Monday, October 26, 2009

Higher education


Trái với các bài viết của trường phái cực hữu, tôi không thích đọc các bài viết của những người cực tả (e.g. anti-globalisation), càng không thích viết/bình luận những bài viết thuộc loại này. Nhưng entry này là một ngoại lệ.

"Sự tàn phá của người Mỹ không phải chỉ ở khía cạnh vật chất mà còn cả về mặt văn hoá, đặc biệt là ở miền nam, nơi đã chịu đựng sự chiếm đóng của quân đội Mỹ trong suốt 11 năm. Tiền bạc của họ đã nuôi sống các tệ nạn như mại dâm, nghiện hút, và tham nhũng với qui mô khủng khiếp. Giống như vũ khí của Mỹ mang lại sự tàn bạo và chết chóc, tiền bạc của Mỹ đã ăn dần ăn mòn các cơ cấu văn hoá và xã hội Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17."

Nếu chưa đọc bài này trên Vietnamnet, có lẽ nhiều bạn sẽ cho rằng đây là một trích đoạn của một bài xã luận trên báo Nhân dân cách đây vài chục năm. Vâng, phải vài chục năm chứ bây giờ khó mà tìm được một đoạn văn như vậy trên tờ báo này hay một tờ báo chính thống nào khác. Tác giả của nó là Neal Koblitz, giáo sư toán học của University of Washington, một người bạn lớn của VN từ những năm chiến tranh và là đồng sáng lập giải thưởng Kovalevskaia, một giải thưởng vinh danh các nhà khoa học nữ hàng năm ở các nước đang phát triển (bà Phan Lương Cầm từng được giải năm 1995).

Bài viết có đoạn trích dẫn nói trên của Neal Koblitz là phản biện lại một báo cáo của Thomas Vallely và Ben Wilkinson đánh giá về hệ thống giáo dục đại học VN và đề suất cải tổ. Tôi đã nghe nói đến bài của Vallely và Wilkinson cách đây một vài tháng nhưng không đọc vì nghĩ rằng bài này cũng chỉ nhắc lại những chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi", những căn bệnh kinh niên không thể/không thèm sửa của hệ thống giáo dục VN nói chung và giáo dục ĐH nói riêng. Nhưng đến khi đọc được lời buộc tội của Neal Koblitz rằng "Báo cáo Vallely rõ ràng là đã bóp méo và xuyên tạc..." thì phải vội vã tìm đọc ngay bản báo cáo này xem các đồng nghiệp cũ của mình viết gì mà bị qui tội nặng như vậy.

Tội đầu tiên mà Koblitz qui cho Vallely và Wilkinson là đã cố tình "lờ" đi giai đoạn 1954-1985, thời gian Mỹ tham chiến ở VN rồi sau đó là cấm vận. Đoạn tôi trích dẫn Koblitz bên trên nằm trong đoạn này có lẽ phản ánh hồi tưởng của Koblitz về thời gian ông tham gia các phong trào phản chiến hơn là phản biện bài viết của Vallely và Wilkinson. Koblitz buộc tội Harvard, cụ thể là McGeorge Bundy và Samuel Huntington (đáng ra phải thêm Thomas Schelling nữa), đã đứng đằng sau chính phủ Mỹ trong cuộc chiến VN. Do vậy Koblitz cho rằng các học giả của Harvard đã cố tình không nhắc đến giai đoạn này, chưa kể bản thân Vallely là cựu thủy quân lục chiến Mỹ ở VN.

Hiển nhiên lời qui tội này không theo một tiêu chuẩn khoa học nào cả, hoàn toàn là cảm tính của Koblitz. Tuy nhiên nếu đặt trong toàn bộ bài phản biện, dường như việc không nhắc đến "tội ác của Mỹ" trong giai đoạn 1954-1985 sẽ làm giảm đi kết luận về khủng hoảng giáo dục đại học mà Vallely và Wilkinson muốn, càng có lợi cho mục đích phản biện của Koblitz. Vậy có chăng đưa vấn đề này lên là cách để Koblitz cảnh báo rằng nhân cách/đạo đức của các học giả Harvard là đáng ngờ nên không thể tin các nghiên cứu của họ. Theo tôi đây là một công kích cá nhân không nên có trong một cuộc tranh luận nghiêm túc.

Tội thứ hai là Koblitz "nghi" Vallely và Wilkinson "chê bai" những người được đào tạo ở các nước XHCN trước kia không bằng những người được đào tạo ở phương Tây sau này (biết tiếng Anh). Vấn đề này cũng khá cảm tính và khó có thể đánh giá được liệu Koblitz có hiểu đúng những gì Vallely và Wilkinson nghĩ hay không. Dẫu sau điểm chính mà Vallely và Wilkinson đề cập đến trong báo cáo của họ là vấn đề "merit-based selection" trong hệ thống đại học của VN có vấn đề. Tiếc rằng thay vì chỉ ra liệu nghi vấn này có đúng hay không, Koblitz một lần nữa lại sử dụng chiến thuật công kích cá nhân, "vạch trần" bằng cấp "không ra gì" của Vallely và Wilkinson. Hóa ra không chỉ có TS Lê Anh Sắc mới cho rằng chỉ có những người có bằng TS mới có tư duy đột phá.

Tội thứ ba, thực ra chỉ là một nhận xét nhỏ, Vallely và Wilkinson đã chỉ trích việc Bộ ĐH bắt buộc các sinh viên đại học VN phải học 25% tín chỉ liên quan đến các môn học chính trị. Koblitz cho rằng ngay ở Harvard cũng có chương trình bắt sinh viên học 100% chính trị thì 25% của VN đã là cái gì. Tất nhiên Koblitz nhầm lẫn giữa một chương trình chuyên về chính trị ở Harvard với tất cả các chương trình đại học ở VN. Nhưng có lẽ đằng sau "nhầm lẫn" này là việc công kích các chương trình đào tạo ngắn hạn ở viện Ash, chuyển từ công kích cá nhân sang công kích một institution. May mà Koblitz chưa biết đến Fulbright Economic Teaching Program ở TPHCM để công kích nốt. (Ngoài lề: nhiều quan chức của VN đã từng dự những chương trình đào tạo ngắn hạn ở Kennedy School của Harvard, chắc họ không thích thú gì khi Koblitz chê bai những chương trình này.)

Tội thứ tư của báo cáo Vallely và Wilkinson là khuyến nghị một trường đại học mới do người Mỹ dựng lên. Thực ra ở khía cạnh này Koblitz "nhẹ nhàng" hơn vì cho rằng đây là ý tưởng của GS Hoàng Tụy và cũng đồng ý rằng VN cần phải nhìn ra bên ngoài để học kinh nghiệm của các nước, và Mỹ có nhiều điều cần học. Nếu ai đã theo dõi đề suất về việc thành lập một trường đại học đẳng cấp quốc tế có thể đã biết quan điểm của Thomas Vallely qua những bài phỏng vấn trên Vietnamnet trong vài năm lại đây. Vallely đề suất VN nên có một trường đại học của mình dựa trên mô hình đại học nghiên cứu của Harvard. Tiền đầu tư do chính phủ VN bỏ ra và chính phủ nên vận động một số đại học hàng đầu của Mỹ giúp (xây dựng chương trình, sách vở, giáo viên). Điểm mấu chốt là chính phủ nên bỏ tiền xây dựng một đại học hoàn toàn mới thay vì rải tiền ra nâng cấp các đại học hiện hữu. Tôi không biết tại sao Koblitz lại cho rằng Vallely và Wilkinson (phần nào đó là GS Hoàng Tụy) muốn có "một trường đại học do người Mỹ dựng lên".

