (không còn chế độ làm thuê, chỉ còn toàn những người lao động tự do đã liên hiệp lại) dẫn đến PTPP thay đổi?
    Anh Giang hãy hình dung, nơi tôi đang làm việc là một công ty cổ phần lớn, lợi nhuận sau thuế mỗi năm trên ngàn tỷ đồng. Tổng quỹ lương của công ty mỗi năm khoảng 50 tỷ đồng. PTPP ở đây là theo kiểu TBCN như đã nói ở trên (người lao động nhận lương, ông chủ - tức là các cổ đông - nhận lợi nhuận và chia nhau theo vốn góp). Với 50 tỷ đồng thu nhập chia cho cả ngàn người thì rất nhiều nhu cầu của người lao động chúng tôi không được thỏa mãn (trong khi hàng hóa ế đầy ra). Còn đám cổ đông, họ chỉ là một số ít người (không kể đám cổ đông lìu tìu có một vài ngàn cổ cánh chẳng bõ lãnh cổ tức), có thu nhập mỗi người hàng chục tỷ mỗi năm, thì tiêu sài cho gia đình họ cũng "ít" thôi, độ vài tỷ gì đó. Còn lại, họ đem đầu tư tiếp, để tư bản của họ tiếp tục sinh sôi nảy nở. Như thế, người có nhiều tiền thì không chịu tiêu dùng (tiêu dùng cá nhân chứ không phải tiêu dùng cho sản xuất); còn người có ít tiền thì dĩ nhiên không thể tiêu dùng quá số thu nhập của họ.
    Nếu như vào một ngày đẹp trời nào đó đám cổ đông kia bị truất quyền sở hữu công ty (tài sản riêng của họ như nhà cửa, xe cộ, nhẫn kim cương... thì để lại cho họ, hí hí hí...), thì số lợi nhuận cả ngàn tỷ kia sẽ được đem chia cho toàn bộ tập thể người lao động của công ty, từ ông giám đốc tới cô bé tạp vụ, theo mức độ đóng góp của mỗi người. Các cổ đông xưa kia, nếu họ trực tiếp làm việc trong công ty, thì cũng được chia một phần tương ứng với công sức bỏ ra, chứ không theo tỷ lệ vốn góp nữa. Đó gọi là PTPP "làm theo năng lực, hưởng theo lao động" mà Marx nêu ra trong "Phê phán cương lĩnh Gotha" vậy.
    (còn tiếp)

    ReplyDelete
  5. Rõ ràng chỉ một động tác thay đổi PTPP đã làm thu nhập của mỗi người lao động, cũng tức là tổng sức mua có khả năng thanh toán của xã hội, tăng lên vài chục lần, mà chưa cần phải gia tăng sản lượng một tí ti nào hết. Với mức thu nhập đó thì hầu hết những nhu cầu vật chất của con người ta đều được thỏa mãn, và nạn sản xuất thừa giả tạo kia được giải quyết tức khắc.
    Có một luận điểm rất phổ biến rằng nếu không có tư hữu, tức là không có đám cổ đông kia, thì công ty sẽ rơi vào tình trạng cha chung không ai khóc, không thể phát triển. Trên thực tế, sự phát triển của công ty phụ thuộc vào khả năng điều hành của ban giám đốc (gồm chủ yếu là người làm thuê ăn lương) và người lao động, chứ không phụ thuộc vào tài trí của đám cổ đông kia. Chỉ cần có ưu đãi xứng đáng là ban giám đốc nói riêng, tập thể người lao động nói chung sẽ làm việc hết sức mình. Làm thuê mà đã vậy, huống chi giờ đây làm việc cho chính bản thân mình, lợi nhuận chia nhau, thì chắc chắn ý thức của người lao động còn được nâng cao nữa. Anh Giang có cho điều này là ảo tưởng không?
    Các hợp tác xã, rồi thì xí nghiệp quốc doanh xưa kia làm ăn không ra thể thống gì chỉ vì người lao động ở đó đâu có được làm chủ HTX, xí nghiệp; còn lương của giám đốc thì cũng bị cào bằng nên phải tìm cách để lậu nhiều hơn lương. Không thể lấy cái đó ra để phản bác hình thức hợp tác theo kiểu XHCN như vừa mô tả ở trên được.
    Cuối cùng, cũng cần đọc Marx để nắm rõ quan điểm duy vật biện chứng của ông: ý thức con người do tồn tại xã hội quyết định, và khi xã hội phát triển thì ý thức con người cũng phát triển theo. Trong xã hội tư bản, khi con người ta phải chật vật tìm kiếm việc làm để không chết đói, khi làm việc thì bị ép làm hết sức mình, còn lợi nhuận làm ra thuộc về người khác, thì người ta không thích lao động là điều dĩ nhiên. Sẽ khác hẳn khi người ta làm việc cho bản thân mình.
    Cũng trong PTSX TBCN, vì mục đích là lợi nhuận, vì khủng hoảng thừa nên các nhà TB phải cạnh tranh nhau kịch liệt, phải tìm mọi cách tiêu thụ hàng hóa. Do đó mà hình thành nên xã hội tiêu thụ - tiêu thụ càng nhiều càng tốt, bất chấp phung phí tài nguyên, nhân lực. Do đó mà đồng tiền được đề cao, người ta đánh giá nhau thông qua tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, hàng hiệu v.v.. Do đó mà nảy ra cái tín điều rằng "nhu cầu" của con người ta là vô hạn, là không thể đáp ứng!

