Wednesday, February 8, 2012

Greed II



Nhân bạn Duy Linh giới thiệu một bài viết về đầu cơ của bác Đinh Tuấn Minh, tôi trích dẫn lại dưới đây một số trao đổi cá nhân với một người bạn về vấn đề này. Quan điểm của tôi trên blog từ trước đến giờ vẫn là đầu cơ không xấu nhưng cần phải có kiểm soát, nhất là trong những giai đoạn khủng hoảng, hỗn loạn. Cả hai quan điểm phải cấm hoàn toàn đầu cơ hoặc đầu cơ vô tội đều quá extreme sẽ đẩy thị trường vào sub-optimum outcome.




Hoạt động đầu cơ hiểu theo nghĩa thông thường là mua rẻ bán đắt, người đầu cơ không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất mà chỉ mua đi bán lại kiếm lời. Ở nhiều nền văn hóa từ cổ chí kim hoạt động đầu cơ thường bị cho là xấu, nếu không phạm pháp thì cũng không tốt về mặt đạo đức. Tuy nhiên cũng có những quan điểm ngược lại, điển hình là của Milton Friedman khi ông cho rằng hoạt động đầu cơ luôn có tác dụng bình ổn thị trường vì nó làm gia tăng cầu khi giá sụt giảm và ngược lại làm tăng cung khi giá tăng cao, chưa kể nó còn giúp làm tăng liquidity của thị trường. Tuy nhiên về mặt lý thuyết nhiều mô hình về speculation attack đã chứng minh khả năng self fulfilling collapse của giá cả các mặt hàng bị đầu cơ, hay khả năng có price bubble khi có quá nhiều speculators sử dụng momentum strategy. Một nhóm mô hình khác về cornering market cũng cho thấy khả năng destabilize giá cả nếu speculator kiểm soát được một số lớn cung hoặc cầu.

Về mặt thực tiễn, năm 2008, Michael Masters, một hedge fund manager chuyên đầu cơ dầu thô, điều trần trước Quốc hội Mỹ cho rằng giới đầu cơ là nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng vọt trong nửa đầu năm đó mặc dù thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng và suy thoái nặng nề nên nhu cầu không cao. Nhiều nhà kinh tế, điển hình là Paul Krugman, không đồng ý với lập luận của Masters, nhưng CFTC - cơ quan quản lý các giao dịch hàng hóa của Mỹ - vẫn đưa ra một số biện pháp để hạn chế đầu cơ. Cơ quan này còn điều tra và buộc tội một số cá nhân và hedge fund đã cố tình manipulate giá dầu trên thị trường futures để trục lợi bất hợp pháp. Trong cuộc khủng hoảng vừa rồi các cơ quan chức năng của nhiều nước cũng đưa ra một số biện pháp ngăn cản hoạt động đầu cơ như cấm shortsell, cấm naked CDS, tăng margin. Sau vụ mini crash tháng 5/2010, một số nước cũng bắt đầu xem xét hạn chế các hoạt động HFT, một hình thức đầu cơ kỹ thuật cao gần đây. Các regulators bức xúc vì mặc dù các HFT nói rằng hoạt động đầu cơ của họ làm tăng liquidity cho thị trường nhưng khi khủng hoảng xảy ra thì họ là những người rút liquidity ra khỏi thị trường nhanh nhất.

Trong một thị trường hoạt động orderly có lẽ Milton Friedman không sai, các nhà đầu cơ quả thực giúp thị trường cân bằng cung cầu và tìm ra mức giá hợp lý cho các loại hàng hóa. Tuy nhiên trong bối cảnh khủng hoảng, nhất là khi các sản phẩm tài chính đã quá phức tạp và thị trường đã quá interconnected, hoạt động đầu cơ có khả năng làm thị trường sụp đổ nhanh chóng. Bởi vậy tìm ra điểm tối ưu cho hoạt động đầu cơ không đơn giản, quá ít đầu cơ sẽ làm thị trường hoạt động không hiệu quả, quá nhiều có thể destabilize thị trường. Triệt tiêu hoạt động đầu cơ là điều không nên, nhưng cho rằng các nhà đầu cơ vô tội và thả nổi hoàn toàn những hoạt động này sẽ có lúc có hậu quả vô cùng nghiêm trọng.


34 comments:

  1. "Hoạt động đầu cơ hiểu theo nghĩa thông thường là mua rẻ bán đắt, người đầu cơ không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất mà chỉ mua đi bán lại kiếm lời."

    Định nghĩa thế này thì trùng với định nghĩa thương nhân nói chung, chưa nêu bật được đặc trưng chủ yếu của giới đầu cơ là mua hay bán dựa trên dự đoán về khả năng tăng/giảm giá một cách đáng kể của hàng hóa trong tương lai gần.

    Thương nhân thì không thế, họ là trung giới giữa người sản xuất và người tiêu dùng, họ làm hộ người sản xuất công việc tiêu thụ hàng hóa. Họ mua rẻ nhờ được chiết khấu, và bán đúng giá, hưởng phần chênh lệch coi như thù lao do người sản xuất trả. Bởi vậy, tuy họ mua để bán, nhưng không dựa trên kỳ vọng giá sẽ tăng trong thời gian tới, mà chỉ cầu cho giá mua vào/bán ra ổn định là tốt rồi. Dĩ nhiên giá bán ra tăng thêm thì càng tốt, nhưng đó chỉ là ngoại lệ, không phải là bản chất của hoạt động thương nghiệp.

    Nhà đầu cơ thì khác, họ không phải là trung giới như thương nhân, mà là dân cờ bạc. Họ không làm công việc phân phối, tiêu thụ hàng hóa như thương nhân, mà chỉ đánh quả mỗi khi đánh hơi thấy, hoặc dự đoán rằng giá cả sẽ biến động trong thời gian tới, hoặc chủ động làm giá. Vì thế, vai trò của họ khác xa đám thương nhân. Không có thương nhân thì rất phiền, nhưng không có đám đầu cơ thì không sao hết.

