Friday, January 2, 2009

10th Anniversary


Hôm nay, 01/01/2009, là sinh nhật thứ 10 của đồng Euro và cũng là ngày Slovakia trở thành thành viên thứ 16 của EMU. Đến thời điểm này, Iceland, Đan mạch và một loạt các nước Đông Âu đã hối tiêc vì không phải là thành viên của EMU. Những nước này, đứng cạnh một EMU khổng lồ, đã không tránh khỏi phải chấp nhận original sin và phải sống chết bảo vệ đồng tiền nước mình không mất giá so với đồng Euro. Ngược lại, một vài thành viên của EMU như Tây ban nha và Ý có lẽ đang thèm muốn có được sự tự chủ về chính sách tiền tệ như các nước bên ngoài Euro-zone để kích thích nền kinh tế của mình.

Ai đã từng học qua macroeconomics chắc đều biết Mundell-Fleming model, một mở rộng của Keynesian IS-LM cho các nền kinh tế mở. Dù tên tuổi của Robert Mundell được biết đến nhiều qua mô hình này, Mundell được trao giải Nobel kinh tế năm 1999, năm đồng Euro ra đời, chủ yếu vì ông là người đầu tiên đưa ra lý thuyết optimum currency area (OCA), là nền tảng lý thuyết của việc thành lập EMU. Lý thuyết này đưa ra một số tiêu chuẩn để một nhóm nước có thể thành lập một OCA, nghĩa là có chung một đồng tiền hay có tỷ giá cố định giữa các đồng tiền trong liên minh.

Điều kiện đầu tiên và quan trọng nhất mà Mundell nêu ra từ năm 1961 là đặt thù của các nền kinh tế trong OCA. Nếu các nước có cơ cấu kinh tế quá khác nhau thì đó không phải là điều kiện tốt để có chung một đồng tiền. Lý thuyết là như vậy nhưng để xác định cái ngưỡng cụ thể của sự khác nhau này không dễ. Trên thực tế phe chống lại thành lập EMU dựa vào tiêu chuẩn này cho rằng cơ cấu kinh tế các nước nam Âu quá khác biệt với Đức. Sau 10 năm, tờ Telegraph đưa ra một ví dụ rất rõ cho thấy sự khác biệt này. Ở Tây ban nha, lãi suất của 98% tất cả số mortgage được tính theo Euribor, khác nhiều so với các thành viên khác trong EMU. Bởi vậy khi ECB target inflation nhưng không bao gồm giá bất động sản, Tây ban nha đã bị bong bóng nhà đất rất lớn và đang có nguy cơ đe dọa sự ổn định của nền kinh tế.

Điều kiện thứ hai là sự tự do dịch chuyển của người lao động trong một OCA. Đây chính là lý do EU đã phải thông qua luật tự do đi lại và tự do thuê nhân công giữa các nước trong nội bộ EU trước khi đồng Euro ra đời. Tuy nhiên kể cả 10 năm sau khi rào cản hành chính bị dỡ bỏ, labor mobility vẫn là một hạn chế lớn của EMU vì rào cản ngôn ngữ, văn hóa, tập quán vẫn còn quá cao. Chính vì vậy, cũng theo Telegraph, nhiều nước đã mất lợi thế cạnh tranh vì nhân công rẻ như Ý, Tây ban nha, và chắc chắn cả những thành viên nghèo hơn gia nhập sau này như Hi lạp hay Slovakia.

Milton Friedman, một trong những người chống đối mạnh mẽ nhất việc thành lập EMU, cho rằng Euro sẽ đổ vỡ ngay khi EMU phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng kinh tế. Lập luận của Friedman và những người cùng quan điểm với ông rất đơn giản: những nước "yếu" hơn trong EMU sẽ không thể chống chọi được khủng hoảng nếu không có independent monetary policy, thậm chí fiscal policy cũng bị trói rất chặt bởi Stability and Growth Pack, một qui định giữa các nước EMU không được để thâm hụt ngân sách quá cao. Khi cuộc khủng hoảng này bùng nổ, government bond yield của Ý đã tăng vọt so với yield của Đức, một dấu hiệu của khả năng rạn vỡ EMU như Friedman dự đoán.