Tội cuối cùng, nặng nhất dẫn đến cáo buộc "bóp méo và xuyên tạc" tôi nhắc đến ở trên, là trích dẫn trường hợp Intel không tuyển được số nhân viên cần thiết. Phải nói đây là phần GS Neal Koblitz phản biện một cách "khoa học" nhất. Ông đã nghiên cứu hoạt động của Intel ở VN và trong khu vực, rồi viết thư hỏi trực tiếp Intel về phần trích dẫn trong bài của Vallely và Wilkinson. Có điều, tôi đọc đi đọc lại phần trả lời rất "politic" của Intel vẫn không thể thấy tại sao Vallely và Wilkinson đã "bóp méo và xuyên tạc". Hai tác giả này đưa ra những con số rất cụ thể về một vụ tuyển nhân viên không thành công của Intel, hiển nhiên nếu họ bóp méo và xuyên tạc thì Intel sẽ nhanh chóng chỉ ra điều này.

Có đúng là trong số 90 ứng viên chỉ có 5% vượt qua cuộc kiểm tra hay không, có đúng là đây là kết quả tệ nhất trong các cuộc thi tuyển của Intel hay không. Với tôi, nếu đây là sự thật, nó là một biểu hiện vô cùng rõ ràng của chất lượng đào tạo kém cỏi của hệ thống đại học VN. Nhà máy này của Intel, theo như chính Koblitz mô tả không cần chuyên gia trình độ gì cao xa, vậy mà chỉ có 5% vượt qua kỳ thi tuyển thì đến bao giờ VN mới đào tạo ra được đội ngũ kỹ sư đủ để phục vụ cho nhà máy này và cả bộ phận R&D của Intel mà Koblitz hi vọng sẽ có mặt ở VN?

Bên cạnh ví dụ tuyển người của Intel, Vallely và Wilkinson đưa ra số liệu academic publication và innovation index của VN và các nước lân cận. Những bằng chứng này, tiếc là Koblitz không có ý kiến gì, quan trọng hơn rất nhiều trường hợp của Intel và cũng cho thấy hệ thống giáo dục đại học VN hiện đang bị khủng hoảng. Vâng, khủng hoảng vì so với giai đoạn 1954-1985 nó đang thụt lùi trong khi nhu cầu kinh tế xã hội ngày càng lớn. Nó đang khủng hoảng vì những người bạn của Neal Koblitz như GS Hoàng Tụy và rất nhiều nhà khoa học tâm huyết VN đã và đang bị gạt ra bên lề. Nó đang khủng hoảng vì thay vì nhìn nhận và tìm cách khắc phục 5 điểm yếu mà báo cáo Vallely đã chỉ ra, Bộ GDĐT lại đăng lên website của mình lời thanh minh hộ của Neal Koblitz.


[Disclosure: Mặc dù không còn liên quan gì đến chương trình Fulbright TPHCM, tôi viết bài này để support cho báo cáo của Thomas Vallely và Ben Wilkison mà tôi thấy rất chính xác và thẳng thắn. Về mặt cá nhân, tôi cũng muốn phản biện lại những lời buộc tội không đáng có của Neal Koblitz đối với hai đồng nghiệp cũ của mình.]


Update (27/10): Thêm hai phản biện của Phạm ToànNguyễn Vạn Phú.

Update (29/10): Bài phản biện rất khoa học của Nguyễn Văn Tuấn.


29 comments:

  1. Lâu mới thấy GL viết dài. Hihi, hôm trước tôi đọc xong bài của ông Koblitz thì tôi hiểu rằng ông này có lẽ chưa sống ở VN được 1 tháng, mặc dù là bạn lớn của VN. Nhưng nếu ông này sống nhiều ở VN thì chắc ông chỉ có ở trong thư viện.

    Còn 2 ông Velleyly và Wikison thì rất tuyệt.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bác Giang viết bài phản biện chi tiết và rõ ràng. Tôi đọc bài của Koblitz đến đoạn liên hệ bằng cấp của Vallely và Wilkinson với khả năng nhận xét về giáo dục Việt Nam thì dừng.

    Nói về Harvard tham chiến thì còn phải kể đến Henry Kissinger nữa ạ.

    ReplyDelete
  3. Thế thì còn có McNamara từng làm ở HSB. Thế hệ "cán bộ lãnh đạo" thời Kenney và Johnson đưa nước Mỹ tham chiến ở VN được gọi là "the best and the brightest" (tên cuốn sách của David Halberstam) của nước Mỹ lúc đó.
    Koblitz cũng nói đôi chút về innovation đấy chứ bác Giang, đoạn nói về việc bằng sáng chế không nhất thiết là thước đo trình độ khoa học, với ví dụ là chính ông tuy làm toán ứng dụng nhưng cũng chưa từng có bằng sáng chế.
    Chi tiết này "trong số 90 ứng viên chỉ có 5% vượt qua cuộc kiểm tra hay không" thì hình như bác Giang hơi nhầm, đúng ra là 2000 người tham dự kỳ thi, chỉ có 5% vượt qua.

    ReplyDelete
  4. Có người GS người Mỹ biện hộ cho GD ở VN.Lập luận như thế này nghe quen lắm.

    ReplyDelete
  5. Tôi nghĩ rằng anh Giang bị bias ngay từ đầu. Ngoài những gì các comments khác đã nói, tôi có mấy ý như sau.

    1. Việc trích dẫn những bình luận của ông Koblitz về vai trò của người Mỹ trong chiến tranh VN
    đúng là rất giống một bài xã luận trên báo ND. Nhưng phải chăng đây cũng là "biết rồi, ..." giống như
    lý do lúc đầu anh không đọc báo cáo Vallely? Nếu quên những yếu tố khác đi mà chỉ tập trung vào
    đoạn văn mà anh trích dẫn thôi thì chắc anh cũng không thể bảo rằng ý kiến đó là không đúng.

    2. Cá nhân tôi cũng thấy đoạn ông Koblitz choảng Mr. Vallely và Mr. Wilkinson hơi nặng tay. Nhưng tôi lại muốn cảm ơn ông Koblitz vì đã
    dám nói ra điều này, bởi vì ông ấy ở một vị trí khiến cho người ta khó có khả năng gán ghép cho ông những nhãn hiệu khác. Đối thoại ở VN
    ngày nay đã trở nên quá khích, nếu không "lề phải" thì chắc chắn phải là "lề trái".

    Việc ông Koblitz công kích tư cách "chuyên gia" của Mr. Vallely và Mr. Wilkinson, theo tôi, cũng không phải là không legitimate. Nếu một người
    nào đó được xem như là "chuyên gia" về giáo dục bậc cao thì tất nhiên là mọi người đều trông đợi họ phải có ít nhiều kinh nghiệm và được đào tạo
    về lĩnh vực đó. Nếu bây giờ chính phủ VN, thay vì mời Lý Quang Diệu, hay J. Stieglitz làm cố vấn kinh tế cho mình thì lại đi mời Einstein chẳng hạn
    thì liệu anh có lên tiếng không?

    Ông Koblitz cũng lấy dẫn chứng này để minh họa cho nạn dumping. Nói gì thì nói, đó là một vấn đề nghiêm trọng cần được suy nghĩ và tìm hiểu thấu đáo. Cách đây ít lâu, tôi đọc được đâu đó một bài viết rất thú vị nói về những viện trợ lương thực của LHQ ở Châu Phi, tuy với dụng ý rất tốt, nhưng là làm thay đổi hẳn cả thói quen ăn uống, sản xuất, cây trồng ở địa phương - đây cũng có thể gọi là một dạng food dumping.

