Friday, February 13, 2009

Banking regulation


Markus Brunnermeier và một nhóm tác giả vừa hoàn thành một báo cáo về các qui tắc quản lý hệ thống ngân hàng (The Fundamental Principles of Financial Regulation). Tôi mới chỉ đọc qua phần tóm tắt trong Foreword nhưng thấy đây là một tài liệu rất quan trọng, hi vọng Bộ Tài chính và NHNN VN sẽ "để mắt" đến báo cáo này.

Về cơ bản các tác giả cho rằng từ trước tới nay các qui định quản lý ngân hàng chủ yếu là micro-regulation (quản lý vi mô), ví dụ như capital-asset ratio (tỷ lệ vốn trên tài sản), required reserve ratio (tỷ lệ dự trữ bắt buộc). Điều này đúng và cần thiết, tuy nhiên chưa đủ. Một ngân hàng có thể "safe" về mặt micro, nhưng trong hoàn cảnh macroeconomics bị khủng hoảng thì các qui định micro có thể sẽ có hại cho toàn hệ thống.

Lấy ví dụ capital asset ratio theo qui định của Basel II phải được tính theo nguyên tắc risk-adjusted (hiệu chỉnh theo mức độ rủi ro của tài sản), mà phổ biến nhất là dùng VaR (Value-at-Risk - phuơng pháp đánh giá giá trị tài sản theo mức độ thua lỗ tối đa ở một xác suất cho phép). Như vậy khi tình hình thị trường xấu đi, thường sẽ làm tăng asset price volatility/correlation (độ biến động/độ cùng biến động của giá các loại tài sản khác nhau) và như vậy làm tăng VaR của tài sản trong hệ thống ngân hàng. Để đảm bảo capital-asset ratio các ngân hàng sẽ phải đồng loạt bán ra một phần tài sản, vừa đẩy giá của các tài sản đó sụt giảm thêm vừa làm tăng volatility. Như vậy hành động đúng về mặt micro của các ngân hàng, nếu bị buộc phải làm cùng lúc vì micro-regulation, sẽ làm tăng risk cho toàn hệ thống.

Cũng tương tự như vậy, qui định mark-to-market accounting (qui định kế toán yêu cầu dùng giá thị trường để tính giá trị các tài sản hiện có trong balance sheet) có mục đích giúp các ngân hàng định giá tài sản chính xác hơn khi thị trường thay đổi. Tuy nhiên khi các ngân hàng đồng loạt write-off (loại bỏ nợ xấu khỏi balance sheet và chấp nhận lỗ) một lượng lớn tài sản thì giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán sẽ đồng loạt giảm, sẽ ảnh hưởng lên balance sheets của các tổ chức tài chính và cuối cùng sẽ quay lại asset prices mà các ngân hàng phải mark-to-market. Hai ví dụ trên đây liên quan đến vấn đề feedback loop (ảnh hưởng theo vòng lặp) hay còn gọi là endogeneity (tương tác nội tại trong một hệ thống). Nếu chỉ xét từng ngân hàng riêng lẻ (micro regulation) thì không đối phó được với vấn đề này.

Một đề suất quan trọng của báo cáo là cần có biện pháp hiệu chỉnh cách tính rủi ro cho từng ngân hàng có tính đến mức độ rủi ro chung của thị trường. Nghĩa là ngoài các micro-regulation hiện tại nên có thêm các macro-regulation (quản lý vĩ mô) liên quan đến tình hình chung của thị trường. Ví dụ thay vì tính VaR theo cách thức truyền thống, có thể đưa thêm vào các hệ số (multiplier) có liên quan đến mức độ leverage (đòn bẩy tài chính) và maturity mismatch (độ chênh lệch đáo hạn của tài sản có và tài sản nợ) của các ngân hàng.

Đề suất quan trọng thứ hai là hình thức thiết kế các cơ quan quản lý hệ thống ngân hàng. Nên có một cơ quan phụ trách macro-regulation (central banks) và một cơ quan phụ trách micro-regulation (financial service authority). Ngoài ra các tác giả cũng đề suất nên đưa thêm vào qui định quản lý những biện pháp mới, ví dụ tỷ lệ tối đa cho vay đầu tư địa ốc, hay các hình thức stress-test (kiểm tra khả năng đứng vững của một ngân hàng khi các tình huống xấu nhất có thể xảy ra) cần thực hiện.

Nếu VN gia tăng qui định quản lý hệ thống ngân hàng, một hệ quả gần như chắc chắn là kinh doanh ngân hàng sẽ không còn hấp dẫn như trước đây vì lợi nhuận sẽ giảm. Tác dụng phụ này có thể sẽ làm các tổng công ty/tập đoàn lớn của VN từ bỏ giấc mơ có ngân hàng riêng của mình.

Update: Chales Calomiris cũng đề cập đến micro vs. macro regulation.

Update (16/02): Thomas Philippon tóm lược các ý chính trong Brunnermeier's report và 2 reports khác của Paul Valcker và NYU-Stern.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.