    ReplyDelete
  6. Khi PTSX mới ra đời, kéo theo PTPP mới như mô tả ở trên, khi mà sản xuất nhằm đáp ứng nhu cầu con người, chứ không nhằm mục đích lợi nhuận, thì không còn hiện tượng sản xuất thừa lẫn cạnh tranh nữa, và con người ta tự dưng thấy những trò chạy theo tiền tài, vật chất kia đúng là nhố nhăng. Ý thức của con người ta thay đổi theo. Người ta chỉ tiêu dùng vừa phải thôi, và phấn đấu khẳng định mình bằng những thứ khác chứ không phải bằng cách khoe của. Khi đó mặc dù sức sản xuất xã hội rất cao, nhưng xã hội không nhất thiết phải sản xuất một cách điên cuồng như thời CNTB kia nữa, mà chỉ sản xuất vừa đủ thôi. Tức là sản xuất có thể thu hẹp lại so với bây giờ mà vẫn thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất của con người. Người lao động có lẽ chỉ còn phải làm việc độ vài ba tiếng đồng hồ mỗi ngày, vài ba ngày mỗi tuần là đủ sản xuất ra lượng của cải cần thiết để thỏa mãn mọi nhu cầu – chính là “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” vậy. Thời gian còn lại thì đi chơi, câu cá, vẽ tranh, nghiên cứu kinh tế học (kinh tế học lúc đó không còn dựa trên hai tiên đề trứ danh kia nữa, mà cũng không còn một loạt quy luật về cung cầu, về ích dụng biên, về tương quan giữa lãi suất, thất nghiệp, tăng trưởng này nọ nữa, hí hí hí... Cái này thì các kinh tế gia tư sản không hiểu đâu, họ luôn nghĩ rằng những tiên đề, phạm trù, quy luật đó sẽ tồn tại vĩnh viễn.
    Dưới thời CNTB thì không có chuyện đó đâu nhá: dù công nghệ có phát triển đến mấy, năng suất có tăng lên bao nhiêu lần, thì người lao động vẫn cứ phải làm việc đủ 7-8 tiếng một ngày, 5-6 ngày một tuần, trong khi có những người thì thất nghiệp! Để còn mang lại giá trị thặng dư cho ông chủ chứ lị!).

    ReplyDelete
  7. Tóm lại nên hiểu rằng “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” nói chung không phải là một đặc trưng, và thậm chí cũng không phải là mục tiêu cuối cùng của CNCS như người ta vẫn tưởng. Nó chỉ là một hệ quả tự nhiên của quá trình phát triển của xã hội, khi chuyển từ PTSX TBCN sang PTSX CSCN mà thôi. Xin nhắc lại: đặc trưng của CNCS là ở chỗ: không còn chế độ lao động làm thuê dựa trên tư hữu về tư liệu sản xuất. Chỉ còn những người lao động tự do đã liên hiệp lại (trong số này có cả những người trước kia từng là nhà tư bản), cùng nhau sử dụng tư liệu sản xuất và phân chia sản phẩm làm ra. Mục tiêu lớn nhất của CNCS, xét như một học thuyết, như Marx và Engels nhiều lần nhấn mạnh (vì người ta hay quên quá, rồi nói linh tinh), đó là giải phóng giai cấp lao động. Giải phóng giai cấp lao động khỏi chế độ lao động làm thuê đã khiến họ mất nhân tính, trở nên xa lạ với chính bản thân mình, thù ghét lao động, để trả lại cho họ nhân cách thực sự, với tình yêu lao động, tình yêu con người thực sự. Giải phóng bằng cách thủ tiêu các điều kiện kinh tế xã hội đã sản sinh ra PTSX TBCN, thay vào đó là các điều kiện mới. Và dĩ nhiên điều đó chỉ có thể thực hiện khi các điều kiện vật chất đã hội tụ đầy đủ, chứ không phải cứ muốn là được, cứ cướp chính quyền rồi quốc hữu hóa mọi thứ là xong. Thế thôi. Còn “hưởng theo nhu cầu” ư, cái đó chỉ là chuyện vặt vãnh, Marx nhân tiện nói qua mà thôi.
    Đại khái thế. Ở đây ta chưa bàn đến việc một xã hội như thế có khả năng xuất hiện hay không, và nếu xuất hiện thì bức tranh có đúng như thế hay không. Điều quan trọng là, cần hiểu rõ tí chút về hệ thống tư tưởng của Marx trước khi đưa ra nhận xét phê phán nào đó. Nếu không hiểu rõ tư tưởng của người ta thì chỉ có thể chê bai, chứ không thể phê phán (phê phán hiểu theo nghĩa mà các triết gia hay dùng, tức là mổ xẻ, phân tích vấn đề từ đủ các góc độ khác nhau).
    Để kết thúc cái comment dài dòng văn tự này xin nói thêm, những trường đại học bất vụ lợi như Harvard, nơi không có các cổ đông chủ sở hữu, nơi lợi nhuận làm ra không phải chia cho ai dưới dạng cổ tức, mà được dùng để nâng cao đời sống tập thể cán bộ nhân viên của trường, để cải thiện cơ sở vật chất của trường v.v..., chính là hình ảnh hiện thực của một xí nghiệp XHCN, với PTPP "làm theo năng lực, hưởng theo lao động", với tinh thần làm chủ tập thể và thi đua XHCN điển hình đấy anh Giang ạ!

