Tuesday, October 29, 2013

Deficit ceiling


Hôm trước tôi có comment trên G+ của anh Nguyễn Vạn Phú về vấn đề chính phủ đang xin QH tăng tỷ lệ deficit từ 4.8% GDP lên 5.3%. Hôm nay đọc được bài này của TBKTSG có khá nhiều số liệu nên tôi tính thử xem tình trạng ngân sách năm nay của VN ra sao.

Theo bài báo trong 9 tháng đầu năm tổng thu ngân sách nhà nước là 543,835 tỷ đồng, bằng 66.6% so với kế hoạch. Có nghĩa là kế hoạch thu ngân sách năm 2013 là 543,835/0.666=816,569 tỷ. Trong khi đó bội chi ngân sách(*) đã là 140,755 tỷ, bằng 87% so với kế hoạch. Như vậy kế hoạch bội chi là 140,755/0.87=161,787 tỷ. Con số này còn tương đương với dự toán bội chi năm 2013 bằng 4.8% GDP, nghĩa là chính phủ đã dự tính (nominal) GDP năm nay là 161,787/0.048=3,370,570 tỷ. Nếu QH đồng ý cho tăng bội chi lên 5.3%, nghĩa là 0.5 điểm phần trăm, thì số tiền bội chi tăng thêm sẽ là 3,370,570*0.005=16,853 tỷ. Tổng số tiền bội chi từ nay đến cuối năm theo kế hoạch tăng thêm này sẽ là 161,787*0.13+16,853=37,885 tỷ, trong đó 21,032 tỷ đã được duyệt từ đầu năm.

Quan điểm của tôi là nếu chính phủ vẫn chi tiêu trong giới hạn tổng chi ngân sách QH đã duyệt đầu năm và bội chi tăng vì tổng thu giảm bất khả kháng thì QH không nên làm khó dễ chính phủ. Ngược lại nếu bội chi tăng vì chính phủ chi tiêu vượt quá dự toán đã được QH duyệt đầu năm thì QH phải kiên quyết không cho tăng bội chi nữa. Vậy tình hình tài khóa của VN đến cuối tháng 9/2013 ra sao?

Theo bài báo nói trên những năm gần đây tổng thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm thường vào khoảng 80%, so với 66.6% năm nay. Như vậy trong 9 tháng đầu năm nay tổng thu bị hụt so với thông lệ/kế hoạch là 13.4%. Nếu trong 3 tháng còn lại ngân sách thu được 20% kế hoạch như những năm trước thì vẫn sẽ hụt 13.4%, tương đương 109,420 tỷ nếu (nominal) GDP bằng với dự báo đầu năm. Số tiền này lớn hơn nhiều so với con số xin thêm 16,853 tỷ (0.5% GDP) tính bên trên, nghĩa là trên thực tế chính phủ sẽ phải cắt giảm tổng chi đã được duyệt 109,420-16,853=92,567 tỷ, bằng 2.7% GDP hay 11% dự toán tổng chi đầu năm. Nếu đây là tình hình tài khóa thực tế thì QH nên thông cảm duyệt cho chính phủ tăng thêm bội chi 0.5% GDP vì chính phủ đã tự nguyện cắt 2.7% GDP phía chi.

Nếu trong 3 tháng cuối năm chính phủ tăng thu ngân sách để đạt được mức thu bằng 30% kế hoạch so với 20% của các năm trước, tổng thu vẫn bị hụt 3.4% kế hoạch tương đương 27,763 tỷ. Nghĩa là ngay cả trong phương án QH duyệt cho tăng bội chi lên 5.3% GDP thì chính phủ vẫn phải cắt tổng chi 27,763-16,853=10,911 tỷ (0.3% GDP). Không kể việc tăng gấp rưỡi mức thu trong 3 tháng cuối năm như vậy không dễ, điều này sẽ có tác hại không nhỏ vào nền kinh tế vì chính phủ sẽ phải tìm mọi cách tận thu các nguồn có thể (tăng giá xăng dầu, điện, nước, tăng các loại thuế, tăng sản lượng khai thác và xuất khẩu dầu, than, khoáng sản, tăng bán đất và các tài sản công khác...). Việc vừa tăng thu vừa giảm chi như vậy sẽ tiếp tục làm giảm tốc độ tăng trưởng GDP và ảnh hưởng đến nguồn thu và ngân sách năm sau.