    Dĩ nhiên ai cũng biết là đám đầu cơ này có tí chút tác dụng bôi trơn cho nền kinh tế, tạo thanh khoản cho thị trường, điều tiết một phần sự dao động của giá cả. Nhưng vì hoạt động của họ mang tính đánh bạc, mà dân chúng thì rất khoái trò này do có thể giàu lên nhanh chóng mà không mất chút công sức nào hết, nhất là trong điều kiện CNTT phát triển như hiện nay, chỉ cần ngồi nhà lên mạng đặt lệnh mua bán (thương nhân, trái lại, phải tốn nhiều công sức xây dựng và vận hành hệ thống phân phối),nên tác hại của nó lớn gấp nhiều lần lợi ích do nó mang lại.

    Nhìn toàn cục thì đầu cơ chỉ là trò móc túi lẫn nhau dựa trên hai yếu tố: 1) Tính mù mờ và vô tổ chức của nền kinh tế thị trường; 2) Lòng tham của con người.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Với tôi "thương nhân" theo định nghĩa của bác cũng là những người trực tiếp tham gia vào quá trình tạo ra của cải vật chất. Sản phẩm họ làm ra vẫn được biết đến với cái tên "dịch vụ".

      Delete
    2. Tất nhiên mỗi người có cách hiểu khác nhau về mỗi khái niệm.
      Với tôi, thương nhân không tạo ra "dịch vụ" gì hết. "Dịch vụ" là hàng hóa đàng hoàng, có mua có bán, ví dụ như dịch vụ cắt tóc.
      Khi người sản xuất làm ra sản phẩm, anh ta phải mất công sức, thời gian mang ra chợ bán. Không ai gọi cái việc anh ta mang hàng đi bán là "cung cấp dịch vụ" cả, và người ta trả tiền cho giá trị của món hàng, chứ không trả cho cái "công bán hàng". Nếu người bán mà đòi trả cho "công bán hàng" thì người mua sẽ đòi trả cho "công mua hàng", he he he...

      Khi thương nhân xuất hiện và làm hộ người sản xuất công việc đó, thì thương nhân không tạo ra của cải vật chất gì hết. Mặc dù nhìn từ phía người sản xuất thì có vẻ như thương nhân cung cấp "dịch vụ bán hàng", nhưng từ phía xã hội mà xét thì việc làm của thương nhân rõ ràng không tạo ra thêm tí của cải vật chất nào hết, mà chỉ là thực hiện hộ người sản xuất công đoạn tiêu thụ hàng hóa mà thôi. Lợi nhuận của thương nhân là khấu trừ từ thu nhập (hay lợi nhuận) của người sản xuất cho thấy điều đấy.

      Delete
    3. @ Kaufmann:

      Nếu có một cách nhìn tổng quát hơn về lý thuyết giá trị thì những người mất công đi bán hàng cũng góp phần vào giá trị của hàng hóa. Lĩnh vực dịch vụ vốn không được Marx đưa vào lý thuyết của Ông trong việc tạo thành giá trị của hàng hóa.

      Nhưng nếu nhìn sâu hơn vấn đề, thì rõ ràng đó là một công đoạn trong việc thực hiện giá trị của hàng hóa. Khái niệm, hàng hóa, lao động, lao động tạo ra giá trị ... cũng khác đi.

      Tôi cho rằng tất cả mọi lao động tham gia vào quá trình tuần hoàn của hàng hóa sẽ góp phần tạo ra giá trị của nó, chứ không phải theo quan điểm cũ của Marx là chỉ có lao động sản xuất mới tạo ra giá trị của hàng hóa.

      Delete
    4. Theo cách bác viết thì tôi có thể đoán chắc tới 99,99% là bác chưa bao giờ đọc xem Marx viết gì. Ai đã từng đọc Marx sẽ không bao giờ dám nói rằng Marx bỏ quên dịch vụ, không đưa dịch vụ vào lý thuyết của mình.
      Xin nhắc bác luôn: không nên nói “dịch vụ” một cách chung chung, mơ hồ. Có nhiều loại dịch vụ, có loại mang tính sản xuất, tạo ra giá trị, và có loại không mang tính sản xuất, không tạo ra giá trị. Marx đã phân tích kỹ tất cả các loại dịch vụ đó trong bộ Tư bản.
      Dĩ nhiên công đoạn bán hàng là một công đoạn cần thiết trong quá trình sản xuất, để hiện thực hóa giá trị. Nhưng phải phân biệt rõ giữa việc “tạo ra giá trị” và việc “hiện thực hóa giá trị”. Giá trị được tạo ra trong quá trình sản xuất, còn việc bán hàng chỉ là hiện thực hóa giá trị đó, biến giá trị đó thành tiền. Như tôi đã viết trong comment ngay phía trên, không ai trả tiền cho người sản xuất vì cái “công bán hàng” của anh ta cả, cũng như không ai trả cho người mua vì cái “dịch vụ mua hàng” hết.
      Việc bán hàng không những không tạo ra giá trị bổ sung, mà còn ăn lẹm vào giá trị là đằng khác. Nhưng đó là chi phí cần thiết, không thể không mất nếu muốn bán được hàng. Nếu người sản xuất không muốn mất thời gian, công sức, chi phí thuê cửa hàng v.v… để bán hàng, thì phải lấy một phần doanh thu bán hàng của mình trả cho thương nhân để người này làm hộ công việc đó.
      Điều này giống hệt việc cơ thể khi nạp thức ăn, thì để hiện thực hóa cái năng lượng tiềm ẩn trong thức ăn, cơ thể phải bỏ ra một số năng lượng nhất định. Như thế, năng lượng là do thức ăn mang lại. Việc tiêu hóa thức ăn là việc cần thiết để biến thức ăn thành năng lượng, nhưng bản thân việc đó không tạo ra năng lượng, mà còn tiêu tốn một phần năng lượng.
      Nếu không có thương nhân thì người tiêu dùng vẫn cứ mua được hàng như thường, vì kiểu gì thì người sản xuất cũng phải tìm cách bán hàng. Chính vì thế thương mại không được coi là “dịch vụ” đối với người mua, mặc dù có thể coi là “dịch vụ” đối với người sản xuất.
      Có thể thắc mắc: nếu thương nhân mang hàng hóa từ A tới B để bán, thì rõ ràng thương nhân đã cung cấp dịch vụ cho người mua, và giá ở B cao hơn giá ở A còn gì nữa!
      Thực ra, giá tăng thêm do phải cộng thêm chi phí vận chuyển, và dịch vụ vận chuyển là sản xuất, tạo ra giá trị. Người mua như thế trả thêm cho dịch vụ vận chuyển chứ không phải cho “dịch vụ bán hàng”. Marx đã phân tích khá kỹ điều này trong Tư bản, quyển 2.
      Thương nghiệp không tạo ra giá trị, nhưng có tác dụng giảm bớt chi phí lưu thông cho nhà sản xuất, cũng như nhân viên bảo vệ không tạo ra giá trị, nhưng giúp DN đỡ tổn thất. Cần phân biệt rõ các chức năng đó. Không phải cứ thấy cái gì cần thiết cho quá trình sản xuất là gán cho nó chức năng tạo ra giá trị.