    ReplyDelete
  8. @Gildhanoi: Cám ơn bác đã bỏ thời gian ra giải thích cho tôi những kiến thức căn bản của học thuyết Marx. Thú thực tôi không biết nhiều về Marx và chưa đọc được mấy các công trình của ông nên tôi tạm thời hiều Marx qua lăng kính của bác.

    Đáng tiếc là sau khi đọc xong bài viết rất công phu bên trên tôi vẫn thấy CNXH/CNCS là không tưởng. Nó đẹp thật đấy nhưng có lẽ trong vài trăm năm nữa khó có thể trở thành hiện thực, còn vài nghìn năm nữa thì tôi không dám nói, chẳng biết văn minh nhân loại có tồn tại được đến lúc đó hay không. Tôi vẫn tin vào qui luật tiến hóa: the fittest will survive, not the nicest.

    Có lẽ bác đồng ý với tôi là những experiments về phi giai cấp, phi tư hữu, central planning cho đến thời điểm này đã không thành công. Có nhiều lý do, từ việc người ta (Lenin, Stalin, Mao, Lê Duẩn, Kim Nhật Thành, Polpot...) đã không thực hiện đúng lời Marx dạy cho đến hàng tỷ lý do khách quan/lịch sử khác. Nhưng với một người có suy nghĩ mundane/pragmatic như tôi, đó là bằng chứng cho thấy CNCS là một giấc mơ không tưởng. Jesus tin vào một xã hội chỉ có yêu thương, Buddha tin vào một xã hội không còn ham muốn, Marx tin vào một xã hội không còn bóc lột. Tất cả các niềm tin đó đều đẹp nhưng có lẽ chưa/không phù hợp với biology của homosapien.

    ReplyDelete
  9. Chào anh Giang,
    Mấy thứ lăng nhăng tôi viết ở đây có gì đâu mà phải gọi là "công phu". Nó chỉ là sự trình bày một cách cực kỳ sơ sài, vắn tắt một vài điểm trong hệ thống tư tưởng của Marx mà thôi. "Công phu" thực sự là ở mấy nghìn trang sách của Marx kia!
    Việc anh Giang dù sao vẫn cho rằng CNCS là không tưởng thì hoàn toàn dễ hiểu. Anh tin ngay vào những điều tôi viết thì mới là đáng lạ! Không thể qua một vài dòng trình bày vắn tắt mà có thể khiến người ta lĩnh hội được một vấn đề cực kỳ phức tạp như vấn đề quy luật phát triển của xã hội được. Đây là Marx chứ đâu phải Samuelson!
    Qua cái cách anh nói: "Nó đẹp thật đấy nhưng có lẽ trong vài trăm năm nữa khó có thể trở thành hiện thực; Tôi vẫn tin vào qui luật tiến hóa: the fittest will survive, not the nicest;những experiments về phi giai cấp, phi tư hữu, central planning cho đến thời điểm này đã không thành công v.v..." cho thấy anh vẫn hầu như chưa hiểu gì về CN Marx.
    Nếu như anh biết rằng người ta vẫn hay so sánh CN Marx với học thuyết tiến hóa của Darwin (mà mấu chốt của học thuyết Darwin chính là cái quy luật anh tâm đắc đó)thì có lẽ anh sẽ hiểu rằng học thuyết Marx không bàn về cái nicest, ideal, mà bàn về những khả năng hiện thực phù hợp với một số quy luật nào đó.
    Nếu như anh hiểu rõ thế nào là xã hội không có giai cấp, thế nào là nền kinh tế có kế hoạch trong học thuyết Marx, thì anh có thể đã hiểu rằng những cái mà anh cho là "experiments về phi giai cấp, phi tư hữu, central planning" thì hoàn toàn xa lạ với CN Marx. Lấy chúng ra để củng cố lòng tin về sự không tưởng của CN Marx thì xem ra chưa được hợp lý lắm đâu anh Giang ạ.