    3. Anh chê cách ông Koblitz bình luận về việc thiếu đánh giá về vai trò của Mỹ 1954-1975, nhưng sự thực là anh (và các tác giả bản báo cáo) cũng không đưa ra được một lời giải thích nào cả về điều này. Cho đến giờ, mới chỉ có cách giải thích của ông Koblitz, và theo thôi không phải là không có cơ sở. Một điểm mà ông Koblitz muốn nhấn mạnh qua đoạn phân tích này là không phải mọi thứ của Harvard đều tuyệt vời cả. Điều này theo tôi mới là hiển nhiên. Là một nhà kinh tế, chắc anh hiểu biết hơn tôi về vai trò của các nhà kinh tế hàng đầu của Harvard trong việc tặng cho nước Nga gần 20 năm suy thoái.

    4. Đọc lại những gì mà báo cáo Vallely viết về những nhà KH được đào tạo ở Đông Âu và LX cũ: "...Các khoa và các cấp hành chính cao hơn có xu hướng do các cá nhân từng được đào tạo ở Liên Xô hay Đông Âu nắm giữ, những người này không nói được tiếng Anh và, trong không ít trường hợp không mặn mà với các đồng nghiệp trẻ được đào tạo ở phương Tây...." Tôi thấy đây không phải là chê bai thì là gì? Lưu ý rằng mục này nằm trong mục lớn "Nguyên nhân Khủng hoảng" nhé!

    6. Về "trường đại học do người Mỹ dựng lên", tôi nghĩ là anh đang giả nai hoặc cũng lại không chịu đọc những gì ông Vallely viết vì lý do "biết rồi...". ÔNg Vallely là tác giả của bản đề cương xây dựng một trường đại học ở VN do "một nhóm những trường ĐH của Mỹ" tham gia xây dựng. Điều này đã được đăng trên vietnamnet từ mấy năm trước,và được thảo luận công khai. Chả có gì bí mật cả.

    7. Cuối cùng, logic của bài viết là phản bác lại các lập luận của báo cáo Vallely. Các LẬP LUẬN chứ không phải là các
    KẾT LUẬN nhé, ông Koblitz đâu có bảo GDVN không có vấn đề gì! Còn việc bộ GD&ĐT muốn lợi dụng bài của ông Koblitz thì lại là chuyện khác.

    ReplyDelete
  6. biased, không phải bias
    đề xuất, không phải đề suất!

    ReplyDelete
  7. @BS Hồ Hải: Dạo này bận quá bác ạ, nhưng bài này là ngoại lệ :-)

    @Linh & Đỗ Quốc Anh: Cám ơn các bạn đã bổ sung, đúng là cả McNamara và Kissinger đều có gốc gác Harvard, Neal Koblitz cũng vậy.

    À mà bạn QA cũng tốt nghiệp Harvard nên có viết gì cũng phải nhắc đến "tội ác của Mỹ" trong chiến tranh không thì sẽ bị chụp mũ giống Vallely và Wilkinson đấy :-)


    @Anonymous: tôi xin trả lời từng điểm của bác:

    0. Đúng là tôi bias ngay từ đầu, tôi cũng đã nói thẳng như vậy. Bài này tôi viết một phần để "bênh" cho những đồng nghiệp cũ.

    1. Tôi trích dẫn đoạn Koblitz nói về "tội ác của Mỹ" để support cho ý của tôi là bài viết của Koblitz thiên tả. Bỏ ra ngoài context của bài viết, tôi không bình luận đúng sai về nhận định này của Koblitz hay của báo Nhân dân.

    2. Tôi luôn ủng hộ những bài phản biện duy lý, kể cả nó có extreme left or right (mặc dù không thích đọc các extreme left :-))

    Nếu chính phủ VN thuê Einstein tư vấn kinh tế tôi sẽ phản đối vì tôi biết rõ Einstein không có kinh nghiệm gì về việc này. Nhưng nếu chính phủ thuê Bill Gates tư vấn về CNTT tôi không phản đối dù biết rõ Bill Gates chưa học xong bằng đại học. Như tôi đã nói, tôi phản đối việc Koblitz công kích Vallely và Wilkinson dựa vào bằng cấp hay các yếu tố cá nhân khác.

    3. Nếu tôi là Vallely và Wilkinson, tôi sẽ viết thế này: Trong giai đoạn 54-85, mặc dù bị chiến tranh và cấm vận, hệ thống giáo dục của VN nhờ sự giúp đỡ của Liên xô và các nước XHCN vẫn đào tạo được đội ngũ khoa học kỹ thuật đủ cho nhu cầu của mình, ít nhất là phục vụ cho cuộc chiến. Tuy nhiên sau năm 1985 hệ thống này đã càng ngày càng xuống cấp và hiện đã rơi vào khủng hoảng khi chất lượng đào tạo không theo kịp nhu cầu phát triển kinh tế.

    Tôi không biết tại sao Vallely và Wilkinson đã không đề cập đến giai đoạn này. Nhưng vì thế mà qui chụp họ lảng tránh vì quá khứ "đen tối" của Harvard trong cuộc chiến hay bản thân sự tham gia của Vallely trong quân đội Mỹ ở VN thì tôi thấy unfair. Một dạng của "chủ nghĩa lý lịch" thời xưa.

    4. Koblitz chê thế này: "Báo cáo Vallely gợi ý rằng các nhà khoa học và các quan chức của Việt Nam, những người đã được đào tạo ở các nước xã hội chủ nghĩa, có năng lực kém hơn so với những người được đào tạo ở phương Tây..."

    Đọc câu của Vallely và Wilkinson bác trích ở trên tôi không thấy họ chê năng lực của những người được đào tạo ở Đông Âu, có chăng là chê họ không nói được tiếng Anh. Việc họ "không mặn mà với các đồng nghiệp trẻ..." là bằng chứng cho việc merit-based selection của hệ thống hiện tại có vấn đề. Koblitz cần phản bác bằng cách chứng minh điều này không đúng chứ không phải dẫn chứng Vallely chỉ có bằng MPA còn Wilkinson chưa tốt nghiệp luật.

    5. Bác thiếu mất mục 5 :-)

    6. Những gì tôi đọc trên Vietnamnet là nhóm Vallely cổ súy cho một trường đại học do chính phủ VN bỏ tiền xây dựng, tất nhiên phải có autonomy nhất định chứ không phải chịu sự quản lý của Bộ GD như hiện nay. Còn việc nhờ vài trường của Mỹ giúp chỉ là details, không nhất thiết phải Harvard hay MIT mà có thể là chính University of Washington của Koblitz. Cái chính là cần phải có một đối tác hay supporter tử tế chứ không phải một trường dạng như Houston Community College. Tôi tin ngay cả Koblitz cũng ủng hộ một dự án mà Harvard giúp VN xây dựng một trường đại học. Nếu một "trường đại học do người Mỹ dựng lên" là như vậy thì chẳng có gì phải lo ngại.

    7. Việc Koblitz có phản bác các LẬP LUẬN của Vallely và Wilkinson hay không, xin phép không tranh luận. Tôi đã thừa nhận có bias với những người leftist rồi :-)

    ReplyDelete
  8. Rất hay, cả bài viết và comment.