      Delete
    5. @ Kaufmann:

      "Theo cách bác viết thì tôi có thể đoán chắc tới 99,99% là bác chưa bao giờ đọc xem Marx viết gì"

      Ở đoạn nào đó Bác có viết: "À, mà khuyên bạn thế này: nếu bạn chưa biết người khác là ai, làm gì, biết gì và không biết gì, thì nên thận trọng một chút khi nhận xét về người ta! Không phải cái gì người ta chưa viết ra trong các còm men ở đây thì nghĩa là người ta không biết cái đó đâu bạn ạ!". Bác đâu có biết rằng tôi đọc Marx rồi thì sao, mà còn đọc đi đọc lại rất nhiều nữa thì sao nào? Tôi đùa Bác tí thôi chứ tôi không có ý gì đâu, hì hì.

      Những điều Bác viết ra là những điều Marx đã viết, tuy nhiên, khi các khái niệm cơ bản từ lý thuyết giá trị đã được thay đổi và mở rộng thì cách hiểu nó sẽ khác đi đấy. Còn đúng hay sai thì đó là quan điểm của từng người Bác ạ. Tuy nhiên thời gian này tôi đang tập trung tìm hiểu một vài vấn đề tôi đang quan tâm, nên hy vọng dịp khác sẽ trò chuyện cùng Bác sâu hơn về vấn đề này. Dù sao tôi cũng rất khâm phục vì sự hiểu sâu lý thuyết Marx của Bác.

      Thân!

      Delete
    6. @AnonymousFeb 15, 2012 06:00 AM
      Theo giọng cười hì hì của bác, và theo thái độ vui vẻ, khoan dung của bác đối với nhận xét hồ đồ của tôi, thì tôi đoán bác chính là bác Đàm Văn Vĩ, nếu đúng thế thì Kaufmann tôi thất lễ quá rồi!
      Chỉ có điều, Marx đã phân tích sâu và toàn diện như thế về lưu thông hàng hóa, về vai trò của các loại dịch vụ, các loại chi phí lưu thông, về vai trò của thương nghiệp, mà bác lại viết thế về quan điểm của Marx về dịch vụ khiến tôi không thể không nghĩ đây là ý kiến của người chưa đọc quyển 2 và quyển 3 bộ Tư bản, hic hic hic… Bởi trong 2 quyển đó, khi Marx nói đến ngành công nghiệp (để phân biệt với thương nghiệp và ngân hàng), là đã bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp lẫn dịch vụ hẳn hoi! Đối với Marx, một nhà máy sản xuất iPad hay một công ty biểu diễn thời trang về bản chất là như nhau – đều thuộc lĩnh vực “công nghiệp sản xuất”, sản xuất ra giá trị và giá trị thặng dư.
      Về nhận xét hồ đồ của mình, xin nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình sâu sắc và nhận hình thức khiển trách trước chi bộ!

      Delete
    7. @ Kaufmann:

      Bác nói thế thì tôi ngại chết, mới có tí tuổi đầu, hơn nữa tôi thì nghĩ là mọi người đều bình đẳng với nhau cả mà. hì hì

      Những điều bác viết ra là phù hợp với lý luận của Marx, nhưng bên cạnh đó còn có mâu thuẫn trong lý luận của Marx. Nếu ta nhìn nhận những mâu thuẫn đó, và tìm cách giải quyết những mâu thuẫn đó thì ta sẽ có cái nhìn khác.

      Vấn đề mâu thuẫn đó có thể đọc ở việc trao đổi giữa tác giả Đoàn Tiểu Long và Phan Huy Đường.

      http://amvc.free.fr/PHD/LangThangChuNghia/ThaoLuanVoiDTLong.htm

      Tiếp đó, nếu từ những lập luận mâu thuẫn này, nếu chúng ta thay đổi các khái niệm cơ bản như: GIÁ TRỊ SỬ DỤNG, HÀNG HÓA, LAO ĐỘNG TẠO RA GIÁ TRỊ, GIÁ TRỊ, GIÁ TRỊ THẶNG DƯ, LỢI NHUẬN ... Thì chúng ta sẽ có thể có cách nhìn khác đi về lý thuyết của Marx.

      Tuy nhiên lý thuyết này có lẽ chưa được ai đồng ý, còn ở Việt Nam thì có lẽ những người làm lý luận sẽ coi đó là một lý thuyết "phản động", nhưng tôi nghĩ là dù sao cũng là một hướng suy nghĩ, và nó có thể đúng, hoặc sai.

      Nếu bác quan tâm thì có thể đọc bài viết của tôi ở đây:
      http://www.mediafire.com/?cc0i9d9lir62ejk

      Và có thể sẽ có nhiều tranh cãi, hì hì.

      Cảm ơn anh Giang đã tạo ra diễn đàn để trao đổi và chia sẻ.

      Delete
  2. Anh Kaufmann nói thế thì chưa đúng, bởi đó là một thái cực. Nếu anh không đi từ nguồn gốc của vấn đề thì anh sẽ bị cực đoan hoá.