    Có thể so sánh thế này cho dễ hình dung. Vào cái thời mà người ta mới chỉ biết đến máy bay cánh quạt, hoặc viên đạn được đẩy đi nhờ sức đẩy của thuốc súng, thì nhà bác học Xi-ôn-cốp-xki người Nga đã chứng minh bằng lý thuyết rằng những cái đó sẽ không thể đưa con người ta thoát khỏi sức hút của Trái đất được. Cần dùng một loại nhiên liệu khác, là nhiên liệu lỏng, cho động cơ phản lực, thì mới có thể đưa con người ta bay vào vũ trụ được.
    Dĩ nhiên đối với những người chỉ biết có động cơ cánh quạt và thuốc súng, cho rằng không thể có thứ nhiên liệu nào khác tốt hơn, và cũng không buồn ngó xem Xi-ôn-cốp-xki viết gì, thì những điều Xi-ôn-cốp-xki nêu ra có vẻ rất không tưởng, chỉ là một giấc mơ đẹp mà thôi. Họ tin chắc điều đó cũng như anh tin vào sự tồn tại vĩnh viễn của kinh tế thị trường, của các quy luật kinh tế mà anh được học từ cuốn sách của Samuelson và các kinh tế gia tư sản khác, cũng như niềm tin của anh vào sự không tưởng của CN Marx vậy thôi.
    Cái mà anh cho là lối suy nghĩ pragmatic đó, nó có lẽ là thực dụng thật đấy! Thực dụng ở đây, xét theo nghĩa nào đó, đồng nghĩa với thiển cận, vì chỉ nhìn thấy những gì đang diễn ra trước mắt, mà không quan tâm tới sự phát triển dài lâu. Và nếu thế giới này chỉ toàn lối tư duy thực dụng như vậy, thì số phận của các triết gia sẽ rất buồn đấy, hu hu hu...

    ReplyDelete
  10. Tôi thấy cách quan niệm của Girlhanoi said... về "nhu cầu của con người" quá sơ sài, cụ thể ở hai điểm sau:
    1. Bỏ qua yếu tố dịch vụ (services).
    2. Bỏ qua yếu tố chất (quality), chỉ nhấn mạnh lượng (quantity). Nếu bác có thời gian đọc qua mô hình tăng trưởng quality ladder thì sẽ thấy một cách định nghĩa goods(hàng hóa) dựa trên chất lượng.

    ReplyDelete
  11. @Anonymous at December 22, 2009 7:56 am
    Chào bạn,
    Ở đây chúng ta cần nắm rõ đang bàn về cái gì. Trong comment của mình tôi không đưa ra định nghĩa của mình về "nhu cầu", mà đang tập trung làm rõ, khái niệm "nhu cầu" trong câu nói của Marx mang ý nghĩa cụ thể gì. Bởi vì tôi thấy nhiều người tuy không hiểu rõ Marx viết về cái gì đã vội nhận định một cách rất dễ dãi thế này thế nọ. Ví dụ, người ta thường xuyên lẫn lộn "mong muốn" với "nhu cầu thực", cho nên mới tưởng lầm rằng nhu cầu của con người là "vô hạn".
    Căn cứ vào đâu mà bạn bảo là tôi bỏ qua yếu tố dịch vụ thế nhỉ? Khi nói đến sản phẩm do lao động con người làm ra, thì luôn bao gồm cả dịch vụ nữa, không lẽ tôi phải nhắc mới xong?
    Tiếp nữa, tôi chưa hiểu rõ cái câu của bạn rằng tôi chỉ nhấn mạnh lượng mà bỏ qua chất là thế nào. Trong comment tôi viết rất rõ rằng nhu cầu của con người ta, và bản thân các sản phẩm dùng để thỏa mãn các nhu cầu đó, có thể phát triển vô tận về chất (thịt ngon hơn, ti vi hiện đại hơn...) nhưng luôn hữu hạn về lượng. Chính vì thế mà năng lực sản xuất của xã hội hoàn toàn có khả năng đáp ứng. Bạn có định vác về nhà 100 cái tủ lạnh nếu được quyền "hưởng theo nhu cầu" không đấy???

    ReplyDelete
  12. Gửi bác Girlhanoi,
    1. Về vấn đề vai trò của học thuyết của Marx đối với CNTB, về giá trị của bản thân học thuyết này thì đã có quá nhiều người bàn tới.
    Bác có thể tham khảo bài góp ý của Nguyễn Quang A gửi Nguyễn Đức Bình (ở đâu đó trên mạng, nếu bác chịu khó tìm). Cũng như anh Giang, tôi không hiểu nhiều về Chủ nghĩa Marx lắm, nhưng đọc qua những bài như thế cũng thấy kết luận "rõ như ban ngày", và rút ra cho mình là nên tập trung thời gian (một scarce resource) để nghiên cứu Kinh tế học hiện đại thì hơn.
    2.Trở lại vấn đề đang bàn. Bác nêu ra nào là 10kg gạo, 15kg thịt, 100 cái tủ lạnh, cho thấy bác chưa xét đến yếu tố dịch vụ.
    3. Như vậy là bác cũng thừa nhận là nếu tính cả yếu tố chất lượng (quality) thì nhu cầu của con người là vô hạn. Vậy vấn đề ở đây chỉ còn là: cách quan niệm "nhu cầu của con người = nhu cầu về hàng hóa hiện vật => hữu hạn" là của Marx, hay của bác. Nhưng như tôi đã nhận xét đó, dù của ai đi nữa nói về nhu cầu của con người mà chỉ xét đến mặt lượng là không ổn.