    ReplyDelete
  9. Bác Giang,
    Cảm ơn bác đã trả lời.
    0,1. Tôi muốn nói đến những người thuộc "middle way", ví dụ như
    đề án đại học của 6 tác giả (Hồ T. Bảo et al.). Tôi cho rằng đề án này bị cho vào
    recycle bin sớm nhất vì nó không nằm trong xu hướng mà Bộ GD&ĐT đang cổ vũ. Một con
    đường nữa là cải tổ hai ĐHQG hiện tại. Tuy rằng bản thân cá nhân tôi cho rằng
    điều này là không tưởng, nhưng ít nhất tôi muốn thấy có một tranh luận về khả năng
    này trước khi người ta đặt bút ký xây dựng 4 trường ĐH mới. Tiếc là ở VN thì hai
    ĐHQG lại được coi là ngang bộ, nên chẳng ai chịu ai.
    2. Ví dụ của bác ủng hộ cho ý của tôi. Ông Bill Gates tuy không có bằng cấp gì nhưng lại có cả biển kinh nghiệm về CNTT.
    Còn Ông Vallely trong higher education thì không có cả hai. Vì thế tôi nghĩ việc đăt
    câu hỏi về trình độ của ông Vallely trong trường hợp này là legitimate.
    3. Việc liên hệ với gốc gác đi lính hay vai trò của Harvard trong chiến tranh VN tôi cũng
    thấy hơi quá, nhưng mặt khác, chính bác cũng không có giải thích nào khác! Tôi cho rằng
    việc họ bỏ qua giai đoạn 1954-1975 có dụng ý rõ ràng, ít nhất là vì họ ở vị trí không thể nói về giai đoạn này
    mà không bình luận gì về vai trò của Mỹ.
    Không thể phủ nhận xu hướng ở VN coi cái gì của Mỹ cũng là đỉnh cao, còn những ai nói "chưa chắc" thì sẽ
    bị coi là thuộc vào "lề phải". Tôi nghĩ đây mới là hai dạng extreme cần tránh :-)
    4. Bác lưu ý là không phải đồng nghiệp trẻ nói chung mà là "western educated" nhé.
    6. Ok, nhưng đây là chuyện buôn bán chứ không phải giúp đỡ hữu nghị gì.

    ReplyDelete
  10. @Anonymous: Cám ơn bác đã trao đổi, những cuộc thảo luận healthy như thế này rất có ích cho tôi và cho cả blog này nữa :-)

    Tôi đồng ý với bác cụm từ "western educated" khá sensitive trong bối cảnh đó. Nếu được góp ý tôi sẽ đề nghị sửa lại đoạn đó cho "political correct" hơn. Dù rằng đây là báo cáo nội bộ của nhóm Vallely cho Higher Education Task Force của Mỹ chứ không phải cho Bộ GDĐT của VN, kiểu gì báo cáo này cũng bị leak ra báo giới VN (báo cáo này viết Nov 08, mãi đến tháng 9/09 mới bị/được leak). Nhưng chính vì cách viết như vậy nên tôi đánh giá báo cáo này rất thẳng thắn và Bộ GD nên xem nó là một viên thuốc đắng giã tật.

    Nếu bác đã theo dõi blog này một thời gian, chắc bác cũng biết tôi rất dị ứng với việc thần thánh hóa. Bất kỳ ai và cái gì cũng có mặt tốt và mặt xấu, nền giáo dục của Mỹ cũng vậy thôi.

    ReplyDelete
  11. http://donga01.blogspot.com/2009/10/trinh-o-cua-tac-gia-ban-bao-cao-vallely.html

    Thú thực là tôi đã bỏ chuyện nghiên cứu, ngâm cứu cũng đã 8 năm rồi. Nên tình hình ngâm cứu nước nhà như thế nào thì tôi không rõ. Nhưng hôm nay đọc bài này của blog Dong A đánh giá ông Valleyly thì tôi không hiểu trình độ của ông Dong A có hơn ông Valleyly hay không? Ngoài ra, tôi cũng phân vân dùm cho nhóm Fulbright Vietnam rồi sẽ đi về đâu khi đi làm ơn lại mắc oán?

    Nhưng khi đọc bài của Khánh Linh trên Tuanvietnamnet: http://tuanvietnam.net/2009-10-25-thomas-vallely-ong-la-ai- thì tôi thấy ông Valleyly đâu phải đến nỗi tệ như ông Koblitz và ông Dong A đánh giá? Anh Giang có ý kiến gì về việc này?

    ReplyDelete
  12. Hi, té ra là cái bảng số liệu về publications trong báo cáo Vallely sai nghiêm trọng đến vậy. Bảng về innovation index thì irrelevant. Tôi chắc ông Vallely không có thời gian thu thập những số liệu này mà chắc là Mr. Wilkinson hoặc phụ tá người Việt.

    Tôi không thích cách viết kiểu bông phèng, Mr-know-it-all của ông PT. Ông ta mỉm cười độ lượng xem hai thằng Mỹ cãi nhau rồi đứng ra khuyên giải, bảo chúng tôi không cần các anh... WTF?

    Bài của ông NVP viết điềm đạm hơn. Tôi nghĩ đoạn ông NVP bình luận về 8 khuyến nghị của Koblitz "cổ xúy cho lối suy nghĩ cần vay tiền..." là yếu nhất. Ít ralà các điểm 6,7,8 không hề "cổ xúy" như vậy. Thực ra, ông Koblitz còn có vẻ tiếc tiền cho VN nữa, và gần như chắc chắn ông sẽ chẳng có bình luận nào dễ nghe về WB hay IMF.

    Cuối cùng, tôi cho rằng ông NVP cũng không thấy được ý chính của ông Koblitz. Ông Koblitz deeply suspicious về vai trò của Mỹ và muốn cảnh báo VN cần phải giữ được sự tỉnh táo. Người Mỹ không có chuyện "làm ơn" như BS Hồ Hải tưởng tượng. Điều trớ trêu là chính trong vấn đề này thì những người ủng hộ VNCH ở miền nam trước kia có lẽ lại nhất trí ngay với bình luận này - họ đã có một bài học đau đớn khi tin tưởng một cách mù quáng và hoàn toàn dựa dẫm vào nước Mỹ. Đối với nước VN hiện tại thì cảnh báo này có thừa không? Tôi nghĩ là không. Hãy cứ nhìn vào danh sách dài các thủ tướng, phó thủ tướng, bộ trưởng, tổng biên tập :-) của VN sang Mỹ, ông nào cũng phải ghé qua Harvard một vài ngày thì sẽ rõ.

    ReplyDelete
  13. Tôi hiểu là thắc mắc của bác Đông A về số lượng citation nằm ở vấn đề các Viện nghiên cứu ở Việt Nam thay đổi tên, nên khó tìm hết citation chỉ theo 1 cái tên. Từ đó, bác Đông A đánh giá hiểu biết của các tác giả báo cáo về cấu trúc tổ chức khoa học ở Việt Nam. Tôi nghĩ nó ảnh hưởng đến chất lượng của báo cáo, song không ảnh hưởng nhiều đến các luận điểm của báo cáo.

    Nhắc đến vấn đề này, cũng phải nhắc đến sự khác biệt lớn giữa nghiên cứu khoa học và nghiên cứu tư vấn (cho tư nhân hay cho chính phủ). Nghiên cứu khoa học cần chính xác, còn nghiên cứu tư vấn cần nhất là phân tích tình trạng và đưa ra giải pháp trong thời gian rất ngắn. Với sức ép thời gian, bản thân việc trích dẫn một nguồn nào đấy (báo cáo của VW trích dẫn nguồn của Thomson Reuters) cũng là một việc đáng kể rồi. Tôi nghĩ báo cáo của VW, cũng như các báo cáo về chính sách của chương trình Fulbright, thuộc về phạm vi báo cáo tư vấn chính sách. Vì thế so sánh sự chính xác với một nghiên cứu khoa học là chuyện khó. Nhưng thực tế trên thế giới là chính những báo cáo tư vấn chính sách, của các công ty tư vấn lớn hay của các tổ chức quốc tế như WB hay IMF, mới đem lại hiệu quả về chính sách, chứ không phải các bài nghiên cứu khoa học (tôi nói đến nghiên cứu khoa học xã hội thôi).

    Theo suy đoán cá nhân của tôi, thì ông Vallely không trực tiếp viết bài báo này (không phải công việc của ông), cho dù có làm việc nhiều về vấn đề tư vấn giáo dục cho Việt Nam. Trên thế giới, có rất nhiều chính phủ thuê các công ty tư vấn tư nhân với giá cao (nhiều triệu USD chẳng hạn) để hoạc định chính sách, trong đó có chính sách giáo dục. Trong khi đó, những người làm trong ngành tư vấn phần lớn có bằng MBA chứ không phải bằng PhD.