    Theo em biết, đầu cơ thực sự bắt nguồn từ tính chu kỳ của sản xuất, bởi vì vậy, phải nói rằng, đầu cơ bắt nguồn từ sự bất cân bằng của sản xuất, nó cân bằng lại trạng thái của sản xuất, vì vậy, khởi thuỷ của nó phải là có lợi. Có lợi cho xã hội phải được khuyến khích chứ. Lấy TTCK VN để làm ví dụ, nếu TCT vốn nhà nước là một nhà giá trị, nó có thể là một nhà đầu cơ, và nếu nó làm tốt nhiệm vụ "đầu cơ" thì em nghĩ, sẽ không có tình trạng bong bóng và đầu cơ trên thị trường (Cty này nắm 1 lượng vốn hoá khủng đến mức làm nản lòng tất cả các nhà đầu cơ khác, bởi nó có sẵn cả TIỀN và HÀNG)

    Tuy nhiên, sự thái quá của đầu cơ lại thể hiện sự không tốt, bỏi vì, nếu sự đầu cơ chiếm đa số trong các trung gian thương mại / nhà buôn, thì chính sự đầu cơ ấy sẽ làm lệch chu trình sản xuất, tức là làm lệch chu kỳ sản xuất theo chu kỳ ngược lại (tình cảnh của nông dân VN, được mùa thì mất giá còn mất mùa thì chẳng có gì mà bán).

    Em ủng hộ anh Giang, cần có đầu cơ để tạo sự thông suốt cho thị trường, tuy nhiên, trong một nền kinh tế phát triển cao như hiện tại, CP phải đủ tầm là một nhà đầu cơ "tài ba" để giữ cho "đầu cơ" hướng đến xã hội, hướng đến lợi ích chung của nền kinh tế.

    ReplyDelete
  3. Em xin đưa ra 1 nhận định như sau về đầu cơ.
    Xin mở đầu bằng 1 ví dụ. Nếu như dự đoán được việc sẽ khan hiếm lương thực trong tương lai, mà không có sự kìm nén tiêu dùng trong hiện tại khi đang thừa mứa thì sẽ dẫn đến khủng hoảng lương thực và ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế. Vậy phải chăng đầu cơ thực sự có lợi cho nền kinh tế.
    Ý kiến của em là không phải. Hoạt động đầu cơ hiện nay đã rất phức tạp không còn là hoạt động đầu cơ đơn thuần mà còn bao gồm cả hoạt động sản xuất thông tin. Giống như 1 tờ báo chúng ta không mua giấy mà mua thông tin, việc sản xuất ra thông tin cũng là một sự sản xuất rất bình thường. Và vì để giảm thiểu rủi ro cho hoạt động đầu cơ, các nhà đầu cơ đã bổ sung yếu tố sản xuất trong hoạt động của mình.
    Vậy tại sao đầu cơ vẫn không tốt, vì thực tế có nhiều hình thức và thực thể kinh tế có thể thực hiện hoạt động đó tốt hơn. Ví dụ là nhà nước với hoạt động "đầu cơ " nổi tiếng nhất là tiền tệ, mở rộng khi thiếu , rút vào khi thừa. Thông tin ở đây là thông tin vĩ mô vì vậy cần phải có cơ quan đại diện toàn thị trường để sản xuất thông tin đó chứ không phải là để 1 nhóm hưởng lợi vì có được thông tin này. Thứ 2 , với các thông tin vi mô về hiệu quả dự án ... thì có các công ty chuyên thực hiện việc đó : ngân hàng, công ty tài chính, và bản thân doanh nghiệp thực hiện dự án.
    Vì vậy hoạt động đầu cơ là không cần thiết mà nên thúc đẩy hình thức khác hợp lý hơn, nhấn mạnh vào tính sản xuất và lợi ích thị trường.

    ReplyDelete
  4. Thương nhân là người mua hàng hóa của nhà sản xuất và bán lại cho người tiêu dùng. Lợi nhuận của thương nhân có được từ hoạt động mua - bán đó mang lại lợi ích kinh tế cho nền kinh tế vì không có các thương nhân thì chi phí của nền kinh tế sẽ tăng lên do hàng hóa không được lưu thông.

    Giả sử thương nhân dự đoán giá hàng hóa sẽ khan hiếm trong 1 tháng tới, họ thu gom tích trữ hàng hóa và chờ giá tăng để bán ra. Hoạt động đó trở thành hoạt động đầu cơ chờ giá lên. Hoạt động đầu cơ có thể thắng hoặc thua tùy thuộc vào dự đoán của thương nhân đó.

    Khi thị trường giao dịch hàng hóa, cổ phiếu hình thành, sẽ có rất nhiều thương nhân chuyển sang tham gia vào hoạt động đầu cơ do ảo tưởng kiếm lời nhanh chóng từ hoạt động đầu cơ nhờ đòn bẩy tài chính.

    Thực chất hoạt động đầu cơ không tạo ra lợi nhuận, nó là một cuộc chơi có tổng bằng không, nghĩa là lợi nhuận của người này là thua lỗ của người kia hoặc lợi nhuận của thời điểm cao trào là thua lỗ trong thời điểm thoái trào.

    Anh Đinh Tuấn Minh bảo vệ cho "vai trò của đầu cơ trên nền kinh tế" khi cho rằng "hầu hết các hành động của chúng ta đều là hành động có tính đầu cơ vì ta không thể biết được mọi thứ cũng như kiểm soát được toàn bộ những thứ diễn ra xung quanh".

    Anh Minh không cho rằng khủng hoảng kinh tế xảy ra không phải do lỗi của giới đầu cơ mà do "những tính toán về rủi ro của giới đầu cơ toàn cầu lại đánh giá quá thấp các rủi ro mà các chính phủ có thể gây ra. Chính sự tin tưởng của giới đầu cơ về khả năng của các ngân hàng trung ương trong việc duy trì các mức lãi suất thấp, vào tỷ giá ổn định, và vào khả năng kiểm soát nợ công v.v. đã khiến họ hạ thấp các tiêu chuẩn an toàn về vốn, đẩy dân chúng vào các hành động tiêu dùng và đầu tư quá mức, dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu".

    Nói cách khác, những người theo quan điểm thị trường tự do, đỗ lỗi cho nhà nước.

    Dường như những người bảo vệ cho giới đầu cơ quên mất rằng FED hay chính phủ Mỹ chưa bao giờ tuyên bố rằng sẽ giữ lãi suất thấp mãi mãi hoặc tỷ giá ổn định mãi mãi hoặc kiểm soát nợ công tốt... Trên thực tế, cho dù chính phủ có tuyên bố thì sự ổn định mãi mãi là điều đó không bao giờ có thể xảy ra, cũng giống như giá chứng khoán hoặc bất động sản không bao giờ tăng mãi.