    ReplyDelete
  13. Gửi bạn Anonymous,
    Hình như bạn quá câu nệ vào câu chữ cụ thể mà không chịu hiểu rõ ý người viết thì phải. Tôi đã viết rồi, sản phẩm của lao động thì đã bao hàm cả dịch vụ, ai hiểu biết một chút về kinh tế học đều rõ điều đó, không lẽ phải nói ra thì bạn mới hiểu. Còn mấy cái kia chỉ là ví dụ thôi. Nếu bạn muốn thì có thể thêm vào, đại khái: Bạn có định đi cắt tóc 10 lần mỗi ngày nếu được quyền "hưởng theo nhu cầu" không vậy?
    Về vai trò của CN Marx thì đúng là có rất nhiều người bàn tới. Vấn đề là giá trị của những lời bàn đó tới đâu kia? Nếu người bàn là người chưa đọc Marx một cách nghiêm túc thì lời bàn của họ có rất ít giá trị. Phần lớn lời bàn của họ dựa trên sự hiểu biết rất sơ sài, thậm chí sai bét, về CN Marx.
    Bài của Ts Nguyễn Quang A thì tôi cũng đã đọc từ lâu, khi nó mới xuất hiện, vào năm 2006 thì phải, hồi trước Đại hội X. Xin bật mí với bạn: Ts Nguyễn Quang A cũng nằm trong số những người hiểu biết rất sơ sài về CN Marx, và bài viết của ông ấy thể hiện rất rõ điều đó. Dựa vào những bài kiểu đó mà đã vội rút ra kết luận "rõ như ban ngày", e rằng chưa đúng với phong cách nghiên cứu khoa học đâu bạn ạ. Dĩ nhiên chẳng ai bắt bạn đi nghiên cứu CN Marx nếu bạn không thích.

    Bạn vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa "vô tận về chất" với "vô hạn về lượng" hay sao ấy nhỉ? Tôi không nói rằng nhu cầu của con người, nếu tính cả yếu tố chất lượng, là vô hạn đâu nhé. Tôi viết rất rõ: nhu cầu và sản phẩm có thể phát triển đến vô tận về chất, nhưng luôn hữu hạn về lượng. Đừng có ăn bớt hai chữ "phát triển" của tôi chứ! Nếu viết vậy mà bạn vẫn không hiểu thì tôi cũng xin chịu thua!

    ReplyDelete
  14. @Girlhanoi: Tôi không bao giờ dám xem nhẹ các nhà triết học, ngược lại là khác. Tôi đã từng nghĩ rằng VN không phải là một dân tộc lớn vì chúng ta không có một philosopher/thinker lớn nào trong lịch sử (và hiện tại). Do vậy nếu chấp nhận thân phận follower thì pragmatism hoàn toàn chấp nhận được. Nếu tư tưởng Marx đúng và sẽ trở thành hiện thực, VN nên nhường vai trò tiên phong cho một dân tộc/đất nước khác làm thành công rồi follow. Trong lúc đó tôi rather học sách của Samuelson hơn là ngồi nghiền ngẫm Marx để tìm giải pháp cho những vấn đề như lạm phát 2 chữ số trong năm 2010. Đấy là pragmatism theo cách hiểu của tôi, dù có thế là "thiển cận" theo cách nhìn của các nhà Marxist.

    @Anonymous: Cám ơn bạn đã tham gia thảo luận. Tôi hiểu ý của bạn về service và quality của hàng hóa. Một khía cạnh nữa liên quan đến unlimited wants là uncertainty. Tôi có thể sẵn sàng khuân về 100 cái tủ lạnh nếu tôi không chắc tủ lạnh sẽ available trong tương lai. Hai vấn đề lớn nữa của CNXH là information và incentive/competition, đã được Hayek và Kornai thảo luận rồi. Cả hai vấn đề này đều quan trọng cho sự tiến hóa của một xã hội cũng như bất kỳ một ecosystem nào khác.

    ReplyDelete
  15. Gửi bác Girlhanoi,
    1. Bác mang một ví dụ là cắt tóc ra để nói là nhu cầu về dịch vụ của con người cũng có hạn là hơi vội. Tôi đưa ra cho bác vài ví dụ khác để thấy nhu cầu của con người là vô hạn, nếu không thì cũng sẽ lớn vô cùng nhé. Nếu cứ ước gì được đó, không bị ràng buộc gì cả thì tôi muốn FC Barcelona đến sân Hàng Đẫy của Hà Nội để biểu diễn bóng đá cho tôi xem, muốn Michael Jackson sống lại để hát cho tôi nghe bài Beat it, muốn đi du lịch khắp thế giới bằng máy bay với ghế hạng thương gia, muốn mời GS Stiglitz đến để nói chuyện về Kinh tế học, v.v và v.v. Bác có thể ngồi nghĩ ra đủ thứ bác muốn.
    2. Thêm vào information và incentive như anh Giang đề cập, theo tôi một điều rất đơn giản nhưng cũng cơ bản và cực kỳ quan trọng, được Kinh tế học coi là lý do tồn tại của mình, mà học thuyết của Marx không hề nhắc tới là ràng buộc về nguồn lực (resource constraint), hay như anh Giang nhắc đến ở phần đầu là limited resources. Không ai là không phải đối mặt với resource constraint ở dạng này hay dạng khác. Và chính vì phải đối mặt với ràng buộc về nguồn lực mà chúng ta phải lựa chọn, lựa chọn cái tốt hơn, cái tối ưu. Chính vì thế tôi rất tâm đắc với câu định nghĩa "economics is the science of choice", mà cái choice ở đây là constrained choice. Tôi ngẫm thấy cái lựa chọn trong điều kiện ràng buộc này là bản chất của rất nhiều hành vi của con người (bao gồm cả cá nhân và tổ chức). Và chính nó là điều kiện dẫn đến efficient, đến cái tốt hơn. Khi không có nó, lãng phí nảy sinh. Khi nào như thế? Có hai trường hợp: một là người ta không phải đối mặt với một hoặc vài resource constraint (tiền bạc hoặc thời gian chẳng hạn), hai là người ta không được lựa chọn (no right to choose). Điều thứ hai này, theo tôi, là nguyên nhân chính dẫn đến lãng phí, kém hiệu quả, trì trệ, lạc hậu rồi khủng hoảng về kinh tế và cuối cùng là sụp đổ của xã hội của các nước theo Chủ nghĩa xã hội.

