Thursday, December 17, 2009

SCIC VI


Neel Kashkari, cánh tay phải của Paulson trong những ngày khủng hoảng năm ngoái, vừa được Pimco mời về làm managing director. Thời còn làm phụ tá cho Paulson lương của Kashkari chắc chắn không quá $150K. Bây giờ với vị trí mới này ở Pimco, nhiều khả năng tổng thu nhập của Kashkari (salary+bonus+benefits) phải tầm $3-5m, nghĩa là gấp 20-30 lần so với lương khi còn là quan chức nhà nước. Trường hợp Kashkari không phải cá biệt.

Nếu ông Trần Văn Tá khi còn làm thứ trưởng Bộ Tài chính có lương khoảng VNĐ3m, tôi không có gì ngạc nhiên khi ông nhận được VNĐ50-100m ở vị trí tổng giám đốc một doanh nghiệp vào loại lớn nhất VN. Chưa cần so sánh với giới tài chính trong nước (với mức lương USD10K/tháng không phải là hiếm), lương của các tổng giám đốc các doanh nghiệp như Vinamilk, Ree, hay thậm chí tổng biên tập những tờ báo lớn (TN, TT) có thể đã bỏ xa lương hiện tại của ông Tá. Tôi đồng ý với TS Nguyễn Quang A rằng lương như vậy ($78m) là thấp chứ không phải cao với một vị trí quan trọng như tổng giám đốc SCIC, vấn đề là năng lực của người ngồi ở vị trí đó như thế nào. Tuy nhiên tôi cho rằng cả Kiểm toán Nhà nước và báo chí/dư luận trong mấy ngày qua đã bị "đánh lạc hướng" vào vấn đề lương bổng của SCIC mà không chú ý đến những vấn đề khác quan trọng hơn nhiều liên quan đến SCIC.

Công bằng mà nói lương bổng là thứ dễ cân đông đo đếm và dễ tìm ra sai phạm nên thanh tra tập trung vào đây. Chưa kể đây là vấn đề rất dễ đánh động dư luận và có political impact cao nên các phe phái chính trị thích sử dụng chiêu này. Chẳng phải chỉ ở VN mà ngay cả dân chúng và các chính trị gia Anh, Mỹ, Pháp, Úc cũng tốn rất nhiều thời gian phẫn nộ mức lương+thưởng của các bankers và tìm cách ngăn cản những mức lương trên trời này (vd TARP salary czar ở Mỹ, 50% bonus tax ở Anh). Nhưng hầu hết giới kinh tế hiểu rằng đây chỉ là những vấn đề mị dân và có rất ít tác dụng trong việc ổn định tài chính cũng như giảm bớt chênh lệch thu nhập.

Quay lại các vấn đề của SCIC, về nguyên tắc tôi không tán thành việc thành lập một siêu tổng công ty đem vốn của nhà nước đi đầu tư trong khi ngân sách đang thâm hụt nặng nề và dự trữ ngoại tệ của NHNN cũng chẳng nhiều nhặn gì. Tuy nhiên trong hoàn cảnh đặc thù hiện nay khi nền kinh tế đang trong giai đoạn chuyển đổi (hơi bị lâu) sang kinh tế thị trường, tôi tán thành việc thành lập một cơ quan chuyên trách để quản lý, xin nhấn mạnh là chỉ quản lý thôi, số cổ phần của nhà nước trong các SOE và các cựu SOE đã được cổ phần hóa. Vấn đề đầu tư nên để các doanh nghiệp tự quyết định và SCIC chỉ có tác động định hướng thông qua các hội đồng quản trị.

Nếu đặt trọng tâm vào việc quản lý vốn nhà nước, Kiểm toán Nhà nước nên đi sâu vào hoạt động của các đại diện SCIC trong các hội đồng quả trị các công ty trong portfolio của SCIC đồng thời kiểm toán thật kỹ đánh giá (valuation) giá trị của các doanh nghiệp đó. Valuation một doanh nghiệp là một việc rất khó và subjective, nhất là với các doanh nghiệp chưa niêm yết. Cho nên kiểm toán phải rà soát thật kỹ phương pháp valuation, các assumptions, các số liệu đầu vào... mà SCIC sử dụng. Các private equity managers luôn tìm cách đẩy valuation các doanh nghiệp lên cao để thu phí (trong trường hợp của SCIC là có thành tích để báo cáo và tăng quĩ tiền lương) nên lợi nhuận có thể bị thổi phồng. Vai trò của kiểm toán là chỉ ra những sai lầm/sai trái này để chủ sở hữu vốn (nhà nước) có biện pháp thích hợp với các managers (ở đây là SCIC).