    Do đó, việc giới đầu cơ đổ tiền vào chứng khoán, bất động sản, cổ phiếu công nghệ cao... tạo nên những cơn sốt hoa tulip, bong bóng nhà đất rồi sau đó sụp đổ như đã xảy ra trong suốt chiều dài lịch sử kinh tế thế giới là do lòng tham của giới đầu cơ gây ra. Không chính phủ nào có thể ép buộc một nhà đầu cơ bỏ tiền ra để mua cổ phiếu công nghệ cao Netscape với giá trị vốn hóa thị trường của Netscape đã được đẩy lên vượt cả của Hãng Hàng không Delta rồi sau đó sụp đổ.

    Ngay bản thân Alan Greenspan cũng đã từng cảnh báo về sự "thịnh vượng bất thường" nhưng thị trường, những nhà đầu cơ được các lý thuyết gia thị trường tự do, bảo vệ đã phớt lờ cảnh báo đó.

    Xét về phương diện truyền thông, những nhà đầu cơ là những người gây nhiễu lọan thị trường khi đẩy giá tài sản tăng vọt lên cao, vượt quá nhiều lần giá trị nội tại, khiến công chúng, những người thiếu thông tin đâm đầu lao vào nhằm tìm kiếm lợi nhuận trong ngắn hạn. Khi thị trường lên tới đỉnh điểm và lao dốc, những nhà đầu cơ lại là những người rút ra khỏi thị trường trước tiên.

    Điều tiết các hoạt động đầu cơ là điều mà những nhà điều hành thị trường cần phải thực hiện, nhất là khi thị trường rơi vào tình trạng bong bóng để tránh rơi vào tình cảnh sụp đổ sau đó.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Hoạt động đầu cơ chỉ là zero sum tính theo dollar cho transaction đó chứ không hẳn zero sum cho toàn xã hội. Ví dụ một người nông dân mua put option giá cà phê để tránh rủi ro khi quyết định đầu tư trồng cà phê. Nếu không có các speculator chấp nhận rủi ro bán put option thì có thể hoạt động trồng cà phê đã không xảy ra.

      Delete
    2. Ý của đồng chí Giang chắc như thế này:

      "Identifying speculation can be best done by distinguishing it from investment. According to Ben Graham in Intelligent Investor, the prototypical defensive investor is "...one interested chiefly in safety plus freedom from bother." He admits, however, that "...some speculation is necessary and unavoidable, for in many common-stock situations, there are substantial possibilities of both profit and loss, and the risks therein must be assumed by someone."[2] Many long-term investors, even those who buy and hold for decades, may be classified as speculators, excepting only the rare few who are primarily motivated by income or safety of principal and not eventually selling at a profit"

      hoặc

      "he speculator Victor Niederhoffer, in "The Speculator as Hero"[4] describes the benefits of speculation:

      Let's consider some of the principles that explain the causes of shortages and surpluses and the role of speculators. When a harvest is too small to satisfy consumption at its normal rate, speculators come in, hoping to profit from the scarcity by buying. Their purchases raise the price, thereby checking consumption so that the smaller supply will last longer. Producers encouraged by the high price further lessen the shortage by growing or importing to reduce the shortage. On the other side, when the price is higher than the speculators think the facts warrant, they sell. This reduces prices, encouraging consumption and exports and helping to reduce the surplus.

      Another service provided by speculators to a market is that by risking their own capital in the hope of profit, they add liquidity to the market and make it easier for others to offset risk, including those who may be classified as hedgers and arbitrageurs."

      Delete
  5. Hoạt động đầu cơ hiểu theo nghĩa thông thường là mua rẻ bán đắt, người đầu cơ không tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất ra của cải vật chất mà chỉ mua đi bán lại kiếm lời.
    ============
    @Anh Giang: Quan điểm trên ít ra không chính xác đối với những nhà lướt sóng ở VN. Đối với họ, đầu cơ có nghĩa là mua đắt, bán đắt hơn. Họ không quan tâm đến giá cổ phiếu cao thấp thế nào, điều họ quan tâm là 3 phiên tới, giá cổ phiếu có tăng hay không mà thôi. Giá cổ phiếu FPT giá 600.000 đồng vẫn có người mua vì hôm sau nó có thể tiếp tục tăng trần 5%, trong khi đó khi giá FPT rớt xuống 60.000 đồng vẫn hiếm người mua.

    ReplyDelete
  6. "Hoạt động đầu cơ chỉ là zero sum tính theo dollar cho transaction đó chứ không hẳn zero sum cho toàn xã hội. Ví dụ một người nông dân mua put option giá cà phê để tránh rủi ro khi quyết định đầu tư trồng cà phê. Nếu không có các speculator chấp nhận rủi ro bán put option thì có thể hoạt động trồng cà phê đã không xảy ra."

    Không hẳn thế.

    Thứ nhất, rủi ro gắn với việc trồng cà phê là chuyện thường tình hàng trăm năm nay, ai trồng cà phê cũng biết và chấp nhận một cách nhẹ nhõm. Làm gì có chuyện nếu không có đám đầu cơ bán put option thì dân tình không trồng cà phê nữa?

    Thứ hai, để phân tán và giảm thiểu thiệt hại do rủi ro thì từ lâu người ta đã nghĩ ra các công cụ bảo hiểm, dựa trên xác suất rủi ro, do các công ty bảo hiểm thực hiện, hoặc ký future contract với các cty kinh doanh cà phê thực thụ để cả người bán lẫn người mua đều yên tâm, không lo sợ giá cả biến động mạnh dù tăng hay giảm, chứ đâu cần nhờ cậy đến đám đầu cơ chỉ chực đánh quả dựa trên kỳ vọng giá sẽ lên hoặc xuống, và tệ hơn nữa, toàn mua bán cà phê trên giấy!

    ReplyDelete
    Replies
    1. "hoặc ký future contract với các cty kinh doanh cà phê thực thụ để cả người bán lẫn người mua đều yên tâm, không lo sợ giá cả biến động mạnh dù tăng hay giảm"

      Đây cũng là hoạt động mang tính đầu cơ rồi

      Delete
  7. Tôi nghĩ ở đây khái quát khá đủ về đầu cơ:

    http://en.wikipedia.org/wiki/Speculation

    Cá nhân tôi cũng thấy đầu cơ hại lớn hơn là lợi cho xã hội. Nhưng để chứng minh cặn kẽ thì đây là việc khó, thậm chí rất khó. Việc này phải có những nhà khoa học định lượng, các nhà Toán học, các nhà thống kê... chứ không đơn giản như ta cảm nhận được. Tôi có biết vài người hiểu sâu sắc điều đó nhưng họ đều không liên quan gì đến VN.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Xin nói thêm:

      Chúng ta có thể ngăn chặn những hoạt động mang tính đầu cơ như bán khống cổ phiếu bằng vay mượn hoặc đòn bẩy thấp trên TTCK VN chẳng hạn. Điều này dĩ nhiên rất tốt vì không để thị trường méo mó và đầy rủi ro.