    ReplyDelete
  16. Anh Giang,
    Nếu anh chưa đọc Marx, vậy làm sao anh biết Marx đã viết gì? Làm sao anh biết Marx có thể giải quyết vấn đề lạm phát hai chữ số hay không? Mà đã thế, thì làm sao anh có thể kết luận rằng rather học Samuelson hơn là nghiền ngẫm Marx để tìm ra các giải pháp cho các vấn đề đó ?????????????
    Anh nói rằng anh sẵn sàng khuân về 100 cái tủ lạnh nếu anh không chắc rằng trong tương lai sẽ luôn có thể mua tủ lạnh. Điều này cho thấy anh vẫn đang bị lối tư duy thời nay, tức là thời mà nền kinh tế thị trường TBCN thống trị, khi mà nền sản xuất vẫn còn trong tình trạng vô tổ chức, chi phối. Nó cũng giống hệt lối tư duy của các bà già VN thời nay cứ luôn lo chết đói, cứ đòi tích trữ trong nhà hàng tạ gạo vậy. Hay như nhân vật của Jack London trong truyện "Tình yêu cuộc sống", sau lần suýt chết vì đói và rét, khi được cứu lên tàu rồi thì tìm mọi cách để giấu lương thực vậy!
    Ở đây anh đã đi lạc đề hoàn toàn. Tôi đang hỏi: nếu nhu cầu của anh là có 1-2 cái tủ lạnh, thì anh có định tha về nhà 100 cái không? Chứ tôi không hỏi, nếu anh nghĩ rằng ngày mai không còn tủ lạnh nữa thì anh có định tha về 100 cái tủ lạnh để đầu cơ không?
    Thực ra cái lối suy nghĩ của anh không có gì lạ cả. Người nô lệ khi xưa không tưởng tượng ra được một xã hội trong đó mọi người đều tự do. Người nông nô thời phong kiến cũng không thể hình dung ra một xã hội mà mỗi công dân đều có quyền bầu cử, ứng cử, trở thành nguyên thủ quốc gia. Họ cứ nghĩ rằng những gì đang diễn ra trong thời đại họ sẽ tồn tại mãi mãi. Anh Giang cũng vậy thôi, vì anh là sản phẩm của thời đại ngày nay, khi mà phương thức sản xuất TBCN đang thống trị. Anh luôn tin rằng những phạm trù kinh tế thị trường, hàng hóa, giá cả, cạnh tranh, sự khan hiếm, đầu cơ, vân vân là những phạm trù mang tính tự nhiên, sẽ tồn tại mãi mãi.

    Bạn Anonymous:
    Mấy cái ví dụ của bạn về việc bạn muốn mời Barcelona sang biểu diễn, M. Jackson sống lại để biểu diễn, vân vân, chỉ chứng tỏ một điều là bạn vẫn không phân biệt được sự khác nhau giữa "mong muốn" và "nhu cầu", là cái mà tôi đã nhắc đi nhắc lại khi giải thích, khái niệm ""nhu cầu" trong câu nói của Marx mang nghĩa gì.
    Không có ông Marx nào lại dở hơi đến độ hứa với toàn dân là người ta có thể "làm theo năng lực, hưởng theo mong muốn" cả, xin bạn nhớ cho điều đó trước khi tranh luận.
    Một nguyên tắc sơ đẳng trong tranh luận khoa học, đó là phải hiểu rõ từng khái niệm trong mỗi hệ thống lý luận mang ý nghĩa gì. Ví dụ, khái niệm ""mặt phẳng" trong hình học Euclide thì khác với khái niệm "mặt phẳng" trong hình học Riemann hay Lobaschevski. Bạn lấy khái niệm của hình học Euclide để phản bác hệ thống lý thuyết của Lobashevski thì có phải là dở hơi không?

    Anh Giang nói đúng đấy, VN chưa có thinker lớn, chính là vì người ta còn vướng mắc ở những điều sơ đẳng như vậy đấy!

