Friday, May 22, 2009

Correction II


SGTT dựa vào đồ thị dưới đây cho rằng mặc dù VNĐ đã mất giá gần 25% so với RMB trong 5 năm vừa qua nhưng trade balance giữa VN và TQ vẫn tiếp tục xấu đi, chứng tỏ sức cạnh tranh của hàng VN càng ngày cang kém hơn hàng TQ.


Vấn đề là lý thuyết ngoại thương cho rằng sức cạnh tranh của hàng hóa phụ thuộc vào tỷ giá thực chứ không phải tỷ giá danh nghĩa. Với những nước có tốc độ lạm phát cao như VN, phân biệt giữa tỷ giá thực và tỷ giá danh nghĩa khi nói về sức cạnh tranh rất quan trọng. Nhớ lại tỷ giá thực được định nghĩa là z=eP*/P, trong đó e là tỷ giá danh nghĩa, P* là mức giá nước ngoài, P là mức giá trong nước. Cũng dùng nguồn số liệu từ Asian Development Outlook 2009 của ADB, tôi tạm tính tỷ giá thực RMBVND dùng số liệu CPI của VN và TQ để hiệu chỉnh tỷ giá danh nghĩa. Sau đây là đồ thị so sánh tỷ giá thực với tỷ giá danh nghĩa trong cùng giai đoạn:


Có thể thấy trong giai đoạn 2004-2008 mặc dù tỷ giá danh nghĩa RMBVND tăng gần 25%, tỷ giá thực giảm khoảng 8%. Nghĩa là hàng hóa VN đã bị giảm sức cạnh tranh so với hàng TQ vì tác dụng của tỷ giá.


Update (25/05): Tôi viết entry trên đây vì tình cờ nhìn thấy đồ thị tỷ giá NDTVNĐ trên SGTT nhưng tiếc là lúc đó chưa đọc loạt bài về hàng TQ trên báo này, đặc biệt là bài của chị Kim Hạnh. Tất cả những gì SGTT và chị Kim Hạnh đã nêu ra đều ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa VN so với hàng TQ ngay trên thị trường nội địa. Những ảnh hưởng này có tính chất vi mô (micro) vì nó tác động trực tiếp đến incentives của người tiêu dùng (hàng rẻ, chất lượng tốt), incentives của giới kinh doanh (dịch vụ "đánh hàng" dễ dàng, an toàn do chính sách biên mậu tốt của TQ), và thậm chí là incentives của những người quản lý và làm chính sách (... đọc bài chị KH). Bởi vậy không có gì ngạc nhiên khi hàng VN bị lép vế ngay trên sân nhà.

Về mặt vĩ mô (macro), vấn đề tỷ giá như đã nói ở trên cho thấy trên thực tế hàng VN còn chịu thêm thiệt thòi nữa bên cạnh các phân tích vi mô mà SGTT đã nêu ra. Đồng tiền VN, dù trên danh nghĩa mất giá so với NDT, nhưng khi tính đến tác dụng của lạm phát đã không mất giá đủ mạnh để giúp hàng VN tăng sức cạnh tranh với hàng TQ. Nước Mỹ, trong suốt 3 đời tổng thống (từ Clinton đến Obama), đã tìm mọi cách ép TQ tăng giá đồng NDT để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại. Nghĩa là đồng NDT đã undervalued so với USD trong một thời gian dài (theo quan điểm của nhiều nhà kinh tế), trong khi VNĐ lại overvalued so với NDT. Như vậy không chỉ hàng TQ có sức cạnh tranh mạnh hơn hàng VN trên thị trường VN mà hàng VN còn khó khăn hơn khi xuất sang các nước khác ngoài TQ.

Lý do căn bản đằng sau việc overvalued (real exchange rate) của VNĐ so với NDT, USD, và đa số các đồng tiền khác là lạm phát của VN quá cao trong khi nominal exchange rate lại được giữ tương đối ổn định. Lạm phát cao là hệ quả của việc nền kinh tế phát triển quá nóng song song với chính sách tiền tệ đã quá nới lỏng. Kinh tế phát triển nóng trong giai đoạn 2002-2007 biểu hiện rất rõ không chỉ qua các chỉ số kinh tế như tăng trưởng GDP, giá bất động sản, chứng khoán, mà còn qua tình trạng thiếu điện, kẹt xe tràn lan. Dòng vốn nước ngoài, trong đó có cả kiều hối, lũ lượt chảy vào VN vừa là nguyên nhân, vừa là hậu quả của kinh tế phát triển nóng. Thêm vào đó, lượng vốn nước ngoài đổ vào là tiền đề cho chính sách nới lỏng tiền tệ khi NHNN mua ngoại tệ cho quĩ dự trữ quốc gia nhưng không hoặc thiếu khả năng sterilize. (Thực ra nếu NHNN có thể fully sterilize số ngoại tệ mua vào quĩ dự trữ thì cũng chưa chắc đã ngăn được lạm phát (nên nhớ kinh tế đang phát triển nóng), nhưng đây là chủ đề khác ngoài entry này).