Việc đánh giá hiệu quả đại diện của SCIC trong các hội đồng quản trị còn khó khăn và tốn công sức hơn nhiều. Khó khăn lớn nhất là trình độ và hiệu quả của các đại diện không phải lúc nào cũng phản ánh đúng qua hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp làm ăn có lãi nhưng có thể hội đồng quản trị không có vai trò gì và ngược lại. Tôi không rõ giới kiểm toán quốc tế đánh giá board members các công ty như thế nào, nhưng chắc họ phải xem cả một quá trình dài cộng với uy tín và kinh nghiệm của các thành viên đó chứ không chỉ đơn thuần nhìn vào kết quả kinh doanh. Trong trường hợp của SCIC, tôi nghĩ khả thi nhất là xem vai trò bảo vệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp thua lỗ như thế nào. Ví dụ trường hợp Jetstar các đại diện của SCIC có làm tròn vai trò của mình không hay đã bị các executives qua mặt/mua chuộc. Vấn đề lương bổng của Jetstar theo tôi cũng là phụ, cái chính là những sai lầm của Jetstar (như vụ không tuân thủ qui trình bảo trì máy bay) đã được các đại diện của SCIC bám sát đến đâu. Tóm lại người đại diện có trình độ và công tâm bảo vệ vốn nhà nước hay không mới là điều Kiểm toán Nhà nước/báo chí cần tìm hiểu.

Trên đây là 2 vấn đề quan trọng mà tôi cho rằng Kiểm toán Nhà nước và dư luận/báo chí đã bỏ qua trong khi quá chú trọng vào chuyện lương bổng của lãnh đạo SCIC. Đành rằng đồng lương phải tương xứng với năng lực và đóng góp, nó chỉ là một yếu tố nhỏ trong toàn cảnh bức tranh SCIC, thậm chí nhỏ hơn cả việc kiểm tra các chuẩn mực kế toán mà SCIC sử dụng, các qui trình đầu tư, quản lý rủi ro, các qui định báo cáo/công khai tài chính, qui trình tuyển dụng nhân viên... Nếu SCIC phải giải trình trước một ủy ban của QH, mong rằng các thành viên của ủy ban này dẹp bớt bức xúc với con số 78 triệu mà tập trung vào những vấn đề lớn hơn để đồng tiền của dân không bị thất thoát hoặc đầu tư không hiệu quả.



7 comments:

  1. Chào anh!

    Khả năng viết của anh thật đáng nể. Xin anh cho em một vài nhận định riêng về chính sách của FED hôm qua. Ảnh hưởng chính sách của FED khi FED giữ nguyên lãi suất 0%-0.25% bất chấp kinh tế đang hồi phục?

    ReplyDelete
  2. Hi a Giang,

    Có vẻ như báo chí trong nước thích đưa tin con số càng nổi bật càng tốt, nhưng thực chất người trong ngành thì thấy chẳng có gì. Xã hội mình đã phân hóa từ lâu rồi chứ không phải người có mức lương gần $ 4000 như bác Tá. Với lại giải trình thì cũng là lương thưởng, cộng tiền từ 2007, 2008, cuối cùng chia ra chắc được $ 2000/month. Thực ra, SCIC mới thành lập, quy trình làm việc lúc đầu chưa được chuẩn mực, toàn phải đi dò đường để làm. Kế toán một hai năm đầu cũng là những người không có nhiều kinh nghiệm. Gần đây có khá hơn. Nhưng tổng này đã có những cải tiến đáng kể về quy trình. Nói chung là họ đề cao lợi nhuận của doanh nghiệp lên đầu trừ một vài dự án mới liên quan đến xã hội. Các doanh nghiệp nhỏ, làm ăn yếu đều đã lên kế hoạch bán bớt và không giữ phần vốn nhà nước nữa. Họ đều phải tham gia góp ý vào các kế hoạch, dự án của các doanh nghiệp quản lý. dù đánh giá hiệu quả quản lý là không dễ gì. Chúng ta đang trong thời kỳ bán, tái cấu trúc trước khi bước vào quản lý tập trung để các doanh nghiệp tốt hơn. Đánh giá khách quan, SCIC là một công cụ tốt giúp nhà nước quản lý vốn tốt hơn thay vì giao về địa phương, các bộ, ngành như lúc trước. Nếu không có SCIC mọi việc sẽ còn tệ hơn rất nhiều vì không phân biệt được một công ty nhà nước với công ty tư nhân nữa ngoài những lợi thế hiển nhiên của doanh nghiệp nhà nước. Các giám ôốc của doanh nghiệp nhà nước không khác mấy các giám đốc công ty tư nhân và đó là lý do phải cần có một cơ chế giám sát tập trung như hiện nay

    Hạn chế ở SCIC thực ra lại nằm ở phần con người, khi chính cái mọi người đang lên án lại cản trở hoạt động của SCIC. Lương ở SCIC không cạnh tranh so với thị trường tài chính bên ngoài, vẫn là lương theo bậc của nhà nước, tính theo năm nên việc tuyển được các nhân viên có chất lượng là không dễ dàng trong khi nhu cầu quản lý chất lượng lại tăng lên.