    ReplyDelete
  17. Anh Giang,
    Ở đây chúng ta đang bàn về chuyện, nếu anh chỉ có nhu cầu 1-2 chiếc tủ lạnh, liệu anh có tha về nhà 100 cái không. Chứ chúng ta không bàn tới việc đầu cơ đầu kiếc gì ở đây, mong anh đừng đi lạc đề.
    Nếu anh chưa đọc Marx, làm sao anh biết Marx có khả năng giải quyết vấn đề lạm phát hai con số hay không, mà cho rằng nên học Samuelson hơn là nghiền ngẫm Marx????????

    Bạn Anonymous,
    Bạn vẫn không phân biệt được sự khác biệt giữa "mong muốn" với lại "nhu cầu", là cái tôi đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần khi giải thích, khái niệm "nhu cầu" trong câu nói của Marx mang nghĩa gì.
    Không có ông Marx nào lại dở hơi đến độ đi hứa với bàn dân thiên hạ rằng họ có quyền “làm theo năng lực, hưởng theo mong muốn” đâu nhá.
    Nhu cầu mà Marx nói ở đây là nhu cầu đối với những sản phẩm do lao động của toàn xã hội làm ra, chứ không phải những mong muốn viển vông. Tôi đã viết điều đó ngay từ đầu rồi, không lẽ bạn đọc mà không hiểu tôi viết gì, hay là chỉ đọc một cách lơ tơ mơ???????
    Một nguyên tắc sơ đẳng trong tranh luận khoa học, đó là trước tiên phải hiểu rõ từng khái niệm trong mỗi hệ thống lý thuyết mang ý nghĩa gì. Ví dụ, khái niệm “mặt phẳng” trong hình học Euclide thì khác với khái niệm “mặt phẳng” trong hình học Rieman hay Lobaschevski. Lấy cách hiểu của hình học Euclide để phản bác hệ thống lý thuyết của Lobaschevski thì có phải là dở hơi không?

    ReplyDelete
  18. @Girlhanoi: Tôi không nói học thuyết Marx không có giải pháp cho vấn đề lạm phát, ngược lại là khác (cứ nhìn những chính sách đổi tiền, ngăn sông cấm chợ của các "học trò" của Marx là biết Marx đã đề cập đến vấn đề này). Nhưng tôi rather đọc Samuelson để tìm giải pháp cho vấn đề lạm phát 2 chữ số trong năm 2010 vì tôi tin rằng 99.99% trong năm tới kinh tế VN sẽ tiến gần hơn về phía những gì Samuelson nghiên cứu và mô tả trong quyển sách giáo khoa của ông.

    Bác không hiểu ý của tôi về uncertainty. Nếu tôi sống 1000 năm (hi vọng khi CNCS thành công thì tuổi thọ con người sẽ dài như vậy), mỗi cái tủ lạnh có tuổi thọ 10 năm. Nếu tôi cho rằng có khả năng tủ lạnh sẽ không còn available trong tương lai, nhu cầu tủ lạnh của tôi là 100 cái, chẳng có đầu cơ đầu kiếc gì ở đây cả! Tôi không có ý định tranh luận với bác về "unlimited wants", như tôi đã nói từ đầu đây là tiên đề của kinh tế học. Nếu bác có một hệ tiên đề khác, bác cứ phát triển lý thuyết riêng của mình.

    Cá nhân tôi, và tôi tin đa số mọi người, chỉ hiểu và chấp nhận được tiên đề "unlimited wants" và "limited resources" nên tôi vẫn tiếp tục tin và học Samuelson. Chúc bác giữ vững niềm tin của mình.