Dù chưa đến mức tan vỡ, nhiều chỉ số kinh tế trung bình của EMU, theo Martin Wolf cho biết, đã sụt giảm so với trước khi đồng Euro được lưu hành. GDP per capita của các nước thành viên chỉ tăng 1.6% mỗi năm trong giai đoạn 1999-2008, trong khi giai đoạn 1989-1998 là 1.9%. Năng suất lao động cũng giảm từ 1.6% trước 1999 xuống 0.6%. Những chỉ số này nếu so với các nước đứng ngoài EMU như Đan mạch, Thụy điển thì trung bình của EMU đều kém hơn.

Một trong những lập luận ủng hộ cho việc thành lập EMU là để thúc đẩy thương mại giữa các nước thành viên. Andrew Ross, giáo sư kinh tế Berkeley, trong một nghiên cứu năm 2000 cho rằng currency union có thể làm tăng thương mại giữa các nước thành viên lên 3 lần. Trên thực tế sau 10 năm tỷ lệ tăng trưởng này chỉ vào khoảng 10-15%. Dù Jeff Frankel có cố gắng giải thích cho con số tăng trưởng khiêm tốn này, các thành viên EMU như Tây ban nha, Bồ đào nha, Hi lạp cũng không hi vọng gì bởi họ đang phải đối mặt với current account deficit ngày càng lớn. Lợi ích của đồng Euro cho thương mại cuối cùng rơi hết vào tay Đức, thành viên có sức mạnh kinh tế và lợi thế cạnh tranh lớn nhất trong EMU.

Cách đây 7 năm, tôi đã rất hồ hởi giống như nhiều quan chức và nhà báo ở châu Á lúc đó về viễn cảnh của một đồng tiền chung châu Á (thậm chí lúc đó đã có người đặt tên cho nó là ACU). Khi tôi trình bày ý định làm luận án với đề tài currency union cho châu Á, thầy giáo hướng dẫn đã "nhẹ nhàng" góp ý rằng đây là một đề tài tốt nhưng có lẽ phải 40-50 năm nữa thì châu Á mới sẵn sàng cho một liên minh như EMU. Do vậy ông khuyên tôi nên chọn một đề tài nào đó "gần với mặt đất" hơn và tôi đã nghe theo lời khuyên này. Sau 10 năm, đồng Euro có thể nói là một thử nghiệm thành công về mặt chính trị nhưng chưa thể nói nó là một thành công về mặt kinh tế. Như Frankel viết, 10 năm vẫn còn quá ngắn để đánh giá hiệu quả kinh tế của đồng Euro, vậy đợi thêm 40-50 năm nữa để đồng Acu ra đời có lẽ cũng không quá lâu.


Update (03/01): Martin Feldstein, cựu chủ tịch NBER, cho rằng thời gian tới sẽ là thử thách cho EMU và không loại trừ khả năng sẽ có thành viên xin rút ra.

Update (03/02): Một bài viết rất hay về EMU của Niels C. Jensen cho rằng khả năng đổ vỡ của EMU rất nhỏ. Trái lại, với bài học của Ireland vs Iceland vừa qua, nhiều nước nhỏ ở châu Âu sẽ nộp đơn xin gia nhập EMU. Thậm chí có khả năng Mỹ và EMU sẽ đi đến một thỏa thuận về một đồng tiền chung (trans-Atlantic currency). Jensen cũng đề cập đến khả năng các thành viên "yếu" trong EMU co thể sẽ trao quyền kiểm soát kinh tế cho EU để EU thực hiện những cuộc cải cách "hà khắc" giống như những gì IMF đã áp đặt lên các nước ĐNA thời 97-98.

Update (08/04): IMF khuyến cáo các nước còn lại trong EU nên gia nhập EMU.

Update (22/05): Thorvaldur Gylfason cho rằng châu Phi nên có một đồng tiền chung và điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của châu Phi rất thuận lợi cho kế hoạch này.

Update (26/11): Martin Feldstein vẫn tiếp tục cho rằng sẽ có thành viên của EMU xin ra, có thể là Spain, Greece, hay Ireland.


No comments:

Post a Comment

Note: Only a member of this blog may post a comment.