    Viết phần này có lẽ hơi nhiều nhưng phần Jetstar em có biết sơ sơ. Jetstar bây giờ đã phải thực hiện chương trình tái cấu trúc lại doanh nghiệp, thực hiện cắt giảm chi phí, quản lý chặt hơn. SCIC giờ đã phải chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc, đưa người quản lý mới vào Jetstar. Vấn đề trước đây là việc hedging các hợp đồng nhiên liệu ở giá rât cao thì chưa xác định được rõ trách nhiệm. Tổng giám đốc cũ có vẻ yếu và chưa quen với việc crisis làm quá trình quản lý bị buông lỏng rất nhiều.

    SCIC hiện nay là một mô hình tương đối tốt trong giai đoạn này trước khi nó trở nên quá lớn và thoát khỏi sự quản lý của nhà nước như Petrol Vietnam chẳng hạn.

    ReplyDelete
  3. Khi nhìn từ khía cạnh báo chí thì chuyện này cũng có nhiều vấn đề để mà nói rồi bác ạ. Bài của bác quá hay, nhưng em nghĩ giá bác gửi nó cho báo nào đó (BBC Việt Ngữ?) thì sẽ tới được nhiều người hơn.

    ReplyDelete
  4. Kính gửi bác gì ở trên. Tôi cũng đồng ý với quan điểm của bác là để thu hút được người tài thì cần trả lương xứng đáng. Tuy nhiên, bác nhầm lẫn ở chỗ cái người ta quan tâm là ông Tổng giám đốc và Phó Tổng có phải là người xứng đáng trả mức lương đó không vì các ông ấy có phải qua tuyển chọn gì đâu, trình độ năng lực thế nào, đã có kinh nghiệm gì trong quản lý các tổng cỡ SCIC chưa.

    ReplyDelete
  5. Doctor Giang hình như không đi nghỉ Holidays hay sao mà vẫn viết bài cho bạn đọc thế. Dẫu sau cũng cám ơn bác - một bài viết có giá trị nữa.

    Chúc vui!

    Thangndt

    ReplyDelete
  6. @Anonymous (Dec 16, 8:41PM): Tất cả mọi người đều expect Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, đơn giản vì nếu tăng vào thời điểm này rủi ro suy thoái (thậm chí khủng hoảng) quay lại rất cao. Nhiều người cho rằng theo Taylor rule đúng ra nominal interest rate phải âm, cho nên khi lãi suất bị giới hạn ở zero thì thực tế FOMC không thể làm gì hơn là thay đổi wording trong statement của mình để reveal quan điểm cho thị trường biết. Statement vừa rồi có vẻ bullish hơn một chút nhưng cũng chưa có ai expect Fed sẽ tăng lãi suất trong vài tháng tới.

    @Anonymous (Dec 17, 6:03AM): Anh đồng ý là phải có cải tổ chế độ lương bổng trong khối doanh nghiệp nhà nước. Chừng nào chế độ tiền lương còn bị quyết định bởi một cơ chế "hành chính" cứng nhắc thì các doanh nghiệp này không thể thu hút được nhân lực có trình độ và sẽ tiếp tục là các rent seekers, hoặc tệ hơn là lost makers.

    @4thcafe: Cám ơn bạn đã gợi ý.

    @Anonymous (Dec 17, 4:00PM): Tôi không dám hi vọng SCIC hay các TCT lớn trong thời gian tới sẽ tuyển CEO từ bên ngoài một cách công khai bình đẳng. Nhưng chí ít những chức vụ thấp hơn thì nên làm, cộng với cải cách tiền lương có thể hiệu quả của SCIC sẽ được cải thiện.

    @Thangndt: Thanks.

    ReplyDelete
  7. giangle said...
    @Anonymous (Dec 16, 8:41PM): Tất cả mọi người đều expect Fed sẽ giữ nguyên lãi suất, đơn giản vì nếu tăng ...

    Cám ơn anh đã cho vài ý kiến về chính sách FED...Em quan tâm về tình hình kinh tế bởi sau khi bán vàng rồi có một chút tiền nhàn rỗi không biết đầu tư vào tài sản gì? Đang cuối năm nên các quỹ đầu cơ đều thận trọng thì phải? Em nhận thấy ở Việt Nam và Trung Quốc hay châu Á bây giờ đang ở tình trạng bong bóng địa ốc và thị trường chứng khoán quá mức...đến lúc nó vỡ thì không biết hậu quả của nó biết nhường nào? Thật khó nghĩ?

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.