Cũng chính dòng chảy vốn nước ngoài vào VN trong thời gian đó giúp cho VN có khả năng duy trì nominal exchange rate tương đối ổn định dù nhập siêu ngày càng lớn. Ngoài lý do khách quan này, về mặt chủ quan NHNN cũng có thể lưỡng lự không muốn phá giá VNĐ mạnh hơn vì lý do original sin và cũng chính vì mối lo lạm phát (nếu có các lý do chính trị nào khác thì chắc chỉ có chị Kim Hạnh mới biết). Tuy vậy, vấn đề original sin có thể không quá lớn vì private sector của VN chắc không nợ nước ngoài nhiều (tôi đoán vậy chứ không có số liệu, doanh nghiệp VN trừ những "ông kẹ" như Vietnam Airlines, Petrovietnam có chính phủ đứng đằng sau, vay trong nước còn khó ra ngoài ai dám cho vay), còn nợ chính phủ có lẽ đa phần còn trong giai đoạn ân hạn nên chưa phải trả nhiều lãi suất (trừ $750 triệu phát hành ở NY năm 2005).

Lo ngại về lạm phát là một lo ngại chính đáng, tuy nhiên cần phải phân tích kỹ hơn về ảnh hưởng của phá giá VNĐ vào lạm phát (exchange rate pass through). Nếu một phần lớn hàng nhập khẩu là nguyên liệu đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu, việc phá giá VNĐ sẽ không có nhiều hiệu quả kích thích xuất khẩu ở những ngành công nghiệp này. Tuy nhiên ảnh hưởng của phá giá vào lạm phát trong nước sẽ không nhiều (pass through thấp) vì rổ hàng hóa của người tiêu dùng trong nước có tỷ lệ hàng nhập khẩu không cao. Có lẽ ảnh hưởng lớn nhất vào lạm phát và tính cạnh tranh của hàng nội địa sau khi phá giá sẽ thông qua giá xăng dầu nhập khẩu. Trong một bài viết trước đây của tôi về ảnh hưởng của vụ tăng giá xăng 30% tháng 7/2008, chỉ số CPI sẽ tăng mạnh nhưng chỉ khoảng 1.47% trong tháng đầu tiên. Ngay cả nếu tốc độ tăng giá này kéo dài trong cả năm sau đó thì mức độ cạnh tranh của hàng VN nếu chỉ xét về giá vẫn được cải thiện. Do vậy, xét về khía cạnh tính cạnh tranh của hàng VN ngay trên thị trường nội địa, việc phá giá sẽ có tác dụng tích cực kể cả nếu các mặt hàng này dùng một phần nguyên liệu, bán thành phẩm ngoại nhập.  

Một hệ quả quan trọng của việc phá giá đồng nội tệ hoặc thả lỏng cơ chế quản lý tỷ giá để VNĐ tự điều chỉnh dần dần là dòng vốn nước ngoài chảy vào sẽ giảm sút. Trên quan điểm vĩ mô thì điều này tốt vì nó làm nền kinh tế cân bằng hơn và giảm bớt sức ép lạm phát. Nền kinh tế VN sẽ phát triển chậm lại, về đúng tốc độ tăng trưởng tự nhiên và bền vững của nó chứ không phải quá nóng như vài năm vừa rồi. Điều này có thể làm buồn lòng một số quan chức muốn chạy theo các con số tăng trưởng hoành tráng, nhưng sẽ đem lại một nền kinh tế ổn định và phồn vinh hơn cho VN trong dài hạn. Đây là điều tôi hoàn toàn đồng ý với anh Nguyễn Vạn Phú.


3 comments:

  1. xin chào chú giang. xin chú cho nhận xét về vấn đề GM hiện nay, khả năng nó phá sản có xảy ra kô, nếu có mĩ sẽ hứng chịu nhữgn gì thưa chú, từ kinh té đến thị trường tài chính lòng tin của dân chúng .... chân thành cảm ơn chú nhiều. Minh Tuấn

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn anh Giang đã có nhận xét về đồ thị trên SGTT. Anh có thể phân tích thêm về ảnh hưởng của tỷ giá trong ngoại thương của TQ-VN khi phải thanh toán qua đồng tiền thứ ba là USD và trong đó, vai trò của thương mại biên mậu có ảnh hưởng thế nào.

    ReplyDelete
  3. @Who: Cháu nên đọc bài này của Greg Mankiw để thấy các nhà kinh tế dự báo rất kém. Còn cụ thể về GM chú recommend bài này của Mankiw.

    @tieuly: Tôi đã trả lời một phần comment của bạn trong phần update bên trên. Vấn đề biên mậu rất quan trọng, nhưng nó thuộc phạm vi micro và tôi không có khả năng và thông tin để bình luận.

    Tôi không nghĩ việc thanh toán qua đồng tiền thứ 3 có ảnh hưởng gì lớn đến hoạt động ngoại thương giữa 2 nước. Đồng tiền thanh toán chỉ là phương tiện trao đổi chứ không ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng hóa.

    Giả sử TQ và VN thỏa thuận thanh toán mậu dịch hoàn toàn bằng NDT, nếu VN tiếp tục nhập siêu từ TQ NHNN VN sẽ phải vay NDT (qua swap lines chẳng hạn) để cung cấp cho doanh nghiệp nhập khẩu VN. Điều này có thể tăng một chút lợi thế cho hàng TQ vì các nhà nhập khẩu VN giảm bớt được rủi ro tỷ giá (và chi phí đổi VNĐ sang USD rồi sang NDT), nhưng lợi thế này không lớn bằng việc VNĐ đang bị overvalued quá nhiều và các loại micro advantages mà SGTT đã nêu ra.

    ReplyDelete

Note: Only a member of this blog may post a comment.