    Nếu nói đến sự khác biệt giữa PhD và MA/MBA/MPA hay các bằng Master khác, tôi nghĩ ưu thế của bằng PhD là khả năng trực tiếp làm nghiên cứu khoa học, không phải khả năng tổ chức, tư vấn, thậm chí không phải khả năng giảng dậy đại trà.

    ReplyDelete
  14. @BS Hồ Hải: Cám ơn bác đã giới thiệu link bài của bác Đông A. Thông tin bác Đông A chỉ ra rất thú vị và tôi chắc Vallely và Wilkinson sẽ phải kiểm tra lại số liệu của mình. Khi nào có thời gian tôi sẽ thử search trên SCI xem thế nào.

    Dẫu sao như bạn Đỗ Quốc Anh đã nói ở trên, số lượng publication của VKHCN dù có lớn gấp 3 lần số Vallely và Wilkinson đưa ra cũng không thay đổi nhiều ranking về mặt này của VN (Uni of the Philippines có 220, Uni of Malaya có 504).

    Còn nếu nói việc trích dẫn số liệu sai để qui kết các tác giả không có trình độ thì tôi không đồng ý. Ngay bản thân Neal Koblitz cũng nhầm lẫn giữa 25% tín chỉ các môn liên quan đến chính trị ở các trường ĐH VN so với 100% các môn học chính trị ở một khóa đào tạo public policy của Ash Institute. Không ai nói Koblitz không có trình độ.

    Tôi không biết bác Đong A là ai nên không dám so sánh trình độ với Vallely và Wilkinson. Hơn nữa những so sánh như vậy không để làm gì và không bao giờ chính xác. Tôi biết rõ cá nhân Vallely và Wilkinson là những người có trình độ và kinh nghiệm về quản lý giáo dục. Họ cũng hiểu biết về VN rất rõ, Wilkinson đã sống và làm việc ở VN gần 10 năm nay, Vallely sống ở Boston nhưng hàng năm đều qua làm việc ở Fulbright VN khoảng 1 tháng. Đằng sau bản báo cáo đó tôi tin chắc là có sự đóng góp của nhiều chuyên gia khác của Fulbright cả Việt lẫn Mỹ. Do vậy tôi không nghi ngờ gì về khả năng viết báo cáo về giáo dục ĐH VN của hai tác giả này.

    @anonymous: Bác viết:
    "...gần như chắc chắn ông sẽ chẳng có bình luận nào dễ nghe về WB hay IMF."

    "Ông Koblitz deeply suspicious về vai trò của Mỹ và muốn cảnh báo VN..."

    chứng tỏ bác cũng biết Koblitz có quan điểm extreme/ultra leftist. Trong một cuộc debate có càng nhiều quan điểm thì càng hay, tôi chỉ phản đối cách tranh luận bằng cách công kích cá nhân của Koblitz.

    Bác không thích bài của PT có lẽ vì không để ý đến ngụ ý của bài viết ấy. PT kết luận chúng tôi không cần các anh là một kiểu nói mỉa mai, có 10 báo cáo như vậy thì cũng chẳng ai ở đất nước này thèm nghe đâu. Ý cuối cùng của tôi ở trên cũng tương tự như vậy, Bộ GDĐT đâu có quan tâm đến các phê bình/góp ý của Vallely và Wilkinson đâu, đưa bài của Koblitz ra biện hộ như là một cách nói khéo với Vallely và Wilkinson...FO!

    @Đỗ Quốc Anh: Hoàn toàn đồng ý với nhận xét của QA về tư vấn và nghiên cứu. Tuy nhiên trong lĩnh vực tư vấn kinh tế ngay cả ở các công ty tư vấn tư nhân có khá nhiều PhD econ (e.g. Trần Vinh Dự).

    ReplyDelete
  15. @Giang Lê: Tôi chỉ biết chút ít về bác Đông A là người tốt nghiệp ngành báo chí từ Đông Âu. Các thông tin bác này đưa ra là có chứng cứ. Tuy đôi khi có chút cảm tính khi đánh giá.

    @Quốc Anh: Rất đồng tình về ý kiến sự khác nhau giữa tư vấn và nghiên cứu. Nhưng nếu nghiên cứu mà đi không đúng hướng và có tính thực tế thì nghiên cứu không thể tốt bằng tư vấn.

    Khách quan mà nói thì tôi đọc bài của Thomas Valleyly tôi rất phục sự hiểu biết tường tận đến từng hang cùng ngõ hẻm của giáo dục Việt Nam. Nếu ai đã từng ngồi vào ngành giáo dục Việt Nam một cách thực sự làm việc dù ở bất cứ vị trí nào từ bậc tiểu học đến đại học đọc bài ông mới thấy ông tinh tường như thế nào? Nói như Giang Lê là đúng. Có lẽ bài này không phải của ông, mà là của nhiều người viết. Trong đó có những người Việt Nam tham gia vào.

    Chúc các bạn vui vẻ tranh luận và khách quan trong nhận định 1 vấn đề mà Việt Nam đang rất mất cân bằng.

    ReplyDelete
  16. Về bác Đông A: thì các bác lướt qua các links dưới đây sẽ rõ:

    http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=3691&rb=08

    http://donga01.blogspot.com/2009/06/profiles-o-yahoo.html

    http://www.iop.vast.ac.vn/~tranmt/

    Bác Đông A chắc cũng đã dùng ISI để thu thập số liệu khi viết bài này nên rõ mức độ sai lệch số liệu trong báo cáo VW nói trên:
    http://www.google.com.vn/#hl=vi&source=hp&q=www.geocities.com%2Fdong_a_01&btnG=T%C3%ACm+v%E1%BB%9Bi+Google&meta=&aq=f&oq=www.geocities.com%2Fdong_a_01&fp=9fb6fe5f4ea0121f

    Vụ "Đông A là ai" trên blog TT D chắc Nhị Linh còn nhớ rõ nhỉ!? :))

    Bác Đông A này cũng đã từng đụng độ bác Quốc Anh
    trong vụ "chiết tự" đấy.

    ReplyDelete
  17. Chào các bác,
    Bác QA: "sức ép về thời gian"? phiền bác liệt kê cho tôi một
    vài nghề mà không có "sức ép về thời gian" để tôi còn chuyển gấp :-)
    Trong tình trạng người người, nhà nhà bàn về GD, từ các bậc cha mẹ đến các bloggers...
    thì biết lấy gì để xác định đâu là những kết luận cảm tính, đâu là những kết luận chính xác?
    Dù là tư vấn hay nghiên cứu thì yêu cầu về số liệu, phương pháp ... tất nhiên phải cao hơn so với
    những phát biểu bâng quơ.

    Bác Giang: Tôi nghĩ việc ông Koblitz có quan điểm leftist thì đã rõ. Nhưng extreme/ultra hay không
    thì không chắc. Ông ấy còn khuyến khích mở rộng Intel Việt Nam (R&D) và kinh tế tư nhân cơ mà!

    Về bài của ông PT thì tôi thử đọc lại và vẫn giữ ấn tượng như trước. "Ngụ ý" của ông
    PT, nếu đúng như bác đã viết, đơn giản quá. Tôi cứ nghĩ ông PT sophisticated hơn cơ.
    Ngoài ra, tôi thấy ông PT không hiểu ông Koblitz viết gì khi lấy dẫn chứng về trình độ kém cỏi
    của sinh viên ĐH Mỹ nói chung. Ông Koblitz đang kể những điểm yếu kém của ĐH Mỹ, để những người đang định
    bắt chước rập khuôn mô hình Mỹ nghĩ lại. Điều này theo tôi rất "ăn nhập" với vấn đề cải cách ĐH Việt Nam.
    Tôi cũng không hiểu "phép lập luận tương đương" trong đoạn về sinh viên đánh giá ông Koblitz nghĩa là gì.