      Tuy nhiên, từ đánh giá cảm tính đến tiếp cận thực sự khoa học tôi nghĩ rằng người VN chắc chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay những ai có thể tường tận tất cả các sản phẩm tài chính phái sinh trên thế giới. Bản chất của các công thức ra làm sao, sai ở chỗ nào, thiếu sót ở đâu, nếu bỏ thì bỏ cái gì, sửa được hay không... đều không hề đơn giản.

      Delete
  8. @ AnonymousFeb 8, 2012 07:44 PM: ""hoặc ký future contract với các cty kinh doanh cà phê thực thụ để cả người bán lẫn người mua đều yên tâm, không lo sợ giá cả biến động mạnh dù tăng hay giảm"

    Đây cũng là hoạt động mang tính đầu cơ rồi"

    Bạn nhầm đấy.

    Đầu cơ dựa trên kỳ vọng giá cả thay đổi trong tương lai, kiếm lời từ sự biến động. Ngược lại, future contract nhằm thủ tiêu ảnh hưởng của sự biến động giá cả. Hai cái ngược nhau hoàn toàn.

    Dĩ nhiên đây là nói tới trường hợp người mua và người bán là những người sản xuất, kinh doanh thực thụ, chứ không phải đám đầu cơ mua bán ảo - với đám này thì ký future contract chính xác là đánh bạc với nhau, chờ đến hạn thì thanh toán khoản chênh lệch giá.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kaufmann lại không hiểu gì về Futures và nhầm lẫn hedgers với speculators. Câu trả lời đây:

      http://en.wikipedia.org/wiki/Futures_contract

      "Futures traders are traditionally placed in one of two groups: hedgers, who have an interest in the underlying asset (which could include an intangible such as an index or interest rate) and are seeking to hedge out the risk of price changes; and speculators, who seek to make a profit by predicting market moves and opening a derivative contract related to the asset "on paper", while they have no practical use for or intent to actually take or make delivery of the underlying asset. In other words, the investor is seeking exposure to the asset in a long futures or the opposite effect via a short futures contract.

      Hedgers

      Hedgers typically include producers and consumers of a commodity or the owner of an asset or assets subject to certain influences such as an interest rate.

      For example, in traditional commodity markets, farmers often sell futures contracts for the crops and livestock they produce to guarantee a certain price, making it easier for them to plan. Similarly, livestock producers often purchase futures to cover their feed costs, so that they can plan on a fixed cost for feed. In modern (financial) markets, "producers" of interest rate swaps or equity derivative products will use financial futures or equity index futures to reduce or remove the risk on the swap.
      [edit] Speculators

      Speculators typically fall into three categories: position traders, day traders, and swing traders (swing trading), though many hybrid types and unique styles exist. In general position traders hold positions for the long term (months to years), day traders (or active traders) enter multiple trades during the day and will have exited all positions by market close, and swing traders aim to buy or sell at the bottom or top of price swings.[7] With many investors pouring into the futures markets in recent years controversy has risen about whether speculators are responsible for increased volatility in commodities like oil, and experts are divided on the matter. [8]

      An example that has both hedge and speculative notions involves a mutual fund or separately managed account whose investment objective is to track the performance of a stock index such as the S&P 500 stock index. The Portfolio manager often "equitizes" cash inflows in an easy and cost effective manner by investing in (opening long) S&P 500 stock index futures. This gains the portfolio exposure to the index which is consistent with the fund or account investment objective without having to buy an appropriate proportion of each of the individual 500 stocks just yet. This also preserves balanced diversification, maintains a higher degree of the percent of assets invested in the market and helps reduce tracking error in the performance of the fund/account. When it is economically feasible (an efficient amount of shares of every individual position within the fund or account can be purchased), the portfolio manager can close the contract and make purchases of each individual stock."

      Cái này rất cần lưu ý:

      "The social utility of futures markets is considered to be mainly in the transfer of risk, and increased liquidity between traders with different risk and time preferences, from a hedger to a speculator, for example."

      Delete
  9. Tôi cho rằng Kaufmann chưa hiểu gì về các thị trường phái sinh. Đồng ý với Kaufmann là nó ảo và không tích cực, nhưng không đơn giản thế.

    Chính link về Speculation trên Wiki cũng giải đáp thắc mắc của Kaufmann đây:

    "here are also some financial vehicles that are, by definition, speculation. For instance, trading commodity futures contracts, such as for oil and gold, is, by definition, speculation. Short selling is also, by definition, speculative."

    Kaufmann đã nghiên cứu định lượng lĩnh vực này bao giờ chưa? Có hiểu bản chất việc xây dựng các sản phẩm này như thế nào và để làm gì không?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Tôi có thắc mắc gì đâu mà bạn phải lấy Wiki ra giải đáp cho tôi, he he he... Cái định nghĩa của Wiki đó ai mà chả biết, nhất là đối với đám làm ăn, kinh doanh, chơi chứng khoán như tôi!

      Nói lại cho rõ chút nhé. Thoạt tiên future contract được nghĩ ra để người sản xuất và thương nhân yên tâm, khỏi đau đầu về chuyện giá lên giá xuống. Thương nhân cùng lúc ký 2 future contract - 1 với người trồng cà phê, và 1 với người sản xuất cà phê rang xay. Như thế người trồng cà phê đảm bảo tiêu thụ được sản phẩm ở mức giá thích hợp, thương nhân đảm bảo có lợi nhuận từ chênh lệch giá mua vào và bán ra, còn nhà rang xay đảm bảo có nguyên liệu với giá thích hợp. Nền sản xuất sẽ giữ được ổn định.

