Một bạn hỏi tôi về P-Notes trong phần comment của entry trước, thú thực tôi không biết gì về công cụ này, nhưng thời nay cái gì không biêt thì hỏi Google sẽ có ngay câu trả lời. Vấn đề P-Notes ở VN vừa được Trưởng Bộ môn Đầu tư Tài chính, ĐHKT TPHCM, Lê Đạt Chí đưa ra trong một bài viết trên TBKTSG. Ông Chí, có lẽ trích dẫn từ nguồn này, chỉ ra 3 nguy cơ của P-Notes là: (i) biến động bất lợi khó dự báo, (ii) luân chuyển dòng vốn không rõ nguồn gốc, (iii) rửa tiền.
Một điều khá ngạc nhiên là P-Notes dường như chỉ tập trung ở Ấn độ, mặc dù nó cũng có mặt ở một số thị trường mới nổi khác như TQ và VN. Có lẽ lý do cơ bản là trước đây Ủy ban chứng khoán Ấn độ chỉ cho phép các nhà đầu tư nước ngoài lớn (foreign institutional investors - FII) được phép đầu tư vào thị trường chứng khoán nước này. Do vậy các nhà đầu tư nhỏ lẻ buộc phải đầu tư thông qua các FII và P-Notes là một công cụ để thực hiện việc này. Thực ra nhiều public funds cũng là một hình thức gom tiền của các nhà đầu tư nhỏ lẻ và đem vào các thị trường mới nổi đầu tư. Tuy nhiên P-Notes khác với unit/share của các public funds đó ở chỗ nó cho phép các nhà đầu tư trực tiếp quyết định mua loại chứng khoán nào và có voting rights với những doanh nghiệp mà họ đầu tư.
Nói một cách khác, P-Notes là một công cụ ủy quyền của một nhà đầu tư ở nước ngoài cho một công ty chứng khoán trong nước mua một loại chứng khoán nào đó. Cách làm này giúp nhà đầu tư ở nước ngoài không phải làm các thủ tục đăng ký đầu tư khá rắc rối và nhiêu khê mà vẫn có exposure vào chứng khoán nội địa của một nước. Đối với những nước còn kiểm soát capital account, P-Notes có thể giúp các nhà đầu tư không phải lo lắng gì về việc chuyển tiền vào hoặc rút tiền ra, có thể tránh được một số loại thuế. Ngoài ra nhà đầu tư cũng không phải tiết lộ danh tính nên có thể có ích cho họ trong một số trường hợp. (Một ví dụ khá tương đồng là TQ đã mua một lượng lớn US bonds thông qua các brokerage ở London, có lẽ với hình thức khá giống P-Notes, nên thống kê chính thức của Mỹ không lộ ra phần sở hữu này của TQ.)
Quay lại 3 nguy cơ mà ông Lê Đạt Chí đưa ra, tôi cho rằng nguy cơ (i) không lớn lắm, lý do là tuy P-Notes có nhiều tính chất của một loại derivatives, thực chất nó không có leverage effect như nhiều loại swaps/options/futures phổ thông. Nguy cơ (ii) cũng không đáng ngại, trừ khi chính phủ VN cho rằng một quốc gia/tổ chức nào đó muốn giấu mặt đầu tư vào thị trường VN với mục đích không tốt. Nếu không, về mặt quản lý, sẽ chẳng khác gì nếu nguồn vốn đầu tư của ông A, bà B, hay của Deutsche Bank DWT Vietnam Fund, miễn là UBCK thống kê được đó là nguồn vốn từ ngoài VN. Tôi không rõ mức độ nghiêm trọng của hoạt động rửa tiền ở VN thế nào, nhưng chắc những nguồn tiền "bẩn" từ VN sẽ tìm cách chảy vào các ngân hàng Thụy sĩ hay đâu đó chứ không dại gì quay ngược về VN dưới hình thức P-Notes.
Tóm lại, không như ông Lê Đạt Chí, tôi không lo ngại lắm việc P-Notes xuất hiện ở VN. Có chăng đó là biểu hiện "lách luật" của các nhà đầu tư nước ngoài khi phải đương đầu với những thủ tục rườm rà, phức tạp khi muốn đem tiền vào đầu tư. Xét về khía cạnh volatility, tôi cho rằng những nhà đầu tư nước ngoài số đông có investment horizon dài hạn. Có lẽ các nhà đầu tư trong nước mới là nguồn volatility chính của thị trường. Một điểm quan trọng nữa là capital account của VN vẫn còn đóng, đó là cái van an toàn quan trọng nhất chứ không phải việc kiểm soát P-Notes.
cám ơn chú, cháu rất muốn biết những ý kiến từ chú. Thú thực là khả năng english của cháu chưa đủ để hiểu rõ vấn đề được, còn wiki thì nó giải thích rất normal.
ReplyDelete