    ReplyDelete
  18. @Anonymous (9:00AM): Cám ơn bác đã cất công truy tìm lai lịch của bác Đông A. Bác này làm về physics nên không trách xét nét chuyện số liệu thế.

    Đọc trao đổi của bác Linh với bác Đông A bên blog Đông A thì hóa ra số 44 bài báo là do bác Linh (và có thể cả Vallely và Wilkinson) chỉ search "Article" chứ không phải "All". Tôi không rõ "All" có nghĩa là peer-review hay không vì Table 1 của Vallely và Wilkinson là "Publications in Peer-Review Journals". Dẫu sao hai tác giả này cũng cần kiểm tra lại số liệu khi đã có người đưa ra nghi ngờ độ chính xác, dù đây chỉ là một báo cáo chính sách chứ không phải một nghiên cứu khoa học.

    @anonymous (12:30PM): Xin không nói thêm về lập trường của ông Koblitz và "ngụ ý" của ông Phạm Toàn.

    Bác có nói bài của Koblitz có giá trị cảnh báo VN không nên rập khuôn mô hình đại học Mỹ. Tôi có một số thắc mắc như sau:

    1. Có thực sự Bộ GDĐT cần phải có lời cảnh báo này hay không? Nói cách khác, có phải Bộ GDĐT đang định rập khuôn mô hình Mỹ hay đang bị sức ép phải rập khuôn nên ông Koblitz phải lên tiếng hay không?

    2. Ông Koblitz có biết những gì VN dự định làm với hệ thống giáo dục của mình hay không? Hay ông chỉ đơn thuần đọc được báo cáo của Vallely và Wilkinson và cho răng VN sắp bị một cuộc xâm lăng của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ?

    3. Cuối cùng, bỏ qua ý kiến của mấy ông người Mỹ này, nếu VN rập khuôn hệ thống giáo dục của Mỹ thì có tốt hơn hệ thống giáo dục hiện tại hay không? Hay VN nên theo mô hình của Nga, Nhật, TQ, châu Âu? Hay chẳng cần cải cách gì cả?

    ReplyDelete
  19. Xin hỏi "hệ thống giáo dục" bao gồm những yếu tố nào? Nếu đúng là nằm trong chăn mới biết thì theo tôi có những việc nhỏ, nếu được điều chỉnh cho đúng thì chất lượng giáo dục tăng lên mà không cần phải rập khuôn ai cả.
    Vd: cách chia ĐH làm 2 giai đoạn đại cương và chuyên ngành không biết là rập khuôn của ai vì chỉ xuất hiện 10 năm nay,( nghe nói từ Mỹ) nhưng nó biến DH thành phổ thông cấp 4 trong 2 năm đầu này.

    Cả 2 ông K và V đều có chung một điểm là vai trò người thầy được nhấn mạnh, cùng đưa ra giải pháp: Tăng lương, cần đào tạo thầy nhiều hơn đào tạo trò. Chất lượng nằm ở đây chứ không phải "hệ thống" nào. Sinh viên giỏi của ĐH Cần Thơ ở lại trường DHCT, DH An Giang bên cạnh chỉ có thể tuyển vớt những người thầy còn lại.Sinh viên tốt nghiệp trung bình cũng không khó làm giảng viên hàng loạt trường ĐH mới mở, cứ thế càng mở nhiều ĐH chất lượng càng giảm dần. KHông những phải vét thầy mà trò cũng phải vét. Xin tham khảo điếm trúng tuyển của các ĐH gần đây.

    Ông V thành công với Fullbright VN, nên muốn nhân rộng ra. Tôi tin rằng chương trình này thành công vì nó dạy kiến thức mới. Nó thu hút một số lượng nhỏ giáo viên giỏi.
    Vậy lâu nay nó có ảnh hưởng tích cực đến việc giảng dạy bình thường của ĐH Kinh tế không?
    Nếu nhân rộng ra thành 1 ĐH, với các ngành nghề khác nhau, liệu ĐH này có ảnh hưởng tích cực đến toàn thể các ĐH khác trong nước?

    500 triệu USD để xây dựng 4 ĐH đẳng cấp sẽ chui một phần vào một số cá nhân may mắn. 1 ĐH do nhóm các trí thức Hoàng Tụy hay 1 ĐH của Valley sẽ tốn bao nhiêu để thu hút và giữ được người thầy giỏi, thu hút được trò giỏi chịu trả học phí cao. Nhà nước không nên bỏ thêm tiền cho các ông này ( cả Việt (HT) lẫn Mỹ (Valley), vì nó chỉ giúp được chính các ĐH này mà thôi. Điều này tương đương với việc giảm số lượng các trường (thầy+ trò) để số tiền đầu tư trên đầu người tăng lên.
    Ông Koblitz đúng. Ông Hoàng Tụy và Valley có giỏi thì tự làm. Tôi chờ xem ĐH của bà Tôn N. T. Ninh sẽ như thế nào.

    Intel tuyển người khó vì ĐH VN không đào tạo cho những công việc như vậy chứ không phải ĐH VN không có chất lượng. Số nhỏ sinh viên VN vẫn ngon lành đi học tiếp ở các ĐH hàng đầu hoặc đi làm vũng vàng trong các công ty quốc tế.

    Giảm quy mô của cái gọi là ĐH, để vị trí người thầy cũng như trò cạnh tranh hơn thì sẽ thu hút được người giỏi làm thầy và làm trò. Lương tăng nhờ số đầu người giảm. Đầu ra được sử dụng hết và đúng chổ.
    Cái còn lại thật sự cần quan tâm là hệ thống dạy nghề và phổ thông.

    ĐH Thanh Hoa là phù hợp với trình độ của TQ. VN không cần đầu tư 1 ĐH nghiên cứu đẳng cấp khi sinh viên giỏi của VN vẫn đang tung hoành ở các ĐH tốt của nước ngoài. VN có dùng hết những người này đâu mà đòi đạo tạo thêm cho nhiều?

    ReplyDelete
  20. Một bác khuyết danh có hỏi tôi về "sức ép thời gian". Thường thường, các yêu cầu tư vấn cho doanh nghiệp có thời hạn một vài tuần cho đến một hai tháng, yêu cầu tư vấn chính sách cho chính phủ có thể lâu hơn một chút, còn để viết một bài nghiên cứu khoa học chính sách (cũng là về chính sách, không phải khoa học xã hội) cần nhiều tháng trời. Doanh nghiệp hay chính sách không thể chờ hàng tháng trời được: vì thế sức ép thời gian khác nhau rất nhiều.

    Bác Giang: có thể bác nói đến tư vấn kinh tế, hầu hết phục vụ cho tranh tụng (có thể kể đến những công ty mạnh ở Mỹ như NERA, Analysis Group). Ngoài ra còn có tư vấn chiến lược, chủ yếu tư vấn về phương pháp đường lối kinh doanh, song cũng có làm về chính sách (như McKinsey, BCG, Baine). Loại thứ nhất tuyển dụng nhiều PhD (kinh tế, tài chính), loại thứ hai thì có rất ít PhD, vì nội dung công việc khác hẳn và không sử dụng gì đến skills của PhD (cũng vì thế nên PhD cũng theo track giống MBA hay các loại Master khác). Ở trên, em nhắc đến loại tư vấn thứ hai, cũng là loại tư vấn làm việc nhiều về các vấn đề chính sách hơn.