Đến đây một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là tại sao thu ngân sách 9 tháng đầu năm nay lại bị hụt nghiêm trọng như vậy (chỉ đạt 66.6% so với thông lệ/kế hoạch là 80%)? Ngoài lý do giá dầu thô và nhiều loại khoáng sản giảm, nguồn thu từ XNK giảm, từ tiền bán đất và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giảm..., có lẽ quan trọng nhất là Nominal GDP không tăng như dự kiến. Tăng trưởng của NGDP bằng tăng trưởng real GDP cộng với tốc độ lạm phát (chính xác hơn là tốc độ tăng GDP deflator). Như vậy nếu đầu năm dự kiến lạm phát khoảng 12% nhưng trên thực tế chỉ là 5% thì phần chênh lệch lạm phát này đã làm giảm thu ngân sách khoảng 57,160 tỷ (=3,370,570*0.07*0.24), tương đương hơn 1/2 số hụt thu 109,420 tính bên trên. Ngược lại nếu giả sử toàn bộ số hụt thu đó là do NGDP thực tế thấp hơn dự kiến đầu năm thì tỷ lệ thấp hơn sẽ là 109,420/0.24/3,370,570=13.4%. Con số này chính là tỷ lệ hụt thu ngân sách tính bên trên.

Như vậy nếu tỷ lệ hụt thu ngân sách (hay tỷ lệ hụt NGDP so với dự kiến) là 13.4% và giả sử có 7% do lạm phát giảm thì vẫn còn 6.4% phải phân bố vào hụt tăng trưởng real GDP và hụt các nguồn thu khác (dầu thô, bán đất...). Bao nhiêu điểm phần trăm của con số này sẽ "ăn" vào tốc độ tăng trưởng real GDP dự kiến (5.5%)? Tất nhiên tôi không thể biết và cũng không muốn đoán mò, có quá nhiều giả định trong các tính toán ở đây(**). Tuy nhiên trong phương án xấu nhất real GDP có thể có tăng trưởng âm, nghĩa là nền kinh tế rơi vào recession trong năm 2013(***). Nếu GSO năm nay thống kê real GDP tăng trên 5%, tôi rất muốn biết lý do nào thu ngân sách bị hụt nhiều như vậy.


(*): Tôi nghĩ chính phủ và báo chí VN nên chuyển sang sử dụng thuật ngữ "thâm hụt ngân sách" (budget deficit) như thông lệ quốc tế thay vì dùng "bội chi ngân sách".
(**): Ngoài các giả định có thể không chính xác, các tính toán của tôi sử dụng số liệu từ một bài báo của TBKTSG. Mặc dù đây là một tờ báo rất có chất lượng và nhà báo Tư Giang rất có uy tín, tôi không thể khẳng định nguồn số liệu trong bài báo này chính xác 100%.
(***): Xin các bạn, nhất là các bạn "lề trái", lưu ý đây chỉ là khả năng xấu nhất chứ không phải tôi dự báo kinh tế VN bị recession trong năm 2013.


13 comments:

  1. Một số công ty đang bị truy thu thuế

    Việc truy thu 117 tỷ thuế của Nhựa Bình Minh: SCIC sẽ làm việc với Bộ Tài chính
    http://s.cafef.vn/bmp-120070/viec-truy-thu-117-ty-thue-cua-nhua-binh-minh-scic-se-lam-viec-voi-bo-tai-chinh.chn

    http://s.cafef.vn/src-120157/src-quyet-dinh-truy-thu-6527-trieu-dong-cua-cuc-thue-tp-ha-noi.chn

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hiện tại, các doanh nghiệp trên toàn quốc có thuê đất trả tiền hàng năm đều bị truy thu do sự thay đổi về giá cho thuê. Trong trường hợp may mắn không bị truy thu thì giá thuê năm sau cao hơn năm trước 8-10 lần...doanh nghiệp đang làm không ra lợi nhuận thì còn bị tận thu

      Delete
  2. "Như vậy nếu đầu năm dự kiến lạm phát khoảng 12% nhưng trên thực tế chỉ là 5% thì phần chênh lệch lạm phát này đã làm giảm thu ngân sách khoảng 57,160 tỷ (=3,370,570*0.07*0.24)" >> Anh Giang co the giai thich con so 0.24 la o dau khong a?