    ReplyDelete
  19. Gửi bác Girlhanoi,
    1. "Mong muốn" (từ của bác dùng)thực ra cũng là "nhu cầu" (theo cách dùng của Kinh tế học) chứ, chỉ có điều là có thể chưa thực hiện được bởi giá (price) cao, rất cao, hoặc vô cùng cao. Có hai cách để làm cho những "mong muốn" này (có khả năng)được thực hiện. Một là tôi có thật nhiều tiền, hay nói cách khác là budget constraint của tôi rất loose, đủ để mua. Hai là kỹ thuật phát triển đủ đến mức có thể đáp ứng được những "mong muốn" đó với chi phí và giá mà tôi có thể trang trải được bằng budget của mình. Rất nhiều hàng hóa ngày ngày nay chúng ta tiêu dùng mà ngày xưa chỉ là "mong muốn viển vông" (như bác nói ở phần đầu). Khái niệm "nhu cầu" của Marx theo cách diễn giải của bác như vậy là rất hẹp, sơ sài, và không có yếu tố phát triển. Bác đừng có đặt ra khái niệm chỉ để làm khái niệm, và để chê người khác không hiểu mình.
    2.Điều quan trọng hơn là, động lực gì làm cho kỹ thuật phát triển (để biến những nhu cầu mà nhiều cái trong số đó bác cho là "viển vông" thành nhu cầu có thể đáp ứng được)? Câu trả lời mà Kinh tế học đưa ra là lợi nhuận. Động cơ lợi nhuận làm cho người ta phải nỗ lực, phải bỏ chi phí để nghiên cứu, phát minh, sáng chế ra kỹ thuật mới tốt hơn, rẻ hơn, hiệu quả hơn, tiến bộ hơn. Thế còn học thuyết của Marx coi lợi nhuận là gì, thưa bác. Chắc bác biết rồi, tôi khỏi nói. Khi CNCS thành công, không còn cái động lực lợi nhuận xấu xa, bác có cách nào hay (và realistic nhé) để tiếp tục phát triển kỹ thuật và công nghệ không bác, hay XH đến đó rồi cứ mãi thế hả bác. Mà không, đến lúc đó XH hoàn thiện lắm rồi nên khỏi cần phải lo nghĩ "phát triển" bác nhỉ? Tôi thấy nó có gì gần với khái niệm "thiên đường" của Chúa ở đây. Bác nghĩ sao?
    3. Từ một góc độ khác, cho phép tôi được phản biện một cách "nông dân", bộc toạc, và có thể là thô lỗ ở phần này. Bác nói học thuyết của Marx hay, tôi biết vậy. Tôi hỏi bác Việt Nam có thông minh hơn thế giới không? Chắc là không hơn, nếu không muốn nói là kém (khỏi cần đưa dẫn chứng). Tôi hỏi bác tiếp, trên thế giới này có bao nhiêu nước dùng Chủ nghĩa Marx làm hệ tư tưởng chính thống của mình? Chỉ vài nước đếm trên đầu ngón tay. Tôi hỏi mấy thằng đồng nghiệp Âu có, Mỹ có, Nhật có, Á, Phi, Mỹ La-tinh có, thì đều nhận được câu trả lời đại ý là: "Marx is dead!" Hỏi bác tiếp, thế họ ngu hay sao mà họ không dùng Chủ nghĩa Marx (ngay cả ở các nước Tây Âu, nơi đẻ Marx, đẻ ra Chủ nghĩa Marx) nếu biết Chủ nghĩa Marx hay thế, còn Việt Nam ta khôn nên mới dùng? Tôi để bác trả lời nhé. Theo thiển ý của tôi, thì Việt Nam cứ "ngu" được như thế giới thì chắc người dân sẽ hạnh phúc lắm. Theo cảm nhận của tôi thì ngay cả những bác ở trong Bộ chính trị, mấy bác trong Trung ương trong thâm tâm chắc cũng chẳng phải là môn đồ gì của Marx đâu, nhưng vẫn phải ra lệnh cho mấy bác tự xưng trí thức ở viện này, trường đại học nọ phải nghiên cứu để biện hộ cho Chủ nghĩa Marx vì nếu phủ nhận nó tức là phủ nhận Đảng (gọi là nghiên cứu nhưng chỉ là ngồi gặm cuốn Tư bản luận thôi chứ không thấy nghĩ ra gì mới cả vì đọc bài của các bác ấy thấy toàn trích từ trong Tư bản luận (viết từ cách đây một thế kỷ rưỡi) chứ không thấy các công trình nghiên cứu mới về sau. Tôi có cảm giác như cuộc gặp gỡ giữa những người CS VN với Chủ nghĩa Marx, đến thời điểm này, tựa như cái gì đó đã "chót thì phải chét". Nếu có một lối thoát êm đẹp và trong danh dự thì người dân được nhờ lắm. Nhờ bác chỉ giúp ở điểm này.

    ReplyDelete
  20. Không chết đâu bạn à. Nó chưa được tiếp nối một cách đầy đủ thôi. Hãy nhìn vào những thực tế đủ thấy những vấn đề mà lý thuyết Marx nêu ra vẫn còn tồn tại sờ sờ ra đấy. Chỉ có điều chúng ta chưa hẳn đã hiểu hết lý thuyết của ông thôi, vì vậy phát triển nó là việc khó khăn. Nhưng khó khăn không có nghĩa là không làm được. Hì hì
    Đàm Văn Vĩ

    ReplyDelete
  21. có bạn nào cho mình xin link bản dịch tiêng việt cuốn kinh tế học ko?

    ReplyDelete
  22. Xem Các Bác tranh luận tôi thấy ai cũng có lý của mình nhưng đề nghị xem lại về bản chất của các lý luận xem, một đằng là khái quát tổng thể phát triển của xã hội, một đằng là lý luận vận động trong một giai đoạn phát triển và của một ý thức hệ cụ thể. Nói một cách toán học thì sao nhỉ? tập hợp và....

    ReplyDelete
  23. Bạn Nam nói có phần đúng đấy.
    Mối liên hệ, kết nối giữa tập hợp và . . . đó chính là con đường để đưa kinh tế học trở lại thành một khoa học.
    Chỉ tiếc là ít người nghĩ đến điều đó.
    Những người đi theo kinh tế học hiện đại thì theo khuynh hướng tân cổ điển, bỏ qua lý thuyết Marx.
    Ngược lại những người Marxist thì lại thấy quá đủ rồi với đống kiến thức mà Marx để lại, đủ để hiểu nền kinh tế tư bản chủ nghĩa như thế nào. Muốn kết hợp được nó thì cần hiểu cả hai khối kiến thức: Marxist và kinh tế học hiện đại. Những kiến thức mà nhân loại đã đạt được.
    Tôi nghĩ rằng khó, vì nghĩ đến điều này cũng đã có ít người rồi, mà làm về nó thì e còn ít hơn.
    hì hì

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.