      Chỉ khi có đám đầu cơ nhảy vào, nhăm nhăm đánh quả từ sự biến động giá cả, thì future contract mới mang tính đầu cơ. Cái định nghĩa của Wiki là dành cho trường hợp này - khi đám đầu cơ ở một trong 3 vị trí nói trên. Dĩ nhiên nếu người trồng cà phê, hay thương nhân, hay nhà rang xay mà có máu cờ bạc, muốn giàu nhanh, thì khi đó đối với họ future contract không chỉ là công cụ phòng tránh rủi ro, mà còn là công cụ làm giàu nữa, và khi đó future contract đúng là mang tính đầu cơ thật. Nhưng đây chỉ là chức năng phái sinh của future contract mà thôi.

      À, mà khuyên bạn thế này: nếu bạn chưa biết người khác là ai, làm gì, biết gì và không biết gì, thì nên thận trọng một chút khi nhận xét về người ta! Không phải cái gì người ta chưa viết ra trong các còm men ở đây thì nghĩa là người ta không biết cái đó đâu bạn ạ!

      Delete
    2. @Kaufmann: Ở đây trao đổi để học hỏi lẫn nhau thôi. Cái gì bạn biết hơn thì tôi học hỏi bạn.

      Có gì mà phải thận trọng khi nhận xét hay không? Bạn có xưng là Ngô Bảo Châu thì với tôi cũng chẳng quan trọng gì. Hehehe

      Delete
    3. Ưiki là kho kiến thức nếu ta đánh giá được nội dung của nó, chẳng tội gì không dùng. Ví dụ:

      Who trades futures?

      "Futures traders are traditionally placed in one of two groups: hedgers, who have an interest in the underlying asset (which could include an intangible such as an index or interest rate) and are seeking to hedge out the risk of price changes; and speculators, who seek to make a profit by predicting market moves and opening a derivative contract related to the asset "on paper", while they have no practical use for or intent to actually take or make delivery of the underlying asset. In other words, the investor is seeking exposure to the asset in a long futures or the opposite effect via a short futures contract."

      .....

      "The social utility of futures markets is considered to be mainly in the transfer of risk, and increased liquidity between traders with different risk and time preferences, from a hedger to a speculator, for example."

      Delete
  10. Chẳng hạn Options đây:

    http://en.wikipedia.org/wiki/Option_%28finance%29

    có đoạn "Historical uses of options" đáng lưu ý:

    "Contracts similar to options are believed to have been used since ancient times. In the real estate market, call options have long been used to assemble large parcels of land from separate owners; e.g., a developer pays for the right to buy several adjacent plots, but is not obligated to buy these plots and might not unless he can buy all the plots in the entire parcel. Film or theatrical producers often buy the right — but not the obligation — to dramatize a specific book or script. Lines of credit give the potential borrower the right — but not the obligation — to borrow within a specified time period.

    Many choices, or embedded options, have traditionally been included in bond contracts. For example many bonds are convertible into common stock at the buyer's option, or may be called (bought back) at specified prices at the issuer's option. Mortgage borrowers have long had the option to repay the loan early, which corresponds to a callable bond option.

    In London, puts and "refusals" (calls) first became well-known trading instruments in the 1690s during the reign of William and Mary.[19]

    Privileges were options sold over the counter in nineteenth century America, with both puts and calls on shares offered by specialized dealers. Their exercise price was fixed at a rounded-off market price on the day or week that the option was bought, and the expiry date was generally three months after purchase. They were not traded in secondary markets.

    Supposedly the first option buyer in the world was the ancient Greek mathematician and philosopher Thales of Miletus. On a certain occasion, it was predicted that the season's olive harvest would be larger than usual, and during the off-season he acquired the right to use a number of olive presses the following spring. When spring came and the olive harvest was larger than expected he exercised his options and then rented the presses out at much higher price than he paid for his 'option'."

    ReplyDelete
  11. Cháu viết cái này hơi ngoài lề một chút vì không biết post ở chỗ nào.

    Hôm rồi cháu có đọc một series 2 phần trên diễn đàn vef.vn (link ở dưới) nhưng không hiểu lắm về một bức tranh toàn cục. Cháu muốn nghe ý kiến của bác Giang về hai bài dưới đây nếu bác có thời gian.

    Cháu cám ơn trước.

    http://vef.vn/2012-02-07-tran-lai-suat-14-cong-cu-cua-tro-choi-thanh-khoan-

    http://vef.vn/2012-02-08-tro-choi-thanh-khoan-lo-dien-nhom-loi-ich-nh

    ReplyDelete
  12. Tôi hiểu "lờ mờ" là tác giả đưa ra một conspiracy theory rằng NHNN đã bị một nhóm lợi ích nào đó tác động để điều hành thanh khoản theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích đó. Cụ thể là vụ ép 3 ngân hàng nhỏ vừa rồi sáp nhập.

    ReplyDelete
  13. Theo thông tin vỉa hè của em thì các NH có nguồn gốc quốc doanh đã nhận đủ danh sách "xác chết" trong tuần này, và không phải là ít và nhỏ đâu ah

    ReplyDelete
  14. Tôi nghĩ rằng đầu cơ có thể xem như một dạng chất xúc tác của nền kinh tế.

    Cũng giống như trong một số phản ứng hóa học, đôi khi phải có một lượng chất xúc tác nào đó thì phản ứng mới diễn ra nhanh và hiệu quả dc. Bản thân chất xúc tác ko cấu thành kết quả phản ứng nhưng là nhân tố thúc đẩy phản ứng diễn ra.

    Trong nền kinh tế cũng vậy, đôi khi cần phải có đầu cơ thì mới thúc đẩy dc các hoạt động ktế nào đó diễn ra nhanh chóng và hiệu quả dc. Chẳng hạn một công ty phát hành cổ phiếu mà ko niêm yết lên sàn - nơi có nhiều hoạt động đầu cơ thì liệu có thu hút đc nhiều người tham gia mua bán cổ phiếu góp phần giúp cty huy động vốn thành công nhanh chóng ko?

    Tuy nhiên, cũng như phản ứng hóa học, nếu lượng chất xúc tác vừa đủ thì tốt nhất, thừa hay thiếu đều ko tốt. Trong nền kt cũng vậy, nếu hoạt động đầu cơ lấn át mục tiêu của nó (ví dụ ở TTCK là huy động vốn hoặc ở một khía cạnh khác là tái phân bổ nguồn vốn trong XH...) thì sẽ làm các hoạt động kt đó bị mất cân bằng và có thể dẫn đến khủng hoảng kt... Tìm ra điểm cân bằng hay xác lập lại điểm cân bằng là việc của các nhà quản lý.