    Thanks anh a

    ReplyDelete
  3. Làm ngân sách nó rối lắm bác Giang ơi, Người ta tính toán các khoản thu, các khoản chi, xem lại nợ cũ và các khoản đã ứng trước (ví dụ năm 2013 đã cấp tiền năm 2014 cho nhiều nơi tiêu rồi), xem chuyển nguồn giữa các mục, các năm... rồi mới cân đối ra bội chi. Còn GDP tính kiểu khác, đối chiếu với bội chi thì ra tỷ lệ bội chi.
    Như vậy, bội chi không phải đơn thuần cứ là thu năm nay trừ đi chi năm nay đâu.
    Theo tôi nhớ, thu ngân sách thường tập trung vào quý IV, quý kinh doanh sôi động nhất, có cả mục sản xuất phục vụ tết nguyên đán. Khi đó cũng là lúc các đơn vị kinh tế tổng kết, xác định lãi lỗ và nộp ngân sách ồ ạt. Viện trợ cũng nhận nhiều vào cuối năm...
    Bác nói những năm gần đây tổng thu ngân sách trong 9 tháng đầu năm thường vào khoảng 80%, vậy quý 4 chỉ thu được 20%, kém trung bình các quý trước, thì tôi nghi ngờ.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Thông tin 9 tháng đầu năm thường thu được 80% ngân sách là tôi lấy từ bài báo, tôi không chắc mức độ chính xác thế nào (và đã có cảnh báo bên trên).

      Theo "giang hồ" đồn đại là sở dĩ năm nay bị hụt thu nhiều như vậy vì bác Vương Đình Huệ "chuyển nguồn" một khoản thu khá lớn của năm 2013 sang năm 2012 để lấy thành tích trước khi bác ấy rời ghế bộ trưởng.

      Tôi không rõ thực hư thế nào nhưng tôi nghĩ government budgeting cũng giống corporate accounting thôi. Chuyển nguồn thu/chi cũng giống như defer/advance income để làm đẹp balance sheet. Nhưng có thể làm đẹp con số accounting earning chứ khó có thể giấu được tình trạng cashflow.

      Bởi vậy giới analyst thường theo dõi cashflow rất cẩn thận, sử dụng cashflow để hiệu chỉnh balance sheet. Vì government budget không tiết lộ cashflow nên khó đánh giá, bởi vậy tôi phải đoán già đoán non.

      Nhưng có dấu hiệu cashflow của government đang khó khăn, vd đòi giảm lương tối thiểu hay tăng trần phát hành trái phiếu. Ngoài ra nếu vụ ông Huệ chuyển nguồn là nguyên nhân thì chính phủ có thể sử dụng chuyển nguồn từ 2014 sang 2013 để tạm thời không phải xin tăng bội chi, trừ khi dự báo thu sang năm vô cùng tệ hại nên không thể sử dụng được chiêu này nữa.

      Delete
    2. "Bởi vậy giới analyst thường theo dõi cashflow rất cẩn thận, sử dụng cashflow để hiệu chỉnh balance sheet."
      Thầy cho em xin một ví dụ về cái điểm này được không ạ? Em chưa thể hình dung mình modify như thế nào cả!
      Em cám ơn thầy!

      Delete
    3. Ví dụ các công ty có thể chuyển các khoản phải thu (receivables) vào revenue dù chưa thu được cash. Như vậy lợi nhuận trong kỳ sẽ tăng nhưng cashflow không tăng. Do đó nếu analyst phân tích P&L statement thấy lợi nhuận tăng mạnh mà cashflow không tăng tương ứng thì có thể phải hiệu chỉnh P&L cho phù hợp với tốc độ tăng cashflow.

      Delete
  4. Cám ơn thầy đã hướng dẫn đoạn trên cho em.
    Nhưng có một điều này em thắc mắc quá.
    Nominal GDP Việt Nam năm 2012 được GSO báo cáo là 2.950 ngàn tỷ đồng. Trong khi theo ước tính của thầy trên kia thì GDP danh nghĩa cho 2013 là 3.370 tỷ. tức là GDP Việt Nam phải tăng 3.370/2.950 -1 = 14.2%. Như vậy là có gì đó không ổn rồi đúng không ạ?
    Không biết là có lầm lẫn gì ở đây không nữa

    ReplyDelete
    Replies
    1. Nominal GDP tăng 14% không có gì là lạ. Bạn cứ ước lượng lạm phát khoảng 8%, real GDP tăng khoảng 6% thì sẽ ra con số đó. Chính vì bộ Tài chính dự báo NGDP tăng như vậy nên khi cả lạm phát lẫn RGDP không tăng như dự kiến thì họ bị hụt thu.

      Delete

Note: Only a member of this blog may post a comment.