    ReplyDelete
  21. @Anonymous (Oct 29 7:53): 2 năm đại cương (hay phổ thông cấp 4 như bác nói) là mô hình của Liên Xô :-). Tôi đã từng phải học 3 năm đủ các môn cơ bản (tất nhiên không thể thiếu lịch sử Đảng CS Liên xô, Kinh tế Chính trị Marx-Lenin, Chủ nghĩa XH Khoa học...), trước khi được học các môn chuyên ngành trong 3 năm sau đó.

    Tôi đồng ý với bác có rất nhiều chuyện nhỏ nếu sửa được thì chất lượng giáo dục ĐH sẽ được cải thiện đáng kể. Nhưng chính lập luận của bác về việc Intel không tuyển được người vì chương trình đào tạo của các trường ĐH VN không dạy cho thấy các cải cách nhỏ không giải quyết được triệt để vấn đề giáo dục ĐH VN.

    Đây chính là điểm 1 và 5 trong báo cáo của Vallely và Wilkinson: Autonomy và Academic freedom. Nếu chương trình đại học phải dạy các môn chính trị đến 25% tín chỉ, thậm chí 30% như bác Nguyễn Văn Tuấn viết, thì bác có tin rằng sinh viên sẽ có đủ kiến thức chuyên môn khi tốt nghiệp? Fulbright VN thành công (nếu có thể nói như vậy) không chỉ vì giảng viên giỏi và chương trình hay, quan trọng là nó có đủ autonomy và freedom để được dạy những gì sinh viên cần. Nó không spillover được sang trường ĐHKT vì các trường đó vẫn nằm trong vòng kiểm soát của Bộ GD chứ không phải các thầy giáo bên đó không "học" được cách làm giáo dục ĐH của Fulbright.

    Nhưng đó chưa phải là tất cả, vấn đề merit-based selection (cả giảng viên và sinh viên) và vấn đề accountability mà Vallely và Wilkinson đưa ra theo tôi là trở ngại cực kỳ quan trọng cho việc cải cách các trường ĐH hiện tại của VN. Thực ra hai trở ngại này không chỉ trong hệ thống đại học mà toàn xã hội đều vướng phải.

    Vì những lý do đó, Fulbright VN (không chỉ Vallely và Wilkinson) luôn cổ vũ cho một trường đại học đúng nghĩa không bị 5 cái rào cản mà bản báo cáo của WV đã chỉ ra, và có lẽ nhiều người VN cũng nhận thấy 5 rào cản này. Vấn đề nhờ một vài trường ĐH hàng đầu của Mỹ giúp, hay cái mác "đẳng cấp quốc tế", hay như bác nói "nhân rộng điển hình Fulbright VN"... chỉ là tiểu tiết. Cái chính là thay DNA của ĐH VN bằng cách lập một trường mới, cởi trói cho nó và tìm cách nhân rộng mô hình đó khi nó thành công.

    Bác quá bất công khi yêu cầu Hoàng Tụy và Vallely đứng ra mở trường, hay đợi xem kết quả của Tôn Nữ Thị Ninh như thế nào. Chừng nào các trường đại học chưa có autonomy và freedom thì đừng mong gì sẽ có đột phá. Hơn nữa, Fulbright VN đã luôn chỉ ra rằng để xây dựng được một ĐH tốt cần phải có tiền của chính phủ (hoặc tiền của một tổ chức phi lợi nhuận). Tất cả các trường ĐH tư của VN (hay Mỹ) hoạt động vì lợi nhuận không bao giờ có chất lượng tốt.

    Việc VN không có nhiều tiền (cần phải giảm qui mô ĐH như bác gợi ý) càng củng cố cho phương án tập trung nguồn lực cho một trường chất lượng tốt. Những gì tôi được biết là Fulbright VN không đồng tình với phương án rải tiền ra cải cách các đại học hiện tại, cũng không ủng hộ đề án 4 trường đại học quốc tế. Tiêu tiền như thế, đúng như bác nói, sẽ chỉ có lợi cho một số nhỏ cá nhân may mắn mà không đem lại hiệu quả gì.

    Tôi nghĩ những gì báo cáo của Vallely và Wilkinson chỉ ra chẳng có gì cao xa cả. Nhưng làm theo những khuyến nghị đó sẽ đụng chạm rất nhiều đến interest của nhiều người. Không có gì khó hiểu khi Bộ GD phản ứng mạnh như vậy, và không chỉ có Bộ.

    ReplyDelete
  22. @ Đõ Quốc Anh: Các công ty tư vấn chính sách kinh tế cho chính phủ ở Úc mà tôi biết (KPMG, Frontier, Access Economics, CIE) có đến 80-90% consultants là PhD econ. Đó là chưa kể khá nhiều professor econ ở các trường đại học cũng đi tư vấn cho chính phủ. Nhưng đúng là những người này chủ yếu tư vấn những vấn đề khá technical, e.g. impact of WTO accession, VAT...

    ReplyDelete
  23. Bài viết của ông Koblitz là một bài khó đọc, bởi vì nó cố gắng đưa ra một cách nhìn khác
    so với những gì mà nhiều người vẫn thường coi là chân lý. Mặc dù vậy, bài báo rất dễ đọc, vì nó được viết theo kiểu trình bày rất đặc trưng của người Mỹ. Trong lời mở đầu, ông đã trình bày rất rõ ràng, và
    tự giới hạn mục tiêu bài viết của mình là "không nhằm phân tích một cách toàn diện" về GD bậc cao, và
    chỉ "xem xét câu hỏi này trong bối cảnh lịch sử" và qua đó, cảnh báo về ý đồ của người Mỹ. Tôi cho rằng rất nhiều
    người khi đọc bài của ông Koblitz đã bỏ qua những lời dẫn này và nhảy ngay vào những phần tiếp theo, và vì thế
    mới có những lời bình luận đầy thất vọng kiểu như "nói thế thì GD VN chả có vấn đề gì à" hay "thế thì GD Mỹ chả
    có gì phải học à"....và tất nhiên, vì không cố gắng trình bày một cách toàn diện mọi vấn đề nên ông Koblitz thường
    sử dụng những dẫn chứng từ kinh nghiệm của mình và đa số là trong ngành toán. Điều đó không có nghĩa là ông xem thường
    những ngành khoa học khác (lưu ý thêm là người ta thường viết math & science vì math không được coi
    là một ngành khoa học nên phải viết riêng ra, ông NVT có vẻ rất bất bình về việc "nhìn đâu cũng thấy math", nhưng đó
    là cách viết thông thường chứ không phải là muốn nhấn mạnh math.)

    Bài viết của ông NVT, tuy được trang bị bằng một loạt các con số thống kê đầy ấn tượng, cũng mắc phải
    sai lầm này. Vì thời gian có hạn, tôi chỉ xin bình luận về đoạn mở đầu trong bài viết của ông NVT.

    1. Ông NVT viết: "....Ông cho rằng nền giáo dục của Mĩ chẳng có gì hay..." và "...nền giáo dục của Mĩ
    chẳng có gì để học hỏi..."
    Hãy đọc lại Koblitz:
    "...Có một số điều ở nước Mỹ được thực hiện tốt - như tôi đã từng đề cập đến trong những lần sang thăm Việt Nam.
    Ví dụ, ở Mỹ thì việc giảng dạy và nghiên cứu được gắn kết với nhau tốt hơn so với đa số các nước khác..."

    2. NVT: "...Ông đánh giá cao thành tựu của chính sách Đổi mới...".
    Hãy đọc lại Koblitz: "...Trong cuốn
    sách Random Curves[10] của mình, tôi đã cố gắng đưa ra một cách nhìn cân bằng về ảnh hưởng của đổi mới.
    …Những thay đổi này có ảnh hưởng cả tốt lẫn xấu...."