    ReplyDelete
  15. Đầu cơ xấu hay tốt hay trung tính là tùy quan niệm, tùy cách nhìn của mỗi người, cứ bàn cãi thỏa mái. Nhưng riêng về mặt pháp luật ở Việt Nam thì vô tội.

    Từ năm 2000 trở về trước, Bộ luật hình sự VN có ghi tội đầu cơ. Tuy nhiên, trong thực tế thì chưa có vụ đầu cơ nào được đem ra xử.

    Bộ Luật hình sự năm 2000 đã loại bỏ tội đầu cơ, trừ việc đầu cơ trong tình trạng đặc biệt như chiến tranh, thiên tai. Có nghĩa là chỉ đầu cơ trong chiến tranh hoặc thiên tai mới có tội, còn đầu cơ trong điều kiện bình thường được coi là làm ăn hợp pháp.

    Luật pháp ở các nước tiên tiến cũng không có tội đầu cơ.

    Tôi nghĩ các nhà kinh tế không nên lạm bàn vấn đề có tội hay không có tội về một hoạt động kinh tế hợp pháp bình thường. Cũng không nên đặt vấn đề đạo đức tốt xấu về những hoạt động mà luật pháp không cấm.

    Đặt vấn đề "quản lý", "điều tiết" hoạt động đầu cơ càng không nên. "Quản lý" hay "điều tiết" gây hậu quả xấu nhiều hơn là tốt.

    Các nhà kinh tế đang tẩu hỏa nhập ma vì bị quá nhiều quán tính "quản lý", "điều tiết".

    ReplyDelete
    Replies
    1. Bác Vân, luật pháp nhiều nước cũng không cấm vấn đề ngoại tình nhưng thiên hạ vẫn tranh cãi nó có đúng hay không, đạo đức hay không đấy thôi. Em không nghĩ các nhà kinh tế/không kinh tế khi tranh cãi về đầu cơ là "lạm bàn", ai cũng có thể nêu quan điểm của mình dù có trùng với quan điểm của pháp luật hay không. Luật pháp vẫn có thể thay đổi kia mà.

      Em cũng không đồng ý quan điểm cho rằng cứ "quản lý" hay "điều tiết" là thế nào cũng có hậu quả xấu. Có rất nhiều ví dụ về quản lý nhà nước có tác dụng tích cực cho xã hội, ví dụ quản lý an toàn thực phẩm, kiểm định hóa dược, phòng cháy chữa cháy, qui định chuẩn kế toán...

      Em đồng ý là nhiều nhà kinh tế VN (và chính trị gia) bị quán tính "quản lý", "điều tiết" chi phối suy nghĩ quá nhiều và họ cần phải giải phóng khỏi cái quán tính đó. Nhưng điều đó không có nghĩa phải xóa bỏ hoàn toàn "quản lý", "điều tiết" ra khỏi suy nghĩ/lập luận của họ.

      Delete
  16. Thương nhân cung cấp dịch vụ hay không phải. Cháu tiếp cận từ góc độ kết quả. Nếu không có thương nhân thì năng suất lao động xã hội nói chung là không được phát huy, nếu có thì hàng hóa lưu thông, tiếp tục sản xuất. Như vậy thì thương nhân đã góp phần tạo ra thêm giá trị so với khi không có thương nhân. Qua đó có thể nói thương nhân cung cấp "dịch vụ".

    ReplyDelete
  17. Đồng ý với bác Kaufmann về thương nhân không cung cấp dịch vụ. Tùy case, thương nhân có thể là speculator hoặc không. Cứ cho là tất cả các loại hoàng hóa ổn định vĩnh viễn thì hoạt động thương nghiệp vẫn kiếm đc lợi nhuận bằng involve quá trình phân phối.
    Quan điểm cá nhân em thì speculation có lợi hay có hại thì tùy case. Nếu speculation giúp phản ánh những thông tin trong tương lai vào giá (để tăng cung, giảm cung...) thì là có ích. Còn trường hợp thao túng, đánh lên đánh xuống tạo sóng nọ sóng kia như TTCK VN thì chỉ làm nhiễu giá, dẹp bỏ là hơn. Hai cái này lại luôn song hành với nhau lên rất khó xác định speculation có ý nghĩa tích cực, tiêu cực hay thậm chí không có ý nghĩa gì trong kinh tế.
    Nhưng ít nhất có mấy bác speculator thì cuộc sống cũng thếm funny :D

    ReplyDelete
  18. Xin lậy hồn hai nhà Marx học. Dịch vụ bán hàng mà không tính là sản sinh ra giá trị thì cái gì sản sinh ra nó.
    Lấy ví dụ thế này : một ông tư bản thuê một anh CN quản lý vốn cho ông ta và làm chuyện mua rẻ bán đắt thay mình. Anh này chạy đôn chạy đáo tìm hàng mua rẻ và tìm nơi để bán. Trừ các chi phí lưu thông( công vận chuyển, hoa hồng... ) nhà tư bản trả cho anh ta lương và thu về lợi nhuận. Ở đây nếu không tính đến giá trị thặng dư và nhiều yếu tố tạm thời loại bỏ được thì lương của anh công nhân chính là phần giá trị tăng lên của hàng hóa. Lão tư bản tất nhiên không làm gì và đúng như Marx nói lưu thông không tạo ra giá trị.
    Điều đó cũng đúng với mấy em xinh tươi bán hàng ở siêu thị. Dịch vụ của các em ấy cung cấp là dịch vụ bán hàng.
    Thực chất nên hiểu quá trình SX hàng hóa chỉ kết thúc khi nó đến tay người tiêu dùng.
    Trong phần đầu tiên quyển 1 TBL, có chú thích nhỏ là Marx xét chung hàng hóa và dịch vụ vào cụm từ hàng hóa. Tuy nhiên ta dễ hình dung giá trị của một chiếc bút chì hơn là cắt tóc.
    Không thể tìm thấy một nguyên tử giá trị nằm trong bản thể của hàng hóa. Chiếc túi xách tôi cầm trên tay vừa mua trong siêu thị có giá trị khác với chiếc túi xách trong kho.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.