    Nhiều người cho rằng ông Koblitz "không biết gì cũng nói", nhưng theo tôi ông Koblitz cũng đã biết rằng những
    khó khăn của GD bậc cao là rất phức tạp, và tự nguyện giới hạn bài viết của mình vào việc phản biện những lập
    luận của báo cáo Vallely.

    Còn nhiều vấn đề khác nữa trong bài của ông NVT, ví dụ hiện tượng "bằng hữu nghị" - ông NVT không biết rằng đây là một ví dụ nữa chứng tỏ
    nền GD Liên Xô cũ đã tồi tệ như thế nào sau khi thay đổi. Hiện tượng "bằng dỏm", "tiến sĩ dỏm" cũng vậy - nó
    chỉ xuất hiện nhiều như nấm khi VN bước sang thời kỳ đổi mới. Rồi thì ông NVT viện dẫn một ông nào đó nói rằng trình độ sinh viên
    tốt nghiệp trong nước "... chỉ bằng đại học đại cương (hai năm đầu của đại học nước ngoài)..." - chắc ông ta đang nói
    đến các nước châu Âu hay châu Á, nơi có nền đào tạo đại học theo kiểu "elite education", còn với đa số các đại học
    Mỹ thì hai năm đầu thường được dành cho các môn "general education", sinh viên chưa lựa chọn chuyên ngành ngay lập tức.
    Do đó, việc so sánh trình độ là hoàn toàn khập khiễng. Còn tại sao không cấp học bổng cho các ngành "công nghệ"?
    Lý do rất đơn giản - đa số sinh viên hiện nay đã không còn chọn các ngành toán và khoa học nữa. Ông NVT một mặt ca ngợi
    TQ hay HQ đầu tư tiền cho các đại học nghiên cứu và đạt thành công lớn. Các đại học này không tập trung vào
    các ngành toán và khoa học thì là vào cái gì? "...nông nghiệp, khoa học vật liệu, hóa học, công nghệ sinh học,
    y sinh học, dược học" không phải là khoa học thì là cái gì? Cũng cần phải bàn lại xem "mô hình Mỹ" là mô hình gì,
    vì các đại học nói trên vẫn là những đại học theo "elite education strategy" chứ không phải "general education strategy".
    ...

    ReplyDelete
  24. Bác Giang,
    "...Fulbright VN đã luôn chỉ ra rằng để xây dựng được một ĐH tốt cần phải có tiền của chính phủ (hoặc tiền của một tổ chức phi lợi nhuận). Tất cả các trường ĐH tư của VN (hay Mỹ) hoạt động vì lợi nhuận không bao giờ có chất lượng tốt."

    Hình như ý này là ý của ông Koblitz khi đang nói về đại học Thăng Long :-)

    Bác viết "Bộ GD phản ứng mạnh như vậy..." đối với báo cáo Vallely à? Bác chỉ cho tôi references với nhé. Tôi thấy một trong bốn đối tác xây 4 trường ĐH đẳng cấp QT là Mỹ (tức là nhóm Harvard). Không có lý gì họ lại phản đối
    mạnh đối tác cả.

    ReplyDelete
  25. Bác Giang, trả lời 3 câu hỏi của bác.
    1. Trong số 4 trường ĐH "đẳng cấp QT", Bộ định xây một trường ĐH với Mỹ, tiền của VN vay WB. Mô hình thế nào thì chắc nhóm Vallely biết cụ thể.
    2. Tôi chịu, không biết.
    3. Chuyện cần phải cải cách thì ai cũng thấy rõ -
    kể cả Bộ GD&ĐT. Tôi chưa nghĩ sâu nên chỉ dám có một vài nhận xét như sau:

    + Mô hình ĐH VN hiện nay (undergraduate) theo kiểu "elite" giống châu Âu và một vài nước châu Á khác, còn của Mỹ thì khác hẳn. Đa dạng nghe có vẻ là ý hay, nhưng thực tế rất khó thực hiện. Tôi có cảm giác là ta học tập kinh nghiệm của những nước có mô hình gần giống mình thì khả năng thành công cao hơn.
    + Hình như trước kia người ta chỉ định xây một trường ĐH có tính chất tinh hoa và là ĐH nghiên cứu. Tôi không rõ 4 trường mới như thế nào, nhưng hình như yêu cầu đối với các ĐH này hơi khác.
    + Vấn đề cải cách tiền lương theo tôi là vấn đề
    quan trọng nhất, và phải thừa nhận là vấn đề này đã được GS. Hoàng Tụy nói rất nhiều lần, ông NTNhân cũng đã nói đến chứ không phải không. Tại sao không làm được cái này mà lại
    có tiền làm được 04 cái kia? Chịu. cái xứ mình nó thế.

    ReplyDelete
  26. @Anonymous (Oct 29 11:58PM): reference chính là bài của Koblitz đấy bác, tôi có nghe thông tin ngoài lề (chưa được kiểm chứng) rằng Bộ GDĐT đã yêu cầu các báo đăng bài này để trả đũa lại báo cáo Vallely và Wilkinson.

    Tôi không nói ông Koblitz sai hoàn toàn. Nhận định của ông về các đại học tư của VN rất đúng. Chừng nào các trường đại học tư chưa có một nguồn funding phi vụ lợi (từ chính phủ, các tổ chức phi vụ lợi, mạnh thường quân) thì chưa thể có chất lượng, kể cả đại học Trí Việt của bà Tôn Nữ Thị Ninh/ông Lương Văn Lý.

    @anon (Oct 30 12:19AM): Cám ơn bác đã trả lời các "câu hỏi" của tôi :-)

    ReplyDelete
  27. Thưa chú Giang, cháu xin phép hỏi chú một câu hỏi cá nhân được không ạ. Hiện cháu đang theo học ngành tài chính Việt Nam, nhưng cháu mới xin được một học bổng của the University of Queensland chuyên ngành International Trade and Finance của School of Economics. Cháu muốn hỏi là nếu theo học ngành này thì liệu cháu có được học những môn tài chính mang tính chất ứng dụng để dùng vào công việc sau này không hay là sẽ chuyển sang lĩnh vực tài chính vĩ mô và ít tính chất ứng dụng hơn. Cháu đang rất băn khoăn không biết nên lựa chọn hướng đi nào và cháu nghĩ là một người có kiến thức uyên bác như chú, thêm sự hiểu biết về nền giáo dục Úc, có thể cho cháu một số lời khuyên đúng đắn. Cháu cám ơn ơn chú nhiều ạ. Cám ơn chú đã dành chút thời gian cho cháu.

    ReplyDelete
  28. Thưa chú Giang, cháu xin phép hỏi chú một câu hỏi cá nhân được không ạ. Hiện cháu đang theo học ngành tài chính ở Việt Nam, nhưng cháu mới xin được một học bổng của the University of Queensland chuyên ngành International Trade and Finance của School of Economics. Cháu muốn hỏi là nếu theo học ngành này thì liệu cháu có được học những môn tài chính mang tính chất ứng dụng để dùng vào công việc sau này không hay là sẽ chuyển sang lĩnh vực tài chính vĩ mô và ít tính chất ứng dụng hơn. Cháu đang rất băn khoăn không biết nên lựa chọn hướng đi nào và cháu nghĩ là một người có kiến thức uyên bác như chú, thêm sự hiểu biết về nền giáo dục Úc, có thể cho cháu một số lời khuyên đúng đắn. Cháu cám ơn ơn chú nhiều ạ. Cám ơn chú đã dành chút thời gian cho cháu.

    ReplyDelete
  29. @Anonymous (Nov 27, 12:42AM): Theo chú biết khóa học mà cháu đề cập đến của UQ có tính chất basic và nghiêng về academic background hơn là ứng dụng thực tế. Để học các skills có tính ứng dụng thì cháu nên tìm hiểu các chương trình MBA chuyên về finance, còn không tự học CFA cũng rất tốt.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.